Dân bắt giữ nhiều công an để đòi thả người chống cưỡng chế đất (RFI, 16/04/2017)
Hôm 15/04/2017, tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, đã xảy ra một cuộc đối đầu giữa lực lượng công an địa phương với người dân sở tại, liên quan đến một cuộc cưỡng chế đất. Mâu thuẫn bùng phát sau khi chính quyền bất ngờ bắt giữ một số người đại diện cho dân trong tranh chấp nói trên. Dân làng đã bắt giữ nhiều nhân viên cảnh sát để đòi chuộc người. Người dân Đồng Tâm phản đối việc chính quyền trưng thu đất trái phép.
Huyện Mỹ Đức (màu hồng) nằm ở phía tây nam trung tâm thủ đô Hà Nội (Việt Nam). Wikipédia
Qua điện thoại, RFI tiếng Việt tiếp xúc được với một người dân xã Đồng Tâm. Người này xác nhận vụ việc và cho biết khoảng 20 cảnh sát cơ động vẫn bị tạm giữ.
Yêu sách của người dân là chính quyền trả tự do ngay cho 15 cựu chiến binh, đại diện cho dân xã Đồng Tâm. Về vụ "trưng thu đất", người dân yêu cầu chính quyền trung ương làm sáng tỏ, chính quyền huyện, xã bị nghi ngờ đã "bán khống" hơn 50 hecta đất nông nghiệp cho công ty quân đội Viettel.
RFI cũng liên lạc được trực tiếp với ông Nguyễn Văn Hoạt, chủ tịch huyện Mỹ Đức. Nhưng ông Hoạt nói ông chỉ thuộc thành phần "nắm một số thông tin phối hợp", và cơ quan phụ trách chính vụ việc này là Sở Công An Hà Nội.
Báo chí trong nước hôm nay cho biết công an Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án "gây rối trật tự công cộng tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội", sau vụ việc một số "cán bộ, chiến sĩ công an Thành phố Hà Hội" bị bắt giữ. Tuy nhiên, không có thông tin nào giải thích lý do dẫn đến xung đột này.
Về các bất bình liên quan đến đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, cách đây ít năm báo Hà Nội Mới, một tờ báo của chính quyền thủ đô, từng đưa tin chính quyền địa phương "phù phép" biến đất công thành đất tư.
Theo giới quan sát, xung đột đất đai xảy ra phổ biến tại Việt Nam. Năm 2012, ông Đoàn Văn Vươn, một chủ trang trại tại Hải Phòng đã dùng vũ khí tự tạo để chống lại lực lượng trưng thu đất, khiến sáu nhân viên chính quyền bị thương. Ông Vươn, bị kết án năm năm tù, nhưng trường hợp của ông đã trở thành một biểu tượng cho sự bất bình trong dân chúng, chống lại việc cưỡng đoạt đất đai, do một số thế lực trong chính quyền hay doanh nghiệp tiến hành nhân danh Nhà nước. Một số lãnh đạo chính quyền chỉ huy vụ trưng thu này sau đó đã bị kỷ luật, cách chức.
Trọng Thành
***********************
Dân Đồng Tâm, Mỹ Đức bắt người, đối đầu với công an (BBC, 16/04/2017)
Đã xảy ra tình trạng đối đầu giữa người dân ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, với giới chức trong ngày thứ Bảy 15/4.
Đối đầu giữa người dân Đồng Tâm với công an hôm thứ Bảy 15/4
Được biết vụ việc có liên quan tới chuyện thu hồi đất đai, vốn đã khiến người dân theo kiện từ nhiều năm nay.
Dân địa phương cáo buộc chính quyền cấp xã và cấp huyện muốn lấy đất nông nghiệp để trao cho công ty Viettel làm dự án.
Một người dân giấu tên nói với BBC : "Chúng tôi đã khởi kiện từ năm năm nay, nhưng không được ai đứng ra bênh vực".
"Sáng nay, chính quyền mời những người chủ chốt, đại diện cho dân khởi kiện chuyện tham nhũng đất đai, ra khu vực đất đang tranh chấp để cùng đo đạc, xác định mốc, ranh giới giữa đất quốc phòng và đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm".
"Khi vừa tới thì họ vật các ông ấy ra, toàn là những người cao tuổi, có một cụ năm nay 83 tuổi, là thương binh với 60 năm tuổi đảng cũng bị vật ra, vứt lên ô tô".
"Họ bắt đi cả năm người. Không hề có lệnh bắt người gì hết. Lúc đó là khoảng hơn 10 giờ sáng".
Được biết sau đó người dân đã đuổi theo đòi thả người, dẫn đến tình trạng xô xát khiến một thanh niên Đồng Tâm bị thương tích phải đi bệnh viện cấp cứu.
Video clip lan truyền trên mạng xã hội cho thấy lực lượng công an có lúc phải rút lui trước sự phản ứng dữ dội của người dân
'Tình hình vẫn rất căng thẳng'
Lực lượng công an đã được tăng cường tới địa bàn từ buổi trưa, công an huyện nói với BBC.
Tình trạng đối đầu dâng cao với việc dân địa phương bắt giữ khoảng 10 người và đem nhốt vào Nhà Văn hóa xã, mà họ nói là "chỉ để nhằm trao đổi, để mong chính quyền thả năm người Đồng Tâm bị bắt đi".
Ngoài ra, dân địa phương cho biết họ cũng giữ một số xe cộ có gắn biển số xanh.
Vào đêm muộn, công an, cảnh sát cơ động và các lực lượng hỗ trợ khoảng vài trăm người vẫn đang có mặt tại chỗ.
"Nếu họ vào thì dân phải chống cự để bảo vệ đất, bảo vệ người. Bây giờ dân không dám về ngủ. Chỉ mong Chính phủ sớm can thiệp để giúp dân, chúng tôi không biết làm thế nào", người dân địa phương nói với BBC lúc khoảng gần 11 giờ đêm.
Trực ban Công an Huyện Mỹ Đức cho BBC biết toàn bộ lực lượng đã được cử tới địa bàn bởi 'tình hình vẫn rất căng thẳng'.
"Thông tin đã nắm được từ chiều hôm trước, nhưng trưa hôm nay công an huyện mới xuống xã để tăng cường lực lượng. Tình hình trở nên căng thẳng từ buổi trưa".
************************
Dân làng 'xô xát' với công an vì đất đai ở Hà Nội (VOA, 16/04/2017)
Nhiều đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội, được cho ghi lại cảnh người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, đương đầu với công an và lực lượng an ninh, sau khi "bị chính quyền cưỡng chế đất và không đền bù".
Cảnh công an tháo chạy khi bị dân làng Đồng Tâm truy đuổi.
Một đoạn video ngắn đăng tải trên Facebook của một tài khoản có tên Thái Văn Đường cho thấy một nhóm cảnh sát, trong đó có một số mặc áo chống đạn và cầm dùi cui, tháo chạy khi bị người dân dùng gạch, đá để truy đuổi.
Có thể nghe thấy những tiếng hét "không chạy", "không chạy" chưa rõ là từ ai trong đoạn video mà VOA Việt Ngữ không thể kiểm chứng.
Trong đoạn clip dài hơn 1 phút, cũng có thể nghe thấy một nhân viên công vụ dùng loa để cảnh báo rằng "những ai chống đối sẽ bị xử lý".
Một người dân không muốn nêu tên xác nhận với VOA Việt Ngữ qua điện thoại rằng vụ việc xảy ra hôm 14/4, đồng thời cho biết thêm rằng "người dân còn bắt giữ công an cơ động" khi lực lượng này tới cưỡng chế đất, trong vụ kiện tụng kéo dài nhiều năm nay.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng xô xát vì cưỡng chế đất. Trong ảnh là Công an cưỡng chế nông dân xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, năm 2012.
Một bức ảnh đăng trên Facebook cho thấy khoảng 20 người mặc quân phục của cảnh sát cơ động đã bị người dân bắt giữ trong một căn phòng đóng kín cửa, và bên ngoài có đông người đứng xem. Hiện chưa rõ những người này đã được thả hay chưa.
VOA Việt Ngữ không thể kiểm chứng độc lập bức ảnh này.Khuya 15/4, VOA Việt Ngữ đã gọi điện liên lạc với công an huyện Mỹ Đức nhưng không có ai bắt máy.
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng đối đầu giữa người dân và lực lượng thi hành công vụ liên quan tới chuyện giải tỏa đất ở Việt Nam.
Báo chí trong nước chưa thấy loan tải thông tin về sự vụ xảy ra ngày 15/4, nhưng năm 2014, từng đưa tin về tình trạng người dân khiếu kiện tình trạng "tham nhũng đất đai" tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Thành phố Hà Nội khi đó còn yêu cầu "kiểm tra, xử lý thông tin chính quyền xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức ‘phù phép’ đất công thành đất tư".
***********************
Hà Nội khởi tố vụ Đồng Tâm vào lúc tình hình vẫn bế tắc (VOA, 16/04/2017)
Cho đến 6g30 chiều ngày 16/4, tình hình vụ tranh chấp đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, vẫn bế tắc.
Lực lượng công an kéo vào dày đặt chuẩn bịa đàn áp dân ngày 15/4/2017
Thông tin VOA nhận được từ một số người địa phương và nhà hoạt động Lê Văn Dũng cho hay người dân vẫn giữ 22 lính cảnh sát cơ động, trong khi phía chính quyền chưa thả 15 người dân họ đã bắt trước đó. Tin từ địa phương khẳng định hai bên chưa có đối thoại về việc trao đổi những người đang bị cầm giữ này.
Trong khi đó, Thông tấn xã Việt Nam và một số báo lớn trong nước đưa tin vào chiều 16/4 rằng Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng xảy ra tại xã Đồng Tâm. Tin cho hay công an thành phố đã "bắt giữ 4 công dân" liên quan đến vụ này.
Bản tin ngắn cũng nói "cơ quan chức năng" đang tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm "ổn định tình hình an ninh trật tự" tại xã Đồng Tâm, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Vào thời điểm sau 5 giờ chiều, những người tại địa phương cho biết có rất đông công an "bao vây" xã.
Cùng thời điểm, thông qua trung gian là ông Lê Văn Dũng, còn được biết đến trên mạng xã hội với tên Le Dung Vova, người dân Đồng Tâm đã đồng ý cho 3 nhà báo của báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đi vào xã để "quay, ghi tư liệu xem những lính công an cơ động sức khỏe như thế nào, được đối xử như thế nào".
Ông Dũng nói với VOA vào đầu giờ buổi tối 16/4 rằng điện đã được cấp lại cho xã, một vài số điện thoại di động đã có thể liên lạc với bên ngoài, song internet vẫn chưa kết nối được.
Vụ xô xát giữa người dân Đồng Tâm và công an nổ ra hôm 15/4 khi chính quyền tìm cách thu hồi đất ở địa phương để trao cho công ty Viettel làm dự án.
Người dân nói đất của họ là đất nông nghiệp trong khi chính quyền cho rằng đó là "đất quốc phòng". Người dân đã kiện ra tòa về tranh chấp này trong nhiều năm nhưng không có một kết luận rõ ràng về vụ này.
Sáng 15/4, chính quyền sử dụng nhiều nhân viên công an để thu hồi đất không có đền bù, nhưng đã bị người dân xã chống trả quyết liệt, giữ lại hơn 20 lính cảnh sát cơ động, không cho ra khỏi xã. Đồng thời, người dân cáo buộc chính quyền đã dùng vũ lực bắt đi 15 người, đánh đập làm 1 thanh niên bị thương nặng. Người này đã được người dân đưa đi cấp cứu và hiện đang được điều trị ở bệnh viện Chúc Sơn.
VOA đã liên lạc với công an huyện Mỹ Đức để xác minh thông tin song không nhận được câu trả lời.
Trong nhiều năm gần đây, đã xảy ra những vụ tranh chấp đất đai lớn ở Việt Nam. Luật pháp của đất nước không công nhận quyền sở hữu đất của các cá nhân mà họ chỉ có "quyền sử dụng đất", trong khi luật cho phép chính quyền có quyền thu hồi đất "để phát triển các dự án kinh tế quan trọng".
Sau khi thông tin về vụ đụng độ ở Đồng Tâm lan truyền trên mạng xã hội, đã xuất hiện lời gợi ý hoặc kêu gọi từ nhiều người về việc tẩy chay hãng Viettel do vụ tranh chấp đất đai này.
********************
TTXVN : 'Dân Đồng Tâm cản trở, giữ người trái luật' (BBC, 16/04/2017)
Vụ người dân ở Mỹ Đức, Hà Nội bắt giữ cảnh sát cơ động vẫn chưa có hồi kết trong tranh chấp đất đai.
Các cảnh sát cơ động bị người dân Đồng Tâm cầm giữ hôm 15/4/2017. Citizen photo
Bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam đề cập về việc Công an Hà Nội vừa bắt giữ bốn công dân gây rối trật tự ở địa bàn này.
"Ngày 16/4, Công an thành phố Hà Nội cho biết ngày 30/3/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội theo quy định tại Điều 245-Bộ luật Hình sự", bản tin cho hay.
"Ngày 15/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt giữ bốn công dân về hành vi gây rối trật tự công cộng để điều tra, làm rõ".
"Một số công dân do thiếu hiểu biết pháp luật đã có hành vi cản trở và tổ chức giữ người trái pháp luật đối với cán bộ chiến sĩ công an Hà Nội", Thông Tấn Xã Việt Nam cho hay.
Hôm 16/4, qua điện thoại, người trực ban của Công an huyện Mỹ Đức đề nghị không nêu danh tính, nói với BBC : "Có xảy ra việc người dân bắt giữ tổng cộng 32 người gồm cảnh sát cơ động và một số người thuộc ban ngành khác từ hôm qua".
"Hiện chưa có thông tin gì thêm về những người này và họ chưa có liên lạc về đơn vị".
"Về thông tin những người này bị tẩm dầu vào quần áo như trên mạng xã hội đưa tin thì chưa được xác thực".
"Hiện Công an huyện Mỹ Đức đang tăng cường quân xuống địa bàn này".
BBC gọi cho ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội nhưng ông nói "Tôi đang bận" và cúp máy.
'Quyền lợi chính đáng'
Trả lời BBC hôm 16/4, nhà hoạt động Lã Việt Dũng, người vừa tiếp cận người dân Đồng Tâm, Mỹ Đức, nói : "Do tôi bị báo nhà nước tuyên truyền là 'phản động' nên bà con vùng này nói rõ là họ muốn thông điệp của họ không bị hiểu sai đi".
"Họ nói họ chỉ đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng, không đấu tranh chính trị, tôn giáo nên đề nghị các đảng phái, các nhóm dân sự độc lập, các tổ chức tôn giáo chỉ trợ giúp từ xa, không cử người đến đưa tin để làm phức tạp thêm tình hình".
"Bà con muốn nói rằng việc cưỡng chế đất đai ở đây là hoàn toàn sai trái".
"Người dân không động vào đất quân sự mà chỉ muốn bảo vệ đất nông nghiệp của họ".
Ông Dũng cũng cho hay rằng người dân nói những cảnh sát cơ động bị bắt giữ "được cho ăn uống đầy đủ, cho gọi điện về gia đình đề nghị làm giấy bảo lãnh đến nhận người và không ai trong số này bị thương tích".
"Giờ thì người dân ở Mỹ Đức rất đoàn kết đồng lòng và chỉ mong muốn trung ương cử đại diện xuống giải quyết thấu đáo".
"Tôi rất mong chính quyền trung ương có biện pháp giải quyết ôn hòa và xem vấn đề đất đai là vấn đề cốt tử của đảng Cộng sản Việt Nam".
Cùng ngày, ông Nguyễn Đình Hà, luật gia, cựu ứng viên tự đề cử đại biểu Quốc hội năm ngoái, nói với BBC : "Theo tôi thấy, đây là thành quả chống "diễn biến hòa bình" của đảng Cộng sản và chính quyền Việt Nam, khi mà người dân đã phải chọn bạo lực để bảo vệ cuộc sống và đất đai của họ.
"Chúng ta cũng thấy rằng, nguyên nhân xuất phát ban đầu là từ hành xử và thái độ của chính quyền đối với người dân".
"Chính quyền chọn vũ lực và trấn áp, có sử dụng cả xã hội đen, dẫn đến việc người dân "con giun xéo mãi cũng quằn" mà phải phòng vệ lại bằng bạo lực".
"Vấn đề đất đai hiện đang nhức nhối trong xã hội Việt Nam, bởi chính sách sở hữu đất đai bất cập, khiến quyền lợi của người dân bị đe dọa và không được bảo vệ trong hệ thống tư pháp không độc lập".
Ông Hà cũng nói thêm : "Một khi chính quyền hành xử không theo luật, thì đừng đòi hỏi người dân phải làm theo luật hay hiểu pháp luật. Thượng bất chính, hạ tắc loạn".
"Tôi nghĩ rằng, nếu muốn giải quyết vấn đề, phía chính quyền nên thay đổi tư duy, thái độ và lối hành xử của họ đối với người dân và tôn trọng các giá trị pháp quyền, nhân quyền".
Hôm 16/4, BBC đã liên hệ Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức nhưng không nhận được phản hồi.
Năm 2010 cũng tại huyện Mỹ Đức đã xảy ra ra vụ giáo xứ Đồng Chiêm va chạm với chính quyền.
Truyền thông nhà nước thời điểm ấy tường thuật : "Việc Ban hành giáo của giáo xứ Đồng Chiêm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, tự ý xây dựng trái phép Thánh giá trên đỉnh núi Chẽ thuộc thôn Đồng Chiêm đã gây bức xúc trong dư luận".
"Cơ quan chức năng đã tiến hành tháo dỡ công trình trái phép này theo đúng trình tự pháp luật".
"Việc linh mục Nguyễn Văn Hữu kích động giáo dân và các phần tử khác chống đối lại chính sách nhà nước, bóp méo sự thật khiến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã An Phú trở nên phức tạp", trang VietnamNet năm 2010 viết.
Sau vụ này AFP có bài nói phóng viên người nước ngoài của họ bị chính quyền ngăn không đến huyện Mỹ Đức ' vì lệnh cấm từ trên'.