Pháp : Báo Le Monde nói về cố chủ tịch Trần Đại Quang (RFI, 25/09/2018)
Báo Le Monde có bài nhận định về cố chủ tịch Việt Nam vừa qua đời, với tựa đề ngắn gọn : "Ông Trần Đại Quang, chủ tịch nước Việt Nam".
Ông Trần Đại Quang duyệt đội quân danh dự tại phủ chủ tịch, Hà Nội, ngày 11/09/2018 Reuters
Bài viết nhận định, sự ra đi đột ngột vì "bạo bệnh" của ông Trần Đại Quang, hôm thứ Sáu 21/9, ở tuổi 62, sẽ để lại một khoảng trống chính trị nào đó trên thượng tầng lãnh đạo của chế độ cộng sản.
Trong một chừng mực nào đó, chức chủ tịch nước mang tính biểu tượng. Thế nhưng, ông Trần Đại Quang là một nhân vật chủ chốt trong bộ ba lãnh đạo của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bên cạnh tổng bí thư đảng cộng sản và thủ tướng chính phủ.
Tờ báo Pháp nhận xét, trong nhiệm kỳ của mình, ông Trần Đại Quang - được xem như là một trong số các "diều hâu" trong hệ thống - được nhớ đến như là người đã cho phép bộ Công An mà ông từng là bộ trưởng, có được một "quyền lực chưa từng thấy" trong lòng Bộ Chính Trị, theo như khẳng định của Human Rights Watch. Các cuộc trấn áp các tiếng nói đối lập hay chỉ trích Đảng, Nhà nước không ngừng gia tăng.
Thế nhưng, Le Monde lưu ý một chi tiết, nếu đúng như phân tích của báo mạng Asia Times, vào những tháng cuối đời, cố chủ tịch được xem như là một đối thủ cứng rắn của vị tổng bí thư đầy quyền lực, Nguyễn Phú Trọng, vốn chủ trương một đường lối rất chính thống. Đến mức việc ông Trần Đại Quang vắng mặt trong nhiều buổi lễ chính thức, lẽ ra do chính ông chủ trì, đã làm dấy lên nhiều đồn thổi cho rằng chủ tịch nước đã bị lãnh đạo Đảng hạ bệ.
Đấu đá nội bộ diễn ra liên tục trong bộ máy chính quyền Việt Nam. Một cuộc tranh cãi liên quan đến tự do biểu tình trong một chế độ chuyên chế ngày càng cứng rắn dường như đã dẫn đến sự đối đầu giữa chủ tịch nước và lãnh đạo Đảng. Một phát biểu về vấn đề này của ông Trần Đại Quang được báo Tuổi Trẻ đăng tải, theo đó, về mặt cơ bản, Việt Nam nên thông qua một đạo luật cho phép công dân biểu tình tự do.
Đây là một phát biểu đáng ngạc nhiên từ chính người đứng đầu Nhà nước không mấy ủng hộ dân chủ. Nhưng vài ngày sau đó, nhật báo của đoàn Thanh Niên Cộng Sản tại Sài Gòn đã buộc phải đổi lại tiêu đề và đính chính là "nhầm lẫn". Và hệ quả là trang mạng nhật báo này bị cấm hoạt động trong vòng 3 tháng, vì đã "bóp méo" phát biểu của chủ tịch nước.
RFI tiếng Việt
*******************
Dân ‘dị ứng’ với khu lăng mộ khổng lồ của Chủ tịch nước (VOA, 25/09/2018)
Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang qua đời hôm 21/9, sẽ được an táng tại quê nhà vào chiều 27/9, theo thông cáo đặc biệt của Đảng Cộng sản và chính quyền Việt Nam về quốc tang dành cho ông.
Khu mai táng cố Chủ tịch Trần Đại Quang được cho là rộng đến hơn 2 hectare, theo một bài đã bị VnExpress rút xuống
Hôm 23/9, báo mạng lớn nhất Việt Nam, VnExpress, đăng phóng sự cho hay khu an táng ông Trần Đại Quang rộng tới trên 2 hectare, nằm ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Bài báo dẫn lời một cán bộ xã Quang Thiện cho biết khu đất đó cách đây vài năm là "cánh đồng lúa của người dân" nhưng đã được hợp thửa, sau đó được san nền và chuyển sang trồng cây xanh.
Bao quanh khu đất là những con đường trải nhựa, với vỉa hè lát đá, bài báo của VnExpress cho biết. Giáp với khu nghĩa trang này có một dòng sông nhỏ.
Phóng sự cũng cho biết kể từ chiều ngày 21/9, khi có thông báo ông Quang qua đời ở tuổi 62, luôn có hàng trăm công nhân và hàng trăm xe cộ, máy móc làm việc hối hả "không kể ngày đêm" để gấp rút hoàn thiện nơi an táng nhà lãnh đạo quá cố.
VnExpress không cho biết chi phí cho tất cả những hoạt động này là do gia đình ông Quang chi ra hay từ ngân quỹ nhà nước hoặc địa phương.
Bản tin của VnExpress nhanh chóng thu hút sự chú ý của người sử dụng mạng xã hội. Nhiều người chia sẻ bài báo trên trang Facebook cá nhân hoặc trong các diễn đàn trên mạng, thu hút hàng trăm lời bình luận.
Một số người ước đoán rằng số tiền bỏ ra cho nghĩa trang cá nhân của cố Chủ tịch Quang có thể lên đến trên 20 tỉ đồng, họ đặt câu hỏi liệu số tiền này là do gia đình ông bỏ ra, hay được chi trả bằng ngân sách, tức tiền thuế của dân.
Một thông tư năm 2013 của Bộ Tài chính quy định rằng mức chi từ ngân sách nhà nước cho một lễ quốc tang tối đa là 800 triệu đồng.
Nhiều người khác tập trung vào chi tiết cho hay khu an táng cố chủ tịch Quang từng là đất ruộng rộng hàng chục nghìn mét vuông.
Họ đặt ra một số câu hỏi, trước hết việc chuyển đổi đất ruộng sang đất an táng, liệu có đủ giấy phép và tuân theo các quy định về đất đai ? Và đất do gia đình ông Quang mua hay được nhà nước cấp ?
Một mối quan ngại khác được nêu lên là đất trồng cấy phải hàng chục, thậm chí cả trăm năm cải tạo mới thành, nay lại bị lấp đi làm nơi chôn cất, khuôn viên riêng, nhiều lời bình hỏi liệu làm như vậy có bị xem là "lãng phí tài nguyên đất đai của dân tộc" không ?
Những người khác nêu ý kiến rằng việc xây nơi chôn cất rộng bạt ngàn cho thấy có những quan chức "đến chết vẫn muốn oai", thể hiện "đặc quyền đặc lợi".
Nhìn ở một góc độ khác, nhiều người chỉ ra thực tế là giới chức và gia đình lâu nay vẫn "nói một đằng, làm một nẻo" hoặc "không làm gương" về việc tang ma gọn ghẽ, văn minh.
Dường như những phản ứng này đã dẫn đến việc VnExpress rút bài báo về khu an táng ông Trần Đại Quang sau một ngày bài được đăng.
Nhà báo tự do Sương Quỳnh, thành viên của câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng cổ súy cho tự do, dân chủ, nói với VOA :
"Khi nhìn thấy cả mấy hectare như vậy để làm mộ cho ông Quang, cho thấy những điều họ nói và điều họ làm nó khác xa nhau. Và một lăng tẩm như thế có khác nào là vua chúa. Vậy là họ ngồi trên ngai, trên đầu nhân dân, chứ đâu có phải là đầy tớ nhân dân đâu".
Từ năm 2003, chính phủ Việt Nam đã ban hành công văn số 1328/CP-VX, vận động công dân tổ chức lễ tang trang trọng, không phô trương hình thức, không lãng phí. Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương và các cơ quan liên quan vận động, giáo dục và khuyến khích nhân dân "áp dụng các hình thức hỏa táng, điện táng, tiến tới bãi bỏ địa táng".
Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên một sườn núi ven biển Quảng Bình
Tuy nhiên trên thực tế, bên cạnh trường hợp cố chủ tịch Trần Đại Quang hiện nay, trong những năm gần đây, khi một số quan chức từng nắm các chức vụ cao qua đời, gia đình họ đã xây những khu lăng mộ hoặc khu tưởng nhớ rất rộng lớn, hoành tráng, gây nhiều "dị ứng", theo nhiều người bình luận trên mạng xã hội.
Gần đây nhất, tin tức về tang lễ của cựu Thủ tướng Phan Văn Khải vào tháng 3/2018 cho thấy phần mộ của ông đặt cạnh nơi chôn cất người vợ quá cố rộng hàng trăm mét vuông, nằm trên một quả đồi nhỏ trong khuôn viên nhà riêng của ông ở huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.
Vẫn theo báo chí Việt Nam, vào tháng 2/2016, một năm sau khi Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh qua đời và được an táng ở Đà Nẵng, gia đình ông đã hoàn thành khu lưu niệm trong đó có mộ phần ông Thanh, rộng tổng cộng khoảng 1.000 m2 ở quê nhà.
Trước đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người được nhìn nhận như một trong các vị khai quốc công thần của Việt Nam thời hiện đại, đã được an táng vào tháng 10/2015 trên một sườn núi nhìn ra biển ở tỉnh Quảng Bình, mà riêng mặt bằng nơi hành lễ đã rộng đến 6.000 m2, theo các bản tin trong nước.
Trong các diễn đàn, nhiều người kêu gọi đã đến lúc Đảng Cộng sản và quốc hội phải ban hành văn bản có tính pháp lý, theo đó yêu cầu đảng viên và quan chức chính quyền cam kết khi họ qua đời, gia đình họ sẽ không tổ chức mai táng xa hoa, lãng phí.
Khu tưởng niệm ông Nguyễn Bá Thanh, nơi có mộ của ông, tại Đà Nẵng
Một trong những tiếng nói như vậy là luật sư Trần Vũ Hải, một Facebooker nổi tiếng với hơn 82.000 người theo dõi. Ông viết trên trang cá nhân, đề nghị Trung ương Đảng sớm ra nghị quyết "cấm các đảng viên và gia đình đảng viên cấp lãnh đạo… xây lăng mộ có khuôn viên quá 50m2" và yêu cầu "phải hoả táng".
Ông Hải đề xuất một cách mạnh mẽ rằng quan chức nào không thực hiện, nhà nước "không tổ chức lễ quốc tang hay lễ tang cấp nhà nước", thay vào đó, nhà nước sẽ "kỷ luật tước mọi chức vụ kể cả sau khi chết !"
Giải thích với VOA về lý do thôi thúc ông đưa ra đề xuất kể trên, luật sư Hải nói ông không muốn thấy gia đình các quan chức liên tiếp xây lăng mộ hoành tráng, trở thành một "phong trào", hay một "cuộc đua" có hại cho uy tín, hình ảnh của lãnh đạo và đảng cầm quyền ở Việt Nam.
Ông nói thêm :
"Cuối cùng cuộc đua đấy có thể làm cả dân cả quan đua nhau xây lăng mộ. Theo tôi, nó không phù hợp với đất nước còn nghèo như Việt Nam. Các nước văn minh họ không làm như thế".
Luật sư Hải và những người khác có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội nêu quan điểm rằng nếu các lãnh đạo Việt Nam muốn được nhớ đến sau khi qua đời, họ cần để lại dấu ấn cá nhân trong các chính sách tốt hoặc các công trình hiệu quả, có ích, thay vì xây lăng mộ.
Nhiều người sử dụng mạng xã hội bày tỏ suy nghĩ rằng nếu gia đình các quan chức dành tiền để xây trường học, thư viện hay bệnh viện, việc đó sẽ hữu ích hơn, để lại "tượng đài trong lòng dân" được nhớ đến lâu dài hơn nhiều so với "những tượng đài hay lăng mộ hữu hình".
********************
Các nhà tranh đấu nói Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã để lại một ‘di sản’ tệ hại về vi phạm nhân quyền, nhất là trong giai đoạn ông lãnh đạo Bộ Công an.
Giới tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền trong và ngoài nước đều có chung nhận định, rằng những vụ vi phạm nhân quyền tại Việt Nam được ghi nhận là tồi tệ nhất trong thời gian ông Trần Đại Quang làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh từ năm 2000 cho đến khi ông rời chức Bộ trưởng Bộ Công An và Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên vào năm 2016.
Nhà báo độc lập Sương Quỳnh ở Sài Gòn nói với VOA rằng ông Quang đã để lại một ‘di sản nhân quyền đáng xấu hổ" kể từ khi ông nhận chức Bộ trưởng Bộ Công an vào năm 2011.
"Tôi cho rằng đó là một di sản đáng xấu hổ vì khi ông Quang bắt đầu làm Bộ trưởng, sự đàn áp nhân quyền đã tăng lên rất mạnh. Đó là những vụ án lớn trên Tây Nguyên, bắt bớ những người đấu tranh, những người đi biểu tình, dung túng cho công an tham nhũng, làm luật, đánh chết người trong đồn, ngồi trên pháp luật".
Từ Hà Nội, nhà hoạt động Vũ Quốc Ngữ chia sẻ rằng ông Quang là nhà lãnh đạo vi phạm nhân quyền nhiều nhất ở Việt Nam :
"Tôi nghĩ rằng ông Quang là một nhân vật vi phạm nhân quyền nhiều nhất trong thời ông làm Thứ trưởng và Bộ trưởng Bộ Công An : đàn áp giới bất đồng chính kiến, và đàn áp dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên khi ông làm Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên".
Nhà báo độc lập Sương Quỳnh, thành viên của Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng, nhận xét thêm :
"Từ đó đến nay, kể cả trước khi ổng nhắm mắt, ông đã ký quyết định ban hành Luật An ninh Mạng, ngăn chặn những tiếng nói tự do, quyền làm người của người Việt Nam. Đó là một di sản hết sức tồi tệ, nếu không nói đó là tội lỗi".
Hồi đầu tháng 9 vừa rồi, ông Dean Trần, Thượng nghị sĩ Mỹ gốc Việt tại tiểu bang Massachusetts kêu gọi Tổng thống Donald Trump hãy hậu thuẫn phong trào nhân quyền ở Việt Nam trước chiến dịch đàn áp nhân quyền đáng báo động của giới lãnh đạo ở Hà Nội, nhất là vai trò của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Ông Dean Trần lên án những hành động đàn áp nhân quyền xảy ra tại quê hương của ông, nói rằng ông không thể im lặng trước nỗi đau của người dân vô tội.
Ông nói với VOA :
"Tôi phản đối việc đàn áp nhân quyền xảy ra tại quê hương tôi và sẽ lên tiếng vì người dân ở Việt Nam".
Trước đó, trong bức thư gửi đến Tổng thống Donald Trump, Thượng nghị sĩ Dean Trần và 33 nghị sĩ khác của tiểu bang Massachusetts, đã bày tỏ những lo ngại về hồ sơ vi phạm nhân quyền, chế độ kiểm duyệt, và đàn áp tàn bạo của chính quyền của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đối với người dân Việt Nam.
Bức thư gửi Tòa Bạch Ốc có đoạn : "Trong suốt thời gian giữ chức vụ Chủ tịch nước cho đến nay, ông Trần Đại Quang đã nhiều lần cho thấy ông không có chút quan tâm gì đến nhân quyền của người dân Việt Nam. Chúng ta không cần tìm hiểu sâu xa để có thể thấy chính quyền Việt Nam đang kiểm duyệt các trang mạng xã hội phổ biến như Facebook và Google một cách trắng trợn".
Blogger Vũ Quốc Ngữ nhận định :
"Sau này ông làm Chủ tịch nước, ông là người cổ xúy và ủng hộ cho Luật An ninh Mạng, một bộ luật đàn áp giới bất đồng chính kiến và tự do ngôn luận trên mạng".
Ngay sau khi ông Trần Đại Quang qua đời hôm 21/9 vì "bị nhiễm virus độc lạ"- theo truyền thông trong nước, đài CNN nhận định : "Với tư cách Chủ tịch nước, ông Quang tỏ ra khắc nghiệt với giới bất đồng. Điều này được thể hiện qua những vụ đàn áp nhắm vào các nhóm nhân quyền".
CNN dẫn lời ông Phil Robertson, Phó giám đốc đặc trách Á Châu của tổ chức Human Rights Watch nói : "Di sản của Chủ Tịch Quang là cuộc đàn áp kéo dài nhiều năm đối với quyền con người, và tống giam các tù nhân chính trị nhiều hơn so với những người tiền nhiệm".
Trên Twitter, ông Phil Robertson nhấn mạnh rằng dưới sự lãnh đạo của ông Trần Đại Quang, Bộ Công An đã gia tăng quyền lực và số tù nhân chính trị tăng cao chưa từng thấy.
Ông Robertson nói tiếp : "Hơn bất kỳ ai khác, ông Quang phải chịu trách nhiệm về việc Bộ Công An tăng cường giám sát cuộc sống hằng ngày của người dân Việt Nam, tăng tình trạng lạm quyền, tham nhũng và tống tiền đi kèm với sự hiện diện ngày càng nặng nề của công an".
Trong khi đó tờ New York Times viết : "Một số cựu quan chức Việt Nam từ chối bình luận về cái chết của ông Quang giữa lúc giới trí thức của nước này chỉ trích ông trên mạng xã hội vì ông được cho là ủng hộ Quốc Hội Việt Nam thông qua Luật An Ninh Mạng vào tháng 6/2018, để buộc Facebook và các công ty công nghệ khác đặt máy chủ lưu dữ liệu người dùng tại Việt Nam. Các nhóm nhân quyền nói hành động này tiếp tay cho nhà cầm quyền gia tăng trấn áp các nhà bất đồng chính kiến".
Trong bài viết trên trang Nghiên Cứu Quốc Tế, nhà nghiên cứu, phân tích chính trị Lê Hồng Hiệp từ Singapore nhận định :
"Chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam từ năm 2016 đến nay đã phơi bày nhiều vụ bê bối tham nhũng tại Bộ Công An, nơi ông Quang từng giữ chức bộ trưởng từ năm 2011 đến năm 2016".
Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp viết tiếp : "Mặc dù ông Quang chưa chính thức bị quy trách nhiệm về những bê bối này, chúng vẫn phủ bóng đen lên nhiệm kỳ của ông".