Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam chấp thuận dự án khai thác dầu khí ngoài khơi của Pharos Energy

RFA, 11/09/2020

Thủ tướng Việt Nam đã chấp thuận cho Công ty thăm dò dầu khí Pharos Energy tiến hành kế hoạch phát triển mỏ dầu ngoài khơi Việt Nam.

bd1

Giàn khoan tại mỏ dầu Tê Giác Trắng Lô 16-1 đã được khởi động lần đầu tiên kể từ đầu năm 2015 – (Hình minh hoạ) – Courtesy of Pharos Energy

Pharos Energy –còn được biết dưới tên Soco International, một công ty thăm dò, khai thác dầu khí có trụ sở chính tại London hôm thứ 6 ngày 11/9 cho biết thông tin trên trên tờ Offshore Engineer (OE).

Theo OE, Soco International cho hay Chính phủ Việt Nam đã chấp thuận Kế hoạch Phát triển toàn mỏ Tê Giác Trắng giai đoạn cuối theo qui trình bắt buộc.

Soco trước đó nói rằng kế hoạch phát triển toàn mỏ bao gồm việc khoan sáu giếng đã được tất cả các đối tác chấp thuận và đang chờ sự đồng ý của Thủ tướng Việt Nam. Sự chấp thuận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được công bố hôm thứ Sáu, được cho là động thái sau khi giấy phép Mỏ dầu TGT được gia hạn thêm 2 năm đến ngày 7 tháng 12 năm 2026.

Với sự chấp thuận đó, Soco cho rằng "Việc đặt hàng các hạng mục dài có thể được tiến hành ngay bây giờ để có thể bắt đầu khoan sáu giếng có trong Kế hoạch phát triển mỏ (FFDP) của quý 4 năm 2021"

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điều hành của Soco Int’l, Ed Story, nói trên tờ OE rằng : "Chúng tôi rất vui mừng nhận được sự phê chuẩn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đối với Kế hoạch Phát triển Toàn mỏ TGT. Sự phê duyệt cuối cùng này giúp chúng tôi đưa ra các kế hoạch để bắt đầu khoan sáu giếng mới tại mỏ TGT bắt đầu từ Quý 4 năm 2021"

Mỏ dầu Tê Giác Trắng (TGT) nằm tại Lô 16-1, cách Vũng Tàu 100km về phía Đông Nam, ngoài khơi, thềm lục địa Việt Nam, cách mỏ Bạch Hổ 20km và cách mỏ Rạng Đông 35km, được phát hiện vào tháng 8/2005 với giếng khoan thăm dò đầu tiên Tê Giác Trắng 1X.

Dự án khai thác này được điều hành chung bởi công ty Liên doanh Hoàng Long.

Dòng khí đầu tiên từ Giàn H1 thuộc mỏ TGT đã bắt đầu được khai thác vào năm 2011.

************************

Việt Nam - Trung Quốc đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc bộ

RFA, 11/09/2020

Vào ngày 9/9, Việt Nam và Trung Quốc đã đàm phán trực tuyến vòng XIII Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc bộ và vòng X Nhóm công tác trao đổi về hợp tác cùng phát triển trên biển Việt Nam - Trung Quốc. Báo Sài Gòn Giải Phóng trích nguồn tin từ Bộ Ngoại giao cho biết như vậy hôm 10/9.

bd2

Cảnh sát biển Việt Nam sang tàu cảnh sát biển của Trung Quốc dự hội đàm tổng kết chuyến kiểm tra liên hợp nghề cá Việt Nam - Trung Quốc ở Vịnh Bắc bộ năm 2019 - TTXVN

Theo Sài Gòn Giải Phóng, hai bên đã nhất trí trên cơ sở lộ trình đã thống nhất, nỗ lực thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc bộ và bàn bạc về hợp tác cùng phát triển tại Biển Đông theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Ngày 25 tháng 12 năm 2000, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc bộ, và Hiệp định về Hợp tác Nghề cá Vịnh Bắc bộ.

Hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc sau khi ký kết đã gặp phải nhiều chỉ trích từ một số các nhân sĩ, trí thức trong nước vì họ cho rằng Việt Nam đã nhượng bộ quá nhiều biển cho Trung Quốc. Tuy nhiên, những chuyên gia tham gia đàm phán từ phía Việt Nam cho rằng Hiệp định này phù hợp với nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế, hợp tình hợp lý vì nó đảm bảo sự công bằng mà hai bên chấp nhận được.

Trong khi đó, Hiệp định về Hợp tác Nghề cá Vịnh Bắc bộ đã chính thức hết hiệu lực vào ngày 30/6/2020.

Vịnh Bắc bộ có vị trí chiến lược quan trọng đối với cả Việt Nam và Trung Quốc về kinh tế, quốc phòng và an ninh. Vịnh có nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là hải sản và dầu khí.

Đây cũng là nơi xảy ra sự kiện vào tháng 8 năm 2005 khi tuần duyên Trung Quốc bắn chết 9 ngư dân Việt Nam trên hai tàu cá của ngư dân Thanh Hoá. Phía Việt Nam nói, những ngư dân này đã bị bắn chết khi đang đánh bắt cá trong vùng biển của Việt Nam nhưng phía Trung Quốc nói rằng các tàu cá này đã xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc.

**********************

Tuyên bố chung AMM 53 đề cập thích đáng vấn đề Biển Đông

RFA, 11/09/2020

Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN được đưa ra vào ngày 10 tháng 9 đã đề cập rất thích đáng đến vấn đề Biển Đông.

bd3

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao ASEAN ở Hà Nội hôm 9/9/2020 - Reuters

Đây là phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng với báo giới trong cùng ngày. Theo lời Ông Nguyễn Quốc Dũng thì như mọi năm vấn đề Biển Đông vẫn là một nội dung hết sức quan trọng của hội nghị. Vấn đề này thu hút sự quan tâm của các nước trong khu vực cũng như bên ngoài.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng của Việt Nam cho rằng tuyên bố chung còn thể hiện mong muốn Khối ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) có chất lượng, tổng thể và phù hợp với luật pháp quốc tế ; đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Ngoại trưởng các nước ASEAN khẳng định giá trị của UNCLOS làm cơ sở để các bên giải quyết tranh chấp và thực hiện dự thảo COC.

Ông Nguyễn Quốc Dũng cũng trả lời báo giới khi được hỏi về thông tin mà ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đưa ra là đàm phán COC sẽ được nối lại muộn nhất là vào tháng 11 tới đây, Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng bày tỏ hy vọng điều đó sẽ xảy ra và Philippines sẽ chủ động tạo được điều kiện cho các nước liên quan có thể gặp nhau.

Philippines hiện là nước điều phối quan hệ ASEAN- Trung Quốc và đang đứng ra chủ trì đàm phán COC.

Additional Info

  • Author RFA tồng hợp
Published in Việt Nam