Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Blogger Mẹ Nấm tuyệt thực và ngừng ăn thức ăn của nhà tù (RFA, 01/06/2018)

Tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm, vừa qua phải dùng biện pháp tuyệt thực và cho biết sẽ từ chối thức ăn của nhà tù vì có những biểu hiện lạ.

menam1

Bà Nguyễn Tuyết Lan cùng 2 cháu đến trại giam số 5, Thanh Hóa thăm blogger Mẹ Nấm Trịnh Kim Tiến

Vào chiều ngày 31 tháng 5, 2018, thân mẫu và hai con của tù nhân Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đến Trại 5 Yên Định, Thanh Hóa và 4 người có cuộc gặp tại đó. Đây là lần gặp thứ 2 với thân nhân kể từ khi tù nhân Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị chuyển trại giam.

Trả lời Đài Á Châu Tự Do khi đang trên đường trở về lại nhà sau chuyến thăm con, thân mẫu của blogger Mẹ Nấm bà Nguyễn Tuyết Lan cho biết :

"Tôi có vô gặp Quỳnh, Quỳnh nói có một vài việc con muốn nói với mẹ ngay bây giờ đây. Thứ nhất từ ngày 5 đến ngày 11 tháng 5 con đã tuyệt thực bởi vì cách đối xử ở xung quanh con đã không làm con vừa lòng, và từ rày con sẽ không ăn đồ ăn của trại giam họ đưa cho con nữa bởi vì khi con ăn vô có những biểu hiện rất kỳ lạ, rất khó chịu và các khớp có lẽ con nằm dưới đất, các khớp của con đều sưng lên hết. Quỳnh có nói với tôi như vậy".

Cũng theo bà Tuyết Lan thì cho đến nay blogger Mẹ Nấm vẫn bị trại giam từ chối không cho nhận Sách Thánh kinh và Thánh ca cũng như thư từ của bạn bè và người thân. Thư mà blogger Mẹ Nấm gởi ra cũng không được gởi về nhà mà bị giữ lại cho đến khi có cuộc gặp vào ngày 31 tháng 5. Những bức thư từ các tổ chức quốc tế gởi đến cho bà Tuyết Lan cho đến nay bà vẫn chưa nhận được.

Xin nhắc lại, vào tháng 10 năm 2016, blogger Mẹ Nấm đã bị nhà cầm quyền Khánh Hòa bắt giữ sau những nỗ lực tranh đấu của bà cho vấn đề chủ quyền biển, đảo của tổ quốc, cũng như vấn đề dân sinh, nhân quyền của người dân Việt Nam. Bà bị khởi tố và tuyên án 10 năm tù giam và với cáo buộc "Tuyên truyền chống Nhà nước" theo điều 88 Bộ Luật hình sự trong phiên xử sơ thẩm ngày 29 tháng 6 năm 2017.

Tòa phúc thẩm vào 30 tháng 11 năm 2017 giữ nguyên án sơ thẩm. Sau khi tuyên án, vào ngày 27 Tết Âm lịch 2018, bà bị chuyển trại giam từ Khánh Hòa ra Trại giam số 5, Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

******************

Tù nhân lương tâm Thúy Nga không được gặp và gọi cho gia đình (RFA, 01/06/2018)

Tù nhân lương tâm Trần Thị Nga đã mấy tháng nay vẫn chưa được phép gặp và gọi điện cho người thân.

menam2

Nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga (giữa) tại phiên tòa phúc thẩm ở tỉnh Hà Nam hôm 22/12/2017 - AFP

Thông tin này được ông Phan Văn Phong, người phối ngẫu của bà Nga cho đài RFA biết vào hôm 1 tháng 6.

Ông Phong cho biết vào hôm 29 tháng 5 ông đã nhận được cuộc điện thoại của một người nói là ở cùng phòng giam với bà Nga vừa ra trại và cho ông biết một số thông tin về bà Nga :

Cô ấy gọi điện nhắn rằng đợt này đừng có vào vội vì người ta chưa cho gặp đâu. Tôi cũng chả biết người nhắn đó là ai. Người ta nói sức khỏe của chị Nga vẫn bình thường thôi. Họ nói vậy thì mình biết thế thôi, chứ thực sự như thế nào thì không thể biết được. Từ tết đến giờ điện thoại tiêu chuẩn 5 phút người ta cũng cắt không cho gọi về.

Theo ông Phong, kể từ tết âm lịch tới nay bà Nga chưa được gọi về cho gia đình

Ông Phong cũng nói thêm rằng phía trại giam cho biết bà Nga luôn tỏ thái độ chống đối quyết liệt kể từ khi nhập trại nên không giải quyết những quyền lợi của tù nhân cho bà Nga. Vài ngày nữa ông sẽ dẫn hai con nhỏ vào Gia Lai để thăm bà Nga.

Nhà hoạt động Trần Thị Nga hay còn biết đến với tên Thúy Nga, thường lên tiếng ủng hộ các dân oan, các tù nhân lương tâm, chống lại những sai trái của nhà cầm quyền địa phương. Bà là một lao động tại Đài Loan bị cả chủ và người môi giới lừa đảo buộc bà phải lên tiếng đấu tranh, và từ sau khi trở về nước bà đã tham gia vào các hoạt động biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo, dấn thân đòi đòi công bằng xã hội.

Bà là một trong số ít các nhà hoạt động nữ nhiều lần bị đánh đập kể cả bị gẫy chân tay, cũng như nhà liên tục bị sách nhiễu bằng đủ hình thức và cấm cản các hoạt động.

Ngày 22 tháng 12 năm ngoái, tòa án tỉnh Hà Nam y án 9 năm tù giam và 5 năm quản chế đối với nhà hoạt động Trần Thị Nga với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước. Vào tháng 3 vừa qua, bà bị chuyển sang trại Gia Trung, tỉnh Gia Lai.

Ngày 20 tháng 10 năm ngoái bà được tổ chức Ân Xá Quốc Tế vinh danh là một trong 6 phụ nữ can đảm của năm.

***************

Bộ Công an Việt Nam quyết định truy nã nguyên tổng giám đốc PVtex (RFA, 31/05/2018)

Bộ công an Việt Nam vào ngày 31 tháng 5 năm 2018 ra quyết định truy nã ông Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex).

menam4

Bộ Công an Việt Nam truy nã Vũ Đình Duy. Bộ Công an Việt Nam

Theo Cơ quan An ninh Điều tra sau khi xác minh kết luận Vũ Đình Duy đã bỏ trốn, Bộ Công an ra quyết định khởi tố và truy nã ông này với tội danh " Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo điều 165 Bộ luật hình sự 1999 và tội " Nhận hối lộ" theo điều 354 bộ luật hình sự 2015.

Vào năm 2017, cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã ra quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam 5 đối tượng thuộc ban lãnh đạo của PVTex gồm Trần Trung Chí Hiếu, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị PVtex, Vũ Đình Duy nguyên tổng giám đốc PVtex, Vũ Phương Nam kế toán trưởng, Đào Ngọ Hoàng Nguyên, trưởng phòng thương mại hợp đồng và Đỗ Văn Hồng, chủ tịch hội đồng quản trị và là tổng giám đốc PVC.

Tại thời điểm khởi tố, cơ quan điều tra chưa xác minh được ông Vũ Đình Duy đang ở đâu vì ông này đa xin ra nước ngoài chữa bệnh từ tháng 10 năm 2016.

Xin nhắc lại, Báo cáo của Tập Đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem) và Bộ Công Thương vào đầu năm 2017 xác định ông Duy đã vắng mặt tại cơ quan từ ngày 24 tháng 10 năm 2016 với lý do ra nước ngoài chữa bệnh. Ngày 1/12/2017, Bộ Công thương đã ban hành quyết định kỷ luật buộc thôi việc với ông Duy do vi phạm nghiêm trọng kỷ luật lao động và vi phạm quy định về quản lý đoàn đi nước ngoài.

Truyền thông trong nước loan tin cho hay Vinachem đã chính thức khai trừ đảng đối với ông Vũ Đình Duy nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVtex). Tập đoàn này cũng đã tiến hành niêm phong tất cả những đồ đạc tại văn phòng của ông này.

Vừa qua, ông Vũ Đình Duy xuất hiện trước một phiên tòa tại Đức đang xét xử vụ việc liên quan ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức ngành dầu khí Việt Nam. Ông Trịnh Xuân Thanh trốn được sang Đức và nộp đơn xin tỵ nạn ; thế nhưng vào tháng 7 năm ngoái, Berlin lên tiếng cáo buộc phía Hà Nội sang bắt cóc đưa ông này về nước rồi đưa ra xử và tuyên án chung thân.

Published in Việt Nam