Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sự kết hợp các tổ chức chính trị Việt Nam tại thời điểm này là một kết hợp của nhu cầu lịch sử

Sự kết hợp các tổ chức chính trị Việt Nam hải ngoại và trong nước tại thời điểm này là một kết hợp của nhu cầu thực tế để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của dân tộc Việt Nam là giải thể chế độ cộng sản và thoát khỏi sự áp chế của Trung Quốc nhằm đem lại cho nhân dân Việt Nam một cuộc sống tự do và hạnh phúc. 

kethop1

Quận Cam, Orange County, tiểu bang California, Hoa Kỳ, là thủ đô của người Việt tỵ nạn cộng sản

1. Xu thế chính trị hiện nay đang ở giai đoạn hoại diệt

Xu thế chính trị hiện nay trong bốn nước cộng sản còn lại đang đi theo chiều hướng lịch sử khách quan có tính biến dịch và đang ở giai đoạn hoại diệt căn cứ vào ba thực trạng :

Một là, chủ nghĩa cộng sản đã và đang ở trong tình trạng khủng hoảng học thuyết vì mục tiêu lý thuyết và sinh hoạt kinh tế, văn hóa, xã hội thực tế mâu thuẫn nhau.

Hai là, xu thế chính trị của bốn nước cộng sản còn lại là Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên, và Việt Nam đều phải đi theo con đường sinh hoạt kinh tế thực tế để sống còn ; đó là kinh tế thị trường. Một khi kinh tế thì đi theo kinh tế thị trường mà tổ chức chính trị vẫn đi theo đường lối độc đảng, chuyên chế, và độc tài thì cũng giống như mầm sống trứng gà lộn kinh tế thị trường sẽ phá vở vỏ trứng xã hội chủ nghĩa để sinh ra con gà con mới.

Ba là, thực trạng xã hội Việt Nam hiện nay đã đi đến chỗ tang thương, rách nát cùng cực mà người dân không thể nào chịu đựng được nữa. Môi trường sinh thái của một quốc gia nông nghiệp và ngư nghiệp bị tàn phá khủng khiếp bởi Trung Quốc, bởi sự điều hành đất nước thiếu khôn ngoan, không tôn trọng quy luật tự nhiên và khoa học, và nhất là bởi lòng tham lam vô đáy của giới lãnh đạo cộng sản qua việc vét sạch, bán cạn tài nguyên thiên nhiên của đất nước. 

Xã hội quá bất công, chênh lệch giàu nghèo không thể tưởng tượng được do diễn trình tái phân phối lợi tức trong quốc gia hết sức vô lý, đã tạo nên một xã hội xuống cấp đạo đức, xuống cấp giá trị, thiếu văn hóa, ích kỷ, nhỏ nhen, mạnh được yếu thua như xã hội của loài lang sói. Sự tha hóa xã hội do tình trạng dân oan quá đau khổ, tệ nạn xã hội quá lan tràn, và làm cho người dân đành phải nhắm mắt đưa chân trong vô vọng về tương lai, nhất là các cô gái trẻ phải bán mình vì sinh kế cho gia đình khi đi lấy chồng ở một đất nước xa lạ và người chồng quá lớn tuổi hay tật nguyền mà mình chưa biết mặt. Tất cả đau thương đó của người dân diễn ra trước mắt một chính quyền bất lực đã đẩy đưa người dân vào vòng cùng quẩn không lối thoát và làm cho đất nước ngày càng kiệt quệ.

Tình trạng kinh tế, văn hóa, xã hội suy đồi như thế làm phát sinh sự cạnh tranh quyền lực chính trị một cách hết sức dã man ; giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam không gớm tay khi tàn sát nhau, đầu độc nhau, gài bẫy nhau, và tiêu diệt nhau. Cuộc chiến giữa Trần Đại Quang, Đinh Thế Huynh, và Trần Quốc Vượng đang diễn ra để giành nhau vị trí kế thừa Nguyễn Phú Trọng là một cuộc chiến hết sức gay gắt. Nguyễn Phú Trọng nắm được viên tướng chưa từng cầm quân và không có kinh nghiệm trận mạc là Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch, nhưng Trần Đại Quang lại có đồng minh thân thiết là hai viên tướng có quân, Tổng tham mưu trưởng Phan Văn Giang và Bộ trưởng nội vụ Tô Lâm. 

Nguyễn Phú Trọng và Trần Quốc Vượng hoàn toàn dựa vào Trung Quốc và dựa vào cơ chế tổ chức Đảng cộng sản Việt Nam để duy trì quyền lực nhưng cả hai ủy viên Bộ chính trị này lại không được đa số đảng viên ủng hộ. Đinh Thế Huynh bày tỏ sự tách xa Nguyễn Phú Trọng ở lập trường không mấy thân thiện với Trung Quốc. Với bối cảnh đó, Trần Đại Quang và Đinh Thế Huynh có thể thỏa hiệp với nhau nhưng không phải thỏa hiệp để duy trì nguyên trạng với cơ cấu cũ như là Đinh Thế Huynh giữ vai trò Tổng bí thư và Trần Đại Quang giữ chức vụ Chủ tịch nước mà Trần Đại Quang thực hiện sách lược nhất thể hóa hai chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước, điều ao ước mà Nguyễn Phú Trọng không làm được. Thế thì Đinh Thế Huynh đã thỏa hiệp để giữ vị trí gì ? Vị trí Bí thư thứ nhất kiêm Thường trực Ban bí thư Bộ chính trị và Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, nhân vật thứ hai sau người đứng đầu Đảng dưới danh xưng Tổng bí thư đảng hay Chủ tịch đảng. 

Theo quy ước thông lệ của Đảng cộng sản Việt Nam thì chức vụ Thủ tướng phải trải qua một thời gian dài học việc ở vị trí Phó thủ tướng thường trực hay Phó thủ tướng thứ nhất, và vị trí Thủ tướng ở hàng thứ ba sau Tổng bí thư và Chủ tịch nước trong khi Chủ tịch Quốc Hội ở hàng thứ tư. Vị trí bốn nhân vật đó làm nên cơ chế gọi là "tứ trụ triều đình" của nhà nước cộng sản Việt Nam.

Cả nước Việt Nam có ba thành phố lớn là Sài Gòn, Hà Nội và Đà Nẵng nhưng trung tâm cạnh tranh quyền lực lại nằm ở Đà Nẵng. Quảng Nam – Đà Nẵng đã nuôi dưỡng một con cọp và một con sói mà người ta tưởng con cọp trên cơ con sói nhưng người ta lại không biết con sói đã hạ con cọp qua cách như là con cọp bị con voi khổng lồ dùng vòi quật ngã vậy. Nguyễn Bá Thanh chết thì Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng đều mừng nhưng thật sự không do Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng giết. Trần Đại Quang khôn ngoan chứ không phổi bò như Nguyễn Bá Thanh ; khi Vũ "nhôm" bị sờ gáy thì Trần Đại Quang biết ngay anh chàng "lù khù vác lu mà chạy" này chủ mưu.

Nhân vật Thời "Đồ Bành" gắn liền với nhân vật Nguyễn Xuân Phúc. Khi Thời "Đồ Bành" trở nên đại gia Thân Đức Nam thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Nguyễn Xuân Phúc trở thành Thủ tướng chính Phủ. Do vậy Trần Đại Quang không dám để con sói ở gần mình. Trần Đại Quang quyết giành lại ảnh hưởng tại Đà Nẵng và Cam Ranh từ Nguyễn Xuân Phúc núp sau lưng Nguyễn Phú Trọng … 

Thế nhưng liên hiệp Trần Đại Quang – Đinh Thế Huynh sẽ sắp xếp ai thay thế Nguyễn Xuân Phúc ? Trong năm Phó thủ tướng đương nhiệm thì trước hết ba Phó thủ tướng sau không phải là nhân tuyển thích hợp vì họ đều sinh trưởng tại Miền Bắc gồm Phạm Bình Minh, Nam Định ; Vũ Đức Đam, Hải Dương, và Trương Đình Dũng, Vĩnh Phúc. Vì sao ? Vì lãnh đạo Đảng và Nhà Nước đều là hai nhân vật sinh trưởng ở Miền Bắc rồi, Trần Đại Quang, Ninh Bình ; Đinh Thế Huynh, Nam Định. Hai Phó thủ tướng còn lại là Vương Đình Huệ và Trương Hòa Bình thì ai sẽ thích hợp với vị trí thủ tướng hơn ?

Trương Hòa Bình, 61 tuổi, quê quán ở Long An, Thạc sĩ Luật, ủy viên Bộ chính trị, nguyên là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, quá trình làm việc nghiêng về chuyên môn ngành an ninh và tư pháp chứ không có nhiều kinh nghiệm về sinh hoạt kinh tế, tài chánh và quản trị hành chánh nói chung.

Vương Đình Huệ, 60 tuổi, sinh trưởng tại Nghệ An, Tiến sĩ kinh tế, Giáo sư Đại học, ủy viên Bộ chính trị, nguyên là Bộ trưởng tài chánh, Trưởng ban kinh tế trung ương. Theo lẽ thường thì Vương Đình Huệ có thể thích hợp cho vị trí Thủ tướng nhưng Nghệ An tuy thuộc Miền Trung mà nhìn dưới khía canh phân bố quân bình nhân sự vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam thì Nghệ An vẫn thuộc Miền Bắc, tức là thuộc lãnh thổ của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Do vậy Trương Hòa Bình của Long An mới là một nhân vật làm thăng bằng cán cân địa dư vì Long An thuộc Miền Nam, tức là thuộc lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa.

2. Bối cảnh xã hội, văn hóa, kinh tế, và chính trị tan nát

Bối cảnh xã hội, văn hóa, kinh tế, và chính trị tan nát như thế của thể chế cộng sản Việt Nam đòi hỏi toàn dân trong và ngoài nước phải đoàn kết một lòng tranh đấu giải thể chế độ cộng sản. Nhưng tranh đấu phải có lãnh đạo để điều hướng mọi hoạt động đấu tranh nhằm thống nhất hành động nhắm đến một mục đích chung. Thực trạng sinh hoạt chính trị của Việt Nam sau hơn 80 năm bị Thực dân Pháp đô hộ rồi tiếp theo là 30 năm với cuộc chiến tranh Quốc/Cộng thì lòng dân phân tán, các tổ chức xã hội, đảng phái chính trị cũng bị phân hóa nghiệt ngả. Do vậy, để kết hợp mọi người chung sức chung lòng cùng làm việc với nhau thì trước hết mỗi chính đảng phải kết hợp tái thống nhất dưới một Ủy ban lãnh đạo rồi các chính đảng thống nhất đó cùng với các tổ chức chính trị xã hội khác lại một lần nữa cùng phối hợp hành động trong một Mặt Trận Quốc Dân Việt Nam để vận động quần chúng tham gia hoạt động trong Mặt Trận đó.

3. Mặt Trận Quốc Dân Việt Nam phải được tổ chức hợp lý

Để kiện toàn khả năng kết hợp toàn dân trong và ngoài nước nhằm hoàn thành sứ mệnh lịch sử của dân tộc Việt là tranh đấu giải thể chế độ cộng sản, thâu hồi nền độc lập dân tộc, thoát khỏi sự áp chế của Trung Quốc nhằm đem lại cho nhân dân Việt Nam một cuộc sống tự do và hạnh phúc thì Mặt Trận Quốc Dân Việt Nam phải được tổ chức hợp lý với một cơ cấu linh động và thích ứng với hoạt động đấu tranh chính trị, đồng thời cũng tránh sự va chạm giữa các bộ phận với nhau trong quá trình sinh hoạt. Cơ cấu đó nên được quy định rõ ràng trong Bản Nội Quy Sinh Hoạt.

Tóm lại, thời cơ lịch sử đã và đang đến. Các sinh hoạt chính trị theo chiều hướng hợp nhất đã ló dạng, hình thành và phát triển. Ba hệ phái chính và các hệ phái phụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng đã kết hợp lại thống nhất dưới sự lãnh đạo chung của một Hội Đồng Lãnh Đạo từ tháng 4 năm 2016. Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội và Hải Ngoại Việt Nam cũng được thành lập trong tháng 4 năm 2016 gồm Đại Diện các Tôn Giáo lớn của người Việt kết hợp với Hội Ái Hữu Cựu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam. Sau đó hơn một năm, Liên Hiệp Hội Đồng Quốc Dân Việt Nam đã được vận động thành lập cuối tháng 12 năm 2017. Cả ba kết hợp này đều diễn ra tại thủ đô tỵ nạn cộng sản là Quận Cam, Orange County, tiểu bang California, Hoa Kỳ.

Và nhiều tổ chức đoàn thể khác cũng đã và đang trên đường tái kết hợp sau một thời gian dài phân hóa. Điều đó nói lên sự sẳn sàng nhập cuộc nhận lãnh trách nhiệm lịch sử của mọi bộ phận trong đại gia đình dân tộc Việt. 

Nước ngàn suối, trăm sông đều hội tụ về biển, và nước biển chỉ có một vị, đó là vị mặn. Cũng vậy, khi nhu yếu lịch sử đòi hỏi thì chín mươi hai triệu người dân Việt như một đều nói lên một tiếng nói, đó là tiếng nói quyết tâm thực hiện cho bằng được dân tộc độc lập, dân quyền tự do, và dân sinh ấm no hạnh phúc.

Trần Nguyên Liêm

Nguồn : CaliToday, 17/02/2018

Published in Việt Nam