Việt Nam : Người nước ngoài không khai báo tạm trú có thể bị trục xuất
VOA, 20/07/2023
Người nước ngoài đến Việt Nam có thể bị trục xuất nếu bị phát hiện không khai báo tạm trú với cơ quan công an địa phương, truyền thông Việt Nam dẫn thông tin từ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA08), Công an Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết hôm 19/7 giữa lúc thành phố này chuẩn bị kiểm tra tất cả các cơ sở lưu trú kể từ đầu tháng tới.
Khách nước ngoài đi tham quan bằng xích lô tại Việt Nam. Công an Việt Nam nói số lượng lớn người nước ngoài đang lưu trú tại Thành phố Hồ Chí Minh gây áp lực cho công tác quản lý cư trú người nước ngoài của họ.
Theo quy định của Việt Nam, người nước ngoài đến tạm trú tại Việt Nam phải được người trực tiếp quản lý, điều hành cơ sở lưu trú khai báo tạm trú với công an địa phương. Nếu sở hữu hay thuê nhà dài hạn mà chủ nhà không hỗ trợ khai báo, thì người nước ngoại có thể tự khai báo tạm trú trực tuyến.
Theo PA08, nếu chủ cơ sở lưu trú không khai báo tạm trú cho người nước ngoài tạm trú, họ có thể bị phạt từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng (khoảng 850-1690 USD). Còn người nước ngoài vi phạm về việc khai báo, đăng ký tạm trú có thể bị áp dụng hình thức trục xuất khỏi Việt Nam, tuỳ theo mức độ vi phạm, báo Thanh Niên đưa tin.
Thông báo được đưa ra giữa lúc thành phố Hồ Chí Minh, nơi có lượng người nước ngoài cư trú đông nhất ở Việt Nam, đang chuẩn bị kiểm tra tất cả các cơ sở lưu trú từ ngày 1/8-1/9.
Hiện nay có khoảng 80.000 cơ sở lưu trú và khoảng 100.000 người nước ngoài đang cư trú tại Thành phố Hồ Chí Minh. Giới hữu trách địa phương nói con số này đã tạo áp lực rất lớn cho công tác quản lý cư trú người nước ngoài của lực lượng công an địa phương, tạo điều kiện cho nhiều hoạt động tội phạm diễn ra.
Thống kê chính thức của PA08 cho biết trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng này đã phát hiện 5.311 vụ vi phạm từ hành chính đến hình sự trong lĩnh vực nhập cảnh trái phép, lừa đảo công nghệ, tổ chức cá cược, cho vay nặng lãi qua internet…
Người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam khá đa dạng về quốc tịch, mục đích và nghề nghiệp. Những nước có nhiều công dân đến Việt Nam nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đài Loan và Nga.
Theo số liệu thống kê Bộ Công an Việt Nam, trong các năm 2015 – 2018, công dân Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất với gần 14,8 triệu người, chiếm hơn 30% trong tổng số người nước ngoài đến Việt Nam.
****************************
Người dân Vườn rau Lộc Hưng gặp đại diện Bộ ngoại giao Hoa Kỳ
RFA, 20/07/2023
Hôm 20/07/2023, hai nhân viên Bộ ngoại giao Hoa Kỳ là ông Rustum Nyquist - Viên chức Chính trị và bà Lindsey Posmanick - Viên chức Ngoại giao thuộc Văn phòng Đông Á Thái Bình Dương - có cuộc gặp với bà con Vườn rau Lộc Hưng, Thành phố Hồ Chí Minh, nơi đã xảy ra vụ cưỡng chế, phá huỷ hơn 200 căn nhà của người dân vào năm 2019 gây phản đối gay gắt từ phía người dân.
Hai viên chức Bộ ngoại giao Hoa Kỳ và một số bà con vườn rau Lộc Hưng chụp hình chung sau cuộc gặp, chiều 20/7/2023 - Hình do ông Cao Hà Trực gửi RFA
Trao đổi với RFA tối cùng ngày, ông Cao Hà Trực, một trong những người trong Ban đại diện cho dân oan Vườn rau Lộc Hưng cho biết, khoảng một năm trước, nhân Ngày tự do báo chí, ông có dịp gặp một số viên chức lãnh sự quán Hoa Kỳ. Ông có trình bày với họ tình trạng Vườn rau Lộc Hưng. Đó là lý do hôm nay họ đến nhà ông để tìm hiểu sự việc. Có 12 nạn nhân Vườn rau Lộc Hưng cùng tham dự buổi gặp gỡ. Ông Cao Hà Trực nói :
"Họ gặp chúng tôi từ lúc 3 giờ 20 đến 5 giờ 20 ngày 20/07/2023. Họ hỏi sự việc vườn rau Lộc Hưng và bà con có trình bày nguồn gốc vườn rau từ năm 1954 đến nay và sự kiện ngày 8/1/2019, chính quyền ngang nhiên vô đập phá mà không có một Quyết định nào hết. Phía chính quyền vẫn nói để bà con ra vô bình thường nhưng thực tế họ cho bốn chốt dân phòng canh gác không cho bà con vô khu vườn.
Phía nhân viên lãnh sự quán rất lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con vườn rau. Sau khi bà con trình hết, họ nói rằng, những gì họ nghe cho thấy đó là sự bất công đối với bà con. Họ nói rằng sẽ tiếp tục báo cáo cho Bộ ngoại giao Hoa Kỳ và sẽ có buổi làm việc với chính quyền Việt Nam".
Vào các ngày 4 và 8/1/2019, chính quyền quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh đã huy động lực lượng đến san ủi, cưỡng chế khoảng 200 căn nhà ở Vườn rau Lộc Hưng, bất chấp sự phản đối của người dân. Những người dân bị cưỡng chế cho biết đất của họ là từ đời cha ông (thời Pháp) để lại. Chính quyền thành phố nói việc cưỡng chế chỉ thực hiện với 112 nhà xây dựng trái phép từ ngày 1/1/2018 và khu đất vườn rau thuộc quyền quản lý của Nhà nước từ sau năm 1975.
Người dân Vườn rau Lộc Hưng khẳng định họ có căn cứ pháp lý xác định khu đất vườn rau thuộc quyền sở hữu của họ từ năm 1954 đến nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã cố tình không cấp quyền sử dụng đất cho bà con với mục đích "cướp" hơn năm héc-ta đất.
Ông Trực cho biết, ông cùng một số bà con vườn rau đã hai lần ra Hà Nội đưa đơn yêu cầu thành lập đoàn thanh tra nhưng rồi đến nay vẫn chưa có kết quả. Ông và bà con cũng được hứa sẽ có cuộc họp với đại biểu Quốc hội ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng đến nay phía chính quyền vẫn lần lữa.
Ông Cao Hà Trực nói thêm về buổi gặp gỡ với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 20/07/2023 :
"Họ hỏi bà con muốn nói gì nữa với họ, tôi nói rằng bà con ở đây chỉ mong muốn phía chính quyền phải thực hiện luật pháp Việt Nam. Việt Nam đã có cam kết và bang giao với Hoa Kỳ, và cũng ký rất nhiều công ước. Việt Nam cũng nhiều lần nỗ lực thay đổi luật pháp nhưng chỉ trên giấy tờ chứ thực tế họ không thực hiện. Bà con muốn Hoa Kỳ có tiếng nói với Chính phủ Việt Nam để thực thi những công ước quốc tế. Bà con nói rằng, bà con muốn chính quyền phải đối thoại với bà con vườn rau Lộc Hưng trên tinh thần xây dựng để bà con được hưởng quyền lợi chính đáng.
Họ nói rằng họ ghi nhận những ý kiến và nói thêm rằng, ngay họ cũng muốn Việt Nam và Hoa Kỳ có mối quan hệ bình thường qua việc đối thoại, nên họ cũng muốn Chính phủ Việt Nam đối thoại với bà con cho rõ ràng".
Đài Châu Á Tự Do đã liên hệ đại diện Ngoại giao Hoa Kỳ đến thăm Vườn rau Lộc Hưng để xin phản ứng nhưng chưa nhận được trả lời.
Vụ cưỡng chế đất vườn rau Lộc Hưng đã gặp phải nhiều phản ứng ở trong nước và quốc tế. Một dân biểu Liên minh Châu Âu và Mỹ cũng đề cập đến vụ cưỡng chế này khi nói đến tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam hồi năm 2019.
Vào tháng 9/2019, một phái đoàn của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã gặp gỡ các đại diện của cộng đồng Công giáo sinh sống ở Vườn rau Lộc Hưng nhằm tìm hiểu vụ việc.
************************
Đắk Lắk : Công an nói đã thu hồi hơn 4.500 loại vũ khí từ người dân sau vụ nổ súng chết người tháng trước
RFA, 20/07/2023
Công an tỉnh Đắk Lắk hôm 20/7 cho biết cơ quan này đã thu hồi được 4.576 vũ khí các loại từ người dân sau 40 ngày (từ ngày 12/6 đến 20/7) triển khai kế hoạch mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật.
Lãnh đạo Công an Đắk Lắk kiểm tra vũ khí thu hồi từ trong dân - Vũ Long/PLO
Việc phát động thu hồi vũ khí trong dân tại Đắk Lắk diễn ra ngay sau khi xảy ra vụ nổ súng hôm 11/6 tại trụ sở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kui, tỉnh Đắk Lắk - nơi có nhiều người Thượng bản địa sinh sống - khiến ít nhất chín người thiệt mạng bao gồm bốn công an, hai cán bộ xã và ba người dân.
Bộ Công an sau đó khởi tố vụ án "khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm và tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh". Đã có hơn 90 người bị bắt giữ với cáo buộc tham gia vụ tấn công.
Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lê Quốc Hùng vào ngày 12/7 nói trước Quốc hội rằng vụ tấn công có sự chỉ đạo, tiếp tay của các thế lực thù địch nước ngoài.
Các tổ chức người Thượng tại nước ngoài được RFA phỏng vấn khẳng định họ không có liên quan gì đến vụ tấn công, đồng thời đã lên án việc sử dụng bạo lực.
Theo thông báo mới nhất từ Công an Đắk Lắk được truyền thông Nhà nước loan tải, trong 40 ngày phát động chiến dịch thu hồi vũ khí, các lực lượng Công an tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi được 4.576 vũ khí (gồm : 1.278 súng các loại, 2.666 viên đạn…), vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo ; 5,2 kg đạn chì ; 1,7kg thuốc nổ.
Thiếu tướng Lê Vinh Quy - Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk nói công an địa phương đã vận động người dân tự giao nộp vũ khí, thậm chí công an đã đem nhu yếu phẩm, lương thực đến để đổi lấy vũ khí của người dân.
Trong buổi báo cáo về chiến dịch hôm 20/7, ông Lê Vinh Quy cũng nhắc đến vụ tấn công hôm 11/6 đồng thời khẳng định hành vi tàng trữ vũ khí hết sức nguy hiểm, là nguyên nhân xảy ra những vụ việc giết người, cố ý gây thương tích. Ông cho biết, dù công an đã có nhiều đợt cao điểm vận động, thu hồi, nhưng tình hình tàng trữ, sử dụng, mua bán vũ khí ở địa bàn còn phức tạp.