Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

30 tháng 9 là hạn chót báo cáo về 12 đại dự án nhà nước thua lỗ (RFA, 15/09/2017)

Chính phủ Việt Nam vừa ra quyết định Bộ Công thương phải báo cáo kết quả điều tra 12 đại dự án vốn nhà nước bị thua lỗ trước ngày 30 tháng Chín.

ocean6

Trụ sở của PetroVietnam ở Hà Nội - AFP

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ công thương và các ban ngành liên quan cũng phải báo cáo cho Thủ tướng biết việc xử lý chuyện vay nợ của các dự án này đã đến đâu.

Các dự án này bao gồm 4 nhà máy phân đạm, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất, Công ty Thép Việt – Trung, Nhà máy Ethanol Phú Thọ, Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên (giai đoạn 2), nhà máy Nhiên liệu Sinh học Bình Phước, Nhiên liệu Sinh học Dung Quất và Xơ sợi Đình Vũ.

Trong các dự án này có những nhà máy ngừng hoạt động hoàn toàn, có những nhà máy hoạt động chỉ có vài ngày, và tất cả đều thua lỗ.

Trong các dự án này Tập đoàn Dầu khí Quốc gia có nhiều dự án với số tiền đầu tư nhiều nhất.

Bộ Công Thương cũng công bố kết luận của Ủy ban kiểm tra trung ương đảng cộng sản Việt Nam là các lãnh đạo của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã thiếu trách nhiệm trong việc lãnh đạo gây hậu quả rất nghiêm trọng trong việc quản lý vốn của nhà nước.

Ủy ban trung ương kết luận rằng các vị lãnh đạo này phải bị kỷ luật, nhưng chưa cho biết hình thức kỷ luật như thế nào.

Các vị lãnh đạo của Tập đoàn hóa chất sẽ bị kỷ luật là ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thành Viên, và ba người khác từng là lãnh đạo của tập đoàn này.

Tập đoàn hóa chất đã đầu tư các nhà máy phân đạm mà tính cho đến nay số tiền lỗ đã lên đến 4200m tỉ đồng.

*******************

Đảng đang quyết tâm 'mổ xẻ cơ thể sinh bệnh tật' (BBC, 15/9/2017)

Việc đưa ra xét xử các vụ đại án liên tục trong suốt thời gian qua và đến nay cho thấy Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam đang quyết tâm 'mổ xẻ cơ thể sinh bệnh tật', theo ý kiến của một cựu quan chức lãnh đạo thuộc Văn phòng Quốc hội Việt Nam.

ocean3

Ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Ocean Bank trước khi bị đề nghị mức án chung thân

Cùng lúc, đang có câu hỏi đặt ra trong công luận về việc vì sao chỉ có những doanh nhân bị xét xử, hầu tòa, mà không phải là những người có trọng trách nhưng đã 'cố ý làm sai' phải đối diện với công lý, một ý kiến khác từ một nhà phân tích chính sách nói với Bàn tròn thứ Năm hôm 14/9/2017.

Các vụ đại án và nhiều vụ việc liên quan hệ thống ngân hàng vừa qua đều liên quan tới việc điều hành chính phủ và hệ thống ngân hàng từ các nhiệm kỳ lãnh đạo trước, đây có thể sẽ là những cấp phải trả lời câu hỏi chính về trách nhiệm điều hành, lãnh đạo đất nước trong thập niên qua, một ý kiến khác tại cuộc Tọa đàm của một nhà báo nói với BBC Tiếng Việt.

Trước hết, từ Sài Gòn, bình luận về diễn biến các mức án được cho là rất cao mới được đề nghị với các cựu lãnh đạo Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) là các ông Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm, bên cạnh việc cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đặng Thanh Bình mới bị khởi tố, cùng một số đại án khác, Luật sư Trần Quốc Thuận từ Sài Gòn nói :

"Việc mở ra những vụ đại án sẽ cố gắng xử hết trong năm 2017 này và tiếp tục mở ra các vụ đại án khác cho thấy Đảng và Nhà nước quyết tâm mổ xẻ cơ thể đã sinh ra bệnh tật này, mà theo cách nói là cố gắng bóc ra được những con sâu tạo nên những chuyện thiệt hại rất lớn đến nền kinh tế và tài sản của nhà nước.

ocean4

Ông Nguyễn Xuân Sơn , nguyên Tổng Giám đốc Ocean Bank trước khi bị đề nghị mức án tử hình

"Vấn đề quan trọng nhất, tôi nghĩ, là phải tìm cho ra nguyên nhân sâu xa mà để những vụ án này lan truyền những vụ án khác mà bây giờ trên hệ thống chính trị Việt Nam, ta nhìn nhiều nơi hễ mà đi thanh tra thì đều là có vấn đề, mà hiện giờ vụ án đã lên đến mức án lần đầu tiên trong nhóm án này có đưa một mức án cao nhất là tử hình.

"Còn mức án trước kia như vụ Vinashin, Vinalines, thì cũng chỉ ở mức án 20 năm, chung thân thì không đáng kể, nhưng thực tế người đó làm sao làm được ? Những người lãnh đạo làm sao làm được ? Phải có người bổ nhiệm, người đề bạt và trách nhiệm theo dõi, giám sát, kiểm tra là như thế nào ? Cho nên đó là câu chuyện mà cần phải làm tới nữa.

"Cho nên người ta nói rằng phải làm cho ra nguyên nhân sâu xa là người ban hành chủ trương, tạo điều kiện cho người đó có thể phạm tội như thế,... những người đứng sau lưng, người đứng bên trên thì phải lôi ra cho được, từ đó phải tìm giải pháp nào mà người ta đương nói nhiều là đang có một cuộc cải cách cơ chế, thể chế, câu chuyện đang đặt ra để làm sao mà ngăn chặn được", nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói.

Tại sao lại chỉ có doanh nhân ?

Bình luận về thực chất của các vụ đại án ngân hàng, bên cạnh nhiều diễn biến khác xuất hiện khá 'dồn dập' gần đây trên truyền thông Việt Nam như câu chuyện thu phí giao thông với các dự án xây dựng, vận hành, chuyển giao (BOT), các 'lùm xùm' liên quan ngành dầu khí Việt Nam trong đó có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhiều vụ việc khác, từ Hà Nội, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ nói :

"Trong dư luận có nói rằng tại sao lại chỉ có các nhà kinh doanh, các nhà doanh nghiệp, thí dụ từ ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) ngày xưa cho đến bây giờ toàn những nhà kinh doanh thôi, nhưng thực ra cái cố ý làm sai này cũng là các quan chức đứng đằng sau ba đại án lớn này và hiện tượng BOT, thì rõ ràng là nó đang rối và chắc chắn phải có người chịu trách nhiệm.

ocean5

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng tiếp tục đốc thúc và giao nhiệm vụ cho các cấp, ngành hữu quan đẩy mạnh tiến độ xử lý các vụ đại án từ nay tới cuối năm, theo truyền thông Việt Nam

"Tuy nhiên chúng ta phải bình tĩnh, bởi vì chúng ta biết rằng cách xử lý ở Việt Nam là nó không giống như các nước nào, đầu tiên cứ phải giải quyết từ những cái mà chúng ta cho đó là vùng cấm, để được Đảng giải quyết xong, sau đó mới đến chính phủ, cái gì chưa đạt được thì phải đưa ra Quốc hội.

"Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta không làm việc này cho những người đứng đằng sau, cái lợi ích nhóm mà sân sau ấy, thì sẽ mất lòng tin của dân chúng, bởi vì người dân đang mong là phải có đích đến của việc chống tham nhũng này.

"Còn nếu không làm được việc này, người ta sẽ nói [đó] là việc đấu đá trong nội bộ, thì nó cũng không hay. Chúng ta [Việt Nam] nên làm minh bạch trong chuyện này, hoặc là nó có một vùng cấm nào đấy thì lại càng không tốt, khi chúng ta nói rằng 'không có vùng cấm,' chuyên gia về chính sách công từ Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư của Việt Nam nói với Bàn tròn.

Từ Warsaw, thủ đô Ba Lan, nhà báo Mạc Việt Hồng, Chủ biên tờ báo mạng Đàn Chim Việt Online đưa ra thêm bình luận với BBC :

"Tôi nghĩ rằng chắc chắn có ai đó, hoặc những ai đó đứng đằng sau tất cả những câu chuyện này, chúng ta cứ tạm gọi là một đồng chí X, hay một đồng chí Y nào đó, nhân những vụ án ở ngân hàng vừa rồi, tôi nghĩ rằng tiếp theo đây sẽ có nhiều ngân hàng lớn, mà các quan chức của các nhà băng này, Tổng Giám đốc, rồi Chủ tịch Hội đồng Quản trị sẽ đứng trước vành móng ngựa, chứ không riêng là mấy ngân hàng đã bị bắt như chúng ta [đã thấy], mà theo tôi sẽ có những ngân hàng khác nữa.

"Tất nhiên, tất cả những câu chuyện này đều hướng tới một người hoặc một số người và nó đều liên quan tới chính sách điều hành quốc gia... và người phụ trách là Thống đốc ngân hàng..., tôi nghĩ rằng đây mới là những người phải chịu trách nhiệm chính về việc điều hành đất nước trong thập niên vừa qua", bà Mạc Việt Hồng nêu quan điểm với BBC hôm 14/9.

Được biết, ngày 31/7/2017, Tổng Bí thư đảng CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đã chủ trì tổ chức Phiên họp thứ 12 của cơ quan này để thảo luận, cho ý kiến về tiến độ, kết quả thực hiện chương trình công tác của Ban Chỉ đạo 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017, truyền thông chính thống Việt Nam cho hay.

Về nhiệm vụ sáu tháng cuối năm, ông Tổng Bí thư và Ban Chỉ đạo yêu cầu "tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu như tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong công tác phòng chống tham nhũng, nhất là ở địa phương, cơ sở ; chỉ đạo tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng", vẫn theo truyền thông trong nước.

*********************

Luật sư nói gì về 'mắt xích' PVN-OceanBank ? (BBC, 15/09/2017)

Luật sư bào chữa cho bị cáo bị đề nghị lĩnh án tử hình trong phiên xử "đại án" nói thân chủ của mình "không phạm tội".

ocean1

Ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng tư vấn Tập đoàn dầu khí quốc gia, nguyên Tổng giám đốc OceanBank bị đề nghị án tử hình về các tội tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm, một trong các luật sư bào chữa cho cựu Tổng Giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn hôm 14/09 lập luận rằng thân chủ của mình "không thể lợi dụng sự phụ thuộc của Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) vào Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vì không thể làm trái thỏa thuận được lãnh đạo của hai tổ chức này đã ký kết".

Luật sư Tâm mô tả điều ông gọi là "cáo trạng có điểm bị nhầm lẫn" bởi trong thời gian làm Tổng Giám đốc Oceanbank ông Nguyễn Xuân Sơn "không có tư cách người đại diện phần vốn góp của PVN" tại ngân hàng OceanBank và do vậy "không lợi dụng và không thể lợi dụng uy tín, vị thế của PVN" để buộc Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng này là ông Hà Văn Thắm phải chi tiền cho mình.

Luật sư Tâm được Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) dẫn lời nói rằng có một văn bản thỏa thuận cam kết giữa PVN và Oceanbank ký ngày 18/9/2008 giữa ông Đinh La Thăng - Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN và ông Hà Văn Thắm - Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank.

"Quan hệ giữa Oceanbank với PVN đã được hai ông Chủ tịch thống nhất, thỏa thuận và triển khai những cam kết hỗ trợ tối đa từ trước khi Nguyễn Xuân Sơn được PVN giới thiệu sang OceanBank công tác, kể cả sau khi Nguyễn Xuân Sơn đã rời khỏi OceanBank", VOV dẫn lời luật sư Nguyễn Minh Tâm trong bài "Thỏa thuận giữa Oceanbank và PVN có từ thời ông Đinh La Thăng", đăng vào chiều tối 14/09.

Thỏa thuận giữa PVN và OceanBank được mô tả là xác định việc "PVN hỗ trợ cho Oceanbank về tài chính đồng thời sử dụng và khuyến khích các đơn vị trực thuộc, đơn vị thành viên của PVN sử dụng các dịch vụ của ngân hàng, các dịch vụ liên quan do OceanBank cung cấp".

Luật sư Tâm cũng đưa ra một loạt văn bản của PVN trong đó có văn bản yêu cầu các đơn vị thành viên và các đơn vị có vốn góp của PVN mở và phát triển hệ thống tài khoản thanh toán của đơn vị mình tại Oceanbank để tạo ra "sự liên thông và hiệu quả trong quá trình thanh toán, chuyển tiền giữa PVN và các đơn vị, khách hàng được nhanh chóng và tiện lợi".

Một văn bản nữa của Tổng Giám đốc PVN vào tháng Chín 2009 yêu cầu các đơn vị chưa mở tài khoản tại OceanBank khẩn trương phối hợp ngân hàng thực hiện mở và sử dụng tài khoản.

Một tháng sau đó đã có thêm một văn bản của Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN yêu cầu gửi các đơn vị, kể cả các nhà thầu dầu khí phải thực hiện việc mở tài khoản và thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại OceanBank.

Do đó luật sư Nguyễn Minh Tâm biện luận rằng không thể kết tội ông Nguyễn Xuân Sơn đã "lợi dụng uy tín, vị thế và sự phụ thuộc của OceanBank vào nguồn tiền gửi huy động từ PVN" để gây áp lực hoặc chi phối lãnh đạo OceanBank (ông Hà Văn Thắm) nhằm "chiếm đoạt tài sản" của ngân hàng này như trong cáo trạng bởi gốc rễ nắm ở thỏa thuận ban đầu và các văn bản sau đó giữa lãnh đạo PVN và OceanBank.

Nội dung tranh tụng của luật sư Nguyễn Minh Tâm cũng được một số báo trong nước đưa tin trong đó có báo Thanh Niên, Dân Trí,...

Cây bút Huy Đức mô tả điều ông gọi là OceanBank "không cần 800 tỷ góp vốn" [của PVN].

Viết trên Facebook cá nhân hôm 14/09, ông nói "đừng ngạc nhiên khi mai mốt ta biết 800 tỷ này vào túi ai - OceanBank cần dòng tiền lên tới 500 nghìn tỷ của PVN đi qua tài khoản của mình".

Trong khi đó Luật sư Nguyễn Thị Minh Phương, là một trong bốn luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Xuân Sơn vào sáng hôm 15/09 trong phần tranh tụng nói PVN với số tiền gửi lớn tại Oceanbank thì liệu có nhận được tiền "chăm sóc" của nhà băng này hay không bởi nhiều công ty con của PVN nhận được.

ocean2

Ông Hà Văn Thắm nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị, bị đề nghị án chung thân

Luật sư Phương đặt ra câu hỏi vì sao Bộ Công an phải khởi tố vụ án hình sự lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại 3 công ty liên quan đến ngành dầu khí và khởi tố bổ sung với cựu kế toán trưởng PVN.

Luật sư này biện luận trong thời gian thân chủ của mình bị buộc phạm vào tội tham ô tài sản, ông Nguyễn Xuân Sơn không phải là Chủ tịch thành viên PVN, không được giao quản lý vốn, không điều hành PVN và đây là quyền hạn của hội đồng thành viên PVN và không có ông Nguyễn Xuân Sơn trong đó.

"Dựa vào căn cứ nào để cáo buộc Nguyễn Xuân Sơn quản lý tài sản và rút tiền của Oceanbank", Luật sư Nguyễn Thị Minh Phương nói. "Nguyễn Xuân Sơn không thể là chủ thể của tội Tham ô".

Tại các phiên xét hỏi trước, ông Hà Văn Thắm khai đã chuyển cho Nguyễn Xuân Sơn hơn 300 tỉ đồng để nhờ ông Sơn "chăm sóc nhóm khách hàng tại PVN" và tin rằng ông Sơn "chăm sóc khách hàng rất hiệu quả".

Viện Kiểm sát đề nghị tuyên mức án tử hình với ông Nguyễn Xuân Sơn và án tù chung thân với ông Hà Văn Thắm, đều là các cựu lãnh đạo OceanBank.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng tư vấn Tập đoàn dầu khí quốc gia, nguyên Tổng giám đốc OceanBank, bị đề nghị án tử hình về các tội tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái.

Ông Hà Văn Thắm nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, bị đề nghị án chung thân về các tội tham ô, cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ và vi phạm quy định về cho vay.

Hàng chục bị can còn lại bị đề nghị các mức án tù trong khoảng từ 3 tới 27 năm tù trong vụ xử được gọi là đại án.

********************

Đại án OceanBank : Nguyễn Xuân Sơn bị đề nghị án tử hình (BBC, 14/09/2017)

Viện Kiểm sát đề nghị tuyên mức án tử hình với ông Nguyễn Xuân Sơn và án tù chung thân với ông Hà Văn Thắm, đều là các cựu lãnh đạo OceanBank.

ocean1

Ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng tư vấn Tập đoàn dầu khí quốc gia, nguyên Tổng giám đốc OceanBank bị cho là "không thành khẩn".

Ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng tư vấn Tập đoàn dầu khí quốc gia, nguyên Tổng giám đốc OceanBank, bị đề nghị án tử hình về các tội tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái.

Ông Hà Văn Thắm nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, bị đề nghị án chung thân về các tội tham ô, cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ và vi phạm quy định về cho vay.

Hàng chục bị can còn lại bị đề nghị các mức án tù trong khoảng từ 3 tới 27 năm tù trong vụ xử được gọi là đại án.

Truyền thông tại Việt Nam mô tả phiên xử 11 ngày tập trung vào một loạt cáo buộc của Viện Kiếm sát Nhân dân Tối cao bao gồm việc các cựu giới lãnh đạo OceanBank và thuộc cấp "phù phép" hàng trăm tỉ đồng để tham ô trục lợi, chi tiền "chăm sóc" Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và có các hành vi "lũng đoạn, làm mất an ninh thị trường tiền tệ".

Vì sự liên hệ giữa PVN, đơn vị góp 800 tỉ tiền vốn vào OceanBank, một loạt các bị can khác đã và đang bị khởi tố "bổ sung" và Viện kiểm sát "chưa đề nghị xử lý".

"Đại diện Viện kiểm sát nhận định Hà Văn Thắm xuất phát từ động cơ cá nhân, chịu áp lực vì PVN là cổ đông lớn nên đã đề ra chủ trương chi lãi ngoài trong thời gian dài ; công khai trên toàn hệ thống OceanBank, gây ảnh hưởng xấu đến chính sách tiền tệ của Nhà nước", báo Tuổi Trẻ đưa tin.

"Theo đại diện Viện kiểm sát, Nguyễn Xuân Sơn là cán bộ PVN, được cử sang OceanBank đại diện cho phần vốn góp của PVN.

ocean2

Ông Hà Văn Thắm nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị, bị đề nghị án chung thân

"Sơn đã lợi dụng chức vụ, chi phối, yêu sách, áp đặt Hà Văn Thắm chi lãi suất ngoài, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn để chi tiêu cá nhân và chi cho một số mối quan hệ, gây ảnh hưởng xấu đến PVN - một trong những tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước và hành vi phạm tội của Sơn diễn ra trong thời gian dài gần như công khai.

"Bị cáo [Sơn] có nhiều thành tích trong ngành dầu khí nhưng không đủ để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự", báo này dẫn lời Viện Kiểm sát.

Viện Kiểm sát cũng đã đề nghị Hội đồng Xét xử kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét trách nhiệm của các cá nhân có trách nhiệm thanh tra, giám sát hoạt động của OceanBank giai đoạn từ năm 2009-2014 (giai đoạn Ngân hàng Nhà nước hoạt động dưới quyền cựu Thống đốc Nguyễn Văn Bình).

Hồi cuối tuần trước một cựu phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước bị khởi tố với tội danh "thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan tới những sai phạm liên quan tới ngân hàng Ngân hàng Xây dựng và một số tổ chức khác trực thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Hồi đầu tháng, Thanh tra Chính phủ nói đã có những lỗ hổng trong công tác quản lý tại Ngân hàng Nhà nước, trong đó có việc giám sát yếu kém đối với các tổ chức tín dụng, và việc phòng chống tham nhũng kém hiệu quả.

Bình luận về thực trạng của một số vụ án trong ngành ngân hàng, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh mới đây nói rằng "để có thể hoạt động tốt, một số lãnh đạo ngân hàng đã liên kết với các cán bộ cấp rất cao trong bộ máy quyền lực.

"Họ nghĩ là với những liên kết như vậy, họ có thể bước lên trên các quy định pháp luật để phục vụ lợi ích nhóm".

Cho đến nay, một số quan chức cao cấp, gồm cả đương chức lẫn đã nghỉ hưu, bị kỷ luật dưới nhiều hình thức khác nhau.

Đáng chú ý nhất là ông Đinh La Thăng mất ghế ủy viên Bộ Chính trị vì bị kỷ luật liên quan tới giai đoạn 2006-2008, là thời gian ông lãnh đạo PetroVietnam (PVN).

Published in Việt Nam