Hai nhân vật mới ‘gia nhập Ban bí thư’ Đảng cộng sản Việt Nam gây nhiều bàn tán (Người Việt, 09/05/2018)
Cộng đồng mạng đang đưa nhiều bàn tán về hai nhân vật được "bầu bổ sung vào Ban bí thư" tại Hội nghị trung ương 7 của Đảng cộng sản Việt Nam : Trần Thanh Mẫn (chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam) và Trần Cẩm Tú (phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương).
Ông Trần Thanh Mẫn (trái) và ông Trần Cẩm Tú. (Hình : Thanh Niên, VietnamNet)
Với việc bầu bổ sung thêm hai thành viên mới, Ban bí thư trung ương Đảng khóa 12 hiện có 14 thành viên.
Ban bí thư là tổ chức được mô tả là "lãnh đạo công việc hàng ngày của Đảng cộng sản Việt Nam, chỉ đạo và kiểm tra hoạt động của các tổ chức đảng và đảng viên trong việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của đảng ; chỉ đạo công tác xây dựng đảng, công tác cán bộ và công tác quần chúng ; tổ chức chỉ đạo việc chuẩn bị các vấn đề đưa ra Bộ chính trị thảo luận và quyết định".
Một số blogger bình luận rằng "Ban chấp hành trung ương" cũng chỉ thực thi theo đúng chỉ thị tin đồn lan truyền trên Facebook từ tối hôm 6 tháng Năm.
Đến cuối giờ chiều hôm 9 tháng Năm, Văn phòng trung ương Đảng phát đi thông cáo công bố tin ông Tú chính thức được bầu làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương thay cho ông Trần Quốc Vượng, người được Bộ chính trị phân công đảm nhiệm chức vụ thường trực Ban bí thư.
Tuy vậy, ông Tú bị cư dân mạng nhắc lại chuyện hồi ông còn làm chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, thì đã để xảy ra nạn phá rừng rất nghiêm trọng.
Facebooker Dương Quốc Chính bình luận trên trang Facebook cá nhân : "Thay tiều phu đốn củi. Ông Tú thay ông Vượng làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương. Liệu việc ‘đốt lò’ có được nâng lên tầm cao mới ? Tiều phu mới chưa phải ủy viên Bộ chính trị, chỉ là thành viên Ban bí thư, nên việc ‘kiếm củi’ là ủy viên Bộ chính trị hơi khó, giống "Thánh Ba" [Nguyễn Bá Thanh] ngày xưa. Vớ vẩn lại chết đúng quy trình !"
Trong khi đó, ông Trần Thanh Mẫn gần đây gây chú ý với vụ mạnh miệng "lên án" Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ.
Báo Người Lao Động tường thuật, trong buổi tiếp xúc cử tri ở thành phố Cần Thơ hồi cuối tháng Tư, 2018, ông Mẫn "khẳng định bất cứ tôn giáo nào bị kẻ địch tuyên truyền lợi dụng, xuyên tạc như Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ sẽ bị xử lý theo pháp luật của Việt Nam".
Cùng với tin thêm hai ông Trần Thanh Mẫn và ông Trần Cẩm Tú vào Ban bí thư, Ban chấp hành trung ương Đảng cũng công bố tin khai trừ đảng đối với ông Đinh La Thăng, ủy viên của ban này và là người đang phải ra tòa phúc thẩm cùng thời điểm Hội nghị trung ương 7 diễn ra.
Điều khôi hài là công luận có vẻ không quan tâm nhiều đến diễn biến "ai vào, ai ra" tại Hội nghị trung ương 7 bằng những phát ngôn sáo rỗng, thậm chí quái đản về công tác nhân sự, quy hoạch cán bộ tại sự kiện này.
Gần đây nhất là báo Tiền Phong dẫn lời ông Nguyễn Thế Trung, ủy viên Hội đồng Lý luận trung ương nói về tình trạng có những cán bộ "chỉ lên không xuống, vào không ra". Phát ngôn của ông Trung bị cư dân mạng cười cợt là giống như ông này đang gợi chuyện phòng the hơn là bàn về chuyện nghiêm túc.
Trước đó, mạng xã hội đặt câu hỏi quanh tiêu chí "cán bộ cấp chiến lược" do Đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân được báo Dân Trí dẫn lại : "Họ là những người có năng lực tư duy vượt trội. Đó là khả năng thấu hiểu quy luật vận động của tự nhiên-xã hội, cảm nhận được những biến thiên của đất, trời, thấu tỏ muôn triệu nhân tâm, để dự báo được quá trình hình thành, phát triển, diệt vong và sự tuần hoàn sinh, tử của vạn vật…" (T.K.)
**********************
Ông Trần Cẩm Tú dẫn dắt Ủy ban Kiểm tra trung ương (BBC, 09/05/2018)
Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 9/5 bầu bổ sung ông Trần Cẩm Tú và Trần Thanh Mẫn vào Ban Bí thư, cơ quan điều hành công việc hàng ngày của Đảng.
Ông Trần Cẩm Tú (trái) và ông Trần Thanh Mẫn
Một ngày trước đó, bản tin BBC đã nhận định nhiều khả năng hai người mới sẽ được giới thiệu để bầu vào Ban Bí thư tại Hội nghị trung ương 7 đang diễn ra ở Hà Nội.
Thông tin mới nhất mà BBC có được cho hay sẽ không có biến động về cơ cấu Bộ Chính trị tại Hội nghị 7.
Ông Trần Cẩm Tú cũng chính thức giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, thay Ủy viên Bộ Chính trị Trần Quốc Vượng đã trở thành Thường trực Ban Bí thư.
Trong diễn biến cùng ngày, Hội nghị trung ương 7 khai trừ Đảng với ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị, đã bị hai án tù giam 13 năm và 18 năm tù giam.
Ông Trần Cẩm Tú đang là Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương và ông Trần Thanh Mẫn là Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ban bí thư khoá 12 hiện có 12 thành viên, gồm hai người mới được bầu vào tháng 10/2017.
Vào tháng Ba năm nay, ông Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, đã chính thức giữ chức Thường trực Ban Bí thư.
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản đồng ý để ông Đinh Thế Huynh thôi giữ chức Thường trực Ban Bí thư và Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương để tiếp tục chữa bệnh dài hạn.
Lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra trung ương
Sinh năm 1961 ở tỉnh Hà Tĩnh, ông Trần Cẩm Tú có thời gian lâu dài công tác ở Ủy ban Kiểm tra trung ương từ 2009.
Ông Trần Quốc Vượng rời khỏi Ủy ban Kiểm tra trung ương để giữ chức Thường trực Ban Bí thư
Một thời gian từ 2011 đến 2015, ông được phân công làm Bí thư Thái Bình, nhưng đầu năm 2015, ông được bầu bổ sung vào Ủy ban Kiểm tra trung ương, sau đó làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương.
Sau Đại hội Đảng 2016, ông trở thành Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương.
Ông Trần Thanh Mẫn, sinh năm 1962 ở tỉnh Hậu Giang, có bằng tiến sĩ kinh tế, từng là Bí thư thành ủy Thành phố Cần Thơ.
Ông được cử thay ông Nguyễn Thiện Nhân làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc hồi tháng 6/2017, sau khi ông Nhân được phân công làm Bí thư Thành ủy TPHCM.
Dự kiến, Hội nghị trung ương 7 sẽ bế mạc vào ngày 12/5.
Danh sách Ban bí thư khoá 12 tính đến trước Hội nghị trung ương 7
Hai ông Phạm Minh Chính và ông Lưu Vân Sơn tại Bắc Kinh hôm 12/12/2016.
1. Ông Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng.
2. Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, Thường trực Ban bí thư.
3. Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị.
4. Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức trung ương.
5. Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương.
6. Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận trung ương.
7. Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế trung ương
8. Ông Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
9. Ông Nguyễn Văn Nên, Chánh Văn phòng trung ương Đảng.
10. Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
11. Ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính trung ương.
12. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương.
Sắp có Chủ tịch nước và Ủy viên Bộ Chính trị mới ? (VOA, 03/05/2018)
Nhiều khả năng sẽ có thay đổi ở vị trí chủ tịch nước và sẽ có thêm một số gương mặt mới được đưa vào Bộ Chính trị tại hội nghị trung ương sắp tới của Đảng cộng sản Việt Nam, theo nhận định của các nhà quan sát bên ngoài Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang được cho là đang phải chữa bệnh
Hội nghị toàn thể Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ Bảy được dự kiến diễn ra trong tháng này trong bối cảnh xuất hiện nhiều đồn đoán quanh tương lai của ông Trần Đại Quang, chủ tịch nước đương nhiệm, sau thời gian dài ông không thấy xuất hiện trước công chúng.
Biến động dồn dập
Cho đến trước Hội nghị 7, Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13 đã chứng kiến nhiều biến động nhân sự dồn dập ở mức độ chưa từng thấy. Hồi năm ngoái, lần đầu tiên trong hàng chục năm, một Ủy viên Bộ Chính trị là ông Đinh La Thăng đã bị cách chức rồi sau đó bị tòa tuyên án 18 năm tù vì hành vi tham nhũng. Hồi đầu năm nay, một ủy viên Bộ Chính trị khác là ông Đinh Thế Huynh, thường trực Ban Bí thư và là người trước đó được coi là có triển vọng lên thay ông Nguyễn Phú Trọng trong chức Tổng bí thư, đã thông báo từ chức vì lý do sức khỏe. Hội nghị trung ương 6 họp vào tháng 10 năm ngoái đã khai trừ ông Nguyễn Xuân Anh ra khỏi Ban chấp hành trung ương vì những vi phạm về bằng cấp và phương cách lãnh đạo.
Như vậy, nếu như ông Trần Đại Quang cũng phải ra đi vì lý do sức khỏe như ông Đinh Thế Huynh thì Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết sách tối cao của Đảng, sẽ giảm từ 19 xuống còn 16 thành viên. Đây là biến động nhân sự lớn nhất trong lịch sử của Đảng cộng sản Việt Nam trong nhiều thập niên.
Một bài báo của tác giả David Hutt trên tạp chí The Diplomat dự đoán Hội nghị Trung ương 7 lần này sẽ bổ sung thêm ba gương mặt mới vào Bộ Chính trị. Nếu dự đoán này là đúng thì nhiều khả năng ba ủy viên Bộ Chính trị mới sẽ thay thế cho ông Đinh La Thăng, ông Đinh Thế Huynh và cả ông Trần Đại Quang.
Cũng đã từng có diễn biến tương tự tại Hội nghị Trung ương 7 khóa 12 cách nay 5 năm khi Bộ Chính trị lúc đó được bổ sung thêm hai thành viên là ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân.
Lần này, ông Nhân, người đang giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sau cú rớt đài của ông Đinh La Thăng, được cho là sẽ được cất nhắc lên làm Chủ tịch nước, tác giả David Hutt dẫn một bài viết của ông Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu đông nam Á Yusof Ishak ở Singapore, cho biết.
Người ba phải
Ông Nguyễn Thiện Nhân được cho là có dấu ấn chính trị mờ nhạt
Theo nhận định của David Hutt thì ông Nhân được nhìn nhận rộng rãi là một ‘người ba phải’ dễ phục tùng người khác. Theo lời ông Hutt thì một nhà phân tích chính trị mà ông không nêu tên đã từng nói với ông là ông Nhân là một người có "tác phong lãnh đạo thụ động và kết quả làm việc tầm thường". Ông Nhân từng có thời gian giảng dạy rồi quản lý tại Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, sau đó được cất nhắc lên làm Phó Chủ tịch thành phố này trước khi ra trung ương làm Bộ trưởng giáo dục, rồi Phó Thủ tướng. Sau khi vào Bộ Chính trị, ông được đưa qua làm Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, một tổ chức đặt các hội đoàn dân sự dưới sự lãnh đạo của Đảng.
"Ông Nhân có thể được xem là một ủy viên Bộ Chính trị khác thường vốn dường như đã bị thất sủng sau kết quả làm việc tệ hại trên cương vị Bộ trưởng Bộ giáo dục-Đào tạo vào những năm 2000", David Hutt viết trên tờ Diplomat.
Tuy nhiên, kiểu người ba phải như ông Nhân lại "chính là tuýp người mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thích", ông Hutt nhận định. Đảng cộng sản Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của ông Trọng, đã "thay đổi theo chiều hướng bảo thủ hơn". Quyết sách của Đảng đã trở nên ‘tập trung hơn’ mặc dù vẫn đi theo sự "đồng thuận" dựa trên nguyên tắc "dân chủ tập trung".
Ông Hutt dẫn lời ông David Brown, một nhà ngoại giao Mỹ từng làm việc ở Việt Nam, nhận định rằng ông Trọng muốn khôi phục kỷ cương trong Đảng và trừng phạt những Đảng viên cao cấp bị suy thoái về mặt tư tưởng. Điều này đã được cụ thể hóa trong "27 dấu hiệu về sự suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa" mà Trung ương Đảng đã đưa ra để cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương dựa vào để xem xét hành vi của các Đảng viên. Mục tiêu của 27 dấu hiệu này là nhằm vào những nhân vật lãnh đạo có phong cách quá chủ nghĩa cá nhân hay dân túy kiểu như cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay ông Đinh La Thăng.
Việc đưa ông Nguyễn Thiện Nhân về lại Thành phố Hồ Chí Minh để thay thế ông Đinh La Thăng chính là thể hiện cách thay đổi theo hướng này của ông Trọng. Ông Nhân, người được xem là dễ phục tùng trước nguyên tắc dân chủ tập trung của Đảng là kiểu người mà ông Trọng cần cho các vị trí lãnh đạo. "Thật ra, chúng ta hãy chờ xem trong hội nghị Trung ương lần này sẽ chứng kiến sự cất nhắc của những nhân vật trung thành nhưng tẻ nhạt, hầu hết là đi theo hình mẫu của ông Nguyễn Phú Trọng".
Ứng viên Tổng bí thư
Ông Trần Quốc Vượng hiện phụ trách công tác chống tham nhũng của Đảng
Tác giả David Hutt cũng dự đoán rằng ông Trần Quốc Vượng là người nhiều khả năng nhất sẽ lên làm Tổng bí thư thay ông Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội 13 của Đảng vào năm 2021. Điều này trái với dự đoán của ông Lê Hồng Hiệp rằng nếu được cất nhắc làm Chủ tịch nước, ông Nhân sẽ là một ứng cử viên cho vị trí tổng bí thư.
Ông Vượng hiện đang là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, người phụ trách chiến dịch chống tham nhũng của Đảng do ông Trọng đề xướng. Chức vụ này cũng giống như ông Vương Kỳ Sơn, cựu chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của Đảng cộng sản Trung Quốc, người được xem là cánh tay phải của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc chiến chống tham nhũng ở nước này.
Nếu ông Trọng muốn duy trì nhịp độ và cường độ của cuộc chiến chống tham nhũng thì ông Vượng sẽ là một ứng viên khả dĩ nhất cho vị trí Tổng bí thư. Điều đáng lưu ý là ông Vượng đã lên thay ông Đinh Thế Huynh ở vị trí Thường trực Ban bí thư, một chức vụ bản lề để lên làm Tổng bí thư của Đảng.
Một nhân vật khác cũng thăng tiến nhanh chóng đáng được theo dõi, theo ông David Hutt, là ông Nguyễn Xuân Thắng, người được đưa lên làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương thay thế cho ông Đinh Thế Huynh hồi tháng Ba. Ông Thắng cũng đang là Bí thư Trung ương Đảng và Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Thật ra, ông Thắng đã nắm Hội đồng Lý luận Trung ương từ tháng 12 năm ngoái kể từ khi ông Huynh vắng mặt vì đi chữa bệnh. Điều đáng lưu ý là ông Trọng đã từng giữ chức vụ này trước khi ông lên làm Tổng bí thư. Ông Huynh, ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ Tổng bí thư trước khi ông ngã bệnh, cũng là người nắm các vấn đề lý luận trong Đảng.
"Với việc tư tưởng lý luận ngày càng được coi trọng trong hệ thống của Đảng cộng sản thì Hội đồng Lý luận Trung ương càng có vai trò quan trọng, và do đó vai trò của ông Thắng cũng quan trọng", ông David Hutt viết.
Tuy nhiên, ngoài các tin đồn về việc ông Nhân sẽ lên thay thế ông Quang làm Chủ tịch nước, hiện vẫn chưa ra ba gương mặt có thể vào Bộ Chính trị tại hội nghị trung ương Bảy sẽ gồm những ai. Nếu phân tích của David Hutt là đúng thì rất có thể ông Nguyễn Xuân Thắng sẽ là một ứng cử viên sáng giá.
******************
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ‘sẽ hài lòng’ với Hội nghị trung ương 7 ? (BBC, 03/05/2018)
Dư luận đang đồn đoán về các thay đổi nhân sự có thể xảy ra ở Hội nghị Trung ương 7 khóa XII của Đảng cộng sản Việt Nam, diễn ra trong tháng 5.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Một số cây bút, viết trên báo tuần này, cho rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục củng cố sức mạnh chính trị tại Hội nghị.
Viết trên The Diplomat hôm 1/5, cây bút David Hutt dự đoán có thể ba gương mặt mới sẽ được bầu vào Bộ Chính trị tại Hội nghị.
Bầu thêm vào Bộ Chính trị ?
Suy đoán này dựa vào một bài trước đó hôm 26/4 của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp viết cho Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS - Yusof Ishak Institute), Singapore.
Sở dĩ có con số 3 người, theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, là do vấn đề sức khỏe đã được Đảng xác nhận đối với ông Đinh Thế Huynh, việc xử tù ông Đinh La Thăng, và đồn đoán về tình trạng sức khỏe của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Do đó, Tiến sĩ Hiệp cho rằng "ít nhất ba thành viên mới có thể được bổ sung vào Bộ Chính trị".
Tiến sĩ Hiệp đặt giả thiết ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, có thể sẽ được chọn thay thế Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp phân tích : "Một vấn đề quan trọng khác sẽ được quyết định là việc tìm người thay thế Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ông Nguyễn Thiện Nhân, hiện là ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, được cho là người nhiều khả năng nhất sẽ đảm nhiệm vị trí này".
"Nếu ông Nhân được thăng chức, ông Võ Văn Thưởng, từng là Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, có thể rời vị trí Trưởng Ban Tuyên giáo hiện tại của mình để thay ông Nhân làm Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh".
"Nếu vậy, điều này sẽ mở ra cơ hội cho ông Nguyễn Xuân Thắng được bầu vào Bộ Chính trị và tiếp quản vị trí Trưởng ban Tuyên giáo mà ông Thưởng để lại".
Tiếp nối đánh giá này, cây bút David Hutt bình luận ông Nguyễn Thiện Nhân có thể được xem là "ủy viên Bộ Chính trị không có gì nổi bật, từng có vẻ mất thế sau khi kém cỏi trong vị trí bộ trưởng giáo dục".
"Ông được xem là một người của Đảng luôn vâng lời (a Party yes-man)", David Hutt bình luận.
David Hutt nói tiếp : "Tuy vậy, đây có thể chính là người mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chính khách hàng đầu, ưa chuộng".
Cây bút David Hutt cho rằng từ khi được bầu lại năm 2016, ông Nguyễn Phú Trọng đã đem lại thay đổi "mang tính chất bảo thủ".
"Đảng, dưới sự lãnh đạo của ông, trở nên trung ương hóa hơn, các quyết định mang tính 'đồng thuận'".
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Hôm 30/4, trên báo mạng Asia Sentinel, cây bút David Brown cũng có bài đánh giá về Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
David Brown tổng kết về suy nghĩ của ông Trọng như sau : "Ông tin rằng nhiều năm trước đây tình hình tốt hơn hẳn, khi Việt Nam còn nghèo nhưng Đảng cộng sản cầm quyền trong sạch".
"Ông là nhà lý luận, người tin tưởng nhiệt thành, đã vượt qua cuộc đấu tranh quyền lực hơn hai năm trước đây".
"Nay ông muốn làm sạch đảng, loại bỏ những kẻ tái phạm, xu thời, cơ hội".
David Brown cho rằng từ khi được bầu lại năm 2016, ông Trọng "rõ ràng là sếp lớn" trong Đảng.
Tại Hội nghị Trung ương 7, David Brown dự đoán, ông Trọng sẽ có thể "đưa các đồ đệ vào những vị trí Bộ Chính trị đang trống".
Trên The Diplomat, David Hutt dự đoán ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư và là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, là ứng viên hàng đầu cho chức Tổng bí thư năm 2021.
Nhưng Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thì nói nếu ông Nguyễn Thiện Nhân trở thành Chủ tịch nước, ông lại "có thể trở thành một đối thủ cạnh tranh tiềm năng của ông Vượng, đặc biệt nếu xét đến truyền thống của Đảng trong việc bầu một người trong "Tứ trụ" của nhiệm kỳ trước vào vị trí Tổng bí thư của nhiệm kỳ sau".
Ảnh hưởng đến dân ?
Hội nghị Trung ương 7 là công việc nội bộ của Đảng cộng sản, nhưng nó có ảnh hưởng gì đến hàng chục triệu người dân Việt Nam ?
David Brown nhận xét điều quan trọng cho khoảng 90% dân số là liệu Đảng, dù do ai lãnh đạo, có thể "chỉ đạo nhà nước nâng cao chất lượng sống, thậm chí lên đến mức thu nhập trên trung lưu".
"Chừng nào đảng vẫn còn đem lại thịnh vượng và chất lượng sống cải thiện cho nhiều người cũng như thiểu số tinh hoa, sự kiểm soát quyền lực của đảng vẫn còn vững".
Cũng nhìn về tác động tới dân chúng, David Hutt, trên The Diplomat, nói những gì được quyết định ở Hội nghị Trung ương 7 "sẽ quan trọng cho người bình thường".
Đề án nâng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62 cho nam, 55 lên 60 cho nữ, sẽ được trình cho Hội nghị.
Ngoài ra, Đảng cũng đang xem xét điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Hiện nay, Luật bảo hiểm xã hội đang quy định người lao động có thời gian đóng 20 năm sẽ được hưởng lương hưu.
Nhưng chính phủ đang tính toán theo lộ trình, có thể giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm đủ điều kiện hưởng lương hưu ; sau khi áp dụng, sẽ tiếp tục tính toán phương án có thể giảm xuống mốc 10 năm đóng bảo hiểm xã hội.
David Hutt chỉ ra rằng trong một, hai thập niên tới, Việt Nam sẽ có dân số già đi, làm tăng nguy cơ "già đi trước khi giàu".
Vì thế, giải pháp là giảm đi số lượng người nhận tiền hưu, mà tăng số lượng người trả tiền cho quỹ hưu. Việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội dường như là cách để khuyến khích thêm người lao động và doanh nghiệp đóng tiền.