Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Theo dự án luật Phòng thủ dân sự được Bộ trưởng quốc phòng Phan Văn Giang trình bày tại Quốc hội, luật này là bộ phận của phòng thủ đất nước được tiến hành trong thời bình và thời chiến, bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh…

phongve1

Ảnh minh họa chụp tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/8/2021. Reuters

Dự án Luật Phòng vệ dân sự gồm 7 chương với 75 điều, được Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu từ ngày 16/8/2022.

Theo mô tả của truyền thông nhà nước hôm 9/11, Dự án luật Phòng thủ dân sự đã được các đại biểu Quốc hội đánh giá cao quá trình nghiên cứu, xây dựng.

Cựu Trung tá quân đội Vũ Minh Trí nhận định với RFA hôm 9/11 :

"Ở Việt Nam khái niệm phòng thủ dân sự đã được nêu tương đối cụ thể tại Luật Quốc phòng ra cách đây 4-5 năm, sau đó đã được cụ thể hóa bằng một nghị định về phòng thủ dân sự vào năm 2019. Tôi thấy nó tương đối rõ ràng, nhưng việc tổ chức thực hiện còn trùng lắp, tràn lan, không thống nhất… ví dụ như các nội dung phòng thủ dân sự ở cấp trung ương có khá nhiều cơ quan như Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai - tìm kiếm cứu nạn, rồi lại có Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, và Ban chỉ đạo về phòng chống lụt bão trung ương, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19…"

Theo ông Vũ Minh Trí, các ban như vừa nêu chỉ có tính chất sự vụ, không phải là giải pháp lâu dài, vì hiện nay chưa có một cơ quan chịu trách nhiệm chính về phòng thủ dân sự ở cấp trung ương. Ông Trí nói tiếp :

"Ở cấp dưới thì tình trạng manh mún, phân tán lực lượng cũng thể hiện tương đối rõ. Hiện nay về mặt tổ chức cũng như hoạt động phòng thủ dân sự rõ ràng thiếu sự chỉ đạo thống nhất từ trên xuống dưới, thiếu lực lượng chuyên trách. Cho nên nâng từ Nghị định về phòng thủ dân sự năm 2019 lên thành Luật phòng thủ dân sự tôi nghĩ là cần thiết".

Khi một số Đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại Luật Phòng vệ dân sự có thể có sự chồng lấn với các luật hiện hành, thì Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã có sự phân định về phạm vi điều chỉnh, đảm bảo không chồng chéo với các luật hiện hành.

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản cho biết ý kiến của mình hôm 9/11 :

"Ưu tư của nhà cầm quyền Việt Nam là vấn đề người bất đồng chính kiến, lo sợ người dân nổi loạn phản kháng… cho nên họ cần có những quy định để thực hiện việc tăng đàn áp. Ví dụ như đại dịch vừa rồi khi xảy ra có những phản ứng chưa được luật hóa, bây giờ người ta thực hiện việc đó, lấy cái đó để làm cơ sở để đàn áp. Cách của người ta là như vậy, chứ còn phòng thủ dân sự thì những trường hợp thiên tai khẩn cấp đều đã có các pháp lệnh. Người ta không luật hóa những cái đó, ban đầu là pháp lệnh để đến lúc thực thi có thể biến hóa theo cách của người ta muốn. Bây giờ người ta đưa cái này cũng là vì lý do ngăn chặn phản kháng của người dân".

Trong thời gian bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam, quyền của người dân liên tục bị vi phạm trong trong công tác phòng chống dịch. Nhiều nhân viên phòng chống dịch bị người dân tố cáo vi phạm quyền con người bằng các hình thức cưỡng chế thô bạo. Chính những người được cho là thực thi pháp luật lại chà đạp lên luật pháp một cách rõ ràng nhất.

Tổ chức Ân xá Quốc tế vào ngày 13/9/2021 đã ra thông cáo kêu gọi Việt Nam tôn trọng nhân quyền khi dùng quân đội tiếp tục kiểm soát dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ân xá Quốc tế nêu rõ, cơ quan chức năng Việt Nam phải có những biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng về nhân đạo và quyền con người khi mà những biện pháp giãn cách nghiêm ngặt ngày càng gây hại cho người dân.

Cũng có ý kiến trên mạng xã hội bày tỏ lo ngại Luật Phòng vệ dân sự được ban hành nhằm luật hóa những hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19. Liên quan vấn đề này, Cựu Trung tá Quân đội Vũ Minh Trí nói :

"Tôi nghĩ để mà luật hóa các hành vi vi phạm thì không phải là việc đơn giản, rất dễ đụng chạm hệ thống pháp luật chung của thế giới và những công ước Việt Nam đã ký kết với thế giới. Tôi nghĩ người ta không dám làm trắng trợn như vậy. Có thể là họ tạo hành lang pháp lý rõ hơn để mà tiến hành các hoạt động trong những tình trạng khẩn cấp, bất thường. Như khi chống dịch Covid-19 vừa rồi chúng ta đều thấy các cơ quan từ cấp trung ương đến cấp địa phương đã vi phạm pháp luật một cách trầm trọng, vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng".

Theo ông Trí, chỉ thị của Thủ tướng chính phủ không phải là một văn bản quy phạm pháp luật, nó chỉ có giá trị đối với hệ thống cơ quan hành pháp. Thế nhưng chỉ thị 15, 16 đã trở thành một căn cứ để mà xử phạt, để mà ngăn cản quyền tự do đi lại của công dân, ngăn cản quyền bất khả xâm phạm về nơi ở… Ông Trí bày tỏ hy vọng việc ra Luật phòng thủ dân sự sẽ tạo ra được hành lang pháp lý rõ ràng hơn để các hoạt động của các cơ quan lực lượng diễn ra đúng pháp luật và có hiệu quả hơn.

Để tìm hiểu thêm về mặt xây dựng luật, RFA hôm 9/11 liên lạc một Luật gia không muốn nêu tên vì lý do an ninh, và được ông giải thích :

"Ý kiến của tôi là có luật còn hơn không có luật, ví dụ như trong đầu dịch Covid-19 vừa qua thì chỉ thị 15 - 16 đã quá lạm quyền, con người bị cư xử không bằng con thú, bánh mì cũng không được xem là thực phẩm… Tức là người được quyền ra đường để chặn bắt người ta hành xử kiểu nào cũng được, là do không có luật. Những nghị định kia mang tính chất văn bản nội bộ, cấp trên chỉ thị cấp dưới, chứ không phải áp dụng cho toàn dân. Nó mang tính chất lạm quyền do không có luật, nếu mà có dự luật phòng vệ dân sự thì tôi nghĩ có luật còn hơn không".

Dù vậy theo Luật gia này, luật phòng vệ dân sự nếu được ban hành sẽ được sửa đổi theo thời gian theo diễn biến xã hội, chứ không phải vĩnh viễn.

Trong giai đoạn khắc nghiệt của dịch Covid-19, công an Việt Nam đã tiến hành phạt và bắt giữ những người lên tiếng trên mạng xã hội chỉ trích các biện pháp chống dịch của cơ quan chức năng ; cũng như xử lý hình sự không thỏa đáng các đối tượng bị cho làm lây lan dịch bệnh. Tổ chức Ân Xá Quốc Tế cho rằng, thay vì chỉ dựa vào những biện pháp trừng phạt và cưỡng bức với lý do ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh, cơ quan chức năng Việt Nam cần áp dụng những biện pháp ứng phó phát xuất từ tôn trọng các quyền của con người.

Nguồn : RFA, 09/11/2022

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam