Sách về thảm sát Gạc Ma ra đời đầy gian truân, nay bị thu hồi (VOA, 11/09/2018)
Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam mới đây đề nghị các tỉnh, thành phố thu hồi một cuốn sách nói về sự kiện quân Trung Quốc thảm sát các binh sĩ Việt Nam hồi năm 1988 để chiếm đảo đá Gạc Ma.
Bìa sách "Gạc Ma Vòng tròn bất tử" - Ảnh minh họa
Các báo mạng Việt Nam đưa tin hôm 11/9 rằng Cục Xuất bản, In và Phát hành của bộ đã gửi công văn từ hôm 31/8 đến các sở Thông tin và truyền thông của các tỉnh, thành phố "đề nghị kiểm tra, rà soát và thu hồi" cuốn sách có tên "Gạc Ma-Vòng tròn bất tử". Lý do được đưa ra về việc thu hồi cuốn sách là "để ngăn chặn việc phát tán cuốn sách có nội dung sai sót nêu trên ra thị trường".
Cuốn "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử" chỉ mới được phát hành cách đây hơn 2 tháng, vào đầu tháng 7/2018, ít ngày trước dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ của Việt Nam, 27/7.
Sách do hai nhà xuất bản là Văn học và First News-Trí Việt liên kết in ấn và phân phối. Ở thời điểm sách ra đời, nhiều người và báo giới gọi cuốn sách là một phần của các hoạt động tri ân 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam "đã anh dũng hy sinh vì biển đảo tổ quốc" trong sự kiện tại Gạc Ma ngày 14/3/1988.
Các tài liệu của Việt Nam nói cách đây hơn 30 năm, khi lính công binh Việt Nam cắm cờ và xây dựng tại các đảo đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao "để khẳng định chủ quyền của Việt Nam", 3 tàu chiến Trung Quốc đã nổ súng, giết chết 64 binh sĩ Việt Nam khi đó đứng thành một vòng tròn che chắn cho quốc kỳ. Sau biến cố đẫm máu này, Trung Quốc làm chủ Gạc Ma, Việt Nam giữ hai đảo đá còn lại.
Kể từ khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ vào cuối năm 1991, truyền thông chính thức của Việt Nam hầu như không nhắc đến các xung đột quân sự giữa hai nước trong 3 thập niên cuối thế kỷ 20 ở biên giới và trên Biển Đông.
Báo chí bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ chỉ thỉnh thoảng nói về các sự kiện đó trong vài năm gần đây, mỗi khi có căng thẳng giữa hai nước khi Trung Quốc gia tăng các hành động hung hăng để đòi chủ quyền ở Biển Đông có nhiều tranh chấp.
Một lễ cầu siêu được tổ chức ở Đà Nẵng hôm 13/3 cho các tử sĩ Việt Nam trong trận Gạc Ma năm 1988
Sách về cuộc thảm sát Gạc Ma bắt đầu được viết vào năm 2014, sau sự kiện Trung Quốc đưa một dàn khoan vào hoạt động trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, gây ra một làn sóng phản đối dữ dội chưa từng có ở nhiều tỉnh, thành Việt Nam.
Tuy nhiên, cuốn sách có sự đóng góp của 68 người, gồm các nhà nghiên cứu lịch sử và chính các cựu chiến binh trở về từ Gạc Ma, phải mất 4 năm mới có thể ra đời, sau "hàng trăm lần chỉnh sửa" và "đi qua 14 nhà xuất bản", theo các bản tin hồi đầu tháng 7/2018.
Chỉ khoảng 3 tuần sau khi sách "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử" được phát hành, ngày 16/7, Nhà xuất bản Văn học đã ra thông báo về việc tạm dừng phát hành để "đính chính, sửa chữa" cuốn sách.
Trong một thông cáo báo chí trước đó ít ngày, nhà xuất bản này nói họ "xin được đính chính ở 8 trang", và một trong những điểm cần đính chính là lời kể của cựu binh tại Gạc Ma có tên Nguyễn Văn Lanh về lệnh "không được nổ súng" vào quân Trung Quốc sẽ được sửa thành "không được nổ súng trước".
Đây cũng là chi tiết đã dẫn tới việc đông đảo những người được xem là thân chính quyền đã lên tiếng trên mạng xã hội để chỉ trích, thóa mạ nặng nề những người viết, biên soạn cuốn sách, phần nào tác động đến việc dừng phát hành sách.
VOA đã liên lạc với ông Nguyễn Văn Phước, giám đốc công ty First News, để hỏi phản ứng của ông về việc Bộ Thông tin và truyền thông đề nghị các địa phương thu hồi cuốn "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử", song ông từ chối trả lời, với lý do "bận họp".
Một cựu cán bộ của Bộ Văn hóa Việt Nam, nhà văn Phạm Viết Đào, chia sẻ với VOA nhận định của ông về việc nhà chức trách ra lệnh thu hồi sách :
"Theo tôi, chắc là vì nhóm lợi ích nào đấy nó bị đụng chạm thì nó đòi thu hồi cuốn sách chứ cũng chẳng có gì vi phạm cả. Nhưng mà nó đụng chạm đến một thế lực nào đấy. Sách vướng có một câu thôi. Câu ấy chẳng có gì nặng nề cả".
Nhà văn từng bị bỏ tù vì viết blog "nói xấu" đảng, nhà nước nói thêm rằng ở thời điểm hiện nay khó tiên liệu được bước tiếp theo của việc thu hồi sách có phải là cấm hẳn nó hay không. Ông Đào cho rằng trong nội bộ chính quyền Việt Nam đang có "năm bè, bảy mối" về hành xử thế nào đối với Trung Quốc, do đó "khó đoán" về số phận cuốn sách.
Cuốn sách về sự kiện bi tráng đã được độc giả đón nhận nhiệt tình ngay khi xuất hiện trên thị trường. Các báo cho hay tính đến ngày 10/7, chỉ sau 5 ngày được phép phát hành, 10.000 cuốn sách đã được bán hết.
Ngoài ra, đại diện Nhà xuất bản Fortis ở Mỹ đã tới Việt Nam gặp công ty sách First News - Trí Việt, bàn thảo việc mua bản quyền ngôn ngữ tiếng Anh của "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử" để xuất bản tại Mỹ, theo tin của Zing.vn hôm 9/7.
Tin cho hay, số tiền từ việc chuyển nhượng bản quyền cuốn sách sang tiếng Anh, xuất bản, phát hành tại Hoa Kỳ sẽ được "đóng góp để hỗ trợ gia đình của các cựu binh và liệt sĩ Gạc Ma".
******************
Cộng sản Việt Nam thu hồi sách về ‘Gạc Ma-Trường Sa’ vì có thể làm phật ý Bắc Kinh (Người Việt, 15/07/2018)
Hiếm có cuốn sách nào ở Việt Nam "nhiều nỗi truân chuyên" như cuốn "Gạc Ma-Vòng Tròn Bất Tử" : Thực hiện bản thảo từ năm 2014, lần lượt qua 14 nhà xuất bản và mãi đến đầu tháng Bảy, 2018 mới được phát hành chính thức.
Cuốn sách "Gạc Ma-Vòng Tròn Bất Tử" vừa phát hành đã có lệnh dừng phát hành. (Hình : Thanh Niên)
Cuốn sách thu thập lời kể của những nhân chứng về cuộc hải chiến Trường Sa năm 1988 khi Hải quân Trung Quốc đưa quân tấn công bãi đá Cô Lin, bãi đá Len Đao và bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. 64 binh lính Hải quân cộng sản Việt Nam Việt Nam thiệt mạng trong trận này.
Oái oăm là vỏn vẹn vài ngày sau khi ra mắt, truyền thông "lề phải" cho biết cuốn "Gạc Ma-Vòng Tròn Bất Tử" bị dừng phát hành để "chỉnh sửa, rà soát lại toàn bộ nội dung".
Theo báo Pháp Luật ở Sài Gòn, cuốn sách do Nhà Xuất Bản Văn Học liên kết với Công ty sách Fisrt News ấn hành có một số "sai sót" : "Lời kể trong sách của ông Nguyễn Văn Lanh, cựu binh Gạc Ma, về lệnh ‘không được nổ súng’ vào quân Trung Quốc được đính chính thành ‘không được nổ súng trước’; Chi tiết về cựu binh Mai Xuân Hải ở Quảng Bình ‘vừa qua đời’ là không chính xác vì trên thực tế thì ông này ‘còn sống’"…
Tuy vậy, đêm 15 tháng Bảy, ông Trần Đức Anh Sơn, nhà nghiên cứu Biển Đông và là viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng, bất ngờ đưa bình luận trên trang Facebook cá nhân.
"Chủ yếu là người đọc quan tâm đến việc có hay không ‘lệnh cấm nổ súng’ hay ‘lệnh cấm nổ súng trước’ mà thôi. Một nhân chứng trong cuộc chiến này là hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh, đã cung cấp thông tin cho nhóm làm sách một chi tiết, được in trong sách : ‘Tôi tính lượm khẩu súng của tên chỉ huy (Trung Quốc) để bắn chết nó nhưng vì có lệnh ‘không được nổ súng’ nên thôi. Nếu cho thì tôi đã bắn chết nó rồi, rốt cuộc tôi bị nó đâm lê vào người và bị đạn bắn ngã ngửa (trang 43 của sách nêu trên)".
Ông Sơn cũng viết thêm : "Tôi tin những người lính chiến đấu ở Gạc Ma-Cô Lin-Len Đao. Họ bị quân thù bắn xối xả, muốn phản kháng lại, dù bằng vũ khí yếu hơn, nhưng họ đã không làm vì ‘có lệnh của trên’. Lệnh đó thì tôi tin không bao giờ có bằng văn bản, mà chỉ phổ biến tới những người lính. Người trực tiếp ra lệnh cho họ ở trận tiền thì đã hy sinh. Người còn sống kể lại lý do vì sao ông không nổ súng cho những người làm sách thì thấp cổ bé họng, nói ra thì bị cho là nói sai sự thật. Tôi nghĩ, giữa phút sinh tử ấy, không ai nói dối làm gì, trừ khi ai đó ép buộc họ phải nói dối".
Cũng cần nói thêm, hồi tháng Hai, 2018, ông Sơn bị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng "thi hành kỷ luật về đảng" do ông này "đăng tin bài trên mạng xã hội có nội dung sai sự thật, bịa đặt". Việc ông Sơn bị kỷ luật được suy đoán là có liên quan đến một bài báo về ông trên tờ New York Times, trong đó ông tiết lộ chuyện mình "đã bị cấp trên ra lệnh đừng nói xấu về Trung Quốc".
Đến nay, chủ để về cuộc hải chiến Trường Sa năm 1988 vẫn được cho là "nhạy cảm" trên mặt báo "lề phải". Tổng biên tập các báo cũng được lệnh chỉ đăng theo các bản tin do Thông Tấn Xã Việt Nam phát đi về sự kiện này.
Đó là chưa kể, trong dịp tưởng niệm sự kiện này vào ngày 14 tháng Ba hàng năm, các nhà hoạt động và giới đấu tranh dân chủ thường bị chính quyền cho người sách nhiễu, canh gác cẩn mật để ngăn họ đi thắp hương cho các liệt sĩ.
Hồi tháng Ba, 2018, truyền thông "lề phải" cho hay, chủ đề Gạc Ma chỉ mới "dự trù được Bộ Giáo dục và đào tạo đưa vào sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 12" nhưng chưa rõ năm nào.
Trong một diễn biến khác, cộng đồng mạng bất bình trước việc nhân viên khách sạn Rex bị Sở Ngoại vụ thành phố Sài Gòn ra lệnh dùng một chậu cây lớn để che và tắt đèn gần vị trí đặt tấm bản đồ cho thấy Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Sự việc được cho là xảy ra trong sự kiện Bí thư Thành ủy thành phố Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân tiếp ông Hoàng Khôn Minh, ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Tuyên Truyền Trung Ương của Đảng cộng sản Trung Quốc. (T.K.)