Thủ tướng kết luận điều chỉnh mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất (RFA, 17/04/2018)
Chính phủ Việt Nam vừa có thông báo kết luận về phương án điều chỉnh Quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Hình ảnh hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh minh họa) - AFP
Thông báo được Văn phòng Chính phủ Việt Nam đưa ra tại cuộc họp của Chính phủ vào hôm 16/4.
Theo đó, Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc đồng ý phương án do Công ty Tư vấn ADP-1 đề ra, là việc thực hiện mở rộng, đầu tư và xây dựng một nhà ga hành khách đạt tiêu chuẩn quốc tế tại khu vực phía Nam, để đáp ứng được nhu cầu 20 triệu khách một năm và nâng tổng công suất phục vụ cho toàn khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đạt tối thiểu 50 triệu khách một năm.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn cho biết chuẩn bị đầu tư và xây dựng khu vực nhà ga dành cho hàng hóa, khu vực bãi đậu và bảo dưỡng máy bay tại khu vực phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất. Nơi vị trí có sân golf hiện nay.
Phương án điều chỉnh này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao Thông vận tải chỉ đạo hai công ty tư vấn là ADP-1 và ADCC cần hoàn chỉnh phương án quy hoạch một cách tốt nhất. Đồng thời tính toán và đề xuất giải pháp để giảm tình trạng kẹt xe bên ngoài khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Phương án mà Công ty tư vấn Pháp ADP-1 đưa ra bị giới chuyên gia hàng không trong nước phản đối cho là chưa hợp lý. Giới phản đối sân golf của quân đội tại Tân Sơn Nhất cũng tiếp tục lên tiếng yêu cầu phải trả lại đất sân golf cho sân bay Tân Sơn Nhất.
*******************
Thủ tướng lên tiếng về thuế tài sản (RFA, 17/04/2018)
Dự thảo Luật Thuế tài sản do Bộ Tài chính vừa công bố gần đây không phải là kết luận cuối cùng, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính lắng nghe thêm góp ý từ phía nhân dân và các đoàn thể.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc với Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc vào sáng ngày 17 tháng 4. Screen capture of Truyền Hình Nhân Dân's video
Đây là nội dung được Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến trong buổi làm việc với Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc vào sáng ngày 17 tháng 4.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng trước khi có quyết định trong các dự án luật và nghị định, Chính phủ luôn mời đại diện Mặt Trận Tổ quốc tham gia soạn thảo.
Dự thảo Luật thuế tài sản gây ra xôn xao dư luận trong những ngày qua khi qui định người sở hữu nhà trên 700 triệu đồng sẽ phải đóng thuế 0,4% một năm cho phần dư từ 700 triệu trở lên. Trong đó, những người sở hữu nhà ở Hà Nội và Sài Gòn sẽ phải đóng mức thuế cao nhất so với những người sở hữu nhà ở các tỉnh thành khác.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nói thêm, các cơ quan hữu trách phải giải thích cho người dân hiểu rõ rằng những nội dung trong Luật thuế tài sản chỉ đưa ra để lấy ý kiến và cần phải chờ Quốc hội quyết định.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng dự luật này không hợp lý vì nếu đánh thuế ở mức 700 triệu thì đa số các ngôi nhà phải chịu thuế, kể cả những người thu nhập thấp, cần sự trợ giúp của xã hội.
*********************
Dư luận mấy ngày nay đặc biệt quan tâm đến đề xuất áp thuế nhà ở của Bộ Tài chính. Theo đó thì với những căn nhà có giá trị từ 700 triệu đồng hoặc một tỷ đồng trở lên, chủ sở hữu sẽ phải chịu thuế. Phần đánh thuế là khoản giá trị hơn 700 triệu đồng hoặc hơn một tỷ đồng đó, với mức thuế được áp dụng là 0,4%. Với mức thuế này, dự kiến ngân sách sẽ thu thêm được gần 1,5 tỷ USD.
"Tôi không hoàn toàn đồng ý với cả hai phương án. Thứ nhất, trước khi tăng thuế bất động sản, Bộ Tài chính cần có kế hoạch để cải thiện những vấn đề về thu thuế. Hiện tại còn rất nhiều lỗ hổng trong chính sách tài khóa, tài chính và chính sách thuế mà nhiều đối tượng có thể lẩn tránh thuế, trốn thuế và từ đó làm mất nguồn ngân sách quốc gia".
Đó là nhận định của chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu về đề xuất của Bộ Tài chính. Theo vị chuyên gia này, thì Bộ Tài chính không nên áp thuế bất động sản vào thời điểm này mà thay vào đó nên thay đổi chính sách thuế để ngăn chặn hiện tượng mất thuế, giảm thuế, trốn thuế của nhiều thành phần kinh tế. Sau đó, mới cân nhắc chuyện tăng thuế nếu cần.
Một người phụ nữ đạp xe qua một dự án nhà ở cao cấp ở ngoại thành Hà Nội. AFP
Cũng theo quan điểm của ông, một chính sách thuế đưa ra cần phải đáp ứng được hai nguyên tắc. Thứ nhất là phải hỗ trợ chính phủ trong chủ trương giúp người dân có nhà ở. Thứ hai, chính sách thuế phải có tính công bằng, tức là người thu nhập cao phải trả thuế nhiều hơn người có thu nhập thấp. Ông cho rằng đề xuất mới của bộ Tài chính không đáp ứng được cả hai nguyên tắc này.
Hiện tại theo luật thuế của Việt Nam thì chỉ đánh thuế trên phần đất, chứ không đánh thuế giá trị của căn nhà trên mảnh đất đó. Vì vậy, đề xuất của Bộ Tài chính được đánh giá là hoàn toàn mới mẻ và gây nhiều tranh cãi từ phía dư luận.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu giải thích lý do bộ phận đông dân chúng tỏ ra hoang mang trước thông tin này :
Dư luận họ phản ứng bởi vì rất nhiều người có thu nhập thấp đã khổ công mua được căn nhà, bây giờ mua được căn nhà lại bị đánh thuế với mức chắc chắn sẽ nặng hơn nhiều so với hiện hành.
Trước sức ép từ dư luận, ngày 17 tháng 4, đích thân ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã phải lên tiếng giải thích rằng đây chưa phải là kết luận cuối cùng, mà chỉ đưa ra đề xuất để lấy ý kiến từ người dân và giới chuyên môn.
Theo quan điểm của Bộ Tài chính thì những đối tượng thu nhập thấp và trung bình sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi chính sách thuế mới này. Bởi vì với mức thu nhập như vậy, thông thường nhà ở của họ có giá trị nhỏ hơn 700 triệu đồng, tức là thuộc loại không phải chịu thuế. Tuy nhiên, giới chuyên gia lại nhìn nhận rằng hiện nay đa phần giới trung lưu ở Việt Nam có nhà đắt hơn 700 triệu đồng, vì vậy chính sách này có thể coi là nhắm trực tiếp vào họ. Trong khi đó giới thượng lưu vốn đã giàu có nên không bị ảnh hưởng bởi luật thuế này.
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, thuộc Bộ Tài chính nói với báo chí trong nước rằng nguồn thu từ thuế tài sản này dự kiến sẽ để lại 100% cho địa phương để đầu tư cơ sở hạ tầng góp phần tăng giá trị của đất đai.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng không đồng tình với đề nghị của bộ Tài chính. Ông giải thích :
Nhà ở là cái không sinh ra lợi ích để mà phải đánh thuế. Đó là tài sản mình ở, mình dùng. Nếu tài sản là nhà cho thuê hay văn phòng cho thuê, có lợi ích thì mình mới đánh thuế. Còn cái này là nhà ở của người dân mà đánh thuế trên đó thì tôi thấy nguyên tắc đó chưa phù hợp đối với Việt Nam.
Chẳng những thế mà hiện giờ chính sách của Nhà nước là giúp người dân vay tiền với lãi suất thấp để mua nhà ở. Bây giờ người dân chưa kịp mua nhà ở đã bị đánh thuế rồi.
Ông Bùi Kiến Thành cũng cho rằng mức thuế Bộ Tài chính gợi ý là 0,4% cũng chưa phù hợp bởi vì phần lớn dân Việt phải vay tiền bà con, ngân hàng để mua nhà và đã phải chịu phần tiền lãi khi đi vay. Đến khi mua được căn nhà lại phải nộp thuế lần nữa với mức không phải là thấp.
Về phía Quốc hội, đến ngày 17/4, Tổng thư ký Quốc hội ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết nghị trình xây dựng luật của Quốc hội cho đến hết năm 2019 chưa có nội dung dự án Luật Thuế tài sản như, thông tin đánh thuế nhà từ 700 triệu và ô tô từ 1,5 tỉ trở lên mới dừng ở cấp vụ của Bộ Tài chính.
Đây không phải là lần đầu tiên dư luận bày tỏ bất bình với chính sách thuế ngành Tài chính đưa ra. Thời gian trước đó, Bộ Tài chính liên tục đòi tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 11-12%, tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường, trong đó có xăng dầu.
Các lý do chủ yếu được bộ này đưa ra là vì thuế nhập khẩu giảm nên cần tăng thuế khác bù vào việc thu ngân sách giảm, nợ công cao.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường tăng theo đề xuất của Bộ Tài chính, thì ngân sách có thể tăng thêm hàng chục nghìn tỷ mỗi năm.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết quan điểm về tình trạng này :
Về căn bản tôi đồng ý với vấn đề thu thuế vì ngân sách quốc gia cần phải có thuế để chi trả cho tất cả các vấn đề, chi phí thường xuyên của chính phủ và chi phí đầu tư, bao gồm cả những chi phí về an sinh xã hội, quốc phòng. Thế nhưng nó phải ở trong một hoàn cảnh và mức độ hợp lý.
Đầu ra cũng phải cải thiện, tránh việc sử dụng ngân sách quốc gia cho những dự án đầu tư lãng phí và đặc biệt là vấn đề tham nhũng phải được tiêu trừ vì tham nhũng ngốn rất nhiều nguồn ngân sách của chính phủ.
Việt Nam liên tục phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách năm này qua năm khác. 15 ngày đầu năm 2018, ngân sách đã thâm hụt hơn 18.000 tỷ đồng. Những năm gần đây, hầu như năm nào cũng xảy ra tình trạng bội chi ngân sách, và thậm chí chi thường xuyên quá cao, không còn tiền để chi cho đầu tư phát triển. Nhiều ý kiến lên án tình trạng chi tiêu lãng phí của nhiều cơ quan Nhà nước, trong khi thiếu ngân sách thì lại đội thuế lên đầu người dân.
Điều này cũng được chuyên gia Bùi Kiến Thành phê bình :
Nhà nước đứng trước tình trạng không giảm cái chi mà cứ tìm cách tăng cái thu lên, tìm cách tận thu của nhân dân như vậy là một tư duy không phù hợp. Làm sao phải giúp cho nhân dân phát triển, giúp cho nền kinh tế phát triển, dân có nhà ở,…chứ không phải để tận thu, làm kiệt quệ tài chính của người dân là không nên.
Vừa qua, các chuyên gia trong nước trong đó có TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã chỉ trích chính sách tăng thuế bảo vệ môi trường của người dân nhưng lại bỏ vào ngân sách chung, trong khi dân chúng kêu than môi trường ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Họ đặt câu hỏi liệu tiền đó có thực sự được sử dụng cho môi trường ?
*****************
Sáp nhập nhiều sở vì ngân sách không gánh nổi bộ máy cồng kềnh (VOA, 17/04/2018)
Dự kiến các tỉnh của Việt Nam sẽ giảm tới gần 90 sở sau khi sáp nhập, theo một dự thảo nghị định của Bộ Nội vụ về sắp xếp lại các cơ quan thuộc chính quyền cấp tỉnh. Một chuyên gia xã hội học nói động thái này sẽ mất nhiều năm thực hiện với các "hậu quả xã hội to lớn".
Vấn đề tinh giản bộ máy nhà nước đang ngày càng trở nên cấp bách ở Việt Nam
Dự thảo của Bộ Nội vụ, được công bố trên báo chí hôm 17/4, đề xuất rằng các tỉnh và thành phố chỉ có từ 18 sở trở xuống. Riêng thủ đô Hà Nội và đầu tàu kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có thể có nhiều sở hơn, nhưng cũng không quá 20.
Nếu thực hiện phương án này, nhiều sở, ngành phải sáp nhập, giúp giảm ít nhất 88 sở, ngành trên toàn quốc.
Theo phác thảo của Bộ Nội vụ, các sở có "quan hệ liên thông" hoặc giải quyết những vấn đề giống nhau sẽ được sáp nhập.
Một số gợi ý trong đề xuất gồm Sở Kế hoạch và đầu tư cùng Sở Tài chính sẽ trở thành Sở Tài chính và kế hoạch ; Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng thành Sở Giao thông vận tải và xây dựng ; hợp nhất Sở Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn và Sở Công thương thành Sở Công-Nông-Thương ; hợp nhất Sở Thông tin và truyền thông với Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch thành Sở Văn hóa, thể thao và du lịch hoặc Sở Văn hóa, thông tinv và thể thao ; hay Sở Khoa học-Công nghệ và Sở Giáo dục và đào tạo trở thành Sở Giáo dục, khoa học và công nghệ.
Một hội nghị trong ngành công an.
Kể cả các sở của chính quyền và các ban của Đảng Cộng sản tại địa phương cũng được Bộ Nội vụ đề xuất sáp nhập thí điểm. Đó là hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nếu được thực hiện, sở mới sẽ có tên là Sở Tổ chức-Nội vụ ; hoặc hợp nhất Thanh tra tỉnh với Ủy ban Kiểm tra, và gọi là Kiểm tra-Thanh tra cấp tỉnh.
Một phương án khác do bộ nêu ra trong dự thảo có quy mô nhỏ hơn. Theo đó, Hà Nội và Tp. HCM có tối đa 20 sở ; các tỉnh còn lại có không quá 19 sở. Nếu chính phủ chấp nhận phương án này, sẽ giảm tối thiểu được 46 sở, ngành trên toàn quốc.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, tiến sĩ Khuất Thu Hồng, đánh giá đây là "động thái tích cực nhất từ trước đến nay" của Bộ Nội vụ nói riêng và của nhà nước Việt Nam nói chung, khi họ thể hiện nỗ lực làm tinh gọn và tăng tính hiệu quả của các cơ quan trong chính quyền.
Nữ tiến sĩ cho rằng không chỉ cá nhân bà mà nhiều người dân cũng hoan nghênh nỗ lực mà bà gọi là "thiết thực" này.
Đề xuất sáp nhập các sở được đưa ra trong bối cảnh chỉ ít ngày trước đó, Kiểm toán Nhà nước "phát hiện" các cơ quan công quyền "thừa" tới 57.000 nhân viên trong biên chế. Ngoài ra, hồi đầu tháng này, có tin Bộ Công an sẽ có "bước đột phá" là xóa toàn bộ các tổng cục, sáp nhập và giảm một nửa số cục từ con số 126 hiện nay.
Bà Hồng đưa ra nhận định với VOA về lý do đằng sau động thái của Bộ Nội vụ :
"Bây giờ áp lực của việc làm tinh gọn bộ máy nó trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bài toán được đặt ra là nếu không tin giản bộ máy này, hệ thống [ngân sách] của nhà nước sẽ không thể nào gánh nổi cả một bộ máy cồng kềnh như vậy. Và tính kém hiệu quả của nó đã quá rõ ràng".
Một báo cáo hồi tháng 3 của Bộ Tài chính cho hay trong 2 tháng đầu năm, chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước chiếm 83,1%, còn chi đầu tư phát triển chỉ chiếm 4,2%.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh được báo chí trong nước trích dẫn nói rằng "muốn chi thường xuyên giảm xuống có nhiều giải pháp, trong đó có việc tinh giản bộ máy". Tiến sĩ Doanh khẳng định "nếu biên chế, tổ chức cứ phình ra, thì không thể nào cơ cấu lại được ngân sách, không thể nào giảm chi thường xuyên được".
Dù vấn đề dường như rất cấp bách, song tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho rằng việc sáp nhập các sở địa phương sẽ không diễn ra nhanh chóng. Bà nói với VOA :
"Tôi sợ rằng khó mà tính bằng tháng, mà phải tính bằng năm và phải có những lộ trình. Việc thu gọn bộ máy, sáp nhập một loạt các đơn vị như vậy sẽ dẫn đến những hệ lụy, những vấn đề xã hội rất lớn. Nếu việc này không được triển khai theo lộ trình, nó có thể để lại các hậu quả, các vấn đề xã hội rất hệ trọng".
******************
Chính phủ cùng các nhóm lợi ích xẻ thịt tài nguyên quốc gia (RFA, 16/04/2018)
Đỉnh Fansipan từ lâu là đích đến cho những du khách ưa thích sự mạo hiểm, muốn thử sức khám phá và chinh phục ngọn núi vốn được mệnh danh là "nóc nhà Đông Dương".
Tuyến cáp treo đưa du khách lên đỉnh Fansipan đã góp phần phá nát cảnh quan tự nhiên của "nóc nhà Đông Dương"- AFP
Thế nhưng, kể từ khi tập đoàn SunGroup xẻ núi xây dựng và khai thác hệ thống cáp treo đưa du khách đi thẳng từ thị xã Sapa lên tận đỉnh Fansipan vào tháng 02/2016 thì ngọn núi này đã trở thành tài sản kinh doanh riêng của một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
Cũng tương tự đối với những bờ biển được cả thế giới công nhận là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh như Mỹ Khê (Đà Nẵng), Bãi Dài, Bãi Sao (Phú Quốc) hay Cửa Đại (Hội An) … nếu như trước đây người dân có thể tự do đánh bắt hải sản hoặc thoải mái bơi lội trên những bãi biển này thì giờ đây, phần lớn diện tích nói trên đã được dành cho các tập đoàn lớn như VinGroup, FLC, SunGroup, Bim Group khai thác kinh doanh sân golf, resort cao cấp...
Bình luận về điều này, từ Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng đây là một hiện trạng hết sức nhức nhối vì người ta đã biến cái công sản vào tay tư nhân.
"Những tài nguyên thiên nhiên là những tài sản công mà tất cả mọi người đều có thể được hưởng, được tiếp cận. Bây giờ họ bán cho tư nhân và họ quây lại thành tài sản của riêng họ và như vậy là người dân bị từ chối quyền được tiếp cận".
Cùng quan điểm trên, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng việc kinh doanh, khai thác những địa điểm nói trên còn phá nát cảnh quan cũng như gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường xung quanh. Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho biết :
"Họ phá nát đi những nơi đó, họ đưa những công trình xây dựng vào làm mất đi cái vẻ hoang sơ của Bà Nà hay Fansipan. Riêng cái Bà Nà ngày trước chưa có cáp treo thì có con đường đi lên nhưng bây giờ, họ chiếm và cấm không cho người dân đi qua con đường đó nữa. Còn đỉnh Fansipan thì cái quan trọng là họ phá hư cái cảnh quan, cái đỉnh Fansipan bây giờ mà đi lên được cái đỉnh đó thì không còn ý nghĩa nữa".
Theo nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, đã có rất nhiều dự án mà vì lợi ích trước mắt mà các chủ đầu tư đã ra sức bào mòn, phá hoại tài nguyên quốc gia bất chấp những hệ quả mà người dân phải gánh chịu. Dư luận đã từng lên án dự án Quần thể công trình du lịch văn hóa dịch vụ cáp treo, vui chơi giải trí, khách sạn Fansipan Sa Pa phá nát sinh cảnh vườn quốc gia Hoàng Liên, chiếm nơi ăn chốn ở của không biết bao nhiêu người dân, hay như dự án Công viên đại dương Hạ Long xâm phạm, san lấp hàng trăm hecta vùng biển thuộc vùng đệm của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Cũng tương tự SunGroup, tập đoàn FLC bị lên án ngang nhiên xóa sổ rừng phòng hộ ven biển Sầm Sơn để xây dựng sân golf, resort 5 sao, xua đuổi và cấm người dân xunh quanh nơi xây resort được cào ngao, đánh cá, cướp đi kế sinh nhai của không biết bao nhiêu gia đình sống nhờ nghề bám biển từ nhiều thế hệ…
Rất nhiều trong số những dự án này ban đầu được dựng lên với danh nghĩa góp phần bảo tồn và phát triển kinh tế du lịch địa phương. Tuy nhiên trên thực tế nhà đầu tư đã chuyển đổi mục đích sử dụng vào các dự án bất động sản nhằm thu những khoản lợi nhuận khổng lồ. Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nói tiếp :
"Ví dụ như khu Hòa Quý, Hòa Xuân ở Đà Nẵng, họ gọi là khu du lịch sinh thái nhưng thực chất nó là khu đô thị sinh thái, họ đuổi hết dân đi rồi quy hoạch thành khu đô thị rồi bán nền lại với giá cao trong khi đó đền bù lại cho người dân với mức giá nông nghiệp rất rẻ, khoảng 15 ngàn đồng/m còn bây giờ họ bán lại với giá từ 50 cho đến cả trăm triệu đồng mỗi mét vuông, thế là lời lắm rồi. Họ lấy hết đất đai, nhà thờ, chùa chiền bao nhiêu đời để làm khu đô thị mới, người dân sống bằng nghề nông nghiệp bây giờ không biết làm cái gì để người ta sinh sống".
Trước câu hỏi vì sao những vụ việc gây bức xúc và thách thức dư luận như vậy lại không bị phanh phui và xử phạt theo qui định của luật pháp Việt Nam, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng đã có âm mưu lợi ích nhóm trong những dự án nói trên :
"Đã có sự lợi ích nhóm và cấu kết với nhau giữa các tập đoàn và chính quyền. Điều đó là chuyện đương nhiên rồi, nếu không có sự cấu kết đó thì doanh nghiệp nó cũng khó làm ăn được, khó mua được những dự án với giá rẻ để sau này bán ra với giá cao. Và khi mà có sự cấu kết đó thì lợi lộc vào tay những quan chức và các tập đoàn còn thiệt hại là thuộc về người dân sống trên mảnh đất đó. Còn thiệt hại đối với xã hội đó là một số những tài nguyên, cảnh quan như biển như rừng thì bị bán mất hết đi".
Trước hiện tượng kinh doanh chộp giật, bất chấp những hậu quả có thể gây ra đối với môi trường và phát triển bền vững như vậy của các doanh nghiệp, tiến sĩ Nguyễn Quang A đề xuất người dân bị ảnh hưởng cũng như người dân ở khắp mọi nơi đều phải lên tiếng thì may ra chính quyền và các doanh nghiệp mới có thể hạn chế được việc khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên của đất nước. Ông cũng cho rằng việc một nhà nước được gọi là "của dân, do dân và vì dân" nhưng lại sử dụng tài sản công để phục vụ cho tầng lớp tư bản là một sự cấu kết lợi ích rõ ràng.
Mỹ Lan
**********************
Con trai ông Lê Thanh Hải bị khiển trách (BBC, 17/04/2018)
Con trai nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bị khiển trách vì "có quan hệ tình cảm với một phụ nữ và có con chung nhưng chậm báo cáo với tổ chức".
Ông Lê Trương Hải Hiếu (ngoài cùng, bên phải hình) đang là Chủ tịch UBND quận 12
Truyền thông Việt Nam hôm 17/4 đưa tin Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã ra thông báo về kết quả xem xét kỷ luật đối với ông Lê Trưởng Hải Hiếu, Thành ủy viên, Chủ tịch UBND quận 12.
Ông Hải Hiếu là con trai ông Lê Thanh Hải, từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh hai khóa trước khi nghỉ hưu năm 2016.
Theo báo Tuổi Trẻ, việc khiển trách được công khai tại hội nghị Thành ủy ngày 17/4.
Thông tin trên báo chí nhà nước nói Ban Thường vụ Quận ủy Q.12 kỷ luật ông Hiếu bằng hình thức khiển trách.
Nguyên nhân được công bố là ông Hiếu đã vi phạm trong việc "có quan hệ tình cảm với một phụ nữ và có con chung nhưng chậm báo cáo với tổ chức".
Ông Lê Trưởng Hải Hiếu từng là lãnh đạo quận trẻ nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh khi giữ chức Phó bí thư quận ủy kiêm Chủ tịch UBND quận 12 lúc 34 tuổi vào năm 2015.
Hồi tháng Ba, người em trai ông Lê Thanh Hải bị Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong kỷ luật khiển trách vì liên quan hàng loạt sai phạm ở Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn .
Ông Lê Tấn Hùng là tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV.
Sai phạm của ông Hùng liên quan việc ký khống, chi khống hơn 13 tỉ đồng cho hàng chục cán bộ, người lao động học tập nước ngoài.
Bối cảnh chính trị
Việc kỷ luật hai người thân của nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra trong bối cảnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn dắt chiến dịch "xây dựng, chỉnh đốn" Đảng Cộng sản.
Từ sau khi được bầu lại tại Đại hội Đảng 12 đầu năm 2016, ông Nguyễn Phú Trọng đã đẩy mạnh chủ trương được nói là để "chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm".
Lần đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, một nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Đinh La Thăng, bị đưa ra xử trong hai phiên tòa.
Hôm 12/4, một Ủy viên Trung ương Đảng, Trần Quốc Cường, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk, bị xử lý cảnh cáo.
Ông Cường bị kỷ luật với lý do có vi phạm khi giữ cương vị Bí thư Đảng uỷ, Cục trưởng Cục Chính trị - Hậu cần, Tổng Cục tình báo, Bộ Công an.
Vừa qua, hai tướng công an, Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng C50 (Bộ Công an) bị khởi tố bắt giam, bị tước danh hiệu công an nhân dân.