Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thêm bằng chứng mới có thể củng cố tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với Quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng.

chuquyen1

Giấy khai sinh cấp vào tháng 6/1940 cho con bà Mai Kim Quy là con gái của ông Mai Xuân Tập và vợ là Nguyễn Thị Thắng tại đảo Hoàng Sa thuộc quần đảo Hoàng Sa. Hình do gia đình ông Mai Xuân Tập cung cấp.

Một bản sao giấy khai sinh cấp tháng sáu năm 1940 cho ông Mai Xuân Tập và vợ- Nguyễn Thị Thắng chứng nhận con gái Mai Kim Quy của hai người được sinh ra vào lúc 3 giờ chiều ngày 9 tháng 12 năm 1939 tại đảo Hoàng Sa (Pattle).

Người làm chứng trong giấy khai sinh là ông Nguyễn Tăng Chuẩn, một bác sĩ y khoa, và ông Đỗ Đức Mùi, trưởng đài liên lạc địa phương.

Như vậy, điều này cho thấy lãnh thổ Đông Dương thuộc Pháp mà Việt Nam là một phần, đã quản lý hành chính đảo Hoàng Sa và người Việt ra làm việc ở đó. Đây có thể là một bằng chứng quan trọng khi mà các bên tranh chấp chủ quyền đối với những thực thể tại Biển Đông muốn tìm kiếm để chứng tỏ họ là người đầu tiên có sự hiện diện chính thức tại đó.

Đảo Hoàng Sa là một đảo san hộ thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm trong quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông. Đảo này là căn cứ chính của Đông Dương thời thuộc địa Pháp và về sau do chính quyền Nam Việt Nam chiếm đóng.

Ba phía Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền hoàn toàn đối với Quẩn đảo Hoàng Sa ; thế nhưng kể từ năm 1974 Trung Quốc đã chiếm cứ toàn bộ quần đảo.

Cuộc sống bình yên

Trong những năm thuộc thập niên 1930, chính quyền thực dân Pháp cho xây dựng một số cơ sở hạ tầng trên đảo Hoàng Sa gồm trạm khí tượng, nhà thương và một bưu điện.

Ông Mai Xuân Tập, cha của con gái Mai Kim Quy, là một trong những công dân được cử ra đảo làm việc tại trạm khí tượng khi được lập lần đầu vào năm 1938. Ông đưa vợ và hai con gái ra theo ; đó là Mai Thị Phi hai tuổi lúc đó và một người con khác mới sinh tên Mai Thị Phương.

Người con gái đầu Mai Thị Phi hiện 86 tuổi sống tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết :

"Gia đình tôi sống ở Hoàng Sa khoảng bốn năm (từ năm 1938 đến năm 1941). Em gái Mai Kim Quy của tôi được sinh ra ở đó. Nhưng không may em Quy chết vào năm 1942 sau khi chúng tôi trở về đất liền.

Cuộc sống ở đây rất bình yên. Người Việt ở trên đảo chủ yếu là công chức nhà nước làm ở các công sở như Khí Tượng, Bưu diện, nhà thương...

Hồi đó, chúng tôi không hề thấy người Trung Quốc lai vãng tiếp xúc với người trên đảo.

Hồi sống ở đảo Hoàng Sa, gia đình tôi có năm người, gồm bố mẹ và ba chị em gái : Mai thị Phi ( sinh năm 1936), Mai thị Phương ( sinh năm 1937) và Mai Kim Quy (sinh năm 1939).

Sau khi về đất liền, bố mẹ tôi sinh thêm bảy người con (ba trai và bốn gái). Tổng cộng bố mẹ tôi có 10 người con, trong đó có hai người đã sống ở Hoàng Sa là bà Mai Thị Phi và Mai thị Phương vẫn đang sống ở Thành phố Hồ Chí Minh".

Ông Mai Xuân Tập chết năm 1983, trong khi bà vợ của ông mất sớm hơn nhiều, vào năm 1954.

Giấy khai sinh của Mai Kim Quy được giao lại cho người con trai trưởng Mai Xuân Phú cất giữ.

Bà Mai Thị Phi cho biết gia đình đã trao bản khai sinh đó cho Bộ Ngoại giao Việt Nam Giấy Khai sinh này, theo xác nhận của Bộ Ngoại giao, là tư liệu góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo VN

‘Bằng chứng hữu ích’

Quần đảo Hoàng Sa hiện do Trung Quốc chiếm đóng và kiểm soát toàn bộ với thực thể lớn nhất là đảo Phú Lâm được phát triển một cách sâu rộng. Theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - CSIS ở Washington DC, Trung Quốc cũng tiến hành cải tạo và nâng cấp đáng kể cơ sở hạ tầng quân sự tại đó.

Tuy nhiên tranh chấp về quyền sở hữu đối với quần đảo Hoàng Sa vẫn tiếp diễn.

Các tuyên bố chủ quyền tranh chấp khó mà xác minh, đặc biệt vì mãi cho đến thế kỷ thứ 20, không hề có sự hiện diện quân sự hay dân sự thường trực của nước nào tại đó.

Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đều có nhiều tài liệu lịch sử nằm cũng cố tuyên bố của họ gồm cả bản đồ, những tuyên bố và những tài liệu khác nữa.

Việt Nam, một phần của Đông Dương thuộc Pháp, cho biết quân đội An Nam (tên thời thuộc địa của Việt Nam), và sau đó, những nhà quản trị hành chính dân sự đã ra thiết lập cơ sở tại Hoàng Sa trước bất cứ ai khác.

Chuyên gia Bill Hayton thuộc Chương trình Nghiên cứu Châu Á- Thái Bình Dương- Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng Gia Anh, cho rằng giấy Khai sinh Mai Kim Quy có thể làm bằng chứng lịch sử về hoạt động hành chính thực tế ở Hoàng Sa.

Ông nói, "Theo lập luận của tôi thi giấy khai sinh này không làm lay chuyển mang tính quyết định đối với những luận cứ ; nhưng nó là một bằng chứng rất hữu ích chứng tỏ An Nam vào thời gian đó đã chiếm đóng thực sự một số đảo ở Hoàng Sa.

Nếu vụ kiện được đưa ra một loại tòa nào, phía Trung Quốc cũng sẽ trưng ra những bằng chứng của riêng họ cà các thẩm phán sẽ quyết định chứng cứ nào mạnh hơn.

Những trường hợp như thế không thể quyết được bằng những tuyên bố mơ hồ hoặc những tên in trên bản đồ nhưng phải dựa trên những minh chứng rằng một nước có kiểm soát hành chính đối với một thực thể- và việc làm giấy khai sinh trên đảo cho một công chức là một bằng chứng khá mạnh cho điều đó".

Tuy nhiên lập luận của ông Bill Hayton bị một số sử gia bác bỏ khi nêu ra rằng quan điểm của Trung Quốc sẽ khăng khăng về những tuyên bố chủ quyền lịch sử của họ.

Nhà nghiên cứu độc lập kiêm chuyên gia về lịch sử và luật pháp hàng hải Trung Quốc, ông Mark Hoskin, lập luận : "Chính quyền Pháp thời đó chỉ chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa ‘trước bất kỳ Cường quốc khác làm điều đó’, ám chỉ Nhật Bản. Điều này được báo chí loan tải rộng rãi".

Hành động này của Pháp được thực hiện vì Nhật Bản chiếm đảo Hải Nam và thực hiện phong tỏa đường bờ biển phía nam của Hoa Lục. Nhật đe dọa Pháp vì hoạt động vận chuyển vũ khí qua ngã Đông Dương vào Hoa Lục.

Ông Hoskin nói thêm : "Do đó việc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Pháp mang lý do chiến lược và quân sự ; chứ không liên quan đến chủ quyền. Những tuyên bố của Pháp bác bỏ bất cứ khả năng nào về một tuyên bố chủ quyền".

Nguồn : RFA, 11/04/2022

Published in Việt Nam

Việt Nam phải lo lắng nhiều hơn Đài Loan về xung đột ở Ukraine

Derek Grossman, Phan Minh, RFI, 24/03/2022

Trong bối cảnh cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã kéo dài được một tháng, Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao của RAND Corporation và cựu cố vấn tình báo tại Lầu Năm Góc có bài phân tích về ý đồ của Trung Quốc đối với Việt Nam và Đài Loan. RFI xin trích dịch.

trungquoc1

Binh lính Hải quân Trung Quốc tuần tra trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hồi tháng 1/2016. © Reuters

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã khiến các nhà quan sát an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương phải so sánh hoàn cảnh của Ukraine với Đài Loan vốn nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc. 

Nói một cách cụ thể hơn, Ukraine và Đài Loan đều là các quốc gia dân chủ có xung đột với một cường quốc láng giềng theo chủ nghĩa xét lại và độc tài. Lập luận của ông Vladimir Putin về Ukraine không phải là một quốc gia có chủ quyền dường như lặp lại lời của ông Tập Cận Bình và tất cả các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước ông : Đài Loan chỉ là một tỉnh nổi loạn và sớm muộn cũng sẽ "thống nhất" với Trung Quốc đại lục, thông qua các biện pháp hòa bình hoặc bằng vũ lực nếu cần thiết. 

Tuy nhiên, sau những điểm tương đồng đáng chú ý đã được nêu, sự so sánh giữa Ukraine và Đài Loan dường như sẽ bị khập khiễng, và một quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương khác có thể sẽ phải lo lắng hơn Đài Loan vào lúc này, đó là Việt Nam. 

Cũng là một nước xã hội chủ nghĩa do đảng Cộng Sản độc tài cai trị, Hà Nội đang chịu áp lực ngày càng lớn từ Trung Quốc, đặc biệt là xung quanh các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trung Quốc không đe dọa xâm lược Việt Nam như Nga đã làm với Ukraine, nhưng thỉnh thoảng hai nước Châu Á này có những đụng độ chết người trên biển. Không thể loại trừ khả năng những sự cố trên biển này có thể tràn vào đất liền, phá vỡ bối cảnh hòa bình kéo dài hàng thập kỷ giữa hai nước. Một kịch bản như vậy có nhiều khả năng xảy ra hơn là một cuộc xâm lược Đài Loan trong thời gian tới. 

Việt Nam không có liên minh về an ninh với bất kỳ cường quốc hoặc mạng lưới quân sự nào, đó chính là điều đã khiến Ukraine dễ bị tấn công. Chính sách đối ngoại không liên kết của Hà Nội kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể tấn công mà không sợ bị các quốc gia mạnh hơn trả đũa. Mặc dù quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam đã phát triển mạnh trong những năm gần đây, quan hệ đối tác "toàn diện" của Washington với Hà Nội là cấp độ quan hệ đối tác thấp nhất của Việt Nam. 

Sự sụp đổ của Liên Xô khiến Việt Nam cảm thấy bị các liên minh hắt hủi đến mức Hà Nội thậm chí không có liên minh về an ninh với người bạn lâu năm là Nga. Điều này thực sự đặt Việt Nam vào thế phải tự lo cho bản thân ở khu vực Biển Đông. Để so sánh, Philippines cũng có những bất đồng trong khu vực với Trung Quốc nhưng Manila có thể dựa vào quan hệ đồng minh của mình với Washington. 

Có thể nói rằng Đài Loan cũng không có liên minh quân sự với Hoa Kỳ hoặc bất kỳ cường quốc nào khác. Tuy nhiên, mọi chính quyền kể từ khi Hoa Kỳ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc vào năm 1979 để thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, đều hỗ trợ cung cấp những vũ khí cần thiết cho Đài Loan để phòng thủ, chiếu theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan. Hơn nữa, vào tháng 10 năm ngoái, tổng thống Joe Biden đã hai lần khẳng định rằng Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công quân sự nhắm vào hòn đảo này. Việt Nam thì không thể mong chờ vào điều này. 

Việt Nam, giống như Ukraine, trước đây cũng đã bị tấn công bởi nước láng giềng khổng lồ. Nga chiếm Crimée vào năm 2014 và xâm nhập vào khu vực biên giới Donetsk và Luhansk của Ukraine. Tương tự, Trung Quốc đã chiếm một phần quần đảo Hoàng Sa từ miền Nam Việt Nam vào năm 1974 và từ chối trao trả sau khi Việt Nam thống nhất dưới chế độ cộng sản. Vào năm 1979, quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã "dạy cho Việt Nam một bài học" vì nước này can thiệp vào Cam Bốt chống lại Khmer Đỏ do Trung Quốc hậu thuẫn. 

Mạng xã hội Việt Nam đã xôn xao về những điểm tương đồng này kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine. Theo một bài bình luận gần đây, điều duy nhất đã cứu Việt Nam trước đây khỏi một cuộc xâm lược hoàn toàn là nhờ liên minh với Liên Xô, quốc gia có vũ khí hạt nhân. Nhưng liên minh này không tồn tại nữa.

Bắc Kinh vẫn tiếp tục thực hiện các chiến dịch quân sự chống lại Việt Nam. Ví dụ, vào năm 1988, Trung Quốc đã đánh đuổi lực lượng Việt Nam khỏi Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Trong một thập kỷ gần đây, Trung Quốc đã xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và triển khai lực lượng đến quần đảo Hoàng Sa. 

Trung Quốc, ngày nay sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, lực lượng tuần duyên và lực lượng dân quân biển lớn nhất khu vực, hiện thường xuyên tuần tra các khu vực tranh chấp và xua đuổi tàu bè của các đối thủ ra khỏi vùng biển này. Vào đầu tháng 3, quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dường như để trục vớt một chiếc máy bay chiến đấu bị rơi mà không được sự cho phép của Hà Nội. 

Trong khi đó, tại biên giới trên bộ, việc thành lập ít nhất một, thậm chí có thể hai căn cứ của quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc gần đó đã được công khai vào năm ngoái - một căn cứ tên lửa và một căn cứ máy bay trực thăng. Luật về biên giới trên đất liền mới của Bắc Kinh, cũng được thông qua vào năm 2021, khuyến khích việc bảo vệ tích cực các biên giới của Trung Quốc bằng vũ lực, ám chỉ rằng các đơn vị quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hoạt động ngoài các căn cứ này có thể được quyền gây thêm áp lực đối với Việt Nam. 

Đài Loan cũng phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng, đặc biệt là các máy bay chiến đấu của Trung Quốc bay gần hoặc xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa bao giờ thực hiện bất kỳ hành động quân sự trực tiếp nào chống lại hòn đảo kể từ khi chính phủ Quốc Dân đảng chạy trốn khỏi Trung Hoa lục địa khi kết thúc cuộc nội chiến năm 1949. Điều này không có nghĩa là quan hệ xuyên biển không xảy ra bất kỳ sự cố gì. 

Trong các năm 1954-55 và 1958, quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã nã pháo vào các tiền đồn quân sự của Đài Loan ở quần đảo Kim Môn và Mã Tổ gần bờ biển của Trung Quốc. Ngoài ra, vào các năm 1995 và 1996, Bắc Kinh đã phóng tên lửa gần Đài Loan để phản đối chuyến thăm Hoa Kỳ của cựu tổng thống Lý Đăng Huy. Tuy nhiên, nhìn chung, Bắc Kinh đã hạn chế thực hiện các hành động quân sự chống lại hòn đảo. Việt Nam thì khác. 

Trung Quốc có thể sẽ dễ dàng đánh bại Việt Nam trong một cuộc xung đột vũ trang thông thường, mặc dù không nhất thiết phải là một cuộc xung đột du kích kéo dài, không giống như đánh giá ban đầu của Nga về sự kém cỏi của quân đội Ukraine. Trung Quốc có lợi thế quân sự lớn so với Việt Nam, từ tên lửa đạn đạo và hành trình, máy bay ném bom, máy bay chiến đấu, tàu ngầm, hạm đội tàu mặt nước và các lĩnh vực khác. 

Sau khi công bố tăng 7,1% ngân sách để phát triển quân sự vào đầu tháng, ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh đã lên khoảng 230 tỷ đô la, gấp ít nhất 32 lần ngân sách ước tính 7 tỷ đô la của Hà Nội. Hơn nữa, Trung Quốc đã đầu tư vào việc chuyên nghiệp hóa quân đội, đặc biệt là để tăng cường sự liên kết giữa các lực lượng, với mục đích biến quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, dưới sự chỉ đạo của chủ tịch Tập, thành lực lượng "đẳng cấp thế giới". Quân đội Việt Nam thua xa Trung Quốc về mọi mặt. 

Ngược lại, Đài Loan đã đầu tư rất nhiều vào việc mua sắm hoặc phát triển khả năng phòng thủ nhằm làm phức tạp thêm các nỗ lực của Bắc Kinh trong việc xâm lược hòn đảo. Đài Loan sở hữu các tên lửa đất đối không, như các khẩu đội tên lửa Patriot của Mỹ và tên lửa hành trình chống hạm. 

Đài Loan cũng được lợi từ sự hỗ trợ kéo dài hàng thập kỷ trong việc mua sắm các hệ thống vũ khí tiên tiến của Mỹ, bao gồm việc mua 66 máy bay chiến đấu F-16V vào năm ngoái để tăng cường khả năng không chiến và tuần tra. Đài Loan đã phát triển lực lượng vũ trang của mình và hoàn thiện khả năng tiến hành chiến tranh trong các lĩnh vực không quân và hải quân, trong khi Việt Nam thì không. 

Về mặt địa lý, việc Trung Quốc xâm lăng Đài Loan có lẽ sẽ phức tạp hơn nhiều so với việc Nga xâm lăng Ukraine trên đất liền. Nga tập trung quân dọc theo biên giới và xâm chiếm phần lãnh thổ hầu hết là bằng phẳng và cận kề biên giới. Về phần mình, Trung Quốc sẽ phải tiến hành thành công chiến dịch đổ bộ vào Đài Loan và có thể sẽ bị thiệt hại khi đi qua eo biển để tới hòn đảo. Đường biên giới chung trên đất liền của Việt Nam với Trung Quốc, tương tự như Nga với Ukraine, không có bất kỳ thách thức khó khăn đặc biệt nào về mặt địa hình. 

Không có sự so sánh nào là hoàn hảo, nhưng sự so sánh Nga - Ukraine với Trung Quốc - Đài Loan có nhiều điểm không tương đồng. Kịch bản xung đột nổ ra giữa Trung Quốc và Việt Nam dường như sẽ dễ xảy ra hơn trong trường hợp tình hình ở Biển Đông leo thang trở thành một cuộc xung đột lớn hơn trên đất liền. 

Kết luận này có thể khiến Mỹ vừa an tâm và vừa lo lắng. Một mặt, Washington có thể sẽ yên tâm khi biết rằng Đài Loan không dễ bị tấn công như Ukraine. Mặt khác, Hoa Kỳ có thể sẽ có cái nhìn lo âu đối với Việt Nam.

Derek Grossman

Nguyên tác : Ukraine conflict echoes loudest in Vietnam, not Taiwan, Nikkei Asa, 21/02/2022

Phan Minh dịch

Nguồn : RFI, 24/03/2022

*********************

Việt Nam cải tạo nâng cấp trên một số đảo ở Trường Sa

Diễm Thi, RFA, 24/03/2022

Hôm 23 tháng 3 năm 2022, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, DC có bài viết và một số hình ảnh vệ tinh cho thấy, trong sáu tháng qua, Việt Nam đã tiến hành hoạt động nạo vét và bồi đắp mới tại ba đảo nhỏ mà Việt Nam nắm giữ ở quần đảo Trường Sa. Trong năm qua, Việt Nam đã tiếp tục nâng cấp nhỏ và xây dựng các tòa nhà mới trên một số căn cứ. Cùng với những cải tạo này, Việt Nam cũng đã phải sửa chữa những thiệt hại đáng kể do bão Rai gây nên khi quét qua một trong những tiền đồn lớn nhất là Đảo Song Tử Tây hồi tháng 12 năm 2021.

trungquoc3

Đảo Song Tử Tây ngày 6 tháng 1 năm 2022. AMTI

Theo các nhà phân tích của CSIS, tương tự hoạt động nạo vét và bồi đắp trước đây của Việt Nam, phạm vi tổng thể của việc mở rộng đảo mới như vừa nêu khác xa với việc xây dựng đảo quy mô mà Trung Quốc đã thực hiện từ năm 2013 đến năm 2016. Đến năm 2016, Việt Nam mở rộng thêm hơn 120 mẫu đất mới ở Biển Đông trong khi con số này của Trung Quốc là gần 3.000 mẫu.

Tuy nhiên, việc cải tạo gần đây đánh dấu một sự tăng tốc về cải tạo của Việt Nam đối với các thực thể ở quần đảo Trường Sa. Điều này có thể khiến Hà Nội hứng chịu những chỉ trích từ Bắc Kinh và các bên khác, mặc dù các báo cáo sắp tới của AMTI sẽ cho thấy Việt Nam không phải là bên tranh chấp duy nhất vẫn đang tiến hành xây dựng mới ở Trường Sa.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cấp cao khách mời thuộc viện ISEAS (Singapore), nêu quan điểm của mình với RFA về việc này :

"Việc xây đắp những đảo này họ làm cả năm nay rồi. Họ tuyên bố là đắp những chỗ bị lở chứ không phải mở rộng. Đắp lại chứ không đắp mới, cũng không thấy nói đến chuyện họ đưa vũ khí hay là thiết bị quân sự nào lên cả. Đắp mới là luật pháp quốc tế không cho phép. Lại càng không cho phép chuyện đắp thêm xong lại đem thiết bị quân sự lên đấy.

Trong khi đó Trung Quốc quân sự hóa khá là nhiều. Trong vòng sáu tháng, cho đến ngày hôm qua Trung Quốc đã hoàn thành việc hiện đại hóa quân sự trên ba trong số tám đảo lớn nhất của họ. Việt Nam đắp những chỗ này không thấy Trung Quốc phản ứng gì phản ứng thì cũng vô lý. Cũng có thể họ cho rằng những bồi đắp này bé quá họ không cần phải để ý đến".

Việt Nam vào tháng 10 năm 2021 bắt đầu các hoạt động xây dựng và bồi đắp mới tại ba đảo : Đảo Phan Vinh, Đảo Nam Yết và Đảo Sơn Ca.

Cho đến nay, khoảng 50 mẫu đất mới đã được bồi đắp vào Đảo Phan Vinh và Đảo Nam Yết, trong khi chỉ có bảy mẫu đất được bồi đắp tại Đảo Sơn Ca. Việc nạo vét và bồi đắp của Việt Nam liên quan đến việc sử dụng các tàu nạo vét vỏ sò và thiết bị xây dựng để xúc các phần của rạn san hô cạn và lắng đọng trầm tích trên khu vực được nhắm mục tiêu để bồi đắp. Đây là một quá trình tốn thời gian hơn và ít tùy tiện hơn so với việc nạo vét bằng máy cắt mà Trung Quốc đã sử dụng để xây dựng các đảo nhân tạo của họ. Quá trình này cũng làm cho việc xác định xem bãi bồi đắp được quy hoạch rộng như thế nào ở giai đoạn đầu của quá trình cũng trở nên khó khăn.

Thiệt hại do bão

>trungquoc4

Đảo Trường Sa. AMTI

Tiền đồn của Việt Nam tại Đảo Song Tử Tây, nằm ở cực bắc của quần đảo Trường Sa, đã hứng chịu thiệt hại đáng kể từ cơn bão Rai vào tháng 12 năm 2021. Đảo này trước đó được bao phủ bởi những tán lá rậm rạp. Theo truyền thông Nhà nước Việt Nam, cơn bão Rai đã gây thiệt hại lớn trên đảo Song Tử Tây như : Làm tốc mái trên 500m2 ngói, hỏng 15 tấm pin năng lượng mặt trời, tốc mái trên 400m2 vườn và sập một vườn tăng gia ; khoảng 90% cây cối trên đảo bị bật gốc và gãy đổ, trạm đo gió thủ công và trạm đo gió tự động đều bị gãy đổ.

Một bức ảnh gần đây của AMTI cho thấy những mái nhà bị hư hỏng này đã được sửa chữa, mặc dù các tấm pin mặt trời dường như chưa được thay thế.

Ngoài ra, Việt Nam đã tiếp tục cải tạo ở một số đảo nhỏ. Trên Đảo Đá Tây, một số tòa nhà bắt đầu xây dựng vào tháng 8 năm ngoái sắp hoàn thành.

Một tòa nhà mới đã được xây dựng vào mùa thu năm ngoái tại Đảo Sinh Tồn, và những khu vực đã được dọn dẹp để xây dựng các công sự phòng thủ ven biển mới vào năm 2020 hiện đã được lấp đầy bởi thảm thực vật.

Việt Nam cũng đã hoàn thành việc mở rộng tiền đồn tại Đá Núi Le vào tháng 7 năm ngoái bao gồm cấu trúc thứ hai được kết nối với cấu trúc thứ nhất bằng một cây cầu.

Việt Nam có khoảng 50 tiền đồn trên Biển Đông, nằm rải rác ở 27 thực thể trong đó có 10 đảo nhỏ. Việt Nam chỉ có duy nhất một đường băng tại quần đảo Trường Sa.

Kể từ năm 2014, Việt Nam đã mở rộng một cách khiêm tốn nhiều thực thể mà nước này chiếm giữ ở Biển Đông. Ít nhất bốn trong số các thực thể này có các công trình bến cảng để tàu thuyền dân sự tiếp cận để nhận tiếp tế hoặc trú ẩn khi thời tiết xấu. Trong khi đó, từ năm 2014, Trung Quốc cũng đã xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, trong đó có các hệ thống radar, đường băng và hệ thống tên lửa hành trình đất đối không và chống hạm.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam mới đây cho hay, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu quy hoạch, xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng, cho RFA biết ý kiến của mình về yêu cầu này :

"Hiện nay ở quần đảo Trường Sa dân cư rất thưa thớt, nhưng nó cũng hình thành nét văn hóa riêng, cũng có chùa, trường học, chợ... Như đảo Trường Sa lớn cũng có cảng cá, kho lạnh, cung cấp dầu... để cung cấp cho nghề cá ở đó... Nhưng nếu nói đó là trung tâm văn hóa kỹ thuật như trong đất liền thì nó không thể. Ngay cả việc hình thành một khu dân cư cũng không đầy đủ để hình thành".

Theo AMTI, từ năm 2013, Việt Nam đã nâng cấp chín trong số 10 căn cứ trên đảo (tất cả trừ Đảo An Bang), 10 trong số 24 bệ đặt trên bãi đá ngầm, và 12 trong số 14 nhà giàn DK1 biệt lập ở vùng biển sâu hơn về phía Tây Nam.

Diễm Thi

Nguồn : 24/03/2022

************************

Biển Đông : Trung Quốc đã "quân sự hóa hoàn toàn" ba đảo ở Trường Sa

Trọng Nghĩa, RFI, 21/0/2022

Đô đốc Mỹ John C Aquilino, tư lệnh lực lượng Mỹ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương ngày 20/03/2022 cho biết : Trung Quốc đã "quân sự hóa hoàn toàn" ít nhất ba trong số 7 hòn đảo nhân tạo mà họ xây dựng ở vùng quần đảo Trường Sa, thuộc Biển Đông, bố trí trên đó nhiều hệ thống tên lửa phòng không và chống hạm, thiết bị gây nhiễu và bắn laser, cùng máy bay chiến đấu. 

trungquoc5

Ảnh Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa Biển Đông, do Trung Quốc kiểm soát, Việt Nam đòi hỏi chủ quyền. Ảnh chụp ngày 3/5/2020. © Wikimedia

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Mỹ AP, đô đốc Aquilino nhắc lại rằng các hành vi hiếu chiến đó hoàn toàn trái ngược với lời đảm bảo trước đây của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, theo đó Bắc Kinh sẽ không biến các đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp thành căn cứ quân sự.

Ông Aquilino đã nói chuyện với AP trên một chiếc máy bay trinh sát của Hải Quân Hoa Kỳ, bay gần các tiền đồn do Trung Quốc trấn giữ ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, một trong những khu vực tranh chấp nóng bỏng nhất trên thế giới. Trong quá trình tuần tra, chiếc máy bay P-8A Poseidon liên tục nhận được những lời cảnh cáo qua vô tuyến điện từ phía Trung Quốc, nói rằng máy bay Mỹ đã xâm nhập trái phép, vào nơi mà họ nói là lãnh thổ của Trung Quốc, và ra lệnh cho máy bay di chuyển đi nơi khác. 

Khi chiếc P-8A Poseidon bay gần các rạn san hô do Trung Quốc chiếm đóng, ở một số nơi, có thể thấy các tòa nhà nhiều tầng, nhà kho, nhà chứa máy bay, cảng biển, đường băng và radar. Gần Đá Chữ Thập chẳng hạn, có hơn 40 tàu đang neo đậu. 

Ông Aquilino cho biết việc xây dựng các kho vũ khí tên lửa, nhà chứa máy bay, hệ thống radar và các cơ sở quân sự khác trên Đá Vành Khăn, Đá Subi và Đá Chữ Thập dường như đã hoàn thành, nhưng vẫn còn phải xem liệu Trung Quốc có theo đuổi việc xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự ở các khu vực khác hay không. 

Đô đốc Mỹ xác định : "Chức năng của những hòn đảo đó là mở rộng khả năng tấn công của CHND Trung Hoa ngoài các bờ lục địa của họ. Họ có thể tung máy bay chiến đấu, máy bay ném bom cộng với tất cả các khả năng tấn công của hệ thống tên lửa". 

Ông cho biết bất kỳ máy bay quân sự và dân sự nào bay qua tuyến hàng hải đang tranh chấp đều có thể dễ dàng lọt vào tầm bắn của hệ thống tên lửa trên các đảo của Trung Quốc. 

Không có bình luận ngay lập tức từ các quan chức Trung Quốc. Bắc Kinh luôn cho rằng các cơ sở quân sự của họ hoàn toàn mang tính chất phòng thủ, được bố trí để bảo vệ những gì họ nói là thuộc chủ quyền của mình.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 21/03/2022

Published in Diễn đàn