Hơn nửa công chức phải hối lộ khi xin việc (RFA, 04/04/2017)
Có đến 54% người dân Việt Nam phải đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực nhà nước, cao hơn tỉ lệ 51% trong năm 2015. Kết quả này được nêu ra trong báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam năm 2016 (gọi tắt PAPI 2016) vừa được công bố vào sáng ngày 4 tháng 4.
Xếp hàng nộp hồ sơ xin việc tại Cục Thuế Hà Nội hôm 15/8/2014. AFP photo
Theo đó, chỉ số kiểm soát tham nhũng khu vực công bị giảm sút.
Bên cạnh đó, người dân phản ảnh số tiền "lót tay" trong năm ngoái phải chi cho cán bộ công chức tăng lên trong các việc như chứng nhận giấy tờ đất đai hay xin cho con vào trường tiểu học công lập.
Ngoài ra, người dân cũng bày tỏ mối quan ngại về ô nhiễm môi trường sống, đặc biệt là ô nhiễm không khí và ô nhiễm môi trường nước sinh hoạt.
Cuộc khảo sát về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam năm 2016 được thực hiện ngẫu nhiên đối với hơn 14 ngàn người dân ở 63 tỉnh, thành. Và một ghi nhận tích cực duy nhất liên quan đến người dân hài lòng hơn trong dịch vụ y tế công trong năm 2016.
*********************
Tố cáo tiêu cực : Làm ơn mắc oán ! (RFA, 04/04/2017)
Những người lên tiếng tố cáo tiêu cực trong xã hội liên tục bị đánh đập, hành hung dã man với mục đích trả thù. Luật pháp Việt Nam có thực sự hiệu quả trong vấn đề bảo vệ an toàn cho người tố cáo ?
Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. AFP photo
Bị trả thù dã man vì làm chứng
Vụ việc mới nhất về người lên tiếng tố cáo tội phạm bị trả thù dã man xảy ra vào cuối tháng 3 và được truyền thông Nhà nước loan đi vào đầu tháng tư khiến nhiều cư dân mạng bất bình.
Đó là trường hợp cô gái trẻ sinh năm 2001, Nguyễn Thị Ngọc Trúc bị gần 20 thanh niên trả thù bằng cách hành hung dã man, cắt tai, đánh vỡ giác mạc mắt trái và đâm vào ngực.
Vụ việc được tường thuật vào tối ngày 30/3, Trúc ra làm chứng vụ việc xe của bạn mình bị ăn cắp vì Trúc biết rõ nhóm người lấy cắp và đang rao bán chiếc xe. Sau đó Trúc bị Phan Thị Cẩm Hằng, là chị gái một người bạn của nghi phạm ăn cắp xe, cầm đầu một nhóm thanh niên 20 người tới đè Trúc ra đánh, dùng ly đập vào đầu Trúc, dùng dao để rạch mặt, cắt lỗ tai và đâm vào ngực phải của Trúc. Không những thế, nhóm người này còn định cắt gân chân để Trúc tàn phế, nhưng do Trúc chống cự nên họ đã cắt lệch. Khi Trúc bị trọng thương và ngất xỉu, nhóm ngày vẫn tiếp tục cầm ghế gỗ phang vào người Trúc, nhưng may mắn Trúc được một người bạn đỡ hộ nhát đó. Những người xung quanh tới can ngăn cũng đều bị đánh trọng thương.
Như thế đó là thêm một vụ việc về tình trạng người tố cáo tiêu cực bị trả thù bằng bằng cách này hoặc cách khác. Biện pháp trả thù thường mang tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe nạn nhân hoặc nhiều trường hợp cướp đi tính mạng nạn nhân.
Đài Á Châu Tự Do có dịp trao đổi trực tiếp với anh Dương Tùng Nam, một người dân ở Hải Phòng. Anh cũng là nạn nhân bị trả thù sau khi lên tiếng tố cáo những tiêu cực, bất minh bạch trong hệ thống Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT. Anh chia sẻ về những sai phạm của Tập đoàn này :
Mình làm ở bên VNPT Hải Phòng, thuộc Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam từ năm 2004. Năm 2010, giám đốc chi nhánh Hải Phòng đã lợi dụng cổ phần hóa doanh nghiệp của nhà nước để đào thải bất hợp pháp công nhân. Tức là cắt giảm biên chế nhưng theo cách bất hợp pháp, và sau đó nhận người vào sân sau, tức là nó lập một doanh nghiệp ngoài để hợp thức hóa thôi. Nó gần như thay máu bằng cách sa thải một lượng lớn công nhân đã cống hiến rất nhiều năm và thay bằng một đội ngũ bên ngoài hoàn toàn mới.
Trước mình làm nhân viên kỹ thuật tổng đài, mình đã chứng minh được việc nó ăn cắp tiền của 200 công nhân với chức danh như mình. Sau đó nó hủy bỏ hoàn toàn những chức danh này. Rất nhiều lần mình gửi đơn từ đi các nơi.
Sau khi tìm hiểu sự việc cặn kẽ hơn, anh Nam được biết việc này không chỉ xảy ra với một mình công ty anh, mà với tất cả các chi nhánh của VNPT trên 63 tỉnh thành khác. Sau lên tiếng tố cáo lãnh đạo của Tập đoàn này, anh Nam nhận được kết quả như sau :
Sau khi bị tố cáo, mình bị công an đánh. Giám đốc Viễn thông Hải Phòng là thành ủy viên Thành phố Hải Phòng nên lợi dụng sử dụng công an đánh mình. Mình đã nhận diện ra tại phường. Trong vụ án của mình, mình có nhờ một người phụ nữ khá nổi tiếng trong việc phòng chống tiêu cực là bà Nguyễn Thị Hòa ở Tây Hồ, Hà Nội. Bà Hòa đã về Hải Phòng rất nhiều lần để giúp mình và điều tra riêng biệt và biết được nhiều thông tin về tập đoàn này. Tuy nhiên, đến năm 2015, bà Hòa đã bị thủ tiêu.
Trường hợp thứ 2 là anh Quang bán hàng ở gần nhà mình, khi 2 tên công an phường đánh mình thì anh Quang vô tình nhìn thấy. Trùng hợp là cũng trong năm 2015, anh Quang đã chết.
Sự việc chưa dừng lại ở đây, giữa lúc anh Nam bị đánh và những người thân cận giúp đỡ anh, hay những người vô tình chứng kiến sự thật đều vì lý do gì đó chết một cách trùng hợp, thì con trai anh cũng bị bắt cóc khi đang đi học thêm. Hiện tại anh Nam đang bị theo dõi và truy lùng ráo riết tới mức anh phải bỏ quê hương, lẩn tránh nơi đất khách quê người.
Hàng loạt các vụ lên tiếng tố cáo chống tiêu cực khác bị trả thù với mục đích làm chính những người trong cuộc nản lòng và cảnh báo những người khác nếu có ý định tố giác, như vụ ông Dương Đình Dần ở Nghệ An bị ném mìn vào nhà và đặt bát hương để "dằn mặt" vì ông dũng cảm đứng lên phanh phui hàng trăm vụ tiêu cực.
Pháp luật không được tôn trọng
Trong Khảo sát Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu 2013 về quan điểm và trải nghiệm của người dân Việt Nam đối với tham nhũng, chỉ có 38% số người được hỏi sẵn sàng tố cáo tham nhũng. Lý do phổ biến khiến người dân e ngại tố cáo tham nhũng là "chẳng thay đổi được gì" (51%) và "sợ gánh chịu hậu quả" (28%).
Một khảo sát khác của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới tiết lộ 62% số người được hỏi trả lời lý do khiến họ không tố cáo tham nhũng là "sợ bị trả thù".
Hiện tại pháp luật Việt Nam cũng đã có những điều lệ quy định rõ về quyền tố cáo của người dân và nghiêm cấm những hành vi trả thù người tố cáo, khiếu nại, cũng như luật bảo vệ người lên tiếng tố cáo.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đưa ra nhận xét về những điều luật này :
Ở Việt Nam chuyện gì cũng có luật cả. Chuyện khuyến khích nhân dân tố cáo tiêu cực, tham nhũng không chỉ có văn bản quy định mà ngay cả những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng hô hào. Luật cũng quy định người tố cáo được bảo vệ, nhưng vấn đề là cơ chế để bảo vệ như thế nào thì chưa được cụ thể lắm.
Luật sư Trần Quốc Thuận cho biết thêm hiện nay những đối tượng đánh đập, hành hung người tố cáo sẽ được luật pháp can thiệp tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ phải cung cấp đủ chứng cứ và công tác điều tra phải làm đến nơi đến chốn. Ông đưa ra những lời khuyên, góp ý cho những ai muốn tố cáo tiêu cực :
Những người tố cáo phải có địa chỉ và chứng cứ cụ thể. Có thể mang những báo cáo này đến gặp trực tiếp những cơ quan chức năng, có thể thông qua trực tiếp những đoàn thể những mặt trận hoặc những tổ chức chính trị xã hội hoặc đến trực tiếp gặp công an, viện kiểm sát.
Nhưng thường thì những người đi tố cáo đưa ra chứng cứ còn yếu, gây khó khăn trong việc khởi tố điều tra.
Ông cho biết thêm hiện tại các cơ quan báo chí cũng vào cuộc lên tiếng nhiều vụ tố cáo như vụ hotgirl Thanh Hóa, ông Phó Ban Nội chính ở Đắc Lắc, hay chuyện xe công ở Đà Nẵng. Vì vậy người dân có thể thông qua báo chí để tố cáo khi chứng cứ đã đầy đủ, rõ ràng.
Hôm 14/3 vừa qua đã diễn ra cuộc họp của ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều luật Tố cáo, đặc biệt là những khía cạnh như hình thức tố cáo, tố cáo nặc danh và thời hiệu tố cáo.
Lan Hương, phóng viên RFA