Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Philippines thả 5 ngư dân Việt Nam (RFA, 23/11/2017)

Năm ngư dân Phú Yên đang bị giữ ở tỉnh Pangasinan - Philippines sẽ được chính phủ Philippines cung cấp lương thực, nước uống và nhiên liệu để chạy tàu cá về Việt Nam vào ngày 24/11/2017, thuyền trưởng Phạm Tô, một trong 5 ngư dân, cho đài Á Châu Tự Do biết qua điện thoại vào tối ngày 21 tháng 11.

rfa1

Hình minh hoạ. Ngư dân Việt Nam trong buổi lễ tiễn từ thị trấn Sual, tỉnh Pangasinan của Philippines hôm 2/11/2016 - AFP

Ông Tô cho biết chiều ngày 21-11, người thông dịch của Đại sứ quán Việt Nam gọi điện cho ông thông báo việc phía luật sư của 5 ngư dân nhận được thông tin từ Cục ngư nghiệp và nguồn lợi thủy sản Philippines (BFAR) cho biết sẽ trả tự do cho họ, nhưng không cho biết nguyên nhân vì sao.

"Chiều ngày 24 sẽ được trả về Việt Nam, đó là thông tin của cảnh sát biển nói với Đại sứ quán Việt Nam, rồi họ nói với thông dịch nói lại với tôi", thuyền trưởng Phạm Tô cho biết.

Đài Á Châu Tự Do có liên hệ với ông Nguyễn Tuấn Linh - Bí thư Thứ 2 của Đại sứ quán Việt Nam tại Manila đề nghị xác nhận thông tin, tuy nhiên ông Linh yêu cầu liên lạc qua email cá nhân. Đài Á Châu Tự Do sau đó gửi email đến ông, tuy nhiên không nhận được hồi đáp.

Trước đó, Hải quân Philippines cho biết tàu cá số hiệu PY 96173 TS gồm 7 ngư dân đánh bắt cá trái phép tại vùng biển Bolinao, tỉnh Pangasinan, từ 20h30 ngày 22/9 đến 1h ngày 23/9 và có hành vi cố ý ngăn cản, tấn công tàu PS19 của cảnh sát biển Philippines trong lúc bị truy đuổi. Cảnh sát biển Philippines bắn tàu cá Phú Yên khi cho rằng tàu có ý định đâm vào đầu tàu của họ khiến hai ngư dân thiệt mạng. Philippines sau đó đã bắt giữ 5 ngư dân còn lại.

Các ngư dân Việt Nam sau đó bác bỏ thông tin đâm tàu và nói với đài Á Châu Tự Do rằng tàu cá của họ vỏ bằng gỗ nên không thể đâm tàu hải quân Philippines vốn to gấp nhiều lần tàu cá của họ.

Hồi tháng 11/2016, Philippines cũng từng thả 17 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ vì cáo buộc đánh bắt trái phép trong vùng nước của Philippines. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói với các nhà ngoại giao và quan chức chính phủ là ông đã ra lệnh xóa bỏ các cáo buộc đối với các ngư dân Việt Nam do họ chỉ vào vùng biển Philippines do thời tiết xấu. Ông Duterte cũng nói việc thả ngư dân Việt Nam thể hiện tình hữu nghị giữa hai nước.

Thuyền trưởng Phạm Tô cho biết các ngư dân Việt Nam lần này cũng chỉ có ý tránh thời tiết xấu trong vùng nước của Philippines.

Gia đình 2 ngư dân bị bắn chết chưa nhận được đền bù 

Hôm 26/10, Bộ trưởng quốc phòng Philippines lên tiếng xin lỗi phía Việt Nam và hứa sẽ bồi thường cho hai ngư dân Phú Yên bị lính Hải quân của nước này bắn chết. 
Tuy nhiên vào tối ngày 21/11, bà Lý Thị Quyên, vợ của nạn nhân Lê Văn Reo cho hay gia đình vẫn chưa nhận được hỗ trợ gì từ Philippines : "Đâu có đồng nào bên Philippnes đền bù đâu, toàn thấy trên mạng nói đền bù chứ có thấy gì đâu".

Kể từ khi đưa xác chồng về chôn cất ở quê nhà, bà Quyên đã tiêu tốn khoảng 60 triệu đồng cho các khoản mồ mả, cúng tuần,… 

Bà Quyên cho biết các mạnh thường quân, doanh nghiệp, hội phụ nữ quyên góp cho nhà bà được 20 triệu đồng.

Các ngư dân bị bắn đều là lao động chính, mất đi trụ cột trong nhà những người phụ nữ này phải bươn chải để kiếm đồng vô đồng ra cho gia đình.

"Giờ ai mướn gì làm nấy, như lau vệ sinh, dọn dẹp cho người ta rồi về cơm nước cho con, cúng cho ổng. Một ngày cũng được 40- 50 ngàn đồng.

Hai đứa con, đứa lớp 9, đứa lớp 7 vẫn đi học bình thường. Sắp tới cũng chưa biết tiền đâu mà đóng, giờ cứ cà kê. Giờ cũng trông chờ có cho được đồng nào thì đóng", bà Quyên chia sẻ.

Thuyền trưởng Phạm Tô cũng cho biết khi bị bắt giữ, hải sản bắt được gồm 3 con cá ngừ đại dương và 2 con cá kiếm tại vùng biển Việt Nam phải mang đi chôn vì không để được quá lâu.

"Coi như mình mất sạch hết, chi phí chuyến đó trên 100 triệu mà trắng tay hết", ông Tô chua xót.

Một uỷ ban điều tra liên ngành của Philippines hôm 11/10 xác định 10 lính hải quân Philippines phải trách nhiệm về vụ bắn chết 2 ngư dân Việt Nam nhưng không nói rõ các hình phạt cho những người này thế nào. Giới chức Philippines cũng hứa sẽ có cuộc điều tra đầy đủ, công bằng và minh bạch về vụ việc này.

Xác của hai ngư dân cũng đã được trao trả về cho gia đình hôm 7/10.

Hồi năm 2013, Manila cũng từng xin lỗi Đài Bắc do lực lượng tuần duyên Philippines đã bắn chết một ngư dân Đài Loan vì cho rằng ngư dân này đánh bắt trong khu vực lãnh hải của Philippines.

Vụ bắn chết ngư dân Đài Loan gây ra khủng hoảng ngoại giao giữa 2 nước, dẫn đến các cuộc biểu tình chống Philippines ở đảo quốc này. Phía Philippines sau đó đã đồng ý hỗ trợ 1 triệu Đài tệ (tương đương khoảng 33,000 USD) cho nạn nhân và sẽ xem xét thêm nếu có phán quyết sau cùng. 

Một tòa án ở huyện Bình Đông (PingTung), Đài Loan, ngày 1/1/2016 ra phán quyết buộc 8 viên cảnh sát biển Philippines phải trả 3 triệu Đài tệ (90,909 USD) cho nạn nhân bị bắn năm 2013. Tuy nhiên không rõ phía Philippines có trả số tiền này không.

*****************

Samsung phản đối báo cáo về tình trạng lao động nữ ở nhà máy Việt Nam (RFA, 23/11/2017)

Samsung Điện tử Việt Nam (Samsung Electronics Vietnam) hôm 22 tháng 11 lên tiếng phản bác những cáo buộc trong một báo cáo quốc tế mới đây cho rằng các công nhân của nhà máy bị đối xử tàn tệ.

rfa2

Hình minh hoạ. Một công nhân đang sửa biển quảng cáo ở một cửa hàng điện tử Samsung ở Hà Nội hôm 20/7/2000. AFP

Hôm 6/11, một tổ chức phi chính phủ về môi trường và sức khoẻ (IPEN) kết hợp với trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển (CGFED) công bố báo cáo cho biết các nữ công nhân Việt Nam làm việc cho Samsung thường xuyên gặp các vấn đề về sức khoẻ vì điều kiện làm việc khắc nghiệt.

Báo cáo cho biết những công nhân thường xuyên bị ngất, mệt mỏi, chóng mặt. Tình trạng xảy thai thường xuyên xảy ra. Ngoài ra các công nhân cũng gặp các vấn đề về sức khoẻ khác bao gồm vấn đề về mắt, chảy máu cam, đau dạ dày, đau khớp xương và đau chân.

Nguyên nhân được đưa ra là các công nhân thương xuyên phải đứng suốt 8 đến 12 tiếng một ngày, thậm chí việc đi vệ sinh cũng hạn chế. Nhiều người phải thay ca đêm, ngày, bất kể cuối tuần. Phụ nữ có thai cũng phải đứng suốt ca làm việc và không có thời gian nghỉ để tránh bị trừ lương.

Báo chí trong nước hôm 23/11 trích thông báo từ Samsung Electronics Việt Nam cho biết IPEN đã tiến hành nghiên cứu điều tra mà không hề đến thăm nhà máy ở Việt Nam hay xác minh lập trường quan điểm của công ty, mà chỉ đơn phương đưa ra báo cáo về những nội dung không hề có căn cứ sát thực.

Samsung Vietnam khẳng định các nhân viên được đi nhà vệ sinh bất cứ lúc nào họ muốn và không chịu giới hạn về thời gian. Công ty cũng cho biết luôn tiến hành kiểm tra sức khoẻ mỗi năm một lần cho toàn bộ nhân viên. Nhân viên nữ mang thai và nuôi con nhỏ được bảo vệ theo luật lao động Việt Nam và hoàn toàn không có việc cắt giảm lương một cách bất hợp lý vì lý do mang thai.

Báo Tuổi Trẻ trích lời ông Nguyễn Anh Thơ, Phó cục trưởng Cục An toàn lao động thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hôm 22/11 cho biết bộ đã biết về báo cáo này. Ông cũng cho biết là Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Bộ đang chuẩn bị làm việc về bản báo cáo này. Ông Thơ nói thêm là khi nhận được báo cáo chính thức, Bộ sẽ tiến hành kiểm tra ngay lập tức tại Samsung.

Samsung là nhà sản xuất điện thoại và các thiết bị điện tử lớn trên thế giới. Theo báo cáo của IPEN, có đến 50% điện thoại của Samsung được sản xuất tại Việt Nam, trong khi các bộ phận sản xuất thiết bị điện tử khác cũng tăng trưởng mạnh ở Việt Nam nhằm phục vụ mục đích xuất khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam lại không có những quy định lao động đặc biệt để bảo vệ sức khoẻ của công nhân trong ngành công nghiệp chế tạo thiết bị điện tử, nơi phần đông công nhân là nữ.

Nghiên cứu mới được dựa trên phỏng vấn của 45 công nhân làm việc cho Samsung Điện tử Việt Nam. Đây được coi là báo cáo đầu tiên cho thấy tình trạng lao động nữ trong ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam.

***************

Việt Nam muốn tăng tốc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (BBC, 23/11/2017)

Chính phủ Việt Nam hôm 22/11 cho phép sử dụng phương pháp "dựng sổ" nhằm đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước từ năm 2018.

rfa3

Nghị định mới vừa thông qua của chính phủ Việt Nam được kỳ vọng giúp đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Chương trình tư nhân hóa doanh nghiệp vốn không hiệu quả do có sự kiểm soát nhiều của nhà nước và quan ngại về lợi ích nhóm.

Việc cổ phần hóa tại Việt Nam đến nay được thực hiện qua ba hình thức gồm đấu giá công khai, thỏa thuận trực tiếp và bảo lãnh phát hành. Nay được thêm phương thức mới là dựng sổ.

Phương pháp này đã chứng minh là thành công thông qua bán cổ phiếu lần đầu của các doanh nghiệp tư nhân như Vietjet Aviation, hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam, và Vincom Retail. Cả hai đều đạt lượng đăng ký cổ phiếu vượt mức phát hành.

Phương pháp dựng sổ cho phép các công ty phát hành cổ phiếu lần đầu xác định biên độ giá dự kiến và dựa vào nhu cầu ước tính của nhà đầu tư để xác định mức giá IPO đưa ra là bao nhiêu.

Phương pháp dựng sổ phải được Thủ tướng thông qua và hiện đang chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính, và sẽ không được sử dụng trong phiên bán cổ phần của nhà sản xuất bia hàng đầu Việt Nam, Sabeco, dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.

Chính phủ cũng giảm bớt rào cản đối với các đối tác chiến lược, yêu cầu họ phải có lợi nhuận trong hai năm, thay vì ba năm, tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần, và giảm thời gian khóa sổ từ năm năm xuống còn ba năm.

Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2018, cũng quy định các điều chỉnh đối với quá trình định giá và niêm yết yêu cầu.

"Chúng tôi tin rằng quy định này ... sẽ là một chất xúc tác tích cực để thúc đẩy làn sóng của các đợt IPO tiếp theo của các doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2018-2019", Công ty Chứng khoán Sài Gòn Incorp (SSI) cho biết trong một thông cáo gửi tới khách hàng.

Các doanh nghiệp nhà nước cho đến nay hầu hết đã chấp nhận phương pháp đấu giá công khai. Phương pháp này, cùng với các rào cản khác đã làm hạ nhiệt nhu cầu mua cổ phiếu các công ty có vốn nhà nước từng được xem là hấp dẫn như công ty sữa Vinamilk, doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam hiện nay theo giá trị vốn hóa.

Phiên đấu giá công khai 9% cổ phần của Vinamilk cuối năm 2016 nhận được lượng đăng ký mua thấp.

Luật sư Lê Nết từ hãng luật LNT & Partners mới đây nói trong quá trình cổ phần hóa cầnần chọn những doanh nghiệp không những trả tiền cao nhất để mua lại phần vốn của nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, mà còn phải có kế hoạch kinh doanh bài bản để phát triển…

Luật sư Lê Nết dẫn chiếu tới vụ án Việt Nam Pharma như một ví dụ điển hình của việc thiếu minh bạch của "chính sách ủng hộ doanh nghiệp trong nước, không cho doanh nghiệp nước ngoài xâm nhập vào thị trường nội địa".

Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân Việt Nam nói với BBC rằng hợp tác công tư là nguồn tài chính quan trọng khi các nguồn vốn như ODA không còn nữa.

Ông Trương Gia Bình mô tả rằng các doanh nghiệp tư nhân nhân phải tin tưởng vào môi trường kinh doanh 'thông thoáng và ổn định' vì rốt cùng họ cũng phải 'lấy lại vốn'.

Published in Việt Nam