Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thông qua Báo cáo sơ bộ về kết quả rà soát UPR của Việt Nam (RFA, 28/01/2019)

Nhóm Làm việc về Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã đồng thuận thông qua Báo cáo về kết quả rà soát UPR của Việt Nam, tại một phiên họp tại trụ sở của Liên Hợp Quốc tại Geneva vào ngày 25 tháng 1 năm 2019.

upr1

Ảnh minh họa : Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại trụ sở của Liên Hợp Quốc ở Geneva vào ngày 5 tháng 11 năm 2018. AFP

Mạng báo VietnamNet, phiên bản Tiếng Anh, vào ngày 27 tháng 1 loan tin vừa nêu. Theo đó báo cáo của Nhóm Làm việc ghi nhận 291 khuyến nghị do 122 nước đưa ra, đề cập đến nhiều lĩnh vực như xây dựng Nhà nước pháp quyền, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiếp tục thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản, tăng cường hợp tác với các cơ chế về quyền con người của Liên Hợp Quốc.

Các nước cũng kêu gọi Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong bảo đảm quyền của các nhóm yếu thế, xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội và tạo việc làm.

Phát biểu tại Phiên UPR đối với Việt Nam vào ngày 22 tháng 1 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, được dẫn lời đánh giá cao tinh thần hợp tác, xây dựng của các quốc gia, khi nêu lên nhiều đánh giá tích cực trong việc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam.

Ông Trung đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ nghiên cứu các khuyến nghị để quyết định việc chấp thuận hoặc ghi nhận đối với các khuyến nghị nhận được, phù hợp với quy định, thủ tục và thực tiễn của Hội đồng Nhân quyền, để bảo đảm việc thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các khuyến nghị này trong tương lai.

Báo cáo về kết quả rà soát UPR của Việt Nam sẽ được xem xét phê duyệt chính thức tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 41 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc dự kiến vào tháng 6/2019.

Phiên họp thứ 32 của Nhóm làm việc về UPR chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc diễn ra từ 21/01 đến 01/02/2019 đã rà soát tình hình bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại 14 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, trong đó có Việt Nam. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung dẫn đầu.

****************

Việt Nam đứng thứ 20/50 nước đàn áp Thiên Chúa giáo (RFA, 28/01/2019)

Việt Nam đứng thứ 20 trong danh sách 50 quốc gia nguy hiểm nhất cho những người theo Thiên Chúa giáo.

upr2

Thống kê của tổ chức Open Doors USA. RFA edit

Đây là nội dung trong thống kê của tổ chức Open Doors USA, một tổ chức phi lợi nhuận, đồng thời cũng là cộng đồng Kitô hữu hỗ trợ các tín đồ bị đàn áp tại hơn 60 quốc gia.

Theo thống kê, Việt Nam với hơn 96 triệu dân, trong đó có 8,5 triệu người theo Thiên Chúa giáo và mức độ bị đàn áp rất cao.

Báo cáo của Open Doors đưa ra các thống kê phần trăm về bạo lực và truy bức đối với cộng đồng Thiên Chúa giáo ở Việt Nam. Theo thống kê này phần trăm bạo lực nhắm vào cộng đồng này là 54%, trong khi áp lực nhắm vào cuộc sống trong nhóm đạo là 85%.

Vẫn theo Open Doors, các dân tộc thiểu số ở Việt Nam phải chịu đựng cả những cuộc đàn áp từ phía nhà nước và cả bộ tộc. Các cuộc họp Kitô giáo thường bị phá rối, các Kitô hữu hay bị đánh đập và trục xuất khỏi làng.

Về phía chính phủ, so với trước đây, các cộng đồng Kitô giáo đã có nhiều tự do hơn nhưng nếu có liên quan đến hoạt động chính trị thì sẽ bị chính quyền nhắm đến.

Open Doors cho rằng chính phủ Cộng sản giám sát hoạt động của các nhóm theo Thiên Chúa. Ở các vùng nông thôn ở miền trung và nam Việt Nam, những người theo đạo Tin Lành bị truy bức với mức độ mạnh.

*****************

Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội từ chức (RFA, 28/01/2019)

Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Hà Nội Lorenso Chu Văn Minh vừa có đơn từ chức gửi Tòa thánh Vatican.

upr3

Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Hà Nội Lorenso Chu Văn Minh - Courtesy of vanhoaconggiao.com

Thông báo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết vào ngày 26/1. Tuy nhiên thông báo không cho biết nguyên nhân vì sao Giám mục Lorenso Chu Văn Minh từ chức.

Theo thông tin từ Tòa Thánh, Giám mục Lorenso Chu Văn Minh năm nay 76 tuổi, trở thành Linh mục vào ngày 10/6/1994 khi đã 51 tuổi.

Đến năm 2000, Giám mục Chu Văn Minh tốt nghiệp Tiến sĩ thần học sau 5 năm du học tại Roma.

Sau đó, ông trở về nước làm giáo sư, Phó giám đốc, rồi đến Gám đốc Đại Chủng viện Hà Nội từ năm 2005.

Đến ngày 15/10/2008, Giám mục Chu Văn Minh được Tòa Thánh bổ nhiệm chức Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội.

Quan hệ giữa Vatican và Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể trong các năm gần đây. Năm 2011, Việt Nam đồng ý để Tòa Thánh bổ nhiệm một vị Đại diện không thường trú tại Việt Nam. Hai bên cũng có một nhóm công tác hỗn hợp thường xuyên nhóm họp để thảo luận các vấn đề về quan hệ giữa hai bên.

Cuộc họp vòng 7 Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam – Tòa thánh Vatican đã diễn ra vào tháng 12/2018. Nội dung cuộc họp không được báo chí Việt Nam đề cập cụ thể nhưng những vấn đề chính được cho là khúc mắc giữa hai bên cho đến lúc này là tranh chấp đất đai và việc tiến cử các giám mục. Hà Nội muốn có tiếng nói trong việc tiến cử các giám mục ở Việt Nam.

Published in Việt Nam