Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam : Đề cao Trung Quốc, nhắc tới Biển Đông và dẫn câu nói của Khổng Tử
RFA, 30/10/2023
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam hôm 30/10/2023 có phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn, Bắc Kinh trong đó có nhắc đến hai câu nói của Khổng Tử - là tư tưởng chính trị chính của nhà cách mạng Tôn Trung Sơn (Quốc phụ của Đài Loan).
Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn, Bắc Kinh hôm 30/10/2023 - AFP
Trung Quốc tổ chức Diễn đàn Hương Sơn (Xiangshan) lần thứ 10 với chủ đề "An ninh chung, duy trì hòa bình lâu dài", một cuộc tập hợp các quan chức quân sự và ngoại giao được coi là đối chọi với Hội nghị Shangri hàng năm tổ chứ ở Singapore.
Báo Quân đội nhân dân đăng toàn văn phát biểu của ông Phan Văn Giang, trong đó cho rằng Trung Quốc là quốc gia có nhiều đóng góp quan trọng trong hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu và khu vực thông qua nhiều sáng kiến hợp tác thiết thực như : Vành đai và Con đường, Sáng kiến phát triển toàn cầu, Sáng kiến văn minh toàn cầu, Sáng kiến an ninh toàn cầu, thúc đẩy nhóm nền kinh tế mới nổi (BRICS), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO),…
Những điều này thể hiện rõ tầm nhìn, trách nhiệm và mong muốn có được môi trường an ninh, hòa bình, hợp tác toàn diện, phát triển bền vững của Trung Quốc.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, những thành tựu trong gần 75 năm qua đã nâng vị thế của Trung Quốc lên tầm cao mới, với vai trò ngày càng lớn trên tất cả các lĩnh vực, không chỉ ở Châu Á - Thái Bình Dương mà còn trên phạm vi toàn cầu.
Ông Giang bày tỏ vui mừng với những thành tựu của Trung Quốc và tin tưởng rằng, "dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà hạt nhân là đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Trung Quốc tiếp tục phát triển thịnh vượng, vì hòa bình, ổn định, đóng góp nhiều hơn nữa vào hợp tác phát triển và giải quyết các thách thức an ninh chung ; thể hiện vai trò quan trọng, trách nhiệm đối với an ninh khu vực và thế giới".
Trong bài phát biểu của mình, ủy viên Bộ Chính trị kiêm Phó bí thư Quân ủy trung ương đề cập đến quan hệ giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho rằng "đang ngày càng phát triển tốt đẹp, trong đó tiến trình đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) bước đầu đã thu được kết quả tích cực".
Ông Phan Văn Giang bày tỏ tin tưởng rằng, "COC sẽ trở thành chuẩn mực ứng xử nhằm bảo đảm an ninh khu vực".
Nhắc lại chủ trương "bốn không" của Hà Nội trong lĩnh vực quốc phòng, Bộ trưởng quốc phòng giải thích rằng, "quan hệ hợp tác quốc phòng song phương của Việt Nam với các nước được thực hiện công khai, minh bạch và không làm phương hại đến lợi ích của các nước khác".
Ông Giang đưa ra năm trọng tâm với mong muốn các quốc gia cùng thực hiện, trong đó có" tôn trọng sự đa dạng, tính đặc thù, điều kiện riêng của từng quốc gia nhưng luôn hướng tới sự thống nhất, đồng thuận về nhận thức, trách nhiệm, hành động trước các vấn đề an ninh toàn cầu.
Kiên trì thúc đẩy hợp tác đa phương ; củng cố vững chắc, thực chất hơn nữa các thể chế đa phương cũng như cơ chế hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống của khu vực và thế giới".
Kết thúc phát biểu của mình, Đại tướng Việt Nam dẫn hai câu nói của Khổng Tử : "'Đại đạo chi hành, thiên hạ vi công', nghĩa là : Khi đạo lý lớn được thực thi thì thiên hạ là của chung. Tư tưởng này có thể hiểu rộng ra ở tầm quốc tế, khi đường lối chính trị cao cả, luật pháp, công lý quốc tế được tôn trọng, thực thi thì thế giới như ngôi nhà chung, các quốc gia đều bình đẳng, chung sống hòa bình, ổn định và phát triển".
Hai câu nói này của Khổng Tử được xem là một trong những lý luận chính trị chủ yếu của nhà cách mạng Tôn Trung Sơn, được Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) xem như Quốc phụ, nói về thế giới đại đồng.
Nguồn : RFA, 30/10/2023
******************************
Diễn Đàn quốc phòng Hương Sơn : Trung Quốc và Nga luân phiên đả kích Mỹ và phương Tây
Trọng Nghĩa, RFI, 30/10/2023
Nhân Diễn đàn quốc phòng Hương Sơn của Trung Quốc mở ra tại Bắc Kinh, giới lãnh đạo quân sự Bắc Kinh vào hôm nay, 30/10/2023, đã lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ cho dù vẫn tuyên bố sẽ tăng cường quan hệ quốc phòng với Washington. Đồng minh của Trung Quốc là Nga cũng tranh thủ diễn đàn để tố cáo phương Tây hiếu chiến.
Tướng Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, trước khi phát biểu khai mạc diễn đàng Hương Sơn, Bắc Kinh, ngày 30/10/2023. AP - Ng Han Guan
Trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn Hương Sơn, tướng Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, đã cáo buộc "một số quốc gia" đang "cố tình gây nên tình trạng hỗn loạn, can thiệp vào các vấn đề khu vực, xen vào công việc nội bộ của nước khác và xúi giục các cuộc cách mạng màu".
Theo hãng tin Anh Reuters, đây là những lời chỉ trích nhắm vào Hoa Kỳ và các đồng minh dù không nêu đích danh nước nào. Tuy nhiên, trong những phần khác của bài phát biểu, tướng Trương Hựu Hiệp cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải cải thiện quan hệ quân sự với Hoa Kỳ khi khẳng định rằng Trung Quốc "sẽ tăng cường hợp tác và phối hợp chiến lược với Nga và sẵn sàng phát triển quan hệ quân sự với Mỹ, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình và hợp tác đôi bên cùng có lợi".
Cùng một giọng điệu với chủ nhà Trung Quốc, trong phát biểu của mình, bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã lên tiếng cảnh báo phương Tây rằng việc tham gia vào cuộc chiến Ukraine sẽ tạo ra nguy cơ nghiêm trọng.
Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đã trích dẫn lời ông Shoigu theo đó : "Việc phương Tây liên tục leo thang xung đột với Nga hàm chứa nguy cơ làm dấy lên một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân, gây ra nhiều hậu quả thảm khốc".
Theo Reuters, phát biểu của giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc tại Diễn đàn Hương Sơn rất được chú ý theo dõi bối cảnh căng thẳng trên hai vấn đề Đài Loan và Biển Đông.
Bất chấp những nhận xét mang tính hòa giải về việc cải thiện quan hệ quân sự Trung-Mỹ, tướng Trương Hựu Hiệp và một số tướng lãnh khác của Quân đội Trung Quốc không đưa ra dấu hiệu nào về lập trường mềm mỏng, đặc biệt trong vấn đề Đài Loan.
Trong tham luận của mình, tướng Trương Hựu Hiệp tái khẳng định việc Đài Loan là "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc. Còn phát biểu tại một hội thảo hôm Chủ nhật 29/10/2023, trung tướng Hà Lôi (He Lei), viện phó Viện Hàn lâm Khoa học quân sự Trung Quốc, nói rằng nếu Trung Quốc phải sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan thì "đó sẽ là một cuộc chiến thống nhất, một cuộc chiến công bằng và chính đáng".
Diễn Đàn quốc phòng Hương Sơn tại Bắc Kinh đã mở ra từ Chủ nhật 29/10 mà không có mặt bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, người thường chủ trì sự kiện này, nhưng lại có sự tham gia của một phái đoàn Hoa Kỳ cấp thấp. Vẫn chưa biết là liệu phái đoàn Mỹ có tiếp xúc riêng với các quan chức quân sự Trung Quốc hay không.
Trọng Nghĩa
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch dự Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh, thăm Trung Quốc (VOA, 24/10/2018)
Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch sang Trung Quốc dự Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 8 về chủ đề Quản trị an ninh quốc tế, và sau đó thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 24 đến 28/10.
Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch. Ảnh minh họa
Tại Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 8, từ ngày 24 đến ngày 26/10, Đại tướng Ngô Xuân Lịch dự kiến sẽ đọc bài phát biểu "khẳng định vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm cao của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế và khu vực ; thể hiện quan điểm của Việt Nam về các vấn đề an ninh và phát triển", trang mạng VietnamPlus cho biết.
Tân Hoa Xã tường thuật rằng có hơn 500 đại biểu đến từ 67 quốc gia và 7 tổ chức trên thế giới tham dự Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 8.
Hãng tin của nhà nước Trung Quốc trích lời ông Bì Minh Dũng, Tổng Thư ký Diễn đàn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học quân sự Trung Quốc, cho biết chủ đề của Diễn đàn năm nay là "Xây dựng quan hệ đối tác an ninh kiểu mới bình đẳng, tin cậy, hợp tác cùng thắng", với 4 chương trình nghị sự : quan điểm mới và con đường mới quản trị an ninh quốc tế ; đe dọa và ứng phó chủ nghĩa khủng bố ; hiện thực và tầm nhìn hợp tác an ninh trên biển ; và thách thức và hợp tác trong gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
Theo trang Quân đội Nhân dân, sau diễn đàn, ông Lịch sẽ gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và chào xã giao lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc "nhằm tiếp tục góp phần duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống… tăng cường tin cậy chính trị".
https://youtu.be/2hAgDc6AtmY?list=PL231429C17BE39E34
****************
Trung Quốc thông xe cầu xuyên biển dài nhất thế giới, tới Hong Kong, Macau (VOA, 24/10/2018)
Trung Quốc vừa khánh thành chiếc cầu dài nhất thế giới vượt đại dương nối đại lục với Hong Kong và Macau, một dấu hiệu mới nhất của việc thắt chặt hơn nữa sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với các lãnh thổ bán tự trị.
Toàn cảnh cây cầu nối Hong Kong và Macau với đại lục Trung Quốc trong ngày khánh thành hôm 23/10 tại Chu Hải, thành phố phía nam của nước này.
Hôm 24/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo của ba thành phố đã cắt băng khánh thành tại thành phố Chu Hải, phía nam Trung Quốc, với màn bắn pháo hoa điện tử trên một màn hình lớn phía sau.
Chiếc cầu dài 55km có một đoạn hầm chui xuyên biển, nối thành phố Chu Hải với trung tâm tài chính Hong Kong và khu sòng bạc Macau ngang qua đồng bằng Châu thổ Châu Giang.
Hong Kong và Macau là hai đặc khu hành chính và kinh tế của Trung Quốc.
Việc xây dựng cầu được bắt đầu năm 2009, trải qua nhiều khó khăn như chậm tiến độ, đội vốn, giới quản lý tham nhũng và công nhân thiệt mạng trong lúc quá trình thi công, theo AFP. Tổng kinh phí được ước tính lên đến 20 tỷ USD.
Có ít nhất 10 công nhân đã thiệt mạng trong thời gian 9 năm xây dựng cầu và những người bảo vệ môi trường đưa ra lo ngại khả năng ảnh hưởng không tốt tới những chú cá voi trắng của Trung Quốc đang có nguy cơ tiệt chủng, theo New York Times.
Chiếc cầu nối Chu Hải-Hong Kong-Macau được thông xe chỉ một tháng sau khi Trung Quốc mở tuyến đường sắt cao tốc mới nối Hong Kong với đại lục. Điều này gây thêm lo ngại rằng Bắc Kinh đang dần dần xâm lấn vào sự tự do mà các khu tự trị này đã có theo cơ chế "một quốc gia, hai chế độ" được thiết lập khi Anh trao trả lại quyền kiểm soát cho Trung Quốc vào năm 1997.
******************
‘Vua giày chạy bộ’ Brooks Running cân nhắc bỏ Trung Quốc, sang Việt Nam (VOA, 23/10/2018)
Brooks Running được mệnh danh là ‘Vua giày chạy bộ chuyên nghiệp’ đang cân nhắc giải pháp bỏ Trung Quốc để chuyển một số hoạt động sang Việt Nam vì hậu quả của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Giám đốc điều hành công ty Jim Weber nói trên CNBC.
Tỷ phú Mỹ Warren Buffett, Chủ tịch/CEO tập đoàn Berkshire Hathaway, sở hữu 'Vua giầy chạy bộ' Brooks Running. Ảnh chụp ở Omaha, Nebrasja, ngày 7/5/2018. (AP Photo/Nati Harnik)
Brooks Running là công ty thuộc quyền sở hữu của tập đoàn Bershire Hathaway của tỷ phú Mỹ Warren Buffett từ 2006. Sau đó được cho tách ra thành một công ty độc lập, với giám đốc Weber báo cáo trực tiếp cho tỷ phú Buffett.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình tài chính "Squawk Box" của đài CNBC, Jim Weber nói công ty Brooks Running đang chuẩn bị ứng phó với thuế xuất 25% phụ trội cộng thêm với mức thuế 20% đã đánh trên các loại giày thể thao mang thương hiệu này.
Hoa Kỳ và Trung Quốc đang đối đầu trong một cuộc chiến tranh thương mại ngày càng leo thang, giữa lúc hai bên liên tiếp áp đặt thuế quan lên hàng hóa của nhau.
Gần đây nhất, Hoa Kỳ áp thuế quan lên 200 tỉ đôla hàng hóa nhập từ Trung Quốc, Bắc Kinh trả đũa bằng cách áp thuế lên hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỉ đôla.
Trong mấy tuần gần đây, một số công ty công nghiệp Mỹ đã bày tỏ quan ngại về tác động tiêu cực của cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đối với các doanh nghiệp của họ.
Hồi tháng trước, Ford, công ty sản xuất ô tô lớn thứ nhì của Mỹ, cho biết công ty này đãthua lỗ 1 tỉ USD do các sắc thuế đánh trên kim loại nhập vào Hoa Kỳ.
CEO Jim Weber nói với đài CNBC rằng nếu công ty Brooks Running dời hoạt động sang Việt Nam hay một nơi nào khác, thì quyết định này sẽ vĩnh viễn, tức là sẽ không được lật ngược, bởi vì, theo lời ông, "chúng tôi không thể đánh đu với đường dây cung cấp của chúng tôi".
Mới năm ngoái, Brooks mở rộng hoạt động sang thị trường Trung Quốc và Brazil sau khi thành công lớn tại Châu Âu,Nhật Bản và Canada.