Hồ Duy Hải là phiên bản Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long ? (VNTB, 15/01/2018)
Nhân án mạng Bưu cục Cầu Voi, bà cựu phó Chủ tịch Nước - Trương Mỹ Hoa liệu có phải đang chịu tiếng oan là bao che cho kẻ thủ ác ? Những người nhà của các nạn nhân chết tức tưởi làm sao lành được vết thương lòng khi có những tử tù chịu án oan, là cũng đồng nghĩa hung thủ vẫn còn ngoài vòng pháp luật.
Trên các trang mạng xã hội tiếp tục có nhiều chia sẻ về oan khuất của tử tù Hồ Duy Hải. Người cha của tử tù Nguyễn Văn Chưởng cũng ròng rả kêu oan cho con mình, và ông tiếp tục sống chung với đoàn người dân kêu oan đang vạ vật ở thủ đô Hà Nội suốt mấy năm qua.
Huỳnh Văn Nén và Hàn Đức Long là hai tử tù được minh oan, và hung thủ đã được lôi ra ánh sáng. Nếu như trước đó gia đình của hai người tù này không liên tục kêu oan, có lẽ tro cốt của họ cũng đã phủ lớp bụi dày thời gian nơi chốn thiền tự nào đó.
Ngôi mộ của hai nữ nhân viên Bưu cục Cầu Voi đã bị sát hại (được cho là) vào đêm 13/01/2008.
Và cũng sẽ không công bằng khi người ta chia sẻ cảm xúc về các tử tù đang chịu oan khuất, mà quên mất rằng nỗi đau mất người thân của những vụ án giết người này luôn được xới lại, khi công lý chưa được thực thi ; bởi dường như nhà chức trách bằng lòng với những sai phạm tố tụng đang diễn ra với Hồ Duy Hải, với Nguyễn Văn Chưởng – giống như họ đã từng ra sức bảo vệ các lỏng lẻo tố tụng trong cáo buộc Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long.
"Dạ, hai người chị của tôi và tôi có đến gia đình của nạn nhân, tới trước thờ đốt nhang rồi nói rằng chuyện này con tôi chắc chắn không thể làm. Gia đình của cô Ánh Hồng, tức nạn nhân, chỉ khóc cùng chúng tôi, chứ không nói gì. Thời gian sau, báo đài cùng đăng tin, lên tiếng rằng con tôi bị oan, người quen chung với hai gia đình nạn nhân kể lại rằng họ nghe được các gia đình đó nói xót thương cho con tôi Hồ Duy Hải, đang đi học mà bị lao lý. Họ chỉ nghe lời công an nói con tôi giết người, thì biết vậy chứ không biết làm sao hơn". Bà Loan, người mẹ của tử tù Hồ Duy Hải, đã chia sẻ như vậy.
Trong một lần tìm hiểu về vụ án Bưu cục Cầu Voi (đóng tại ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), phóng viên Việt Nam Thời Báo đã đến tìm gia đình hai cô gái xấu số, nhưng không gặp được. Người hàng xóm là bà Ba kể : "Gia đình bà Sáu (tức mẹ nạn nhân Hồng) khổ lắm, nhà có 4 đứa con gái, đứa con thứ 2 không may bị tật nguyền bẩm sinh nên giờ đã hơn 20 tuổi rồi vẫn nằm một chỗ, mọi sinh hoạt, ăn uống phải có người thân lo".
Dẫn chúng tôi ra thăm mộ phần 2 cô gái xấu số nằm cạnh nhau trên bờ ao, vừa đi bà Ba vừa tâm sự : "Con Hồng và con Vân là 2 chị em con chú con bác, nhà lại ở gần nên chơi thân với nhau lắm. Lớn lên 2 đứa xin được vào làm chung trong bưu điện, rồi lại chết chung một ngày… Hồng là con đầu, học hành xong vừa ra đi làm được mấy tháng chưa kịp phụ giúp gì cho cha mẹ thì bị người ta giết dã man. Ngày đưa 2 đứa nó về, nhìn tội lắm, thi thể đứa nào cũng sưng vù lên, bầm tím khắp nơi, lại còn bị cắt vào cổ. Nhìn cảnh đó, hàng xóm xung quanh ai cũng bật khóc, còn người thân thì ngất lên ngất xuống,…
Tính cho đến trung tuần tháng 1/2018, không có (hoặc chưa thấy) báo chí nào đưa tin cho biết cuộc sống hiện nay của gia đình hai nạn nhân trong vụ án Bưu cục Cầu Voi 10 năm về trước.
Theo hồ sơ, ngày 13/01/2008 tại Bưu cục Cầu Voi đã xảy ra một vụ giết người. Nạn nhân là hai nữ nhân viên Nguyễn Thị Ánh Hồng (22 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi) bị giết hại dã man (cắt cổ) ở khu vực cầu thang phía sau. Tại hiện trường vương lại nhiều dấu vân tay của hung thủ. Hơn hai tháng sau, ngày 21/03/2008, Hồ Duy Hải - nam thanh niên tại địa phương, nhà cách Bưu điện Cầu Voi khoảng 2 cây số - bị bắt giữ. Hồ sơ thể hiện Hồ Duy Hải là hung thủ duy nhất, thực hiện hành vi giết người tại Bưu điện Cầu Voi. Tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Hồ Duy Hải đều kêu oan.
Luật sư Trần Hồng Phong, người nhận bão chữa cho Hồ Duy Hải, nói rằng các bút lục điều tra có ghi nhận Nguyễn Văn Nghị là người có liên quan và vai trò đặc biệt quan trọng vì Nguyễn Văn Nghị là người yêu của nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng, được thể hiện trong lời khai của anh Cao Hoàng Tuấn Anh). Trong đêm xảy ra vụ án, Nguyễn Văn Nghị có ghé vào Bưu điện Cầu Voi và có lời khai nhìn thấy một thanh niên trong bưu điện tối 13/01/2008. Sau đó Nguyễn Văn Nghị đã bị bắt. Cơ quan điều tra từng tạm giữ và lấy lời khai của Nguyễn Văn Nghị. Thế nhưng sau đó Nguyễn Văn Nghị không được đưa vào danh sách "nhân chứng".
"Toàn bộ thông tin, tài liệu liên quan đến Nguyễn Văn Nghị đều bị rút khỏi hồ sơ vụ án. Vì sao không cho Nguyễn Văn Nghị nhận dạng Hồ Duy Hải ? Vì sao không giám định vân tay của Nguyễn Văn Nghị ? Đây là những điều rất bất thường" - luật sư Trần Hồng Phong đặt câu hỏi.
Hồ sơ vụ án cho biết theo kết quả giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An ngày 11-4-2008 : "Các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án ngày 14/01/2008 tại Bưu cục Cầu Voi… không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải".
Những ‘án lệ’ Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long cho thấy khả năng oan sai đối với các tử tù như Hồ Duy Hải ở Long An, như Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng.
Các nghi vấn về kẻ thủ ác trong vụ sát hại hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi là cháu của cựu phó chủ tịch Nước – bà Trương Mỹ Hoa mà nhiều trang mạng xã hội đăng tải, càng cho thấy vụ án không dừng lại mức độ hình sự thông thường, mà đang được dịch chuyển theo hướng mà nói theo ngôn ngữ tuyên giáo, là đang gây mất niềm tin trong công chúng về việc cơ quan tố tụng bao che "con ông cháu cha" ở bộ máy công quyền.
Nguyễn Văn Nghị có phải quan hệ thân thích với bà Trương Mỹ Hoa như đồn đãi ? Câu hỏi này có lẽ đang cần sự trả lời của ông Nguyễn Phú Trọng, vì theo Quyết định số 105-QĐ/TW do Tổng bí thư ký ban hành, hiệu lực từ ngày 19 tháng 12 năm 2017, thì bà cựu phó chủ tịch Nước Trương Mỹ Hoa chịu sự quản lý của Bộ Chính trị.
Chỉ cần ông Tổng bí thư ký lệnh yêu cầu làm rõ Nguyễn Văn Nghị có phải là cháu của bà cựu phó chủ tịch Nước, thì vụ án Bưu cục Cầu Voi sẽ nhiều khả năng được trả hồ sơ để tiến hành điều tra lại theo trình tự tố tụng ban đầu của Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Thảo Vy-Trúc Mai
***************
Phiên tòa phúc thẩm xét xử nhà hoạt động Nguyễn Văn Oai đã được diễn ra tại tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An sáng ngày 15/01/2018 trong bầu không khí căng thẳng. Bên trong phiên tòa, những lời khai của bị cáo và luận chứng của luật sư đều bị bác bỏ và cuối cùng thẩm phán vẫn tuyên y án sơ thẩm 5 năm tù giam và 4 năm quản chế đối với ông Nguyễn Văn Oai. Bản án được luật sư nhận định là "oan sai".
Nhà hoạt động Nguyễn Văn Oai - Courtesy citizen
Bên ngoài tòa án, băng rôn biểu ngữ với khẩu hiệu "tự do cho Nguyễn Văn Oai" bị giằng lấy xé nát, nhiều người bị đánh đập, cướp điện thoại và hai trẻ vị thành niên đã bị công an bắt đi đâu chưa rõ.
Ngay khi phiên tòa vừa kết thúc, Bà Nguyễn Thị Liệu - mẹ của tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai nói trong tiếng nấc nghẹn :
"Con tôi nó chống lại, nó không nhận tội nào hết. Phiên tòa xử bất công. Con tôi bị oan. Các ông hãy xử lại cho con tôi".
Nói về những yếu tố pháp lý và căn cứ luận tội ông Nguyễn Văn Oai, Luật sư Hà Huy Sơn cho biết khi vừa ra khỏi cổng tòa án
"Tòa cuối cùng vẫn y án sơ thẩm. Tội không chấp hành án 2 năm, tội chống người thi hành công vụ là 3 năm. Là luật sư tại tòa, tôi đã nói là không có tội.
Để kết tội một người tội không chấp hành án thì phải có điều kiện là đã áp dụng cưỡng chế cần thiết, khi đã áp dụng biện pháp đó rồi mà người ta vẫn không thi hành thì mới kết được tội "không chấp hành án".
Biện pháp cưỡng chế được pháp luật quy định bao gồm : áp giải, dẫn giải, niêm phong tài sản. Cả ba biện pháp này đều chưa được chính quyền thực hiện. Nhưng mà người ta đã quy vào tội không chấp hành án. Do vậy đó là oan sai.
Với tội danh thứ hai, Oai tuy bị thực hiện việc quản chế, bị tước một số quyền của công dân, nhưng quyền được đảm bảo nơi ở là quyền không được tước đoạt. Trên thực tổ công tác công an xã cứ xâm phạm vào nhà anh, đó là vi phạm điều 22 của Hiến Pháp quy định".
Điều 22, Hiến Pháp năm 2013 quy định :
1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.
2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.
3. Việc khám xét chỗ ở do luật định.
Tổ Chức Theo dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) nêu quan điểm trong thông cáo hôm 14/1/2018 :
"Nguyễn Văn Oai bị kết án năm năm tù vì vi phạm điều kiện quản chế, theo điều 304 của bộ luật hình sự và chống người thi hành công vụ, theo điều 257 của bộ luật hình sự trong phiên xử hồi tháng Chín năm 2017. Lệnh quản chế đối với anh, có nội dung buộc phải trình báo theo định kỳ với Ủy ban Nhân dân sở tại và hạn chế đi lại, được căn cứ trên một bản cáo trạng và bản án không thỏa đáng về việc anh có liên quan tới một tổ chức chính trị bị cấm ở Việt Nam, là một sự vi phạm quyền tự do nhóm họp và tự do ngôn luận đối với Nguyễn Văn Oai".
Linh Châu - Vợ của ông Nguyễn Văn Oai và bà Liệu là hai người thân duy nhất được tham dự phiên tòa xét xử sáng nay còn những người khác thì bị ngăn không cho vào phiên tòa.
Cô Linh Châu kể trong nước mắt rằng ông Nguyễn Văn Oai người trông gầy, yếu. Trong phiên tòa Oai đã bị ngăn phát biểu một số quan điểm. Một chi tiết mà cô Linh Châu lưu ý là người được cho "là bị hại cũng là người làm chứng" và "phải cầm giấy để đọc". Điều này được luật sư Hà Huy Sơn cho là không khách quan.
"Ở đây người làm chứng cũng là người thực thi công vụ, giống như người đó là người bị hại và là người làm chứng luôn. Ở phiên tòa thì luật sư và anh oai cũng nói là không hợp lý. Không thể vừa là người bị hại và là người làm chứng được".
Hai người được cho là nạn nhân và là nhân chứng là ông Võ và ông Toán, công an thị xã Hoàng Mai. Chúng tôi đã cố liên lạc với hai ông này để hỏi quan điểm nhưng không được trả lời.
Ở bên ngoài, Ngay từ sáng sớm khi mới gần tới phiên tòa, băng rôn biểu ngữ với khẩu hiệu "tự do cho Nguyễn Văn Oai" bị giằng xé giật đi, nhiều người đã bị đánh đập và cướp điện thoại.
Bà Nguyễn Thị Tri, chị của ông Nguyễn Văn Oai nói : "Chúng tôi rất hoảng sợ. Phiên tòa ngày hôm nay nam rất ít, chỉ toàn là đàn bà phụ nữ cả thôi nên chúng tôi rất sợ. Khi chúng tôi giương băng rôn biểu ngữ lên liền bị xông vào cướp".
Lúc 10g45 phút sáng, tường thuật trực tiếp từ Nghệ An, một người xin dấu tên vì lý do an toàn cho RFA biết :
"Tại hiện trường ngay lúc này, vào lúc 10g30 sáng, một số người mặc thường phục đã lao vào tấn công, cướp giật băng rôn, biểu ngữ của những người thân Nguyễn Văn Oai. Trong lúc đang làm truyền thông, thì anh Nguyễn Văn Thông bị một số người mặc thường phục lao vào ôm lấy anh, đánh đập anh, lôi anh lên xe. Một anh nữa cũng bị bắt đi là anh Huỳnh. Một số chị em vào can thì liền bị đánh đập".
Hai người bị bắt đi đó là em Nguyễn Văn Huỳnh, sinh năm 2000 và em Hồ Huy Thông sinh năm 2002. Cả hai đều chưa đủ 18 tuổi nhưng đã bị đánh đập và bắt đưa đi đâu không rõ. Hai người cũng bị đánh đập là bà Nguyễn Thị Tri – chị của ông Nguyễn Văn Oai và em Nguyễn Thị Thanh – cháu của ông Oai. Em Thanh cũng mới chỉ 17 tuổi và bị những người mặc thường phục tát vào mặt.
Chị Nguyễn Thị Hương xác nhận với chúng tôi từ trước cổng tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An :
"Khi lấy điện thoại ra chụp ảnh, lúc đầu thì họ làm khá gắt. Họ giành điện thoại. Sau đó lấy băng rôn ra chụp ảnh thì họ cướp luôn băng rôn. Mà đa số là họ mặc thường phục và mặc đồng phục, với mấy người mặc như bảo vệ dân phố".
Hình ảnh mà chúng tôi có được cho thấy, công an đã đứng chặn đường đi lại khu vực này, ai đi qua đều phải xuất trình giấy tờ và được phép thì mới được đi qua. Trong đó có hai xe phá sóng, và nhiều xe đặc chủng của quân đội, cảnh sát cơ động được điều tới xung quanh phiên tòa.
Lúc 1 :30 phút chúng tôi đã liên lạc được với hai em Hồ Văn Thông và Nguyễn Văn Huỳnh khi hai em đang trên đường về nhà. Hai em cho biết đã bị dùng dùi cui, và đánh đập nhiều.
Hồ Văn Thông, 16 tuổi, kể :
"Trong khi em bắt trên xe, họ toàn đập vào đầu em. Nó bắt cầm điện thoại, cầm đồng hồ, dây thắt lưng, ép vào cánh xe. Nó đánh chừng khoảng 15-16 vào đầu em. Rồi nó lôi vào đồn, bắt em khai báo. Nhưng em không có gì để khai báo cả. Thì nó dùng dùi cui nện 5-6 quả vào tay. Nện xong, nó hỏi lại quay phim như vậy là đúng hay sai ? Em nói là quay đúng, nên nó bắt em quay đầu vào tường, bắt quỳ xuống. Nó nện tiếp. Cái anh không mặc đồng phục tiếp tục đánh em, xong nó bỏ đi. Rồi có một người không mặc đồng phục đến lập biên bản với em. Khi lập biên bản với em xong thì nó không đánh nữa".
Em Nguyễn Văn Huỳnh, 17 tuổi cũng tường thuật trong khi còn đang đau đớn rằng :
"Khi đưa lên xe, họ tập trung vào người, vào lưng và đánh. Sau đó họ bắt ghi lời khai, bắt ghi tên rõ họ tên, gia đình, họ hàng và hỏi nhiều chuyện. Họ niết mặt em xuống. Lúc mới lên xe, một anh niết cổ em xuống. Hai anh lên giẫm vào lưng, một người đằn lưng em xuống, một người chỏ lên lưng và tát lên mặt. bây giờ em còn đau bả vai và cột xương sống".
Trước phiên tòa diễn ra, nhiều giáo xứ tại giáo phận Vinh như Phú Yên, Song Ngọc, Cẩm Trường, Vạn Lộc, Yên Đại, Yên Hòa… đã thắp nến cầu nguyện cho nhà hoạt động Nguyễn Văn Oai. Đó được cho là lý do mà nhà cầm quyền sợ sẽ có hàng ngàn người tham dự phiên tòa xử ông Nguyễn Văn Oai và 13 thanh niên Công giáo như hồi năm 2011.
Năm 2011, ông Nguyễn Văn Oai bị bắt với cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo điều 79, bộ luật hình sự.
Cũng với khí khái như trong phiên tòa năm 2013, tại phiên toà lần này Nguyễn Văn Oai quả quyết mình chỉ một lòng với đất nước mà bị kết án thôi.
"Trong lời nói sau cùng, anh Oai khẳng định mình vô tội. Tòa kết án anh Oai cũng chỉ là để chia cắt tình cha con, tình mẹ, tình anh em thôi. Chứ với anh thì anh luôn một lòng với đất nước chứ anh không có tội gì cả. vì sự tự do của đất nước, anh phải nói lên điều anh nên làm chứ anh không có tội gì hết. Anh luôn hướng về một đất nước tự do và công bằng", cô Linh Châu thuật lại.
Ngoài cáo buộc "tiết lộ bí mật nhà nước", ông Phan Văn Anh Vũ còn đang bị điều tra một số sai phạm khác về kinh tế, theo truyền thông trong nước.
Phan Văn Anh Vũ còn có một số sai phạm liên quan hoạt động kinh tế
Báo chí Việt Nam hôm 15/1 trích lời ông Trần Đăng Yến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an, cho biết rằng ngoài tội "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước", nghi can được gọi là Vũ "nhôm" vì từng có thời làm nhôm kính "còn có một số sai phạm liên quan hoạt động kinh tế".
Tuy nhiên, ông Yến từ chối cho biết chi tiết mà chỉ nói rằng "mọi việc đang được làm rõ", theo VnExpress.
Truyền thông trong nước cũng đặt câu hỏi về thẻ ngành công an lan truyền trên mạng mang tên người được cho là "trùm bất động sản" ở Đà Nẵng này là thật hay giả, cũng như vì sao ông này có ba hộ chiếu khi bị bắt ở Singapore, ông Yến chỉ trả lời "vụ án đang được điều tra".
Singapore hôm 2/1 chính thức xác nhận với VOA tiếng Việt về vụ bắt giữ ông Vũ tại quốc gia Đông Nam Á này hôm 28/12/2017 vì vi phạm Luật xuất nhập cảnh của Singapore.
Các luật sư ông Vũ ở Singapore và Đức cho biết rằng thân chủ của mình "muốn tị nạn chính trị ở Đức".
Sau đó, hôm 4/1, Bộ Công an Việt Nam cho biết đã "tiếp nhận" ông Vũ sau khi ông này bị Singapore "trục xuất".
Hồi cuối năm ngoái, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ về tội "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước", nhưng tới nay, vẫn chưa rõ các bí mật đó là gì.
Báo điện tử Zing News dẫn lời ông Yến nói rằng "nhiều người nghĩ doanh nghiệp không liên quan bí mật quốc gia, tuy nhiên trên thực tế có doanh nhân, cán bộ hưu trí vẫn bị khởi tố về tội ‘Cố ý làm lộ bí mật nhà nước’".
Theo Điều 263 Bộ luật hình sự năm 1999, tội "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước" ; tội "chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước" có khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.
******************
Vì sao nhà Trịnh Xuân Thanh nộp khắc phục 4 tỷ ? (BBC, 15/01/2018)
Một luật sư ở Việt Nam nói với BBC rằng việc luật sư khuyên gia đình ông Trịnh Xuân Thanh nộp 4 tỷ đồng "khắc phục hậu quả" là "điều phù hợp với bối cảnh của ngành tư pháp Việt Nam".
Ông Trịnh Xuân Giới (giữa), cựu Phó ban Dân vận Trung ương, bố của ông Trịnh Xuân Thanh, trước cổng tòa án
Ông Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và 20 bị cáo đang ra tòa trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Cáo trạng nói ông Xuân Thanh chiếm hưởng 4 tỷ đồng, và ông bị đề nghị án chung thân với tội Tham ô tài sản.
Ông Trịnh Xuân Giới, cựu Phó ban Dân vận Trung ương, bố của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, được báo Infonet của Bộ Thông tin-Truyền thông hôm 14/1 dẫn lời trình bày trước Hội đồng Xét xử :
"Gia đình chúng tôi khi được gặp Trịnh Xuân Thanh trong trại tạm giam có được nghe con trai tôi nói rằng không tham ô tài sản. Tuy nhiên, luật sư của con trai tôi tư vấn rằng để bày tỏ thiện chí, con trai tôi đã nhận trách nhiệm người đứng đầu thì hãy khắc phục hậu quả, số tiền này sẽ được trả lại nếu kết luận con trai tôi không tham ô. Chúng tôi đã tự nguyện nộp 4 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra".
Lời khuyên luật sư
Trả lời Ben Ngô của BBC Tiếng Việt ngày 15/1, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, bình luận :
"Nếu đứng ở góc độ nào đó, việc luật sư tư vấn để cho bị cáo/gia đình bị cáo tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền theo cáo trạng quy kết có thể dẫn đến một rủi ro cho bị cáo khi gặp phải lập luận từ những người tiến hành tố tụng là : "Nếu bị cáo không tham ô thì tại sao phải nộp lại số tiền đã tham ô".
"Tuy nhiên, nếu xét toàn cảnh tính chất sự việc và yếu tố chính trị trong vụ án này, tôi cho rằng lời khuyên của luật sư đối với ông Thanh và gia đình ông Thanh là phù hợp".
"Bởi lẽ, theo quy định của Bộ luật Hình sự, việc tự nguyện khắc phục hậu quả được xem là một tình tiết giảm nhẹ".
"Và nếu ông Thanh có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên, tòa án có quyền quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt".
'Giải pháp an toàn'
Luật sư Thanh Sơn phân tích thêm : "Trên thực tế ở Việt Nam, một khi bị cáo bị bắt tạm giam, rất hiếm khi được tuyên vô tội".
"Kể cả những vụ việc có dấu hiệu oan sai, thay vì tuyên bị cáo vô tội, tòa thường chọn một giải pháp an toàn cho cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân là ra một bản án với thời hạn tù bằng thời hạn bị cáo bị tạm giam".
"Trong khi đây là một trong những vụ "đại án" và ít nhiều bị tác động bởi yếu tố chính trị nên khả năng tuyên ông Thanh vô tội gần như là không có".
"Với số tiền thất thoát đó, lẽ ra tòa hoàn toàn có quyền áp dụng mức án cao nhất là tử hình cho ông Thanh".
"Do đó, việc luật sư tư vấn cho người nhà của ông Thanh nộp tiền để khắc phục hậu quả là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh của ngành tư pháp Việt Nam hiện nay".
Theo trang Zing, ba ngày trước khi phiên tòa diễn ra, gia đình ông Xuân Thanh đã nộp 2 tỷ đồng.
Sau đó, Cục trưởng Cục thi hành án Thành phố Hà Nội nói với báo Zing rằng gia đình ông Thanh đã nộp thêm 2 tỷ nữa vào hôm 11/1.
Trước khi phiên tòa xử ông Thanh và Đinh La Thăng diễn ra hôm 8/1, hai luật sư thuộc Công ty luật Viên An thông báo đến tòa Hà Nội về việc chấm dứt bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Thanh trong vụ án này.
Trả lời BBC, Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang, giám đốc Công ty Luật Viên An, nói : "Cáo trạng và kết luận điều tra vụ án có từ ngày 25/12/1017 nhưng luật sư không được tiếp xúc ngay mà phải mất mấy ngày sau đó khi chuyển sang tòa".
"Rồi phiên xử được ấn định hôm 8/1/2018, trong lúc có ba ngày nghỉ tết Dương lịch".
"Một vụ lớn như thế mà luật sư không có đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ, tài liệu nên không thể bảo vệ tốt nhất cho ông Thanh".
Sau khi phiên tòa hiện tại kết thúc, ông Trịnh Xuân Thanh và các "đồng phạm", trong đó có ông Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà) còn phải tiếp tục ra tòa hôm 24/1 trong vụ án "Tham ô tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam.
Tù nhân lương tâm, thầy giáo Vũ Văn Hùng bị tạm giam 2 tháng (VNTB, 14/01/2018)
Như đã thông tin, ngày 4/2018. Thầy Vũ Hùng đi dự buổi họp mặt kỷ niệm ngày thành lập Hội Giáo chức Chu Văn An. Anh ninh đã gây sức ép cấm nhà hàng phục vụ nên buổi gặp măt phải giải tán.
Tù nhân lương tâm, thầy giáo Vũ Văn Hùng
Chị Lý Thị Tuyết Mai, vợ thầy giáo Vũ Văn Hùng cho chúng tôi biết, cán bộ điều tra Kim Minh Đức thông báo, thầy giáo Vũ Văn Hùng đã có lệnh tạm giam 2 tháng và nói sẽ đưa giấy cho gia đình vào thứ hai tuần tới.
Sau đó thầy Hùng đi ra bến xe bus để về thì bị hai tên bám theo gây sự và đánh. Thầy Hùng có phản ứng sau đó lên xe về. Đến khi đang đi bộ về gần tới nhà ở Khu dân cư mới Đa Sĩ, phường Kiến Hưng, Quận Hà Dông thì bị công an bắt, đưa về giam ở Công an phường Thanh Xuân Bắc, rồi chuyển đi trại tạm giam quân Thanh Xuân. Tại địa điểm bị bắt và tại đồn Thanh Xuân Bắc, thầy giáo Vũ Hùng đều bị đánh. Thầy bị tạm giữ với tội danh tưởng tượng là "gây rối trật tự công cộng".
Ngày 12/1 là ngày hết 3 lệnh tạm giữ, chị Tuyết Mai đến thăm chồng. Qua nhiều lần yêu cầu, chị được gặp chồng 5 phút, nói chuyện qua cửa kính. Chị Mai cho biết tình thần của thầy Hùng rất vững vàng. Tại đây, chị được điều tra viên thông báo như trên.
Thầy Vũ Văn Hùng là cựu tù nhân lương tâm. Thầy bị bắt ngày 18/9/2008, bị cáo buộc tội tuyền truyền chống nhà nước và bị kết án 3 năm tù giam và 3 năm quản chế.
Việc bắt thầy Vũ Hùng tạm giam cho thấy nhà cầm quyền đã đi tới sự vô sỉ, bạo ngược tới một nấc thang mới.
Thông tin thầy Vũ Hùng bị bắt tạm giữ 9 ngày rồi bây giờ tạm giam đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ trong công luận. Nhiều anh chị em hoạt động xã hội dân sự ngày từ đầu đã luôn bên cạnh hỗ trợ, tư vấn cho chị Tuyết Mai, giúp chị Mai thuê luật sư cho Vũ Hùng. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho thầy Vũ Hùng là Ngô Anh Tuấn. Luật sư Ngô Anh Tuấn cũng là luật sư bào chữa cho Trần Thị Nga trong vụ án năm vừa qua.
Tường Thụy
*******************
Cô giáo ở Vĩnh Long 18 năm dạy trẻ tật nguyền miễn phí (Người Việt, 13/01/2018)
Suốt 18 năm qua, một cô giáo ở phường 8, thành phố Vĩnh Long, đã dành hết tâm huyết để dạy dỗ miễn phí cho các trẻ em mắc bệnh thiểu năng, chậm phát triển, Down, HIV…
Lớp học tình thương do cô Nga toàn những trẻ em nghèo khuyết tật. (Hình : Thanh Niên)
Kể với báo Thanh Niên, cô Nguyễn Thị Huỳnh Nga (61 tuổi), người mở lớp học đặc biệt này nói, năm 1992 khi còn dạy phổ cập tại Trường Tiểu Học Chu Văn An, cô tình cờ biết nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn không thể cắp sách đến trường. Lòng thương cảm thôi thúc cô thành lập lớp học xóa mù chữ, giúp các em biết đọc, biết viết…
Năm 1999, được sự động viên từ các đồng nghiệp ở trường, cô Nga thành lập lớp học tình thương dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật, tạo "mái nhà" chung để các em đến học chữ, vui chơi, hòa nhập cộng đồng.
Năm 2009, cô Nga về hưu và dành tất cả tâm huyết, tiền bạc để duy trì lớp học này. Để tất cả trẻ em khuyết tật quanh vùng được đến lớp, cô Nga đã phải lặn lội đến từng nhà các em để vận động.
Nhiều em do mắc bệnh không bình thường nên khi đến lớp là la hét, có khi đập phá đồ đạc, hoặc đôi khi không chịu mở lời, không tiếp xúc với các bạn.
Nhưng nhờ sự kiên trì và tình yêu thương của cô Nga đã giúp các em xóa bỏ được sự tự ti, những khiếm khuyết bệnh tật, làm lành vết thương tâm hồn, giúp các em có sự tiến bộ rất khả quan và ngoan ngoãn trong lớp học.
Theo cô Nga, lớp có 35 học sinh đều có hoàn cảnh rất đáng thương và mang trong mình khiếm khuyết riêng. Tại đây, có nhiều trẻ khuyết tật có hoàn cảnh rất ngặt nghèo rất đáng thương.
Chẳng hạn như bé M.A (10 tuổi), bệnh HIV, phải đi bán vé số nuôi bà ngoại. Cha mẹ qua đời lúc em còn rất nhỏ, nên hai bà cháu nương tựa nhau mà sống. Lúc còn khỏe mạnh, bà bán vé số nuôi bé và kiếm tiền trang trải cuộc sống, nhưng giờ mắt bà đã yếu, lại mang bệnh trong mình nên không còn đủ sức khỏe để đi bán vé số. Vì vậy, cứ mỗi sáng M.A đến lớp, sau khi học xong em lại nhận vé số đi bán cho đến tối mịt mới về đến nhà, mỗi ngày em kiếm được trên 100,000 đồng, cũng đủ rau cháo cho hai bà cháu sống qua ngày.
Hay em Lê Thị Ngọc Trinh (11 tuổi), bị hội chứng Down, mẹ bỏ em đi từ nhỏ, ba bệnh tật không thể làm việc kiếm sống, nên gánh nặng cơm áo gạo tiền dồn hết lên đôi vai gầy của bà nội, mỗi ngày bà phải lặn lội bán vé số nuôi em. Trinh học rất ngoan, vẽ rất đẹp và còn đoạt giải thưởng cao trong cuộc thi mỹ thuật dành cho thiếu nhi tỉnh Vĩnh Long nhân dịp Tết Trung Thu vừa qua.
Ở môi trường đặc biệt như thế, những nỗi vất vả không thể nói hết bằng lời. "Có lẽ vì yêu thương tụi nhỏ nên thời gian, sức khỏe ở tuổi xế chiều tôi đều dành để "gieo" con chữ cho những đứa trẻ đã chịu quá nhiều thiệt thòi từ lúc sinh ra. Vì vậy, dường như tôi cũng đã quên đi cả hạnh phúc của bản thân mình, nếu có gia đình thì chắc gì tôi mở được lớp học này. Tôi coi các học trò như những đứa con của mình, tôi vẫn cầu mong được có sức khỏe, để còn đứng lớp dạy cho các em. Tôi xem công việc này là một phần cuộc sống, một niềm vui nhỏ nhoi không thể thiếu trong những tháng ngày còn lại của cuộc đời", cô nói.
Mỗi sáng các em đến học, cô Nga đều cố gắng dành ít tiền mua quà bánh, trích một phần tiền hưu mua cơm, bánh mì cho các em ăn. Thấy vậy, một số nhà hảo tâm cũng mua bánh, sữa mang đến làm quà để tặng các em.
Những bài học ở lớp, cô Nga đều dạy các em biết yêu thương cha mẹ, biết giữ gìn sức khỏe, bảo vệ bản thân… "Thấy các em làm được những lời mình dạy, những điều nhỏ nhoi như vậy, tôi cảm thấy vui lắm, ba mẹ các em và những người cảm thông với các em cũng vui, bản thân các em cũng có niềm vui khi tái hòa nhập có bạn bè, được đến lớp, gắn bó với lớp", cô chia sẻ.
Ông Nguyễn Trung Dân, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân phường 8, cho biết cô Nga là tấm gương tiêu biểu giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh xóa mù chữ, sống hòa nhập với cộng đồng, xã hội. "Đây là một việc làm rất đáng trân trọng", ông nói. (Tr.N)
****************
Việt Nam : HRW vận động cho Nguyễn Văn Oai (RFI, 14/01/2018)
Tổ chức Nhân Quyền Human Rights Watch (HRW) kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhà tranh đấu nhân quyền Nguyễn Văn Oai, 36 tuổi, nhân phiên xử phúc thẩm vào ngày 15/01/2018.
Ảnh minh họa - VIETNAM MAP
Trong thông cáo báo chí công bố ngày 14/01/2018, một ngày trước phiên tòa phúc thẩm tại Nghệ An, tố chức nhân quyền Mỹ HRW kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ những cáo buộc vi phạm lênh quản chế và trả tự do cho Nguyễn Văn Oai.
Người thanh niên Công giáo này đã bị 4 năm tù từ 2011 đến 2015 sau khi tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn Biển Đông và tranh đấu bảo vệ quyền lợi người lao động. Ra tù, Nguyễn Văn Oai tranh đấu phản đối Formasa gây ô nhiễm. Anh bị bắt lại và bị lãnh bản án 5 năm tù trong phiên xử vào tháng 09/2017.
HRW kêu gọi Việt Nam không nên "trả thù, kiểm soát tư tưởng và quyền tự do phát biểu" của những người có chính kiến khác biệt.
Tú Anh
Việt Nam kết án một nhà hoạt động (RFI, 18/09/2017)
Hôm 18/09/2017, một tòa án tại tỉnh Nghệ An đã kết án 5 năm tù nhà hoạt động Nguyễn Văn Oai vì tội "chống người thi hành công vụ" và rời khỏi nơi cư trú trong thời gian bị quản chế.
Ông Nguyễn văn Oai - @anhbasam
Ông Nguyễn Văn Oai, 36 tuổi, đã từng bị kết án vào năm 2013, cùng với 12 nhà hoạt động khác, với tội danh "âm mưu lật đổ chính quyền", một tội danh vẫn thường được sử dụng để bỏ tù các nhà bất đồng chính kiến. Vào lúc đó, nhà hoạt động này lãnh án 4 năm tù và 4 năm quản thúc tại gia. Đến tháng 01/2017, ông Nguyễn Văn Oai đã bị bắt trở lại vì bị xem là vi phạm lệnh quản chế và "chống người thi hành công vụ".
Theo hãng tin AFP, luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho Nguyễn Văn Oai, coi đây là một bản án "rất không công bằng". Trong một bức thư được viết trước phiên xử và được đăng trên Facebook vào tháng trước, vợ của ông Nguyễn Văn Oai, bà Hồ Thị Châu, khẳng định chồng bà vô tội, chỉ đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền.
Ngoài án tù 5 năm, nhà hoạt động còn bị phạt 4 năm quản chế kể từ ngày chấp hành xong án tù. Ông Nguyễn Văn Oai cho biết sẽ kháng án.
Theo các tổ chức nhân quyền, ít nhất 15 nhà bất đồng chính kiến đã bị bắt ở Việt Nam từ tháng 01/2017. Vào cuối tháng Sáu, blogger nổi tiếng Mẹ Nấm đã bị kết án 10 năm tù với tội danh "tuyên truyền chống Nhà nước", mặc dù quốc tế đã kêu gọi Hà Nội trả tự do cho bà. Tháng sau, một nhà hoạt động khác là Trần Thị Nga cũng đã bị tuyên phạt 9 năm tù vì tội "tuyên truyền chống Nhà nước".
RFI tiếng Việt
********************
Nghệ An xử ông Nguyễn Văn Oai 5 năm tù (BBC, 18/09/2017)
Nguyễn Văn Oai, thành viên của nhóm Thanh niên Công giáo, bị tòa tỉnh Nghệ An kết án 5 năm tù trong lúc vợ ông cáo buộc bản án "đã định sẵn, mọi lời biện hộ của luật sư tại tòa đều vô nghĩa".
Quang cảnh gần tòa án Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An hôm 18/9
Ông Gioan Nguyễn Văn Oai, 36 tuổi, người ra tù năm 2015 sau khi bị bắt vì Điều 79 Bộ luật hình sự, bị bắt trở lại hồi tháng 1.
Ông Oai bị truy tố tội Không chấp hành án theo Điều 304 Bộ luật Hình sự và tội Chống người thi hành công vụ theo Điều 257 trong phiên sơ thẩm hôm 18/9 diễn ra tại Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An.
Tòa tuyên ông Oai phạm cả hai tội nêu trên với mức án tổng cộng là 5 năm tù và 4 năm quản chế còn nợ trong án trước.
Các clip được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy các nhà hoạt động hát ca khúc 'Việt Nam Tôi Đâu' bên ngoài.
Trước đó, người nhà ông Oai cũng cáo buộc việc họ đi tham dự phiên tòa nhưng bị công an ngăn chặn trên đường và đã xảy ra "xô xát".
Ông Oai là thành viên nhóm Thanh niên Công giáo và Tin Lành ở vụ xử "âm mưu lật đổ chính quyền" hồi 2013 tại Việt Nam.
Vợ ông Oai vừa sinh con một tháng trước khi phiên tòa hôm 18/9 diễn ra
'Vô nghĩa'
Hôm 18/9, bà Hồ Thị Châu, vợ của Nguyễn Văn Oai, nói với BBC :
"Tuy phiên xử được thông báo là công khai nhưng cả bố mẹ chồng và tôi đều không được tham dự".
"Tôi cho là bản án đã định sẵn, mọi lời biện hộ của luật sư tại tòa đều vô nghĩa".
"Tôi không biết đảng Việt Tân mà người ta nói chồng tôi tham gia là thế nào nhưng nếu căn cứ vào những điều chồng tôi đã làm đều là việc tốt thì tôi nghĩ đảng ấy cũng tốt".
Cùng ngày, trả lời BBC, Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Oai, nói : "Quan điểm của tôi là ông Oai vô tội, và đây là án oai sai".
Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh hôm 18/9 viết : "Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã nhiều lần nhắc nhở, giáo dục, ba lần ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Oai. Tuy nhiên, Oai vẫn cố ý không chấp hành quản chế. Ngoài ra, Oai còn chống trả quyết liệt đối với người thi hành công vụ nên bị khởi tố và bắt giữ".
Đợt trước, ông Nguyễn Văn Oai bị bắt năm 2011, và năm 2013 bị kết án 4 năm tù giam và 4 năm quản chế với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", theo điều 79 Bộ luật hình sự.
Thành viên đảng Việt Tân
Trả lời BBC ngay khi vừa ra tù hồi tháng 8/2015, ông Oai nói : "Trở về sau bốn năm tù, tôi không thấy tiếc điều gì. Tôi tự hào về bốn năm tù đó".
Thời điểm đó, ông cũng xác nhận mình "là người của đảng Việt Tân".
"Đảng Việt Tân của chúng tôi rất mong được xây dựng một đất nước Việt Nam dân chủ", ông nói.
Tháng 10/2016, truyền thông Việt Nam cho hay, Bộ Công an đưa Việt Tân vào danh sách tổ chức khủng bố.
"Bộ Công an chỉ rõ, hiện nay, Việt Tân tiếp tục tuyển mộ, huấn luyện, chỉ đạo thành viên xâm nhập về Việt Nam kích động biểu tình, phá rối an ninh, bạo loạn, thủ tiêu, bắt cóc con tin ; đưa người ra nước ngoài đào tạo, huấn luyện, tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến về phương thức, hoạt động khủng bố, phá hoại ; tán phát lên mạng Internet hướng dẫn cách chế tạo bom xăng để phục vụ hoạt động khủng bố, phá hoại, ám sát", theo trang VietnamNet.
**********************
Cựu tù nhân chính trị Nguyễn Văn Oai bị kết án tù 5 năm (RFA, 18/09/2017)
Cựu tù nhân chính trị Nguyễn Văn Oai - Courtesy photo
Cựu tù chính trị Nguyễn Văn Oai vào ngày 18 tháng 9 lại bị tòa án Việt Nam tuyên phạt 5 năm tù giam với cáo buộc ‘chống người thi hành công vụ’ và ‘vi phạm lệnh cưỡng chế’
Phiên xử diễn ra tại Nghệ An vào buổi sáng trong ngày. Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho cựu tù chính trị Nguyễn Văn Oai, vào chiều ngày 18 tháng 9 cho Đài Á Châu Tự Do biết về phiên xử như sau :
"Tại tòa tôi trình bày quan điểm anh Oai không có tội, nhưng tòa vẫn tuyên tổng hợp hai tội là 5 năm tù và còn nợ 4 năm quản chế của lần trước. Trước tòa anh Oai trình bày diễn biến mọi sự thực và cho rằng bản thân không phạm tội gì.
Tòa không nghe và họ tuyên phạt đến kịch khung theo Viện Kiểm Sát truy tố. Anh Oai nói sẽ kháng cáo và phiên tòa hôm nay không có thân nhân nào được vào dự cả".
Một người đến tham dự phiên tòa cũng tường thuật lại với Đài Á Châu Tự Do về việc người này đến tham dự :
"Từ 7 giờ sáng chúng tôi tập trung tại Nhà thờ Yên Đại để đi đến tòa. Khi đến tại cổng tòa, công an không cho vào, xô xát và quay phim. Họ mở loa lớn, đàn áp và xô đẩy dân.
Họ không cho chúng tôi vào mà thậm chí mẹ của Oai cũng không được cho vào mà còn bị dẫm đến chảy máu đầu ngón chân. Tóm lại không ai được vào cả.
Chúng tôi chờ đến 11 giờ kết thúc phiên xử và thấy luật sư Hà Huy Sơn ra và chúng tôi thấy xe tù nghi là chở Oai đi. Luật sư Sơn cho biết trong tòa họ cũng không cho nói gì".
Cựu tù chính trị Nguyễn Văn Oai, 36 tuổi, bị bắt lại vào ngày 19 tháng giêng năm nay khi đang trên đường tại thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Trường hợp bắt giữ cựu tù chính trị Nguyễn Văn Oai nằm trong số ít nhất 15 nhà bất đồng chính kiến bị bắt kể từ tháng giêng năm nay trong chiến dịch được nói là mạnh tạy của nhà cầm quyền Hà Nội sau đại hội đảng vào đầu năm ngoái.
Vào năm 2013, ông Nguyễn Văn Oai bị kết án 4 năm tù trong cùng vụ với hơn chục nhà hoạt động khác với cáo buộc ‘âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân’. Đây là một cáo buộc thường được sử dụng để đàn áp, bỏ tù những tiếng nói chỉ trích chính quyền. Ông mãn án tù lần đó vào năm 2015.
Lâu nay Hà Nội bị các tổ chức theo dõi nhân quyền chỉ trích về thành tích tồi tệ trong lĩnh vực này do giới bloggers, luật sư và các nhà hoạt động chỉ trích nhà chức trách về những sai phạm trong quản trị đất nước.
Do các cơ quan truyền thông Việt Nam đều cho chính quyền Hà Nội kiểm soát, giới hoạt động sử dụng các công cụ mạng xã hội để lên tiếng về những bất cập trong xã hội và cổ xúy cho quyền tự do biểu đạt.
Vì điều này nhà cầm quyền Hà Nội cho bắt bớ và kết án tù nặng đối với những tiếng nói đó.
Phiên xử cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai có thể sẽ diễn ra vào ngày 21 tháng 8 tới đây với cáo buộc ‘chống người thi hành công vụ’ và ‘không chấp hành án’.
Cựu tù nhân chính trị Nguyễn Văn Oai kêu gọi trả tự do cho Luật sư Nguyễn Văn Đài. File photo
Thân nhân của tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai cho Đài Á Châu Tự Do biết về tin vừa nêu cũng như những bất hợp lý trong những cáo buộc mà phía chính quyền đưa ra :
"Tới hiện tại gia đình chưa nhận được thông báo nào từ tòa án, nên chưa biết cụ thể như thế nào. Chỉ biết là 21 tháng 8 này thôi nhưng cụ thể như thế nào thì chưa rõ lắm, chưa có gì cả."
Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai là một người trong nhóm 14 thanh niên Công Giáo và Tin Lành bị cơ quan chức năng Việt Nam bắt vào năm 2011 và bị đưa ra tòa xét xử vào năm 2013 với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Bản thân ông Nguyễn Văn Oai bị tuyên án 4 năm tù giam và 4 năm quản chế. Tuy nhiên ông này cho rằng không hề phạm tội mà chỉ lên tiếng đòi hỏi quyền lợi cho người dân theo đúng qui định của Hiến Pháp và Pháp Luật Việt Nam.
Ông bị một nhóm người thường phục bắt vào ngày 19 tháng giêng vừa qua khi đang di chuyển trên đường thuộc địa bàn xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Đến hôm sau, Công an Xã Quỳnh Vinh mới thông báo cho gia đình ông Nguyễn Văn Oai về việc bắt giữ như thế.
Thân nhân cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai bày tỏ phản đối về những cáo buộc mà cơ quan chức năng đưa ra với ông này :
"Đối với gia đình của chúng tôi thì không thể chấp nhận được hai cáo trạng đó bởi vì về tội không thi hành công vụ thấy Oai không làm gì để cãi cả. Vả lại khi công an tới nhà không mang đồng phục của công an, chỉ giả dạng côn đồ thôi, Oai không tiếp đón và có hành hung vì chuyện đó là chuyện bình thường bởi vì vào nhà mà không làm việc với Oai không mang đồng phục của công an thì Oai có quyền làm chuyện đó. Cho nên không thể cáo là chống đối thi hành công vụ được. Bắt Oai khi không có một giấy nào ra lệnh bắt, rồi đánh đập hành hung sau đó bắt đi nên gia đình không ai chấp nhận như thế, ai cũng bực tức cả."