Ngày 16/1 trang facebook của nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà có đăng mẩu tin quan trọng như sau :
Status của nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà
"Bà Hồ Thị Kim Thoa cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, đã có mặt ở Việt Nam trên chuyến bay từ Paris về hôm nay 16/1. Sau khi chịu cách ly 14 ngày, sẽ đưa ra xét xử trong các vụ án liên quan tới Vũ Huy Hoàng và Đinh La Thăng.
Liên quan đến vi phạm xảy ra tại Sabeco làm thất thoát 2.700 tỉ đồng trong vụ án Vũ Huy Hoàng – Bộ Công Thương, Hồ Thị Kim Thoa đã bị truy nã từ tháng 7/2020. Trước đó, bà Thoa đi du lịch qua Làng Mai, Pháp và nghe tin truy nã đã ở lại. Nửa năm qua, Việt Nam xúc tiến các thủ tục tương trợ tư pháp với Interpol để đưa bà Thoa về xét xử !
Phiên xử Vũ Huy Hoàng đã được tách khỏi vụ Thăng và lẽ ra đã được tiến hành hôm 7/1. Tuy nhiên, theo các luật sư cho hay, ông Hoàng đã đổ hầu hết tội danh cho bà Kim Thoa ; phiên xử đã bị hoãn gấp gáp ngay trước giờ xử. Khả năng, vụ án sẽ được mở lại trước hoặc ngay trong thời gian diễn ra đại hội 13.
– Chào mừng đến với Đại hội XIII của đảng cộng sản Việt Nam".
Hồ Thị Kim Thoa là nhân vật vô cùng quan trọng mà nhiều tháng qua Bộ Công An đã tìm mọi cách để bắt cho bằng được nhân vật này. Từ kêu gọi, dụ dỗ, chó đến gây áp lực với gia đình nhưng dường như là vô dụng. Tuy nhiên, bà Hồ Thị Kim Thoa đang lẩn trốn tại Pháp nơi mà có mối liên hệ mật thiết với chính quyền cộng sản Việt Nam.
Hồ Thị Kim Thoa bị bắt từ bao giờ ?
Ngay từ ngày 16/11/2020 bất ngờ trên trang facebook của Thanh Hiếu Bùi có đăng mẫu tin "Cựu thứ trưởng bộ công thương Hồ Thị Kim Thoa đã bị mật vụ Việt Nam bắt giữ cách đây một tuần tại Pháp. Hiện đang bị giam giữ tại cơ sở ngoại giao Việt Nam tại Paris và đợi chuyến bay trở về Việt Nam"
Rất có thể bà Hồ Thị Kim Thoa bị bắt lúc này nhưng hôm nay mới đưa về, và cũng có thể là bắt sau đó.
Tại họp báo thường kỳ ngày 19/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng trước thông tin cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa bị bắt giữ ở Pháp. Lúc đó bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định : "Tôi không có thông tin về việc bà Hồ Thị Kim Thoa bị bắt giữ tại Pháp".
Thêm vào đó ông Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ Công an, Tô Ân Xô cho biết Bộ công an cũng không nhận được thông tin chính thức về việc bà Hồ Thị Kim Thoa bị bắt và sẽ sớm được dẫn giải về Việt Nam, nên chưa xác nhận nguồn tin là đúng hay sai.
Đây là vụ việc liên quan đến vi phạm xảy ra tại Tổng công ty Bia rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) làm thất thoát 2.700 tỉ đồng và bà Thoa cũng bị truy nã từ tháng 7. Cụ thể, ngày 10/7 Bộ Công an Việt Nam ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và Lệnh khám xét về hành vi trên đối với bà Thoa và cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.
Tuy nhiên, ngay khi cơ quan công an biết bà Thoa đã trốn ở Pháp thì Bộ Công An đã tạm đình chỉ phần vụ án với bà Thoa vì xác định bị can đã bỏ trốn, khi nào bắt được sẽ tiếp tục xử lý theo quy định. Được biết vào thời điểm đó bà Kim Thoa đang đi du lịch Pháp, trong đó có ghé trung tâm thiền tập Làng Mai, Pháp. Sau khi nghe tin khởi tố, bà Thoa đã ở lại Pháp bằng visa du lịch.
Hồi giữa tháng 7 năm nay, Bộ Công an cho biết, khi cảnh sát điều tra đã xác định bà Thoa đã ra nước ngoài thì đã xúc tiến các thủ tục tương trợ tư pháp với Interpol ra lệnh quốc tế, kế hoạch là sẽ phối hợp với cảnh sát nước bạn để bắt bị can về nước. Tuy nhiên qua kiểm tra thì trên danh sách truy nã quốc tế của Interpol không có tên bà Hồ Thị Kim Thoa.
Liệu ông Nguyễn Phú Trọng có lập lại sai phạm bắt cóc người tại một quốc gia có chủ quyền hay không ?
Có hai giả thiết được đặt ra, thứ nhất nếu bắt bà Thoa trong vài ngày gần đây thì chỉ có thể là bắt cóc, còn nếu đã bắt bà thoa ngay từ tháng 11 năm ngoái như ông Bùi Thanh Hiếu đưa tin thì khả năng là Việt Nam yêu cầu cảnh sát Pháp bắt bà Thoa. Vì thực tế giữa Việt Nam và Pháp đã có hiệp định dẫn độ nên việc bắt bà Thoa bằng cách hợp tác với cảnh sát Pháp thì sẽ dễ dàng hơn so với vụ Trịnh Xuân Thanh ở Đức hồi năm 2017.
Dư luận về việc bắt bà Thoa khá đa chiều. Có người cho rằng Pháp hay những quốc gia khác không phải là nơi chứa chấp cho quan tham Việt Nam lánh nạn nên cần phải bắt bà Thoa về quy án. Số khác cho rằng việc bắt giữ bà Thoa cần đúng luật pháp quốc tế chứ không nên ‘bắt cóc’, nhất là khi giữa Pháp và Việt Nam có hiệp định dẫn độ. Và lần này khả năng rất cao là dẫn độ đúng luật pháp quốc tế.
Theo Hiệp định dẫn độ Pháp – Việt thì việc bắt giữ và dẫn độ được quy định như sau :
Điều 1 của Hiệp định nêu rõ, các bên cam kết chuyển giao cho nhau, theo quy định của Hiệp định này, bất cứ người nào đang có mặt trên lãnh thổ của một trong các bên, bị các cơ quan tư pháp của bên kia truy tố vì đã thực hiện một tội phạm hoặc truy nã để thi hành hình phạt tù đối với một hành vi có thể bị dẫn độ.
Điều 2 quy định về các hành vi có thể bị dẫn độ. Cụ thể là các hành vi bị xử phạt tù từ một năm trở lên hoặc nặng hơn theo pháp luật của bên yêu cầu và bên được yêu cầu. Ngoài ra, nếu việc dẫn độ được yêu cầu nhằm thi hành một hình phạt tù được tuyên bởi cơ quan tư pháp có thẩm quyền của bên yêu cầu, thời hạn chấp hành hình phạt còn lại ít nhất phải là sáu tháng.
Nếu yêu cầu dẫn độ liên quan đến nhiều hành vi khác nhau mà mỗi hành vi đều có thể bị xử phạt theo pháp luật của hai bên nhưng một số hành vi không đáp ứng các điều kiện quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này thì bên được yêu cầu cũng có thể đồng ý dẫn độ đối với các hành vi đó.
Như vậy thì bà Thoa hoàn toàn có thể bị bắt và dẫn độ từ Pháp về Việt Nam chứ khả năng là không có bắt cóc như vụ Trịnh Xuân Thanh.
Thủ tục dẫn độ như thế nào ?
Về thủ tục thì Hiệp ước dẫn độ cũng có quy định như sau :
Điều 6 Hiệp định quy định, trừ trường hợp Hiệp định này có quy định khác, pháp luật của bên được yêu cầu là hệ thống pháp luật duy nhất được áp dụng đối với thủ tục bắt khẩn cấp, dẫn độ và quá cảnh.
Theo Điều 7 của Hiệp định, mỗi bên chỉ định một cơ quan trung ương để thực hiện hiệp định này. Theo đó, đối với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan trung ương là Bộ Công an ; đối với Cộng hòa Pháp, cơ quan trung ương là Bộ Tư pháp.
Như vậy khi bắt khẩn cấp là dựa theo quy định của luật pháp bên đề nghị. Trong trường hợp này bên đề nghị là phía Việt Nam. Vậy khả năng bà Thoa bị bắt từ tháng 11 năm ngoái là không cao, bởi có điều khoản bắt khẩn cấp thì rất ít khả năng phía cộng sản Việt Nam yêu cầu bắt người mà để ngâm lâu đến như vậy. Tuy nhiên trong điều 6 của Hiệp định dẫn độ vẫn trường hợp loại trừ.
Những năm gần đây, Bộ Công an liên tục khoe trên mạng xã hội rằng, họ đã phát lệnh truy nã toàn quốc và quốc tế đối với một số bị can từng là quan chức, cán bộ nhà nước và một số ông chủ doanh nghiệp bỏ trốn khi bị cơ quan chức năng phát hiện sai phạm. Điển hình như trường hợp của Vũ Đình Duy cựu tổng giám đốc PVTEX, ông chủ Nhật Cường Bùi Quang Huy, Trịnh Xuân Thanh… Tuy nhiên khi kiểm tra danh sách truy nã của Interpol thì người ta không thấy tên những người này.
Ông Tô Ân Xô cho biết truy nã quốc tế bà Hồ Thị Kim Thoa nhưng vẫn không thấy tên bà Thoa trên danh sách truy nã của Interpol
Trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa bị ông Nguyễn Phú trọng chiếu cố từ năm 2017
Vì tầm quan trọng của bà Hồ Thị Kim Thoa trong sai phạm của bông Vũ Huy Hoàng và Bộ Công Thương dưới thời Nguyễn Tấn Dũng mà ngay từ năm 2017, ông Nguyễn Phú Trọng đã hối thúc việc điều tra xác minh của bà Thoa.
Ngay ngày 1/3/2017 ông Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu ông Nguyễn Xuân Phúc phải chỉ đạo 3 bộ và Thanh tra Chính phủ khẩn trương thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của của ông về xác minh tài sản của Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa.
Được biết ngày 16/2/2017, Văn phòng Trung ương Đảng có văn bản thông báo của ông Trọng, trong đó kiểm tra thông tin 2 bài báo nêu về tài sản của Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa.
Sau khi có ý kiến của ông Trọng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho Bộ kế hoạch và đầu tư, bộ Tài chính, bộ Công thương, Thanh tra Chính phủ khẩn trương thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo.
Theo đó, các cơ quan sẽ báo cáo ông Nguyễn Xuân Phúc về tái cơ cấu của doanh nghiệp nơi Thứ trưởng công tác trước đây, cổ phần hóa, vốn, liên quan đến thực hiện quyết định bổ nhiệm người nhà, nắm tài chính…Tiếp đó Thủ tướng sẽ báo cáo Tổng bí thư các kết quả xác minh. Khi đó, ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng chủ nhiệm văn phòng chính phủ cũng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, cùng với Thanh tra Chính phủ, Ban đổi mới doanh nghiệp nhà nước rà soát tất cả quy định liên quan tới tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, để tránh những kẽ hở trong cổ phần hoá. Các cơ quan sẽ phải báo cáo Thủ tướng trong quý 2/2017.
Nhìn cách quan tâm của ông Trọng đến vụ án, người ta cũng dễ hình dung ra mức độ quan trọng của nhân vật Hồ Thị Kim Thoa này với vụ án như thế nào. Vậy nên, bà Thoa bị bắt kỳ này có thể chịu mức án không nhẹ.
Nguyễn Duy (tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 18/01/2021
Bộ Công an đề nghị bà Hồ Thị Kim Thoa về nước trình diện để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Bộ Công an đã thông tin như vậy tại buổi họp báo về tình hình, kết quả công tác năm 2020 được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh chiều 7/12.
Theo Đại tá Chữ Văn Dũng, Phó chánh Văn phòng Bộ Công an, liên quan đến vụ án bà Hồ Thị Kim Thoa – nguyên thứ trưởng Bộ Công thương, ngày 4/9/2020 tổ chức cảnh sát Quốc tế đã ra quyết định truy nã đối với bà Thoa.
Riêng Bộ Công an đã đề nghị gia đình yêu cầu bà Thoa về nước để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Trên trang Facebook Thông tin Chính phủ có cho biết thêm "Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan ngoại giao để tiếp tục đề nghị truy bắt, dẫn độ bà Hồ Thị Kim Thoa".
Trước đó, bà Hồ Thị Kim Thoa đã bị khai trừ ra khỏi đảng tại phiên họp của ban Bí thư Đảng do ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì chiều ngày 2/12/2020 do có các vi phạm, khuyết điểm này liên quan dự án khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, trong vụ án Vi phạm các quy định về quản lý đất đai và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Sau khi có quyết định nghỉ hưu, bà Hồ Thị Kim Thoa bỏ sinh hoạt Đảng và đã xuất cảnh ra nước ngoài.
Cổ phần của gia đình bà Thoa tại Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang
Tài sản của gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa tại Công ty Điện Quang
Tính đến ngày 30/11/2016, bà Hồ Thị Kim Thoa nắm giữ 1.686.415 cổ phiếu DQC, tương đương 4,91% vốn, với giá trị ước tính trên 100 tỉ đồng.
Con gái lớn Nguyễn Thái Nga, sinh năm 1984, tham gia thành viên Hội đồng quản trị từ tháng 3/2014 và giữ chức Giám đốc chi nhánh Hà Nội Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang từ tháng 6/2013. Ngày 17/11/2015, Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang đã bổ nhiệm Nguyễn Thái Nga, thành viên Hội đồng quản trị, làm Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Bà Nga sở hữu 4,1 triệu cổ phiếu, tương đương tỉ lệ sở hữu là 12,01%.
Một người con gái khác là Nguyễn Thái Quỳnh Lê cũng nắm giữ hơn 2,23 triệu cổ phiếu DQC, tương đương 6,49%, với giá trị đạt hơn 131,5 tỷ đồng tính theo giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Ngày 11/4/2016, Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang đã bổ nhiệm bà Nguyễn Thái Quỳnh Lê giữ chức Giám đốc Dự án Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty là Hồ Quỳnh Hưng, sinh năm 1971, em trai ruột bà Hồ Thị Kim Thoa cũng nắm cổ đông lớn thứ 4 tại Điện Quang. Hưng đang sở hữu hơn 2,5 triệu cổ phiếu DQC, lượng cổ phiếu này có giá trị gần 144 tỷ đồng. Với khối tài sản này, Hưng lọt vào Top 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Nguyễn Thị Mỹ Xuân, mẹ bà Thoa cũng có tên trong danh sách cổ đông của Điện Quang. Bà Xuân sở hữu hơn 1,2 triệu cổ phiếu DQC. Nhờ DQC, tài sản trên thị trường chứng khoán của bà Xuân đạt gần 75 tỷ đồng.
Ngoài ra, cháu ruột của Hồ Đức Dũng (con trai Hồ Đức Lam, em trai bà Thoa) cũng đang nắm giữ 4,9% cổ phần của Điện Quang.
Như vậy, với việc nắm giữ lượng cổ phiếu lớn của DQC, gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa đang sở hữu khối tài sản lên tới hơn 718 tỉ đồng. Ngoài giá trị cổ phiếu, tài sản của gia đình bị can này còn được bổ sung bằng cổ tức.
Một thành viên khác trong gia đình là Hồ Đức Lam, em trai bà Thoa, sinh năm 1962, hiện đang là thành viên Hội đồng quản trị tại Bóng đèn Điện Quang. Tuy không nắm giữ cổ phần tại doanh nghiệp này nhưng ông Lam đang sở hữu khoảng 65% cổ phần tại Công ty cổ phần Nhựa Rạng Đông (RDP) và là nhân vật có quyền chi phối mọi hoạt động tại đây.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định tháng 5/2010, bà Thoa được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công thương, có nhiệm vụ phụ trách trực tiếp Vụ Công nghiệp nhẹ (nay là Cục Công nghiệp) và Tổng Công ty Sabeco.
Quá trình công tác, Hồ Thị Kim Thoa bị cáo buộc biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng đã được giao cho Bộ Công thương và Tổng công ty Sabeco để quản lý, sử dụng, đầu tư, xây dựng khách sạn 6 sao, biết tài sản này không được thành lập pháp nhân mới.
Tuy nhiên, bị can Thoa vẫn báo cáo bị cáo Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Công thương) phê duyệt, sau đó ký 3 văn bản chấp thuận chủ trương cho Tổng công ty Sabeco liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl, lợi dụng việc sắp xếp cơ sở nhà đất của doanh nghiệp Nhà nước làm thủ đoạn để chuyển quyền sử dụng khu đất vàng trên từ Tổng công ty Sabeco sang Công ty Sabeco Pearl.
VKS cho rằng hành vi của Thoa & Hoàng cùng một số bị can khác đã dịch chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng từ tài sản Nhà nước sang tay tư nhân trái pháp luật. Hành vi của các bị can gây thiệt hại, thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn 2.700 tỉ đồng.
Ngày 28/7/2017, bị can Thoa có đơn xin nghỉ công tác với lý do cá nhân gửi đến lãnh đạo Bộ Công thương. Nửa tháng sau, Thủ tướng ban hành quyết định miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công thương đối với Hồ Thị Kim Thoa.
Sau khi bị cách chức, bị can Thoa sang Pháp. Quá trình điều tra, Công an có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị can này và quyết định triệu tập nhưng Thoa gian manh không chịu về nước.
Ngày 09/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với bị can Thoa. Do không có mặt ở nơi cư trú và đã xuất cảnh ngày 22/10/2018 qua cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ Công an ra quyết định truy nã toàn quốc đối với bị can Thoa vào ngày 04/9/2020.
Sau đó, Hồ Thị Kim Thoa bị tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế truy nã đỏ. Đầu tháng 12, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với cựu Thứ trưởng Bộ Công thương.
Tin tức vào ngày 30 tháng 8 loan đi, Bộ Công Thương Việt Nam vừa có quyết định bà nguyên Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đủ điều kiện để nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, kể từ ngày 1 tháng 9 năm 2017.
Bà Hồ Thị Kim Thoa bắt tay vị đại biểu Liên minh Châu Âu sau khi ký thỏa thuận song phương. Ảnh chụp hôm 25/8/2014 - Photo : AFP
Bà Hồ Thị Kim Thoa được dư luận chú ý đến qua quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách trong vai trò Thứ trưởng Bộ Công thương hồi hạ tuần tháng 1 năm 2017, cùng thời điểm ông Vũ Huy Hoàng nhận quyết định kỷ luật xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016.
Theo kết luận của của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bà Hồ Thị Kim Thoa đã vi phạm trong việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh trái quy định, thực hiện không đúng nguyên tắc, quy định ký quyết định bổ nhiệm và điều động một số cán bộ trong nhiệm kỳ 2011-2016.
Ngay sau khi Thủ tướng ban hành quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, Văn phòng Chính phủ gửi công văn hỏa tốc đến bốn cơ quan cấp bộ, gồm Tài Chính, Kế Hoạch & Đầu Tư, Công Thương và Thanh tra Chính phủ yêu cầu phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra và thanh tra tài sản của bà Kim Thoa và phải báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong Quý II năm nay.
Vào cuối tháng 6 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra kết luận Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa kê khai tài sản gian dối trong thời gian dài, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm. Bên cạnh đó, bà Kim Thoa còn có dấu hiệu vi phạm trong thời gian giữ các chức vụ quan trọng tại Công ty Cổ phần Điện Quang, từ năm 2004 đến năm 2010. Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định việc làm sai trái của bà Kim Thoa là nghiêm trọng và phải xem xét hình thức kỷ luật.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã nộp đơn xin thôi việc đến Ban lãnh đạo của Bộ Công Thương vào tối ngày 1 tháng 8, đồng thời cũng tạm nghỉ phép từ ngày này.
Qua việc nộp đơn xin thôi việc của bà Kim Thoa, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, ông Lê Quang Thưởng nói với báo giới trong nước rằng "Không có chuyện Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa xin thôi việc là xong". Tại cuộc họp báo của Chính phủ chiều ngày 3 tháng 8, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết theo quy định, trường hợp đang trong giai đoạn xem xét, điều tra thì không được chấp thuận thôi việc.
Ngày 8 tháng 8, văn phòng Trung ương Đảng ra thông báo miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ban cán sự Đảng đối với Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và bà Kim Thoa bị miễn nhiệm chức thứ trưởng vào ngày 16 tháng 8. Truyền thông quốc nội dẫn lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng Bộ Công Thương sẽ giao nhiệm vụ mới cho bà Kim Thoa sau khi bà bị cách chức thứ trưởng.
Dư luận đồn đoán vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh bị Đức cáo buộc chính quyền Việt Nam đã bắt cóc đem về nước hồi cuối tháng 7 và những diễn tiến liên quan trường hợp của bà Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa có thể sẽ là một vụ "đại án", mau chóng được lôi ra ánh sáng trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà người đứng đầu Đảng Cộng Sản Việt Nam tại phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tổ chức ở Hà Nội vào sáng ngày 31 tháng 7 tuyên bố rằng "Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy".
Bản tin ông Trịnh Xuân Thanh đầu thú của Đài truyền hình VTV1, phát sóng ngày 4/08/2017. Photo : AFP
Tuy nhiên, thông tin mới nhất cho biết Bộ Công Thương Việt Nam ban hành quyết định đối với nguyên Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đủ điều kiện để nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, kể từ ngày 1 tháng 9 năm 2017. Tin này làm dấy lên thắc mắc phải chăng đây là dấu hiệu của một "con hổ" đã không sa lưới trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ?
Đài RFA nêu vấn đề với Giáo sư Tương Lai và được Giáo sư chia sẻ quan điểm suy luận cá nhân mà ông cho rằng rất dè dặt để nhận xét về vấn đề này :
"Lúc đầu họ định biến trường hợp của bà Kim Thoa thành vụ án hình sự về chuyện tham nhũng và kê khai tài sản của bà cũng như không cho bà xin thôi việc. Nhưng dần dần trong nội bộ cũng có sự giằng co gì đấy, là một và thứ hai nữa là họ nhận thấy lý lẽ cũng không vững vàng và cứ nếu làm tới thì sẽ gây ra sự căm phẫn thì người ta phải xử hòa trong lúc tình hình bê bối nhiều thứ quá. Bê bối trong chuyện ông Trịnh Vĩnh Bình, chuyện ông Trịnh Xuân Thanh, chuyện Đồng Tâm, chuyện ở Bộ Y tế… Cho nên người ta rối bòng bong thì người ta phải làm dịu bớt, cũng là cách ‘rút củi đáy nồi’ thôi".
Chúng tôi cũng trao đổi với một số nhà quan sát tình hình Việt Nam và nhận được câu trả lời không chỉ trường hợp mới nhất của nguyên Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa mà trước đó là trường hợp xử lý ông cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng hay những trường hợp của giới chức lãnh đạo khác như nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Trần Văn Truyền…đều có kết cục giống như nhau là "đâu lại vào đó", họ vẫn "bình chân như vại" mà dân chúng gọi là "hạ cánh" an toàn.
Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương, từng lên tiếng với RFA rằng cần phải xử lý các trường hợp sai phạm, tham nhũng của giới chức lãnh đạo theo quy định của luật pháp. Ông Nguyễn Khắc Mai nói :
"Vấn đề là hiện nay nếu có luật pháp thì đưa ra đàng hoàng, tội đến đâu xử đến đấy. Ai xà xẻo bao nhiêu, tiền của tước đoạt thì lấy lại nộp cho công quỹ. Những anh có chức có quyền đều nhà cao cửa rộng. Hãy hỏi nhà tiền đâu ra với đồng lương như thế ? Tước đoạt lại tất cả bọn lưu manh ăn cướp của dân của nước lâu nay, không từ ai hết. Từ Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng đến Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Phú Trọng rồi Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc... phải xem xét lại cho rành mạch chứ còn hiện nay là phe nọ đánh phe kia vậy thôi".
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận trong khi đa số dân chúng trong nước tỏ ra không có niềm tin đối với chiến dịch chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xướng sẽ mang lại hiệu quả tích cực nào qua vụ tiêu cực, tham nhũng xảy ra ở Bộ Công Thương thời ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng, giới nhân sĩ trí thức khẳng định nếu như Đảng cộng sản lãnh đạo không xử lý đến nơi đến chốn vụ việc vừa nêu thì rõ ràng Chính phủ Việt Nam chỉ là "rút củi đáy nồi", chứ không phải củi tươi cũng cháy trong lò đã nóng, theo như lời tuyên bố khẳng khái của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
**********************
Bộ Công thương đang xem xét cho bà Thoa nghỉ việc (RFA, 29/08/2017)
Nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương bị kỷ luật, bà Hồ Thị Kim Thoa, không đến cơ quan làm việc.
Bà Hồ Thị Kim Thoa khi còn là Thứ trưởng Bộ công thương. Ảnh Đầu Tư
Một lãnh đạo của Bộ Công thương ngày 29/8 nói rằng nguyên Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa vẫn muốn nghỉ việc sau khi bị kỷ luật nên Bộ này đang xem xét nguyện vọng của bà Thoa.
Trước đó, ngày 28/7, khi còn giữ chức Thứ trưởng Công thương, bà Thoa đã nộp đơn xin thôi việc nhưng không được chấp nhận vì đang trong thời gian kỷ luật.
Ngày 16/8 vừa qua, bà Thoa bị miễn nhiệm chức Thứ trưởng do các sai phạm liên quan đến công ty Bóng đèn Điện Quang và kê khai tài sản không trung thực nhiều lần. Quyết định kỷ luật bà Thoa của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng sau khi bà bị thôi chức Thứ trưởng sẽ được Bộ Công thương giao cho nhiệm vụ mới.
Một nguồn tin khác từ Bộ này nói rằng có khả năng Bộ sẽ không bổ nhiệm vị trí Thứ trưởng thay thế cho bà Thoa vì hiện đã đủ số lượng.
Chính phủ Việt Nam quyết định kỷ luật 4 quan chức, nguyên là lãnh đạo Bộ Tài nguyên và môi trường và Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hà Tĩnh, với lý do vi phạm liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh đã gây thảm họa môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung từ tháng Tư năm 2016.
Bà Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa. Courtesy of Soha
Đó là các ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường, hai ông Nguyễn Thái Lai và Bùi Cách Tuyến, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường ; ông Võ Kim Cự, nguyên bí thư, chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh.
Cụ thể thủ tướng chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định cảnh cáo đối với ông Nguyễn Minh Quang ; xóa bỏ tư cách nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường đối với hai ông Nguyễn Thái Lai và Bùi Cách Tuyến ; xóa tư cách nguyên phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hà Tĩnh nhiệm ký 2005 đến 2010, xóa tư cách nguyên chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2010 đến 2015 đối với ông Võ Kim Cự.
Cũng trong lĩnh vực chống tham nhũng tại Việt Nam, sau khi bị miễn nhiệm chức vụ thứ trưởng, bà Hồ Thị Kim Thoa sẽ được Bộ trưởng công thương, chính phủ Hà Nội phân công nhiệm vụ khác theo quy định.
Bộ Công thương cho biết thông tin như vậy vào chiều ngày 16 tháng 8, đồng thời bộ trưởng Bộ này sẽ phân công lãnh đạo tiếp nhận các công việc mà trước đây bà Thoa đảm nhiệm.
Cũng cần nói lại rằng khi còn đương chức Thứ trưởng Công Thương, bà Thoa đã mắc một loạt các sai phạm trong việc cổ phần hóa công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang và nhiều các sai phạm liên quan đến báo cáo công việc và xử lý tài chính theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, bà Thoa còn nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
Ngày 8/8 vừa qua Ban Bí thư trung ương đảng cộng sản Việt Nam đề nghị thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc miễn nhiệm chức danh thứ trưởng đối với bà này. Thủ tướng quyết định miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công thương đối với bà Thoa ngày 16 tháng 8.
Đảng cộng sản cầm quyền và chính phủ Hà Nội trong mấy năm qua cho tăng cường công tác chống tham nhũng. Tòa đã tuyên án tử hình đối với một số quan chức cao cấp bị buộc tội tham nhũng.
Tổ chức Minh Bạch Quốc tế - Transparency International, xếp Việt Nam ở vị thứ 113 trên 176 quốc gia về chỉ số tham nhũng năm 2016.
Tại Đại hội Đảng Cộng sản đầu năm 2016, sau khi loại được Nguyễn Tấn Dũng một cách ngoạn mục, Nguyễn Phú Trọng đã tiếp tục được giữ chức Tổng Bí thư thêm một nhiệm kì nữa, dù ông đã quá tuổi hưu theo như qui định.
Đại hội Đảng cộng sản đầu năm 2016 - AFP/GETTY IMAGES
Ông Trọng sau đó mở chiến dịch diệt tham nhũng với quyết tâm mạnh mẽ hơn, vì từ mấy chục năm qua tệ nạn này đã lan tràn trong mọi cơ quan, ban ngành và làm ruỗng mục hệ thống, suy đồi xã hội.
Vụ tham nhũng đầu tiên được ông nhắm đến là Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cũng là Đại biểu quốc hội, Trịnh Xuân Thanh. Ông Thanh bị cáo buộc làm thất thoát tài sản nhà nước lên đến hơn 3 nghìn tỉ đồng, khoảng 150 triệu đôla, trong thời gian công tác tại Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí.
Khi quá trình điều tra đang được tiến hành, Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài.
Sự việc ông Thanh trốn thoát đã làm Tổng Bí thư Trọng mất mặt và nhiều người nghi ngờ quyết tâm bài trừ tham nhũng của giới lãnh đạo Việt Nam.
Cũng như trước đây với vụ Dương Chí Dũng làm thất thoát tài sản của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), rồi cũng trốn ra nước ngoài, sau bị bắt, ra toà bị án tử hình và bồi hoàn nhiều tỷ đồng cho nhà nước. Cho tới nay bản án tử hình vẫn chưa được thi hành.
Liên quan đến vụ án Dương Chí Dũng, có những sĩ quan cao cấp ngành công an bị cáo buộc đã nhận tiền hối lộ, trong đó có Thượng tướng Phạm Quý Ngọ là Thứ trưởng Bộ Công an.
Dương Chí Dũng trốn qua một nước trong khối ASEAN, sau đó bị bắt đem về nước, đưa ra xét xử. Nhưng tham nhũng đã lên đến cấp lãnh đạo cao cấp nào thì cũng mới dừng lại ở cấp trung, còn Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ chết bất ngờ trước khi xử nên đường dây cũng dừng lại ở đó.
Trịnh Xuân Thanh trốn sang Đức từ tháng 8/2016. Đức nói hôm 23/7/2017 ông bị tình báo Việt Nam bắt cóc từ Thủ đô Berlin, nhưng ngày 31/7 vừa qua Bộ Công an ra thông báo nói ông Thanh tự nạp mình "đầu thú" ở Hà Nội.
Đức nói ông Trịnh Xuân Thanh bị tình báo Việt Nam "bắt cóc" từ Berlin ngày 23/7/2017 nhưng phía Việt Nam nói ông Thanh "ra đầu thú" ở Hà Nội hôm 31/7
Tin từ báo Việt ngữ thoibao.de ở Đức đưa ra và sau đó Bộ Ngoại giao Đức cũng cho biết ông Thanh đã "bị bắt cóc" đem về Việt Nam trong khi đang tiến hành thủ tục xin tị nạn.
Hai ngày sau, đài truyền hình của nhà nước Việt Nam VTV1 đưa tin, hình ảnh và tờ đơn xin tự thú của ông Thanh. Vẻ mặt ông phờ phạc và đầy lo âu hơn những hình ảnh ông chụp tươi cười ở Đức đã được người thân quen phổ biến.
Việc bắt cóc người như thế là vi phạm nghiêm trọng luật lệ Đức nên chính phủ nước này đã trục xuất nhân viên ngoại giao đặc trách tình báo tại Đại sứ quán Việt Nam và đòi Hà Nội trả ông Thanh về lại Đức để thủ tục xin tị nạn của ông, cũng như đòi hỏi dẫn độ Trịnh Xuân Thanh của Hà Nội được xem xét theo trình tự pháp luật Đức.
Ông Thanh trốn ra được nước ngoài đã làm mất mặt Tổng Bí thư Trọng và phía Việt Nam đã biết ông đang ở Đức nên trong chuyến đi tham dự bên lề Hội nghị G-20 tại Hamburg vào đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi gặp Thủ tướng Angela Merkel cũng đã yêu cầu Đức trao trả ông Thanh.
Vì không có hiệp ước dẫn độ tội phạm giữa Đức và Việt Nam, còn Hà Nội không chờ được lâu nữa nên đã cho an ninh bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ một công viên ở Thủ đô Berlin rồi đem về Hà Nội.
Có được Trịnh Xuân Thanh trong nhà giam, Tổng Bí thư Trọng mạnh tay hơn nữa trong chủ trương chống tham nhũng.
Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị của ngân hàng Sacombank, và cả chục lãnh đạo các ngân hàng khác đã bị bắt giam vì những khoản tiền cho vay bừa bãi khiến nhiều ngân hàng sụp đổ tài chánh
Đáng chú ý là trong những ngày qua Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị của ngân hàng Sacombank, và cả chục lãnh đạo các ngân hàng khác đã bị bắt giam vì những khoản tiền cho vay bừa bãi khiến nhiều ngân hàng sụp đổ tài chánh.
Một lãnh đạo khác cũng đã vào tầm nhắm của chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của Tổng Bí thư Trọng là Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. Bà Thoa vừa xin thôi việc tại cơ quan từ ngày 1/8, trong khi đang bị Ban Kiểm tra trung ương điều tra về những sai phạm khi bà làm lãnh đạo Công ty Bóng đèn Điện Quang từ năm 2004 đến 2010.
Nguyên Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa (phải)
Nếu những vụ án trên được đưa ra xét xử, việc tham nhũng và nhận hối lộ sẽ lên đến mức nào trong giới lãnh đạo Việt Nam, hiện tại cũng như quá khứ ?
Nếu ông Trọng không rốt ráo trong việc chống tham nhũng thì những ồn ào trong hai tuần qua cũng chỉ là để che đậy sự yếu kém của Đảng Cộng sản Việt Nam trước sự bành trướng của Bắc Kinh ngoài Biển Đông.
Hơn một tuần trước, vì sức ép của Trung Quốc nên Việt Nam đã phải yêu cầu công ty dầu khí Repsol của Tây Ban Nha ngưng thăm dò và rút tàu khoan thăm dò ra khỏi Lô 136-3, trong khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà Bắc Kinh cho là nằm trong đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc.
Sự kiện này được Bill Hayton của BBC đưa ra và các chuyên gia về Việt Nam sau đó cũng xác nhận Trung Quốc đã ép Việt Nam không được khai thác, nếu không Bắc Kinh sẽ dùng vũ lực ở Trường Sa.
Ông Hayton còn cho biết thêm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch là hai ủy viên Bộ Chính trị không muốn phản đối đòi hỏi của Trung Quốc nên đã yêu cầu công ty Repsol ngừng khoan thăm dò tìm dầu trong Lô 136-3.
Hôm 2/8 ông Miguel Martinez của công ty Repsol xác nhận tàu khoan thăm dò ở đó đã ngưng hoạt động.
Lúc này chuyện chống tham nhũng với tuyên bố thể hiện quyết tâm gần đây của ông Trọng : "Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng cháy" được truyền thông chính thống thổi bùng lên, còn chuyện rút tàu khoan thăm dò ngoài Biển Đông hầu hết các báo đều không đưa tin.
Qua những gì đọc được trên mạng xã hội, nhiều người hồ hởi với việc Trịnh Xuân Thanh đã vào tay công an và không cho quan hệ Đức-Việt quan trọng hơn việc ông Thanh được đem về nước. Họ lạc quan tin tưởng những gì ông sẽ khai, để từ đó những kẻ tham nhũng sẽ bị trừng trị.
Đa số dân Việt đã mệt mỏi với tham nhũng và muốn giới lãnh đạo có quyết tâm bài trừ.
Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên, hôm 17/7 có viết trên Facebook về tệ nạn tham nhũng lan sâu và cao trong tầng lớp lãnh đạo và đã có gần 3.500 người thích, 650 lượt chia sẻ và 150 bình luận :
"...Nếu phát hiện ra những hành vi tham nhũng được hình thành từ những nhóm lợi ích có dây mơ, rễ má dù cho nó xuất phát từ đâu và mạnh tới cỡ nào. Dù nó có mạnh tiền như quân Nguyên cũng không thể lọt lưới của nền pháp trị mà chúng ta phải xây dựng trên nguyên tắc của một Nhà nước pháp quyền. Không ai có quyền đứng trên luật pháp. Nếu có một quyết tâm cao độ như vậy, thì chúng ta sẽ làm được tất cả. Làm được như vậy, nhân dân sẽ công nhận lòng yêu nước của những người cầm quyền hiện nay là có thật…"
Ông Khế quá lạc quan.
Đảng cộng sản kêu gọi chống tham nhũng từ mấy chục năm qua, nhưng Đảng lại đứng trên cả Hiến pháp thì mong gì có một nhà nước pháp quyền hay pháp trị ở Việt Nam.
Bao giờ có thay đổi thể chế để tiến đến một nền dân chủ pháp trị thì mới hy vọng tham nhũng sẽ bớt đi nhiều để đất nước có cơ hội phát triển nhanh hơn.
Bùi Văn Phú
Nguồn : BBC, 11/08/2017