Có dễ tiếp cận gói nông nghiệp công nghệ cao 100.000 tỷ ? (RFA, 06/04/2017)
Chính quyền Hà Nội cho biết trong tháng 4 năm nay sẽ tiến hành hướng dẫn giải ngân gói hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao 100.000 tỷ đồng.
Một nông dân trở về nhà sau một ngày làm việc trên cánh đồng với cái cày và con bò ở ngoại ô Hà Nội hôm 26/6/2016. AFP photo
Liệu các doanh nghiệp nông nghiệp và rồi nông dân có thể dễ dàng tiếp cận được với gói hỗ trợ này không và dự án này liệu có thiết thực hay không?
Doanh nghiệp nhỏ khó vay
Tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam tổ chức chiều 18/12/2016 tại TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, Việt Nam sẽ phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao với gói tín dụng từ 50 tới 60 nghìn tỷ đồng.
Sau đó Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại có dư nợ cho vay nông nghiệp lớn đã đăng ký số tiền lên đến hơn 100.000 tỷ đồng để cho khách hàng với dự án nông nghiệp công nghệ cao có thể vay từ nguồn vốn này.
Hiện tại, Ngân hàng nhà nước cũng cho biết sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại này cho doanh nghiệp và người dân vay vốn với mức thấp hơn lãi suất thông thường là 0,5 – 1,5% và sẽ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc cho vay gói 100.000 tỷ đồng trong tháng này.
Anh Duy, trưởng phòng kỹ thuật một công ty chuyên sản xuất giống, vật tư nông nghiệp công nghệ cao nhận xét về việc vay từ gói hỗ trợ này đối với doanh nghiệp anh :
Chắc là hơi khó bởi vì các doanh nghiệp công nghệ cao phải sản xuất theo chuỗi sản phẩm đầu vào và đầu ra phải trọn gói giống như các doanh nghiệp lớn hiện nay thì mới vay được. Mấy doanh nghiệp lớn ở Hà Nam hay Thái Bình đợt trước vay được rất nhiều, nhưng các công ty bé hơn như bọn mình thì khó tiếp cận lắm.
Gói này chủ yếu những công ty sản xuất thực phẩm rau củ quả sạch có đầu ra ổn định thì vay dễ hơn.
Trước câu hỏi của chúng tôi đặt ra rằng những người nông dân muốn làm nông nghiệp công nghệ cao liệu có thể vay từ gói hơn trăm ngàn tỷ này không, anh Duy cho biết :
Tôi nghĩ sẽ cực khó, quá khó! Bây giờ nó đòi hỏi người nông dân phải làm thành chuỗi sản phẩm đặc biệt liên quan đến công nghệ cao mà những người nông dân làm ra sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện nay rất ít. Một số người trồng cam được vài ha thì vay chả được bao nhiêu.
Anh Long, quản lý kinh doanh một công ty khác trong lĩnh vực công nghệ cao lại cho ý kiến như sau :
Không khó tiếp cận vì hiện nay chính sách vay vốn của nhà nước dễ hơn ngày xưa. Dự án 100 ngàn tỷ thủ tướng giao cho hiện nay vay cũng rất dễ dàng. Chỉ cần chứng minh được là mình làm đúng nghĩa về công nghệ cao, thứ hai là các sản phẩm đó sẽ đóng góp được cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Lãi suất hiện nay rất thấp vì hiện nay nhà nước muốn hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao. Nhưng người nông dân mà muốn vay thì hơi khó.
Báo chí trong nước ngày 5/4 đã loan tin trích dẫn ý kiến của Ngân hàng Nhà nước cho biết việc cho vay phải đảm bảo đúng quy định, khách hàng có dự án hoạt động hiệu quả và có dự án/phương án sản xuất kinh doanh thuộc tiêu chí chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cơ quan đầu mối này cũng cho biết việc cho vay vốn hiện nay gặp phải một số khó khăn đặc biệt trong vấn đề tài sản đảm bảo.
Ứng dụng công nghệ cao không dễ
Một nông dân đang sửa máy bơm nước trên một con kênh gần như khô cạn do hạn hán ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng ngày 2 tháng 3 năm 2016. AFP photo
Hiện tại Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp phục vụ cho việc sản xuất công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới để thủ tục giao dịch và thế chấp cho khoản vay bớt khó khăn.
Trong thời buổi công nghệ hóa, nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước phương Tây đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và gặt hái được nhiều thành công. Tuy nhiên, theo nhà nông học nổi tiếng, Giáo sư Võ Tòng Xuân, đối với Việt Nam việc vay và sử dụng đồng vốn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao không phải là dễ dàng :
"Trên thực tế có nhiều doanh nghiệp rất muốn vay tiền cho các dự án có mục tiêu, đầu ra rõ ràng nhưng không được. Muốn vay tiền của nhà nước để sử dụng như thế này, theo các chuyên gia có kinh nghiệm, muốn lấy được 1 đồng phải bỏ ra 1 đồng lẻ 5. Như thế thì vay về sản xuất cái gì để mà có lãi ? Tôi và các nhà khoa học hiện nay rất lo ngại vì không hiểu vì sao các nhà lãnh đạo lại bỏ ra số tiền lớn như thế trong khi không biết hậu quả sẽ thế nào".
Theo ý kiến của Giáo sư Võ Tòng Xuân thì Nhà nước chỉ nên ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với các sản phẩm thực sự đòi hỏi ứng dụng công nghệ tiến bộ chẳng hạn như nhân giống khoai tây bình thường sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức nhưng nếu sử dụng công nghệ thủy canh trong nhà màn thì tiến trình được đẩy nhanh hơn rất nhiều, lượng giống thu được nhiều hơn và đạt chất lượng cao hơn. Nhìn một cách tổng thể, ông chỉ ra những yếu tố khiến dự án hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam khó thành công :
"Tôi rất nghi ngờ về sự thành công của dự án này. Thứ nhất nông nghiệp công nghệ cao đặt ra một câu hỏi rất lớn là anh sản xuất cái gì ? Thị trường là cái gì mà phải dùng đến công nghệ cao này ? Trong khi đó bao nhiêu người nông dân đang dùng tiền để sử dụng những công nghệ bình thường mà cho ra những sản phẩm tốt mà vẫn không thu hồi được tiền".
Cuối năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu rằng gói tín dụng này nhằm mục đích phát triển nông nghiệp công nghệ cao với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất, cùng với việc mở ra thị trường sử dụng đất, để có thể sản xuất nông nghiệp hiện đại, đa chức năng và cạnh tranh quốc tế.
Tuy nhiên, như trước đó tiến sĩ Đặng Kim Sơn đã trình bày với chúng tôi rằng nông nghiệp công nghệ cao đồng nghĩa với việc sử dụng ít hơn nguồn nhân lực ở nông thôn và sẽ gây ra tình trạng chuyển dịch lao động từ nông thôn ra thành phố mà hiện tại Nhà nước chưa đề cập đến biện pháp giải quyết.
Theo tài liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nền nông nghiệp công nghệ cao được hiểu là một nền nông nghiệp được ứng dụng các công nghệ mới trong sản xuất. Điển hình như tự động hóa, cơ giới hóa, công nghệ thông tin IT, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, các giống vật nuôi, cây trồng mới có năng suất và chất lượng cao, phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ.
Lan Hương, phóng viên RFA
******************
Dân biểu Mỹ đề nghị Tòa Bạch Ốc lập website tiếng Việt (VOA, 06/04/2017)
Dân biểu Lou Correa đề xướng dự luật yêu cầu các trang web của chính phủ liên bang phải có tiếng Việt, tiếng Hoa, tiếng Tây Ban Nha, và tiếng Tagalog, ngôn ngữ của đa số dân chúng Philippines.
Hơn hai chục dân biểu bên đảng Dân chủ đề nghị dự luật yêu cầu Tòa Bạch Ốc và tất cả các cơ quan liên bang lập trang web tiếng Việt cùng một số ngôn ngữ khác.
Dân biểu Correa nói với tờ Los Angeles Times rằng các trang web của liên bang cần được dịch sang các thứ tiếng này vì những người nói các ngôn ngữ đó cũng là dân thọ thuế ở Mỹ.
"Đây là cách làm cho chính phủ minh bạch, khả tín, hiệu quả hơn đối với nhiều thành phần dân chúng hơn", dân biểu Correa nhấn mạnh.
Dự luật này là một phản hồi đối với chính quyền Tổng thống Trump vì chính quyền dỡ bỏ phần tiếng Tây Ban Nha ra khỏi website của Tòa Bạch Ốc kể từ khi ông Trump nhậm chức.
Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, khi bị chất vấn về việc này, đã hứa hẹn rằng trang tiếng Tây Ban Nha sẽ sớm được lập lại.
Trong khi tiếng Tây Ban Nha bị loại bỏ ra khỏi website Tòa Bạch Ốc, dân biểu Lou Correa thúc đẩy các trang web của chính phủ liên bang phải có phiên bản bằng ngôn ngữ này.
Dân biểu Correa đến từ California, bang có nhiều dân nói tiếng Tây Ban Nha và tiếng Việt.
Các trang web của các cơ quan, bộ ngành chính phủ Mỹ có phiên bản tiếng Tây Ban Nha sau khi cựu Tổng thống Bill Clinton ký sắc lệnh hồi năm 2000 với mục đích tạo điều kiện tiếp cận cho những người hạn chế về khả năng Anh ngữ. Một chỉ dẫn của Bộ Tư pháp ban hành kèm theo sắc lệnh này nêu rõ các cơ quan được liên bang tài trợ phải làm sao để thông tin đến được thành phần dân chúng không nói hay đọc được tiếng Anh thông thạo.
Theo Washington Examiner / LA Times