Ảnh hưởng Trung Quốc hạn chế dân chủ tại Việt Nam (RFA, 19/01/2018)
Tổ chức Freedom House, trụ sở tại Hoa Kỳ, vào ngày 16 tháng một công bố phúc trình thường niên về dân chủ trên thế giới năm 2018. Theo đó Việt Nam lại bị xếp vào số quốc gia không có tự do. Theo tổ chức này, tại Việt Nam, quyền tự do được xếp hạng 6/7, trong đó hạng 7 là những quốc gia mất tự do nhất. Phóng viên Mỹ Lan của Đài Á Châu Tự Do đã có cuộc phỏng vấn ngắn với ông Arch Puddington, đại diện tổ chức Freedom House về vấn đề này.
Ông Arch Puddington - Courtesy Freedom House
Mỹ Lan : Theo báo cáo mới nhất của Freedom House về dân chủ trên toàn thế giới, Việt Nam lại tiếp tục nằm trong danh sách các nước không có tự do trong nhiều khía cạnh. Ông có thể cho chúng tôi biết thêm về bảng xếp hạng này ?
Arch Puddington : Về cơ bản, Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong số các quốc gia không có tự do. Chúng tôi đánh giá điều này dựa trên những tiêu chí liên quan đến các quyền tự do về chính trị, mức độ tham nhũng, cải cách dân chủ, tự do báo chí, tự do internet…Tại Việt Nam vẫn còn diễn ra những cuộc đàn áp dân chủ và báo chí thì bị kiểm soát hết sức gắt gao. Đó là lý do vì sao chúng tôi xếp Việt Nam vào nhóm các nước không có tự do nhất trên thế giới hiện nay.
Mỹ Lan : Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Tổ chức Ân xá quốc tế, Ủy ban Bảo vệ Các nhà báo ... nêu ra đợt đàn áp nặng nề đối với giới bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động … ở Việt Nam năm ngoái, tại sao chính phủ Việt Nam lại áp dụng biện pháp khắc nghiệt như vậy ?
Arch Puddington : Tôi cũng không biết rõ vì sao họ lại làm như vây ? Đâu là động cơ của hành động đàn áp này ? Mặc dù chính quyền không điều động công an hay quân đội đàn áp công khai nhưng những người bất đồng chính kiến thường bị hành hung bởi những công an mặc thường phục, dân thường và chủ yếu là bị côn đồ tấn công. Cũng giống như các tổ chức khác, chúng tôi quan ngại về hành động này và đây là bằng chứng cho thấy Việt Nam không có sự thay đổi nào đáng kể về tự do dân chủ.
Mỹ Lan : Trong khu vực, xu hướng hạn chế dân chủ đang trở nên phổ biến hơn như ở Thái Lan, Campuchia ... Xu hướng này ảnh hưởng như thế nào đối với Việt Nam ?
Arch Puddington : Tất nhiên Việt Nam không nằm ngoài xu thế này rồi. Bạn có thể thấy giờ đây Campuchia hầu như chỉ còn duy nhất một đảng cầm quyền. Thái Lan cũng đã thông qua luật cải cách cho phép quân đội duy trì quyền lực. Bạn cũng có thể thấy Myammar gặp rất nhiều khó khăn để duy trì nền dân chủ hay như tại Philippines, chính sách của Tổng thống Duterte cũng đang gây tác động không nhỏ tới nền dân chủ nước này. Tại Việt Nam, dân chủ còn bị đàn áp mạnh hơn và có thể nói Việt Nam đang là quốc gia đàn áp dân chủ nhất trong số các nước trong khu vực.
Mỹ Lan : Ông thấy các xã hội dân sự độc lập có thể giúp nâng cao nhận thức của công chúng về dân chủ ở mức độ nào ?
Arch Puddington : Thế giới hiện nay đã có sự liên kết mạnh mẽ hơn, mạng xã hội và internet cho phép người dân có được thông tin về những gì đã và đang diễn ra bên ngoài đất nước mình. Điều này không ngoại lệ đối với người dân Việt Nam. Ngày càng có nhiều người Việt Nam nhận thức được quyền lợi của người dân và gây áp lực đối với chính phủ yêu cầu cải thiện chất lượng cuộc sống. Các nhà bất đồng chính kiến, các luật sư dân chủ là một trong số những người tham gia tích cực vào các hoạt động này và tôi tin rằng trong tương lai sẽ có những thay đổi tích cực hơn.
Mỹ Lan : Ông có nghĩ rằng hành xử của chính phủ Hà Nội sẽ khiến người dân ý thức về tình trạng bất bình đẳng xã hội ?
Arch Puddington : Về điều này thì tôi không dám chắc. Tôi chỉ muốn nói rằng nếu như bạn có bạn bè ở Châu Âu hay Hoa Kỳ thì bạn có thể thấy tự do dân chủ ở đây được tôn trọng như thế nào và người dân đều có quyền gây áp lực yêu cầu chính phủ thay đổi. Còn ở Việt Nam thì tự do dân chủ vẫn đang bị kiểm soát và một trong những lý do chính là liên quan tới Trung Quốc, nơi mà quyền tự do dân chủ của người dân cũng đang bị kiểm soát chặt chẽ. Trung Quốc có ảnh hưởng quá lớn đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á thế nên tôi nghĩ rằng nếu như Hoa Kỳ không có chính sách can thiệp thì Trung Quốc sẽ giữ thế kiểm soát hoàn toàn và kết cục là bầu không khí dân chủ tại khu vực sẽ ngày càng tồi tệ hơn.
*********************
Việt Nam yêu cầu quốc tế 'khách quan thành tựu nhân quyền' (VOA, 19/01/2018)
Trả lời báo giới trong cuộc họp thường kỳ ngày 18/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng yêu cầu cộng đồng quốc tế "có cái nhìn khách quan, toàn diện, cân bằng về nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tại cuộc họp báo ngày 18/1/2018.
Phát biểu của bà Hằng được đưa ra ngay sau khi tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) công bố phúc trình hằng năm về vấn đề nhân quyền trên thế giới. Phúc trình nói Việt Nam gia tăng đáng kể việc đàn áp các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền trong năm 2017.
"Nhân quyền là giá trị chung của nhân loại, song vẫn có những sự khác biệt về cách tiếp cận và ưu tiên về quyền con người, xuất phát từ khác biệt về lịch sử, văn hóa, thể chế chính trị, trình độ phát triển", bà Hằng trả lời câu hỏi của báo chí về quan điểm của Việt Nam đối với việc một số đối tác bày tỏ quan tâm về nhân quyền ở Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói thêm rằng Việt Nam trong những năm qua đã "đạt được những tiến bộ rất quan trọng trong lĩnh vực thúc đẩy quyền con người" qua việc duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định, không ngừng cải thiện mức sống của người dân, đảm bảo quyền thụ hưởng và bảo vệ các quyền con người khác.
Theo tường thuật của báo Tiền Phong, khi đại diện Đại sứ quán Nigeria cho rằng các cơ sở giam giữ của Việt Nam có điều kiện kém, bà Hằng nói rằng bà chưa đi thăm cơ sở nào có điều kiện kém như mô tả và khẳng định Việt Nam luôn nỗ lực để duy trì điều kiện tốt nhất cho người bị giam giữ.
Trong cùng ngày, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố sách "Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam" với 3 phiên bản tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp.
Cuốn sách gồm 4 chương, với nội dung được cho biết là về quan điểm, chính sách, luật pháp, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền.
Theo phúc trình của tổ chức Theo dõi Nhân quyền, trong năm qua, có ít nhất 24 người tại Việt Nam bị kết án vì đã viết bài và vận động cho dân chủ, nhân quyền, nổi bật là trường hợp của blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) bị kết án 10 năm tù ; nhà hoạt động Trần Thị Nga 9 năm tù ; nhà hoạt động Phan Kim Khánh, 6 năm tù ; và nhà báo tự do Nguyễn Văn Hóa, bị kết án 7 năm tù.
Ngoài ra, trong 14 tháng qua, công an Việt Nam đã bắt ít nhất 28 người về các tội danh liên quan tới "an ninh quốc gia" nhằm trừng phạt những tiếng nói bất đồng.
Phúc trình nói thêm rằng có ít nhất 119 người ở Việt Nam đang phải thi hành các án tù nặng nề vì đã thể hiện quan điểm phê phán chính quyền, tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa, gia nhập các nhóm tôn giáo không được chính quyền phê chuẩn, hoặc tham gia các tổ chức dân sự hoặc chính trị bị đảng cầm quyền cho là một mối nguy đối với quyền lực độc tôn của mình.