Có đúng 98% dân Sài Gòn hài lòng về thủ tục hành chính công ? (RFA, 03/01/2019)
Nhiều người không tin kết quả khảo sát !
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, hôm 3/1/2020 tổ chức Hội nghị sơ kết kết quả thực hiện đánh giá hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong năm 2019.
Người dân làm thủ tục hành chính tại Ủy ban Nhân dân quận 4, thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa chụp trước đây) - Courtesy quan4.hochiminhcity.gov.vn
Ông Vũ Thanh Lưu Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, khi phát biểu tại hội nghị được truyền thông trong nước trích dẫn cho biết, hơn 98% người dân được khảo sát trong năm 2019 cảm thấy hài lòng và rất hài lòng về thủ tục hành chính công.
Đối với công bố đó, một cư dân Sài Gòn, nghệ sĩ Kim Chi, nói :
"Họ nói láo… nói xạo… nghe là buồn cười… họ lấy cái gì để thống kê cái đó, để họ nói ra con số cụ thể ?"
Ông Lê Thiệu, hiện sinh sống tại Sài Gòn, vào ngày 3/1 cho RFA biết ý kiến của mình, về kết quả khảo sát vừa nêu :
"Họ tuyên truyền vậy thôi, chứ thủ tục hành chính của nhà nước từ xưa đến giờ người dân thường nói ‘hành là chính’, nhiêu khê lắm, chính bản thân anh mỗi lần đi làm giấy tờ gì anh mệt, anh phát ngán luôn. Những người làm việc hành chính nhà nước họ không hướng dẫn mình cụ thể cần cái gì, cứ mang giấy tờ lên thì nói còn thiếu cái này cần bổ sung, nhưng mang lên lại nói thiếu cái kia…".
Theo ông Lê Thiệu, chỉ có một số ít người dân họ hài lòng, có thể do họ có quyền hay mối quan hệ.
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, cuộc khảo sát được thực hiện bởi Công ty Phân tích thời gian thực RTA, từ ngày 6/6 đến ngày 4/10/2019, các điều tra viên phỏng vấn 12.459 người dân và doanh nghiệp được lựa chọn ngẫu nhiên.
Một cán bộ về hưu, hiện sống tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Minh Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ thương mại, nhận định với RFA hôm 3/1 :
"Về thay đổi, cải cách thủ tục hành chính đối với nhân dân, cái đó theo tôi không có thay đổi để làm cho dân nhẹ nhàng, người ta vẫn xếp hàng, chờ đợi… biết bao nhiêu cái nhũng nhiễu của bộ máy… Tôi chỉ kể một vài việc như thế, chứ thật ra còn nhiều việc lắm, cho nên không thể nói là 90% được nhân dân hài lòng. Tôi thấy cái đó là hết sức chủ quan, cố áp đặt cái đó chứ không có cái đó, chưa có cái đó… còn lâu mới có cái đó".
Cũng có mặt tham dự Hội nghị sơ kết kết quả thực hiện đánh giá hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong năm 2019, ông Trần Lưu Quang, Phó bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh cho biết ‘không dám tin’ 95% người dân hài lòng với dịch vụ hành chính công và yêu cầu phải có cách khảo sát thực chất hơn.
Ông Quang còn nói thêm, ‘nếu người dân hài lòng như các báo cáo mà chúng tôi được đọc, chắc cả ngày lãnh đạo không còn việc gì làm, chỉ có đi ăn giỗ’.
Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn). Screen capture
Trước đó, vào ngày 9/12/2019, chính phủ Việt Nam khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn), được cho biết nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến.
Tin cho biết, hiện Cổng dịch vụ công quốc gia đang cung cấp 5 dịch vụ công trực tuyến tại 63 địa phương trong đó có thành phố Hồ Chí Minh.
Liên quan vấn đề này, ông Lê Minh Triết, nhận định :
"Có phải mọi người ai cũng dùng online đâu, đâu phải ai cũng thành thạo để giải quyết thủ tục đâu ? Cơ bản cái online bộ máy nhà nước trong điều kiện hiện nay có giải quyết được không ? Mình có cải tiến hạ tầng gì đâu mà gọi là online".
Về chuyện giải quyết thủ tục hành chính qua mạng, theo nghệ sĩ Kim Chi, là có thay đổi… nhưng ở mức độ nào thì chưa rõ, chẳng hạn chuyện lãnh lương hưu thì có tiện lợi vì khỏi phải đến tận nơi lãnh, khỏi ký giấy tờ mà tiền chuyển qua ngân hàng. Theo bà, là có nhiều tiến bộ và cố gắng. Bà nói tiếp :
"Thủ tục hành chính qua mạng thì cũng có tiến bộ, mình phải công bằng mà nói, nó đỡ nhiêu khê hơn, nhưng nó tùy vùng, tùy nơi, có những nơi vẫn tiếp tục hành. Nhưng cũng có ghi nhận nhiều nơi đã làm nhanh hơn".
Theo Văn phòng Chính phủ, Cổng dịch vụ công quốc gia gồm 6 phần chính : cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính ; xác thực, đăng nhập một lần ; thanh toán trực tuyến ; hệ thống phản ánh, kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp ; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương ; hỗ trợ trực tuyến và Tổng đài hỗ trợ.
Hiện Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp 5 dịch vụ công trực tuyến là : Đổi giấy phép lái xe ; thông báo hoạt động khuyến mại ; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng ; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình) ; dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp).
Ông Lê Thiệu cho biết ý kiến của mình về việc này :
"Việc giải quyết giấy tờ qua mạng đúng ra phải phải quyết từ lâu rồi, thời buổi thông tin internet mà. Phát triển thì cũng giúp cho người dân một ít thời gian, đỡ mất công đi lại, cái đó thì có. Nhưng lại nảy sinh ra tiêu cực khác, chẳng hạn rồi cũng phải đích thân đi lấy, nhiều khi có khâu còn bị tiền cò… hay phải tốn thêm lệ phí để chuyển về nhà. Nhưng không phải ai cũng làm được, trừ một số người thành thạo vi tính… tin học thì người ta mới làm được".
Không chỉ các vấn đề hành chính công, theo ông Lê Minh Triết, bây giờ người dân không hài lòng rất nhiều thứ, như quy hoạch đất đai treo, làm người dân không cải thiện được cuộc sống, muốn sửa, muốn bán cũng không được. Tuy bộ mặt thành phố có phát triển, nhưng theo ông, nạn kẹt xe đến cái mức không thể đi được, đi làm cũng khổ, đi hàng ngày cũng khổ thì làm sao người dân hài lòng được, chưa kể ô nhiễm đến ngạt thở, không khí và môi trường sống ngày càng thấy khó khăn.
*****************
Cố bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh bị khai đã giới thiệu cho Vũ Nhôm mua tài sản công (RFA, 03/01/2020)
Cố bí thư thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh, bị một số bị cáo trong vụ án làm thất thoát công quỹ hơn 22 ngàn tỷ đồng ở thành phố cảng biển khai rằng chính ông đã gọi điện, giới thiệu bán công sản cho Vũ "Nhôm", tức Phan Văn Anh Vũ.
Hình minh họa. Cố Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh (trái) và Phan Văn Anh Vũ (phải) Photo : RFA
Truyền thông trong nước tường thuật diễn biến phiên tòa sang ngày thứ hai hôm 3/1 như vừa nêu. Cụ thể, ông Huỳnh Tấn Lộc, nguyên Giám đốc Công ty Cổ Phần Công Nghệ Phẩm Đà Nẵng thừa nhận bán hai nhà đất cho Vũ Nhôm vì có giới thiệu từ ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư, và ông Trần Văn Minh - Chủ tịch thành phố Đà Nẵng lúc bấy giờ.
Còn ông Phan Xuân Ít, nguyên Phó chánh Văn phòng UBND Thành phố Đà Nẵng, cũng khai không có quan hệ gì với Vũ Nhôm, nhưng biết nhân vật này có mối quan hệ với Ủy ban, quan hệ với Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân cũ đã mất (tức ông Nguyễn Bá Thanh) và sau đó có quan hệ với ông Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND thành phố.
Trong khi đó cựu Phó chánh văn phòng UBND Thành phố Đà Nẵng, Đào Tấn Bằng, khai rằng thông qua lãnh đạo thành phố, cụ thể là ông Trần Văn Minh nên biết Vũ Nhôm ; và ông Trần Văn Minh nói với Đào Tấn Bằng rằng Vũ Nhôm có công ty bình phong của Bộ Công an. Cũng theo lời khai của ông Đào tấn Bằng với Hội đồng xét xử thì ông Trần văn Minh nói rõ hoạt động tình báo của lực lượng công an có các pháp lệnh, nghị định, quy định, trong đó phải tạo điều kiện để công ty bình phong hoạt động nhằm bảo vệ Đảng và Nhà nước.
Cựu Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến vào chiều ngày 3/1 khi bị Hội đồng Xét xử thẩm vấn về trách nhiệm cá nhân trong việc chuyển nhượng 22 nhà đất, dự án bất động sản cho công ty của Vũ Nhôm, khai rằng khi còn là Phó chủ tịch, việc giao đất cho Phan Văn Anh Vũ được thực hiện theo chỉ đạo của hai chủ tịch tiền nhiệm và không hề hưởng lợi ích vật chất nào.
Cáo trạng nêu rõ Vũ ‘Nhôm’ đã lợi dụng các mối quan hệ thân quen với các lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng và các sở, ngành liên quan nhằm nắm bắt thông tin đất đai, đặc biệt đất ở ven biển. Vũ được nhóm của hai cựu chủ tịch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2006-2014 chỉ đạo cho cán bộ cấp dưới thực hiện các biện pháp để thâu tóm đất đai.
Cáo trạng nói Vũ được ưu đãi để có thể thâu tóm hằng loạt nhà đất, công sản tại Đà Nẵng nhờ các thủ thuật như không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, áp đơn giá giao quyền sử dụng đất không theo giá thị trường, giảm 10% tiền sử dụng đất chuyển mục đích từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở…
Thực tế đó khiến Nhà nước bị thiệt hại hơn 22 ngàn tỷ đồng ; trong đó thiệt hại tại 22 nhà, đất công sản là hơn 2.400 tỷ đồng, và tại 7 dự án đất là hơn 19.600 tỷ đồng.
****************
Vũ ‘Nhôm’ và hai cựu chủ tịch Đà Nẵng ra tòa (RFA, 02/01/2020)
Vũ ‘Nhôm’, tức Phan Văn Anh Vũ, hai cựu chủ tịch Thành phố Đà Nẵng- Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến cùng gần 20 cán bộ khác vào ngày 2/1/2020 bị đưa ra xét xử tại tòa án Hà Nội với những cáo buộc ‘vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí’ và ‘vi phạm các qui định về quản lý đất đai’.
Hai cựu chủ tịch Đà Nẵng là Trần Văn Minh (trái) và Văn Hữu Chiến (phải) - RFA edited
Theo cáo trạng và điều tra của cơ quan chức năng được truyền thông trong nước loan đi thì các lãnh đạo thành phố Đà Nẵng bán đất vào năm 2011, sau khi đã xây đê biển và san lấp, nhưng lại áp giá năm 2006, khi chưa cải tạo. Đến năm 2018, khu đất được Vũ ‘Nhôm’ mua với giá 87 tỷ đồng được định giá là 11.300 tỷ đồng.
Mạng báo Tiền Phong dẫn phần cáo trạng nêu rõ Vũ ‘Nhôm’ đã lợi dụng các mối quan hệ thân quen với các lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng và các sở, ngành liên quan nhằm nắm bắt thông tin đất đai, đặc biệt đất ở ven biển. Vũ được nhóm của hai cựu chủ tịch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2006-2014 chỉ đạo cho cán bộ cấp dưới thực hiện các biện pháp để thâu tóm đất đai.
Cáo trạng nói Vũ được ưu đãi để có thể thâu tóm hằng loạt nhà đất, công sản tại Đà Nẵng nhờ các thủ thuật như không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, áp đơn giá giao quyền sử dụng đất không theo giá thị trường, giảm 10% tiền sử dụng đất chuyển mục đích từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở…
Thực tế đó khiến Nhà nước bị thiệt hại hơn 22 ngàn tỷ đồng ; trong đó thiệt hại tại 22 nhà, đất công sản là hơn 2400 tỷ đồng, và tại 7 dự án đất là hơn 19600 tỷ đồng.
Sáng nay, tại tòa, luật sư Trần Quang Sơn bào chữa cho ông Văn Hữu Chiến đề nghị triệu tập ông Hoàng Anh Tuấn- nguyên chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng và cũng là cựu bộ trưởng Văn hóa thể thao và du lịch, vì có liên quan đến hai dự án nhà đất.
Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng được luật sư Trần Quang Sơn đề nghị tòa cho triệu tập vì liên quan đến nhà đất số 6 đường Bạch Đằng.
Đề nghị vừa nêu được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Vũ ‘Nhôm’ (Phan Văn Anh Vũ) từng bị đưa ra xử về tội ‘cố ý làm lộ bí mật nhà nước’ vào tháng 7 năm 2018 và bị tuyên án 9 năm tù ; tuy nhiên tại phiên phúc thẩm được giảm còn 8 năm tù. Sau đó, vào tháng 12 năm 2018, Vũ bị xử về tội ‘lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản’ và chịu mức án 17 năm tù.
Phan Văn Anh Vũ là cựu thượng tá an ninh công an. Hồi tháng 12 năm 2017, Vũ trốn sang Singapore và bị Công an Việt Nam phát lệnh truy nã vào ngày 22 tháng 12 năm 2017. Đến ngày 4 tháng 1 năm 2018, Vũ ‘Nhôm’ bị Singapore trục xuất về Việt Nam và Công an Việt Nam bắt ông này tại Sân bay Nội Bài.
Vụ bí thư thành ủy Sài Gòn đối mặt với khả năng bị kỷ luật làm dậy sóng mạng xã hội nhiều ngày qua, nhưng đối với một số người dân nơi này, "ai đi, ai ở cũng vậy".
Các chức vụ của ông Đinh La Thăng được cho là đang "lung lay" sau khi ủy viên Bộ Chính trị này bị một ban giám sát của Đảng cộng sản Việt Nam "đưa vào tầm ngắm" vì "các sai phạm" ở một tập đoàn nhà nước mà ông lãnh đạo nhiều năm trước.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng trong cuộc gặp năm 2016 với Ngoại trưởng Mỹ khi ấy là ông John Kerry.
Cùng chung quan điểm với một số nhà phân tích, bà Dương Thị Tân, một cư dân ở thành phố được coi là "đầu tàu kinh tế" của Việt Nam, cho rằng đang có "đấu đá" trong nội bộ đảng.
Bà nói thêm : "Chuyện kỷ luật thì không phải vì những cái gì ông ấy đã làm và không làm được cho thành phố mà đây là một sự tranh giành, đấu đá. Ông về thành phố này, dù ông đã phát biểu sẽ dành hết thời gian cho thành phố, nhưng mà thực tế là ông chưa làm được cái gì mang dấu ấn cả".
Bà tân nói tiếp : "Ông ra đi là điều tất nhiên. Một khi phe nhóm, những người đỡ đầu, chống lưng không còn tại vị nữa thì đương nhiên, sự ra đi không thể tránh khỏi".
Đầu năm ngoái, ông Thăng đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm một trong số gần 20 ủy viên của Bộ Chính trị đầy quyền lực ở Việt Nam rồi được chỉ định làm bí thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, sau một kỳ đại hội đảng mà giới quan sát cho là có sự "đối đầu" giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng khi ấy là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Giới quan sát cho là có sự "đối đầu" giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng khi ấy là ông Nguyễn Tấn Dũng trong đại hội đảng năm 2016.
Sau khi nhậm chức, ông Thăng từng được nhiều người ví là "Nguyễn Bá Thanh của Sài Gòn" vì có những tuyên bố thẳng thừng giống như Bí thư thành ủy Đà Nẵng trước khi quan chức này qua đời năm 2015.
Quan chức từng bị báo Trung Quốc cáo buộc "nhen nhóm tinh thần bài Bắc Kinh" sau khi ông "xạc" một nhà thầu của quốc gia đông dân nhất thế giới vì gây chết người trong một dự án đã có những tuyên bố như "không chấp nhận Thành phố Hồ Chí Minh tụt hậu như một định mệnh" hay "mục tiêu của chúng ta là vì dân, tôi chỉ nói 4 chữ thôi, ‘vì dân, hành động’, không nói nhiều. Đi ngay vào giải pháp".
Về những diễn biến được cho là "bất lợi" đối với cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải, bà Tân nói rằng ai lên ai xuống cũng vậy.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có quan điểm như thế nào về vụ ông Đinh La Thăng ?
Bà nói : "Dù là ai, đi hoặc ở, người dân chúng tôi cũng không vui mừng hay buồn phiền gì cả, vì xét cho cùng, lãnh đạo nào lên cũng vậy thôi. Họ cũng sẽ vẫn là một tư duy đấy, vẫn lối làm ăn đấy, vẫn lợi ích cái nhóm của họ, thì người chịu thiệt hại luôn luôn là người dân".
Luật sư Lê Công Định, một người dân Sài Gòn, cũng có chung quan điểm với bà Tân. Ông viết trên trang Facebook : "Cho đến ngày cộng sản vẫn còn cầm quyền, ai thăng, ai giáng ở bất kỳ vị trí nào trong bộ máy quyền lực của chính thể này đều không khác nhau đối với tôi. Bởi vì tất cả đều như nhau".
Trong khi đó, bạn đọc có tên Phạm Văn Túy có địa chỉ sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh bình luận trên trang Facebook của ban Việt Ngữ rằng Đài Tiếng nói Hoa Kỳ rằng "ông Thăng mà mất chức bí thư [thì] thật là đáng tiếc cho dân", nhưng không nói rõ điều đáng tiếc đó là gì.
Trong một bài blog viết cho VOA tiếng Việt về việc ai sẽ lên thay ông Thăng nếu ông bị kỷ luật và bãi nhiệm, ông Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát chính trường Việt Nam, viết : "… nhiều người dân Sài Gòn lại chẳng mấy quan tâm đến chuyện ai đi ai về. Với họ, ai thì cũng rứa, chỉ giỏi mị mà chẳng thấy làm được gì cho dân…".
Ông Đinh La Thăng ‘chưa phải là mục tiêu cuối cùng’ ?