Đốc Hải quân Hoa Kỳ gốc Việt Nguyễn Từ Huấn phát biểu tại lễ thăng quân hàm hôm 10/10/2019 ở thủ đô Washington rằng ông rất hân hạnh phục vụ quốc gia Hoa Kỳ và đồng thời trong dịp này đơn vị của ông nhắc lại tội ác của Cộng sản Việt Nam đã gây tang thương cho gia đình ông hơn 50 năm về trước.
Tại buổi lễ, Đề đốc Thomas Moore, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Hệ thống Kỹ thuật Hải quân Mỹ (Naval Sea Systems Command – NAVSEA) phát biểu : "Hôm nay chúng tôi sẽ chào đón sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ gốc Việt đầu tiên được phong hàm cấp tướng, và đó là một sự kiện quan trọng".
Trong buổi lễ với sự hiện diện của gia đình, thân hữu, và các đồng nghiệp tham dự, ông Nguyễn Từ Huấn nói :
"Đây là một niềm vinh dự lớn. Tôi vô cùng hân hạnh để trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên đeo trên mình quân hàm cấp tướng trong Hải quân Hoa Kỳ. Danh dự này thực sự thuộc về cộng đồng người Mỹ gốc Việt, những người đã truyền cho chúng tôi ý thức về lòng yêu nước, nghĩa vụ, danh dự, lòng can đảm và sự dốc lòng đối với đất nước Hoa Kỳ đã cưu mang chúng tôi".
"Những giá trị này đã truyền cảm hứng cho tôi để phục vụ. Và đây là niềm vinh dự được phục vụ Hải quân Hoa Kỳ… phục vụ đất nước của chúng ta để hỗ trợ và bảo vệ Hiến pháp của chúng ta".
"Đây là nước Mỹ của chúng tôi. Một đất nước được xây dựng dựa trên sự phụng sự, lòng nhân hậu và sự hào phóng… cơ hội, và sự tự do để hy vọng và mơ ước".
Tân Phó Đề đốc Nguyễn Từ Huấn, năm nay 60 tuổi, được NAVSEA nhắc lại như là một nhân chứng trong cảnh tang thương của gia đình ông khi biệt kích Cộng sản Việt Nam vào năm 1968 đã sát hại bảy thành viên trong gia đình tại Sài Gòn vì cha ông, Đại tá Nguyễn Tuấn của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa - một đồng minh của Hoa Kỳ lúc bấy giờ, không đáp ứng yêu cầu của đội biệt kích.
Trong một thông cáo phát đi sau lễ trao quân hàm, NAVSEA nhấn mạnh ông Nguyễn Từ Huấn chính là đứa con trai duy nhất sống sót trong vụ thảm sát được nhiều người biết đến hồi Tết Mậu Thân 1968 ở Sài Gòn. Truyền thông quốc tế cho biết biệt kích cộng sản Nguyễn Văn Lém, còn gọi là Bảy Lốp, là người thực hiện vụ thảm sát dẫn đến việc tướng Nguyễn Ngọc Loan tử hình Bảy Lốp trên đường phố Sài gòn.
Ông Nguyễn Tú, chú của ông Huấn, người có mặt lại lễ thăng quân hàm, chia sẻ với VOA về những tội ác của đội biệt kích cộng sản Việt Nam khi cha mẹ, các anh chị em của ông Huấn đều bị giết hại. Khi ấy ông Huấn mới 9 tuổi.
Ông Tú nói : "Đó là một sự rùng rợn, quá ác độc, không thể nào tưởng tượng được ! Họ đã đưa sự ác độc đó đến cho cùng một gia đình trong dịp mà tất cả mọi người đáng lẽ phải được hưởng hạnh phúc trong những ngày cuối năm cũ đầu năm mới".
Phóng viên chiến trường Eddie Adams của hãng AP đã ghi lại cảnh Bảy Lốp bị tướng Nguyễn Ngọc Loan kề súng vào đầu và bóp cò đã gây phẫn nộ dư luận thế giới, góp phần thúc đẩy phong trào phản chiến đang âm ỉ tại Mỹ lúc bấy giờ.
Sau biến cố 1968, ông Huấn được người chú nuôi dưỡng và đến khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975, ông tị nạn sang Hoa Kỳ, theo thông báo của NAVSEA.
Phó Đề đốc Huấn hiện đang làm việc cho Bộ Tư lệnh Hệ thống Kỹ thuật Hải quân Mỹ (Naval Sea Systems Command – NAVSEA). Nhiệm vụ của ông là Tham mưu phó Bộ tư lệnh NAVSEA, đặc trách An ninh Mạng.
Vào ngày 5/6/2019, ông Huấn được Tổng thống Donald Trump đề nghị thăng cấp Phó Đề đốc và đã được Ủy ban Quân sự Thượng viện Mỹ chuẩn thuận vào 27/06.
Ông Huấn là sĩ quan gốc Việt đầu tiên mang cấp Phó đề đốc hải quân Hoa Kỳ, và là người Việt thứ tư mang cấp tướng trong quân lực Hoa Kỳ, trước đó có Thiếu tướng Lương Xuân Việt, thuộc Lục quân Hoa Kỳ.
Thiếu tướng Lương Xuân Việt chia sẻ những tình cảm của ông với VOA về việc càng ngày có thêm nhiều tướng lĩnh gốc Việt trong các binh chủng của quân đội Mỹ :
"Tôi rất hãnh diện ! Tôi cũng đã trải qua những thử thách như thế này nhưng không dễ dàng chút nào để thành nên thành công. Chỉ có chừng 2% đại tá được thăng lên cấp tướng. Tôi đi trước và nhận biết được điều này. Những điều đặc biệt này chỉ xảy ra trên nước Mỹ này thôi, một nước không những cường mạnh mà còn tự do dân chủ".
Bà Nguyễn Kim Hương, phu nhân của ông Nguyễn Từ Huấn, nói với VOA :
"Tôi rất vui và rất hân hạnh. Anh ấy luôn mong ước được thực hiện những điều tốt đẹp nhất cho nước Mỹ".
Ông Jacky Ly, thiếu tá Lục quân Hoa Kỳ, chia sẻ với VOA tấm gương cống hiến và vượt khó của tân Phó Đề đốc Huấn.
"Tôi nghĩ anh ấy đã thực hiện nhiệm vụ của mình một cách tuyệt vời. Qúy vị biết đấy để trở thành một sĩ quan cấp tướng trong Hải quân giống như tìm kim đáy biển. Điều này không dễ thực hiện. Anh ấy là người Mỹ gốc Việt đầu tiên đạt được thứ hạng đó. Và tôi chắc rằng rất nhiều người Mỹ rất tự hào về anh ấy. Đó thật sự là một niềm vinh dự".
Kết thúc bài phát biểu, ông Huấn nói : "Hoa Kỳ là ngọn hải đăng soi sáng hy vọng cho tất cả chúng ta. Không có nơi nào khác trên thế giới mà một người có thể đi tìm được cơ hội như vậy".
Trước khi được thăng hàm Phó Đề Đốc, ông Huấn đã đảm nhận những nhiệm vụ quan trọng như sĩ quan thử nghiệm về tính khả dụng của tàu USS Kitty Hawk tại Cơ sở sửa chữa tàu Yokosuka ; Sĩ quan phụ trách, Cơ sở sửa chữa tàu, Biệt đội 113.
Ngoài ra, ông từng là Giám đốc điều hành / Kỹ sư trưởng tại Văn phòng phụ trách về thiết bị nổ cải tiến điều khiển bằng sóng vô tuyến (CREW) tại Iraq, hỗ trợ Lực lượng đặc nhiệm Troy, Quân đoàn 18 và Quân đoàn V ; Kỹ sư CREW cho Lực lượng đặc nhiệm Paladin và từng công tác tại Afghanistan.
Trong số các thành tựu ông đạt được có Huân chương danh Dự Legion of Merit, Huy chương Bronze Star cùng nhiều huy chương danh dự khác của hải quân và thủy quân lục chiến.
*******************
Nguyễn Từ Huấn trở thành phó đề đốc Mỹ gốc Việt đầu tiên (BBC, 11/10/2019)
Ông Nguyễn Từ Huấn trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên được thăng phó đề đốc Hải Quân Hoa Kỳ.
Phó Đề đốc Nguyễn Từ Huấn và con trai Nguyễn Minh. (Hình : Nguyễn Việt Linh/Người Việt)
Chuẩn tướng Việt thăng cấp thiếu tướng
Đại tá Huấn, 60 tuổi, nhận chức mới, thăng hàm tướng, tại một buổi lễ ngày 10/10 ở Washington, D.C.
Phó Đô đốc Thomas Moore, chỉ huy trưởng Bộ Tham Mưu Kỹ Thuật Hàng Hải của Hải Quân Hoa Kỳ, nói tại buổi lễ rằng đây là sự kiện quan trọng.
"Ngày hôm nay chúng ta chào mừng sĩ quan hải quân Mỹ gốc Việt đầu tiên có hàm tướng", ông Moore cho hay.
Theo tiểu sử chính thức mà quân đội Mỹ công bố, ông Huấn sinh ra ở Huế, con trai một sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
Tiểu sử nói trong trận đánh dịp Tết Mậu Thận, bố mẹ, cùng năm anh chị em của ông, bị du kích Việt Cộng giết tại nhà riêng gần Sài Gòn.
Mặc dù cậu bé Huấn cũng trúng đạn, và ở cạnh mẹ trong hai giờ trước khi bà mất máu và qua đời, nhưng Huấn vẫn sống sót.
Người chú của ông, là đại tá không quân, đưa Huấn về nuôi dưỡng.
Năm 1975, khi ông 16 tuổi, hai người chạy khỏi Việt Nam khi Sài Gòn sụp đổ.
Chứng kiến hải quân Mỹ thuộc Hạm đội 7 giúp di tản người Việt đưa họ đến đảo Guam, ông Huấn nuôi dưỡng tình cảm để sau này gia nhập hải quân Mỹ.
Một đại tá không quân Mỹ Ed Veiluva và vợ đã bảo trợ cho gia đình người chú để họ được vào Mỹ theo diện tị nạn chính trị.
Năm 1981, ông Huấn tốt nghiệp đại học tại Oklahoma với bằng Cử nhân Kỹ sư Điện.
Trong quá trình phục vụ hải quân, ông đã nhận được nhiều huy chương của quân đội Mỹ.
Theo truyền thông, hiện có một số người Mỹ gốc Việt đã mang hàm tướng, ví dụ như Thiếu tướng Lương Xuân Việt, phó tư lệnh hành quân Quân Đoàn 8 ở Nam Hàn ; Chuẩn tướng Châu Lập Thể Flora, phó tư lệnh Lục Quân Hoa Kỳ tại Châu Phi.
***************
Trong bài phát biểu tại Lễ thăng cấp Phó Đề đốc Hải quân Hoa Kỳ, diễn ra vào ngày 10/10/2019 tại Trung tâm Tưởng niệm & Di sản Hải quân Hoa Kỳ (US Navy Memorial & Heritage Center), ở Thủ đô Washington DC, ông Nguyễn Từ Huấn cất lời cảm ơn đến nước Mỹ đã đón nhận ông là một người tị nạn sau Chiến tranh Việt Nam và đã cho ông một cuộc đời mới với hoài bão phục vụ cho Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.
Ba vị tướng Hoa Kỳ gốc Việt (từ trái sang) : Chuẩn tướng Lapthe Flora, Phó Đề đốc Nguyễn Từ Huấn, Thiếu tướng Lương Xuân Việt. Hình chụp ngày 10/10/2019. RFA
Phó Đề đốc Nguyễn Từ Huấn nhấn mạnh :
"Tôi rất vui mừng được đến và định cư ở Mỹ, một đất nước thịnh vượng và hùng mạnh. Nhưng sự giàu có mà tôi nhìn thấy không chỉ là về của cải vật chất mà đó là sự hào hiệp và lòng nhân ái dành cho con người. Những người lính trẻ trong Hải quân và Thủy quân Lục chiến ở đảo Guam đã giúp đỡ hơn 100 ngàn người Việt tị nạn, luôn luôn phục vụ với tinh thần hết lòng và tôn trọng.
Đây là đất nước Hoa Kỳ của chúng ta. Một quốc gia xây dựng trên nền tảng phục vụ, lòng nhân từ, sự hào hiệp, cơ hội, tự do hy vọng và ước mơ. Những giá trị đó đã khích lệ cho tôi tham gia vào quân đội và được vinh dự phục vụ trong binh chủng Hải quân, bảo vệ quốc gia và Hiến pháp.
Thật là vinh hạnh cho tôi khi được đề bạt lên cấp bậc Đề đốc Hải quân và tôi cũng rất khiêm tốn để nói rằng được vinh dự là người Mỹ gốc Việt đầu tiên được thăng cấp tướng trong binh chủng Hải quân Hoa Kỳ. Niềm vinh dự này thuộc về cộng đồng người Mỹ gốc Việt luôn với tinh thần yêu nước, trách nhiệm, danh dự, quả cảm và trung thành với quốc gia Hoa Kỳ đã đón nhận người tị nạn Việt Nam".
Trong giây phút bày tỏ lòng biết ơn đến đồng đội, đến bạn bè, gia đình thân nhân… đã yêu thương và hỗ trợ ông đạt thành tựu trong binh nghiệp, là một người Mỹ gốc Việt đầu tiên được đề bạt cấp tướng lãnh trong binh chủng Hải quân Hoa Kỳ, Phó Đề đốc Nguyễn Từ Huấn xúc động nói lời cảm ơn đến thân phụ và thân mẫu đã quá cố :
"Con gửi đến bố và mẹ đang ở thiên đường. Con hy vọng đã làm bố mẹ tự hào. Con sẽ tiếp tục sống cuộc sống mà bố mẹ đã làm gương cho đến khi mất. Đó là cuộc sống của danh dự, cam đảm, trung thành và gìn giữ di sản hào hùng của mình cho thế hệ con cháu".
Phó Đề đốc Nguyễn Từ Huấn cũng gửi đến chú thím, ông Tú Nguyễn và bà Kim Chi đã thay thế bố mẹ nuôi dạy ông kể từ sau khi biến cố của gia đình bị thảm sát hồi Mậu Thân năm 1968, mà chỉ duy nhất một mình ông còn sống sót vào lúc ông 10 tuổi.
"Tôi muốn nói lời cảm ơn đến một người Mỹ gốc Việt, chú của tôi là cựu Đại tá Không quân Quân lực Việt Nam Cộng Hòa cùng thím của tôi, bà Kim Chi đã nuôi nấng và dạy dỗ tôi nên người. Chú của tôi giống như hàng ngàn người lính Việt Nam Cộng Hòa khác đã cùng với những người lính không quân đồng minh Mỹ (chiến đấu-pv) cho đến tận những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến. Chú tôi đã hy sinh trọn cuộc đời của ông cho con cháu được có cuộc sống tốt đẹp hơn, được sinh sống ở một quốc gia tự do và tiếp tục tranh đấu cho tự do dân chủ và nhân quyền".
Trong những ngày Tết Nguyên đán Mậu Thân, năm 1968, Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa ký thỏa thuận ngừng bắn 36 giờ đồng hồ để cho dân chúng đón tết cổ truyền. Thế nhưng Quân đội Bắc Việt, dưới danh nghĩa Mặt trận Giải phóng miền Nam đã đồng loạt tấn công vào 41 tỉnh, thành phố, thị trấn và hàng trăm thị xã miền Nam Việt Nam. Thời điểm cuộc tấn công diễn ra vào lúc giao thừa và hàng ngàn người dân bị thiệt mạng. Trong các nạn nhân hồi biến cố Mậu Thân, cả gia đình gồm 7 thành viên của Phó Đề đốc Nguyễn Từ Huấn bị thảm sát. Vào giờ phút định mệnh đó, cậu bé Nguyễn Từ Huấn bị thương nhưng đã may mắn sống sót và mang theo ký ức bi thảm của gia đình trong suốt quãng đời còn lại của mình.
Vào hạ tuần tháng 6 năm 2019, Ủy ban Quân sự Thượng viện Mỹ chuẩn thuận đề nghị của Tổng thống Donald Trump đề bạt Đại tá Nguyễn Từ Huấn lên cấp bậc Phó Đề đốc, thuộc binh chủng Hải quân Trừ bị Hoa Kỳ. Ngay sau khi thông tin này được chính thức thông báo, cộng đồng người Việt khắp năm Châu hân hoan đón nhận và gửi lời chúc mừng đến vị tân Phó Đề đốc được chuẩn thuận Nguyễn Từ Huấn với sự ngưỡng mộ ông như là một nhân vật huyền thoại và là một chứng nhân của lịch sử.
Tại buổi lễ thăng cấp Phó Đề đốc Nguyễn Từ Huấn, rất nhiều khách tham dự chia sẻ cảm xúc của họ với RFA về vị tướng Hải quân Hoa Kỳ gốc Việt đầu tiên.
Thiếu tướng Lương Xuân Việt, binh chủng Bộ binh Hoa Kỳ nói :
"Vài tháng trước khi nghe tin Huấn được thăng chức lên Đề đốc thì tôi rất là xúc động, gần như là muốn ứa nước mắt luôn tại vì tôi thấy không những là một người bạn, đồng đội mà cũng là một người tị nạn như mình lại có hoàn cảnh rất đặc biệt. Khi tôi thấy những người như vậy mà có thể trải qua những thử thách trong đời sống và bây giờ có thể lên chức tướng thì tôi cho rằng giây phút này không những là giây phút đặc biệt mà là giây phút lịch sử".
Đại tá nghỉ hưu Tom Economy, một đồng đội cũ của Phó Đề đốc Nguyễn Từ Huấn bộc bạch rằng câu chuyện thương tâm của gia đình cũng là một động lực đối với thành tựu trong quân đội của vị tân Phó Đề đốc hôm nay :
"Tôi nghĩ rằng hôm nay là một ngày tuyệt diệu cho nước Mỹ khi Hải quân Hoa Kỳ đề đạt Đề đốc Huấn Nguyễn, một người Việt di dân đã vượt qua mọi trở ngại để trở thành một vị sĩ quan với nhân cách như ông. Thật là tuyệt vời cho người Mỹ !"
Cựu Hội trưởng Hội Quân nhân Mỹ gốc Việt, Đại tá Mimi Phan tâm tình rằng, Phó Đề đốc Nguyễn Từ Huấn là một tấm gương cho tất cả các thành viên của Hội, đồng thời cũng là một người anh được rất nhiều người quý mến :
"Những đức tính của Đề đốc Huấn Nguyễn như là không bao giờ bỏ đàn em đằng sau, luôn luôn đồng hành chung để hoàn thành sứ mệnh. Lúc nào tôi cũng coi anh giống như là một người anh của mình. Những gì anh dạy dỗ thì tôi học hỏi. Hôm nay rất mừng vì anh được đề bạt lên Đề đốc".
Thay mặt cho gia đình, ông Tú Nguyễn bùi ngùi xúc động chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do :
"Tôi cảm thấy rất là hãnh diện cho gia đình, hãnh diện cho Huấn và cho tất cả cộng đồng người Việt Nam tị nạn, không chỉ ở Mỹ mà ở khắp toàn thế giới. Đó là niềm vinh dự cho đất nước và cũng là một điều nói lên sự thành công của những người Việt tị nạn không phải là những người thất trận và cam chịu số phận".
Vào đầu tháng 7 vừa qua, Phó Đề đốc Nguyễn Từ Huấn cũng xác nhận với RFA trong một cuộc phỏng vấn ngắn rằng tuy là một nạn nhân của chiến tranh, nhưng ông tham gia quân đội để bảo vệ và bảo tồn những giá trị quý báo của nhân loại-đó là giá trị của một thế giới hòa bình.
"Thật sư tôi không sợ chiến tranh. Tôi ghét chiến tranh tại vì tôi đã là nạn nhân của chiến tranh và tôi cũng là người đã từng tham gia trong chiến tranh. Chiến tranh đem đến những sự đau khổ, chia rẽ, tàn phá, không những chỉ con người mà cả môi trường, thành phố và những gì tốt đẹp của nhân loại. Nhưng mà chúng ta đang sống trong một xã hội có dân chủ, có hòa bình, có nhân quyền thì tôi muốn tham gia vào quân đội vì tôi muốn bảo tồn tự do, dân chủ và nhân quyền đó. Những giá trị đó, nếu chúng chúng ta không bảo tồn thì sẽ mất đi rất dễ dàng".
Bài báo của tác giả Tom McCarthy trên The Daily Oklahoman đề ngày 20/05/1975 với hình cậu thiếu niên Nguyễn Từ Huấn ở trang nhất có nhắc đến chi tiết cậu thiếu niên Từ Huấn có khả năng trở thành nghệ sĩ violin. Tuy nhiên, tên tuổi ông Huấn sau này được vinh danh không phải trên sân khấu giao hưởng. Ông khoác áo nhà binh. Con đường binh nghiệp đã giúp ông trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên đạt đến cấp bậc Phó Đề đốc Hải quân Hoa Kỳ…
Đại tá Huấn trong lễ khánh thành tượng Lone Sailor, Guam, 30/04/2019 (The Guam Daily Post).
Năm 1981, sáu năm sau khi đến Mỹ cùng hàng trăm người Việt Nam tỵ nạn khác sau ngày 30/04/1975, ông Nguyễn Từ Huấn tốt nghiệp Đại học Okahoma State với bằng cử nhân điện cơ. Không dừng lại, ông lấy tiếp các bằng thạc sĩ tại ba đại học : Đại học Southern Methodist, Đại học Purdue và Đại học Carnegie Mellon (hạng tối ưu) chuyên ngành kỹ thuật thông tin. Sau đó, ông làm việc cho một cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, thuộc bộ phận thiết kế các hệ thống điều khiển điện tử trên chiến đấu cơ.
Thiếu tá Huấn (thứ hai, phải sang) trong những ngày làm việc tại Iraq. (Hình : Nguyễn Từ Huấn cung cấp)
Năm 1991, cuộc chiến Vùng Vịnh nổ ra. Ông Huấn đăng ký vào quân ngũ. Năm 1993, ông trở thành sĩ quan Hải quân trừ bị. Trong thời gian này, ông làm việc thêm ở Bộ Năng lượng. Với vị trí kỹ sư phụ trách dự án đặc biệt chuyên nghiên cứu kỹ thuật dẫn hai tia proton phóng với vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng sao cho chúng có thể chạm nhau (superconducting super collider), từ đó cung cấp các dữ liệu nhằm giúp hiểu thêm về hiện tượng Big Bang cũng như các hiện tượng khác trong vũ trụ, ông Huấn là một trong số rất ít người Việt có mặt trong nhóm nghiên cứu này. Từ Bộ Năng lượng, ông chuyển sang làm việc cho General Motors (GM), phụ trách thiết kế các hệ thống điện tử cho xe hơi. Tại đây, ông phát minh một số sáng chế mà hiện GM vẫn sử dụng…
Một trong những bằng sáng chế của ông Huấn. (Hình : Nguyễn Từ Huấn cung cấp)
Năm 1993, internet chưa phát triển, cả nước Mỹ chỉ có khoảng 20 website. Tuy nhiên, ông Huấn đã nghĩ đến việc làm thế nào có thể sử dụng network để phục vụ quân đội và hỗ trợ tác chiến. Ý tưởng của ông được một đề đốc ủng hộ. Ông Huấn được mời vào Ngũ Giác Đài tường trình cho giới lãnh đạo Hải quân. Tiếng nói của anh thiếu úy Huấn trở nên lạc lõng giữa những hoài nghi. Cho đến thời điểm đó, rất ít người có thể hình dung cái gọi là "network warfare". Không đầy 10 năm sau, khi nước Mỹ bước vào cuộc chiến Vùng Vịnh lần hai (2003), kỹ thuật chiến tranh không gian mạng đã trở thành một trong những yếu tố quyết định thắng bại. Cuộc chiến Vùng Vịnh lần hai cũng là thời điểm thiếu tá Huấn được đưa sang Afghanistan và Iraq, với vai trò sĩ quan chỉ huy đơn vị kỹ thuật giúp phá hủy các thiết bị kích nổ bom từ xa của khủng bố… "Một trong những thử thách khó nhất đối với tôi là phải đi một bước trước kẻ thù" – ông Huấn trả lời phóng viên Eric Schmitt trên New York Times số ra ngày 6/2/2006.
"Cách đây 44 năm, tôi là một trong những người tỵ nạn, lòng lo lắng cho một tương lai bất định nhưng vẫn cảm thấy vô cùng biết ơn khi đến được đây. Những hình ảnh tôi còn nhớ rõ mồn một khi đặt chân đến Trại Asan ở đảo Guam này, giờ là công viên Asan Beach, là những thủy thủ và thủy quân lục chiến Mỹ phơi mình dưới cái nắng cháy da, dựng lều và lán thức ăn, phát nước uống và đồ ăn nóng, giúp đỡ và chăm sóc mọi người với thái độ tử tế và kính trọng… Những người lính đó đã mang lại cảm hứng cho tôi cống hiến cho Hải quân Mỹ đến tận hôm nay"… Phát biểu trên của Đại tá Nguyễn Từ Huấn trong dịp khánh thành tượng Lone Sailor tại Guam ngày 30/04/2019 đã cho thấy tại sao ông quyết tâm gia nhập và cống hiến cho quân đội (tượng đài Lone Sailor do chính ông Huấn khởi xướng với sự thực hiện của US Navy Memorial).
Ông có một sứ mạng khác trong lẽ sống của mình. Ông định hình cuộc đời ông bằng những định nghĩa khác với những đo lường về vật chất. Với ông, có nhiều cách để "trả nợ" nước Mỹ nhưng ông đã chọn binh nghiệp, vì quân đội mới là hình ảnh đại diện bảo vệ cho quốc gia nơi đã cưu mang những người tỵ nạn như ông, một quốc gia từng là ngọn hải đăng cho những giá trị nhân bản, về tự do, dân chủ và nhân quyền. "Món nợ" đối với nước Mỹ không phải là món nợ lớn nhất đối với ông Huấn. Có một món nợ khác chất chứa gánh nặng lương tri thậm chí nặng nề hơn. Nó có ý nghĩa lớn hơn cả. Nó ám ảnh ông như một lời thề mà ông nguyện phải làm, như một cách để báo hiếu cho cha ông - cố Đại tá Chỉ huy trưởng Trường thiết giáp Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Tuấn, như một cách để làm mẹ ông mỉm cười nơi chín suối, như một cách để "trả lời" cho một cuộc chiến tàn khốc từng làm điêu linh dân tộc mà toàn bộ gia đình ông là nạn nhân, để cuối cùng, cho thấy rằng, hòa bình có giá trị như thế nào và tại sao bằng mọi giá phải bảo vệ hòa bình.
Câu chuyện bi thương của ông đã được kể đi kể lại với rất nhiều tình tiết không có thực. Và khi thuật lại câu chuyện, một số nhân vật luôn được đẩy ra phía trước như thể họ là nhân vật chính. Cũng khó có thể tránh điều đó vì câu chuyện đã trở thành một phần của lịch sử cuộc chiến. Tuy nhiên, những thước phim chính xác đáng lý cần phải lột tả thời khắc kinh hoàng xảy đến với gia đình ông chứ không phải những gì xảy ra sau đó. Đó là hình ảnh kiên cường của bố và mẹ ông trước họng súng của đặc công Cộng Sản.
Hơn 50 năm trôi qua, ông Huấn chưa bao giờ quên những gì ông chứng kiến. Ông không thể quên tràng súng liên thanh điên cuồng nã vào bảy người trong gia đình mình – vào bố, vào mẹ, vào các người anh và cả đứa em út mà mẹ bế trên tay, khi họ đang bị bắt làm con tin, ngay trong những ngày mà hai bên đã thỏa thuận ngưng chiến. Ông không thể quên cảnh người anh thở hắt ra làn hơi cuối cùng và cảnh người em bị bắn thủng bụng ruột đổ ra ngoài. Ông không bao giờ có thể quên được cảnh mẹ ông, bị bỏ nằm đó đau đớn, chảy máu và rên xiết nhiều giờ cho đến chết. Ông cũng không thể quên cảnh đặc công cầm lưỡi lê đâm vào lon bia để uống, dọn đồ ra ăn, giữa những nạn nhân bị thương đang rên xiết và giữa những thi thể vừa bị thảm sát man rợ.
Gia đình cố Đại tá Nguyễn Tuấn (tất cả đều bị sát hại, trừ ông Nguyễn Từ Huấn-đứng giữa ; ảnh chụp năm 1967). (Hình : Nguyễn Từ Huấn cung cấp)
Rồi có một đặc công chĩa súng vào đầu Huấn khi phát hiện đứa trẻ 9 tuổi duy nhất còn sót lại. Dưới ánh sáng hỏa Châu từ bên ngoài, tay đặc công cộng sản đối diện ánh mắt không hề lộ chút sợ hãi của cậu bé Huấn. Một vết đạn, từ vụ thảm sát trước đó, trúng vào đầu khiến mặt mày Huấn bê bết máu. Có lẽ đó cũng là lý do khiến toán đặc công không buồn bận tâm ban cho Huấn "một phát đạn ân huệ", bởi nghĩ rằng ông sẽ không thể nào sống nổi. Tuy nhiên, ông đã không chết.
Vài giờ của một thời khắc sáng mùng hai Tết Mậu thân 1968 đã trở thành cơn ác mộng dài lê thê đi theo suốt cuộc đời ông. Thay vì gục ngã, thay vì đầu hàng số phận khi đặt chân đến Mỹ với hoàn cảnh một thiếu niên tỵ nạn nghèo khó, ông Huấn đã chiến thắng tất cả thách thức và khó khăn, một cách ngạo nghễ. Nước mắt thương mẹ và nỗi đau nhớ cha cùng các anh em trong gia đình đã không làm ông ngã quỵ mà giúp ông mạnh mẽ đứng lên, bằng hình ảnh không phải là nạn nhân một cuộc chiến mà một mảnh đạn đến giờ vẫn còn lưu trong đầu. Ông đã trả được "món nợ" cho lương tri, cho lẽ làm người, cho công dưỡng dục của hai vị chú thím cưu mang nuôi nấng ông, và nhất là cho lẽ làm con đối với hai bậc sinh thành.
Tháng 10/2019 tới đây, lễ thăng chức Phó Đề đốc cho ông Nguyễn Từ Huấn sẽ được tổ chức tại Washington DC. Với kinh nghiệm cùng sự tận tụy, tân Phó Đề đốc Huấn còn sẽ đảm nhận một chức vụ mới : Tham mưu phó Bộ tư lệnh hải dương hệ thống Hải quân (Naval Sea Systems Command-NAVSEA), đặc trách an ninh mạng. Cộng đồng người Mỹ gốc Việt lại có thêm một nhân vật đáng để tự hào. Ông đã trả hết nợ chưa ? Chắc là chưa – ông nói. Làm thế nào tôi có thể yên tâm thản nhiên nhìn Trung Quốc đe dọa quê hương mình từng ngày từng giờ mà không chút xót xa lo nghĩ ? - ông Huấn tâm sự. Ông còn ôm nặng một món nợ lớn khác : "nợ" mình là người Việt Nam.
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 27/09/2019
Thưa quý vị, Đại tá Nguyễn Từ Huấn, thuộc binh chủng Hải quân Trừ bị Hoa Kỳ vào ngày 5/6/19 được Tổng thống Donald Trump đề nghị thăng cấp Phó Đề đốc và đã được Ủy ban Quân sự Thượng viện Mỹ chuẩn thuận vào hôm 27 tháng 6. Ông Nguyễn Từ Huấn sẽ chính thức trở thành vị tướng gốc Việt đầu tiên trong Hải quân Hoa Kỳ sau lễ thăng cấp dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới đây.
Phó Đề đốc Hải quân Hoa Kỳ gốc Việt Nguyễn Từ Huấn. Courtesy : Facebook VAUSA Family & Friend Network
RFA : Hòa Ái xin chào Đại tá Nguyễn Từ Huấn. Câu hỏi đầu tiên dành cho ông là cảm xúc của ông như thế nào trong giây phút đầu tiên ông nhận được thông báo có tên trong danh sách đề nghị thăng cấp Phó Đề đốc của hải quân Hoa Kỳ hồi đầu tháng 6 ?
Nguyễn Từ Huấn : Tôi đã nhận được cuộc điện thoại của một Phó Đô đốc, Tướng 3 sao của Hải quân gọi cho tôi vào khoảng đầu tháng 2 cho biết là tội được chọn thăng cấp lên Phó Đề đốc. Cảm tưởng của tôi lúc đó rất xúc động và cũng cảm thấy rất được vinh dự đã được chọn lên chức vụ như thế. Vinh dự này không chỉ cho chính tôi không thôi mà đó là vinh dự cho tất cả những người mà tôi đã từng phục vụ với và những người đang phục vụ với vì họ chính là những người đã cho tôi cơ hội được có ngày hôm nay.
RFA : Xin hỏi ông đã gia nhập vào Hải quân Hoa Kỳ được bao nhiêu năm ?
Nguyễn Từ Huấn : Tôi gia nhập từ năm 1993.
RFA : Và từ những ngày đầu nhập ngũ đó, có bao giờ ông đặt mục tiêu hay liên tưởng đến rồi sẽ có lúc ông đạt được vị trí chỉ huy, ở cấp bậc tướng lãnh như chức vụ Phó Đề đốc bây giờ không, thưa ông ?
Nguyễn Từ Huấn : Thật sự không bao giờ nghĩ như thế. Ngay cả lúc đó tôi không nghĩ sẽ lên đến đại tá chứ chứ đừng nói lên đến chức phó đề đốc. Động cơ thúc đấy tôi gia nhập Hải quân lúc đó, thứ nhất là mình muốn trả ơn lại cho nước Mỹ đã nhận mình vào như một người con của họ và đã cho mình những cơ hội để thăng tiến ; thứ hai nữa là tôi muốn nối dõi theo thân phụ tôi.
RFA : Khi có thông tin ông được thăng cấp lên Phó Đề đốc Hải quân Hoa Kỳ, Hòa Ái ghi nhận có rất nhiều người đặc biệt quan tâm và theo dõi bởi vì họ cho rằng ông là một nhân vật lịch sử và là một nhân chứng trong Chiến tranh Việt Nam. Câu chuyện về cuộc đời của ông, người ta gọi có phần nào đó rất "huyền thoại". Hòa Ái xin phép ông chia sẻ về một biến cố đã xảy ra trong cuộc đời của ông và của gia đình hồi Tết Mậu Thân năm 1968 ?
Nguyễn Từ Huấn : Bố tôi là cố Đại tá Nguyễn Tuấn, lúc ông mất là Trung tá Nguyễn Tuấn, thuộc binh chủng Thiết giáp. Mẹ tôi là bà Từ Thị Như Tùng. Cả hai người và 5 anh em của tôi đã bị thảm sát vào năm 1968 trong biến cố Tết Mậu Thân. Lúc đó tôi 10 tuổi. Những ký ức đó ghi đậm vào trong đầu óc tôi hơn 50 năm nay và tôi đã phải sống lại với sự kiện đó gần như hàng năm. Nhưng đó cũng là một động lực giúp cho tôi, thúc đẩy tôi lúc nào cũng phải cố gắng vì tôi cho bố mẹ tôi như là những anh hùng vì họ đã sẵn sàng hy sinh cho đất nước. Họ giữ lời hứa của họ với đất nước. Tôi không muốn làm phụ lòng họ và tôi cũng không muốn làm phụ lòng chú thím tôi là người đã nuôi dưỡng tôi sau khi bố mẹ tôi mất.
RFA : Rất cảm ơn Đại tá Nguyễn Từ Huấn chia sẻ về nỗi đau mất mát quá lớn như là một định mệnh xảy ra không chỉ cho ông mà còn cho cả gia đình của ông. Có lẽ trong giây phú ông đang quá xúc động, Hòa Ái chỉ xin thêm một câu hỏi nữa thôi rằng có thể nói ông là nạn nhân của chiến tranh, vậy thì ông có nỗi sợ hãi đối với chiến tranh hay không, và vì sao lại chọn cuộc đời binh nghiệp để trở thành những người tham gia trực tiếp ở tuyến đầu khi chiến tranh xảy ra ?
Nguyễn Từ Huấn : Thật sư tôi không sợ chiến tranh. Tôi ghét chiến tranh tại vì tôi đã là nạn nhân của chiến tranh và tôi cũng là người đã từng tham gia trong chiến tranh. Chiến tranh đem đến những sự đau khổ, chia rẽ, tàn phá, không những chỉ con người mà cả môi trường, thành phố và những gì tốt đẹp của nhân loại. Nhưng mà chúng ta đang sống trong một xã hội có dân chủ, có hòa bình, có nhân quyền thì tôi muốn tham gia vào quân đội vì tôi muốn bảo tồn tự do, dân chủ và nhân quyền đó. Những giá trị đó, nếu chúng chúng ta không bảo tồn thì sẽ mất đi rất dễ dàng.
RFA : Chân thành cảm ơn Phó Đề đốc được chuẩn thuận dành cho RFA cuộc phỏng vấn này.
Thưa quý khán thính giả, Đài RFA không thể thực hiện trọn vẹn cuộc phỏng vấn với Phó Đề đốc được chuẩn thuận Nguyễn Từ Huấn do ông quá xúc động trong lúc chia sẻ về biến cố gia đình của ông bị thảm sát hồi Tết Mậu Thân năm 1968. Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai, Đài RFA một lần nữa sẽ được dịp cùng quý vị nghe Phó Đề đốc Hải quân Nguyễn Từ Huấn chia sẻ nhiều hơn về cuộc đời binh nghiệp của ông, đã góp phần vinh danh cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ.
Tham khảo toàn bộ cuộc phỏng vấn video :
Hòa Ái thực hiện
Nguồn : RFA, 05/07/2019