Giữa lúc Trụ Vương bị Tô dồn vào "tử địa", Tập cử sứ sang dàn xếp ?
Thái Hà, Thoibao.de, 22/04/2024
Chiều ngày 19/4, bà Hạ Vinh – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc, sang thăm Việt Nam. Bà đã lập tức có buổi làm việc với ông Tô Lâm và ông Phan Đình Trạc, trong cùng buổi chiều. Như vậy, có thể hiểu, chuyến đi của bà Bộ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc, mục đích bề ngoài là hợp tác tư pháp, nhưng đằng sau còn có mục đích khác. Có thể, bà mang thông điệp của Tập Cận Bình.
Ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, đón chào bà Hạ Vinh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc sang thăm, làm việc với Bộ Công an Việt Nam ngày 19/4/2024.
Trong lúc, ông Vương Đình Huệ đang bị ông Tô Lâm dí đến đường cùng, thì lại có "sứ giả" của Tập sang Việt Nam làm việc. Điều đáng nói là, bà "sứ giả" này làm việc với 2 người, tạm gọi là đại diện cho 2 phe – ông Tô Lâm đại diện cho phe Hưng Yên, còn ông Phan Đình Trạc là đại diện cho phe Nghệ An.
Trước khi bà Hạ Vinh sang, thông tin ngoài luồng cho biết, ông Trạc quyết nhảy vào tranh ghế Bộ trưởng Bộ Công an với phe Hưng Yên, nếu ông Tô Lâm rời Bộ Công an để ngồi vào ghế Chủ tịch nước. Vì sự cạnh tranh của ông Trạc đã khiến cho mâm quyền lực lâm vào bế tắc, vì chẳng ai chịu nhường ai. Tô Lâm chưa chịu rời ghế Bộ trưởng cũng vì sợ Phan Đình Trạc nhảy vào Bộ Công an, khiến ghế Chủ tịch nước vẫn đang bỏ trống.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc tiếp Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc Hạ Vinh (Ảnh : Đặng Phước).
Không rõ, lá đơn từ chức của ông Huệ đã nằm trong tay Trần Cẩm Tú hay chưa, nhưng rõ ràng, vai trò Chủ tịch Quốc hội của Huệ Vương gần như "bị đóng băng". Tại lễ dâng hương Đền Hùng ngày 18/4 vừa qua, ông Huệ vắng bóng ; và nay, khi "sứ giả" của Tập sang, ông Huệ cũng tránh không gặp. Có thể nói, tình thế của ông Huệ đang rất bất lợi vì bị Tô Lâm vây hãm và cô lập.
Chuyến đi sứ sang Bắc Kinh của ông Huệ, từ ngày 7 đến ngày 12/4 vừa qua, được xem là chuyến đi "cầu cứu". Ngay trong chuyến đi này, ông Tô Lâm cũng không để cho ông Huệ được yên. Ngày 8/4, Vương Đình Huệ gặp Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, cũng là lúc Tô Lâm cho bắt Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Tập đoàn Thuận An. Ngày trở về, vừa mới đáp chuyến bay xuống Nội Bài, thì đệ tử ruột của ông Huệ là Phạm Thái Hà, đã bị ông Tô Lâm cho câu lưu về Bộ Công an làm việc.
Một lý do khiến dư luận nghi ngờ, chuyến đi của bà Hạ Vinh đến Việt Nam là nhằm "dàn xếp" giữa các phe. Bởi nếu chỉ là hợp tác tư pháp, thì bà Hạ Vinh cần gặp ông Lê Thành Long – Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam, vì sao lại gặp Phan Đình Trạc và Tô Lâm ?
Lâu nay, các chuyến thăm qua lại giữa các quan chức Việt Nam và Trung Quốc thường không nằm trong khuôn khổ "công vụ", mà là "tư vụ" là chính. "Tư vụ" ở đây có thể hiểu là việc riêng của cá nhân quan chức, việc riêng của một phe phái, hoặc cũng có thể là việc riêng của hai đảng cộng sản. "Công vụ" chỉ là hình thức, dùng để che đậy cho "tư vụ". Khi ông Huệ bị ông Tô Lâm dí vào đường cùng, thì ông Huệ đi Trung Quốc, chuyến đi được thông báo là "công vụ", nhưng các nhà quan sát đánh giá, đó là chuyến đi "cầu viện", tức là "tư vụ".
Không biết bà Hạ Vinh đã "dàn xếp" được những gì ? Nếu thật sự chuyến đi này của bà Hạ Vinh nhằm mục đích "dàn xếp" trong Đảng, thì đấy là một dấu hiệu đáng lo ngại. Đảng cộng sản mải lo choảng nhau giành ghế, giành quyền lực, để thâu tóm quyền lợi, thì họ bất cần những yếu tố "độc lập", "chủ quyền". Họ sẵn sàng mang vận mệnh của Đảng trao vào tay "giặc", mà Đảng cộng sản Việt Nam lại đang nắm vận mệnh đất nước.
Cả ông Tô Lâm và ông Vương Đình Huệ đều từng "đi sứ" sang Trung Quốc, ông Tô đi vào giữa tháng 9/2023, còn ông Vương Đình Huệ mới đi trong nửa đầu tháng 4 này.
Việc cả 2 người này đều sang Tàu để tranh thủ sự ủng hộ của Tập Cận Bình cho vị trí Tổng bí thư, thì có thể nói, trong Đảng, ai lên cũng như nhau, cũng đều thần phục Bắc Kinh, cũng đem sợi thòng lọng xã hội chủ nghĩa tự thít vào cổ mình, để tỏ lòng trung thành với Tập. Đất nước sẽ không có cơ hội độc lập về chính trị cả kinh tế, người dân sẽ không có cơ hội để sống đời sống tự do, doanh nghiệp không có cơ hội để phát triển tốt hơn.
Đảng cộng sản Việt Nam càng loạn, thì Trung Quốc càng hưởng lợi. Thực tế đã chứng minh, chẳng ai trong số lãnh đạo cộng sản dựa vào dân, mà họ dựa vào Bắc Kinh, mặc dù mồm của họ vẫn oang oang "dựa vào dân".
Thái Hà
Nguồn : Thoibao.de, 22/04/2024
******************************
Bộ Công an bắt trợ lý của ông Vương Đình Huệ
VOA, 22/04/2024
Bộ Công an Việt Nam hôm 22/4 cho biết họ đã khởi tố và bắt tạm giam Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà, cũng là trợ lý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà (phải) cùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (trái) thắp hương tại bàn thờ cố Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ tại nhà riêng của ông ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 26/1/2024.
Báo Chính phủ và truyền thông do nhà nước quản lý đồng loạt đưa tin hôm 22/4 rằng Bộ Công an đã mở rộng điều tra vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng ; Đưa hối lộ ; Nhận hối lộ" xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan".
Trong vụ án này, theobáo Điện tử Chính phủ, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an hôm 21/4 đã ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự, trong đó họ quyết định khởi tố, bắt tạm giam và ra lệnh khám xét đối với ông Hà về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", theo quy định tại khoản 4, Điều 358 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Thông báo này của Bộ đã khẳng định những lan truyền trước đó trên không gian mạng về việc ông Hà bị bắt giữ ngay khi ông cùng phái đoàn của Chủ tịch Huệ về đến sân bay Nội Bài hôm 12/4 sau khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc.
Ông Hà là người thứ 7 và cũng là quan chức cao cấp nhất bị bắt và khởi tố trong vụ án liên quan đến những sai phạm trong đấu thầu của tập đoàn xây dựng cầu đường Thuận An.
Theo quan sát của VOA tiếng Việt, tính tới tối ngày 22/4 (giờ Hà Nội), cả Văn phòng Quốc hội và Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An đều chưa có bất kỳ tuyên bố công khai nào về các vụ bắt giữ này.
Trước đó, Bộ Công an đã khởi tố sáu bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An vào ngày 15/4. Trong số 6 người bị bắt, có ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch Hội đồng quản trị và là người sáng lập công ty Thuận An, vốn hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông từ những gói thầu do Nhà nước giao.
Tập đoàn Thuận An đã trúng 39 trong 51 gói thầu mà họ tham gia đấu thầu từ năm 2019 đến nay. Theo Tuổi Trẻ, tập đoàn này trúng thầu đến hơn 22.600 tỷ đồng, bao gồm hơn 827 tỷ đồng là được "chỉ định thầu", tức là trúng thầu mà không cần qua đấu thầu.
Vẫn theo báo Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam hôm 22/4 đã phê chuẩn các lệnh và quyết định của Bộ Công an đối với ông Hà và 6 bị can trong vụ Thuận An. Tờ báo này cho biết sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an sẽ thi hành các lệnh và quyết định này.
Ông Hà, 48 tuổi, được bổ nhiệm làm phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm trợ lý cho ông Huệ từ tháng 5/2022, theoTuổi Trẻ.
Đưa tin tại thời điểm ông Hà được bổ nhiệm các chức vụ trên, tờ báo này nói rằng ông Hà có "thời gian dàigắn bó, tham mưu, phục vụ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính, Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ, Thành ủy Hà Nội và Văn phòng Quốc hội".
Vào tháng trước, khi ông Võ Văn Thưởng bị bãi nhiệm chức Chủ tịch nước và bị loại khỏi Bộ Chính trị, Bộ Công an Việt Nam đã khởi tố và điều tra các sai phạm của Tập đoàn Phúc Sơn tại các dự án ở Quảng Ngãi. Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ này sau đó đã khởi tố và bắt tạm giam 17 bị can trong vụ án này. Ông Thưởngbị bãi nhiệm "do vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm".
Chính trường Việt Nam đang trải qua những biến động chưa từng có tiền lệ, khi có hai chủ tịch nước phải rời nhiệm sở dù chưa hết nhiệm kỳ chỉ trong hơn 1 năm. Trước ông Thưởng, ông Phúc cũng bị cho là phải buộc xin từ chức vì trách nhiệm liên quan đến những sai phạm của cấp dưới. Trước đó, hai phó thủ tướng dưới thời ông, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, cũng phải xin thôi chức khi các vụ đại án tham nhũng bị phanh phui.
Bộ Công an cho biết họ vẫn đang "tập trung lực lượng, mở rộng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, sai phạm tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và thu hồi triệt để tài sản", theo báo Chính phủ.
Nguồn : VOA, 22/04/2024
**************************
Việt Nam : Bắt trợ lý chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bị nghi ngờ tham nhũng
Thu Hằng, RFI, 22/04/2024
Ông Phạm Thái Hà, phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm trợ lý chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đã bị bắt ngày 22/04/2024 trong khuôn khổ mở rộng điều tra vụ tham nhũng tại tập đoàn Thuận An. Ông Hà tháp tùng chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ công du Trung Quốc từ ngày 07 đến 12 tháng Tư.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có nghị quyết về việc bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm Trợ lý Chủ tịch Quốc hội đối với ông Phạm Thái Hà ngày 5/5/2022. Ảnh minh họa
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt giam đối với ông Phạm Thái Hà được ban hành ngày 21/04 với các tội " lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi ". Ông Hà là cán bộ thứ tư và là người giữ chức vụ cao nhất bị bắt, tình đến thời điểm này trong vụ Thuận An.
Quá trình công tác của ông Phạm Thái Hà, tiến sĩ kinh tế, luôn luôn gắn liền với sự nghiệp của ông Vương Đình Huệ, như thư ký tổng kiểm toán nhà nước, thư ký bộ trưởng Tài Chính, thư ký của trưởng Ban Kinh tế Trung Ương, trợ lý phó thủ tướng, trợ lý bí thư Thành ủy Hà Nội. Và từ tháng 05/2022, ông là phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, kiêm trợ lý chủ tịch Quốc hội.
Truyền thông trong nước cho biết, tuần trước, công an Việt Nam thông báo bắt 6 người về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa hối lộ", trong đó có chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Duy Hưng và phó tổng giám đốc Nguyễn Khắc Mẫn của tập đoàn Thuận An. Được thành lập năm 2004, tập đoàn chuyên về xây dựng, kinh doanh bất động sản và đang tham gia nhiều dự án hạ tầng trọng điểm ở thành phố Hồ Chí Minh.
Văn phòng Quốc hội Việt Nam chưa trả lời đề nghị bình luận của Reuters. Theo hãng tin Anh, chiến dịch trấn áp tham nhũng ở Việt Nam, còn được gọi là chiến dịch "đốt lò" đã đưa ra truy tố vài trăm quan chức cấp cao, nhân vật có tiếng và chủ doanh nghiệp. Nhiều lãnh đạo trên thượng tầng Nhà nước, trong đó có hai chủ tịch nước, hai phó thủ tướng và nhiều bộ trưởng bị buộc từ chức.
Thu Hằng
****************************
Quốc hội Việt Nam họp vào ngày 20/5 : Có bầu luôn chủ tịch nước ?
BBC, 21/04/2024
Việt Nam đang khuyết chức danh chủ tịch nước sau khi ông Võ Văn Thưởng mất chức
Kỳ họp thường kỳ sắp tới của Quốc hội khóa 15 là kỳ họp thứ 7, được ấn định vào ngày 20/5.
Hàng trên : bà Trương Thị Mai, ông Vương Đình Huệ. Hàng dưới : ông Phan Văn Giang, ông Tô Lâm.
Nhiều nhà quan sát đã nhận định với BBC rằng chức danh chủ tịch nước có thể chính thức được đưa ra để Quốc hội Việt Nam xem xét trong kỳ họp này nếu không có cuộc họp bất thường nào khác diễn ra trước thời điểm 20/5.
Hiện chức danh chủ tịch nước cần phải sớm được công bố, trong bối cảnh Việt Nam đang ra sức trấn an các nước và làm nhẹ sự nghi ngại của các nhà đầu tư nước ngoài về tính bất ổn chính trị khi chỉ trong hơn một năm đã có hai chủ tịch nước bị mất chức.
Kỳ họp Quốc hội lần này bắt đầu từ ngày 20/5 đến 28/6 tại Hà Nội trong hai đợt. Đợt 1 từ ngày 20/5 đến ngày 8/6. Đợt 2 từ ngày 17/6 đến ngày 28/6.
Theo thông tin được công bố, nội dung họp gồm điều chỉnh tiến độ 1 dự án luật, bổ sung 4 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết, xem xét dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, thành phố Đà Nẵng...
Tới nay, Quốc hội khóa 15 của Việt Nam đã họp 6 kỳ họp thường kỳ và 6 kỳ họp bất thường.
Vào ngày 20/3, ông Carl Thayer, giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales, nhận định với BBC News Tiếng Việt ngay sau khi có tin ông Võ Văn Thưởng rời ghế chủ tịch nước :
"Ban chấp hành trung ương Đảng quyết định giới thiệu nhân sự để bầu giữ chức Chủ tịch nước. Thông thường có kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 và tháng 10. Và chúng ta có thể phải đợi từ nay đến tháng 5 để Ban chấp hành trung ương đạt sự đồng thuận và sau đó Quốc hội sẽ bầu chủ tịch nước".
Kỳ họp bất thường lần thứ 6 Quốc hội khóa 15 hôm 21/3 đã xem xét miễn nhiệm chức vụ chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với ông Võ Văn Thưởng.
Trước đó một ngày, vào ngày 20/3, ông Võ Văn Thưởng đã được Trung ương Đảng đồng ý cho thôi các chức vụ trong Đảng và Nhà nước, bao gồm chức chủ tịch nước.
Quy trình bầu chủ tịch nước ?
Sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc bị miễn nhiệm chức chủ tịch nước vào tháng 18/1/2023 thì ông Võ Văn Thưởng đã nhậm chức chủ tịch nước chưa đến hai tháng sau đó, vào ngày 2/3/2023.
Ông Thưởng đã làm chủ tịch nước theo một quy trình Đảng quyết, Quốc hội bầu như sau :
Vào ngày 1/3/2023, Ban chấp hành trung ương Đảng khóa 13 đã họp để xem xét và cho ý kiến về công tác cán bộ.
Tại cuộc họp này, Ban chấp hành trung ương Đảng đã quyết định giới thiệu nhân sự để bầu giữ chức chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ngày 2/3/2023, ông Võ Văn Thưởng đã chính thức tuyên thệ sau khi được Quốc hội bầu trong kỳ họp bất thường.
Theo quy trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình đề cử để Quốc hội bầu chủ tịch nước.
Sau khi được bầu, chủ tịch nước sẽ tiến hành tuyên thệ nhậm chức.
Đấy là quy trình chính thức. Trên thực tế, các sắp xếp trong Đảng cộng sản Việt Nam được coi là quyết định và việc bỏ phiếu tại Quốc hội là bước hợp pháp hóa sự sắp xếp ấy của Đảng.
Ứng viên sáng giá nào ?
Theo Quy định 214-QĐ/TW, để đạt tiêu chuẩn làm chủ tịch nước, cá nhân cần tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên. Ứng viên cũng cần là đại biểu quốc hội.
Các ứng cử viên hàng đầu cho vị trí chủ tịch nước được cho là Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang.
Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) nhận định với BBC vào ngày 20/3 rằng nếu tân Chủ tịch nước là Đại tướng Tô Lâm thì ấn tượng "nhà nước công an trị" của Việt Nam càng đậm đà.
"Tôi nghĩ chúng ta phải xét đến bối cảnh Chỉ thị mật 24, do Bộ Chính trị Việt Nam công bố hồi tháng 7, gần đây đã bị rò rỉ. Tài liệu này đã nêu quan ngại của Bộ Chính trị về nguy cơ xảy ra cách mạng màu, diễn biến hòa bình, và tầm quan trọng của đàn áp, không chỉ nhằm vào giới bất đồng chính kiến mà còn những đối tượng tình nghi khác, xét về mặt hệ thống là nhằm vào xã hội dân sự. Điều này giống tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc".
"Chúng ta cũng nên nói đến sự thống trị của quân đội trong nền chính trị của Việt Nam, đó là sự thống lĩnh của Bộ Công an với Tô Lâm giữ vai trò lãnh đạo. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng là một cựu sĩ quan tình báo trong Bộ Công an. Có hai ủy viên Bộ Chính trị khác cũng có xuất thân từ Bộ Công an. Nếu tính ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính, thì trong số 14 ủy viên Bộ Chính trị hiện nay đã có đến 4 người là quan chức trong Bộ Công an. Đây là một điều rất đáng lưu tâm đối với người dân Việt Nam".
Một người từng được coi là ứng viên sáng giá là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Tuy nhiên, một số diễn biến gần đây có thể làm giảm khả năng này.
Giáo sư Zachary Abuza cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng - Đại tướng Phan Văn Giang cũng là một ứng viên cho chiếc chế chủ tịch nước, người mới có một nhiệm kỳ Bộ Chính trị.
Chiến dịch "đốt lò" chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng vẫn đang tiếp tục nóng khi trong 15 tháng qua, hai phó thủ tướng, hai chủ tịch nước và một thành viên bộ chính trị khác đã bị buộc phải từ chức.
Số lượng ủy viên Bộ Chính trị giảm từ 18 xuống còn 14 trong vòng hai năm qua. Hàng loạt bí thư, chủ tịch tỉnh đã bị bắt giữ trong thời gian gần đây.
Dự báo, lò của ông Trọng sẽ tiếp tục "đỏ lửa" ít nhất là từ đây cho tới trước Đại hội Đảng lần thứ 14 vào đầu năm 2026.
Giới quan sát nhận định rằng có thể chiến dịch "đốt lò" sẽ được các phe nhóm lợi dụng để triệt hạ đối thủ và giành lợi thế về mình, khi mà công tác nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng 14 đang được tiến hành.
Vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn đang được dư luận đặc biệt quan tâm vì mức độ nghiêm trọng và vì có những nhận định cho rằng có liên quan đến sự kiện Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm hồi tháng 3.
Mới đây nhất, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, ông Nguyễn Duy Hưng, bị bắt kéo theo hàng loạt dự án của tập đoàn này bị rà soát. Một số cán bộ tỉnh Bắc Giang cũng đã vướng vòng lao lý với cáo buộc liên quan đến Thuận An.
Đã có những đồn đoán trên mạng xã hội về khả năng tập đoàn này vào lò đồng nghĩa sẽ có "củi" mới vào lò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thời gian tới.
Nguồn : BBC, 21/04/2024