Việt Nam có thể mua máy bay chiến đấu mới ?
Chuyến thăm Hoa Kỳ của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang từ ngày 6 đến 11/9/2024 diễn ra ngay trước chuyến làm việc của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm tại Đại hội đồng Liên Hiệp quốc, có thể từ 22 đến 24/9/2024.
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ trong việc tiếp tục tăng cường quan hệ với Việt Nam khi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang tại Lầu Năm Góc ngày 9/9/2024 - Bộ Quốc phòng Mỹ
Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 9/9/2024 cho biết trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và người đồng cấp Hoa Kỳ Lloyd Austin tại Lầu Năm Góc, hai bên thống nhất tăng cường hợp tác quốc phòng, bao gồm phát triển "thương mại quốc phòng", tăng cường "khả năng phục hồi của nền tảng công nghiệp" và "chia sẻ thông tin". Hai bên đã ký "Bản cập nhật Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ Quốc phòng Hoa Kỳ - Việt Nam" để vạch ra lộ trình cho tương lai của quan hệ đối tác quốc phòng giữa hai nước. Đây là bản cập nhật của bản đầu tiên, được hai bên kí năm 2015, trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ khi đó là Ashton Carter. Chuyến làm việc dài ngày của Tướng Phan Văn Giang tại Hoa Kỳ trước chuyến làm việc của ông Tô Lâm ở New York, mặc dù chỉ được công bố thông tin sơ sài, được một số nhà quan sát cho là chỉ dấu cho thấy quan hệ quốc phòng hai nước đang được thúc đẩy mạnh mẽ.
Hợp tác quân sự tầm cao mới
Vào tháng trước, từ ngày 18 đến 20 tháng tám, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã thăm Trung Quốc và ký 14 thỏa thuận hợp tác. Chuyến làm việc tại Liên Hiệp quốc của ông Tô Lâm trong tháng chín được một số nhà quan sát cho là đang đàm phán để có thể kết hợp thăm chính thức Hoa Kỳ. Câu hỏi đặt ra là trong khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đang cạnh tranh quyết liệt, mối quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện" của Việt Nam với cả hai siêu cường này sẽ quan hệ với nhau như thế nào.
Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học UNSW Canberra, Australia, cho rằng đối với Việt Nam, mặc dù cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều là "đối tác chiến lược" ở cấp cao nhất, mối quan hệ với hai siêu cường đi theo hai hướng khác nhau. Một bên nằm trong khung khổ "cộng đồng chung tương lai" do Trung Quốc đề xướng, còn một bên trong nằm khung khổ "đối tác chiến lược toàn diện". Ông phân tích :
"Cái định nghĩa về hợp tác trong khuôn khổ "cộng đồng chung tương lai" giữa Việt Nam và Trung Quốc và "đối tác chiến lược toàn diện" giữa Việt Nam với Mỹ thì nhấn mạnh vào hai yếu tố khác nhau. Cộng đồng chung tương lai nhấn mạnh nhiều vào yếu tố chính trị, còn "đối tác chiến lược toàn diện" với Mỹ thì nhấn mạnh vào kinh tế, giáo dục, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Mảng quốc phòng an ninh bị chìm xuống dưới.
Chuyến thăm của ông Phan Văn Giang tới Mỹ có thể là một bước đi thăm dò của cả hai bên. Chúng ta đã lên "đối tác chiến lược toàn diện" rồi thì hai bên nâng cấp hợp tác quốc phòng trong tương lai thế nào để xứng đáng với mối quan hệ này.
Mỹ và phương Tây rất tò mò xem Việt Nam mong muốn gì mà muốn nâng cấp đến mức độ nào, những hoạt động mới nào. Quan hệ quốc phòng trước đây chỉ loanh quanh giải quyết các di sản chiến tranh. Còn ở giai đoạn "đối tác toàn diện" trước đây thì việc Mỹ tặng tàu cho Việt Nam là đã lớn lắm rồi. Hoặc Mỹ gửi tàu đến thăm viếng hai năm một lần. Như thế là lớn lắm rồi.
Còn ở giai đoạn mới này, "đối tác chiến lược toàn diện", thì Mỹ có thể muốn thúc đẩy những hoạt động đó mạnh mẽ hơn, có ý nghĩa hơn. Những hoạt động thăm dò là cần thiết để hai bên đẩy quan hệ quốc phòng lên một bậc mới, tương xứng với các quan hệ kinh tế, công nghệ, đổi mới sáng tạo".
Hầu hết các nhà quan sát đều đồng tình với nhận định rằng mối quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tiến triển lên một mức độ cao hơn. Điều đó không chỉ tương xứng với "tên gọi" của mối quan hệ mà còn do sự thúc đẩy của các chuyển động an ninh trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông.
Trao đổi với RFA, Luật sư Vũ Đức Khanh, giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Ottawa, Canada, nhận định rằng nếu thông tin về chuyến thăm Hoa Kỳ dự kiến của ông Tô Lâm nhân dịp tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tuần tới là chính xác, mục đích chuyến thăm có thể xoay quanh nhiều vấn đề chiến lược giữa Việt Nam và Mỹ, trong đó có nhiều chỉ dấu cho thấy hồ sơ Biển Đông, an ninh và quốc phòng có vẻ khá nặng ký. Riêng về tiềm năng hợp tác về an ninh, Luật sư Vũ Đức Khanh nói :
"Ông Tô Lâm từng là người từng đứng đầu Bộ Công an, và sự hợp tác trong lĩnh vực an ninh nội địa cũng có thể là một điểm thảo luận quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hai bên đang mở rộng quan hệ chiến lược. Việt Nam có thể tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật, công nghệ và nâng cao năng lực trong việc bảo vệ an ninh nội địa".
Việt Nam có thể mua máy bay nào ?
Về hợp tác quân sự, Reuters mới đây đưa tin rằng Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đang bàn về khả năng mua máy bay vận tải C-130 với lý do rằng đòn thử này có thể tiết giảm sự giận dữ từ Bắc Kinh vì C-130 được xem là máy bay vận tải chứ không phải là vũ khí tấn công.
Vẫn theo Reuters, bên cạnh C-130, Việt Nam cũng có thể xem xét mua các thiết bị khác như các loại máy bay giám sát, tuần tra hoặc thậm chí máy bay chiến đấu như F-16. Nếu Việt Nam có kế hoạch mua máy bay chiến đấu F-16 hoặc máy bay vận tải C-130 của Hoa Kỳ, đây sẽ là một bước tiến lớn trong hợp tác quốc phòng Mỹ - Việt. Điều này sẽ đánh dấu một sự thay đổi chiến lược, khi Việt Nam trước đây thường phụ thuộc vào vũ khí của Nga.
Theo quan sát của Luật sư Vũ Đức Khanh, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đến Washington từ ngày 6 đến 11 tháng Chín có thể là một bước chuẩn bị, thảo luận về các vấn đề liên quan đến hợp tác quân sự, bao gồm cả khả năng bán vũ khí này.
Theo nhà nghiên cứu Trần Bằng ở Đại học Paris II, hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có nhiều mảng, không giới hạn trong mua bán vũ khí, trang bị. Tuy nhiên, mảng mua bán được quan tâm nhiều vì nó đem lại lợi ích ngắn hạn cho cả hai : lợi ích kinh tế cho bên bán và tăng cường năng lực quân sự cho bên mua, cũng như lợi ích cho các bên trung gian thúc đẩy đàm phán, kí kết hợp đồng và giao hàng.
Nhà nghiên cứu Trần Bằng cho biết Việt Nam đã cho về hưu toàn bộ loạt máy bay vận tải hạng nhẹ nguồn gốc Liên Xô An-26. Như vậy, ngoài số máy bay vận tải cánh quạt hai tầng cánh rất cũ An-2 cũng nguồn gốc Liên Xô thì Việt Nam vận hành máy bay vận tải hệ Châu Âu, ba chiếc C-295 và năm chiếc C-212, trong đó có ba chiếc trong biên chế Cảnh sát biển.
Vị chuyên gia về kỹ thuật quân sự ở Đại học Paris II cho biết, về tải trọng, so với máy bay C-212 (có tải trọng 4,5 tấn tối đa cho cả nhiên liệu và hàng hóa), C-295 (tải trọng khoảng 10 tấn tối đa cho nhiên liệu và hàng hóa), và An-26 trước đây (tải trọng chín tấn gồm nhiên liệu và hàng hóa) thì máy bay C-130 của Mỹ có tải trọng lớn hơn (khoảng 36 tấn tối đa cho nhiên liệu và hàng hóa, trong đó có 19 tấn cho hàng hóa). Như vậy, C-130 sẽ giúp linh hoạt hơn cho nhu cầu vận tải.
Tuy nhiên, về chi phí, nếu Việt Nam mua C-130, quân đội nước này sẽ vận hành cùng lúc các máy bay của Châu Âu và Mỹ. Chi phí hậu cần, kĩ thuật sẽ cao hơn so với dùng một loại thống nhất, nhà nghiên cứu về kỹ thuật quân sự ở Đại học Paris II nhận định.
Trong trường hợp Việt Nam muốn mua máy bay chiến đấu (tiêm kích, cường kích) của Mỹ, theo nhà nghiên cứu Trần Bằng, F-16 sẽ được lựa chọn ở thời điểm này. Bởi lẽ, Mỹ không bán F-22 cho bất cứ nước nào, chỉ dùng nội địa. Đối với F-35, Mỹ chỉ bán cho đồng minh thân cận. Tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, chỉ có Nhật, Hàn Quốc, Úc và Singapore được mua F-35. Vì vậy, Việt Nam sẽ không mua được loại máy bay này.
Ngoài ra, nếu tính chi phí vận hành, hệ thống hỗ trợ thì Việt Nam hiện nay cũng không đủ năng lực, do đó chắc chắn không có kế hoạch trang bị loại máy bay thế hệ 5 này. F-16 có thể là lựa chọn của Việt Nam vì Việt Nam có thể mua. Mặt khác, Việt Nam có xu hướng mua các loại vũ khí đã qua kiểm nghiệm thực tế. Có thể việc F-16 tham chiến tại Ukraine sẽ giúp Việt Nam đánh giá chính xác hơn loại máy bay này, nhà nghiên cứu Trần Bằng nhận xét.
Chuyến thăm dài ngày của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đến Hoa Kỳ vừa qua và chuyến thăm được cho là có thể diễn ra sắp tới của Tổng bí thư Tô Lâm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam ngày càng đối mặt với sức ép phải nâng cấp năng lực quốc phòng. Nhà nghiên cứu Trần Bằng lưu ý rằng từ khoảng sau 2040, các cường quốc khu vực sẽ trang bị đại trà máy bay thế hệ 5 và có thể sẽ chuẩn bị đưa vào trang bị máy bay thế hệ 6. Để tránh sức ép không đáng có, theo nhà nghiên cứu Trần Bằng, có lẽ Việt Nam cũng cần phải trang bị các máy bay chiến đấu (tiêm kích và cường kích) có các tính năng tiệm cận thế hệ 5.
Nguồn : RFA, 11/09/2024
Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang thăm Mỹ, tăng cường lòng tin chiến lược, hợp tác song phương thế nào ?
Các nhà quan sát, phân tích thời sự, chính trị từ Việt Nam bình luận sự kiện Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang thăm Hoa Kỳ, và thảo luận triển vọng tăng cường hợp tác song phương Việt – Mỹ qua diễn biến này, trong bối cảnh hai nước sắp đánh dấu tròn một năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Nguồn : VOA, 10/09/2024
Câu chuyện Phan Văn Giang gặp Ngụy Phượng Hòa là một trường hợp bất thường. Bất thường vì một tướng võ mà lại có hành động nhu ngược rất khác thường. Mỗi hành động như vậy không thấy thiệt hại nhiều cho quốc gia nhưng nhiều hành động cộng lại thì rất có thể Việt Nam phải mất mát đáng kể.
Phan Văn Giang đón tiếp long trọng Ngụy Phượng Hòa
Việt Nam muốn làm bạn với Trung Quốc như thế nào đó là quyền của Đảng cộng sản, tuy nhiên một khi đã đụng tới chủ quyền quốc gia thì Đảng cộng sản cần phải tôn trong nguyện vọng của nhân dân. Chủ quyền là của nhân dân không phải của Đảng cộng sản.
Biển Đông là tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, không chỉ có giá trị chiến lược về kinh tế thương mại và quốc phòng-an ninh mà còn có giá trị chiến lược về địa chính trị. Vùng này vốn thuộc chủ quyền Việt Nam lâu đời, tuy nhiên từ khi có đường 9 đoạn của Trung Quốc vẽ nên để xí phần thì Việt Nam đã mất chủ quyền. Trung Quốc là quốc gia hùng mạnh, tuy nhiên việc nước này hùng mạnh không có nghĩa là Việt Nam phải mềm dẻo và nhượng bộ trước những đòi hỏi phi lí của họ. Như việc để mất Hoàng Sa năm 1974 là một minh chứng cho thấy, Trung Quốc mạnh hơn Việt Nam, tuy nhiên Việt Nam Cộng Hòa không hề chủ hàng dâng chủ quyền cho giặc mà là phải chiến đấu tới cùng dù cho có hy sinh mất mát. Với Đảng cộng sản, người dân không bắt buộc phải thắng Trung Quốc, nhưng người dân cần Đảng cộng sản phải cứng rắn và quyết không nhượng một tấc đất nào cho giặc. Tuy nhiên điều mong ước ấy của nhân dân bao lâu nay đã bị Đảng cộng sản phớt lờ. Tuy nhiên dù nhân bị Đảng cộng sản xem thường trắng trợn như vậy nhưng nhân dân cũng không làm gì được vì thế Đảng cộng sản cứ nhượng bộ hết lần này đến lần khác.
Nhu nhược nấp bóng "biện pháp hòa bình"
Giải quyết bằng biện pháp hòa bình nghĩa là dẹp súng đạn qua một bên, tất cả chỉ dùng lí để tranh luận, kể cả dùng biện pháp kiện ra tòa án quốc tế. Trong biện pháp hòa bình không được phép nhu nhược nhượng bộ. Với một quốc gia yến hơn Trung Quốc rất nhiều, Việt Nam cần làm việc với phía Trung Quốc bằng biện pháp Hòa Bình là điều đúng. Điều đáng nói là hiện nay, Đảng cộng sản đang dùng từ "biện pháp hòa bình" để bao biện cho những nhượng bộ của họ trước Trung Quốc. Đảng cộng sản hay nói về từ "tích cực hợp tác, giữ gìn hòa bình, ổn định để đem lại lợi ích chung", tuy nhiên cách mà Trung Quốc đối xử với Việt Nam là bất bình đẳng nhưng Việt Nam vẫn chấp nhận.
Báo Quân đội nhân dân dẫn lời ông Bộ Quốc Phòng Hoàng Xuân Chiến thượng tướng Thứ trưởng rằng "Việt Nam có quan điểm nhất quán là giải quyết tranh chấp bằng giải pháp hòa bình, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, "không làm phức tạp tình hình, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực".
Thực tế thì những nước trong khu vực Đông Nam Á không nước nào đủ khả năng dùng vũ lực hay đe dọa vũ lực Trung Quốc, họ cũng dùng biện pháp hòa bình để nói chuyện với Trung Quốc, tuy nhiên biện pháp hòa bình của họ không nhu nhược như Việt Nam. Đấy là điều khác biệt.
Ngay sau khi Đảng cộng sản Việt Nam có tổng bí thư mới và thủ tướng mới, Trung Quốc quậy ơt Biển Đông để thử thái độ của nhóm lãnh đạo mới. Đấy là lá bài quen thuộc mà Bắc Kinh hay dùng và mỗi phép thử như vậy chính quyền Hà Nội cũng hiểu ý.
Sau khi Trung Quốc đã có động thái ở bãi đá Ba Đầu. Thì phía Việt Nam cũng đã lên tiếng, tuy nhiên vẫn như mọi khi thay vì phản đối, Việt Nam lại có những hành động thắt chặt mối quan hệ với phía Trung Quốc.
Truyền thông Việt Nam cho rằng các tàu tại Bãi Ba Đầu là "tàu dân binh" chứ không phải tàu quân sự. Đây là hành động bao biện cho phía Trung Quốc. Thực chất "tàu dân binh" của Trung Quốc là tàu hải quân trá hình, họ neo đậu tại Bãi Ba Đầu nhằm phục vụ mưu đồ kiểm soát thực địa.
Vẫn như mọi khi, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng vẫn nói những câu phản đối chiếu lệ như robot được lập trình rằng "Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam".
Phan Văn Giang xem thường chủ quyền
Trong khi, phía Trung Quốc dùng "tàu dân binh" của họ tập hợp tại Bãi Ba Đầu để khẳng định yêu sách đường lưỡi bò. Thì phía Việt Nam, ông Phan Văn Giang đã đón tiếp trọng thể ông bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc – Ngụy Phượng Hòa là có ý định gì ?
Trọng tâm của các bất đồng này là tranh chấp chủ quyền liên quan đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc mà Việt Nam thẳng thắn bác bỏ hoặc ít nhất ông Phan Văn Giang cũng cần phải tỏ thái độ phản đối như hủy cuộc gặp. Đằng này ông Giang lại xem thứ tình hữu nghị viễn vông giữa Việt Nam với Trung Quốc cao hợn chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc.
Không biết ông Phan Văn Giang có nhớ hơn một tháng trước, người dân Việt Nam đã tưởng niệm sự kiện xung đột tại bãi đá Gạc Ma vào ngày 14/3/1988, trong đó tàu chiến Trung Quốc đã nổ súng giết chết 64 quân nhân Việt Nam hay không ? Hay là ông biết mà ông phớt lờ ?
Trong diễn biến mới nhất, sự việc Trung Quốc dùng khoảng 200 tàu quân sự trá hình neo đậu dài ngày, từ tháng 3 đến tháng 4 năm nay, ở Bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa một lần nữa xới lên rằng, dã tâm muốn chiếm trọn biển Đông và ý đồ luôn lấn tới mỗi khi Việt Nam tỏ ra nhu nhược là mưu đồ không bao giờ từ bỏ của phía Trung Quốc.
Được biết, Bãi Ba Đầu nằm trong phạm vi lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông do Việt Nam kiểm soát, do đó thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong khi đó, phía Trung Quốc luôn coi tất cả những gì nằm trong phạm vi "đường lưỡi bò" là thuộc về họ.
Vấn đề tranh chấp Biển Đông được đặt ở vai trò quan trọng trong Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng Việt Nam – Trung Quốc lần thứ 7 diễn ra tại thành phố Đông Hưng vào ngày 23/4. Giải quyết tranh chấp mà phía Việt Nam cứ sợ phía Trung Quốc nổi giận thì xem như thua ngay từ trong tư tưởng.
Cuộc đối thoại diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và Phó tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc, trung tướng Thiệu Nguyên Minh.
Chủ trương của Đảng
Ông Phan Văn Giang có được chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng nhờ hợp ý đảng, chính vì vậy kỳ vọng hành động cứng rắn hợp lòng dân ở một ông tướng như Phan Văn Giang là điều không tưởng.
Tình hình Biển Đông căng thẳng, về cơ bản cũng là do phía Trung Quốc gây ra, hiện nay người ta xem điều đó như là điều tất yếu rồi, vấn đề là cách ứng xử của các quốc gia bị ảnh hưởng là thế nào thôi. Quyền lợi quốc gia là có giới hạn, nếu cứ có chủ trương nhịn để mua tình hữu nghị thì không sớm thì muộn, Việt Nam cũng phải trả giá.
Nếu giải quyết ngoại giao mà không có đường giải thoát, thì Việt Nam cần phải gần gũi hơn nưa với Mỹ để kéo liên minh về cho mình. Biển Đông và khu vực Đông Nam Á là khu vực có vị trí chiến lược mà Mỹ rất muốn gây ảnh hưởng mạnh hơn nữa để kìm hãm cường quốc lưu manh số một thế giới Trung Quốc. Đảng cộng sản hiểu được điều đó chứ không phải họ không hiểu, tuy nhiên họ luộn giữ khoảng cách với Mỹ và chỉ trao đổi trong quan hệ kinh tế, ngoài lĩnh vực kinh tế ra thì Đảng cộng sản rất dè chừng Mỹ. Đảng cộng sản làm như vậy có nghĩa là Đảng cộng sản đã dùng thuận lợi của dất nước để đổi lây sự an toàn cho đảng. Đó là điều đáng buồn, bởi vì dân không có quyền lực gì nên đành bất lực.
Việc đón tiếp ông Ngụy Phượng Hòa đang cùng đoàn đại biểu quân sự cấp cao Trung Quốc điều đó cho thấy chủ trương của đảng là nhất quán.
Trong trong tình hình Biển Đông như vậy mà Việt Nam đã dùng nhiều mỹ từ để nhấn mạnh "tình hữu nghị" giữa hai nước cũng như mong muốn củng cố hợp tác, xóa bỏ bất đồng là điều đáng thất vọng.
Báo Thanh Niên dẫn lời Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, hơn 70 năm qua, "mặc dù có lúc thăng trầm, nhưng thực tiễn lịch sử cho thấy hữu nghị và hợp tác luôn là dòng chảy chính trong quan hệ hai đảng, hai nước".
Việt Nam sẽ không bao giờ đứng vững không sứt mẻ gì với Trung Quốc được nếu Đảng cộng sản còn cầm quyền lãnh đạo đất nước.
Phương Anh (tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 29/04/2021