Tổ chức Dự án 88 (Project88) ngày 19/12 công bố một báo cáo mới nêu bật hàng loạt vi phạm nhân quyền của Nhà nước Việt Nam trong năm 2022 và đầu năm 2023 trong đó có việc cưỡng bức điều trị tâm thần đối với nhiều tù nhân chính trị mà gia đình họ không hề hay biết.
Dự án 88
Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thúy Hạnh là một trong những trường hợp như vậy, bà bị bắt tạm giam hồi tháng 04/2021 và một năm sau đó bà bị chuyển từ trại tạm giam Văn Hoà, Hà Nội đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương và bị giữ ở đó cho đến nay.
Theo Dự án 88, người thân của bà Hạnh trong cuộc thăm gặp gần đây cho biết, bà bị buộc uống thuốc hai lần một ngày, nếu từ chối uống thuốc sẽ bị trói và buộc phải uống.
Mỗi phòng ở bệnh viện này rộng khoảng 15 m2 và chứa bảy bệnh nhân, hầu hết đều phạm tội nghiêm trọng như giết vợ/chồng hoặc con cái.
Cựu tù nhân lương tâm Lê Anh Hùng, người bị đưa vào bệnh viện tâm thần và điều trị bắt buộc trong thời gian hơn ba năm, từ ngày 05/6/2019 đến ngày 10/5/2022, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 20/12 :
"Sau hai lần bị đưa vào Viện Pháp y Tâm thần Trung ương giám định thì đến ngày 06/5/2019, tôi bị chuyển vào Viện Pháp Y Tâm thần Trung ương để điều trị bắt buộc, tức là người ta đối xử với tôi như một bệnh nhân tâm thần.
Họ bắt tôi phải uống thuốc tâm thần. Nếu tôi từ chối uống thuốc, họ trói tôi vào giường rồi tiêm thuốc vào người. Đó là một thời gian thực sự kinh hoàng đối với tôi".
Báo cáo mới nhất này được công bố chỉ vài ngày sau khi kết thúc hội nghị COP28, tại đó Việt Nam đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) trị giá 15,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo tổ chức chuyên vận động nhân quyền cho Việt Nam, đằng sau những cánh cửa đóng kín, các tài liệu ngoại giao nội bộ cho thấy một số người vẫn cảm thấy không hài lòng với thỏa thuận này, cụ thể là việc Việt Nam bỏ tù nhiều người hoạt động môi trường nổi bật từ năm 2021 đến nay.
Ông Ben Swanton, đồng giám đốc của Dự án 88 nói trong tin nhắn gửi RFA trong ngày 19/12.
"Kể từ khi Nguyễn Phú Trọng kéo dài thêm nhiệm kỳ của ông ta vào năm 2019, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng đàn áp các nhà hoạt động, bất đồng chính kiến và xã hội dân sự bắt đầu từ năm 2016 như một phản ứng đối với phong trào biểu tình Formosa.
Chúng tôi thấy điều này trong việc tăng cường truy tố hình sự các blogger và gia tăng các hạn chế đối với các tổ chức địa phương dựa vào nguồn tài trợ nước ngoài, cũng như việc hình sự hóa báo chí tự do và báo chí độc lập, luật sư nhân quyền, hoạt động chính sách và các phong trào xã hội dân sự",
Dự án đặt tên theo Điều luật 88 của Bộ luật hình sự cũ quy định về tội danh "tuyên truyền chống nhà nước" trong báo cáo cho rằng, "Hậu quả của chiến dịch phối hợp chống lại giới bất đồng chính kiến trong những năm gần đây đã phá hủy hầu hết xã hội dân sự và báo chí độc lập trong nước.
Hiện nay, Chính phủ ngày càng nhắm mục tiêu vào các nhà hoạt động bên ngoài các phong trào đó, chẳng hạn như các blogger có lượng người theo dõi trực tuyến lớn, các cá nhân tham gia hoạt động chính sách và nghiên cứu về biến đổi khí hậu, và các luật sư nhân quyền".
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về báo cáo của Dự án 88 nhưng chưa nhận được ngay phản hồi. Cơ quan này thường không trả lời các email của RFA.
Dự án 88 nhắc đến việc đàn áp sáu nhà hoạt động môi trường và lãnh đạo xã hội dân sự có đăng ký trong thời gian 2021-2023. Đó là việc bắt giữ luật sư Đặng Đình Bách, nhà báo Mai Phan Lợi, ông Bạch Hồng Dương, anh hùng môi trường Nguỵ Thị Khanh, bà Hoàng Thị Minh Hồng với cáo buộc "trốn thuế" và sau đó họ bị kết án tù từ 20 tháng tù đến năm năm.
Gần đây nhất là vụ bắt giữ chuyên gia về năng lượng sạch Ngô Thị Tố Nhiên với cáo buộc "chiếm đoạt tài liệu".
"Các nhà quan sát quốc tế nên lo ngại rằng Chính phủ Việt Nam hiện đang nhắm tới các nhà hoạt động phi truyền thống như các nhà hoạt động khí hậu, giám đốc tổ chức phi chính phủ và luật sư nhân quyền.
Bất kỳ cá nhân hoặc nhóm nào thúc đẩy chủ nghĩa đa nguyên chính trị thông qua nghiên cứu chính sách và hoạt động tích cực – dù cố ý hay không – đều có thể sớm trở thành mục tiêu bị nhà nước đàn áp", Dự án 88 nói trong báo cáo.
Báo cáo nói người hoạt động nhân quyền và gia đình của họ đã phải chịu nhiều hành vi quấy rối tâm lý, xã hội, thể chất và kinh tế vào năm 2022. Mặc dù phương thức đàn áp, địa điểm và thủ phạm của hành vi quấy rối này khác nhau, nhưng họ có thể có chung một mục đích là đàn áp, làm im lặng, cô lập và làm mất uy tín của các nhà hoạt động cũng như mạng lưới hỗ trợ của họ.
Trong năm 2022, công an tỉnh Thanh Hoá nhiều lần triệu tập bà Trịnh Thị Nhung, vợ của nhà hoạt động Bùi Văn Thuận- người bị kết án tám năm tù giam về tội danh "tuyên truyền chống nhà nước". Công an đe doạ sẽ bắt nếu bà tiếp tục đưa các thông tin đàn áp chồng bà lên mạng xã hội.
Ông Đỗ Nam Trung bị kết án 10 năm tù cũng về tội danh trên, và vợ chưa cưới của ông, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết cũng bị Công an tỉnh Nam Định triệu tập bốn lần để tra khảo bà về các hoạt động của ông Trung. Sau đó, trong tháng ba năm nay, công an gây sức ép lên chủ nhà trọ để người này hủy hợp đồng cho thuê nhà, buộc bà Tuyết cùng các con phải vất vả tìm nơi ở mới.
Nhà hoạt động Cao Vĩnh Thịnh cũng bị đuổi khỏi nhà trọ theo một cách tương tự năm 2020.
Hiện giờ, nhà chức trách thành phố Hà Nội đang đe doạ đuổi bà Trần Phương Thảo cùng con nhỏ và bố mẹ chồng cao tuổi ra khỏi nhà nhằm buộc gia đình phải trả số tiền nộp phạt 1,4 tỷ đồng trong vụ án luật sư Đặng Đình Bách bị kết tội trốn thuế cùng với án tù năm năm.
Dự án 88 kêu gọi các quốc gia, đặc biệt là Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu (EU), sử dụng các đòn bẩy kinh tế và quân sự để thúc giục Hà Nội cải thiện hồ sơ nhân quyền của mình, trước hết là phóng thích các nhà hoạt động môi trường và lãnh đạo xã hội dân sự, luật sư nhân quyền, người vận động chính sách.
Các quốc gia bán vũ khí cho Việt Nam cần ra điều kiện buộc Hà Nội dừng việc bắt giữ tù nhân chính trị, tổ chức này nói.
Project 88
Nguồn : RFA, 20/12/2023