Ban Tổ chức Trung ương trong nghiên cứu về đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có đề xuất hợp nhất 5 đoàn thể của các giới như Phụ Nữ, Thanh Niên… vào làm một với Mặt Trận. Sao lại có ý kiến đó và cần làm sao cho hiệu quả ?
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP
Đề xuất vừa nêu được ông Mai Văn Chính, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương trong cuộc họp nghiên cứu về đổi mới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hôm 7 tháng 4 đưa ra.
Cụ thể hợp nhất 5 đoàn thể chính trị - xã hội gồm Đoàn Thanh niên, Liên đoàn lao động, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh thành các ban của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trước tiên sẽ thực hiện ở cấp quận huyện và phường xã.
Việc cải cách này được thực hiện theo chủ trương "tinh gọn biên chế" và "giảm 10% biên chế" của Hội nghị trung ương VI vào tháng 10 năm 2017.
Theo lý thuyết, nếu việc "tinh gọn biên chế" này thành công, số công chức và nhân viên không chuyên trách ở các cấp bị "tinh gọn biên chế" sẽ lên đến 250 ngàn người - chiếm gần 10% trong tổng số gần 3 triệu công chức của Việt Nam.
Luật sư Trần Quốc Thuận, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, vào tháng 10 năm 2017 có đưa ra kiến nghị bên cạnh tinh giảm biên chế lãnh vực hành chính công thì phải bỏ biên chế các tổ chức chính trị-xã hội. Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về việc hợp nhất 5 đoàn thể vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông cho biết :
"Việc hợp nhất các tổ chức và giảm biên chế là kết luận của Hội Nghị Trung Ương VI, bây giờ họ đang triển khai.Hợp nhất bây giờ hợp nhất các tổ chức từ cấp huyện trở xuống, chỉ làm từ cấp huyện trở xuống cấp xã chứ chưa làm đến cấp tỉnh và cấp trung ương".
Theo thống kê của viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổng chi phí hàng năm cho Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh và 28 hội khác là từ 45,6 đến 68,1 ngàn tỷ đồng, tương đương từ một đến 1,7% GDP của Việt Nam, nhưng hiệu quả hoạt động của nhiều tổ chức trong số này vẫn chưa rõ.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, cựu giảng viên tại Đại học Xây dựng, một tiếng nói phản biện tại Việt Nam, vào năm 2016 từng kiến nghị nên giải tán Mặt trận Tổ quốc vì tổ chức và hoạt động của nó tốn kém nhiều và hiệu quả ít. Nhận định về việc hợp nhất này, ông nói :
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP PHOTO
"Tôi chắc rằng cái bộ máy nó phình ra quá, lương trả cho các bộ phận nó nhiều quá, thế thì người ta muốn gộp lại như thế chắc rằng người ta muốn giảm bớt cái việc trả lương thôi. Tôi thì tôi đoán thế vì người ta không nói ra là vì sao, nhưng nếu có nói thì chắc người ta cũng sẽ nói là để làm việc hiệu quả hơn.Hiện nay của đảng, của nhà nước, của mặt trận nó quá cồng kềnh, nên người ta gộp vào như thế".
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt Nam, nguyên Vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, đưa ra ý kiến về thay đổi này :
"Các hội đoàn như công đoàn, hội nông dân, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, mà chúng tôi gọi là ‘Công nông thanh phụ cựu’ ; phải tìm hiểu cái hoạt động này thì mới tính đến việc muốn thay đổi hay làm cho nó chất lượng hơn, đứng đắn hơn, và đây là công việc mà mấy chục năm nay người ta vẫn trăn trở nói đi nói lại mà cũng không ăn thua gì và càng ngày thì các đoàn thể này nó càng phình to ra, và tính vô hiệu ngày càng bộc lộ ra rất rõ".
Ông Nguyễn Khắc Mai đưa ví dụ về vụ doanh nghiệp cưỡng chế đất ở Long Hưng, Đồng Nai gây bất bình nhiều năm nay nhưng không có tiếng nói nào của hội nông dân, cũng như vụ quân đội lấy đất của nông dân Đồng Tâm, Hà Nội hồi năm 2017 cũng không được hội nông dân địa phương lên tiếng. Tuy nhiên ông cũng nhìn nhận một số thành tích của các hội đoàn này :
"Nhưng nói cho cùng, thì cũng thấy một sự thật là những hoạt động của những đoàn thể này cũng đạt được một số kết quả xã hội nhất định như hội cựu chiến binh đã vận động hàng vạn cựu chiến binh tham gia làm kinh tế, lập doanh nghiệp. Hay những hoạt động từ thiện và khuyến học cũng đạt được một số kết quả. Nhưng nhìn tổng thể thì tôi vẫn cho rằng là vô tích sự, đến mức là giáo sư Nguyễn Đình Cống phải bảo là hãy giải tán cái mặt trận tổ quốc vì nó vô tích sự".
Luật sư Trần Quốc Thuận thì lại cho rằng việc sát nhập là phù hợp với thực tế hiện nay, ông nói thêm :
"Sát nhập thì tôi cho là phù hợp vì Bộ chính trị nó cũng gần gần giống nhau, mà nó giảm được biên chế, giảm đầu mối và tiết kiệm ngân sách. Đó là một cái chủ trương đúng, nên làm và làm một cách tích cực".
Giáo sư Nguyễn Đình Cống cũng đề nghị không những giải thể Mặt trận tổ quốc, mà các đoàn thể cũng phải tự lo tài chính cho mình, ngân sách phải công khai minh bạch và thông qua quốc hội một cách vừa phải. Ông cho rằng hiện nay những người ăn lương ở cấp cơ sở đã quá nhiều, ông nói thêm :
"Tôi thì trong một lần tôi có đề nghị nên giải tán đi cho rồi. Tại vì các nước thì họ đâu cần có mặt trận như thế, các đoàn thể như thế. Những cái mặt trận hay đoàn thể đó là chẳng qua trong cái thời kỳ người ta vận động cách mạng, cướp chính quyền thì người ta nối dài cái hoạt động của người ta. Còn trong hoàn cảnh như hiện nay thì tôi cho rằng không phải cứ gộp vào mà phải để các đơn vị ấy họ tự lo (tài chính) thì nó mới phải".
Theo Luật sư Trần Quốc Thuận thì việc hợp nhất sẽ giảm biên chế và chi phí rất lớn :
"Tiết kiệm nhiều chứ, vì nếu hợp nhất như thế thì người ta bố trí lại thành các cơ quan, tất cả như vậy kể cả mặt trận tổ quốc là 6 tổ chức chính trị xã hội ghép lại. Trước nhất thì các cơ quan, bộ phận phục vụ bên dưới như hành chánh quản trị, thế này thế khác thì nó chỉ còn lại một, trước thì 6 bộ phận, cho nên nó giảm biên chế rất lớn và giảm chi phí rất lớn. Tôi cho rằng làm như vậy trước mắt là rất tốt".
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai cũng đồng ý là việc sát nhập có khả năng sẽ giúp tiết kiệm ngân sách và giảm biên chế. Tuy nhiên ông cho rằng đây chỉ là giải pháp "nước đến chân mới nhảy", muốn có những hội đoàn dân chủ, tử tế thì phải đổi mới cách khác. Ông nói thêm :
"Hiện nay bầu cử phải thông qua những đại diện của họ, nhưng đại diện lại là những anh tự bầu ra thành ra tư cách đại diện của mặt trận tổ quốc, công đoàn nó không rõ, không hề có một tư cách đại diện nào hết, cho nó đàng hoàng đúng đắn".
Theo Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, muốn cải cách để có những hội đoàn xứng đáng với dân tộc thì phải không đánh lừa nhau và không làm giả dối.
***************
Một bài viết của tác giả Mai Hương đăng trên mạng báo The Jakarta Post ngày 29 tháng 3 với nhan đề "Vietnam eyes tourism reform" đã đề cập đến những hậu quả cũng như khó khăn Việt Nam phải đối mặt khi ngành du lịch phát triển quá nhanh trong những năm gần đây.
Khách du lịch chật kín bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) trong dịp 30/4 - 1/5 năm 2017. Courtesy of Zing.vn
Theo tác giả bài viết, ngành du lịch của Việt Nam trong những năm gần đây đang bùng nổ và nhanh chóng trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tác giả đưa ra dẫn chứng cho thấy năm ngoái, gần 13 triệu khách nước ngoài đến Việt Nam, mang đến nguồn lợi nhuận lên tới hơn 500 tỷ đồng (tương đương 22 tỷ USD), tăng 30% so với năm 2015 và 20 % so với năm trước đó 2016.
Trong thập niên qua, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp ba lần trong khi doanh thu tăng 9 lần. Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 điểm du lịch phát triển nhanh nhất trên thế giới và được đánh giá là một trong những nước có thành tích phát triển du lịch tốt nhất ở Châu Á vào năm 2017. Năm ngoái ngành công nghiệp không khói này đã đóng góp 7,5% vào GDP của quốc gia.
Vẫn theo tác giả Mai Hương, với những thành tựu ấn tượng như vậy, du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam vào năm 2020, giúp thúc đẩy sự phát triển của các ngành khác như xây dựng, bất động sản, kinh doanh, giáo dục và việc làm.
Năm ngoái Bộ Chính trị đã đưa ra một nghị quyết về phát triển du lịch, theo đó đã ghi nhận ngành du lịch đóng vai trò chủ chốt trong nền kinh tế lớn của Việt Nam.
Trước đà phát triển nhanh chóng như vậy, chính phủ Hà Nội hy vọng sẽ đón từ 17-20 triệu lượt khách nước ngoài và 82 triệu lượt khách du lịch trong nước vào năm 2020. Doanh thu du lịch dự kiến sẽ đạt 35 tỷ USD, đóng góp 10% vào GDP, đồng thời có thể tạo ra bốn triệu việc làm.
Theo tác giả, ngành du lịch Việt được dự báo sẽ tiếp tục duy trì được tốc độ phát triển mạnh mẽ trong vài năm tới nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, sự quyết tâm của chính quyền các tỉnh thành và sự phát triển năng động của cả doanh nghiệp và cộng đồng.
Tuy nhiên, tác giả Mai Hương nhận định rằng tốc độ phát triển nhanh như vậy khiến Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi quá trình tái cấu trúc ngành du lịch, nếu không Việt Nam có thể thất bại bởi chính sự phát triển quá mức này.
RFA nêu vấn đề này với Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Trung Lương, nguyên phó viện trưởng viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, thuộc Tổng cục Du lịch Việt Nam. Ông Phạm Trung Lương cho biết phát triển du lịch mang lại rất nhiều lợi ích cho nền kinh tế của Việt Nam bấy lâu nay, nhưng nếu không được quản lý tốt, ngành này có thể mang lại rất nhiều hệ lụy :
Thách thức đầu tiên là sự quá tải của khách du lịch tại các điểm du lịch. Điều này sẽ tác động đến tài nguyên và môi trường ở điểm du lịch đó. Bên cạnh đó sự phát triển nhanh của các điểm du lịch cũng kéo theo nhiều vấn đề về xã hội như trộm cắp, ăn xin ăn mày,… Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến đời sống của người dân bản địa ở đó bởi vì một điểm du lịch bao giờ cũng đi kèm theo chuyện giá cả tăng cao nên đời sống của người anh bị tác động.
Tình trạng quá tải ở các điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam đặc biệt trong các dịp lễ, bấy lâu nay đã trở thành một vấn đề chưa có giải pháp hiệu quả từ cơ quan chức năng. Tình trạng này gây ra những hậu quả như cơ sở vật chất tại điểm đến xuống cấp nhanh chóng, rác thải bừa bãi, chặt chém giá cả, làm mất hình ảnh của một khu du lịch.
Ông Nguyễn Quý Phương, Cục trưởng Cục Quản lý Du lịch thuộc Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết số lượng khách đến Việt Nam tăng nhanh trong thời gian ngắn đang đặt ra nhiều áp lực lớn về cơ sở hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực và năng lực quản lý điểm đến.
Ông Phương cho rằng những thiếu hụt về mặt cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các sân bay quá tải sẽ khiến du khách mất nhiều thời gian do phải chờ đợi lâu trong khi thiếu nguồn nhân lực và năng lực quản lý các điểm đến sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.
Trên thực tế, các sân bay ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế và Đà Nẵng đang phải đối mặt với tình trạng quá tải.
Một nửa số người nước ngoài năm ngoái vào Việt Nam qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Sân bay này có sức chứa tối đa là 25 triệu hành khách mỗi năm, nhưng năm 2016 đã có đến 32 triệu lượt người đi qua.
Theo Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch của Việt Nam xếp thứ 113 trên tổng số 136 nền kinh tế.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Trung Lương đưa ra một số điều cơ bản nhất để giúp khắc phục những hệ lụy khi ngành du lịch Việt Nam phát triển quá nhanh chóng :
Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới cũng vậy, điều đầu tiên là phải nâng cao năng lực quản lý của điểm đến. Quản lý ở đây không có nghĩa là mình đi soi mói, bắt bẻ này kia mà là hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp phát triển theo nguyên tắc để đảm bảo sự phát triển bền vững và quản lý khách du lịch theo sức chứa của điểm đến. Ví dụ điểm này chỉ chứa được khoảng 100 khách thôi thì mình luôn luôn phải quản lý chứ không phải cứ chạy theo lợi ích về vật chất rồi tăng lên đến một ngàn hay một triệu khách.
Cũng theo Tiến sĩ Phạm Trung Lương, cần nâng cao nhận thức của khách du lịch về những việc họ được làm và không được làm, tránh ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên và đời sống xã hội của điểm đến trong đó bao gồm việc tôn trọng văn hóa của người bản xứ.
Nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang, một người có thâm niên trong ngành du lịch cho biết khi ngành du lịch Việt Nam nở rộ như hiện nay kéo theo lượng khách nước ngoài cũng tăng nhanh chóng, trong đó phần lớn là khách Trung Quốc. Theo ông, nhiều đoàn Trung Quốc ồn ào, thiếu lịch sự, và thậm chí ăn uống tục tĩu. Điều này gây ra hệ lụy :
Những điều đó sẽ ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của Việt Nam và trước mắt sẽ làm cho khách Châu Âu, Châu Mỹ sẽ rất phản ứng. Họ sẽ nói với nhau và tránh né không đến nữa. Như vậy sẽ gây thất thu cho ngành du lịch.
Tổng cục Du lịch cho biết gần nửa triệu khách Trung Quốc đến Việt Nam du lịch trong 3 tháng đầu năm 2018, chiếm lĩnh hầu như thị trường du lịch Việt Nam. Con số này tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vấn nạn khách Trung Quốc tràn ngập gây nhiều tác hại cho ngành du lịch Việt Nam đã được truyền thông và cả người dân lên tiếng rất nhiều lần. Tuy nhiên cho đến nay khách du lịch từ quốc gia này tiếp tục tăng cao. RFA đã nhiều lần liên lạc với cơ quan chức năng về vấn đề này nhưng vì lý do nào đó họ đều né tránh trả lời. Một số hướng dẫn viên du lịch nói với chúng tôi đây là vấn đề nhạy cảm mà bản thân họ cũng e ngại khi lên tiếng.
Nhà báo Võ Văn Tạo nêu ra một trong những nguyên nhân vấn đề này chưa được giải quyết :
Chính quyền địa phương không quan tâm lắm. Những sở như Văn Hóa- Thể Thao- Du Lịch họ cũng không quan tâm lắm vì họ cứ thấy đông khách là họ mừng. Thực tế tôi biết mặc dù họ là quan chức nhưng họ cũng không hiểu biết về du lịch bao nhiêu đâu. Họ từ những ngành khác nhảy sang làm nên không có tầm nhìn.
Việt Nam đặt ra mục tiêu thu hút 16 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 80 triệu lượt khách nội địa trong năm nay, tương đương doanh thu 620 ngàn tỷ đồng. Đây là mục tiêu được đánh giá hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, những mặt trái của thành tựu này sẽ đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan chức năng.