Nhà hoạt động Huỳnh Trương Ca mãn hạn tù : Muốn có nhân quyền phải đấu tranh !
RFA, 05/03/2024
Nhà hoạt động Huỳnh Trương Ca mãn hạn tù và trở về nhà vào ngày 04/3, ông nói người dân phải đứng lên đấu tranh cho các quyền của mình.
Nhà hoạt động Huỳnh Trương Ca ra tù hôm 4/3 - FB Van Cuong Ho
Ông Ca bị bắt ngày 04/9/2018 với cáo buộc "tuyên truyền chống Nhà nước" theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự sau khi tham gia cuộc biểu tình phản đối hai Dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng ở thành phố Hồ Chí Minh.
Trong phiên tòa vào cuối năm đó, ông bị tòa án tỉnh Đồng Tháp kết án 5 năm 6 tháng tù và ba năm quản chế.
Do vậy, thay vì được về thẳng nhà trong ngày thứ Hai, ông lại bị cán bộ trại giam đưa về Uỷ ban Nhân dân thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự để bàn giao cho chính quyền địa phương. Vài tiếng sau ông mới được đưa về nhà.
Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 05/3 :
"Tôi không chống ai hết mà tôi chỉ muốn đòi quyền con người và muốn đất nước có dân chủ. Khi tôi livestream, tôi kêu gọi mọi người cùng biểu tình để phản đối Dự luật Đặc khu Kinh tế".
Ông Ca là thành viên của nhóm Hiến Pháp, một nhóm bạn hữu cổ suý việc thực hành quyền công dân và quyền con người ghi trong Hiến pháp Việt Nam 2013.
Bên cạnh việc tham gia biểu tình vào ngày 10/6/2018 phản đối hai dự luật đang được bàn thảo ở Quốc hội, ông còn làm nhiều chương trình phát trực tiếp trên mạng xã hội để nêu lên hậu quả đến an ninh quốc gia, quyền con người nếu dự luật được thông qua thành luật.
Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp nêu rõ, từ ngày 23/3 ngày 19/8/2018, ông Huỳnh Trương Ca đã thực hiện 40 buổi livestream (phát trực tiếp) trên Facebook cá nhân "Thằng Nhà Quê", trong đó có 18 đoạn video bị cho là có "nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền, chống lại Nhà nước".
Ông Ca cho biết cuộc sống ở Trại tạm giam của Công an tỉnh Đồng Tháp trước khi ra tòa sơ thẩm vô cùng hà khắc, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, ông mô tả thức ăn "thua cả cho chó mèo" và phòng giam chật hẹp.
Ông không thuê luật sư bào chữa trong phiên tòa sơ thẩm vì mất niềm tin tin vào nền tư pháp Việt Nam. Ông nói về quyết định này :
"Đầu tiên là tôi tính mướn luật sư nhưng mà tôi thấy ở Việt Nam đã xảy ra rất nhiều vụ án chính trị thì luật sư không giải quyết được gì hết, giống như là để trang trí thôi. Chính vì thế mà tôi không thuê luật sư. Tôi muốn gửi một thông điệp : Tôi không tin vào nền tư pháp của họ".
Trong phiên toà, ông cũng không tự biện hộ bởi vì "tất cả là án bỏ túi".
Trong thời gian thi hành án ở Trại giam Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), ông bị giam chung khu với nhiều tù nhân lương tâm như : Phạm Chí Dũng, Nguyễn Văn Đức Độ, Huỳnh Đức Thanh Bình, và Nguyễn Ngọc Ánh.
Nhiều lần, cả nhóm đấu tranh đòi quyền lợi cho tù nhân, và từng có hai lần tuyệt thực ngắn để phản đối việc trại giam không cho tù nhân nhận sách từ gia đình và đòi cải thiện điều kiện giam giữ.
Trước khi bị bắt, ông Ca bị tai nạn giao thông. Sau khi bị bắt, di chứng của vụ tai nạn tái phát nhưng ông không được chữa trị đầy đủ và kịp thời. Do vậy, hiện ông bị đau chân và mắt bị mờ. Tuy nhiên, ông không nói nhiều về sức khoẻ của mình.
"Hiện nay tôi quan tâm nhất là sức khỏe của đất nước này dân tộc này còn sức khỏe của tôi nó nhỏ lắm !"
Ông muốn gửi thông điệp tới mọi người dân Việt Nam :
"Nếu chúng ta muốn đất nước chúng ta có dân chủ có văn minh thì nên đi đòi, phải nhiều người đòi thì chắc chắn chính phủ sẽ nghe !"
Ông Huỳnh Trương Ca, 53 tuổi, là một trong số chín thành viên của nhóm Hiến Pháp bị bắt năm 2018.
Truyền thông nhà nước đưa tin ông thừa nhận hành vi phạm tội và thành khẩn khai báo. Tuy nhiên, ông cho biết mình chỉ thừa nhận hành vi đã thực hiện và khẳng định các hành động của mình tuân thủ Hiến pháp Việt Nam hiện hành.
Tám thành viên còn lại bị kết án theo tội danh "phá rối an ninh" theo Điều 118 của Bộ luật Hình sự với mức án từ 30 tháng đến 8 năm tù. Hiện còn hai thành viên đang thụ án tù là hai bà Hoàng Thị Thu Vang và Nguyễn Thị Ngọc Hạnh.
**************************
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình bị tạm giam bốn tháng với cáo buộc "tuyên truyền chống Nhà nước"
RFA, 04/03/2024
Người nhà của nhà báo Nguyễn Vũ Bình mới đây được phía công an cho biết, ông bị bắt tạm giam với cáo buộc "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình - Fb Nguyễn Vũ Bình
Như chúng tôi đã thông tin, ông Bình bị Công an Hà Nội đưa về nhà khám xét và bắt tạm giam ngày 29/2 vừa qua.
Một người thân của ông Bình không muốn nêu danh tính vì lý do an ninh, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng gia đình trong sáng 04/3 đến trụ sở của Cơ quan An ninh Điều tra- Công an thành phố Hà Nội để hỏi thông tin về ông Bình :
"Một sỹ quan công an thông báo bằng miệng với gia đình của anh Bình rằng anh ấy bị khởi tố và điều tra theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Anh đang bị tạm giam bốn tháng ở Trại tạm giam số 1 của Công an thành phố Hà Nội".
Tuy nhiên phía công an vẫn chưa gửi văn bản chính thức về vụ bắt giữ cho gia đình, chỉ nói rằng sẽ chuyển sau. Gia đình cũng được hướng dẫn liên hệ trực tiếp với trại tạm giam để gửi quà và đồ dùng cho ông Bình.
Phóng viên gọi điện thoại cho điều tra viên Nguyễn Đức Hải, người phụ trách vụ án của ông Bình theo số máy di động, tuy nhiên người này không nghe máy. Phóng viên gọi điện đến Trại tạm giam số 1 của Công an thành phố Hà Nội nhưng cũng không có ai bắt máy.
Một người bạn thân của ông Bình tiết lộ, trước khi bị bắt ông bị bệnh tiểu đường tuýp 2 và cao huyết áp khiến cơ thể hay hoa mắt, chóng mặt.
Người này lo ngại bệnh tình của ông Bình sẽ biến chứng nhanh hơn nếu không được bác sĩ thăm khám và cung cấp thuốc đều đặn.
Một ngày trước khi bị bắt, ông Bình nhận được giấy triệu tập của Cơ quan An ninh Điều tra- Công an thành phố Hà Nội, để làm việc về chương trình phát trực tiếp video clip trên kênh YouTube //www.youtube.com/@TNTMediaLive/search?query=nguy%25E1%25BB%2585n%2520v%25C5%25A9%2520b%25C3%25ACnh" target="_blank">TNT Media Live mà ông tham gia cùng luật sư Nguyễn Văn Đài từ năm 2021 đến tháng 6/2022.
Kênh YouTube này thuộc sở hữu của Radio Tiếng Nước Tôi có trụ sở tại San Jose, California (Hoa Kỳ).
Theo luật sư Đài, giữa năm 2022, ông Bình đã bị công an triệu tập để làm việc trong nhiều ngày và phía công an yêu cầu phải chấm dứt tham gia làm chương trình trên.
Ông Bình bị bắt trong ngày 29/2 cùng với nhà hoạt động, Youtuber Nguyễn Chí Tuyến trong hai vụ án riêng rẽ liên quan đến cáo buộc "tuyên truyền chống Nhà nước" theo Điều 117. Cho đến nay truyền thông nhà nước hoàn toàn im lặng về hai vụ bắt giữ này.
Ông Nguyễn Vũ Bình, 56 tuổi, từng có thời gian làm phóng viên trong vòng 10 năm cho tờ Tạp Chí Cộng Sản, trước khi trở thành một nhà hoạt động nổi tiếng ở Hà Nội và có nhiều bài viết cộng tác cho trang blog của RFA.
Đây là lần thứ hai ông Bình bị bắt giữ. Ông bị bắt lần thứ nhất vào cuối tháng 9/2002 với cáo buộc "gián điệp" vì gửi các tài liệu do ông soạn thảo và tập hợp bị cho là "có nội dung xuyên tạc về tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam cho một số tổ chức phản động ở nước ngoài để những tổ chức này sử dụng vu cáo, chống lại Nhà nước ta".
Hơn một năm sau, trong một phiên tòa vào tháng 12/2003, ông bị tuyên phạt bảy năm tù giam. Ông được đặc xá tha tù trước thời hạn vào năm 2007 và tiếp tục tham gia các hoạt động ôn hòa cổ suý nhân quyền và dân chủ.
Vì các hoạt động ôn hòa của mình, ông Bình được tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hai lần trao giải thưởng Hellman-Hammett vào năm 2002 và năm 2007, một giải thưởng hàng năm dành cho những văn sĩ dũng cảm đương đầu với sự đàn áp chính trị.
Ông cũng là Hội viên danh dự của bốn tổ chức Văn bút Hoa Kỳ, Văn bút Canada, Văn bút Thụy Sĩ, và Văn bút Sydney.
Nguồn : RFA, 04/03/2024