Báo cáo của Tổ chức Lương nông Quốc tế (FAO) hôm 30/5 cho thấy, Trung Quốc chỉ có hai điểm bùng phát dịch mới trong khi đó Việt Nam đến nay vẫn còn hàng chục điểm dịch mới và một số tái phát. Tính đến ngày 20 tháng 6 Việt Nam có tổng cộng 58/63 tỉnh thành có dịch. Tổng số lợn bị tiêu hủy là ít nhất 2 triệu 600 ngàn con. Mức này chiếm chừng 7% tổng đàn lợn trên cả nước.
Dịch tả lợn Châu Phi dẫn đến nhiều hệ lụy - Ảnh minh họa. AFP
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam yêu cầu chính quyền địa phương các tỉnh thành, biên giới giám sát chặt chẽ các cửa khẩu, cảng biển…để ngăn chặn vận chuyển lợn và thịt lợn trái phép vào Việt Nam. Các địa phương cần thường xuyên tổ chức phun thuốc, khử trùng, vệ sinh môi trường ở những cơ sở chăn nuôi và sản xuất thịt heo. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát.
Một số yếu kém trong công tác kiểm soát dịch được nêu ra : thứ nhất do tốc độ phản ứng của chính quyền còn chậm trễ, thứ hai là do manh mún phân quyền cho địa phương quá nhiều trong khi thiếu chuyên môn, thứ ba chính sách đền bù chưa hợp lý khiến người chăn nuôi bán tháo bán chui heo bệnh và thậm chí trục lợi từ chính sách, thứ tư không có hệ thống thông tin quốc gia về quản lý dịch và điều cuối cùng là niềm tin và sự hợp tác giữa người dân và cơ quan chức năng còn thấp.
Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Nhật An, nguyên trưởng khoa truyền nhiễm bệnh viện Trung ương nói với chúng tôi rằng, dịch này có mặt ở nhiều nước và vấn đề phòng chống là một điều không hề đơn giản và đặc biệt là tại Việt Nam còn khó khăn hơn.
Tiến sĩ giải thích : "Là do việc giết mổ lợn ngoài những cơ sở có quy trình về mặt kỹ thuật, bảo đảm phòng dịch, đảm bảo vệ sinh theo tiêu chuẩn thì có nhiều cơ sở giết mổ mang tính cá lẻ tư nhân thì mình không kiểm soát hết được. Vì vậy đó là một trong những lý do nó dễ lây lan. Khi heo chết còn có hiện tượng lén mang heo đi vứt ngoài sông ngoài suối nên việc phòng chống này ngoài phía nhà nước thì cần những người liên quan đến chăn nuôi nữa".
Một chuyên gia từng làm việc trong lĩnh vực quản lý thú y không muốn nêu tên cho chúng tôi hay, dịch bệnh đã được biết trước và cũng có biện pháp ngăn chặn từ đầu nhưng vì phương thức chăn nuôi tại Việt Nam khiến khó khăn trong việc quản lý.
"Chăn nuôi tại Việt Nam manh mún, nằm rãi rác phân tán nên việc khống chế dịch bệnh phải nói là quá khó, các hộ chăn nuôi Việt Nam họ cứ se lẻ một vài con thì không ai có thể kiểm soát được hết cả, có heo chết thì người ta giết mổ thịt người ta bán nên kiểm soát không được. Nó không phải là chăn nuôi công nghiệp mà đó là kiểu chăn nuôi hộ gia đình, nuôi đủ các loại khác nhau nay thịt này mai thịt nọ, con nọ con kia nên không khống chế được, cơ quan quản lý họ cũng cố hết sức làm để khống chế nhưng không thể được. Mấy hộ nhỏ lẻ họ không quan tâm kiểm soát phòng dịch gì đâu".
Do đó, vị chuyên gia cho rằng không thể đổ lỗi tất cả do tình trạng quản lý không bám sát.
Chính phủ Việt Nam từng tiến hành một số cuộc họp tập trung chủ yếu vào công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Cơ quan chức năng còn cho biết huy động lực lượng quân đội tham gia phòng chống dịch này.
Chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân thực tế và đa số người dân và người buôn bán đều thừa nhận do dịch nên lượng tiêu thụ giảm đi.
"Từ khi có dịch bán chậm hơn anh ạ, nhiều khách mua cũng hỏi heo này nọ nhiều nhưng mình lấy heo có nguồn gốc rõ ràng nên khách quen họ mua cũng yên tâm".
Người dân vẫn tiêu thụ thịt heo. RFA
"Thụt nhiều doanh số lắm bởi vì người ta đưa lên mạng nhiều thông tin bậy bạ nên dân người ta sợ người ta không dám ăn đâu, đưa tin không đúng sự thật thì dân bị ảnh hưởng là nhiều, bình thường mỗi ngày chị bán 1 tạ rưỡi còn bây giờ bán cả ngày khoảng 50-70 kg thôi".
"Từ hôm dịch đến giờ mình bán ở đây có hàng ngàn người vẫn ăn chưa ai ra phàn nàn một tiếng nào hết chỉ có điều là bán chậm đi thôi, giảm đi khoảng 40% ví dụ bình thường ăn nữa kg giờ còn khoảng 2-3 lạng thôi".
Ngoài ra, những người dân buôn bán kinh doanh thịt heo đều khẳng định rằng, thịt heo họ lấy tại khu vực chợ đầu mối và có kiểm dịch thú y đàng hoàng mới dám mang về bán.
"Có chứ phải được kiểm dịch đàng hoàng chứ không kiểm dịch thú y đi kiểm tra là chết đó, ngày nào họ cũng đi kiểm tra. Mình lấy heo ở chợ đầu mối, đó là trung tâm cung cấp heo cho cả thành phố này chứ đâu dám đi lấy bậy bạ được. Nó có dấu kiểm dịch được in lên da heo vậy này và phải có dây đai kiểm dịch cục thú y như vậy nè".
"Chẳng hạn như khi lái heo họ đưa vô lò mổ, khi mổ ra là thú y đã kiểm dịch rồi, chở ra chợ đầu mối thì thú y kiểm dịch lần nữa ngay cửa chợ rồi mới đưa vô chợ đầu mối".
Hôm 20/6, mạng báo Tuổi Trẻ loan tin về việc sáu tháng đầu năm, lượng thịt heo nhập khẩu về Việt Nam tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái với giá trị lên tới hơn 23 triệu USD tăng đến 7 lần so với năm 2018.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, phó chủ tịch hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, nói với tuổi trẻ rằng, việc mở cửa cho thịt lợn nhập khẩu tràn vào thị trường sẽ là một đòn giáng mạnh vào ngành chăn nuôi vốn đã bị nhiều thiệt hại do dịch bệnh và khó phục hồi phục khi thịt nhập chiếm lĩnh thị trường.
Trong khi đó các công ty kinh doanh thực phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh nói với báo giới rằng, phần lớn thịt heo nhập về để bán cho các công ty đưa vào chế biến thực phẩm và bếp ăn công nghiệp, ít bán lẻ ra thị trường và nếu có thì cũng là thịt đặc sản hay thịt heo cao cấp.
AP dẫn dự báo của Rabobank là trong năm nay ngành sản xuất thịt lợn của Việt Nam sẽ giảm 10% so với năm ngoái.
Một chuyên gia điều phối tại Trung Tâm Ứng Cứu Khẩn Cấp Về Dịch Bệnh Động Vật Xuyên Biên Giới của FAO được AP dẫn lời rằng nhiều người chăn nuôi Việt Nam sẽ rơi sâu vào cảnh nghèo vì đợt dịch tả lợn Châu Phi lớn nhất lịch sử hiện nay.
******************
Việt Nam lên tiếng vụ hàng Trung Quốc ‘đội lốt’ hàng Việt Nam để né thuế quan Mỹ (VOA, 21/06/2019)
Ngày 20/6, trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài về biện pháp của Việt Nam trước thông tin cho rằng thời gian qua xuất hiện tình trạng hàng Trung Quốc gắn nhãn "Made in Vietnam" để xuất sang Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói Việt Nam kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm việc lấy danh nghĩa hàng Việt Nam.
Kết quả kiểm tra hàng tơ lụa Trung Quốc án nhãn hàng Việt Nam : không có thành phần silk (lụa).
Báo Người Lao động trích lời bà Hằng nói : "Chính phủ Việt Nam kiên quyết ngăn chặn và sẽ xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, hàng hóa nước ngoài lấy danh nghĩa hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường khác".
"Như báo chí đã đưa tin, Tổng cục Hải quan Việt Nam đang có những bước đi cụ thể để ngăn chặn hành vi này, bảo vệ sản xuất trong nước", bà Hằng nói thêm.
Vào đầu tháng này, các quan chức Việt Nam nói Trung Quốc cố tình dán mác "Made in Vietnam" lên hàng hóa của họ để tránh bị áp thuế quan của Mỹ, và yêu cầu các cơ quan kiểm tra gắt gao hơn việc chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Hôm 21/6, báo Tuổi Trẻ loan tin rằng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết đã lập tức tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao đối với doanh nghiệp ASANZO sau bài báo điều tra của Tuổi Trẻ về các mặt hàng điện tử gia dụng thuộc Tập đoàn Asanzo là hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt.
Trong một thông tin liên quan, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có tin công ty Apple của Mỹ đang dự định chuyển một số bộ phận dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cho hay, hiện chưa có thông tin nào về việc Apple có thỏa thuận đối với phía Việt Nam", theo Trang Công Thương.
Bà Hằng nhấn mạnh : "Phía Việt Nam hoan nghênh đầu tư cũng như kinh doanh nước ngoài tại Việt Nam trên cơ sở tôn trọng đầy đủ quy định của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế".
***********************
Chuyên gia : ‘Việt Nam lèo lái giỏi trong thương chiến Trung – Mỹ’ (VOA, 20/06/2019)
Các chuyên gia quốc tế khen ngợi Việt Nam biết tận dụng nội lực, tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, và tranh thủ tham gia các hiệp định thương mại quốc tế nên ít bị ảnh hưởng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Từ trái sang : ông Xinquan Tu, ông Yasuyuki Todo, bà Deborah Elms, và ông Matthew Goodman tại cuộc hội thảo ở CSIS hôm 19/6/2019.
Hôm 19/6, tại một cuộc hội thảo ở thủ đô Washington do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức, bà Deborah Elms, nhà sáng lập và là giám đốc điều hành công ty nghiên cứu Asian Trade Centre có trụ sở ở Singapore, phát biểu rằng cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang ảnh hưởng cả tiêu cực và tích cực đến các nước trong khu vực.
Bà nhận định rằng Việt Nam là một trong những nước Đông Nam Á biết lèo lái giỏi nhất bằng chính nội lực của mình trong khi môi trường kinh doanh quốc tế đang hỗn loạn do tác động của cuộc chiến.
"Tôi nghĩ Việt Nam đang lèo lái tốt nhất. Là vì họ còn thu hút được nhiều đầu tư từ bên ngoài, một lý do nữa là họ thực hiện các bước khá tốt trong việc gia tăng nỗ lực trong nước trước khi thương chiến xảy ra".
Bà nói thêm rằng Việt Nam biết nhận thức việc phải vượt lên trên trong nhóm các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để nắm bắt cơ hội thay vì ở dưới đáy các nước này.
"Bằng chứng là Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đang tiến tới ký kết Hiệp định thương mại Tự do với EU (EVFTA) song song với việc củng cố những áp lực trong nước và thu hút đầu tư từ nước ngoài", bà Elms nói.
Đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ để giải quyết việc thiếu hụt nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế.
Ông Marc Knapper, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, nói tại cuộc thảo hội thảo hôm 19/6.
"Tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Cơ quan Phát triển Thương mại Quốc tế của Hoa Kỳ (USTDA) đang phối hợp với chính phủ Việt Nam để thực hiện kế hoạch phát triển năng lượng nhằm thu hút đầu tư tư nhân vào nước này".
Nhà ngoại giao Hoa Kỳ cho biết rằng hai bên đang hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo thông qua thu hút đầu tư tư nhân và đáp ứng nhu cầu của nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ đang muốn mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Ông Knapper cũng đề cập đến khoản viện trợ không hoàn lại của USTDA trong việc hỗ trợ về mặt pháp lý, kỹ thuật cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sử dụng khí ga tự nhiên hóa lỏng (LNG) để đáp ứng nhu cầu năng lượng của Việt Nam.
Ông Knapper xem việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng với Việt Nam, và cả Philippines, là một ví dụ điển hình về cam kết lâu dài của chính phủ Hoa Kỳ đối với khu vực Châu Á, cũng như tái khẳng định các chính sách của Tổng thống Donald Trump xem đây là khu vực có tầm quan trọng lớn nhất của Mỹ, đồng thời bác bỏ những nhận định cho rằng Hoa Kỳ đang thực hiện chính sách "phân ly" khỏi nền kinh tế Châu Á.
Tại cuộc hội thảo xoay quanh chủ đề : "Liệu Hoa Kỳ có đang phân ly khỏi nền kinh tế Châu Á ?", dân biểu gốc Việt Stephanie Murphy, thành viên của Uỷ ban Thương mại, Tài chính và Thuế vụ của Hạ viện Hoa Kỳ, đã lên tiếng lo ngại về các chính sách thương mại, kinh tế, đặc biệt là việc đánh thuế cao đối hàng hóa Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Bà Murphy nói :
"Tôi lo ngại rằng các chính sách về TPP và thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump đang làm suy yếu tính hiệu quả của chính sách rộng lớn hơn đối với Trung Quốc, chúng ta phải đảm bảo cả về an ninh và kinh tế".
Dân biểu Stephanie Murphy phát biểu tại Trung tâm CSIS hôm 19/6/2019.
Bà Murphy, nữ dân biểu của bang Florida, người phản đối việc Tổng thống Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), đề xuất rằng Quốc hội Hoa Kỳ cần tăng cường giám sát việc thực thi các chính sách thương mại, thuế quan của Tổng thống Trump.
Giáo sư Xinquan Tu thuộc trường đại học Kinh tế Thương mại Quốc tế ở Bắc Kinh, nhận định về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung :
"Cuộc chiến thương mại này không đơn thuần là vấn đề thương mại, mà đó là một chiến lược rộng lớn hơn nhằm kìm tỏa Trung Quốc".
Giáo sư Tu nói thêm rằng chưa biết bên nào thắng cuộc trong cuộc chiến thương mại này nhưng một kết quả khởi đầu cho thấy các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đang thay thế Mỹ, trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2019.