HRW : Nhân quyền Việt Nam xuống cấp nghiêm trọng (BBC, 19/01/2019)
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền công bố báo cáo 2019 lên án Việt Nam 'gia tăng chính sách đàn áp có hệ thống lên quyền dân sự và chính trị cơ bản'.
Việt Nam chưa có luật biểu tình và tụ tập đông người thường bị cho là "gây rối".
Trong bản Phúc trình Toàn cầu 2019 được công bố ngày 17/01/2019, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho hay tình hình nhân quyền tại Việt Nam 'xuống cấp nghiêm trọng'.
Theo đó, HRW nhận định chính phủ Việt Nam "xâm phạm các quyền dân sự và chính trị cơ bản" như quyền tự do biểu đạt, quyền tự do báo chí và tiếp cận thông tin, quyền tự do lập hội và nhóm họp, quyền tự do thực hành tôn giáo...
Việt Nam cũng bị cáo buộc bỏ tù nặng hơn những người bất đồng chính kiến, và ban hành luật An ninh mạng hà khắc để bóp nghẹt thêm quyền tự do ngôn luận.
Chính quyền Việt Nam không cho báo chí tư nhân hoạt động, ngoài ra còn cấm thành lập các tổ chức nhân quyền, công đoàn độc lập hay các nhóm chính trị, bản báo cáo cho hay.
Những người 'dám' đặt câu hỏi về các dự án, chính sách của chính phủ, hoặc tìm cách bảo vệ đất đai và tài nguyên địa phương thì sẽ bị theo dõi, tước quyền đi lại, quản thúc tại gia, giam giữ tùy tiện và bị thẩm vấn.
Trong khi đó, côn đồ dường như hợp tác với công an trong các vụ đàn áp các nhà hoạt động. Cảnh sát thẩm vấn kéo dài người bất đồng chính kiến, giam giữ họ trong nhiều tháng mà không cho gặp gia đình hoặc tư vấn pháp lý. Các tòa án thì được chỉ đạo để ra bản án trong các vụ án chính trị với án tù ngày ngày nặng hơn.
Biểu tình ở Thành phố Hồ Chí Minh 11 tháng 5/2016. Yếu tố phản đối Trung Quốc về biển đảo thường xuất hiện trong các cuộc xuống đường ở Việt Nam những năm qua
Báo cáo Nhân quyền này cũng đề cập đến việc cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, sau đó Đảng Cộng sản Việt Nam lập tức bầu ông Nguyễn Phú Trọng lên, hợp nhất hai chức danh Chủ tịch nước và Tổng bí thư.
Bản phúc trình điểm lại danh sách 12 nhà bất đồng chính kiến bị Việt Nam bỏ tù năm 2018 với tội danh "tuyên truyền chống phá nhà nước". Ngoài ra, báo cáo đề cập đến các vụ tấn công người bất đồng chính kiến như ném đá và vật liệu nổ tự chế vào nhà hoạt động công đoàn độc lập Nguyễn Thị Minh Hạnh, không cấp hộ chiếu cho luật sư Lê Công Định, tạm giữ tiến sỹ Nguyễn Quang A trong nhiều giờ để ngăn cản ông bay đi Australia...
HRW cũng chỉ trích một số quốc gia đang có hợp tác đầu tư lớn với Việt Nam như Trung Quốc và Mỹ lại phớt lờ các yếu tố nhân quyền.
Chẳng hạn Trung Quốc bị cáo buộc cũng thực hiện những chính sách đàn áp nhân quyền tương tự Việt Nam. Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy quan hệ quân sự song phương với Việt Nam bất chấp các vi phạm về nhân quyền ở nước này. Nhật Bản là nhà tài trợ các khoản vay vốn cho Việt Nam trong suốt một thời kỳ dài, cũng im lặng trước tình hình nhân quyền xuống cấp. Australia ký quan hệ hợp tác song phương với Việt Nam năm 2018 bất chấp trước đó từng bày tỏ quan ngại về nhân quyền tại đây.
Việt Nam sẽ báo cáo về nhân quyền tại Geneve
Trươc đó, hôm 16/1, văn phòng Thượng nghị sỹ Ngô Thanh Hải tại Canada đã phát đi thông cáo báo chí cho hay Việt Nam sẽ báo cáo nhân quyền phổ quát định kỳ tại Geneve.
"Việc Việt Nam báo cáo về nhân quyền phổ quát định kỳ là cơ hội lớn để Canada bày tỏ mạnh mẽ quan điểm về tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam", thông cáo cho hay.
"Kể từ sau báo cáo nhân quyền phổ quát định kỳ năm 2014, Đảng cộng sản Việt Nam đã thẳng tay đàn áp quyền diễn đạt và những phê bình trên mạng của người dân. Việc thiếu tiến bộ nầy, đòi hỏi Canada hối thúc Việt Nam phải có hành động chứng minh có tiến bộ về nhân quyền trong những phạm vi chính" như chống tra tấn, hủy bỏ luật An ninh mạng, tự do ngôn luận, thả tự do các nhà hoạt động dân chủ, v.v...
Thông cáo này được công bố nhân sự kiện Việt Nam sắp tới sẽ có Đánh giá định kỳ toàn cầu (UPR) trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) vào ngày 22/01/2019.
Ông Ngô Thanh Hải là Thượng nghị sĩ thuộc Đảng Bảo thủ Canada đại diện cho bang Ontario.
************************
Các tổ chức dân sự kêu gọi Quốc hội Châu Âu hoãn bỏ phiếu thông qua FTA với Việt Nam (RFA, 18/01/2019)
18 tổ chức dân sự trong và ngoài Việt Nam hôm 18/1 đã gửi thư đến Quốc hội Châu Âu, đề nghị EU hoãn việc bỏ phiếu thông qua Hiệp định tự thương mại với Việt Nam (EVFTA) vì những lo ngại về tình hình nhân quyền đang xuống dốc tại Việt Nam.
Hình minh họa. Phiên tòa xét xử các thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ ở Hà Nội hôm 5/4/2018 - AFP
Bức thư bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng chính phủ Việt Nam đã lờ đi những lời kêu gọi từ phía Quốc hội Châu Âu thời gian qua liên quan đến tình hình nhân quyền đang trở nên tồi tệ ở Việt Nam, đặc biệt là việc Luật An ninh mạng gặp nhiều chỉ trích của Việt Nam đã đi vào hiệu lực vào ngày 1/01/2019 vừa qua.
"Bất chấp là một thành viên của Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị, Việt Nam có một bộ luật hình sự đàn áp nhất trong khu vực, với các điều khoản lỏng lẻo thường xuyên được dùng để bỏ tù những người có tiếng nói chỉ trích chính phủ một cách ôn hòa, những bloggers, những nhà hoạt động vì quyền của người lao động, hoạt động môi trường, bảo vệ nhân quyền và các lãnh đạo tôn giáo", bức thư viết.
Bức thư cũng chỉ trích chính phủ Việt Nam đã kiểm soát chặt chẽ báo chí, kiểm duyệt internet, không cho phép các tổ chức của người lao động độc lập được hoạt động, và chưa bao giờ tổ chức một cuộc bầu cử thực sự tự do, công bằng.
Những tổ chức gửi thư đề nghị Quốc hội Châu Âu hoãn việc bỏ phiếu EVFTA và sử dụng các hoạt động tương tác sắp tới bao gồm cuộc họp Bộ trưởng EU – ASEAN và Kiểm điểm định kỳ ở UN, cũng như đối thoại nhân quyền giữa EU – Việt Nam để đòi chính phủ Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho một loạt những nhà hoạt động, bloggers đang bị cầm tù. Con số này được bức thư ước tính là hơn 100 người.
Ngoài ra, các tổ chức này cũng đề EU phải yêu cầu Việt Nam có những thay đổi trong bộ luật Hình sự, tố tụng hình sự, luật an ninh mạng, luật tôn giáo và luật lao động để cho phép sự hòa động của các tổ chức công đoàn độc lập ; ký Nghị định thư tùy chọn về Công ước chống Tra tấn ; chấm dứt các hình phạt tử hình.
Việt Nam và EU đã hoàn tất việc đàm phán EVFTA từ năm 2015. Hai phía hy vọng hiệp định này sẽ sớm được Quốc hội Châu Âu thông qua trong thời gian tới để có thể đi vào hiệu lực. Tuy nhiên hôm 13/11 vừa qua Quốc hội Châu Âu đã ra nghị quyết lên án tình trạng vi phạm nhân quyền tiếp diễn tại Việt Nam và kêu gọi chính quyền Việt Nam phải trả tự do cho những người bất đồng chính kiến.
Vào ngày 21/1 tới đây, tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Việt Nam sẽ có cuộc Kiểm điểm định kỳ. Một số tổ chức nhân quyền quốc tế sẽ có báo cáo tại đây về tình trạng nhân quyền thời gian qua ở Việt Nam.
Hôm 17/01/2019, Human Rights Watch, tổ chức vừa tham gia ký thư gửi Quốc hội Châu Âu, đã công bố phúc trình toàn cầu 2019, chỉ trích chính quyền Việt Nam đã gia tăng chính sách đàn áp có hệ thống các quyền dân sự và chính trị cơ bản trong năm 2018. Theo HRW, trong năm 2018, chính quyền Việt Nam đã kết án ít nhất 42 người vì bày tỏ ý kiến chỉ trích chính phủ, tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa hoặc tham gia các nhóm ủng hộ dân chủ.
******************
Phóng viên Nguyễn Văn Hóa được đề cử giải thưởng Tự do báo chí của UNESCO (RFA, 18/01/2019)
Tổ chức Freedom Now vừa đề cử tù nhân lương tâm, nhà báo của RFA, anh Nguyễn Văn Hóa, cho giải thưởng Tự do báo chí 2019 của UNESCO có tên Guillermo Cano World Press Freedom Prize.
Nhà báo Nguyễn Văn Hóa - Photo : RFA
Thông cáo báo chí của Freedom Now hôm 18/1 trích lời Giám đốc điều hành Freedom Now, Maran Turner, nhận định việc chính phủ Việt Nam truy tố anh Nguyễn Văn Hóa là đi ngược lại các giá trị của UNESCO. Freedom Now cho rằng nhà báo Nguyễn Văn Hóa xứng đáng được khen ngợi vì đã đưa tin về những mối đe dọa của ô nhiễm môi trường và sự thất bại của chính phủ trong việc bảo vệ người dân khỏi những mối nguy này.
Trước khi bị bắt vào tháng 11/2017, anh Nguyễn Văn Hóa đã quay được những hình ảnh về tình trạng ô nhiễm biển ở 4 tỉnh miền Trung Việt Nam, và những phản đối của người dân về tình trạng ô nhiễm biển do công ty gang thép Formosa ở Hà Tĩnh xả thải ra biển gây nên từ tháng 4 năm 2016.
Mặc dù bị bắt từ tháng 11/2017, nhưng mãi đến tháng 4/2017, chính quyền Việt Nam mới có thông báo chính thức về việc bắt giữ này và cáo buộc Nguyễn Văn Hóa tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự cũ.
Vào ngày 27/11/2017, nhà báo Nguyễn Văn Hóa bị bất ngờ đưa ra xử kín tại tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Nguyễn Văn Hóa bị kết án 7 năm tù và 3 năm quản chế.
Vào tháng 10/2018, trong một bức thư gửi về cho gia đình mình, nhà báo Nguyễn Văn Hóa cho biết anh đã bị đánh đập, bức cung.
Tháng 11/2018, tổ chức Freedom Now và hãng luật Dechert LLP đã nộp đơn lên Ủy ban chống bắt người tùy tiện của Liên Hiệp Quốc về trường hợp của Nguyễn Văn Hóa.
Giải thưởng Tự do báo chí Thế giới Guillermo Cano của UNESCO được đặt theo tên của một nhà báo người Colombia là Cuillermo Cano Isaza, người đã bị ám sát ngay trước trụ sở tòa báo của mình ở Bogota hồi tháng 12/1986.
******************
Bộ Chính trị vừa ban hành chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác tham nhũng… Chỉ thị này cũng như Luật tố cáo 2018 vừa có hiệu lực có dễ dàng thực thi ?
Sách luật khiếu nại và luật tố cáo. (Ảnh minh họa) - Courtesy Luật Việt Nam
Ngày 16 tháng 1 năm 2019, thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng vừa ký ban hành Chỉ thị số 27 về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng trong công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác tham nhũng…
Ông Vượng cho rằng, chỉ thị này nhằm góp phần tạo động lực, khuyến khích người tố cáo, người đấu tranh chống tham nhũng, chống lãng phí, chống tiêu cực, nhưng không làm ảnh hưởng đến sự an toàn của người tố cáo.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam nhận xét về chỉ thị 27 :
"Tôi cho rằng chỉ thị 27 là một điểm nhấn trong chính sách bảo vệ người tố cáo nói chung, trong đó chiếm đa số là tố cáo tham nhũng. Tôi xin nói thẳng, ở Việt Nam hay có tình trạng, pháp luật thì thông qua rồi, nhưng việc thực thi pháp luật còn lơ là, yếu kém. Chính vì vậy, bên đảng ra thêm một chỉ thị nữa, đó là thực thi pháp luật tố cáo trong đó có một nội dung mới được sửa đổi quốc hội thông qua, là những cơ chế bảo vệ người tố cáo cần được tiến hành tốt hơn về mặt pháp luật. Tôi cho rằng điều này tốt cho việc chống tham nhũng ở Việt Nam".
Theo Chỉ thị 27, một trong những nguyên nhân hạn chế về việc bảo vệ người tố cáo, là do cấp ủy đảng, tổ chức đảng ở một số địa phương chưa quan tâm đến công tác này.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 17/01/2019, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đưa ra nhận xét về chỉ thị này :
"Thường những chỉ thị trong đảng người ta nói trong nội bộ đảng là chính, còn Luật tố cáo thì người ta nói trên phạm vi toàn xã hội, tất cả mọi người dân. Còn những biên bản của đảng thì nó có giá trị trong nội bộ đảng là chính".
Theo luật sư Trần Quốc Thuận, ở Việt Nam chuyện gì cũng có luật cả. Chuyện khuyến khích nhân dân tố cáo tiêu cực, tham nhũng không chỉ có văn bản quy định mà ngay cả những người lãnh đạo đảng, nhà nước cũng hô hào. Theo ông, luật cũng quy định người tố cáo được bảo vệ, nhưng vấn đề là cơ chế để bảo vệ như thế nào thì chưa được cụ thể lắm.
Phát biểu lúc giới thiệu chỉ thị 27 tại Hà Nội, ông Trần Quốc Vượng cho rằng, mặc dù thời gian qua chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, quy định trong việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Tuy nhiên, theo ông Vượng vẫn còn nhiều hạn chế như tình trạng lộ thông tin của người tố cáo, nhiều trường hợp người tố cáo không được bảo vệ, bị trả thù, trù dập...
Ngày 16 tháng 1 năm 2019, thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng vừa ký ban hành Chỉ thị số 27 về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng trong công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác tham nhũng… Courtesy chinhphu.vn
Bà Lê Hiền Đức, một cụ bà được nhiều người tại Việt Nam biết đến vì từng giúp nhiều người khác đấu tranh chống tham nhũng. Bà cũng từng được Tổ chức Minh bạch Quốc tế trao giải thưởng Liêm chính năm 2007. Khi nói chuyện với chúng tôi hôm 17/1, bà kể lại chuyện bà bị hăm dọa trả thù khi tố cáo tham nhũng trước đây :
"Từ nhiều năm nay, đối với tôi thì phải hơn chục năm rồi, khi mà tôi tố cáo bọn tham nhũng rất nhiều chuyện, phanh phui rất nhiều sai phạm của bọn tham nhũng, tôi không sợ gì hết. Tôi còn nhớ khi tôi tố cáo một cán bộ bên tập đoàn VNPT và tố cáo một hiệu trưởng ăn bớt tiền ăn của học trò cấp một trong hai năm liền, khi đó không biết ai trong số những người tôi tố cáo còn thuê người đem đến trước cửa nhà tôi, chặn một vòng hoa tang cao hơn đầu người tôi, với dòng chữ ‘Kính Viếng Hương Hồn Cụ’. Đấy là một điều chúng nó khủng bố tôi, nhưng tôi đã tố cáo và tôi chống tham nhũng thì tôi không sợ một cái gì cả. Chứ còn người tố cáo có được bảo vệ hay không ? Khi ông Trần Quốc Vượng đưa chỉ thị đó ra, tôi hoan nghênh, nhưng quan trọng nhất là có làm được đúng như chỉ thị đó hay không ?"
Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị được ban hành ngay thời điểm Luật Tố cáo 2018 vừa có hiệu lực nhằm thay thế cho Luật Tố cáo 2011, được cho rằng nhằm nhắc nhở việc thực thi pháp luật tố cáo.
Tuy nhiên trong những điểm mới Luật Tố cáo 2018, cũng có một số điểm gây quan ngại. Như theo khoản 3 Điều 24, tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết thì không xử lý. Điều khoản này này làm dấy lên quan ngại sẽ gây khó khăn cho người tố cáo. Bà Lê Hiền Đức kể lại kinh nghiệm của mình liên quan vấn đề này :
"Rất nhiều cán bộ bị tôi tố cáo nhưng nó bao che cho nhau, nó đùn đẩy chỗ nọ chỗ kia. Thanh tra bộ thì đẩy xuống tỉnh, tỉnh lại không giải quyết, lại trả lời tôi là tố cáo của tôi không có căn cứ. Nghĩa là trên thì đẩy xuống, dưới đẩy lên, và chúng nó bao che cho nhau, chúng nó không xử lý".
Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng nhìn nhận hạn chế này, ông đưa ra khuyến nghị :
"Không đúng thẩm quyền thì không giải quyết cũng là một nguyên tắc pháp luật đúng. Nhưng trong hướng dẫn thực thi phải có thêm cái điều là người nhận tố cáo dù ở vị trí nào nếu không giải quyết thì vẫn phải chuyển về đúng nơi có thẩm quyền giải quyết. Tôi cho rằng đấy cũng là một điểm rất quan trọng".
Chỉ thị 27 của Bộ chính trị cũng nhìn nhận tình trạng để lộ thông tin của người tố cáo, không ít trường hợp bị trả thù… Tuy nhiên, theo khoản 1 điều 25 của Luật Tố cáo 2018 quy định, khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc dùng họ tên của người khác để tố cáo thì cơ quan có thẩm quyền không xử lý.
Liên quan vấn đề này, Luật sư Trần Quốc Thuận nhận định :
"Với tin thần của luật tố cáo, thì người tố cáo phải tố cáo đúng sự việc và đúng địa chỉ, chứ bây giờ giữa tố cáo và nói xấu này kia thì nó mênh mông lắm. Mà gởi không có địa chỉ thì cũng không có ai mà bám theo lời nói đó. Thường trên mạng xã hội nó nhiều ý kiến lắm, nhưng mà không phải cứ cái gì trên mạng xã hội là chuyển thành tố cáo phải giải quyết, cái đó thì không ổn vì nó không có chứng cứ gì cả ?"
Luật sư Thuận cho rằng, việc này nhằm đề phòng việc lợi dụng để nói chuyện này kia không chúng cứ. Nhưng theo ông, luật tố cáo cũng nêu rõ, nếu mà có chứng cứng cụ thể thì cũng phải xem xét, chứ không phải là bác bỏ.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, công khai danh tính để người tố cáo phải có trách nhiệm với việc mình tố cáo. Bởi vì đã có trường hợp nhiều người cũng đã từng lợi dụng việc tố cáo để hại người khác. Ông cho rằng việc công khai nhân thân người tố cáo là việc cần thiết để tăng hiệu quả việc tố cáo.
Luật sư Trần Quốc Thuận cũng cho biết, Luật tố cáo 2018 vừa có hiệu lực và Chỉ thị 27 của Ban bí thư không có gì mâu thuẫn nhau. Chỉ thị này khuyến khích người dân tố cáo và không loại bỏ người tố cáo dù là ở cương vị xã hội nào vẫn được bảo vệ. Ông cho đó là một biểu hiện tích cực, tuy nhiên ông bày tỏ mong muốn việc này sẽ được diễn ra trong thực tế chứ không phải chỉ trong văn bản.
Trung Khang