Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Người dân Cồn Dầu lo ngại bị chính quyền lừa hoán đổi đất (RFA, 03/05/2017)

condau1

Người dân cồn Dầu phát biểu trong cuộc đối thoại với chính quyền về việc thu hồi đất đai của họ, tháng 9/2014. Source Bauxite Việt nam

Người dân Xứ đạo Cồn Dầu tại thành phố Đà Nẵng lâu nay tiếp tục khiếu kiện vì không đồng tình với việc chính quyền chuyển dân đi nơi khác lấy đất giao cho doanh nghiệp.

Sau thời gian dài tranh chấp, vừa qua ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng hứa đáp ứng yêu cầu được "tái định cư tại chỗ" của người trong cuộc ; tuy nhiên sau đó lại nói "hoán đổi đất". Sự bất nhất đó khiến người dân tỏ ra lo lắng có thể bị ‘lừa’.

Tranh chấp dai dẳng

Tranh chấp đất đai giữa chính quyền các cấp ở Đà Nẵng với người dân Giáo xứ Cồn Dầu, gồm khoảng chừng 400 hộ dân, bắt đầu từ năm 2008 khi địa phương muốn lấy đất nơi này giao cho Tập đoàn Sungroup xây dựng khu đô thị sinh thái ven sông Hòa Xuân.

Ngoài những điểm bất hợp lý về việc thu hồi đất, giá đền bù, giáo dân luôn bày tỏ mong muốn được định cư quanh ngôi nhà thờ từng gắn bó với bao đời từ cha ông họ cho đến nay cả 200 năm. Tuy nhiên phía chính quyền vẫn cương quyết cho triển khai dự án.

Vụ việc bùng nổ khi vào ngày 4/5/2010, lực lượng công an dùng vũ lực chặn cướp quan tài cụ bà Hồ Nhu với gần 70 người dân bị bắt giữ và bị đánh đập.

Sau đó, một số giáo dân Cồn Dầu phải bỏ chạy sang Thái Lan lánh nạn. Những hộ còn lại nhiều lần gởi đơn khiếu kiện đến tận trung ương ở Hà Nội.

Tuy nhiên cũng tương tự như bao vụ khiếu kiện đất đai của nhiều người từ các vùng miền khác nhau, đơn thư của dân xứ đạo Cồn Dầu cũng không được giải quyết thỏa đáng.

Một trong những người đại diện bà con khiếu kiện ở Cồn Dầu, ông Trường, vào ngày 1/5/2017 cho Đài Á Châu Tự Do biết :

"Giữa năm 2013 chúng tôi ra Hà Nội khiếu kiện, đòi chính phủ trả lời là bố trí tái định cư tại chỗ cho các hộ dân chứ chúng tôi không có đòi hoán đổi đất giữa nhà đầu tư với người dân.

Ở đây chúng tôi đòi bố trí tái định cư tại chỗ có nghĩa là tái định cư tại khu vực Cồn Dầu để tiện việc sinh hoạt tín ngưỡng cho bà con giáo dân Cồn Dầu".

Chính quyền bất nhất, dân mất lòng tin

Báo Tuổi Trẻ ngày 24/4/2017 loan là tin vào buổi chiều cùng ngày, ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc nói chuyện với những hộ dân thuộc khu vực giáo xứ Cồn Dầu mà chưa bàn giao mặt bằng, cũng như các hộ trong diện cưỡng chế thu hồi đất trước đây mà vẫn chưa làm thủ tục nhận đất nhận đất tái định cư.

Tin nói người chủ trì buổi họp là ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch ủy ban Nhân dân Đà Nẵng. Tại cuộc họp ông này tuyên bố rằng đối với các hộ dân có đơn khiếu nại và đề nghị được tái định cư gần nhà thờ Cồn Dầu thì thành phố đang có nhiều chính sách ưu tiên để dân sớm được hoán đổi đất gần nhà thờ. Và tin cũng cho biết có 87 hộ dân Cồn Dầu được mời ; nhưng chỉ có 3 hộ đến dự.

Giải thích lý do tại sao đa số người dân Cồn Dầu không đến dự buổi họp như được mời, ông Trường cho rằng vì chính quyền địa phương nói một đằng làm một nẻo :

"Sáng 24 chúng tôi đã xuống thành phố và gởi một đơn kiến nghị về nội dung giấy mời của văn phòng ủy Ban Nhân Dân thành phố vì nội dung này là nội dung cũ, bây giờ lãnh đạo thành phố sửa đổi qui hoạch nên chúng tôi không đồng tình với nội dung cũ này.

Chiều 24/4 chỉ có 3 người dân đến họp, chính quyền cũng hiểu được là người dân không đồng tình với nội dung hoán đổi đất mà họ đưa ra. Chúng tôi đã được thông báo số 43 của phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn, báo Tuổi Trẻ đăng lại có tiêu đề là tái định cư tại chỗ quanh nhà thờ Cồn Dầu, nhưng nội dung cuộc họp ngày 24/4 lại nói ngược lại với thông báo của Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn.

Ông Hồ Kỳ Minh mời họp chỉ để giải quyết trong nội dung hoán đổi thôi cho nên chúng tôi không đồng tình. Thực tế ra theo thông báo đã có dự án qui hoạch sửa đổi rồi thì chủ tịch thành phố phải ra quyết định bố trí tái định cư tại chỗ cho chúng tôi thôi".

Sự bất nhất trong thông báo và cam kết của chính quyền địa phương, ông Trường nói tiếp, là điều khiến giáo dân cảm thấy như mình bị lừa giữa lời hứa tái định cư tại chỗ và kế hoạch hoán chuyển đất mà phó chủ tịch thành phố đưa ra trong buổi hộp dân chiều 24 tháng Tư. Hiện bà con giáo dân Cồn Dầu cho hay sẽ tiếp tục khiếu kiện cho ra lẽ.

Đường dây viễn liên được nối về số của ông Huỳnh Đức Thơ, đương kim chủ tịch ủy Ban Nhân thành phố Đà Nẵng, vào tối ngày 1/5/2047 và được ông trả lời như sau :

"Chuyện này tôi chưa được cấp phó báo cáo, để tôi kiểm tra lại, bây giờ tôi đang bân hội pháo hoa, tôi đang chuẩn bị hội pháo hoa nghe..".

Vụ việc Cồn Dầu bùng nổ sắp bước vào năm thứ bảy ; tuy nhiên như trình bày của người dân phía cơ quan chức năng vẫn không giải quyết thỏa đáng và có bất nhất khiến họ không biết tin vào đâu !

Thanh Trúc, RFA

******************

Người Thượng bị trả về đối diện với trấn áp (RFA, 03/05/2017)

Những người Thượng bị Campuchia trả về Việt Nam tuần trước đang gặp khó khăn do bị đe dọa, nhiều người còn bị buộc đọc lời thú tội trên đài truyền hình.

thuong1

Nhóm người Thượng bị trả về Việt Nam từ Phnom Penh. Photo courtesy of cambodiadaily

Tờ Cambodia Daily loan tin ngày 3 tháng 5 dẫn nguồn một tổ chức bảo vệ nhân quyền cho người Thượng ở Hoa Kỳ, có tên Yểm Trợ Người Miền Núi, thì nhóm vừa trở về gồm 25 người từ Tây Nguyên chạy sang Campuchia xin tị nạn với lý do bị cấm đạo và bị phân biệt đối xử về chính trị. Họ không được Cao ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc cấp qui chế tị nạn vì cho rằng không hội đủ điều kiện.

Ông Y Lhui Boinya, thành viên của tổ chức Yểm Trợ Người Miền Núi đang theo dõi vụ việc này, cho biết ông đã tiếp xúc qua điện thoại với 2 người Thượng trong nhóm đã trở về tỉnh Dak Lak và được họ báo cho chính quyền địa phương và công an cấm họ không được ra ngoài, không được tiếp xúc thăm viếng ai cũng như không được đi làm và nếu trái lệnh sẽ bị bắt vô tù. Vẫn theo lời ông Boinya, một người Thượng tị nạn còn ở Phnom Penh cũng được nghe những người trở về báo cho biết họ bị công an mặc thường phục thường xuyên theo dõi.

Trong khi Cao ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc và chính quyền Kampuchia nói rằng nhười Thượng được đưa về Việt Nam là do tự nguyện, thì chính người trở về cũng như các tổ chức đang giúp đỡ người Thượng bên ngoài đều nói rằng người trở về thường bị khủng bố tinh thần và bị cô lập.

Tình trạng vừa nêu khiến trong thời gian qua nhiều người Thượng ở Campuchia vì sợ bị trả về Việt Nam đã chạy sang Thái Lan tìm sự giúp đỡ.

Published in Việt Nam