Vào đầu năm học 2017-2018, có ý kiến nên bãi bỏ Ban Đại diện Cha mẹ Học sinh, tức "Hội Phụ huynh". Lý do được nói vì trong những năm gần đây hội này chỉ làm chức năng như là một "hội phụ thu" khiến nhiều phụ huynh không khỏi bức xúc.
Học sinh một trường trung học ở Hà Nội trong ngày khai giảng năm học mới, ngày 5 tháng 9 năm 2016. AFP
Nhân vật được truyền thông trong nước loan tin là phụ huynh Võ Quốc Bình. Ông này có con học tại Quận 1 kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ yêu cầu nên dẹp bỏ Hội Phụ Huynh, vì không làm được gì ngoài chức năng thu tiền cả.
Kiến nghị của ông Võ Quốc Bình nhận được cả sự đồng thuận lẫn phản đối. Một phụ huynh đề nghị không tiết lộ nhận dạng và tên tuổi, phản ứng rất gay gắt khi được hỏi về tính hiệu quả của hội này.
Đấy là một cái cánh tay nối dài của nhà trường, của hiệu trưởng thôi. Chứ thực chất không có một cái tác dụng gì để bảo vệ học sinh.
Vì thực chất chỉ có đến họp xong rồi ra chỉ nói chuyện thu tiền thôi. Nói thật với cháu thế. Còn họp, chú có nói ra thì người ta cứ họp theo kiểu thu tiền thôi chứ còn nói để bảo vệ quyền lợi cho học sinh bảo vệ quyền lợi cho phụ huynh thì cái đấy chú nói chứ đến 1 triệu người nói cũng không bao giờ có.
Trao đổi kỹ hơn về vấn đề tại sao việc bảo đảm quyền lợi của Hội Phụ Huynh Học Sinh không được thực hiện tốt, ông cho biết, việc hoạt động rập khuôn theo trình tự : hội đi trao đổi với Ban Giám Hiệu nhà trường trước, sau đó mới đi thông báo, vận động phụ huynh sai nguyên tắc. Lẽ ra, Hội Phụ Huynh phải làm ngược lại. Vị phu huynh này có so sánh như sau :
Thực chất gọi là "recorder" đó. Hiệu trưởng phát ra thì ghi âm vào rồi đi phát lại. Hội PH đi phát lại.
Thêm nữa, tính chất tự nguyện của hội phụ huynh lại thiếu vắng. Điều này dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử.
Nói là tự nguyện đấy, nếu mà phụ huynh nào không thu thì biết ngay, tức là sẽ có những cái đối xử khác nhau ngay.
Do đó theo chú hội PH thực chất phải là một cái hội. Đã gọi là hội thì ai muốn vào thì vào. Giả sử chú là phụ huynh, chú muốn vào thì vào, chứ không bắt buộc.
Ông còn nêu ra một bất cập trong việc bầu chọn người đại diện – mà thực chất là do nhà trường chỉ định chứ không hề có cuộc bầu chọn ra ban đại diện nào hết. Những người được nhà trường chỉ định này, lại chủ yếu lại là những người có kinh tế khá giả, chẳng phải lo lắng chuyện thu chi. Do đó hội phụ huynh không thể nào bao quát được quyền lợi chung về kinh tế của các thành viên.
Chứ còn những người giàu người ta thừa tiền người ta thừa ăn. Người ta đóng 10 triệu chứ đóng 100 triệu người ta cũng có. Mà bắt những người mà phải ở trọ rồi những người buôn thúng bán bưng phải theo những người đại gia thì làm sao được. Thì bây giờ chú thấy như thế là không được.
Khi được hỏi về tính hiệu quả của hội PH, một PHHS thường xuyên đi họp cho cháu ngoại tại một trường Trung học cơ sở lớn tại Quận 1 cho biết, các hoạt động của hội rất mờ nhạt và chẳng khác gì mấy ngoài những hoạt động do nhà trường đưa ra.
Thấy là nó cũng có theo cái mà ở trường đưa ra thôi. Thí dụ như là vận động các mạnh thường quân này kia nọ thôi. Chứ còn thấy không có cái gì khác hết trơn.
Các hội khuyến học của trường phải hoạt động mạnh hơn chút nữa. Thật ra là bây giờ thấy hoạt động vẫn còn yếu lắm, như là trợ cấp cái học phí cho các em nghèo, thí dụ như cha mẹ li dị, không có cha, không có mẹ thì coi như là bớt cái học phí cho mấy em đó. Vậy đó. Coi như là do cái hội khuyến học mình có cái tiếng nói mạnh chút.
Hội phụ huynh ở mỗi trường đều có sự không đồng nhất. Thậm chí còn khác biệt giữa các lớp. Do đó, có những lớp phụ huynh đồng ý gắn máy lạnh cho con em, trong khi số khác lại không. Điều này tạo ra sự không đồng bộ giữa các lớp học. Ngoài ra, các khoản thu được hội PH đề xuất thêm còn gây khó khăn cho các gia đình nghèo, phụ huynh này cho biết :
Bây giờ hội PH nhà giàu có người ta đẻ ra nhiều thứ lắm. Nào là điều hòa, nào là đủ các thứ để bắt những người người ta ở nhà trọ người ta buôn thúng bán bưng cũng phải theo như thế. Chú thấy như thế là không được.
Các khoản thu chi được đưa ra một cách chung chung và khi hạch toán cũng không có bộ phận giám sát. Vì thế mà tính tin cậy của báo cáo thu chi đến phụ huỳnh gần như là con số 0.
Các ông các bả tự làm, các ông các bả tự hạch toán với nhau chứ ai biết như thế nào. Rồi cũng ghi đấy thì cũng chả ai đọc. Vì thực chất bây giờ, người Việt Nam mình có tin người Việt Nam mình nữa đâu.
Thực tế, với những hoạt động lấn sân, trái nhiệm vụ và biến tướng của Hội Phụ Huynh tại nhiều trường học khắp nơi lâu nay, công luận đang đòi hỏi khi nào thì vấn nạn này được giải quyết. Đây cũng là một phần trong công cuộc chấn chỉnh hoạt động giáo dục tại Việt Nam.