Những "khóa tu mùa hè" hỗn loạn
Hàng năm, những ngày hè đến, nhiều chùa tổ chức những "khóa tu mùa hè" cho học sinh mới lớn với hàng trăm, thậm chí hàng ngàn học sinh mỗi khóa.
Điều đó vẫn xảy ra thường niên như một điều tất nhiên mà hầu như chẳng ai có ý kiến về những vấn đề liên quan việc tập trung, giáo dục cũng như những điều kiện về mọi mặt ở những lớp học, những "khóa tu" đó.
Chỉ cho đến gần đây, khi đoạn video Clip về một bé gái bị "Vong nhập" "do 14 kiếp trước đã quyến rũ ba nhà sư" nên bây giờ phải nhờ bà Phạm Thị Yến và thầy Thích Trúc Thái Minh trục vong và làm phép gì đó, rồi cho vong quy y… lộ ra ngoài xã hội, thì thiên hạ mới giật mình và hoảng hốt.
Đoạn video ấy, chỉ là một trong vô vàn những điều đã xảy ra trong môi trường lừa đảo như Chùa Ba Vàng vốn nổi danh về những vụ lừa đảo còn chưa hề nguôi trong lòng dư luận.
Cũng cần nói rõ điều này : Một quá trình hoạt động trục vong, giải nghiệp trong màn "oan gia trái chủ", Thích Trúc Thái Minh thường xuyên tuyên bố rằng : "Thầy có muốn con phải đưa tiền đâu, nhưng vong nó đòi thế thì phải cúng cho nó thôi". Chỉ có điều vong đòi ở đâu không thấy, chỉ thấy thầy đòi tiền, và việc đưa tiền cho "vong" bao nhiêu, thì có thể mặc cả với thầy số tiền từ tiền tỷ xuống dăm, bảy trăm triệu… Tất cả đều qua thầy và tiền thì vào túi thầy.
Và cũng chưa ai thấy thầy chuyển số tiền đó cho "vong" bằng cách nào và khi nào.
Những vụ Oan gia trái chủ, Xá lợi tóc Phật… còn chưa được xử lý xong, người chủ trương là Thích Trúc Thái Minh hết sám hối lần này lại sang sám hối lần khác như một trò đùa trêu ngươi dư luận, vẫn làm nóng dư luận xã hội, thì lại tiếp tục những màn dọa nạt, bịa đặt và lừa đảo những bé vị thành niên.
Đặc biệt, những nội dung để hướng dẫn, giáo dục các cháu ở đó được giao cho những kẻ lừa đảo có danh tiếng như Phạm Thị Yến.
Phạm Thị Yến, một nữ nhân vật chẳng phải sư, chẳng phải ni cô, cũng chẳng phải vợ hay người tình công khai của đại đức Thích Trúc Thái Minh, chỉ thấy bà ta sống ngay tại chùa cùng Thích Trúc Thái Minh và đi đâu, làm gì đều như hình với bóng cùng với "đại đức" này. Tuy nhiên, đây là một trong những đầu mối và là cánh tay đắc lực của Thích Trúc Thái Minh trong các phi vụ lừa đảo bá tánh một cách có hệ thống, liên tục.
Điều ngạc nhiên, là sau những vụ lừa đảo về cái gọi là "Oan gia trái chủ" bị xử lý, bị kỷ luật thì những video, những hành động, bài giảng… tuyên truyền mê tín dị đoan vẫn đầy rẫy trên mạng không hề suy suyển. Những nội dung nhảm nhí và nguy hiểm về những hành động lừa đảo đến mức các cơ quan nhà nước, các đồng tu, "đồng nghiệp, đồng môn" trong nghiệp vụ lừa đảo của Thích Chúc Thái Minh như Thích Nhật Từ cũng phải lên tiếng vẫn nguyên xi trên mạng mà không có bất cứ một cơ quan nào lên tiếng.
Chúng ta cũng cần nhớ rằng : Chỉ cần một người nào đó, đưa lên một lời nói, một đoạn status hoặc ý kiến lên mạng không được lòng nhà cầm quyền, lập tức bị phạt gần chục triệu đồng, nghĩa là với số tiền bằng cả vài tháng lương.
Thế nhưng, trên các trang mạng, trên kênh Youtube của Phạm Thị Yến những video, những bài "giảng" vẫn không hề sứt mẻ, vẫn phát huy tác dụng lừa đảo của nó với cả xã hội. Vậy mà Phạm Thị Yến vẫn là người tổ chức những cái gọi là "khóa tu" cho cả hàng ngàn học sinh mỗi năm.
Những nội dung bà ta đưa ra để giáo dục lớp học sinh đó là gì ? Những gì các em đã được học qua các "Khóa tu" ấy, hầu như chưa thấy báo chí, chưa thấy những nhân vật chịu trách nhiệm trong chùa, trong hệ thống Phật giáo quốc doanh, trong hệ thống quan chức và hệ thống chính trị nói đến. Người ta chỉ nghe Thích Trúc Thái Minh từ Ba Vàng nói rằng : "Nếu không dự khóa tu mùa hè, thì sau này sẽ phải lấy nhiều đời chồng vũ phu"… và những dọa dẫm tương tự để hướng con trẻ vào sự u mê của ma trận oan gia trái chủ từ những tưởng tượng bệnh hoạn về mấy chục kiếp trước.
Thậm chí, nguy hiểm hơn, Thích Trúc Thái Minh còn tuyên truyền về việc anh ta có thể "Thỉnh hương linh" để cho những người muốn phá thai, giết con mình không có tội, bởi anh ta đã "thỉnh" linh hồn sang nơi khác nên đứa trẻ chỉ còn là "cục máu". Oái oăm thay, những điều này được rót vào tai đám trẻ đang tuổi vị thành niên, tuổi dậy thì của đất nước.
Có lẽ không có một phương pháp nào có thể trấn an, khuyến khích giới trẻ quan hệ tình dục bừa bãi rồi phá thai, giết người mà yên tâm theo một cách hữu hiệu hơn cách mà Thích Trúc Thái Minh đã và đang tuyên truyền này.
Và với tình hình này, thì Thích Trúc Thái Minh sẽ phải mở nhiều cơ sở khắp đất nước để làm lễ "Thỉnh hương linh" khi mà Việt Nam đang đứng trong Top đầu thế giới về nạn phá thai và những người mẹ giết con theo cách này đang trẻ hóa.
Chỉ đến khi các đoạn video bị lộ ra ngoài, thì xã hội mới tá hỏa về những nội dung nhảm nhỉ, mê tín dị đoan và vẫn lại là những trò lừa đảo mới. Và đối tượng bây giờ lại là các trẻ nhỏ, các mầm non đất nước và chẳng cần nói, thì ai cũng rõ sự nguy hại của nó. Đến khi đó, thì cơ quan nhà nước Quảng Ninh mới có yêu cầu chùa Ba Vàng báo cáo về nội dung đưa ra dạy cho trẻ con ở đó. Và ngay lập tức "Khóa tu mùa hè" đã đóng cửa khi Dư luận chú ý.
Điều đó, nói lên tất cả.
Không chỉ có Chùa Ba Vàng, những việc làm tương tự và thậm chí còn táo tợn hơn như thành lập các "đạo quân" tử đạo riêng của Chùa - như một bản tố cáo tại Chùa Thiền Tôn Phật Quang đã được phổ biến trên mạng - cho thấy tại đây, Thích Chân Quang còn đi xa hơn một khóa học. Ở đây, đã và đang hình thành một tổ chức với cả những kế hoạch dài hạn của một tổ chức chính trị có vũ trang dưới danh nghĩa tôn giáo.
Ở đó, cũng có những "Khóa tu mùa hè" với hàng trăm, hàng ngàn trẻ em. Song song điều đó, vẫn còn đó các đơn của các ni cô, ni sư tố cáo một cách cụ thể "Giáo Chủ" Thích Chân Quang đã xâm hại, cưỡng bức tình dục họ suốt một thời gian dài mà các cơ quan chức năng đang… điếc.
Thật lạ kỳ, khi những đơn thư được phát tán lên mạng xã hội, khi xã hội quan tâm đến những vấn đề tại Phật Quang Thiền Tôn, lập tức các "Khóa tu" đã bị giải tán sớm. Trang mạng của Chùa Phật tôn Thiền Quang lập tức được đưa vào trạng thái không thể truy cập vì "Trang web đang bảo trì". Điều này trái ngược với sự cố gắng bao năm qua của cơ sở này nhằm quảng cáo đủ mọi cách đến cộng đồng.
Qua những động thái trên, người ta chẳng cần suy nghĩ nhiều, chẳng cần thông minh cho lắm, cũng hiểu rằng : Đằng sau những "Khóa tu", những bài giảng, những hoạt động bát nháo được thực hiện bấy nhiêu năm nay tại các "Chùa" của những đại đức, thượng tọa nổi tiếng với những trò lừa đảo kia, đều được các cơ quan nhà nước cố tình làm ngơ hoặc buộc phải làm ngơ.
Những lớp học Tiếng Anh mùa hè bị ngăn chặn
Nhu cầu học Tiếng Anh của học sinh, sinh viên là một nhu cầu có thật. Những trung tâm ngoại ngữ mọc lên khắp nơi từ trong Nam ra ngoài Bắc và tận các tỉnh miền núi, hải đảo xa xôi. Các bậc phụ huynh mong muốn cho con cái mình được tiếp xúc và học tập môn ngoại ngữ này một cách hiệu quả và ít tốn kém, phức tạp là nhu cầu rất lớn. Thế nhưng không phải ai cũng có thể đáp ứng được nhu cầu đó bởi rất nhiều lý do, trong đó, hiệu quả lớp học là vấn đề được quan tâm nhiều nhất.
Trước nhu cầu đó, một nhóm bạn trẻ trong nhóm sinh viên Công giáo Giáo phận Vinh đã liên hệ với tổ chức Education For The Poor (EFTP), một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập bởi một nhóm chuyên gia mong muốn việc cải thiện tình trạng đói nghèo tại Việt Nam. Một trong những cách đó là hỗ trợ việc giáo dục cho người nghèo. Tổ chức này đã tiến hành nhiều năm việc cung cấp học bổng, thành lập các câu lạc bộ giáo dục và cải thiện kỹ năng tiếng Anh và giáo dục cho những người kém may mắn.
Từ năm 2010, bắt đầu từ giáo xứ Cầu Rầm và một số giáo xứ khác, thuộc giáo phận Vinh ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, đã luân phiên nhau mở những lớp tiếng Anh vào mùa hè cho học sinh phổ thông.
Những lớp học này không phân biệt lương, giáo, không phân biệt con nhà giàu hay nghèo, tất cả đều được tham gia lớp học 1 tháng miễn phí tại nhà thờ.
Thầy, cô giáo dạy những lớp này là những thanh niên, giáo viên, cả sinh viên người Mỹ gốc Việt. Họ có nhu cầu về giúp đỡ cho quê hương và cũng là để thăm quê hương Việt Nam, đồng thời học tiếng Việt tại Việt Nam. Các lớp học này được tổ chức để các em có cơ hội được trực tiếp nghe các sinh viên, học sinh và thanh niên từ Mỹ về trực tiếp giảng dạy.
Đặc biệt ở lớp học này, các em học sinh phổ thông được trực tiếp chứng kiến, trò chuyện, kết bạn với những học sinh, sinh viên Mỹ, học từ họ tinh thần làm việc hết sức nghiêm túc và chuẩn mực.
Những buổi học chủ yếu giúp các em tập luyện kỹ năng nghe, nói, phát âm chuẩn tiếng Anh bằng cách tiếp xúc trực tiếp với người nước ngoài ngày càng thu hút sự tham gia đông đảo của giới trẻ địa phương. Khóa đầu tiên, số các em theo học là 800 học viên, đến khóa tiếp theo số học viên lên đến cả 1.000 người tại Giáo xứ Lập Thạch, Giáo phận Vinh.
Những học sinh của các lớp này, đã được truyền cảm hứng về môn Tiếng Anh một cách rõ rệt đã đành, mà qua đó, các em được học tập phong thái tự nhiên, đĩnh đạc trước cuộc sống, và qua đó, các em tự tin hơn trong môi trường sống tự lập của mình.
Dẫn chứng cụ thể về những lớp học này, bản thân tôi cảm nghiệm được hết sức rõ ràng tác dụng của nó. Những đứa trẻ, trong đó có mấy đứa con tôi khi được học qua những lớp học này, từ những đứa trẻ nhút nhát trước đám đông, đã mạnh dạn trong giao tiếp và đặc biệt là học rất giỏi Tiếng Anh một cách say mê. Cho đến khi học xong Phổ Thông Trung học, không học thêm bất cứ một khóa tiếng Anh nào, nhưng kết quả thi IELTS đạt điểm 8.0 và 7.5 và khi qua Hoa Kỳ, đã hội nhập rất nhanh chóng vào môi trường tiếng Anh để tiếp tục học lên mà không gặp khó khăn, không phải qua những lớp Tiếng Anh hội nhập.
Những người bạn của tôi lúc đó đã nhờ tôi giới thiệu để đưa con tham gia lớp học này và được học cùng với các học sinh Công giáo hết sức hào hứng. Trong số những học sinh là con của bạn tôi người ngoài công giáo dã học qua những lớp đó, đến nay, các cháu hầu như đã và đang đi du học, làm luận án Tiến sĩ ở nước ngoài. Một người bạn tôi ở Vinh, hiện nay con trai đã học xong Tiến sĩ tại Anh và làm việc tại đó. Một người bạn khác, cô con gái đang làm tiến sĩ tại Hoa Kỳ. Canada…
Qua thời gian, hầu như các cháu đã rất thành công trong việc học môn Tiếng Anh khi qua lớp học này. Đặc biệt, , rất nhiều cháu hiện đã định cư tại các quốc gia như Anh, Mỹ và trong số đó, có nhiều người đã trở thành linh mục, nữ tu. Gặp lại các cháu, hầu hết đều khẳng định cảm hứng của các cháu khi học tập tiếng Anh được bắt đầu từ những khóa học ấy.
Nói về những vấn đề này, để khẳng định rằng, những lớp tiếng Anh miễn phí của nhà thờ đã rất có tác dụng cho không chỉ người công giáo và cả ngoài công giáo.
Thế nhưng, lớp học đó chỉ được vài năm, sau đó, nhà cầm quyền Việt Nam đã ngay lập tức bằng mọi cách ngăn chặn và phá vỡ những sự giúp đỡ của tổ chức Education For The Poor này bằng cách dọa dẫm trục xuất các tình nguyện viên, các cơ sở nhà thờ, giáo dân, giáo xứ….
Và lớp học tan rã trong sự phẫn nộ của cộng đồng.
Nói đến điều này, để chúng ta thấy bản chất của những "Khóa tu mùa hè" với những sự độc hại, nhảm nhí và những lớp học, những chương trình thực chất đã khác nhau ra sao trong cách đối xử của nhà cầm quyền Việt Nam.
Và không chỉ có thế.
Chùa to, tượng lớn và… cướp tài sản
Có lẽ không cần phải nói, thì ai cũng biết được một điều : Sau những năm với chính sách phá sạch, đốt sạch, cướp sạch nhằm "Xóa bỏ tàn tích phong kiến, thực dân" để thực hiện "Cuộc Cách mạnh Tư tưởng và văn hóa", nhà cầm quyền mới chợt nhận ra rằng : Để xóa bỏ đời sống tâm linh của con người là điều không dễ dàng. Và từ đó, chính sách "Liên minh tiêu diệt" theo Chủ nghĩa Mác Lenin đã được vận dụng và thực hiện.
Đó là việc hình thành một liên minh với những đối tượng cần tiêu diệt, để rồi qua đó thực hiện chính sách tiêu diệt từ trong liên minh.
Và tôn giáo là nơi thực hiện chính sách đó thành công nhất.
Sau khi những chùa chiền, am miếu, đình đền bị đập bỏ, bị xóa sạch trước đây, thì đã dần dần được nhà nước "tạo điều kiện" để khôi phục lại "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" tùy thích.
Điều kiện duy nhất là người cầm đầu ở đó, phải là người "Chịu sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng".
Quái ác thay, lại là đảng vô thần lãnh đạo những kẻ hành nghề tâm linh. Thế nên, các chức sắc hẳn nhiên là cán bộ, an ninh, hoặc ít nhất cũng phải là "những phần tử tiến bộ" theo quan niệm của đảng.
Và quá trình tha hóa, tàn phá Phật giáo đến tận căn, tận gốc đã rất thành công cho đến nay.
Và khi đã bảo đảm được "sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng" bằng những ông sư 50 năm tuổi đảng, bằng nhưng cán bộ an ninh… thì Chùa to, tượng lớn tha hồ bành trướng.
Học viện Phật giáo được cấp mới hàng ngàn ha đất để đào tạo học viên, đào tạo các nhà sư theo chương trình đào tạo của Đảng CS vô thần. Hẳn nhiên là ai cũng rõ sản phẩm của nó là gì.
Ba vàng, từ một ngôi nhà bé xíu đã được cấp hàng ngàn ha đất để xây nên những công trình vĩ đại và tạo nên những cú lừa vĩ đại. Phật Quang, được cấp cả ngọn núi mặc sức xây, mặc sức rao giảng những điều độc hại, mặc sức cho "Giáo Chủ" Thích Chân Quang hành động để rồi cho các phật tử, các ni cô mặc sức viết đơn tố cáo Giáo chủ cưỡng bức tình dục và các trò ma mị, nhằm lừa đảo cúng dường.
Đấy là chưa kể những "Đại Chùa" như Bái Đính, Tam Chúc… những công trình nhằm kinh doanh Phật giáo.
Ngược lại, người ta cũng thấy những hình ảnh, những lời kêu cứu, những đoàn công an, dân phòng và đủ mọi trò bẩn thỉu dành cho Giáo hội Công giáo Việt Nam bởi những màn cướp bóc tài sản của Giáo hội. Những hình ảnh của các nữ tu, linh mục cùng giáo dân xuống đường nói lên điều đó.
Hầu như, tại Việt Nam không có một giáo xứ, một giáo họ nào của Giáo hội Công giáo mà không là nạn nhân của việc cướp đất đai, tài sản bởi nhà nước. Những cơ sở của giáo hội Công giáo bị cướp, bị chiếm, bị mượn không trả… như các bệnh viện tại Hà Nội : Xanh Pôn, Bệnh viện Lao Trung ương, Bệnh viện Đống Đa, Bệnh viện Việt Nam – Cuba, bệnh viện Mắt Hà Nội, các trường học, khách sạn… hoặc các cơ sở khác vẫn còn sờ sờ ra đó. Riêng Hà Nội, con số tài sản, đất đai của Giáo hội Công giáo bị cướp chưa trả lại, là 150 cơ sở.
Đến nay, con số 2.500 tài sản của Giáo hội Công giáo vẫn còn bị cướp bởi bàn tay nhà nước, chỉ vì nhà cầm quyền Việt Nam chưa thể khuynh loát Giáo hội Công giáo như Phật giáo Quốc doanh.
Lời kết
Cho đến nay, sau bao năm nhà cầm quyền Việt Nam ra sức kêu gào tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, thậm chí thông qua luật nọ, luật kia… thì tình hình tôn giáo vẫn là một vấn nạn hết sức trầm trọng và ngày càng trầm trọng đối với người dân Việt Nam.
Những biểu hiện chùa to, tượng lớn, nhà thờ xây dựng lại, hoặc lễ hội đông đúc, chưa nói lên bản chất của vấn đề tôn giáo tại Việt Nam. Ở đó, nhà cầm quyền trong mưu đồ biến tôn giáo thành một thứ tôn giáo nô dịch, tôn giáo công cụ biểu hiện bằng tôn giáo Lễ hội. Ở đó, phần hội là chính, để ru ngủ con người để trưng ra cho thế giới rằng ở Việt Nam tôn giáo được tự do phát triển.
Chỉ cần nhìn qua những "khóa tu mùa hè" để so sánh với những hoạt động mang lại lợi ích cho cộng đồng như những lớp tiếng Anh đã nói trên, người ta sẽ thấy bản chất của việc tự do tôn giáo, sự phân biệt đối xử với tôn giáo hiện nay ra sao.
Và tự do tôn giáo vẫn là một vấn nạn của người dân Việt Nam.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 29/06/2024
Hơn 10 năm qua, khi các "Học Kỳ Quân Đội" đã trở nên nhàm chán, giới trẻ Việt Nam được khuyến khích món ăn mới là "Khóa Tu Mùa Hè" được tổ chức khắp nơi trên cả nước. Với danh nghĩa là chương trình rèn luyện kỹ năng sống, tích hợp với những mỹ từ có cánh về phước báo, tiêu trừ nghiệp quả, tích lũy công đức cho tương lai không chỉ đời này mà còn cả đời sau, tỏ ra có sức hút với tuổi mới lớn.
Những ngôi chùa to, phật lớn phước nhiều, giỏi phù phép truyền thông với nhưng xú danh tăng Thích Thỉnh Vong, Thích Chuyển Khoản, Thích Chân Dài… quy tụ hàng ngàn thanh thiếu niên trong mỗi khóa tu. Thật vi diệu, nhà nước mở toang cửa cho Phật Giáo Quốc Doanh tha hồ múa gậy vườn hoang, tha hồ tổ chức các khóa tu mà không có quy định nào giám sát, kiểm tra về phẩm chất, hệ quả của các khóa tu này.
Theo Thông bạch số 95/TB-HĐTS sĩ vào ngày 30/3/2024 về việc tổ chức khóa tu mùa hè cho thanh thiếu niên Phật tử trong dịp hè năm 2024 của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự, thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, ấn ký:
"Các chùa, cơ sở tự viện của Giáo hội và các địa điểm phù hợp có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất đảm đảm cho sinh hoạt đông người (khóa sinh nam và nữ riêng biệt), an toàn về sinh hoạt ăn nghỉ, tắm giặt, vệ sinh, bảo đảm sức khỏe cho khóa sinh ; bảo đảm an toàn về cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường và các quy định chung về an ninh trật tự theo quy định" (1).
Thông bạch này cho thấy điều kiện mở khóa tu quá dễ dãi, hầu như bất kỳ chùa nào cũng có thể tổ chức được. Thực tế qua mạng xã hội cho thấy thông tin giới thiệu, mời gọi tham dự Khóa Tu Mùa Hè đã nở rộ khắp nơi từ quê tới tỉnh, thành.
Nội dung khóa tu vừa thuyết giảng, thực hành về tâm linh, vừa hướng dẫn kỹ năng sống, tổ chức đời sống sinh hoạt tập thể cho hàng ngành thanh thiếu niên nhưng chỉ thấy quy định điều kiện về cơ sở vật chất mà không có điều nào nói về con người, phương pháp, chương trình giảng dạy. Việc dạy học phổ thông đã khó, cần có kiến thức khoa học, kỹ năng sư phạm, phải qua đào tạo chính quy. Việc dạy tâm linh, dạy sống lại càng khó. Các thầy tu không thể đương nhiên có năng lực và phẩm hạnh, chuyên môn để hướng dẫn cho trẻ em.
Theo Hiến chương Giáo hội hiện nay, những thang bậc phẩm hàm chức sắc đại đức, thượng tọa, hòa thượng, được xem xét chủ yếu là ở tuổi đời, số hạ lạp, còn việc trì giới, thông hiểu Phật pháp khó có thể đong đếm được.
Ai, tiêu chuẩn nào được tham gia giảng dạy ở các khóa tu mùa hè ? Chưa thấy quy định rõ ràng nào nhưng có thực tế đáng kinh hoàng là bà Phạm Thị Yến, nhân vật nổi tiếng trong scandal áp vong năm 2019 ở chùa Ba Vàng, không tu sĩ cũng không giáo sư, lẽ ra phải được khởi tố về tội hành nghề mê tín dị đoan ; năm 2024 này vẫn nghiễm nhiên là Phó Trưởng ban Tổ chức, Trưởng ban Điều hành Khóa tu mùa hè của chùa Ba Vàng nơi chỉ trong đợt một đã có 6000 học viên tham dự (2).
Dù việc truyền bá, rù quến việc áp vong móc túi, bóp cổ con nhang mê tín đã bị giáo hội xử phạt từ năm 2019, nhưng đến nay, trên website phamthiyen.com vẫn còn nguyên mục Oan Gia Trái Chủ với những bài giảng giải nghiệp sặc mùi mê tín của chính y thị (3).
Với một Trưởng ban như vậy, mà trình diễn vong nhập trước mặt hàng ngàn học viên của khóa tu là "chuyện bình thường ở huyện". Huống hồ chi sư phụ Ba Vàng còn có thêm chiêu mới thỉnh linh thai nhi, giúp phụ nữ tha hồ phá thai mà không mắc tội.
Chính vì vậy, ngay các "lò" nổi tiếng nhất, lượng học viên tham gia đông đảo nhất, càng xảy ra nhiều tai tiếng nhất. Thiền Tôn Phật Quang có chùa to rộng, sức chứa hàng ngàn tu sinh, đang nổi lên vị thượng tọa, cử nhân tại chức, lên Tiến sĩ thần tốc chỉ hai năm, là giảng sư nổi tiếng và đầy tai tiếng về luật thuyết nhân quả thật hàm hồ, mang đầy tính đe dọa.
Vì sao nhà nước Việt Nam lại rộng cửa cho những ma tăng, sàm tăng, yêu nữ tha hồ đầu độc thanh niên qua các khóa tu mùa hè như vậy ?
Trong chế độ công sản, Đảng chưa bao giờ nới lỏng tay trong quản lý con người. Quyền lực cứng là công an, quyền lực mềm là các đoàn thể, quan trọng nhất là thanh niên được mệnh danh là cánh tay đắc lực của đảng. Hiến pháp nào cũng khẳng định quyền lập Hội, quyền biểu tình nhưng gần 80 năm qua, quyền ấy mãi ngủ ngon trong Hiến pháp. Những Hội đoàn thiết yếu của xã hội dân sự nếu không chấp nhận là tổ chức ngoại vi của đảng thì không bao giờ có thể tồn tại.
Các bạn khóa sinh trang nghiêm nói lời cảm ơn trước bữa ăn
Hướng đạo Việt Nam, tổ chức rèn luyện thanh niên hiệu quả nhất, tiên tiến nhất, có vai trò quan trọng trong lịch sử với những huynh trưởng lẫy lừng Hoàng Đạo Thúy, Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Kha Vạn Cân… Có thể nói cách nào đó là tiền thân của các tổ chức Thanh Niên Tiền Phong ở Miền Nam, Thanh Niên Tiền Tuyến ở Miền Trung. Tiếc thay, kể từ khi được ông Hồ nhận làm Chủ tịch danh dự, Hướng Đạo Việt Nam bị khai tử ở Miền Bắc ; và sau 1975, bị khai tử ở Miền Nam.
Lý do duy nhất mà nó phải chết : Hướng Đạo là phong trào, là tổ chức phi chính phủ, không chấp nhận sự lãnh đạo của đảng.
Sự nghi kỵ, độc đoán của đảng, nhà nước cộng sản không tha thứ cho bất cứ một tổ chức, cá nhân nào thoát ra ngoài quỹ đạo, vòng tay của tập thể chóp bu, cho dù đó là những đại công thần của chế độ như các ông Nguyễn Hộ, Nguyễn Văn Trấn với tổ chức Câu Lạc Bộ Người Kháng Chiến cũ, Trần Độ, Nguyên Ngọc với ý hướng tự do sáng tác, Phạm Chí Dũng với Hội Nhà Báo Việt Nam độc lập.
Với tôn giáo, trừ Phật giáo quốc doanh, sự nghi kỵ, độc đoán hà hiếp của chính quyền với các tôn giáo khác không bao giờ lơi lỏng.
Trả lời RFA, ông Nguyễn Thanh Phong, Tổng vụ thanh sinh Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa hảo thuần túy, hôm 21/6/2024 đã khẳng định :
"Tất cả những chùa là bên quốc doanh nắm giữ hết còn những khóa niệm Phật thì những cái cốc, cái am, tịnh thất của những tu sĩ bên đạo Phật giáo Hòa hảo thì người ta làm riêng, một số người, chừng 5, 7 người, 10 người đổ lại, còn đông quá cũng bị cấm thôi.
Tôi là Tổng vụ thanh sinh Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa hảo thuần túy, những khóa học này đúng ra do tôi tổ chức, nhưng không thể tổ chức được vì bị cấm. Nhưng những người có tư lợi, chiếm đoạt tiền bạc thì người ta muốn lợi dụng tư tưởng của những em nhỏ học sinh, sinh viên… như vậy không đúng với đạo lý".
Ông Phong cũng cho biết thêm những quy định của Giáo hội Phật giáo Hòa hảo :
"Nói chung là tôi không thì kiêng ngã về đâu, bên Phật giáo Hòa hảo theo lời của thầy, tất cả là cấm mê tín dị đoan, điều đó là cấm tuyệt đối, chứ không có nhập nhằng, nghe ông này, nghe ông kia, lạy ông này nói này, lạy ông kia nói kia. Dứt khoát tai nghe mắt thấy mới làm được, chứ còn dạng mê tín, ông lên bà xuống, dẫn dắt thế này thế kia là không được… Con người ta có nhiều cách lợi dụng cũng chỉ vì tiền thôi". (4).
Với Giáo hội Phật giáo Hòa hảo thuần túy chưa nói đến việc tổ chức tu học đông người, dài ngày mà ngay cả việc tổ chức kỷ niệm ngày vãng sanh của Đức Thầy, ông Hà Văn Duy Hồ, hội trưởng Phật giáo Hòa hảo tỉnh An Giang cho biết, công an đã phong tỏa khu vực có trụ sở tạm thời của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội tại xã Long Giang, không cho các tín đồ dựng lễ đài và tổ chức lễ kỷ niệm tại đây.
Từ ngày ngày 01/4, chính quyền lập chốt chặn hai đầu không cho ai qua lại khu vực này (5).
Với Công giáo là tôn giáo lớn được cả thế giới công nhận, ngoài thánh lễ Noel vốn đã trở thành lễ hội phổ cập của cả cộng đồng dân tộc, không thể bóp nghẹt, việc các tổ chức Công giáo tổ chức hoạt động tu tập trên 1000 người mà không bị đàn áp, giải tán, sẽ là phép lạ.
Tại sao có sự phân biệt, ưu tiên, tại sao nhà nước dễ dãi chia sẻ đặc quyền giáo dục thanh niên cho các ma tăng, sàm tăng, yêu nữ của Giáo hội quốc doanh dù biết rõ rằng họ đang gieo rắc mê tín, đầu độc thế hệ trẻ để trục lợi?
Tại sao thẳng tay đàn áp các tôn giáo hay những cá nhân thành tâm tu hành khác dù họ không hề chống đối, cũng không có tham vọng chính trị tranh giành quyền lực ?
Không có câu trả lời nào khác hơn những giáo hội, tổ chức tôn giáo khác vẫn trung thành với niềm tin, giáo lý, đấng thiêng liêng của họ. Với cộng sản, không đầu phục đã là chống đối.
Giáo hội quốc doanh, sau từng ấy năm được nhào nặn đã thật sự trở thành một bộ phận trung thành của đảng. Về danh nghĩa, Giáo hội là thành viên Mặt trận Tổ quốc, do Ban Tôn giáo quản lý nhà nước nhưng về thực tế Giáo hội gắn liền với Bộ Công an.
Lộ liễu nhất là vào dịp tết nguyên đán, toàn thể hệ thống giáo hội từ trung ương đến địa phương đều long trọng, nghiêm cẩn đến trụ sở "đảnh lễ" chúc tết ngành công an.
Giáo hội và Công an cùng mục tiêu làm cho dân sợ, cam chịu, đánh mất tự do. Công an dùng quyền lực nhà nước, giáo hội dùng thần quyền. Họ cũng cộng sinh mục tiêu khác là vắt cùng kiệt tiền bạc, của cải người dân, bên lạm quyền cưỡng ép, bên nhỏ nhẹ dụ dỗ cúng dường.
Ngày nào còn nhà nước độc tài, người dân sẽ còn phải chịu đựng thêm họa từ sự hợp lực của bộ đôi này. Dân khí, dân trí, dân sinh sẽ đồng thời cạn kiệt cho đảng trường tồn.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 26/06/2024
Chú thích :
2. https://phamthiyen.com/chao-mung-khoa-tu-mua-he-chua-ba-vang-nam-2024-c5588.html
3. https://camau.gov.vn/wps/portal/trangchitiet/!ut/p/z1/vVRdb-IwEPw1PLp24n…
Chùa Ba Vàng dừng khóa tu mùa hè 2024 sau clip "vong nhập" gây xôn xao dư luận
RFA, 21/06/2024
Chùa Ba Vàng ra thông báo trên website chính thức tạm hoãn tổ chức các khóa tu mùa hè 2024 mà phụ huynh và khóa sinh đã đăng ký, cho đến khi có thông báo mới.
Hơn 6.000 trẻ em độ tuổi 13-15 đã tham gia khóa tu mùa hè đợt 1 ở chùa Ba Vàng. VNN/Chùa Ba Vàng
Đại diện chùa Ba Vàng ở thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh được truyền thông Nhà nước hôm 21/6 dẫn lời cho biết lý do tạm hoãn khóa tu mùa hè vì nhà chùa bận một số phật sự quan trọng trong mùa an cư kiết hạ.
Khóa tu mùa hè đợt 1 tại chùa Ba Vàng đã kết thúc vào ngày 19/6 với số lượng khóa sinh tham gia trên sáu ngàn người kéo dài trong bảy ngày từ ngày 13/6.
Khóa tu đợt 1 đã được Chính quyền thành phố Uông Bí chấp thuận sau hai đợt kiểm tra cơ sở vật chất cũng như các quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, cháy nổ, môi trường và an ninh trật tự tại ngôi chùa này. Ngoài ra, sau hai lần kiểm tra và có ý kiến, ngày 12/6, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cũng ra văn bản số 63 chấp thuận cho chùa Ba Vàng tổ chức ba khóa tu với các chủ đề, nội dung, thời gian dự kiến, địa điểm, số lượng và độ tuổi khóa sinh tham dự như kế hoạch chùa Ba Vàng đã gửi trước đó.
Tuy vậy, mới đây trên một số trang mạng xã hội đăng tải clip được cho là trong khóa tu mùa hè tại chùa Ba Vàng có xuất hiện cô gái với những biểu hiện như co giật, choáng váng không kiểm soát được cơ thể do "vong nhập" khi trụ trì chùa Ba Vàng là Thích Trúc Thái Minh đang giảng về đạo Phật.
Nhà chùa giải thích về sự việc trên rằng do nghiệp từ kiếp trước. Video này được nhiều người chia sẻ và bình luận không đồng tình với cách giải thích của nhà chùa, gây hoang mang lo lắng.
Qua sự việc trên, Chính quyền Thành phố Uông Bí trong ngày 18/6 đã có buổi làm việc với Trụ trì chùa Ba Vàng Thích Trúc Thái Minh. Tại đây, Trụ trì chùa Ba Vàng khẳng định đoạn clip trên không phải là clip của khóa tu mùa hè (khóa 1) năm 2024 và chùa Ba Vàng không đăng tải clip trên như các bài viết của mạng xã hội.
Các phòng chức năng của Thành phố Uông Bí, tiếp tục đề nghị Trụ trì chùa Ba Vàng báo cáo về các nội dung liên quan sau khi kết thúc khóa tu thứ nhất, gửi về UBND thành phố và Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Uông Bí cùng các clip ghi lại các nội dung đã thuyết giảng tại khóa tu mùa hè (khóa 1) năm 2024.
Đồng thời, đề nghị chùa Ba Vàng tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung theo Thông bạch số 95 của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
UBND Thành phố Uông Bí cũng chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn, đặc biệt trong thời gian chùa Ba Vàng tổ chức các khóa tu mùa hè năm 2024.
Nguồn : RFA, 21/06/2024
*****************************
RFA, 21/0/2024
Mạng xã hội nhiều ngày qua lan truyền các video clip được cho là ghi lại từ ‘khóa tu mùa hè’ ở Chùa Ba Vàng thuộc huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Trong clip xuất hiện hình ảnh một cô gái bị 'vong nhập' với chú thích "do nghiệp từ kiếp trước".
Courtesy Chùa Ba Vàng
Mặc dù Trụ trì chùa Ba Vàng sau đó lên tiếng khẳng định clip trên không phải từ khóa tu mùa hè đợt 1 tại chùa nhưng nhiều bình luận từ các phụ huynh thể hiện sự lo lắng cho con em họ khi tham gia khóa tu có thể bị tiêm nhiễm mê tín dị đoan.
Một phụ huynh ở Việt Nam, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 21/6/2024 cho RFA biết ý kiến :
"Lẽ ra, trong thời gian nghỉ học vào mùa hè, thì phụ huynh nên cho con em mình vui chơi, giải trí bằng những hoạt động lành mạnh, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến kỹ năng sống như làm việc theo nhóm, bơi lội, leo núi, cắm trại... Song, thay vì hướng các em vào các hoạt động lành mạnh nói trên thì phụ huynh lại cho các em vào các ‘khóa tu mùa hè’ ! Nơi đây là cơ sở tôn giáo, nhưng ‘khóa tu mùa hè’ lại thu tiền học viên như những cơ sở giáo dục, là không đúng bản chất của một nơi mà mọi người tìm đến để nghe thuyết giảng về giáo lý của nhà Phật. Đằng này họ chỉ tuyên truyền nhảm nhí về những điều mê tín dị đoan, thần thánh hóa vào những điều không hề có trong một xã hội bùng nổ về thông tin, khoa học - kỹ thuật phát triển !".
Theo vị phụ huynh này, các em nhỏ có thể bị ảnh hưởng rất nhiều khi tham gia các ‘khóa tu mùa hè’ này. Ông lý giải tiếp :
"Các em là những thiếu niên, đầu óc chưa được phát triển toàn diện nên những điều mê tín dị đoan rất dễ tiêm nhiễm vào đầu các em, sau này lớn lên sẽ ảnh hưởng rất nguy hại khi ra làm việc, tham gia vào đời sống xã hội ! Nếu tôi là cha mẹ các cháu đó thì tôi sẽ không bao giờ đưa các cháu vào đây để tham dự ‘khóa tu mùa hè’ mà sẽ hướng các cháu vào những hoạt động lành mạnh, giáo dục ‘kỹ năng sống’ cho các cháu !".
Báo Lao Động hôm 20/6/2024 có bài dẫn lời các phụ huynh gửi con đến học tại các khóa tu mùa hè ở các cơ sở tôn giáo, tựu chung cho rằng, họ muốn con đến khóa tu mùa hè để học cái hay, cái đẹp, nhưng nếu bị tiêm nhiễm mê tín dị đoan thì phản tác dụng, nguy hiểm.
Liên quan đến clip về cô gái bị cho là "vong nhập", hôm 19/6, Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh tại cuộc họp báo thường kỳ của tỉnh Quảng Ninh xác nhận clip trên đúng là của chùa Ba Vàng nhưng từ năm trước, không phải tại "khóa tu mùa hè đợt 1" vừa kết thúc vào ngày 19/6.
Một Thượng tọa - Trụ trì một ngôi chùa tại Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn, khi trao đổi với RFA hôm 21/6/2024, giải thích :
"Chuyện mấy anh em khóa học mùa hè đã có từ lâu, từ lúc Chùa Hoằng Pháp, có thầy Chân Tính cũng có rồi. Nhưng mục đích của họ bây giờ mình không rõ, mình cũng không dám nói, đào tạo như thế nào, tốt thì xã hội tốt, xấu thì xã hội xấu".
Khóa tu mùa hè ở Chùa Ba Vàng thuộc huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Courtesy Chùa Ba Vàng.
Liên quan thông tin chùa Ba Vàng thu phí để tổ chức các ‘khóa tu mùa hè’, Thượng tọa này nói :
"Chuyện thu phí thì thầy chưa thấy, chỉ nghe thôi nên không xác nhận được, không nói được. Phải thấy phải nghe, chứ không thể vu oan là trái lương tâm người tu. Theo thầy chuyện thu phí là không nên, phát nguyện như thế thì nên chỉnh trang văn hóa bản sắc tâm linh. Nói chung là Phật giáo hay các đạo khác cũng vậy, tập hợp các em lại để truyền bá tư tưởng tốt đẹp đời, chứ không dính tiền bạc vào, vì tiền bạc làm mệt và rắc rối lắm, họ lợi dụng khóa tu mùa hè để thu tiền. Ví dụ như chùa Ba vàng, bắt hồn, cầu bóng, cầu vong... rồi đòi tiền, như vậy là không được".
Theo Thượng tọa, như vậy là mê tính dị đoan, đạo Phật không cho phép tam bảo làm điều đó. Ông giải thích thêm :
"Làm điều đó phát xuất từ phát nguyện, phát tâm... Ví dụ tín đồ đến thì người ta phát tâm cúng dường, ví dụ khóa tu mùa hè họ ở lại 5-10-15 ngày thì phải ăn uống, người ta giác ngộ biết được chùa chiền đâu có ngân khoản, tài khoản nào... thì mình phát tâm cúng dường ví dụ năm bảy chục, một trăm ngàn gì đó để ăn trong mười mấy ngày mình tu. Mình mượn phương tiện đó để trợ giúp cho vấn đề niệm Phật thì mang kết quả thành tựu thì được, chứ còn không có định giá và thu tiền, nó khó coi lắm".
RFA hôm 21/6 liên lạc Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh qua số điện thoại trên website, nhưng không ai bắt máy. Tuy vậy, trong trả lời báo Lao động hôm 20/6 liên quan video clip khóa tu được cho là của chùa Ba Vàng, ông Nguyễn Đăng Kiên - Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh xác nhận, video clip được quay từ năm 2019 và sư trụ trì chùa Ba Vàng Thích Trúc Thái Minh đã bị xử lý theo quy định.
Ông Nguyễn Đăng Kiên cũng cho biết, qua sự việc trên, Ban Tôn giáo tỉnh cũng cần phải có kiến nghị với Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ ban hành quy chế riêng về việc quản lý đối với các khóa tu mùa hè trong toàn quốc để phù hợp với các quy định của pháp luật.
Nói về khóa tu tại các cơ sở tôn giáo, ông Nguyễn Thanh Phong - Tổng vụ thanh sinh Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa hảo thuần túy, hôm 21/6/2024 cho RFA biết ý kiến :
"Tất cả những chùa là bên quốc doanh nắm giữ hết còn những khóa niệm Phật thì những cái cốc, cái am, tịnh thất của những tu sĩ bên đạo Phật giáo Hòa hảo thì người ta làm riêng, một số người, chừng 5, 7 người, 10 người đổ lại, còn đông quá cũng bị cấm thôi.
Tôi là Tổng vụ thanh sinh Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa hảo thuần túy, những khóa học này đúng ra do tôi tổ chức, nhưng không thể tổ chức được vì bị cấm. Nhưng những người có tư lợi, chiếm đoạt tiền bạc thì người ta muốn lợi dụng tư tưởng của những em nhỏ học sinh, sinh viên... như vậy không đúng với đạo lý".
Ông Phong cũng cho biết thêm những quy định của Giáo hội Phật giáo Hòa hảo :
"Nói chung là tôi không thì kiêng ngã về đâu, bên Phật giáo Hòa hảo theo lời của thầy tất cả là cấm mê tính dị đoan, điều đó là cấm tuyệt đối, chứ không có nhập nhằng, nghe ông này nghe ông kia, lạy ông này nói này, lạy ông kia nói kia. Dứt khoát tai nghe mắt thấy mới làm được, chứ còn dạng mê tín, ông lên bà xuống, dẫn dắt thế này thế kia là không được... Con người ta có nhiều cách lợi dụng cũng chỉ vì tiền thôi…".
Còn Trụ trì muốn ẩn tên nêu trên thì cho biết, cơ quan chức năng đã quản lý nội dung thuyết giảng từ lâu, chứ không phải có chuyện xảy ra ở chùa Ba Vàng thì giờ mới đề nghị ban hành quy chế :
"Đúng ra là kêu gọi thanh niên lớp trẻ tập hợp lại, được bao nhiêu ngày thì phát tâm vào đó, cũng ăn chay niệm Phật, nhưng học giáo lý họ dạy gì trong đó thì mình không biết. Theo như tôi biết một ông thầy nào của Nhà nước mà muốn thuyết giảng hay thuyết trình một đề tài gì đó đương nhiên phải soạn bài, rồi gửi sang Sở Văn hóa Thông tin duyệt, rồi bước thứ ba mới Thuyết pháp thuyết giảng cho tín đồ Phật tử nghe. Bên cạnh đó khi thuyết giảng cũng được họ chú ý theo dõi, nếu không thuyết giảng đúng theo cái đã đăng ký cũng phải chịu trách nhiệm. Họ kiểm soát theo kiểu xin cho, làm chi được mà tự do giống như ngày xưa các vị Tôn Túc đi thuyết giảng vùng này vùng nọ. Bây giờ sống Xã hội Chủ nghĩa là phải vậy đó".
Nguồn : RFA, 21/06/2024
****************************
'Vong nhập' trong khóa tu mùa hè ở chùa Ba Vàng : Thế hệ trẻ học được gì từ người tu hành ?
BBC, 20/06/2024
Các khóa tu mùa hè được mở ra ở nhiều ngôi chùa trên khắp Việt Nam đang thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh, sinh viên và người trẻ nói chung. Tuy nhiên, chất lượng của các khóa tu này như thế nào đang là sự quan tâm của dư luận.
Bà Phạm Thị Yến, chủ nhiệm câu lạc bộ Cúc Vàng, chùa Ba Vàng và trụ trì Thích Trúc Thái Minh cùng có liên quan đến những vụ bê bối trong thời gian gần đây. Trên trang web của chùa Ba Vàng, bà Yến cho biết đã nhận ông Thích Trúc Thái Minh là sư phụ.
Mới đây, chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh của sư Trụ trì Thích Trúc Thái Minh lại trở thành tâm điểm dư luận khi một video có cảnh "vong nhập" trong một khóa tu mùa hè được phát tán trên mạng xã hội.
Trong video này, một thiếu nữ có những dấu hiệu như bị co giật liên hồi trước rất nhiều thanh thiếu niên khác.
Video còn có cảnh Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng, nói :
"Thầy dạy con đấy, trong 14 kiếp trước, con cùng vong linh khởi những tâm bất thiện, với Phật, Pháp, Tăng và muốn cướp đất chùa rồi muốn chọc ghẹo chư tăng làm cho ba vị tăng hoàn tục... cho nên con bị mắc quả báo nhiều kiếp đau khổ, làm gái lầu xanh, đọa lạc và... nếu hôm nay con không về chùa tu khóa tu này, không sám hối thì sau này con vất vả vô cùng trong đường tình duyên, phải lấy những người chồng vũ phu và phải lấy nhiều đời chồng nhá, gian khổ vô cùng".
Đứng cạnh thiếu nữ bị cho là "vong nhập", bà Phạm Thị Yến, chủ nhiệm Câu lạc bộ Cúc Vàng chùa Ba Vàng, kêu gọi các khóa sinh :
"Chúng con xin phát nguyện từ nay trở đi, cho đến đời đời kiếp kiếp về sau, chúng con sẽ hộ trì cho chư tăng, để cho chư tăng tu hành bằng cách vâng theo lời dạy của sư phụ và chư tăng trong những ngày còn lại của khóa tu".
"Khi nào được về chùa, chúng con sẽ thực hành, theo đúng quy định của chùa. Con xin chư Phật, con xin sư phụ, cùng chư tăng, chứng minh cho chúng con sám hối, chứng minh cho chúng con phát nguyện, nguyện cho chúng con được tiêu trừ các nghiệp báo, không bị quả báo như bạn..., không bị quả báo, đau khổ khi chúng con lấy chồng, con xin trên sư phụ từ bi chú nguyện cho chúng con".
Bà Phạm Thị Yến từng được dư luận biết đến nhiều nhất về sự liên quan đến hoạt động "thỉnh vong giải oan gia trái chủ" gồm gọi vong, nhập hồn, phán số kiếp... tại chùa Ba Vàng vào năm 2019, khiến Đại đức Thích Trúc Thái Minh bị đình chỉ mọi chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam vì "đã làm tổn thương đến thanh danh Giáo hội, Tăng đoàn".
Cảnh trong video gồm thiếu nữ bị cho là "vong nhập" khi tham gia khóa tu mùa hè tại chùa Ba Vàng và trụ trì Thích Trúc Thái Minh thuyết giảng về "nghiệp kiếp trước"
Đại đức Thích Trúc Thái Minh khẳng định đoạn video trên không phải là khóa tu của năm 2024.
Ngày 19/6, trả lời báo chí trong nước, ông Nguyễn Khánh Toàn, Trưởng phòng Nội vụ thành phố Uông Bí, nói rằng qua xác minh thì "đây là video cũ được quay từ những năm 2018-2019".
Theo báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, vào năm 2019, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kỷ luật trụ trì chùa Ba VàngThích Trúc Thái Minh liên quan đến nội dung video này.
Hiện chưa rõ tại sao video này gần đây lại được lan truyền trên mạng xã hội.
Theo báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Đại đức Thích Trúc Thái Minh trong văn bản gửi đến Ủy ban Nhân dân thành phố Uông Bí đã nêu cụ thể câu chuyện như sau :
"Ngày 15/6/2018, tức ngày thứ 6 trong tổng số 7 ngày của khóa tu, khóa sinh L.T.K.L. đột nhiên có hiện tượng bất thường về tâm thần và thể chất (co giật, không làm chủ được ngôn ngữ và hành động).
"Nhà chùa đã giúp khóa sinh trở lại tình trạng bình thường bằng việc ứng dụng giáo lý nhân quả Phật giáo.
"Từ năm 2019, clip nói trên đã được gỡ khỏi các trang truyền thông của nhà chùa".
Thế hệ kế thừa đang bị dẫn dắt lệch lạc ?
Theo trang Facebook của chùa Ba Vàng, khóa tu mùa hè năm 2024 gồm bốn đợt, dành cho những lứa tuổi khác nhau và tất cả khóa sinh đều được miễn toàn bộ chi phí
Video này trước đó đã vấp phải sự chỉ trích kịch liệt từ dư luận.
Giảng viên Nguyễn Thanh Huy từ trường Đại học Khánh Hòa, người chuyên nghiên cứu về ngôn ngữ và Phật học, hôm 20/6 nói với BBC News Tiếng Việt về suy nghĩ của ông liên quan đến clip "vong nhập" vừa qua tại chùa Ba Vàng :
"Qua những gì đã thấy, tôn giáo, thay vì làm chỗ dựa cho tâm hồn, khiến cho đời sống nội tâm thêm phong phú ; thì người ta đã biến cho nó thành một công cụ đáng sợ, có thể cướp đi linh hồn người khác, hoặc có thể biến con người thành những con nghiện như cách Karl Marx đã nói.
"Mà một khi con người đã bị nghiện, tức sẽ mất hết kiểm soát, điều đó còn tồi tệ hơn nhiều lần so với cái khổ bởi tâm tham si sinh khởi".
Ông đặt câu hỏi :
"Như vậy, nếu một thế hệ mầm non, một thế hệ kế thừa, khi họ chưa đủ nhận thức mà đã sớm bị dẫn dắt, điều khiển, thì dân tộc ta, tương lai sẽ đi về đâu ?"
Bình luận về video này, nhà báo Nguyễn Đức bình luận trên Facebook ngày 18/6 như sau :
"Người trong video này được cho là 'nhà sư' trụ trì, ông ta đã gieo vào đầu những đứa trẻ tham gia 'khóa tu' bằng những lời lẽ u mê bậy bạ thế này. Cha mẹ gửi con vào chùa này để nghe những thứ ô uế, ngu xuẩn, thóa mạ sao ? Cơ quan chức năng cần kiểm tra xử lý ngay những ai khoác áo 'nhà sư' để truyền bá mê tín, xằng bậy thế này".
Ông Vũ Quang Minh, Đại sứ Việt Nam tại Đức, chất vấn trên Facebook ngày 18/6 :
"Chả lẽ các bậc phụ huynh và chúng ta tiếp tục cam chịu để thế hệ tương lai của dân tộc được dạy dỗ chăm lo thế này mãi sao ạ ?"
Vào mùa hè mỗi năm, chùa Ba Vàng tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đón hàng ngàn khóa sinh đến tu tập.
Vào đầu tháng Sáu, chùa Ba Vàng gọi các khóa tu mùa hè là "bổ ích, đáp ứng được các tiêu chí về giáo dục".
Theo trang Facebook của chùa Ba Vàng, khóa tu mùa hè năm 2024 gồm bốn đợt, dành cho những lứa tuổi khác nhau và tất cả khóa sinh đều được miễn toàn bộ chi phí.
Trước đó, cũng theo trụ trì Thích Trúc Thái Minh, khóa tu mùa hè đã được tham vấn bởi chuyên gia để đảm bảo một mùa hè "bổ ích và nhiều ý nghĩa".
Câu chuyện của chùa Ba Vàng đặt thêm vấn đề nữa đó là liệu những chương trình khóa tu mùa hè của các ngôi chùa hiện nay ở Việt Nam có đang được giám sát chặt chẽ hay không, cả về nội dung và tài chính.
Khóa tu mùa hè trong những năm qua trở nên rất phổ biến tại Việt Nam dành cho các thanh thiếu niên.
Rất dễ dàng tìm thấy những chương trình tu mùa hè hiện nay tại nhiều ngôi chùa trên khắp Việt Nam, với số lượng khóa sinh (người tham gia) từ vài trăm đến vài ngàn.
Chùa Ba Vàng và liên tiếp những ồn ào
Cuối tháng 12/2023, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã bị kỷ luật vì trực tiếp liên quan việc tổ chức trưng bày vật thể được cho là "xá lợi tóc Đức Phật" có từ cách đây 2.600 năm
Chùa Ba Vàng (còn gọi là Bảo Quang Tự) tọa lạc ở tỉnh Quảng Ninh.
Trong phần tự giới thiệu, chùa Ba Vàng cho biết đây là "trung tâm Phật giáo lớn nhất miền Bắc, Việt Nam".
Các bê bối ở ngôi chùa to lớn này gần đây có thể kể đến vụ trưng bày một vật thể được công bố là "xá lợi tóc Đức Phật" vào tháng 12/2023, "thỉnh vong giải oán" hồi năm 2019.
Có nạn nhân đã phải "trả nợ cho vong do vong yêu cầu" lên đến hàng trăm triệu đồng, theo báo Vietnamnet.
Khi trưng bày "xá lợi tóc Đức Phật", chùa Ba Vàng cho biết xá lợi có từ 2.600 năm trước, được cung thỉnh từ tu viện Parami ở Myanmar, thu hút hàng ngàn người đến xem, có người bật khóc.
Vào cuối tháng 12/2023, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã bị kỷ luật vì trực tiếp liên quan việc tổ chức trưng bày vật thể được cho là "xá lợi tóc Đức Phật" này.
"Đại đức Thích Trúc Thái Minh phải cam kết nếu tiếp tục để xảy ra những sai phạm tương tự làm mất niềm tin của xã hội đối với Phật giáo, ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội thì sẽ bị tẩn xuất, tước quyền trụ trì chùa Ba Vàng", theo nội dung thông báo của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ông Thích Trúc Thái Minh cũng đã bị UBND TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng liên quan đến vật thể được cho là xá lợi tóc Đức Phật.
Về bà Phạm Thị Yến, bà này vẫn tiếp tục thuyết giảng cho đến nay và hiện là chủ nhiệm Câu lạc bộ Cúc Vàng – Tập Tu Lục Hòa của chùa Ba Vàng.
Trụ trì Thích Trúc Thái Minh cũng từng có những câu giảng gây tranh cãi trong dư luận như :
"Phật dạy chúng ta biết bố thí và cúng dường. Mình cúng để giải bệnh, giải nghiệp của mình mà mình lại còn kêu sao ? Phật dạy các Phật tử mất tiền đấy ! Phải mất tiền mới có phúc. Phật dạy bố thí đứng đầu trong lục độ. Chịu khó bố thí đi !"
'Vong linh đi theo báo oán, báo thù rất nhiều, tác động vào chúng ta. Chùa ta có pháp thỉnh oan gia trái chủ để giải những oán kết này. Việc thỉnh giải oan gia trái chủ chỉ có đức của Phật từ bi mới làm được. Chùa chúng ta thỉnh được vong, giải được oán kiếp là do năng lực của đại chúng".
Vấn đề kỷ luật các nhà sư ở Việt Nam nóng lên trong thời gian gần đây. Và trong bối cảnh nhiều ngôi chùa, nhiều nhà sư trong các tu viện lớn có các hoạt động, hành vi và phát ngôn gây tranh cãi, hành trình trên đôi chân trần của nhà sư Thích Minh Tuệ đã kích hoạt những tranh luận sôi nổi về thế nào là chân tu, thế nào là Đạo Phật. Câu chuyện của ông cũng tạo nên những phản ứng từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam do nhà nước quản lý. Một mặt lên tiếng không công nhận ông là "tu sĩ Phật giáo", mặt khác giáo hội này cũng có những động thái chấn chỉnh các thành viên.
Trong diễn biến mới nhất, vào ngày 19/6, Thượng tọa Thích Chân Quang đã bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam phạt không cho thuyết giảng dưới mọi hình thức, không chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại Thiền Tôn Phật Quang và các địa điểm khác trong thời gian hai năm. Trong nhiều năm qua, nhà sư Thích Chân Quang đã gây nhiều tranh cãi khi có các bài giảng và phát ngôn về nhân quả, cúng dường.
Trước đó, vào ngày 6/6, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã ra văn bản cấm sư Đại đức Thích Nhuận Đức thuyết giảng dưới mọi hình thức trong vòng một năm với các khuyết điểm tương tự.
Nguồn : BBC, 20/06/2024
Thanh Niên online, 19/06/2024
Các cơ quan chức năng thành phố Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) vừa làm rõ vụ clip về thiếu nữ bị 'vong nhập' trong quá trình tham gia khóa tu mùa hè tại chùa Ba Vàng, được lan truyền trên mạng xã hội.
Nguồn : Thanh Niên online, 19/06/2024