Phật giáo Việt Nam rước ‘Pháp vương’ đến rao giảng, làm lễ cầu an (Người Việt, 07/03/2019)
Tin cho hay đêm 6 tháng Ba, "Pháp Vương" Gyalwang Drukpa, người đứng đầu Phật Giáo Kim Cương Thừa cùng 42 chư tăng ni Truyền Thừa Drukpa đã đến Sài Gòn. Trong số chức sắc ra đón "Pháp Vương" có Hòa thượng Thích Thiện Tánh, phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Thượng tọa Thích Thanh Phong, trú trì chùa Vĩnh Nghiêm.
"Pháp Vương" Gyalwang Drukpa (đeo kính) đến Sài Gòn đêm 6 tháng Ba. (Hình : VnExpress)
Theo báo điện tử VnExpress, trong hai ngày 9 và 10 tháng Ba, "Pháp Vương" Gyalwang Drukpa và tăng đoàn sẽ làm lễ quán đỉnh, cầu an, cầu siêu tại chùa Vĩnh Nghiêm. Vị pháp vương này còn được mời tới Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Sài Gòn để "chia sẻ thông điệp về bình đẳng giới nhân ngày 8 tháng Ba".
"Đức Gyalwang Drukpa là lãnh đạo tâm linh đứng đầu Truyền thừa Drukpa thuộc Phật Giáo Kim Cương Thừa, khởi nguồn cách đây ngàn năm từ Ấn Độ. Ngài được người dân vùng Himalaya tôn kính là hiện thân của Đức Phật Quan Âm và hóa thân chuyển thế của nhiều Đại Thành tựu giả trứ danh trong quá khứ như Đức Naropa, Đức Gampopa… liên tục trở lại nhân gian để lợi ích chúng sinh", tờ VnExpress viết.
Tính từ thời điểm 2015 đến nay, vị pháp vương nêu trên đã được mời tới thăm Việt Nam hàng chục lần liên tục với nhiều hoạt động "hoằng pháp rầm rộ" được quảng bá trên báo đài nhà nước.
Việc một dòng tu truyền thừa trong phái Mật Tông bỗng nhiên được chế độ cộng sản Việt Nam hoan nghênh nhiệt liệt trong lúc chính quyền trấn áp, sách nhiễu cơ sở và tín đồ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất khiến công luận dấy lên nhiều câu hỏi.
Luật sư Hồ Hữu Hoành bình luận trên trang cá nhân : "Tại sao công trình tu tập của Làng Mai trên cao nguyên gặp trở ngại về pháp lý và từ chính quyền, trong khi đó, một vị tu thuộc một hệ phái ít phổ biến và là người ngoại quốc lại có thể dễ dàng được xây bảo tháp Drukpa, được tự do truyền giáo tại Việt Nam mà không gặp bất kỳ khó dễ nào từ chính quyền ? Chắn chắc việc rộng mở cửa nhà và hoan hỉ để đón một lãnh đạo tu hành xa lạ vào nhà, đằng sau đó phải có một điều gì đó không đơn thuần là tôn giáo".
Hồi năm 2015, khi các sự kiện đón rước "Pháp vương" Gyalwang Drukpa ở Việt Nam đang rầm rộ, trên mạng xã hội có hàng trăm lượt chia sẻ một post của Facebook Hoàng Tùng, một người tự nhận "nắm khá chắc các tu viện mật tông lớn ở Kathmandu, thủ đô của Nepal". Trong post khá dài, ông Tùng kể về "cơ duyên" giữa "Pháp vương" Gyalwang Drukpa và đại gia Lê Phước Vũ, ông chủ Tôn Hoa Sen.
Facebook Hoàng Tùng mô tả : "Hàng trăm người đã rồng rắn xếp hàng để được chúc mừng sinh nhật ông Gyalwang. Trong số đó hầu hết là đệ tử Drukpa Việt Nam, những người mặt ngời sáng một niềm tin bất khả nghi vào những lời dạy dỗ không khác gì mấy với những lời dạy dỗ của các sư thầy người Việt nhưng được khoác lên tấm áo sặc sỡ đầy tính quảng cáo-tiếp thị hiện đại của cái gọi là mật tông bên ngoài Tây Tạng. Khung cảnh giống như những buổi hầu đồng nhưng được nhân lên hàng trăm lần. Khi ông Vũ xưng danh thì lập tức ông và đoàn của ông được các sư cô phụ trách lễ tân ưu tiên đưa vào phòng riêng để gặp ngay ‘Pháp vương’ mà không phải xếp hàng. ‘Pháp vương’ ngồi trên một ghế thấp ân cần đón nhận bái lạy và quà tặng của vợ chồng ông Vũ cùng con trai và con dâu ông Vũ…" (T.K.)
Mẹ ‘liệt sĩ’ bị cướp đất, còn bị thanh tra chính phủ đòi 15.000 USD (Người Việt, 07/03/2019)
Hôm 7 tháng Ba, nhà báo Trương Châu Hữu Danh của báo điện tử Làng Mới công khai trên trang cá nhân vụ một "Mẹ Việt Nam Anh Hùng" [danh hiệu dành cho người có con là liệt sĩ] bị một cán bộ Thanh tra chính phủ làm tiền cả chục ngàn đô khi kêu cứu bị ‘đại gia’ cướp đất đai.
Bà Lê Thị Tích và hóa đơn gửi khô cá ngựa. (Hình : Facebook Trương Châu Hữu Danh)
Theo ông Danh, bà Lê Thị Tích, 92 tuổi, có con là liệt sĩ. Bà Tích sở hữu một mảnh đất vườn ở Hồ Tràm, tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu. Suốt mấy chục năm qua, bà và các con chăm sóc mảnh vườn, mưu sinh nhờ trồng rau, nuôi gà.
Từ khi một dự án khách sạn và sòng bài mọc lên, giá đất tại khu Hồ Tràm tăng vùn vụt. Một ngày, bà Tích phát hiện đất vườn của bà bỗng nhiên do ông Tăng Minh Hòa không quen biết với bà "đứng tên".
Ông Danh viết trên trang cá nhân : "Bà Tích kêu cứu khắp nơi, và được giới thiệu gặp ông Hoàng Đức Cần, cán bộ Thanh tra chính phủ. Ông Cần ra giá 15.000 đô la thì sẽ giúp. Người cháu bà Tích bán mảnh đất đem ra tận trụ sở Thanh tra chính phủ, vào phòng của ông Cần để đưa. Ông Cần nói "chưa đủ" và đưa số tài khoản khiến gia đình bà phải chạy vạy vay thêm 50 triệu đồng (2.157 USD) để chuyển khoản. Rồi ông Cần lại nói "chưa đủ", gia đình bà Tích phải vay nóng thêm 30 triệu đồng (1.294 USD) để đưa. Rồi ngày Tết [Kỷ Hợi], gia đình bà phải chạy mua cho được nửa ký khô cá ngựa, chuyển ra trụ sở cho ông Cần, chưa kể 15 kg tiêu sọ…".
Ông Danh cũng cho hay những gì mà bà Tích phải cống nộp cho ông Cần "trị giá gấp ba lần cái nhà bà đang ở" và đề xuất ông Đặng Công Huẩn [phó Tổng Thanh tra chính phủ] ngó xuống mà trị quân".
Hàng trăm blogger đã chia sẻ và bày tỏ sự ủng hộ ông Danh giúp đòi lại công lý cho bà Tích và đưa vụ này ra ánh sáng.
Tuy vậy, báo điện tử Tiếng Dân hồi tháng Tư, 2018, từng công khai một lá đơn của nhóm dân oan Thủ Thiêm (gồm 71 hộ dân tại ba phường An Khánh, Bình Khánh và Bình An) tố cáo ông Đặng Công Huẩn : "đã có hành vi cố tình không thực hiện chức năng, nhiệm vụ của thanh tra theo quy định của pháp luật, nhằm bao che cho các đối tượng bị tố cáo về việc lạm dụng chức vụ và quyền hạn, cố ý làm trái pháp luật trong việc quản lý và sử dụng đất đai, hủy hoại tài sản xã hội chủ nghĩa, tài sản nhà ở của công dân nằm ngoài ranh quy hoạch để thâu tóm, chiếm đoạt đất đai, tham nhũng… trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng để xây dựng dự án khu Đô thị mới Thủ Thiêm ở Sài Gòn".
Đến nay, không thấy các báo nhà nước đề cập về việc giải quyết lá đơn tố cáo ông Huẩn và ở thời điểm hiện tại, ông ta vẫn đang làm việc bình thường. (T.K.)
Bộ Ngoại giao Mỹ mới công bố món quà trị giá gần 1.900 đôla Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng Tổng thống Donald Trump khi ông là quan chức Đông Nam Á đầu tiên tới Nhà Trắng sau khi cựu ngôi sao truyền hình thực tế trở thành nguyên thủ Mỹ.
Theo danh sách quà tặng của các chính khách nước ngoài dành cho ông Trump và gia đình, công bố hôm 6/3 mà phóng viên VOA tiếng Việt đã xem, ông Phúc trao cho nhà lãnh đạo Hoa Kỳ một bức chân dung ông Trump làm bằng đá quý hôm 31/05/2017.
Bức chân dung ông Trump "đang mỉm cười" bên quốc kỳ Mỹ cao khoảng 58 cm và rộng 76 cm. Phía Mỹ ước tính mòn quá này trị giá khoảng 1.880 đôla.
Trước khi ông Phúc có chuyến công du tới Hoa Kỳ hồi cuối tháng Năm năm 2017, báo chí trong nước đưa tin rằng, người đứng đầu chính phủ Việt Nam mang tặng Tổng thống Trump chiếc đèn dầu "độc bản" có "hình tượng lúa non với ẩn ý về nền văn hóa lúa nước ; hoa sen biểu trưng cho tính hướng thiện của tâm hồn người Việt ; hai lá cờ Việt Nam – Hoa Kỳ với thông điệp mở rộng giao thương, tạo lập vững chắc về sự hợp tác toàn diện".
Sau khi tin tức về món quà này gây "bão mạng", nhiều tờ báo, trong đó có Tuổi Trẻ, đã gỡ bài báo về quà tặng của ông Phúc mà không nêu lý do.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, khi tới Hoa Kỳ trong chuyến đi tiền trạm cho chuyến công du của ông Phúc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ngày 20/4/2017 đã tặng Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Rex Tillerson "một bình gốm lớn với họa tiết hoa" và trị giá "khoảng 470 đôla".
Các món quà quan chức nước ngoài tặng Tổng thống Trump và gia đình trong năm đầu nhiệm kỳ của ông có giá trị khoảng 140 nghìn đôla.
Trung Quốc và Saudi Arabia là hai quốc gia tặng ông Trump và gia đình các món quà giá trị nhất.
Trong chuyến thăm tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago để gặp ông Trump hôm 7/4/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tặng ông Trump một món quà ước tính trị giá hơn 14 nghìn đôla.
Các nhân viên và quan chức Mỹ thường không được phép nhận quà, nhưng theo Bộ Ngoại giao Mỹ, sở dĩ phía Hoa Kỳ nhận các món quà tặng ông Trump và gia đình vì "nếu không nhận sẽ làm bẽ mặt người tặng cũng như chính phủ Mỹ".
Các món quà tặng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và quan chức các nước khác đều đã được chuyển tới Cơ quan lưu trữ quốc gia của Mỹ.
Viễn Đông