Chống ‘BOT bẩn’, Hà Văn Nam và 6 người nhận nhiều năm tù về tội ‘gây rối’ (VOA, 30/07/2019)
Một tòa án cấp huyện ở tỉnh Bắc Ninh hôm 30/7 tuyên ông Hà Văn Nam phải chịu phạt 30 tháng tù giam về tội "gây rối trật tự công cộng".
Gia đình ông Hà Văn Nam kêu cứu khi ông bị bắt hồi tháng 3/2019
Cùng bị kết án với ông Nam trong phiên sơ thẩm tại Tòa án Nhân dân huyện Quế Võ là 6 người khác trong độ tuổi từ 26 đến 35, với các bản án từ 18 đến 36 tháng tù giam.
Theo quan sát của VOA, ông Hà Văn Nam, 38 tuổi, được nhiều người sử dụng mạng xã hội, một số nhà hoạt động, nhà báo, luật sư xem như một "người hùng" chống các trạm thu phí BOT bẩn, đồng thời họ cho rằng ông bị "vu oan" khi nhà chức trách bắt và kết tội ông.
Khái niệm BOT bẩn nói đến các trạm thu phí đặt sai vị trí hoặc thu phí quá thời hạn cho phép tại các đoạn quốc lộ hoặc cây cầu được các công ty tư nhân xây mới hoặc cải tạo theo hình thức hợp đồng xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT).
Vụ việc đẩy ông Nam vào tù xảy ra hôm 31/12/2018, tại trạm thu phí BOT Phả Lại. Ở thời điểm đó, báo chí nhà nước nói khoảng 100 người cùng nhiều ô tô đã "tập trung dừng đỗ" tại trạm, "không chịu mua vé", đồng thời "cản trở" các phương tiện giao thông khác.
Thông tin được đưa ra tại tòa hôm 30/7 nói rằng hành động của nhóm 7 người, trong đó có ông Nam, khiến đơn vị vận hành phải mở thanh chắn cho xe cộ đi qua miễn phí, còn gọi là "xả trạm", dẫn đến "thất thoát hơn 23 triệu đồng".
Ngoài hình phạt tù, tòa còn buộc các bị cáo bồi thường khoản tiền thất thoát và các bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả, theo một bản tin của trang Soha.
Theo nội dung phần bào chữa mà VOA nhận được, luật sư Hà Huy Sơn, đại diện pháp lý cho ông Nam, lập luận rằng ông "không có lỗi cố ý trực tiếp gây ra ách tắc giao thông" trên quốc lộ, cũng như không "gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng". Tuy nhiên, phần bào chữa của luật sự Sơn không tác động được đến phán quyết của tòa.
Một số nhà hoạt động và những người thường lên tiếng vì tiến bộ xã hội ở Việt Nam, như các ông bà Võ Văn Tạo, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Hồ Nhật Thành, Trần Quốc Quân, Phạm Đoan Trang, đã lập tức lên tiếng phản đối bản án tòa vừa tuyên. Theo thông tin VOA có được, họ cho rằng đó là bản án "bất công, oan khuất" do chế độ "công an trị" áp đặt.
Một ngày trước phiên tòa, hôm 29/7, Ân xá Quốc tế đăng trên trang web của họ một thông cáo trong đó nói ông Hà Văn Nam "bị cho là tội phạm" chỉ đơn giản vì ông "phê phán tình trạng tham nhũng tràn lan" qua việc phát video trực tiếp trên mạng (live stream) được nhiều người theo dõi.
Khẳng định ông Nam chỉ tường thuật "một cách ôn hòa" về những gì ông coi là "bất công, vi phạm nhân quyền và tham nhũng ở Việt Nam", Ân xá Quốc tế đưa ra lời kêu gọi chính quyền phải "trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện" cho ông Nam, cũng như "bãi bỏ mọi cáo buộc chống lại ông ấy".
Công chúng Việt Nam trở nên bất bình từ mùa hè 2017, sau khi những cuộc điều tra độc lập của một số nhà báo và người dân cho thấy một số trạm BOT đặt sai vị trí hoặc thu phí quá thời hạn cho phép.
Nhiều tài xế đã phản kháng tại nhiều nơi trên cả nước bằng cách dùng tiền lẻ để trả phí, hoặc dừng xe tranh cãi với nhân viên thu phí, gây ùn tắc.
Các hoạt động phản đối nhiều trạm thu phí đặt sai vị trí trên các quốc lộ nóng lên thêm trong tháng 2/2019, cả tại hiện trường lẫn trên mạng xã hội.
Đầu tháng 3, một đơn vị công an tỉnh Bắc Ninh bắt giữ ông Hà Văn Nam và những người liên quan. Kể từ đó đến nay, theo quan sát của VOA, thông tin về các động thái chống BOT bẩn hầu như không thấy xuất hiện trên mạng xã hội.
******************
Tài xế chống "BOT bẩn" Hà Văn Nam bị tuyên 30 tháng tù giam (RFA, 30/07/2019)
Ông Hà Văn Nam, một người hoạt động từng nhiều lần phản đối các trạm BOT đặt không đúng vị trí trên khắp cả nước vừa bị Tòa án nhân dân huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh tuyên 30 tháng tù giam với cáo buộc "Gây rối trật tự công cộng" vào sáng 30/7/2019.
Tài xế Hà Văn Nam - Courtesy of Amnesty International
6 người khác gồm các ông Nguyễn Quỳnh Phong, Lê Văn Khiển, Nguyễn Tuấn Quân, Vũ Văn Hà, Ngô Quang Hùng và Trần Quang Hải phải lãnh nhận các mức án từ 18 tháng đến 36 tháng tù giam với cùng một tội danh sau khi cùng nhau phản đối trạm thu phí BOT Phả Lại.
Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Hà Văn Nam cho chúng tôi biết qua điện thoại như sau :
"Tại tòa tôi có nói Hà Văn Nam là không có tội, tại vì mục đích là đi khiếu nại để đòi hỏi quyền lợi thôi, chứ không phải là gây ách tắc giao. Việc ách tắc giao thông thì lỗi một phần do BOT và tài xế khác chứ không phải do động cơ và mục đích của Hà Văn Nam.
Người ta buộc tội anh ấy xúi dục các tài xế để chặn các làn xe đi qua trạm gây ách tắc giao thông. Anh ấy có nói là không có động cơ như vậy, anh ấy chỉ có sơ suất là không nói rõ cho các lái xe phương pháp đấu tranh",.
Trạm thu phí BOT Phả Lại được đặt trên Quốc lộ 18 thuộc huyện Quế Võ được phép thu phí từ ngày 24/12 năm ngoái, tuy nhiên ngay sau đó nhiều người dân quanh trạm cho rằng việc thu phí với tài xế ở địa phương là sai nên tập trung phản đối.
Theo kết luận điều tra của công an tỉnh Bắc Ninh, ngày 29/12/2018, ông Hà Văn Nam gọi điện cho Nguyễn Quỳnh Phong nói đã xem clip về việc người dân phản đối thu phí ; hẹn khi rảnh sẽ về giúp.
Hai ngày sau, nhóm 7 người nói trên tập trung tại BOT Phả Lại cùng khoảng 100 người khác đồng thời dừng ở làn thu phí gây kẹt xe, khiến lãnh đạo trạm là ông Mạc Tuấn Long phải gặp mặt, đối thoại.
Sự việc được cho là khiến BOT phải xả trạm, không thu phí nên chịu thất thoát hơn 23 triệu đồng. Vì vậy, ngoài hình phạt tù, tòa án cũng buộc các bị cáo bồi thường khoản tiền này và ghi nhận họ đã nộp tiền khắc phục hậu quả.
Ông Nguyễn Trường Sơn, người thực hiện chiến dịch cho Ân xá Quốc tế ngay sau phiên tòa đã phát biểu như sau :
"Ngay từ khi Hà Văn Nam bị bắt thì chúng tôi đã xác định rằng đây là một việc làm sai lầm, bởi vì Hà Văn Nam đáng nhẽ ra phải được bảo vệ của luật pháp thì bây giờ lại trở thành một phạm nhân.
Đối với Ân xá Quốc tế thì Hà Văn Nam là một tù nhân lương tâm như chúng tôi vẫn nói ngay từ đầu bởi anh chỉ cầm tù khi thực hiện quyền công dân và các quyền con người căn bản được hiến pháp và luật pháp bảo vệ.
Việc kết án anh ngày hôm nay chỉ cho thấy Việt Nam là một nhà nước độc đoán vì họ không tôn trọng chính luật pháp mà họ làm ra".
Một số bạn bè và những người ủng hộ ông Hà Văn Nam sáng 30/7 cũng đến để tham dự phiên tòa nhưng không được phép cho vào sân UBND xã Đào Viên, huyện Quế Võ - nơi tổ chức phiên tòa lưu động xử các bị cáo.
Bà Đặng Thị Huệ, người từng tham gia với ông Nam phản đối các BOT đặt không đúng vị trí tường thuật lại vụ việc :
"Tất cả đều bị đứng ở ngoài anh ạ, họ dùng tất cả lực lượng như cơ động, trật tự để ngăn cản quyền giám sát của người dân.
Tôi có hỏi nhưng họ chỉ im lặng hoặc trả lời là làm theo sự chỉ đạo. Tất cả những người ở đấy chỉ làm theo sự chỉ đạo chứ họ không có quyền quyết định.
UBND xã Đào Viên, huyện Quế Võ, nằm cách BOT Phả Lại 10 km. Chỉ có 1 người cầm được giấy triệu tập của tòa án còn ngoài ra không có ai được vào".
Cũng theo nhận xét của bà Huệ, bản án mà TAND huyện Quế Võ tuyên đối với ông Nam là một bản án dành cho những người đang đòi quyền lợi hợp pháp, hợp hiến.
"Quan điểm của tôi là người ta vô tội, khi mà tòa tuyên án là họ có tội thì họ phải chấp nhận một bản án mà không đúng theo trình tự của pháp luật và họ đang làm án oan", bà Huệ khẳng định.
Hồi tháng 5 năm nay, Ân Xá Quốc tế công bố một bản danh sách gồm 128 Tù nhân lương tâm hiện vẫn còn bị chính quyền Việt Nam cầm giữ vì các hoạt động ôn hòa của mình.
*********************
Phản đối BOT, Hà Văn Nam bị 30 tháng tù vì tội ‘gây rối’ (BBC, 30/07/2019)
Lái xe Hà Văn Nam cùng 6 tài xế khác bị đưa ra xét xử trong phiên tòa lưu động tại UBND xã Đào Viên, huyện Quế Võ, Bắc Ninh hôm 30/7 với tội danh 'gây rối trật tự công cộng' theo Điều 318, Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Trước phiên xét xử tài xế Hà Văn Nam tại Bắc Ninh hôm 30/7/2019
Ông Hà Văn Nam bị tuyên 30 tháng tù giam.
Người nhận án cao nhất, 36 tháng tù, là Nguyễn Quỳnh Phong, sinh năm 1986.
Cùng tội danh, ông Lê Văn Khiển, sinh năm 1990, nhận 30 tháng tù.
Bên cạnh đó, các bị cáo Nguyễn Tuấn Quân (SN 1984), Vũ Văn Hà (SN 1990), Ngô Quang Hùng (SN 1993) mỗi người chịu 24 tháng tù ; bị cáo Trần Quang Hải (SN 1991) lĩnh 18 tháng tù.
Các bức ảnh chụp thời điểm trước phiên tòa được đăng rộng rãi trên mạng xã hội cho thấy có rất đông các sắc phục công an trước cổng tòa. Nhiều người dân cũng tập trung trước cổng UBND để nghe phiên xử qua loa phóng thanh bất chấp thời tiết nắng nóng.
Luật sư Hà Huy Sơn, người tham gia bào chữa cho ông Hà Văn Nam, viết trên Facebook cá nhân về quan điểm bào chữa của ông rằng "Không có căn cứ buộc tội Hà Văn Nam".
Luật sư Hà Huy Sơn cho rằng ông Hà Văn Nam không có lỗi cố ý trực tiếp gây ra ách tắc giao thông trên Quốc lộ 18 tại Trạm thu phí BOT Phả Lại hôm 31/12/2018. Luật sư Sơn kiến nghị bác truy tố của Viện kiểm sát đối với Hà Văn Nam theo điểm C khoản 2 Điều 318 Bộ luật hình sự.
Ông Nam bị công an tỉnh Bắc Ninh khởi tố và bắt tạm giam vào ngày 5/3/2019 để điều tra về hành vi "Gây rối trật tự công cộng" tại trạm thu phí BOT Phả Lại trên tuyến Quốc lộ 18 đoạn qua huyện Quế Võ..
Trạm BOT Phả Lại đặt tại xã Đức Long (Quế Võ) trên Quốc lộ 18 đoạn tiếp giáp giữa Bắc Ninh - Hải Dương, thực hiện thu phí từ 27/12/2018. Sau đó, nhiều người dân quanh khu vực phường Phả Lại, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã tập trung phản đối trạm này do cho rằng việc thu phí có nhiều bất cập.
Báo Tiền Phong thời điểm đó đưa tin người dân "có biểu hiện gây rối trật tự công cộng" "buộc lực lượng chức năng phải tuyên truyền, giải thích".
Trong đó, ông Nam được cho là đã cùng với 100 người khác đi trên các xe ô tô vào 31/12, "tập trung dừng đỗ trong trạm thu phí Phả Lại, không chịu mua vé đồng thời cản trở các phương tiện tham gia giao thông khi đi qua trạm" khiến phải "xả trạm".
Tổ chức nhân quyền kêu gọi thả ông Nam
Trước phiên xét xử, tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã ra thông cáo báo chí kêu gọi chính quyền Việt Nam thả ông Hà Văn Nam 'ngay lập tức và vô điều kiện'.
Thông cáo có đoạn : "Hà Văn Nam được biết đến vì các hoạt động phản đối bất công và tham nhũng, và bị bắt hồi tháng Ba sau khi livestream trên Facebook, hối thúc mọi người cùng đấu tranh chống các vi phạm và lạm dụng về nhân quyền".
Bà Joanne Mariner, Cố vấn Khủng hoảng Cao cấp của Ân xá Quốc tế phát biểu trong thông cáo : "Lại thêm một nhà hoạt động nữa bị trừng phạt một cách bất công chỉ vì lên tiếng trên Facebook. Cái được cho là 'phạm tội' của Hà Văn Nam chỉ đơn giản là phê phán tình trạng tham nhũng tràn lan".
"Hà Văn Nam đã đưa tin về các bất công, vi phạm nhân quyền và tham nhũng ở Việt Nam một cách ôn hòa. Việc truy tố mang tính thù hận này chỉ đơn giản là chứng minh quan điểm của ông ấy. Chính quyền phải thả ông Nam ngay lập tức và vô điều kiện, và bãi bỏ mọi cáo buộc chống lại ông ấy".
Tài xế Hà Văn Nam
Hà Văn Nam là ai ?
Hà Văn Nam sinh năm 1981, quê ở Thái Bình, sống tại Hà Nội và được biết rộng rãi trên mạng xã hội như một người có nhiều hoạt động phản đối các hoạt động thu phí BOT mà ông cho là bất hợp lý.
Ông Nam có gần 35.000 người theo dõi trên trang Facebook cá nhân.
Trước khi bị bắt, ông Hà Văn Nam từng tham gia các hoạt động giám sát, phản đối các BOT thu phí không hợp lý kể từ giữa 2018 đến nay như BOT Tân Đệ, BOT Mỹ Lộc, BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài.
Ông cũng cùng bạn bè là các lái xe đặt các lán, trại cạnh các BOT để bám trụ, theo dõi quan sát BOT liệu có dám thu phí người dân hay không.
Vụ việc ông Nam bị bắt hồi tháng 3/2019 đã gây nhiều bức xúc trong cộng đồng mạng.
Sài Gòn : Công an ngăn chặn buổi đòi công lý cho tài xế bị bắt vì chống BOT ‘bẩn’ (Người Việt, 10/03/2019)
Hôm 10 tháng Ba, buổi thu thập chữ ký ủng hộ và đòi công lý cho ông Hà Văn Nam, tài xế bị bắt vì chống BOT "bẩn", gặp sự phá rối vì công an quận Bình Tân buộc quán cà phê Bùi Văn Ngọ phải treo bảng "quán tạm nghỉ để sửa chữa".
Ông Hà Văn Nam (Hình : Facebook Trương Châu Hữu Danh)
Ông Nam, 38 tuổi, là chủ một doanh nghiệp và cũng là một tài xế nhiệt tình tham gia phong trào chống các BOT "bẩn" tại các địa phương.
Ông bị công an huyện Quế Võ, Bắc Ninh, bắt hôm 5 tháng Ba với cáo buộc "Gây rối trật tự công cộng" tại trạm BOT Phả Lại trên tuyến quốc lộ 18 đoạn qua huyện Quế Võ.
Thoạt đầu, một nhóm nhà báo, blogger tại Sài Gòn thông báo trên mạng xã hội rằng họ tổ chức buổi thu thập chữ ký ủng hộ và đòi công lý cho ông Nam tại quán cà phê nêu trên. Nhưng đến khi chương trình diễn ra, họ phải đổi địa điểm sang quán khác vì sự can thiệp của công an quận Bình Tân.
Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội hôm 10 tháng Ba cho thấy tuy quán Bùi Văn Ngọ đóng cửa nhưng vẫn có một số người mặc thường phục ngồi theo dõi những người nào đến gần quán.
Ông Trương Châu Hữu Danh, phóng viên báo điện tử Làng Mới, cho biết trên trang cá nhân : "Việc lấy chữ ký ủng hộ Hà Văn Nam thực ra chỉ mang giá trị ước lệ. Ở một quán cà phê, chỉ là bạn bè ngồi uống rồi ký. Thêm vài chục chữ ký trong hàng vạn chữ ký kêu gọi tự do cho một con người chính trực, hết lòng vì một chính phủ kiến tạo chống lợi ích nhóm, chỉ là thêm vài giọt nước vào đại dương lòng người. Vậy mà cái quán phải đóng cửa. Cá nhân tôi thấy điều này không có lợi cho Bình Tân, vì nó chỉ làm cho hình ảnh của họ càng thêm xấu xí. Tôi không biết ai tham mưu cái trò hèn này, vì nó hại chủ quán chỉ một, nhưng hại lãnh đạo đến 1,000 lần ! Họ sợ nhất điều gì ? Sợ dân mở miệng !"
Tuy vấp phải sự ngăn cản của công an nhưng nhóm blogger của ông Danh ghi nhận có những người góp chữ ký đến từ tỉnh Long An, Cần Thơ…
Hồi giữa tháng Giêng, 2019, công an và đảng ủy quận Bình Tân từng bị giới hoạt động xã hội dân sự cáo buộc đứng sau vụ "giam lỏng" một nhóm tài xế, blogger "bị giam lỏng" trong nhiều giờ vì những người này phản đối BOT An Sương-An Lạc.
Trong một diễn biến khác, thông cáo do tổ chức Amnesty International (Ân Xá Quốc Tế) phát đi hôm 9 tháng Ba ghi : "Nhà cầm quyền CSVN phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện đối với nhà bảo vệ nhân quyền Hà Văn Nam, người bị bắt và cáo buộc ‘Gây rối trật tự công cộng’ vì những hoạt động ôn hòa của ông ấy".
"Cáo buộc chống lại ông Nam là có động cơ chính trị, vì nó chỉ liên quan đến việc ông ấy thực hành ôn hòa quyền con người như một người làm chiến dịch chống tham nhũng và đòi công lý. Vụ bắt giữ ông Nam là một ví dụ khác về việc gia tăng đàn áp nhắm vào những tiếng nói đối lập và gửi một thông điệp đáng lo ngại đến những nhà hoạt động tại Việt Nam".
"Dưới luật nhân quyền quốc tế, mọi người đều có quyền tự do và an ninh cho bản thân, không ai phải bị bắt giữ hay bỏ tù tùy tiện", theo Ân Xá Quốc Tế. (T.K.)
*******************
Ân xá Quốc tế nói vụ bắt giữ Hà Văn Nam của chính quyền Hà Nội có động cơ chính trị (RFA, 09/03/2019)
Tổ chức Ân xá Quốc tế ngày 9/3 ra thông cáo báo chí yêu cầu nhà chức trách Việt Nam "phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện đối với nhà bảo vệ nhân quyền Hà Văn Nam, người bị bắt và cáo buộc "gây rối trật tự công cộng" vì những hoạt động ôn hòa của ông ấy".
Ông Hà Văn Nam - Courtesy of FB Hà Văn Nam
Theo đó, Ân xá quốc tế xem cáo buộc chống lại ông Hà Văn Nam là có động cơ chính trị, vì nó chỉ liên quan đến việc ông ấy thực hành ôn hòa quyền con người như một người làm chiến dịch chống tham nhũng và đòi công lý.
"Ông ấy là một tù nhân lương tâm và cần được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện", thông cáo của Ân xá Quốc tế nêu rõ.
Theo tổ chức quốc tế làm việc để giải phóng các tù nhân lương tâm, vụ bắt giữ ông Hà Văn Nam là một ví dụ khác về việc gia tăng đàn áp của các cơ quan chức năng đối với tiếng nói đối lập và gửi một thông điệp đáng lo ngại đến những nhà hoạt động khắp đất nước.
"Dưới luật nhân quyền quốc tế, mọi người đều có quyền tự do và an ninh cho bản thân, không ai phải bị bắt giữ hay bỏ tù tùy tiện.
Tuy nhiên, Ân xá Quốc tế tiếp tục nhận được những báo cáo về những sự hăm dọa, sách nhiễu và theo dõi những nhà hoạt động nhân quyền cùng với các nhà hoạt động ôn hòa ở Việt Nam.
Công việc của những người theo dõi nhân quyền quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và nhà báo bị hạn chế nghiêm ngặt ở quốc gia này.
Ân xá Quốc tế kêu gọi chính quyền Việt Nam cần đảm bảo hoạt động bảo vệ nhân quyền ở quốc gia này mà không phải lo sợ bị trả thù hay hăm dọa.
Là một phần của nỗ lực này, chính phủ nên áp dụng các biện pháp để cung cấp điều tra nhanh chóng, hiệu quả và không thiên vị đối với các cáo buộc tấn công người bảo vệ nhân quyền và đảm bảo các biện pháp khắc phục hiệu quả cho những người bị tấn công và bảo vệ những người có nguy cơ bị tấn công", thông cáo của tổ chức phi chính phủ quốc tế gửi RFA cho biết.
Nhiều tài xế bị bắt khi tham gia chống "BOT bẩn"
Ông Hà Văn Nam, năm nay 38 tuổi, là chủ một doanh nghiệp và là một tài xế dẫn đầu trong phong trào chống các "dự án BOT bẩn" trên khắp cả nước.
Ông Hà Văn Nam và những vết thương do bị đánh vì phản đối trạm thu phí BOT hồi cuối tháng 1/2019 - Courtesy of FB Hà Văn Nam
Hôm 5/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Võ (Bắc Ninh) đã ra thông báo về việc bắt giữ ông Hà Văn Nam để điều tra về hành vi "Gây rối trật tự công cộng" tại trạm thu phí BOT Phả Lại trên tuyến Quốc lộ 18 đoạn qua huyện Quế Võ.
Liên quan đến vụ này, hồi tháng 1 năm nay, 6 tài xế khác cũng bị Công an tỉnh Bắc Ninh khởi tố bị can để điều tra.
Ông Nam hồi cuối tháng 1/2019 khi đang phát trực tiếp đoạn video trên Facebook cá nhân về việc một vài người lạ mặt theo dõi ông (ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thì bất ngờ những người không rõ danh tính lôi ông lên xe đánh đập và nói với nhau là "đưa về đồn".
Ông Nam được thả ra sau đó với những vết bầm tím khắp người và bị gãy 2 xương sườn. Ông lập tức tố cáo với công an địa phương nhưng cho tới nay không có một cuộc điều tra được mở và không ai bị tạm giữ vì tham gia vào vụ tấn công.
Vào ngày 12/2, xe ô tô của ông Nam cũng bị tạt máu tươi cùng với cái đầu gà đặt trên xe, theo Ân xá Quốc tế thì đó là mối đe dọa chết chóc rõ ràng.
Hôm 9/2/2019, một tài xế khác tên Nguyễn Quang Tuy nhằm trong nhóm các tài xế phản đối và đòi minh bạch các dự án BOT bị bắt giữ ở trụ sở công an huyện Hưng Nguyên, huyện Nghi Lộc với cáo buộc "chống người thi hành công vụ".
Các đoạn video trực tiếp của ông này trên Facebook Tuy Quang trước đó cho thấy, ông cố thủ trong xe và không ra trình diện công an do lo sợ hàng chục người đeo khẩu trang liên tục soi đèn pin vào xe và hăm dọa ông này.
Ông cũng quay bản thân và cho biết trên người không có vết thương nào, tuy nhiên bức ảnh chụp lại ông sau khi bị bắt của báo chí thấy rõ những vết bầm trên mặt người tài xế này.