Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nhập khẩu máy móc Trung Quốc tăng nhanh (RFA, 15/10/2018)

Máy móc Trung Quốc tăng tốc nhập vào Việt Nam, chiếm khoảng 35% tổng giá trị nhập khẩu hàng công nghệ, máy móc trên cả nước trong thời gian 9 tháng qua.

vn1

Thiết bị Trung Quốc được các doanh nghiệp FDI từ Hoa Lục đầu tư ở lĩnh vực nhựa, gang thép, nhiệt điện, cơ khí… nhập về từ công ty mẹ - Ảnh minh họa - RFA

Mạng báo Dân Trí loan tin này vào ngày 15 tháng 10, cho biết thêm số máy móc Việt Nam nhập từ Trung Quốc trong 9 tháng qua trị giá 8,6 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 400 triệu đô la Mỹ so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, bốn nước còn lại có kim ngạch nhập khẩu lớn vào Việt Nam là Đức, Nhật, Hàn và Mỹ lại ổn định hoặc giảm đi.

Nguyên nhân được cho biết là do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi cả hai nước đang trả đũa những máy móc, công nghệ có liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Tin cũng cho biết thêm là thiết bị Trung Quốc được các doanh nghiệp FDI từ Hoa Lục đầu tư ở lĩnh vực nhựa, gang thép, nhiệt điện, cơ khí… nhập về từ công ty mẹ. Ngoài ra, việc nhập khẩu tăng cao còn do các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam.

Tuy nhiên, do giá thành rẻ hơn so với các nước khác nên hiện những thiết bị được nhập từ Hoa Lục vào Việt Nam được đánh giá là thế hệ cũ, vòng đời sau, hoặc chỉ là dạng phổ thông…

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng diễn ra quyết liệt, Trung Quốc đã tuyên bố đánh thuế lên 60 tỉ đô la hàng nhập khẩu từ Mỹ để trả đũa việc Hoa Kỳ áp thuế lên 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ. Việc này sẽ khiến hàng hóa Trung Quốc được chuyển sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

******************

Mức xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm có thể lên tới hàng tỷ đồng (RFA, 15/10/2018)

Cục An toàn thực phẩm Việt Nam vào hôm 15/10 vừa công bố nghị định mới về xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm với mức phạt được cho có thể lên tới hàng tỷ đồng.

vn2

Quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 20/10/2018 - Ảnh minh họa. AFP

Truyền thông Việt Nam dẫn lời phát biểu của Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm tại Hội nghị triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và hướng dẫn quy định xử phạt mới do Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, tình trạng cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận cố tình vi phạm về những quy định vệ sinh an toàn như : sản xuất mà không công bố sản phẩm, đưa các chất không được phép sử dụng vào trong thực phẩm, nhiều mặt hàng thực phẩm buôn bán qua mạng, không cửa hàng hoặc quảng cáo quá mức không đúng về chất lượng sản phẩm, gây khó khăn cho việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.

Do đó, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành nghị định mới 115/2018 thay thế cho nghị định 178 trước đây về quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 20/10/2018. Mục tiêu của nghị định mới nhằm siết chặt hơn về ý thức chấp hành an toàn vệ sinh thực phẩm của các cá nhân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, Người đại diện Cục An toàn Thực phẩm còn cho biết, để hạn chế tình trạng vi phạm tràn lan như hiện nay, Cục đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, đặc biệt là tại các khu vực tỉnh, huyện và xã cần đẩy mạnh hơn.

***************

Kiểm toán Nhà nước : Việt Nam bội chi ngân sách hàng ngàn tỷ đồng (RFA, 15/10/2018)

Hai thành phố ‘đầu tàu kinh tế’ của Việt Nam là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ hụt ngân sách nhà nước hai năm liên tiếp vì năm 2017 đạt 80,5% và năm 2018 đạt 88,8% dự toán giao.

vn3

Một bức tượng Hồ Chí Minh ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh hôm 29/9/2016. AFP photo

Đó là thông tin được truyền thông trong nước loan đi hôm 15/10, dựa trên số liệu báo cáo đánh giá thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và phân bổ ngân sách nhà nước năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

Tổng Kiểm toán Nhà nước, ông Hồ Đức Phớc, cho biết ngoài hai ‘đầu tàu kinh tế’ thì tỉnh Vĩnh Phúc cũng nằm trong trường hợp đáng ‘chú ý’ vì ước hụt hai năm liên tiếp. Bên cạnh đó, ông Tổng Kiểm toán còn nói có 22/57 địa phương cũng không đạt dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.

Số liệu của Kiểm toán nhà nước được báo trong nước trích dẫn cho biết thu ngân sách nhà nước năm nay đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, chi ngân sách hơn 1,56 triệu tỷ đồng. Như vậy bội chi ngân sách là 204 ngàn tỷ đồng, bằng 3,67% GDP.

Các nguồn thu không đạt như dự toán được công bố là từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (giảm 2,9%), từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (giảm 15,1%), và từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (giảm 2,2%.)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội hôm 15/10 cũng công bố GDP đầu người Việt Nam đạt khoảng 2540 USD, tăng 155 USD so với 2017 và 325 USD so với 2016. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu 3200 – 3500 USD vào năm 2020 thì vẫn còn khoảng cách lớn.

Trái ngược với nhận định trên của Kiểm toán nhà nước, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Thiện Nhân, lại cho biết tốc độ tăng trưởng của thành phố trong 9 tháng đầu năm khá khả quan.

Trong phần phát biểu tại Hội nghị Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 18 khóa X được tổ chức hôm 15/10, ông Nhân cho biết thu ngân sách bình quân mỗi ngày của thành phố là hơn 1000 tỷ đồng, và hứa hẹn sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8,3% cả năm.

Cũng tại Hội nghị này, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Văn phòng Thành ủy Thành phố này sẽ dừng việc làm kinh tế, và chỉ làm nhiệm vụ xây dựng cơ chế giám sát và giám sát. Tất cả các hoạt động kinh tế như cho thuê cơ sở nhà đất để tạo nguồn thu được nói sẽ chuyển cho các công ty của Đảng bộ thành phố.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tái cơ cấu các lĩnh vực Thành ủy cần kinh doanh hoặc cần rút ra. Ông nêu ví dụ sẽ không đầu tư vào lĩnh vực Ngân hàng vì đánh giá rủi ro sẽ cao.

Published in Việt Nam