Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ông Will Nguyễn rời Việt Nam, sau khi bị tòa trục xuất (Người Việt, 20/07/2018)

Ông Will Nguyễn, người vừa bị đưa ra tòa xử ở Sài Gòn, đã rời Việt Nam sau khi bị tòa tuyên án và trục xuất.

Ông Will Nguyễn và gia đình ngồi trên máy bay. (Hình : Facebook Victoria Nguyễn)

Hình ảnh trên trang Facebook của cô Victoria Nguyễn, em gái của ông, cho thấy ông ngồi trên máy bay với cô và cha mẹ cô. Không rõ máy bay này của hãng hàng không nào.

Một tấm hình khác cho thấy ông Will, cô Victoria, cha mẹ, và một phụ nữ tại một phi trường, không rõ ở đâu.

Một tòa án ở Sài Gòn hôm Thứ Sáu, 20 Tháng Bảy, vừa quyết định trục xuất ông Will Nguyễn, 33 tuổi, quốc tịch Mỹ, về tội “gây rối trật tự công cộng theo Khoản 2, Điều 318 của Bộ Luật Hình Sự,” theo VNExpress cho biết.

Ông Will Nguyễn (thứ hai từ phải) cùng gia đình tại một phi trường. (Hình : Facebook Victoria Nguyễn)

Vẫn theo VnExpress, “bị cáo phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam ngay sau khi tòa tuyên án.”

Ông Will Nguyễn, sinh viên cao học người Mỹ gốc Việt, sinh ra và lớn lên ở Houston, Texas, bị bắt khi tham gia biểu tình ở Việt Nam hôm 10 Tháng Sáu.

Hình ảnh cho thấy ông mặc áo sơ mi màu tím lợt, quần đen, hai tay bị còng, tóc hớt ngắn hai bên, người gầy hẳn đi, đi giữa những nhân viên an ninh ra tòa.

VnExpress cho biết, theo Hội Đồng Xét Xử, “hành vi của ông Will Nguyễn xâm phạm nghiêm trọng trật tự công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên bị cáo là người nước ngoài, lần đầu phạm tội, thành khẩn, tỏ ra ăn năn hối cải… nên chỉ cần áp dụng hình phạt trên”.

Trước đó, trả lời Hội Đồng Xét Xử, ông Will “thừa nhận sai như cáo buộc. Khi nói lời sau cùng, bị cáo cho biết luôn được cha mẹ dạy phải uống nước nhớ nguồn, luôn hướng về quê hương Việt Nam. Ông Will Nguyễn bày tỏ mong muốn được trở lại Việt Nam cống hiến những gì đã được học để xây dựng đất nước phát triển,” VNExpress cho biết như thế.

Anh Will Nguyễn bị còng tay đưa ra tòa, xung quanh là công an. (Hình : Báo Thanh Niên)

Theo giới phóng viên ở Sài Gòn, bên ngoài tòa án, an ninh được thắt chặt, lực lượng an ninh có mặt bảo vệ phiên tòa từ lúc 5 giờ sáng.

Một số phóng viên ảnh phải tác nghiệp từ hàng rào bên ngoài tòa án.

Báo Trí Thức Trẻ tường thuật, phiên tòa do ông Phạm Lương Toản, chánh tòa Hình Sự Tòa Án Nhân Dân thành phố Sài Gòn, làm chủ tọa.

Tờ báo mô tả : “Sáng nay, lực lượng chức năng với nhiều đơn vị nghiệp vụ thắt chặt an ninh cả bên trong lẫn ngoài khu vực xử án. Những người tham dự phiên xử phải qua máy quét, để lại đồ đạc bên ngoài phòng xử. Các phóng viên cũng được sắp xếp phòng theo dõi riêng thông qua màn hình. Bên ngoài khuôn viên được dựng rào chắn, xe cứu hỏa và xe cấp cứu cũng được chuẩn bị sẵn sàng”.

Báo The Guardian của Anh cho biết, trước đó ba hôm, mẹ ông Will được gặp ông 30 phút.

Cô Victoria Nguyễn, em gái của ông, kể với The Guardian rằng : “Mẹ tôi được gặp anh 30 phút ngay sau khi đáp máy bay đến Sài Gòn hôm 17 Tháng Bảy. Anh sụt mất 3 kg, và được đưa sang một phòng giam lớn hơn, có 13 người. Anh nói anh không thể ngủ ngon trên nền xi măng, nhưng các bạn cùng phòng rất tốt với anh”.

Cũng theo The Guardian, các giới chức tổng lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn và các luật sư người Việt Nam của ông Will có được gặp ông khi ngày xử gần đến.

Một giới chức Bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết qua một email rằng tòa tổng lãnh sự liên lạc hàng ngày với gia đình ông, và sẽ có một giới chức lãnh sự có mặt tại phiên tòa.

Cáo trạng của Viện Kiểm Sát Nhân Dân thành phố Sài Gòn viết : “Anh Will Nguyễn thường xuyên theo dõi tin tức đăng tải trên mạng xã hội liên quan đến Việt Nam nên biết thông tin có kêu gọi biểu tình phản đối Dự Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng vào ngày 10 Tháng Sáu, tại công viên Hoàng Văn Thụ nên quyết định về Việt Nam để tham gia biểu tình phản đối. Trước khi về Việt Nam, anh Will đã nhắn tin trên mạng Facebook trao đổi với một số người về tình hình và cách thức tham gia biểu tình”.

“Khi trao đổi, anh Will bày tỏ ý định lúc tham gia biểu tình thì không mang theo giấy tờ tùy thân và sẽ đánh trả lại và bỏ trốn trong trường hợp công an giải tán biểu tình”, cáo trạng cho biết thêm.

Văn bản này cũng mô tả : “Trong đoàn xuống đường ngày 10 Tháng Sáu, anh Will yêu cầu công an dời xe cho đoàn biểu tình đi qua nhưng không được chấp thuận. Anh này liền trèo lên xe bán tải kêu gọi mọi người trèo qua các xe để đi lên tiếp tục tiến về trung tâm thành phố. Anh cũng tham gia lật xe công an nhưng không được. Sau đó, anh dời các xe gắn máy dựng chắn trên lề đường để lấy đường cho người biểu tình đi qua…”.

Ông Will Nguyễn bị truy tố tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 Bộ Luật Hình Sự cộng sản Việt Nam 2015 và đối mặt với bản án từ 2 năm tới 7 năm tù.

Tuy nhiên, cáo trạng cũng viết thêm rằng ông “được áp dụng tình tiết giảm nhẹ” theo quy định tại Điều 51 Bộ Luật Hình Sự 2015 : “Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải.”

Hôm 19 Tháng Bảy, một ngày trước khi ông Will Nguyễn bị đưa ra xử, Dân Biểu Alan Lowenthal, qua một thông cáo báo chí, cho biết “sẽ không để Việt Nam yên nếu ông không được thả.”

“…hệ thống tư pháp của Việt Nam rất tồi tệ trên mặt công bằng xét xử, và đáng tiếc là tòa án Việt Nam thường thi hành theo những mong muốn của chính quyền trung ương.” ông Lowenthal cho biết. “Nếu chính quyền Việt Nam chọn đi theo con đường này và cầm tù William một cách bất công, tôi dự đoán sẽ có những hậu quả nhanh chóng và dứt khoát từ Quốc hội Hoa Kỳ”.

“Quyết định đó của chính quyền Việt Nam hầu như sẽ lập tức châm ngòi cho một cuộc thảo luận nghiêm túc trong Quốc Hội Hoa Kỳ về các hậu quả tài chánh, ngoại giao, và chính trị đối với Việt Nam,” ông Lowenthal cho biết tiếp. “Đó sẽ là một sự tính toán sai lầm nghiệm trọng nếu chính quyền Việt Nam nghĩ rằng chúng tôi sẽ cho phép anh William sống mòn mỏi trong một nhà tù nước ngoài vì những tội danh anh chưa hề vi phạm”.

Ông Lowenthal kết luận : “Chúng tôi sẽ không ngồi yên để một công dân Hoa Kỳ bị một chính quyền độc tài cầm tù một cách sai trái”.

Ông Will Nguyễn tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành nghiên cứu Đông Nam Á tại đại học Yale University, Connecticut, và vừa hoàn tất bằng cao học tại Đại Học Lý Quang Diệu ở Singapore.

Ông từ Singapore qua Việt Nam du lịch vào đúng dịp nổ ra cuộc biểu tình của người dân chống dự luật cho nước ngoài thuê đất 99 năm và dự luật an ninh mạng.

Trước khi bị bắt, ông Will Nguyễn phổ biến trên Facebook cá nhân những lời khen ngợi : “Nhà cầm quyền Cộng Sản đang cho phép người dân tụ tập ôn hòa và người dân thực thi các quyền công dân để phản đối các bất công”.

Sau đó, ông phổ biến thêm một số hình ảnh, phản đối cảnh sát chặn đường người dân, và bị bắt.

Hình ảnh trên các mạng xã hội cho thấy đầu ông chảy máu, bị một số người khiêng đi, và sau đó bị đẩy lên xe cảnh sát.

Vài ngày sau, theo AFP, ông xuất hiện trên truyền hình nhà nước và nói lời nhận tội bằng tiếng Việt như sau : “Tôi tiếc đã gây rắc rối cho những ai đi ra phi trường. Tôi đã gây kẹt xe và gây rắc rối cho gia đình tôi và bạn bè. Tôi sẽ không tham gia bất cứ hoạt động nào chống chính quyền (Việt Nam) nữa”.

Kể từ sau vụ ông Will Nguyễn bị bắt, nhiều dân cử liên bang và địa phương viết thư đến Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo yêu cầu can thiệp với phía Việt Nam để thả ông.

Trên trang Facebook của mình, cô Victoria Nguyễn có đưa lên một số tấm hình hôm 14 Tháng Bảy, cho biết cha mẹ và một số người thân của ông mới đây đến Singapore nhận bằng tốt nghiệp cao học thay cho ông. (Đ.D.,T.K.)

************************

Blogger Mẹ Nấm ‘tuyệt thực sang ngày thứ 10’ vì ‘bị ngược đãi’ (Người Việt, 16/07/2018)

Hôm 16 Tháng Bảy, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh), thông báo trên trang facebook cá nhân : “Hôm nay là ngày thứ mười, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tuyệt thực. Tôi ko biết sinh mạng con tôi ra sao. Xin mọi người giúp và đồng hành, cầu nguyện cùng gia đình chúng tôi.”

Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của blogger Mẹ Nấm và hai cháu ngoại, trong một lần đi thăm con gái đang bị giam cầm trong lao tù. (Hình : Facebook Tuyet Lan Nguyen)

Blogger Mẹ Nấm đang thọ án 10 năm tù về tội “Tuyên truyền chống nhà nước” tại Trại giam số 5 ở tỉnh Thanh Hóa. Đây là lần tuyệt thực thứ ba của bà trong trại giam để yêu cầu cải thiện điều kiện giam giữ.

Trong đơn gửi trưởng trại giam này, bà Lan viết : “Trong những lần thăm gặp vừa qua, Quỳnh cho biết đang bị ngược đãi. Điều này dẫn đến việc con tôi phải tuyệt thực để phản đối. Việc con tôi bị tước quyền công dân không có nghĩa là nó không còn là con người.”

Bà Lan nêu yêu cầu cán bộ trại giam “tách Quỳnh khỏi những tù nhân thường xuyên gây sự, được giam trong phòng như những tù nhân khác chứ không phải căn phòng mà mọi thứ sinh hoạt đều bị người bên ngoài nhìn thấy hết như hiện nay.”

Hàng ang Facebooker đã share lại post của bà Lan kèm theo lời kêu gọi mọi người cùng cầu nguyện cho blogger Mẹ Nấm. Trong số đó, cũng có suy đoán chính quyền cộng sản Việt Nam ang cách ngược đãi trong nhà tù để gia ang áp lực buộc nữ blogger này phải chọn đi tỵ nạn chính trị.

Ngược lại, cũng có một số “dư luận viên” nhân dịp này tung tin giả trên mạng xã hội rằng blogger Mẹ Nấm “đã xin đồ ăn sau ngày tuyệt thực thứ bảy và ăn uống rất ngon lành”.

Cựu tù nhân lương tâm Lê Văn Sơn (hiện đang ở Mỹ) tiết lộ trên trang Facebook cá nhân : “Trại giam số 5 ở tỉnh Thanh Hóa là nơi rừng núi hẻo lánh, thâm sơn cùng cốc, gió Lào nóng rát thịt da. Trại giam này giống như nhiều trại giam khác tại miền Bắc về sự đối xử vô cùng khắc nghiệt, tàn độc đối với tù chính trị. Đây cũng là nơi các nữ tù nhân chính trị bị giam cầm như Lê Thị Công Nhân, Võ Thu Thủy, Hồ Thị Bích Khương, Nguyễn Đặng Minh Mẫn và hiện tại là Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh…, trải qua nhiều đau khổ vì mưu kế hành hạ bẩn thỉu của cai ngục.”

Cùng thời điểm, thông cáo do Hội Anh Em Dân Chủ phát đi cho hay : “Việc chính quyền cộng sản Việt Nam giam giữ bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh như vậy là hành động tra tấn tù nhân về cả thể chất và tinh thần. Đó là tội ác, vô nhân đạo, trái với Công ước quốc tế về chống tra tấn mà chính quyền cộng sản Việt Nam đã ký kết. Hội Anh Em Dân Chủ lên án mạnh mẽ chính quyền cộng sản Việt Nam đã vi phạm nhân quyền, vô nhân đạo trong việc giam giữ bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.” (T.K.)

********************

Chính quyền cộng sản Việt Nam thu hồi sách về ‘Gạc Ma-Trường Sa’ vì có thể làm phật ý Bắc Kinh (Người Việt, 15/07/2018)

Hiếm có cuốn sách nào ở Việt Nam “nhiều nỗi truân chuyên” như cuốn “Gạc Ma-Vòng Tròn Bất Tử” : Thực hiện bản thảo từ năm 2014, lần lượt qua 14 nhà xuất bản và mãi đến đầu Tháng Bảy, 2018 mới được phát hành chính thức.

Cuốn sách “Gạc Ma-Vòng Tròn Bất Tử” vừa phát hành đã có lệnh dừng phát hành. (Hình : Thanh Niên)

Cuốn sách thu thập lời kể của những nhân chứng về cuộc hải chiến Trường Sa năm 1988 khi Hải Quân Trung Quốc đưa quân tấn công bãi đá Cô Lin, bãi đá Len Đao và bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. 64 binh lính Hải Quân cộng sản Việt Nam Việt Nam thiệt mạng trong trận này.

Oái oăm là vỏn vẹn vài ngày sau khi ra mắt, truyền thông “lề phải” cho biết cuốn “Gạc Ma-Vòng Tròn Bất Tử” bị dừng phát hành để “chỉnh sửa, rà soát lại toàn bộ nội dung.”

Theo báo Pháp Luật ở Sài Gòn, cuốn sách do Nhà Xuất Bản Văn Học liên kết với Công Ty Sách Fisrt News ấn hành có một số “sai sót” : “Lời kể trong sách của ông Nguyễn Văn Lanh, cựu binh Gạc Ma, về lệnh ‘không được nổ súng’ vào quân Trung Quốc được đính chính thành ‘không được nổ súng trước’ ; Chi tiết về cựu binh Mai Xuân Hải ở Quảng Bình ‘vừa qua đời’ là không chính xác vì trên thực tế thì ông này ‘còn sống’”…

Tuy vậy, đêm 15 Tháng Bảy, ông Trần Đức Anh Sơn, nhà nghiên cứu Biển Đông và là viện phó Viện Nghiên Cứu Phát Triển Kinh Tế-Xã Hội Đà Nẵng, bất ngờ đưa bình luận trên trang Facebook cá nhân.

“Chủ yếu là người đọc quan tâm đến việc có hay không ‘lệnh cấm nổ súng’ hay ‘lệnh cấm nổ súng trước’ mà thôi. Một nhân chứng trong cuộc chiến này là hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh, đã cung cấp thông tin cho nhóm làm sách một chi tiết, được in trong sách : ‘Tôi tính lượm khẩu súng của tên chỉ huy (Trung Quốc) để bắn chết nó nhưng vì có lệnh ‘không được nổ súng’ nên thôi. Nếu cho thì tôi đã bắn chết nó rồi, rốt cuộc tôi bị nó đâm lê vào người và bị đạn bắn ngã ngửa (trang 43 của sách nêu trên).”

Ông Sơn cũng viết thêm : “Tôi tin những người lính chiến đấu ở Gạc Ma-Cô Lin-Len Đao. Họ bị quân thù bắn xối xả, muốn phản kháng lại, dù bằng vũ khí yếu hơn, nhưng họ đã không làm vì ‘có lệnh của trên.’ Lệnh đó thì tôi tin không bao giờ có bằng văn bản, mà chỉ phổ biến tới những người lính. Người trực tiếp ra lệnh cho họ ở trận tiền thì đã hy sinh. Người còn sống kể lại lý do vì sao ông không nổ súng cho những người làm sách thì thấp cổ bé họng, nói ra thì bị cho là nói sai sự thật. Tôi nghĩ, giữa phút sinh tử ấy, không ai nói dối làm gì, trừ khi ai đó ép buộc họ phải nói dối.”

Cuốn sách “Gạc Ma-Vòng Tròn Bất Tử” (Hình : Tuổi Trẻ)

Cũng cần nói thêm, hồi Tháng Hai, 2018, ông Sơn bị Ủy Ban Kiểm Tra Thành Ủy Đà Nẵng “thi hành kỷ luật về đảng” do ông này “đăng tin bài trên mạng xã hội có nội dung sai sự thật, bịa đặt.” Việc ông Sơn bị kỷ luật được suy đoán là có liên quan đến một bài báo về ông trên tờ New York Times, trong đó ông tiết lộ chuyện mình “đã bị cấp trên ra lệnh đừng nói xấu về Trung Quốc.”

Đến nay, chủ để về cuộc hải chiến Trường Sa năm 1988 vẫn được cho là “nhạy cảm” trên mặt báo “lề phải.” Tổng biên tập các báo cũng được lệnh chỉ đăng theo các bản tin do Thông Tấn Xã Việt Nam phát đi về sự kiện này.

Đó là chưa kể, trong dịp tưởng niệm sự kiện này vào ngày 14 Tháng Ba hàng năm, các nhà hoạt động và giới đấu tranh dân chủ thường bị chính quyền cho người sách nhiễu, canh gác cẩn mật để ngăn họ đi thắp hương cho các liệt sĩ.

Hồi Tháng Ba, 2018, truyền thông “lề phải” cho hay, chủ đề Gạc Ma chỉ mới “dự trù được Bộ Giáo Dục Đào Tạo đưa vào sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 12” nhưng chưa rõ năm nào.

Trong một diễn biến khác, cộng đồng mạng bất bình trước việc nhân viên khách sạn Rex bị Sở Ngoại Vụ thành phố Sài Gòn ra lệnh dùng một chậu cây lớn để che và tắt đèn gần vị trí đặt tấm bản đồ cho thấy Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Sự việc được cho là xảy ra trong sự kiện Bí Thư Thành Ủy thành phố Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân tiếp ông Hoàng Khôn Minh, ủy viên Bộ Chính Trị, trưởng Ban Tuyên Truyền Trung Ương của đảng Cộng Sản Trung Quốc. (T.K.)

Published in Việt Nam