Thấy gì qua việc Mỹ giúp Việt Nam đào tạo phi công quân sự ? (BBC, 07/06/2019)
Việc hai phi công Việt Nam vừa tốt nghiệp chương trình đào tạo phi công Hoa Kỳ khiến có người nêu câu hỏi đây có phải là dấu hiệu cho thấy tương giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang nồng ấm lên.
Thượng úy Đặng Đức Toại trên chiếc T-6 Texan II
Một nhà quan sát nói việc phi công quân sự Việt Nam được cử đi học ở Mỹ "mang tính giao lưu là chính", trong khi ý kiến khác cho rằng trước bối cảnh quan hệ Việt Nam và Mỹ đang hết sức tốt đẹp, sự kiện này "không phải là việc gì quá ngạc nhiên".
Đại sứ quán hoa Kỳ tại Việt Nam loan báo :
"Trong khuôn khổ Chương trình Lãnh đạo Hàng không của Không quân Hoa Kỳ, Thượng úy Đặng Đức Toại là phi công Việt Nam đầu tiên sẽ tốt nghiệp chương trình đào tạo phi công Hoa Kỳ tại Căn cứ Không quân Columbus"."Tiếp theo sẽ là Trung úy Doãn Văn Cảnh, người hiện đang theo học Chương trình Lãnh đạo Hàng không. Không quân Hoa Kỳ mong muốn có thêm nhiều phi công Việt Nam tham dự Chương trình Lãnh đạo Hàng không trong tương lai !".
Tường thuật sự kiện này, báo VietnamNet cho hay : "Việc phía Mỹ đào tạo phi công quân sự cho Không quân nhân dân Việt Nam được xem là bước tiến mới đầy triển vọng trong hợp tác quốc phòng giữa hai nước".
"Mở rộng hơn, sự kiện Mỹ đào tạo phi công quân sự cho Việt Nam có thể cho phép chúng ta nghĩ tới một ngày hai nước sẽ có các cuộc tập trận chung", tờ báo viết thêm.
Hôm 6/6, Facebooker Ann Đỗ nói với BBC :
"Tôi nghĩ chương trình phi công quân sự cho Việt Nam nằm trong khuôn khổ hợp tác đã ký, huấn luyện bay ở mức cơ bản cho phi công lái T-6 và mang tính giao lưu là chính".
"Phía Mỹ cũng kỳ vọng những viên phi công này khi về nước sẽ là những quan chức quân sự trong tương lai, có hiểu biết về đối phương, tạo thiện cảm với bên ngoài".
'Quan hệ Việt-Mỹ đang hết sức tốt đẹp'
Hôm 6/6, trả lời BBC, ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu viên cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Sài Gòn (SCIS), nói :
"Theo như tôi hiểu, thông tin về quân sự quốc phòng Việt Nam nói chung thì tùy loại thông tin như thế nào thì mới được thông báo rộng rãi, nhưng đa phần về chiến lược mua sắm trang thiết bị, chiến lược tác chiến thì là thông tin mật. Các hợp đồng mua bán vũ khí hay hợp tác quân sự quốc tế như trên thì sau khi tiến hành xong thì mới thông báo, mà có khi thông báo gián tiếp như trường hợp trên là thông qua Đại sứ quán Mỹ. Phía các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ hiếm khi bình luận trực tiếp những vấn đề này".
"Việc phi công quân sự của Việt Nam được cử đi học ở Mỹ cũng không phải là việc gì quá ngạc nhiên, nhất là đặt trong bối cảnh quan hệ quốc phòng nói chung và quan hệ Việt-Mỹ nói riêng đang hết sức tốt đẹp. Chương trình Lãnh đạo Hàng không (ALP) là một trong những chương trình hỗ trợ huấn luyện phi công nước ngoài của Không quân Mỹ dành cho các quốc gia thân thiện đang phát triển. Từ cuối năm ngoài đã có thông tin là Mỹ có khả năng cao cung cấp các máy bay huấn luyện T-6 Texan II cho Việt Nam, và hai phi công Việt Nam tham gia ALP chính là được huấn luyện trên các máy bay loại này".
Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Patrick Shanahan tại Đối thoại Shangri-La 2019
"T-6 Texan II là loại máy bay huấn luyện sơ cấp một động cơ cánh quạt do Mỹ chế tạo. Về căn bản, quy trình huấn luyện phi công quân sự Việt Nam khá toàn diện. Sau hai năm học lý thuyết, học viên sẽ được tập bay với các máy bay huấn luyện sơ cấp, chính là các máy bay cánh quạt một động cơ tương tự như T-6 Texan II. Ở Việt Nam thì dòng máy bay đang được sử dụng để huấn luyện sơ cấp là Yakolev Yak-52 do Liên Xô chế tạo từ những năm 70. Huấn luyện sơ cấp là để học viên làm quen với các điều kiện bay, môi trường bay khi chuyển từ lý thuyết sang thực hành".
"Sau khi hoàn thành xong khóa huấn luyện sơ cấp thì học viên sẽ chuyển sang dòng máy bay huấn luyện đa năng phản lực. Ở Việt Nam thì dòng máy bay đang được sử dụng là L-39 do Tiệp Khắc chế tạo. Đây sẽ là bước chuyển tiếp thứ hai để tiến tới làm chủ các dòng máy bay chiến đấu chính trong không quân hiện nay là Su-22 hay Su-27/30. Các dòng tiêm kích như Su-27/30 bản thân cũng có một số phiên bản huấn luyện riêng, và phi công một khi tiến hành chuyển loại thì sẽ bay trên các phiên bản huấn luyện đó".
'Vẫn thận trọng'
Ông Thế Phương cho biết thêm :
"Hệ thống đào tạo phi công chiến đấu ở Việt Nam khá bài bản, thứ cần cải thiện chính là giáo trình huấn luyện (có cập nhật hay không) và chất lượng khí tài huấn luyện. Việc mua sắm T-6 Texan II nếu xảy ra sẽ đáp ứng cho mục đích này. Nó cho thấy nhu cầu hiện đại hóa công tác huấn luyện nói riêng, và hiện đại hóa Không quân nói chung vẫn đang là một trong những ưu tiên, nhất là trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị hiện nay".
"Mục đích khác của việc này chính là tăng cường quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Sau khi dỡ bỏ cấm vận vũ khi thì cả Việt Nam và Mỹ đều đã có những bước đi tích cực trong việc xác định Việt Nam cần loại vũ khí nào. Tuy nhiên có một điều chắc chắn là Việt Nam sẽ chưa mua sắm ngay các vũ khí hiện đại nhất của Mỹ, do hạn chế về mặt tài chính là thứ nhất, và do khả năng tương thích với hệ thống cũ là thứ hai".
"Theo quan sát của tôi, ưu tiên của Việt Nam bây giờ vẫn là dành cho an ninh an toàn hàng hải, an ninh biển (trong tương lai Mỹ sẽ tiếp tục giao các tàu lớp Hamilton cho Việt Nam), cho trinh sát, giám sát, tình báo (thông qua hợp đồng mua 6 UAV Eagle Eyes của Mỹ), gìn giữ hòa bình và huấn luyện (T-6 Texan II)".
Thượng úy Đặng Đức Toại trong lễ tốt nghiệp hôm 30/5
"Nhìn xa hơn vào tương lai, ALP có thể hoàn toàn mở rộng ra hơn nữa, không những bao gồm đào tạo trên các máy bay huấn luyện, mà còn trên các loại máy bay hiện đại hơn. Điều này sẽ tùy thuộc vào nhu cầu của Việt Nam, tức là Hà Nội có thực sự mong muốn đẩy mạnh hơn nữa mảng hợp tác này hay không. Đây là một khả năng mà cả Việt Nam và Mỹ đều mong muốn để ngỏ, và đi những bước đi từ từ".
"Cũng đã đến lúc Việt Nam tiếp cận dần dần công nghệ quân sự của Mỹ, điều này trong bối cảnh chiến lược hiện nay là có lợi, vì nó mở rông sự lựa chọn của Việt Nam đối với quá trình hiện đại hóa quân đội vốn đang bắt đầu chậm chạp trong những năm qua".
"Tuy nhiên cần chú ý là Việt Nam vẫn sẽ khá thận trọng trong việc quyết định xem là mình sẽ mua vũ khí nào từ Mỹ. Mỹ sẵn sàng cung cấp các thiết bị quân sự tốt nhất cho Việt Nam, như Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Andrea Thompson đã nói, điều quan trọng là Hà Nội có sẵn sàng mua hay không".
'Thể hiện cam kết'
Trong khi đó, thông cáo do Chương trình Lãnh đạo Hàng không (ALP) phát đi cho hay : "Khi trở về Việt Nam sau khóa học, Thượng úy Đặng Đức Toại sẽ lái chiếc CASA 295, máy bay vận tải quân sự chiến thuật hai động cơ".
"Sự tham gia của hai phi công Việt Nam trong chương trình giúp tăng cường hợp tác Quốc phòng Mỹ-Việt và thể hiện cam kết của hai nước trong Bản ghi nhớ năm 2011 về thúc đẩy hợp tác Quốc phòng song phương và Tuyên bố 2015 Tầm nhìn về quan hệ Quốc phòng".
"Ông Toại cho biết đang nóng lòng trở về Việt Nam để chia sẻ với các phi công khác về những bài học kinh nghiệm sau 12 tháng huấn luyện tại căn cứ không quân Columbus, bang Mississippi".
Tin Mỹ giúp Việt Nam đào tạo phi công quân sự được loan báo trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo rằng sẽ cung cấp cho Việt Nam tổng cộng sáu máy bay không người lái trinh sát ScanEagle. Dự kiến các máy bay trinh sát không người lái này sẽ được triển khai trên các tàu tuần tra lớp Hamilton cũng như DN-2000.
Hôm 2/6, tin cho hay Việt Nam tiếp nhận hai chiếc trực thăng Bell 505 do Mỹ sản xuất mang số hiệu lần lượt là VN-8650 và VN-8651.
Trong một diễn biến khác, tại cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La 2019, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Patrick Shanahan nhấn mạnh Hoa Kỳ hoan nghênh tiếng nói của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, đồng thời ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò chủ tịch Asean vào năm 2020. Ông Patrick Shanahan đánh giá cao việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, theo InfoNet.
"Về hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ trong thời gian tới, hai bên nhất trí tiếp tục triển khai các lĩnh vực hợp tác hiện có phù hợp với các thỏa thuận đã ký kết ; trong đó ưu tiên việc khắc phục hậu quả chiến tranh, hợp tác đào tạo, duy trì các cơ chế đối thoại và trao đổi đoàn cấp cao", tờ báo viết.
Ben Ngô
*****************
Bộ Quốc phòng Mỹ mới xác nhận rằng Hoa Kỳ "cung cấp" cho Việt Nam máy bay huấn luyện T-6 để giúp quốc gia cựu thù tăng cường "khả năng phòng thủ".
Một chiếc T-6 trên bầu trời Texas, Mỹ.
Lầu Năm Góc cũng nói rằng Hoa Kỳ "đang ưu tiên mối quan hệ mới với Việt Nam", "củng cố quan hệ đối tác chiến lược dựa trên các nguyên tắc và lợi ích chung", theo tài liệu có tên gọi "Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương".
"Bộ Quốc phòng đang làm việc để cải thiện khả năng phòng thủ của Việt Nam bằng cách cung cấp hỗ trợ an ninh, trong đó có máy bay không người lái ScanEagle, máy bay huấn luyện T-6, tàu tuần duyên cũ, trọng tải cao của Tuần duyên Mỹ và một số xuồng tuần tra loại nhỏ cũng như các cơ sở bảo dưỡng và huấn luyện liên quan", phúc trình được công bố hôm 1/6 có đoạn.
Hiện chưa rõ thời gian diễn ra việc "cung cấp" này. Theo tìm hiểu của phóng viên VOA tiếng Việt, T-6 là loại máy bay được Không quân Hoa Kỳ sử dụng để tiến hành huấn luyện phi công cơ bản và sĩ quan phục vụ hoạt động tác chiến. Mỗi chiếc có giá hơn 4 triệu đôla.
Hai ngày sau khi phúc trình được công bố, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội đăng tải hình ảnh một phi công quân sự Việt Nam đang được Hoa Kỳ đào tạo đứng trước một chiếc máy bay huấn luyện T-6 một động cơ và 2 chỗ ngồi.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết "đang củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam dựa trên các nguyên tắc và lợi ích chung", trong đó có "quyền tự do hàng hải, tôn trọng trật tự dựa trên luật lệ theo luật pháp quốc tế và công nhận chủ quyền quốc gia".
"Quân đội Mỹ cũng tham gia vào nhiều cuộc trao đổi huấn luyện thường niên nhằm tăng cường hợp tác và tương tác song phương với Quân đội Nhân dân Việt Nam, Không quân, Hải quân và Tuần duyên [Cảnh sát biển] Việt Nam", phúc trình cho biết.
"Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương" nói thêm rằng "trong khi duy trì các chính sách ngoại giao độc lập", Việt Nam "có cùng tầm nhìn chung của khu vực về một khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tự do và rộng mở" và "tập trung vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế thịnh vượng trong khu vực".
Một vấn đề khác liên quan tới Việt Nam là tranh chấp ở Biển Đông cũng được đề cập nhiều lần trong báo cáo. "Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] bằng cách đặt tên lửa hành trình chống tàu và tên lửa đất đối không tầm xa trên quần đảo tranh chấp Trường Sa đồng thời triển khai lực lượng bán vũ trang trong các tranh chấp hàng hải với các nước khác", phúc trình có đoạn.
Viết ngay trong phần mở đầu phúc trình đầu tiên được xuất bản kể từ khi Tổng thống Donald Trump công bố tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Việt Nam cuối năm 2017, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick M. Shanahan nói rằng chính quyền Bắc Kinh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, "tìm cách lập lại trật tự khu vực" để mang lại ưu thế cho mình nhằm "cưỡng ép các nước khác".
"Ngược lại, Bộ Quốc phòng [Mỹ] ủng hộ các lựa chọn thúc đẩy sự thịnh vượng và hòa bình lâu dài cho mọi người ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương", ông Shanahan viết.
"Chúng tôi không chấp nhận các chính sách hoặc hành động đe dọa hoặc làm tổn hại tới trật tự quốc tế dựa trên luật lệ - một trật tự mang lại lợi ích cho mọi quốc gia. Chúng tôi cam kết bảo vệ và củng cố các giá trị chung này".
Trong cuộc họp báo hôm 3/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng chỉ trích "các cáo buộc vô căn cứ" của Bộ Quốc phòng Mỹ, đồng thời tuyên bố rằng Bắc Kinh "lâu nay luôn duy trì trật tự quốc tế".
Viễn Đông
********************
Mỹ bán máy bay trinh sát cho đồng minh khu vực Biển Đông (VOA, 04/06/2019)
Chính quyền Mỹ xúc tiến thương vụ bán máy bay trinh sát không người lái cho bốn đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực Biển Đông trong lúc quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan tuyên bố Washington sẽ không ‘lảng tránh’ thái độ của Trung Quốc ở Châu Á nữa.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan bắt tay với người đồng cấp phía Indonesia, Ryamizard Ryacudu, tại Jakarta, Indonesia, hôm 30/5/19.
Các máy bay này có khả năng thu thập tình báo tốt hơn giúp kiềm chế hoạt động của Trung Quốc trong khu vực.
Trong bài diễn văn tại đối thoại Shangri-La thường niên ở Singapore hôm thứ bảy, ông Shanahan không trực tiếp nêu tên Trung Quốc khi tố cáo rằng có những tác nhân gây bất ổn cho khu vực nhưng nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ không ngó lơ trước thái độ của Trung Quốc.
Ngũ Giác Đài hôm thứ sáu loan báo sẽ bán 34 máy bay không người lái ScanEagle do Boeing sản xuất cho các chính phủ Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam tổng cộng 47 triệu đô la.
Các hợp đồng này bao gồm linh kiện dự phòng và sửa chữa, thiết bị hỗ trợ, dịch vụ kỹ thuật và đào tạo.
Khoảng 12 chiếc máy bay không người lái, không võ trang, cùng thiết bị sẽ được giao cho Malaysia trị giá 19 triệu đô la.
Indonesia mua 8 chiếc, Philippines đặt 8 chiếc, và Việt Nam tậu 6 chiếc.
*******************
Mỹ đào tạo phi công quân sự Việt Nam đầu tiên sau chiến tranh (VOA, 03/06/2019)
Thượng uý Đặng Đức Toại là phi công quân sự đầu tiên của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sẽ tốt nghiệp chương trình đào tạo phi công của Không lực Hoa Kỳ, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội thông báo trong một bài viết ngắn đăng trên trang Facebook của mình hôm 3/6.
Thượng úy Đặng Đức Toại, phi công quân sự Việt Nam, chụp cùng đồng nghiệp tại một căn cứ của Không lực Hoa Kỳ, tháng 6/2019
Đại sứ quán "chúc mừng" viên phi công được nêu tên và cho biết thêm ông Toại được đào tạo trong khuôn khổ Chương trình Lãnh đạo Hàng không của Không lực Hoa Kỳ (USAF), tại Căn cứ Không quân Columbus, bang Mississippi.
Các tài liệu công bố trên mạng của Bộ Quốc phòng và Hạ viện Mỹ cho biết, Không lực Hoa Kỳ được phép thực hiện Chương trình Lãnh đạo Hàng không để đào tạo phi công ở bậc căn bản và các huấn luyện khác có liên quan cho "không quân của các nước ngoài thân thiện và đang phát triển".
Ra đời theo một đạo luật về ngân sách quốc phòng trong năm tài khóa 1994, Mỹ nhìn nhận rằng các nỗ lực của chương trình có thể "thúc đẩy các lợi ích về an ninh quốc gia của Mỹ" và "cải thiện quan hệ song phương" với các nước nhận tài trợ từ chương trình.
Chương trình bao gồm "dạy ngôn ngữ" và các học phần "nhằm thúc đẩy nhận thức và hiểu biết tốt hơn về các định chế dân chủ và khuôn khổ xã hội của Hoa Kỳ", theo các tài liệu của Bộ Quốc phòng và Hạ viện Mỹ.
Theo tìm hiểu của VOA qua phái bộ ngoại giao Mỹ ở Việt Nam, phi công quân sự của Việt Nam bắt đầu tham gia chương trình huấn luyện của Không lực Hoa Kỳ từ năm 2016.
Hồi giữa tháng 12/2017, tin tức trên báo chí Việt Nam cho biết, khi Đại tướng Terrence J. O’shaughnessy, Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương Mỹ, thăm và làm việc tại Việt Nam, hợp tác về "huấn luyện, đào tạo phi công" là một trong các chủ để bàn thảo giữa vị tư lệnh và các lãnh đạo quốc phòng nước chủ nhà.
VOA được biết, trước ông Đặng Đức Toại, đã có một phi công khác của Không quân Nhân dân Việt Nam theo học chương trình của Không lực Hoa Kỳ trong hơn 2 năm. Nhưng "do hạn chế về tiếng Anh nên không tốt nghiệp được", một nguồn tin ngoại giao không muốn nêu danh tính cho hay. Viên phi công đó được trao "chứng chỉ tham gia chương trình" thay cho bằng tốt nghiệp.
Trong thông báo trên trang Facebook chính thức, Đại sứ quán Mỹ nói rằng tiếp sau ông Toại, Trung uý Doãn Văn Cảnh, người hiện đang theo học Chương trình Lãnh đạo Hàng không, cũng sẽ sớm tốt nghiệp.
"Không lực Hoa Kỳ mong muốn có thêm nhiều phi công Việt Nam tham dự Chương trình Lãnh đạo Hàng không trong tương lai !" Đại sứ quán Mỹ nói.
Kèm theo bài đăng của đại sứ quán là bức ảnh chụp Thượng úy Toại đứng cùng hai phi công ngoại quốc trước một chiếc Beechcraft T-6 Texan II, là máy bay huấn luyện nhỏ có động cơ cánh quạt và 2 chỗ ngồi.
Hồi tháng 2 năm nay, trong báo cáo gửi đến Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Đô đốc Philip S. Davidson, Tư lệnh Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương, đã đề cập một số loại vũ khí Mỹ mà Việt Nam đặt mua hoặc được tặng, trong đó có các máy bay không người lái ScanEagle, máy bay huấn luyện T-6 và tàu tuần duyên thứ 2 của lực lượng Tuần duyên Mỹ.
Sau khi báo chí loan tin về việc Việt Nam sẽ nhận được T-6, báo Đất Việt đưa ra phỏng đoán rằng đây có thể là một bước để Việt Nam chuẩn bị cho việc "hỏi mua" tiêm kích hạng nhẹ F-16 của Mỹ nhằm thay thế số MiG-21 đã nghỉ hưu, cũng như chuẩn bị cho việc phi đội Su-22 cũng sắp đến thời hạn ngừng bay.
Trước năm 1975, Mỹ đã đào tạo nhiều phi công chiến đấu cho Việt Nam Cộng Hòa ở miền nam, khi đó là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo chủ nghĩa cộng sản ở miền bắc.
Sau khi phe cộng sản chiến thắng, Việt Nam có tên chính tức là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1976.
Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ vào tháng 7/1995. Hai nước ký Biên bản Ghi nhớ (MoU) về Hợp tác Quốc phòng vào tháng 9/2011, một văn bản có mức độ ràng buộc pháp lý thấp nhưng vẫn được giới phân tích đánh giá rằng đó là "bước tiến lớn đánh dấu lần đầu tiên hai nước Việt, Mỹ định hình chính thức khuôn khổ hợp tác rõ ràng".
Biên bản xác định 5 lĩnh vực thúc đẩy hợp tác quốc phòng gồm hợp tác an ninh hàng hải, hợp tác tìm kiếm cứu nạn, hoạt động gìn giữ hòa bình, cứu trợ nhân đạo và thiên tai, và hợp tác giữa các trường đại học quốc phòng và các viện nghiên cứu.
**********************
Mỹ trang bị cho Việt Nam 6 máy bay trinh thám không người lái (RFA, 03/06/2019)
Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 1/6 cho biết công ty Insitu của hãng máy bay Boeing đã nhận được một đơn đặt hàng 6 chiếc máy bay trinh thám không người lái của Việt Nam trị giá gần 10 triệu đô la.
Các sĩ quan không quân Philippines đứng trước Máy bay không người lái ScanEagle ở Manila vào ngày 13 tháng 3 năm 2018. AFP
Đây là lần đầu tiên Việt Nam đặt mua lô thiết bị quân sự đáng chú ý nhất từ Mỹ kể từ sau khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam vào năm 2016.
Phát biểu tại triển lãm hàng không LIMA ở Langkawi (Malaysia) hồi tháng 3 vừa qua, ông Yeong Tae Pak, Giám đốc marketing phụ trách mảng thiết bị quốc phòng của Boeing ở Đông Nam Á, cho biết thương vụ cung cấp các máy bay trinh thám tầm xa không người lái ScanEagle cho Việt Nam được thực hiện qua chương trình tài trợ quân sự nước ngoài của Bộ Quốc phòng Mỹ và lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam sẽ là nơi tiếp nhận những thiết bị này.
Theo hợp đồng với Insitu, nhà sản xuất cũng sẽ cung cấp trang thiết bị phụ tùng, dịch vụ sửa chữa, hỗ trợ kỹ thuật, huấn luyện sử dụng cho phía Việt Nam. Hợp đồng dự kiến hoàn thành vào tháng 3 năm 2022.
Theo hợp đồng của Bộ Quốc phòng Mỹ, 6 chiếc ScanEagle UAV nói trên nằm trong số 34 chiếc mà phía Mỹ đang chế tạo và sẽ cung cấp cho các nước Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam.
Máy bay ScanEage UAV được nói nhỏ gọn có trọng lượng cất cánh khoảng 23 kg, sải cánh hơn 3m, có thể bay cao hơn 4,5 km, sử dụng pin điều khiển lên tới 20 giờ đồng hồ.
*********************
Bộ Quốc phòng Mỹ : Việt Nam đặt mua 6 máy bay không người lái (VOA, 03/06/2019)
Việt Nam đã đặt mua 6 máy bay không người lái của hãng Boeing trong một hợp đồng trị giá hơn 9,7 triệu USD, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.
Một máy bay không người lái trinh sát tầm xa ScanEagle trên bệ phóng. Việt Nam vừa đặt mua 6 chiếc loại này trong một hợp đồng trị giá hơn 9,7 triệu USD. (US Marine Corps/Gunnery Sgt
Thông báo đăng tải trên trang web của bộ Quốc phòng Mỹ hôm 31/5 nói rằng Insitu, một công ty con của Boeing, đã nhận được đơn đặt hàng 6 máy bay không người lái (UAV) của Việt Nam. Insitu sẽ sản xuất các UAV trinh sát tầm xa ScanEagle cho chính phủ Việt Nam có tổng trị giá gần 10 triệu USD.
Đây được coi là một trong các đợt mua thiết bị quân sự đáng chú ý nhất của Việt Nam từ Mỹ kể từ khi Washington dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Hà Nội vào năm 2016.
Bộ Quốc phòng Mỹ không cho biết các máy bay không người lái này sẽ được trang bị cho lực lượng vũ trang nào của Việt Nam. Tuy nhiên, hồi tháng 3 năm nay, Giám đốc marketing mảng thiết bị quốc phòng của Boeing ở Đông Nam Á, ông Yeong Tae Pak, cho biết rằng nơi tiếp nhận là Cảnh sát biển Việt Nam, theo Jane’s, một tạp chí chuyên về tình báo quốc phòng và anh ninh của Anh.
Tại sự kiện LIMA 2019 ở Malaysia hôm 27/3, ông Park nói rằng thương vụ cung cấp UAV trinh sát tầm xa ScanEagle đang được hỗ trợ qua chương trình Cung cấp Tài chính Quân sự Nước ngoài của Bộ Quốc phòng Mỹ.
"Đây là lần đầu tiên kể từ khi dỡ bỏ lệnh cấm vận, Cảnh sát biển Việt Nam sẽ tiếp nhận ScanEagle", ông Pak được tuần san của Anh trích lời nói.
Cựu Tổng thống Barack Obama tuyên bố việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam khi ông tới Hà Nội hồi tháng 5/2016.
ScanEagle là một loại UAV cỡ nhỏ do Boeing Insitu thiết kết cho nhiệm vụ trinh sát và do thám mặt đất và trên biển từ trên không. Theo mô tả của Boeing về thiết bị này, nó có thể bay trên độ cao 4.572m và có thời gian hoạt động lên tới 24 tiếng. ScanEagle, nằm trong hệ thống máy bay không người lái của Boeing, có chiều dài 1,5m và sải cánh 3m.
Hồi tháng 2, Đô đốc Philip Davidson tiết lộ tại Quốc hội Mỹ về việc Việt Nam mua máy bay trinh sát không người lái cũng như máy bay huấn luyện từ Hoa Kỳ. Theo vị chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, Việt Nam sẽ mua ScanEagle UAV và máy bay huấn luyện T-6 cùng một chiếc tàu thứ hai của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ.
Vào tháng 8 năm ngoái, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho VOA biết rằng Việt Nam có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Mỹ trị giá tới 94,7 triệu USD.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không khẳng định hay phủ nhận thông tin trên.
Tháng 3 năm ngoái, tàu sân bay đầu tiên của Mỹ, USS Carl Vinson, cập cảng Đà Nẵng trong chuyến thăm lịch sử kể từ sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam năm 1975. Sứ quán Mỹ cho biết trong chuyến thăm của tàu sân bay USS Carl Vinson, Mỹ đã giao 6 xuồng tuần tra Metal Shark cho Việt Nam để chống "những người xấu" trên vùng Biển Đông.
Trong các hợp đồng được bộ Quốc phòng Mỹ thông báo hôm 31/5, ngoài Việt Nam, Boeing cũng sẽ bán UAV ScanEagle cho các quốc gia Đông Nam Á khác gồm Malaysia (12 chiếc), Indonesia (8 chiếc), và Philippines (8 chiếc). Tổng trị giá hợp đồng cung cấp máy bay không người lái cho 4 quốc gia trong khu vực lên tới hơn 47,9 triệu USD.
Các đơn hàng cung cấp máy bay không người lái của Boeing còn bao gồm phụ tùng và sửa chữa cũng như việc đào tạo sử dụng chúng. Các chuyên gia cũng sẽ được gửi đến trong những thời gian nhất định để hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Theo bộ Quốc phòng Mỹ, hợp đồng sẽ được hoàn tất vào tháng 3/2022.