Một nhân chứng hải chiến Gạc Ma nói với VOA rằng Việt Nam cần phải nói rõ sự thật lịch sử trong trận chiến với Trung Quốc và không nên có kẻ thù vĩnh viễn cũng không nên có bằng hữu vĩnh viễn.
Hôm 14/3, nhiều nơi tổ chức kỷ niệm 31 năm ngày hải chiến Gạc Ma, khi ấy 64 binh sĩ của Quân đội Nhân dân đã thiệt mạng lúc các tàu vận tải Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao, trên quần đảo Trường Sa, thì bị các tàu chiến của Trung Quốc lao đến nổ súng.
Ông Lê Hữu Thảo, cựu chiến binh Gạc Ma, người sống sót trong trận hải chiến 14/3/1988, nói với VOA :
"Lịch sử thì phải công bằng. Mình không kích động chiến tranh hay khơi dậy để làm gì, nhưng đó là sự thật của lịch sử và nền hòa bình đã phải trả giá bằng xương máu. Đối với Trung Quốc, thật sự mà nói, chúng ta không có cái gì vĩnh viễn, bạn cũng không vĩnh viễn và thù cũng không vĩnh viễn".
Kể từ khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ vào cuối năm 1991, truyền thông chính thức của Việt Nam hầu như không nhắc đến các xung đột quân sự giữa hai nước trong 3 thập niên cuối thế kỷ 20 ở biên giới và trên Biển Đông.
Báo chí bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ chỉ thỉnh thoảng nói về các sự kiện đó trong vài năm gần đây, mỗi khi có căng thẳng giữa hai nước khi Trung Quốc gia tăng các hành động hung hăng để đòi chủ quyền ở Biển Đông có nhiều tranh chấp.
Mãi cho tới tháng 7/2015, thân nhân của 64 người Việt bị giết ở bãi đá Gạc Ma hồi tháng 3/1988 mới được khóc công khai cho chồng, cho cha, cho anh em của mình. Cũng tới thời điểm đó, người Việt mới biết, mới tìm và bắt đầu hỗ trợ những người may mắn sống sót trong đợt thảm sát ấy.
Theo quan sát của VOA, trong hai năm vừa qua, thảm chiến Gạc Ma được nhắc đến với tầng suất dày đặc khi nhiều cơ quan đoàn thể và thân nhân kỷ niệm ngày các chiến sĩ tử trận trong khi một vài nhà hoạt động chống Trung Quốc vẫn bị ngăn chặn khi tham gia dâng hương.
Đài truyền hình trung ương VTC ca ngợi trận chiến Gạc Ma 1988 là khúc bi tráng củ a người lính Hải quân trong khi trường Trung học phổ thông Nhân Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức một buổi lễ tưởng niệm, dàn dựng hoạt cảnh mô phỏng trận chiến này hôm 14/3 với hơn 500 học sinh tham dự.
Theo ông Lê Hữu Thảo, mặc dù truyền thông Việt Nam đã nhắc nhiều đến trận chiến Gạc Ma, nhưng nhiều điểm vẫn chưa rõ ràng và cần được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, ông không tiết lộ những điều này. Ông mong muốn những những sự kiện lịch sử như Gạc Ma cần được đưa vào sách giáo khoa.
"Hiện tại vẫn còn một phần hạn chế nào đó, chưa thật rõ ràng lắm. Nhưng những phần lịch sử của cuộc chiến này nên được ghi vào sách giáo khoa để lưu truyền về sau, để học tập những tấm gương kiên cường, anh dũng. Đây cũng là những mong mỏi của chúng tôi".
Vào năm ngoái, xuất hiện những tranh cãi trên mạng xã hội giữa thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên tư lệnh Công Binh, và thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên giám đốc Bảo Tàng Quân Đội, cũng là chủ biên của cuốn sách ‘Vòng tròn Bất tử,’ liên quan tới vấn đề có một mệnh lệnh từ cấp cao nhất trong quân đội Việt Nam trong việc nổ súng khi Hải quân Việt Nam bị lực lượng Trung Quốc tấn công trận Gạc Ma.
Một nhân chứng trong cuộc thảm sát này là Trung tá Nguyễn Văn Lanh kể trong quyển sách rằng có lệnh "không được nổ súng" khi binh sĩ Trung Quốc tiến vào bãi đá. Nhưng Tướng Kiền cho rằng chi tiết đó cùng nhiều chi tiết khác khiến cho cuốn sách có "sai trái nghiêm trọng". Theo Tướng Kiền, không có lệnh "không được nổ súng" mà chỉ có lệnh "không được nổ súng trước".
Trong một đoạn video được phát tán trên mạng, tướng Lương đã đề cập đến việc binh lính Việt Nam tại Gạc Ma khi đó nhận được lệnh không được nổ súng, dẫn đến cái gọi là "thảm sát Gạc Ma". Theo tướng Lương, mệnh lệnh này đã biến hàng chục lính Việt Nam thành bia đỡ đạn cho phía Trung Quốc.
Một tài liệu được giải mật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA về trận hải chiến Gạc Ma năm 1988 cho biết Việt Nam là bên nổ súng trước.
*******************
Phía Trung Quốc được cho là đã nói rằng tàu cá Việt Nam "đâm vào đá ngầm rồi chìm" ở Hoàng Sa, trong khi các ngư dân cho rằng họ bị tàu của nước láng giềng tấn công.
Trả lời VOA tiếng Việt, một quan chức không muốn nêu danh tính của Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nói rằng "các cơ quan chức năng đang xác minh làm rõ, chưa xong vì có hai luồng trái chiều" về vụ việc xảy ra đầu tháng này.
Tàu của ta vào đánh bắt ở đảo Hoàng Sa. Phía Trung Quốc họ nói tàu của ta nhìn thấy tàu hải cảnh của người ta sợ quá, chạy và đâm vào đá ngầm rồi chìm. Phía Trung Quốc họ nói như thế.
Một quan chức giấu tên nói.
"Tàu của ta vào đánh bắt ở đảo Hoàng Sa. Phía Trung Quốc họ nói tàu của ta nhìn thấy tàu hải cảnh của người ta sợ quá, chạy và đâm vào đá ngầm rồi chìm. Phía Trung Quốc họ nói như thế. Phía ta còn nhiều vấn đề nữa", quan chức giấu tên cho biết, nói thêm rằng "tôi cũng không dám cung cấp gì thêm vì chưa ngã ngũ".
Trước đó, truyền thông trong nước dẫn thông báo từ Ủy ban trên cho biết rằng hôm 6/3 tàu Trung Quốc mang số hiệu BKS 44101 "đâm chìm" tàu cá Quảng Ngãi ở vùng biển tranh chấp.
Tờ Hoàn cầu Thời báo sau đó dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng khi tàu Trung Quốc tiếp cận tàu cá Việt Nam, nó đã chìm và các nhân viên cứu nạn Trung Quốc đã cứu sống những người trên tàu.
VOA tiếng Việt hôm 11/3 đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam để hỏi về phản ứng của Hà Nội đối với tuyên bố của ông Lục, nhưng tới ngày 13/3 chưa nhận được hồi đáp.
Trước đó, Bộ này cho hãng tin Reuters biết rằng Việt Nam "đang tiếp tục làm rõ nguyên nhân vụ việc".
Khi được hỏi về tuyên bố phản bác của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Phùng Bá Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, nơi các ngư dân gặp nạn sinh sống, nói rằng "bên nào cũng có cái ý của họ" và cho biết rằng ông tin người dân của xã mình.
Ông cho phóng viên VOA tiếng Việt biết thêm rằng các ngư dân chưa về đến bờ, và "khoảng 10 ngày nữa họ mới vô được".
Ông Vương cho hay rằng một tàu cá khác cùng xã đã cứu sống năm ngư dân bị tàu Trung Quốc "đâm chìm" và tàu này vẫn "còn đang đánh bắt trên biển" vì mới ra khơi.
Quan chức cấp xã này cho hay rằng chính quyền "hiện chưa rõ sự tình như thế nào vì chưa làm việc được với ngư dân".
"Họ bảo bị tàu nước ngoài đâm chìm vậy thôi. Và năm ngư dân được tàu khác cứu vớt an toàn thôi", ông cho hay.
Về các vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu của ngư dân xã Bình Châu, Phó Chủ tịch Vương cho biết rằng "hai ba năm trở lại đây cũng thường xuyên" và năm ngoái "có bốn trường hợp" bị đâm chìm.
Viễn Đông