Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Phiên xử blogger Mẹ Nấm sẽ diễn ra vào ngày 29/6 (RFA, 17/06/2017)

Cập nhật thông tin về hai nhà hoạt động nữ đang bị giam giữ.

hr1 - Copie

Blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại công an tỉnh Khánh Hòa chiều ngày 10/10. Capture from video

Phiên xử blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa lên lịch vào ngày 29 tháng 6 tới đây. Tội danh mà cơ quan này nêu trong lịch xét xử đối với nhà hoạt động đang bị giam giữ là ‘tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Nếu phiên xử diễn ra đúng như lịch mà Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa công khai thì sau hơn 8 tháng bị giam giữ để điều tra về những cáo buộc liên quan, blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ra tòa để bị luận tội và nhận án.

Bà Nguyễn thị Tuyết Lan, thân mẫu của blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cho Đài Á Châu Tự do biết đến thời điểm ngày 17 tháng 6 năm 2017 con gái của bà bị giam đúng 250 ngày mà bà không được cơ quan chức năng cho biết tin gì về người bị giam giữ, cũng như không cho thăm gặp.

Theo bà Nguyễn thi Tuyết Lan thì khi được luật sư Nguyễn Khả Thành, cho biết tin về lịch xử blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thì bà thấy rằng như thế con gái bà vẫn còn sống.

Tin cho biết hai luật sư Nguyễn Hà Luân và Lê Văn Luân ở Hà Nội đã nhận được giấy chứng nhận bào chữa cho blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Trong khi đó hai luật sư thuộc Đoàn Phú Yên là Nguyễn Khả Thành và Võ An Đôn đến ngày 17 tháng 6 vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận bào chữa theo như thư yêu cầu mà blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh gửi từ trại giam ra.

Xin được nhắc lại blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một nhà hoạt động lên tiếng mạnh mẽ về nhiều vấn đề tại Việt Nam như chống Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa ; cổ xúy cho quyền con người ; chống nạn công an bạo hành, bảo vệ môi trường sạch…

Về trường hợp nhà hoạt động nữ Trần Thị Nga hiện đang bị giam giữ ở Trại tạm giam Công an Tỉnh Hà Nam cũng với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ theo điều 88 Bộ Luật hình sự, thì luật sư được cấp giấy chứng nhận bào chữa cho bà là Hà Huy Sơn vào ngày 17 tháng 6 có đơn đề nghị chuyển bà đến bệnh viện điều trị.

Đơn vừa nêu được làm sau ngày 16 tháng 6 khi luật sư có cuộc làm việc tại Trại tạm giam với thân chủ là bà Trần Thị Nga. Theo đó bà này bị hiện bị rách niêm mạc họng, suốt 20 ngày qua chỉ có thể ăn cháo khiến sức khỏe suy kiệt nhanh ; trong khi đó điều kiện y tế và thuốc men của Trại tạm giam không bảo đảm khiến bệnh tình của bà Trần Thị Nga ngày càng trầm trọng.

Bản thân bà Trần thị Nga đã hai lần đề nghị Ban Giám thị Trại tạm giam cho đi bệnh viện chữa trị nhưng không được chấp thuận.

Theo luật sư Hà Huy Sơn thì theo luật của Việt Nam hiện nay trại trạm giam phải có trách nhiệm đưa bà Trần Thị Nga đi bệnh viện điều trị.

Nhà hoạt động nữ Trần Thị Nga bị bắt vào ngày 21 tháng 1 năm 2017. Bà là người tích cực hoạt động giúp những lao động xuất khẩu bị lừa’ đặc biệt những công nhân Việt ở Đài Loan nơi bà từng sang lao động. Bà cũng tham gia hoạt động cổ xúy dân chủ- nhân quyền tại Việt Nam ; lên án bất công, tham nhũng, hủy hoại môi trường…

********************

Trấn áp vẫn theo chiều hướng gia tăng (RFA, 16/06/2017)

Kể từ sau Đại hội lần thứ 12 của Đảng cộng sản Việt Nam, thêm nhiều nhà hoạt động bị bắt giam như blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nhà hoạt động Trần Thị Nga, anh Hoàng Đức Bình, phóng viên tự do trẻ Nguyễn Văn Hóa…Bên cạnh đó, nhiều nhà hoạt động bị sách nhiễu trong cuộc sống thường ngày, một trong những trường hợp gần đây nhất là Luật sư Lê Quốc Quân bị chặn không cho ra khỏi nhà, sau khi anh đã có cuộc gặp với phái đoàn Thượng nghị sỹ Mỹ tới Hà Nội.

hr2 - Copie

Công an tỉnh Hà Nam đọc lệnh bắt chị Trần Thị Nga tại Hà Nội ngày 21 tháng 1 năm 2017 - citizen

Chia sẻ nhận định về những sự trấn áp sau Đại hội 12, Luật sư Lê Quốc Quân cho rằng, tình trạng này đang gia tăng :

"Hàng chục nhà hoạt động đã bị bắt và nhiều việc hành hung, thậm chí như cá nhân tôi từng xảy ra chuyện bị đe dọa hành hung rất côn đồ. Đối với tôi việc này chưa bao giờ xảy ra. Tôi khẳng định tình hình ngày càng căng thẳng và bắt bớ ngày càng gia tăng"

Anh Nguyễn Chí Tuyến - thành viên nhóm No-U Hà Nội, nạn nhân của một vụ hành hung sau các hoạt động tuần hành năm 2015 đánh giá, sự trấn áp đối với các nhà hoạt động trẻ thực sự đáng quan ngại :

"Khi ý thức người dân lên cao thì đương nhiên việc này không dễ chút nào cho những người cai trị, những người cầm quyền. Vốn dĩ họ vẫn hành xử như vậy từ xưa đến nay, do vậy họ vẫn tìm cách để dập tiếng nói đó và họ cố kéo dài tình trạng này."

Nhiều năm qua, cộng đồng quốc tế và chính phủ nhiều nước đã có sự hối thúc mạnh mẽ đối với chính quyền Việt Nam, buộc họ phải cải thiện hồ sơ nhân quyền, tôn trọng các quyền tự do về chính trị, xã hội của người dân, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu, mở rộng ngoại thương.

Nhiều nhà hoạt động quan ngại về sự gia tăng đàn áp trong thời gian sắp tới. Luật sư Lê Quốc Quân cho rằng, tính bạo lực sẽ gia tăng khi rơi vào tình trạng tận cùng :

"Vì Việt Nam là một nước đang hòa bình và rõ ràng chúng ta phải tận dụng cơ hội hòa bình này để phát triển đất nước. Chúng ta thực hiện một tinh thần ôn hòa, hòa hợp hòa giải dân tộc để phát triển kinh tế. Thay vì đó tôi vẫn thấy có một sự bức xúc và một sự xung đột đang gia tăng dần lên trong xã hội giữa việc sử dụng bạo lực, cường quyền, thậm chí chia rẽ lương-giáo, giữa người hoạt động với người bảo vệ chính quyền. Và tính bạo lực ngày càng gia tăng thì đó là điều rất đáng ngại."

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, sức ép từ bên ngoài dường như không còn được như kỳ vọng. Luật sư Lê Quốc Quân cho rằng, có sự liên hệ giữa tình hình quốc tế với tình trạng trấn áp trong nước :

"Lịch sử trải qua những giai đoạn thăng trầm, tất yếu là có những đoạn lên, đoạn xuống, và những đoạn dẫn đến sự tột cùng của mâu thuẫn. Có thể vào những lúc đó thì sự bạo lực, sự hung hăng sẽ lên ngôi."

Anh Nguyễn Chí Tuyến cho rằng, vì mục đích duy trì quyền lực độc tôn càng lâu càng tốt, chính quyền sẽ vẫn gia tăng trấn áp :

"Họ sẽ nhằm vào bất cứ một người nào, đặc biệt là những người trẻ tuổi có tiếng nói ảnh hưởng nào đó. Họ đều tìm cách cô lập người đó bằng cách bắt bớ, tù đày, hoặc đánh đập, đe dọa, hoặc bao vây kinh tế."

Bạn trẻ Nguyễn Peng là nạn nhân của việc bắt giữ tuỳ tiện, đánh đập tại Buôn Mê Thuột vừa qua, nhưng bạn vẫn mong muốn lên tiếng cho một đất nước Việt Nam nhân quyền được tôn trọng :

"Bản thân tôi không bao giờ chùn bước. Tôi đã bị nhiều lần rồi nên những việc đó đối với tôi rất bình thường."

Con đường công lý và sự thật

hr3 - Copie

Nhà hoạt động Lê Mỹ Hạnh bị đồng bọn của Phan Sơn Tùng đánh đập tại Sài Gòn Citizen

Trong bối cảnh tình hình nhân quyền còn chưa được bảo đảm, các nhà hoạt động bị trấn áp, Luật sư Lê Quốc Quân cho rằng, giới đấu tranh cần kiên định con đường đã chọn :

"Cá nhân tôi luôn theo đuổi tinh thần ôn hoà, bất bạo động. Tôi cũng chia sẻ rằng mới đây công an đe dọa tôi, định đánh tôi, nắm cổ áo và dí nắm đấm vào người tôi. Tôi mỉm cười vì tôi thấy rằng sau những hành vi như vậy là những tâm hồn yếu đuối bởi vì nó không có công lý, sự thật. Còn khi chúng ta có công lý, sự thật, có con đường để đi tới, có một mục tiêu để theo đuổi trên cuộc đời này thì chúng ta hãy cứ bình an bước tới, theo đuổi đam mê, dấn thân và phụng sự. Chắc chắn dần dần rồi sẽ có kết quả."

Tuy dù chịu nhiều sự trấn áp, các nhà hoạt động vẫn trông đợi một sự thay đổi và cởi mở về mặt chính trị. Luật sư Lê Quốc Quân cho biết :

"Để chống lại sự đàn áp mà nhà cầm quyền đang tước đoạt các quyền công dân như vậy thì người dân phải có sự liên kết, chia sẻ và đồng cảm lẫn nhau, để cùng nhau phối hợp, hành động trong những lãnh vực và những khả năng có thể với nhau."Anh Nguyễn Chí Tuyến cho rằng, người dân cần hiểu về quyền của mình và thực hành các quyền đó trong thực tế, để làm tăng sức mạnh ý chí của từng cá nhân :

"Tôn trọng dân chủ, nhân quyền, thực hành quyền đa nguyên đa đảng, cải cách chính trị là những bước đi tôi nghĩ chính quyền nên lựa chọn và theo đuổi nó một cách nhất quán và mạnh mẽ hơn nữa."

Còn anh Nguyễn Chí Tuyến thì cho rằng :

"Các ông, các bà nên nhớ rằng thời đại đã thay đổi, đừng nên níu kéo quyền lực độc tôn mãi mãi như xưa nữa và cần thay đổi tư duy. Các ông, các bà cần trao lại quyền cho người dân vì người ta mới xây dựng được đất nước."

Con đường đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại những quốc gia độc đảng, quân phiệt lâu nay cho thấy đầy chông gai, thử thách và phải trả cả bằng ‘giá máu’ của những người tham gia. Tuy nhiên đó không phải là con đường vô vọng !

Published in Việt Nam