Đại sứ quán Mỹ ra tuyên bố về án phúc thẩm đối với Mẹ Nấm (VOA, 30/11/2017)
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Hà Nội ra thông cáo báo chí với tuyên bố của Đại biện lâm thời Caryn McClelland, nói rằng bản án phúc thẩm đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức blogger Mẹ Nấm) là "cáo buộc mơ hồ" trong lúc bà Quỳnh chỉ thực hiện các quyền tự do cơ bản. Bà McClelland kêu gọi Việt Nam hãy thả bà Quỳnh và các tù nhân lương tâm khác ngay lập tức.
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về bản án phúc thẩm blogger Mẹ Nấm ngày 30/11/2017.
Hôm 30/11, Tòa án nhân dân cấp cao Đà Nẵng tại Nha Trang ra phán quyết giữ nguyên mức án 10 năm tù đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", theo Điều 88 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Bản án đã vấp phải nhiều chỉ trích trong nước và quốc tế. Các luật sư bào chữa cho bà Quỳnh nói các lập luận của họ không được xem xét thỏa đáng và bản án tuyên cho bà Quỳnh là "bất công".
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói "Phiên tòa được cho là ‘công khai’ xử phúc thẩm Mẹ Nấm ngay từ đầu đã là một ‘trò hề’, khi một trong các luật sư của Mẹ Nấm bị tước thẻ hành nghề và mẹ của bà, thân nhân và những người ủng hộ không được vào dự phiên tòa mà phải đứng ngoài vỉa hè".
Trong khi đó, ngay chiều cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Hà Nội ra tuyên bố của Đại biện lâm thời Caryn McClelland nói bà "quan ngại sâu sắc về việc Tòa án Việt Nam giữ nguyên bản án 10 năm tù đối với nhà hoạt động ôn hòa, được Mỹ trao giải thưởng Phụ nữ can đảm quốc tế, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (còn gọi là Mẹ Nấm) với cáo buộc mơ hồ ‘tuyên truyền chống nhà nước’".
Đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói "Tất cả mọi người phải có các quyền tự do cơ bản như bày tỏ chính kiến, hội họp và lập hội một cách ôn hòa" và "Bà Quỳnh là một trong sáu cá nhân, trong đó có bà Trần Thị Nga, bị kết án trong năm nay chỉ vì đã thực hiện các quyền này".
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói xu hướng gia tăng các vụ bắt bớ và xét xử với những bản án nặng dành cho các nhà hoạt động từ đầu năm 2016 đến nay là "rất đáng lo ngại".
Mẹ Nấm cùng hai con (bé Nấm, bé Gấu) phản đối Trung Quốc đem giàn khoan HD-891 vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Ngày 23/6, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị tuyên án 10 năm tù giam theo Điều 88. Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Khánh Hòa nói bà Quỳnh đã thu thập thông tin về các trường hợp người dân bị chết trong khi làm việc với công an và làm thành tài liệu "Stop police killing civilians" ("Phải chấm dứt việc cảnh sát giết dân thường"), đã tham gia với các cá nhân khác kêu gọi người dân tham gia chiến dịch "Vận động nhân quyền", "công khai phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản", "xuyên tạc tình hình trong nước" trên báo đài quốc tế, tàng trữ tập thơ "Bài thơ một vần" của tác giả Bùi Chát, CD nhạc có bài hát "Viết về ngư dân Việt Nam" của nhạc sĩ Tuấn Khanh".
Sau phiên xử phúc thẩm ngày 30/11, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nói với VOA rằng mặc dù không hy vọng phiên xử phúc thẩm sẽ thay đổi bản án sơ thẩm, nhưng bà và gia đình vẫn yêu cầu phúc thẩm để các luật sư có thể đưa ra các luận cứ cho thấy bản án vi phạm các quyền cơ bản của con người.
Bà Lan nói phần khó khăn nhất bây giờ là thông tin cho bé Nấm về bản án của mẹ Như Quỳnh. Bà nói :
"Tôi chưa giải thích với Nấm điều gì cả. Nhưng cách đây 2, 3 ngày, tâm lý của Nấm đã không làm bài được rồi. Nấm về nói với tôi rằng ‘Con đã đọc 3 lần đề toán, nhưng không hiểu sao con vẫn làm sai, con đọc sai đề ngoại ạ’, thì tôi biết cháu tôi bị sang chấn tâm lý nên nói ‘Thôi, lỡ rồi, con ạ. Con cứ học đi'. Tối nay, hai bà cháu sẽ nằm ngủ với nhau. Tôi đang nghĩ cách làm sao nói với cháu tôi đây. Tôi không biết nữa".
Tháng 3 vừa qua, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ, bà Melania Trump, trao giải "Phụ nữ can đảm" vì "sự can trường của bà trong cuộc đấu tranh cho các vấn đề xã hội dân sự, vì đã truyền cảm hứng cho những thay đổi ôn hòa, kêu gọi một hệ thống chính quyền minh bạch hơn, cổ vũ cho hoà bình, công lý và quyền con người, và là tiếng nói đại diện cho quyền tự do ngôn luận", trích thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Trước chuyến đi của Tổng thống Hoa Kỳ Donal Trump tới Việt Nam tham dự APEC hồi đầu tháng này, bé Nấm đã viết thư gửi cho Đệ nhất phu nhân Melania nhờ bà giúp để "mang mẹ về". Nhưng sau đó, bà Melania đã không ghé sang Việt Nam trong chuyến đi này.
"Cháu tôi hy vọng rất nhiều vào thư gửi cho bà phu nhân Tổng thống Melania Trump. Khi cháu biết như vậy cháu cũng buồn, nhưng tôi nói với cháu ‘Họ giúp như vậy là được rồi. Họ không có bổn phận gì với mình hết. Họ đã giúp cho mình cách này cách khác, như vậy là quá tốt rồi. Tốt hơn những người mà mình nghĩ là đồng bào của mình, nhưng sự thực họ coi mình là kẻ thù cháu ạ’", bà Tuyết Lan kể.
Trước phản ứng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế đối với bản án phúc thẩm của con gái, bà Tuyết Lan nói bà "rất tri ân" và "lỗi là ở phía bên Việt Nam".
Trong thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam lập tức trả tự do các tù nhân chính trị và cho phép họ bày tỏ quan điểm một cách tự do mà không sợ bị trả thù.
Khánh An
******************
HRW và Đại biện lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam lên tiếng về bản án của Blogger Mẹ Nấm (RFA, 30/11/2017)
Ngay sau khi Toà án Nhân dân Tối cao tỉnh Khánh Hoà kết thúc phiên xử, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Human Rights Watch (HRW) đã đưa ra ngay thông cáo báo chí nói rằng ‘phiên toà công khai này thực chất là một trò cười ngay từ lúc bắt đầu’.
Phiên xử phúc thẩm đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - Ảnh Pháp luật
Thông cáo cũng viết rằng "thủ tục tố tụng càng là một trò hề, với việc thẩm phán phiên toà chỉ đơn giản lướt nhanh qua các thủ tục trước khi quyết định y án bản án 10 năm khắc nghiệt vốn đã được định sẵn bởi Đảng Cộng sản cầm quyền.
Vẫn theo ông Phil Robertson, tuy gọi là phiên toà công khai nhưng một trong những luật sư của Mẹ Nấm đã bị tước thẻ hành nghề 1 tuần trước đó và mẹ của bà cùng những người thân không được vào tham dự.
Trong nội dung bản thông cáo của HRW, ông Robertson đưa ra nhận định về các cuộc đàn áp ở Việt Nam đã tăng lên rõ rệt sau chuyến viếng thăm ở cấp nhà nước của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào đầu năm 2017.
Sau đó là sự thất bại của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và các nhà lãnh đạo Châu Á khác tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng trong việc đề cập đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.
Theo ông Robertson, việc không quan tâm đến nhân quyền với Việt Nam thì không khác gì ‘bật đèn xanh’ cho chính phủ Hà Nội và họ đã không do dự một giây nào để tiếp tục trấn áp người lên tiếng.
Ông Robertson nhấn mạnh trong bản thông cáo, nếu các lãnh đạo Việt Nam quan tâm đến nhân dân của họ, muốn thúc đẩy và tăng trưởng kinh tế, họ sẽ cảm ơn mẹ Nấm vì việc làm của bà, vì các nỗ lực hỗ trợ công lý cho nạn nhân của thảm họa môi trường như Formosa, thay vì ‘cướp’ đi 1 người mẹ của hai đứa trẻ bằng bản án 10 năm tù giam khắc nghiệt.
Một bản tuyên bố khác về bản án phúc thẩm cũng được đưa ra bởi Đại diện lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam, bà Caryn McClelland, cho biết Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam phải thả bà Quỳnh cũng như tất cả các tù nhân lương tâm khác ngay lập tức.
Tuyên bố của Đại Sứ Quán Mỹ nêu lên quan ngại sâu sắc trước việc Toà án Việt Nam giữ nguyên bản án 10 năm tù đối với nhà hoạt động ôn hoà, được trao giải thưởng Phụ nữ can đảm quốc tế, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (còn gọi là Mẹ Nấm) với cáo buộc mơ hồ "tuyên truyền chống nhà nước", nhắc lại tất cả mọi người đều có các quyền tự do cơ bản như bày tỏ chính kiến, hội họp và lập hội một cách ôn hoà.
Bản tuyên bố của Đại Sứ Quán Hoa Kỳ kết thúc bằng câu nguyên văn như sau : "Chúng tôi cũng hối thúc chính phủ Việt Nam đảm bảo những hành động và luật pháp của mình nhất quán với những điều khoản về nhân quyền trong hiến pháp Việt Nam và những cam kết và nghĩa vụ quốc tế của mình".
Những nguồn tin khác nhau từ Việt Nam cho chúng tôi biết những người bị công an bắt giữ bao gồm Trịnh Kim Tiến, Trần Thu Nguyệt, Nguyễn Công Thanh và Nguyễn Minh Hùng là cậu của Blogger Mẹ Nấm, Tất cả những người này lần lượt được thả, người cuối cùng là Trịnh Kim Tiến rời đồn công an vào khoảng 6 :30 chiều cùng ngày.
*******************
Đại biện lâm thời Mỹ nói bản án đối với blogger Mẹ Nấm là ‘cáo buộc mơ hồ’ (Người Việt, 30/11/2017)
"Cáo buộc mơ hồ" là tuyên bố của bà Caryn McClelland, đại biện lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam, về bản án 10 năm tù mà tòa án cộng sản Việt Nam phán quyết đối với blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hôm 30 Tháng Mười Một.
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại phiên tòa phúc thẩm sáng 30 Tháng Mười Một. (Hình : AFP/Getty Images)
Phiên tòa phúc thẩm diễn ra tại Tòa Án Nhân Dân Cấp Cao Đà Nẵng ở Nha Trang, bà Quỳnh vẫn bị giữ nguyên mức án 10 năm về tội "Tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 88 của Bộ Luật Hình Sự cộng sản Việt Nam.
Trước đó, ngày 29 Tháng Sáu, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, Tòa Án Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt bà Quỳnh 10 năm tù về tội danh nêu trên. Sau đó, bà Quỳnh đã kháng cáo. Và nay, phiên xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Ngay lập tức, Đại Sứ Quán Mỹ tại Hà Nội ra thông cáo báo chí với tuyên bố của đại biện lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam Caryn McClelland về bản án phúc thẩm đối với bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
"Tôi quan ngại sâu sắc trước việc tòa án Việt Nam giữ nguyên bản án 10 năm tù đối với nhà hoạt động ôn hòa, được trao giải thưởng Phụ Nữ Can Đảm Quốc Tế, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (còn gọi là Mẹ Nấm) với cáo buộc mơ hồ ‘tuyên truyền chống nhà nước,’" bản tuyên bố cho biết.
"Tất cả mọi người đều có các quyền tự do cơ bản như bày tỏ chính kiến, hội họp và lập hội một cách ôn hòa. Bà Quỳnh là một trong sáu cá nhân, trong đó có bà Trần Thị Nga, đã bị kết án trong năm nay vì thực hiện các quyền này", bản tuyên bố khẳng định.
Thông cáo báo chí của Đại Sứ Quán Mỹ nhấn mạnh : "Xu hướng gia tăng các vụ bắt bớ và xét xử với những bản án nặng dành cho những nhà hoạt động ôn hòa và sinh viên từ đầu năm 2016 rất đáng lo ngại.
Thông cáo cũng dẫn tuyên bố của bà Caryn McClelland với yêu cầu : "Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả bà Quỳnh cũng như tất cả các tù nhân lương tâm khác ngay lập tức, và cho phép tất cả cá nhân ở Việt Nam bày tỏ quan điểm của họ và hội họp một cách tự do mà không lo sợ bị trả thù".
"Chúng tôi cũng hối thúc chính phủ Việt Nam bảo đảm những hành động và luật pháp của mình nhất quán với những điều khoản về nhân quyền trong hiến pháp Việt Nam và những cam kết và nghĩa vụ quốc tế của mình", bản tuyên bố cho hay.
Như nhật báo Người Việt đã thông tin trong số ra hôm qua, cũng khá giống với phiên tòa đầu tiên khoảng nửa năm trước, tức hôm 29 Tháng Sáu, theo tường thuật của Facebooker Trịnh Kim Tiến, người cùng đi với bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Như Quỳnh, đến phiên tòa : "Tòa ‘công khai’ 30 Tháng Mười Một, 2017, tại Nha Trang, hai đầu tòa bị chặn bằng hàng rào barie, công an sắc phục và an ninh thường phục".
Lúc 7 giờ 19 phút, Facebooker Trịnh Kim Tiến chụp hình bà Tuyết Lan bên ngoài phiên tòa với một hàng rào barie dài ghi rõ "Khu vực cấm phương tiện giao thông đường bộ". Bà Lan không được vào tham dự phiên tòa "xử" con mình.
Dù không còn là luật sư bào chữa cho Mẹ Nấm, dù đã bị Ban Chủ Nhiệm Đoàn Luật Sư tỉnh Phú Yên xóa tên khỏi danh sách đoàn luật sư của tỉnh này, nhưng Luật Sư Võ An Đôn vẫn đến dự phiên tòa.
Khi trả lời Facebooker Trịnh Kim Tiến, ông cho biết : "Việc làm của Quỳnh rất có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển của xã hội. Quỳnh đã thực hiện đúng quyền tự do ngôn luận của mình theo quy định của pháp luật nhưng bị tòa tuyên án 10 năm tù. Nếu mà giữ nguyên bản án này thì quá là man rợ".
Báo Thanh Niên cùng ngày tường thuật : "Bản án sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất nghiêm trọng của vụ án, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị xử phạt với mức án 10 năm tù là tương xứng với hành vi và hậu quả do bị cáo gây ra. Tại phiên tòa phúc thẩm, không có tình tiết giảm nhẹ nào mới nên Hội Đồng Xét Xử Tòa Án Nhân Dân Cấp Cao tại Đà Nẵng quyết định không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, giữ nguyên bản án sơ thẩm". (TS)
******************
EU và Mỹ tiếp tục kêu gọi Việt Nam thả Mẹ Nấm (BBC, 30/11/2017)
Liên Hiệp Châu Âu (EU) nhắc lại mong muốn Việt Nam thả bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh "ngay lập tức và vô điều kiện" sau phiên phúc thẩm giữ y án 10 năm tù.
Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa xử bà Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm) hôm 30/11
Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa xử bà Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm) hôm 30/11, một ngày trước khi có Đối thoại Nhân quyền hàng năm giữa Việt Nam và EU ở Hà Nội.
Chiều 30/11, Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam, ra thông cáo.
"Bản án này hoàn toàn trái với Tuyên bố Toàn cầu về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Chính trị và Dân sự mà Việt Nam là một bên tham gia".
"Gia đình của cô Quỳnh nên được phép tham dự phiên xét xử diễn ra trong phòng xử án, nhưng điều này đã không xảy ra".
Đại sứ Bruno Angelet cũng nói : "Việc chính quyền Việt Nam không cho phép đại diện Phái đoàn EU và các ĐSQ thành viên EU tham dự phiên toà đã đưa ra những câu hỏi về tính minh bạch trong quá tình xử án".
Ông nói EU sẽ nêu lại trường hợp Mẹ Nấm và một số người khác tại phiên họp ở Hà Nội.
Hồi cuối tháng Sáu, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm, bị Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tuyên án 10 năm tù vì tội "Tuyên truyền chống phá nhà nước" trong phiên sơ thẩm.
Tuy "vụ án được xét xử công khai" nhưng có ghi nhận bà Nguyễn Tuyết Lan, mẹ của bà Như Quỳnh, không được ngồi trong phòng xử mà chỉ được theo dõi diễn biến phiên tòa qua TV.
Luật sư Võ An Đôn, người bị Đoàn Luật sư Phú Yên xóa tên nên không thể tham gia bào chữa cho bà Như Quỳnh, được ghi nhận ngồi gần khu vực tòa án.
'Không tranh luận lại'
Hôm 30/11, trả lời BBC từ Tòa án Nhân dân cấp cao tỉnh Khánh Hòa, Luật sư Nguyễn Khả Thành, một trong ba luật sư còn lại tranh tụng cho Mẹ Nấm trong phiên phúc thẩm (cùng với các ông Hà Huy Sơn và Nguyễn Hà Luân), nói : "Tòa y án sơ thẩm 10 năm tù giam".
"Bản án này không nằm ngoài dự đoán của luật sư. Chúng tôi đã cố gắng bảo vệ thân chủ nhưng bản án tuyên thế nào là do Hội đồng Xét xử quyết".
"Trong phiên tòa, các luật sư đưa ra một số chứng cứ cho thấy bà Như Quỳnh vô tội nhưng có cái thì Viện Kiểm sát tranh luận yếu ớt, cái thì không tranh luận lại".
Luật sư Thành cho biết thêm : "Trước tòa, bà Như Quỳnh nói rất rạch ròi, nhận một số hành vi và nói bà chỉ thể hiện quyền công dân chứ không có ý chống lại nhà nước".
"Bà cũng nói rằng nếu xử những người nêu ý kiến bất đồng thì quê hương sẽ không được phát triển".
Hôm 30/11, thông cáo của bà Caryn McClelland, Đại biện lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam gửi đến BBC viết : "Tôi quan ngại sâu sắc trước việc Tòa án Việt Nam giữ nguyên bản án 10 năm tù đối với nhà hoạt động ôn hòa, được trao giải thưởng Phụ nữ can đảm quốc tế, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (còn gọi là Mẹ Nấm) với cáo buộc mơ hồ "Tuyên truyền chống nhà nước".
"Tất cả mọi người đều có các quyền tự do cơ bản như bày tỏ chính kiến, hội họp và lập hội một cách ôn hòa".
"Bà Như Quỳnh là một trong sáu cá nhân, trong đó có bà Trần Thị Nga, đã bị kết án trong năm nay vì thực hiện các quyền này. Xu hướng gia tăng các vụ bắt bớ và xét xử với những bản án nặng dành cho những nhà hoạt động ôn hòa và sinh viên từ đầu năm 2016 rất đáng lo ngại".
"Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả bà Như Quỳnh cũng như tất cả các tù nhân lương tâm khác ngay lập tức, và cho phép tất cả cá nhân ở Việt Nam bày tỏ quan điểm của họ và hội họp một cách tự do mà không lo sợ bị trả thù".
Báo Thanh Niên cùng ngày tường thuật : "Bản án sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất nghiêm trọng của vụ án, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị xử phạt với mức án 10 năm tù là tương xứng với hành vi và hậu quả do bị cáo gây ra. Tại phiên tòa phúc thẩm, không có tình tiết giảm nhẹ nào mới nên Hội đồng Xét xử Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng quyết định không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, giữ nguyên bản án sơ thẩm".