Một Việt Kiều Mỹ bị cấm nhập cảnh Việt Nam : ‘Hà Nội sợ gây rắc rối cho APEC’ (VOA, 20/10/2017)
Một người Mỹ gốc Việt bị từ chối nhập cảnh vào Việt Nam, do từng tham gia biểu tình ở phố Bolsa và đăng hình ảnh được cho là "nói xấu chế độ".
Ông Dominic Phạm, người Mỹ gốc Việt, cư dân thành phố Westminster, bang California (Ảnh chụp từ Facebook Dominic Phạm)
Ông Dominic Pham, một người Mỹ gốc Việt tại thành phố Westminster bang California, hôm 18/10 đã bị các viên chức an ninh cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội, chặn lại, "mời làm việc" và sau đó thông báo miệng từ chối nhập cảnh.
Hôm 19/10, từ thành phố Westminster, ông Dominic cho VOA biết sự việc xảy ra tại phòng nhập cảnh sân bay Nội Bài :
"Lúc bước ra khỏi máy bay, tới nơi trình hộ chiếu để họ kiểm tra thì thấy có ba chú đang nói chuyện trên điện thoại, rồi họ bảo tôi vào trong phòng làm việc.
Họ chỉ nói tại vì tôi chống cộng nên họ không được hài lòng lắm. Họ nói nếu tôi không chống cộng nữa và sau khi tôi về Mỹ thì liên hệ với họ để họ cứu xét cho trở về thăm quê nhà".
Ông Dominic có cung cấp cho VOA các thẻ lên máy bay (boarding pass) của ông cho thấy ông đáp chuyến bay Eva Air từ thành phố Las Vegas quá cảnh Đài Bắc, về đến Nội Bài trưa ngày 18/10 và cũng trưa cùng ngày ông bị buộc phải quay về Mỹ.
Ông Dominic Phạm nói công an cửa khẩu sân bay không cấp biên bản về việc từ chối nhập cảnh đối với ông :
"Không có bất cứ một văn bản nào. Tôi được chỉ vào trong phòng đó, họ hỏi qua hỏi lại, chờ cho đến giờ lên máy bay quay về Mỹ. Họ chờ cho đến khi hành khách lên máy bay xong cả thì họ dẫn mình ra trở lại máy bay".
VOA chưa liên lạc được với Cục xuất nhập cảnh hay Cơ quan phụ trách xuất nhập cảnh sân bay Quốc tế Nội bài để xác nhận sự việc.
Sau khi về lại Mỹ, ông Dominic viết lên Facebook rằng trong thời gian thẩm vấn, ông không được đụng đến điện thoại, và bị phía an ninh mặc thường phục yêu cầu cung cấp mật khẩu để "kiểm tra".
"Tôi chỉ nói ngắn gọn : ‘tôi không biết các chú là ai, các chú mặc quần áo dân thường, không bảng tên, không phù hiệu, ăn nói như đầu đường xó chợ nên tôi không nhất thiết phải tuân phủ theo các mệnh lệnh của chú".
Ông Dominic cho biết các câu hỏi thẩm vấn của một cán bộ xuất nhập cảnh như sau :"Về Việt Nam anh sẽ ở đâu ? Thăm những ai ? Tại sao anh lại chống cộng ? Anh có biết Việt Tân không ? Có biết Đào Minh Quân không ? Anh có vào đảng phái nào không ? Hầu như các cuộc xuống đường ở Bolsa đều thấy anh tham gia, Vali anh có tài tiệu gì không ? Anh đã về Việt Nam biểu tình lần nào chưa ?"
Ông Dominic nhận định lý do ông bị cấm nhập cảnh :
"Cũng có thể vì do đợt này Tổng thống Donald Trump về Đà Nẵng cho nên chế độ họ sợ tất cả những người chống Cộng mà về Việt Nam trong đợt này có thể gây rắc rối, lên tiếng này họ. Khoảng cả tháng nay, họ đã triệu tập, gửi giấy mời, bắt bớ những anh chị em đấu tranh trong nước, cũng có thể là vì lý do này".
Blogger Phan Cẩm Hường tại Hà Nội viết trên Facebook về ông Dominic : "Anh là người Việt sống tại Mỹ, anh thường dành dụm những đồng tiền từ mồ hôi, nước mắt để giúp dân oan & những người dân yếu thế trong nước. Anh cũng thường lên tiếng phản đối những bất công sai trái của xã hội Việt Nam qua mạng".
Blogger Trịnh Bá Phương ở Hà Nôi viết trên Facebook sau khi ông Dominic bị cấm nhập cảnh : "Chú Dominic Pham là người luôn quan tâm đến dân oan và hiện tình đất nước", đăng kèm với một bức ảnh ông Dominic Pham lần trước về thăm Việt Nam và tặng quà cho dân nghèo Dương Nội.
Nhà tranh đấu cho dân oan Dương Nội nhận định : "Đây rõ là một thủ đoạn đê hèn mà Việt Nam đã đối xử với Việt kiều, trong khi họ vẫn ra rả kêu gọi hoà giải và gọi kiều bào bằng mỹ từ 'Khúc ruột ngàn dặm.'
******************
Nhà hoạt động bị chất vấn về Hội Anh Em Dân Chủ (RFA, 20/10/2017)
Nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn vào ngày 20 tháng 10 làm việc với Công an Thành phố Đà Nẵng, nơi anh này có đăng ký thường trú.Sau một ngày làm việc, nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn cho đài Á Châu Tự Do biết một số điều mà anh có thể chia sẻ :
Nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn và Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài - facebook Khúc Thừa Sơn ; facebook Nguyễn Văn Đài
"Cả một ngày làm việc họ hỏi facebook như thế nào, quan hệ các một số bài báo viết trên mạng và phỏng vấn đài RFA, trong cam kết họ nói em là không được tiết lộ những vấn đề liên quan đến an ninh vụ án đang điều tra, và em ngầm hiểu là của hội anh em dân chủ, liên quan đến vụ án luật sư Nguyễn Văn Đài. Kết thúc buổi làm việc chiều, là giấy triệu tập thứ 5, họ hẹn em 8 giờ sáng mai tiếp tục. Tất nhiên những quá trình điều tra họ không cho phép tiết lộ bởi vì đây là bí mật cam kết với họ vì đây là vụ án rất quan trọng, liên quan đến bộ áp lực xuống, họ làm việc em thấy mấy người tham gia nói, và mình ở trong đó như cá nằm trên thớt vậy đó, mình bắt buộc phải trả lời thôi"
Nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn là một trong những người bị cơ quan chức năng Việt Nam mời đi làm việc trong những ngày qua liên quan đến ‘vụ án’ cựu tù chính trị Nguyễn Văn Đài như trường hợp cựu tù chính trị-nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa vào ngày 18 tháng 10 vừa qua.
Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài bị bắt vào ngày 16 tháng 12 năm 2015 với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Đến ngày 30 tháng 7 vừa qua, cơ quan chức năng cho biết khởi tố vụ án đối với ông này và cáo buộc mới được nêu thêm là ‘hoạt động lật đổ chính quyền theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Vào ngày 30 tháng 7, bốn cựu tù chính trị gồm nhà hoạt động Phạm Văn Trội ở Hà Nội, mục sư Nguyễn Trung Tôn ở Thanh Hóa, nhà báo tự do Trương Minh Đức và luật gia Nguyễn Bắc Truyển ở Sài Gòn bị bắt cũng với cáo buộc hoạt động lật đổ chính quyền.
******************
Nhân quyền : RSF tranh đấu cho blogger Việt Nam bị giam cầm (RFI, 20/10/2017)
Nhân Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11, khoảng 10 hiệp hội phi chính phủ và Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới phát động chiến dịch cho quyền tự do thông tin tại Việt Nam, kêu gọi Hà Nội ngưng truy bức công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận.
Phan Kim KháCette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.
Trong thông cáo đề ngày 17/10/2017, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới vận động công luận kêu gọi chính quyền Việt Nam chấm dứt tình trạng vi phạm nhân quyền, "đặc biệt là quyền tự do thông tin mà Hà Nội vừa bị Liên Hiệp Quốc lên án cách nay ba tháng".
Theo RSF, ít nhất 25 blogger và nhà báo công dân đang bị cầm tù tại Việt Nam.
Trong thư, RSF lưu ý trường hợp của các nạn nhân từ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Bùi Hiếu Võ, giáo viên Đào Quang Thực cho đến sinh viên Pham Kim Khánh, người sắp ra toà vào thứ Tư 25/10/2017.
Blogger Phan Kim Khánh, sinh viên năm cuối khoa Quốc Tế, đại học Thái Nguyên, bị chính quyền Việt Nam bắt giam ngày 21/03/2017. Bị cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước", sinh viên 21 tuổi này đối mặt với bản án 20 năm tù. Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF kêu gọi Hà Nội ngưng truy bức công dân thực hiện quyền tự thông tin.
Chính quyền Việt Nam bắt Phan Kim Khánh với lý do "tuyên truyền chống nhà nước". Còn theo RSF, "tội" của người sinh viên quê ở Thái Nguyên này là "điều hành" một số trang blogg và Facebook (Tuần Việt Nam, Báo Tham Nhũng, Viet Bao TV và Vietnam Online) để thông tin đa chiều.
Trong bảng xếp hạng của RSF về các nước tôn trọng tự do báo chí năm 2017, Việt Nam đứng hàng thứ 175 trên tổng số 180.
Theo Reuteurs, Việt Nam bắt thêm một nhà bất đồng chính kiến. Bà Trần Thị Xuân, 41 tuổi, đã bị bắt ngày 17/10/2017 tại Hà Tĩnh vì cáo buộc lật đổ chính quyền, nâng con số các nhà ly khai bị bắt tại Việt Nam trong năm nay lên 17 người.
Tú Anh
*******************
‘Hãy ngưng ngay đàn áp tại Việt Nam’ là kêu gọi do liên minh gồm 10 tổ chức của các nhóm nhân quyền Việt Nam cùng quốc tế đưa ra với chính quyền Việt Nam vào ngày 16 tháng 10.
Cô Trần Thị Xuân, 41 tuổi, người thôn Long Hải, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tĩnh Hà Tĩnh bị bắt giữ với cáo buộc ‘hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Photo of FB Nguyen Van De
Nội dung nêu rõ trong nước đang diễn ra một chiến dịch đàn áp chưa từng có đối với quyền tự do biểu đạt từ đầu năm 2017 đến nay.
Các nhà đấu tranh dân chủ và bất đồng chính kiến trong nước có nhận định gì về sự gia tăng đàn áp này ?
Bản thông cáo báo chí mang tên Stop the Crackdown in Vietnam - Ngưng Ngay Đàn Áp tại Việt Nam ghi nhận tính cho đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng Việt Nam đã bắt giữ hoặc buộc phải đi lưu vong ít nhất 25 nhà hoạt động ôn hòa và blogger. Trong đó cũng nêu rõ tên của những người đang thụ án hoặc đang bị giam giữ như bà Trần Thị Nga, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, và luật sư Nguyễn Văn Đài.
Một diễn biến mới nhất là ngày 18 tháng 10, cơ quan chức năng Việt Nam tiến hành bắt giữ khẩn cấp cô Trần Thị Xuân, 41 tuổi, người thôn Long Hải, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tĩnh Hà Tĩnh với cáo buộc ‘hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Biểu tình chống Formosa gây ô nhiễm - Photo : RFA
Nhận định về nguyên nhân của sự gia tăng đàn áp này, nhà hoạt động Chu Mạnh Sơn cho biết theo anh, đây là một kế hoạch đã có từ đầu năm 2017 của nhà cầm quyền Việt Nam.
"Kể từ đầu năm 2017 trở lại đây, số lượng đàn áp, bắt bớ đã gia tăng lên. Đặc biệt trong khoảng thời gian này rất nhiều anh em đã bị bắt. Riêng ở Nghệ An, 1 số anh em đã bị bắt rồi như chú Lê Đình Lượng, Hoàng Bình, những người liên quan đến hoạt động môi trường thì đã bị bắt và bị khởi tố cũng như bị truy nã. Trong thời gian hiện tại, có 1 số anh em khác đã bị nhà cầm quyền bao vây, cho công an theo dõi, bố ráp quanh khu vực.
Điều đó chứng tỏ họ đã quyết tâm sẽ dập tan những người bất đồng chính kiến và họ đang gia tăng khủng bố tinh thần rất trầm trọng".
Nhà hoạt động Chu Mạnh Sơn nhấn mạnh thêm nhà cầm quyền Việt Nam đã có ý định đàn áp không chỉ ở miền Trung mà trên cả nước. Theo lời anh Sơn, đặc biệt ở miền Trung, bắt đầu năm 2017, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng như Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, trưởng công an tỉnh Nghệ An đã ra 1 thông báo là sẽ đập tan các ổ nhóm phản động, nhất là khu vực miền Trung, Nghệ An.
Nhắc lại diễn biến vào ngày 27 tháng 9, tại Nghệ An, cựu tù chính trị Nguyễn Viết Dũng bị bắt khi đang ăn cơm trưa cùng một số bạn hữu gần giáo xứ Song Ngọc, tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Bên cạnh đó, mạng xã hội trong nước những tuần qua liên tục đăng tải thông tin về những người bày tỏ chính kiến bị đàn áp, sách nhiễu. Phổ biến nhất là họ nhận được giấy triệu tập, hay còn gọi là giấy mời, như trường hợp của nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn ở Đà Nẵng, cựu tù chính trị, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng vào ngày 18 tháng 10 bị cơ quan chức năng mời đi làm việc với nội dung được nêu rõ trong giấy mời là ‘trả lời và trình bày rõ các vấn đề có liên quan đến vụ án ‘Nguyễn Văn Đài’.
Có một lý do khác dẫn đến sự gia tăng đàn áp này được nhà hoạt động Chu Mạnh Sơn chia sẻ.
"Theo tôi nghĩ có thể là sau hội nghị Trung ương 6 lần thứ 12 và để chuẩn bị cho kỳ họp APEC vào tháng 11 năm 2017 tới đây, họ lo sợ những nhà hoạt động nhân quyền cũng như những người đấu tranh trong nước sẽ có những hành động gì để gây trở ngại nên họ gia tăng đàn áp".
Nhà hoạt động Lã Việt Dũng, từ Hà Nội cho RFA biết cá nhân anh có một suy nghĩ khác, không hẳn là vì lý do hội nghị APEC sắp diễn ra vào tháng 11 sắp đến.
"Cũng có nhiều người nói rằng do APEC nhưng tôi nghĩ đấy không phải là lý do chính.
Theo tôi lý do chính ở đây là có 2 vấn đề. Thứ nhất, chính quyền Nghệ An và Hà Tĩnh đang ráo riết khủng bố và bắt giữ người lên tiếng phản đối Formosa và những người hoạt động xã hội phản đối lại họ.
Lý do thứ hai tôi thấy phần lớn các anh em bị bắt có sinh hoạt trong 1 số hội nhóm mà cũng từng bị bắt trước đây như Hội Anh Em Dân Chủ hoặc là 14 thanh niên công giáo.
Đợt này theo quan điểm cá nhân của tôi không hẳn là do APEC. APEC chỉ là vấn đề phụ".
Theo quan điểm nhà hoạt động Lã Việt Dũng chia sẻ, khi một thành viên của một hội nhóm bị bắt thì những thành viên sẽ bị bắt theo. Điển hình là sự việc của cựu tù nhân chính trị Nguyễn Văn Túc, thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam, bị bắt ở Thái Bình vào sáng ngày 1 tháng 9.
Chỉ trong vòng khoảng hơn 1 tháng qua, Việt Nam đã tiến hành bắt giam và khởi tố 5 thành viên và 1 cựu thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ theo điều 79, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, bao gồm Mục sư Nguyễn Trong Tôn, Nhà báo tự do Trương Minh Đức, Kỹ sư Phạm Văn Trội, Luật sư Nguyễn Bắc truyển, ông Nguyễn Văn Túc, ông Lê Đình Lượng.
Một chuyện mà những ai theo dõi tình hình chính trị Việt Nam đều có thể biết, Hội Anh Em Dân Chủ là một tổ chức xã hội dân sự do Luật sư Nguyễn Văn Đài sáng lập.
Hiện tại, luật sư Nguyễn Văn Đài đang bị bắt giam với cáo buộc vi phạm điều 88 Bộ luật Hình Sự, tuyên truyền chống nhà nước. Hôm 30 tháng 7 vừa qua, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công An đã ra quyết định truy tố thêm tội danh theo điều 79.
Không đưa ra một nguyên nhân cụ thể như nhà hoạt động Chu Mạnh Sơn và Lã Việt Dũng, cựu tù nhân lương tâm Trần Vũ Anh Bình có nhận định chung về hiện trạng này.
"Khi mà nhà cầm quyền họ cảm thấy nó có 1 điều gì đó ảnh hưởng sự sống còn của họ thì buộc lòng họ bắt người này, bắt người nọ".
Do đó, theo nhà hoạt động Lã Việt Dũng, rất khó để dự đoán được sự gia tăng đàn áp của nhà cầm quyền sẽ như thế nào trong tương lai, cũng như còn bao nhiêu người nữa sẽ bị bắt giữ. Đặc biệt, ông nói rằng tình hình chính trị thế giới nói chung và trong nước nói riêng hoàn toàn không thuận lợi cho phong trào đấu tranh dân chủ.
******************
Thêm người bị bắt với cáo buộc lật đổ 'RFA, 18/10/2017)
Cơ quan chức năng Việt Nam vừa tiến hành bắt giữ khẩn cấp cô Trần Thị Xuân, 41 tuổi, người thôn Long Hải, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tĩnh Hà Tĩnh với cáo buộc ‘hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Cô Trần Thị Xuân, 41 tuổi, người thôn Long Hải, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tĩnh Hà Tĩnh vừa bị bắt giữ khẩn cấp với cáo buộc ‘hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. - Courtesy FB Nguyễn Thiện Nhân
Một người dân tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh vào chiều ngày 18 tháng 10, xác nhận với đài Á Châu Tự Do về việc cơ quan chức năng bắt giữ cô Trần Thị Xuân cũng như có nhận xét về những hoạt động của người bị bắt :
"Cô này chỉ làm việc bác ái và đòi hỏi quyền lợi. Họ cho bắt khi cô đang đi buôn bán. Còn lật đổ chính quyền làm sao mà lật được ; quyền họ nắm trong tay nên họ vu khống cho người ta như thế".
Truyền thông trong nước đồng loạt loan tin trưng dẫn ‘thông cáo báo chí’ của Cơ quan an ninh điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó nói rằng ‘việc tổ chức và thi hành lệnh bắt khẩn cấp cô Trần Thị Xuân đảm bảo đúng trình tự, qui định của Bộ Luật tố tụng hình sự’ của Việt Nam.
Đây là lần thứ hai, cơ quan chức năng Việt Nam ra thông cáo báo chí của Cơ quan an ninh điều tra về việc bắt giữ khẩn cấp một công dân. Vào ngày 27 tháng 9, Nghệ An cũng có văn bản tương tự đưa ra sau khi cựu tù chính trị Nguyễn Viết Dũng bị bắt khi đang ăn cơm trưa cùng một số bạn hữu gần giáo xứ Song Ngọc, tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Anh này bị bắt với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Một số nhà hoạt động trong nước phản đối cho rằng việc bắt giữ như thế không đúng vì chưa có lệnh và không có bằng chứng người bị bắt đang phạm tội quả tang.
Vào ngày 3 tháng tư vừa qua, hằng ngàn người dân địa phương đến tại Ủy ban nhân dân Huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh để đòi hỏi bồi thường thiệt hại do thảm họa môi trường mà nhà máy gang thép Formosa gây nên. Ngoài ra những người tham gia cuộc biểu tình tại Ủy ban nhân dân Huyện Lộc Hà cũng đòi hỏi cơ quan chức năng giải quyết tình trạng uy hiếp dân chúng vào những đêm trước đó.
Những người dân đến tại Ủy ban nhân dân Huyện Lộc Hà mang theo những biểu ngữ với nội dung ‘Lẽ nào vì Formosa mà giết dân ?’ hay ‘Phản đối công an Lộc Hà nổ súng, đàn áp dân.’…
Đến ngày 12 tháng 4, Công an Hà Tĩnh ra lệnh khởi tố vụ án hình sự được gọi là ‘gây rối trật tự và bắt giữ người trái pháp luật’ vào ngày 3 tháng 4 sau khi diễn ra sự việc như vừa nêu.
Xin được nhắc lại, tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh có nhiều doanh nghiệp thu mua hải sản theo như yêu cầu của chính quyền sau khi xảy ra thảm họa môi trường Formosa từ đầu tháng 6 năm ngoái.
Số này cũng thuộc diện được bồi thường theo các quyết định của chính phủ Hà Nội ; tuy nhiên đến ngày 18 tháng 10, những doanh nghiệp tại địa phương nói rõ họ vẫn chưa nhận được khoản nào.
***************
Cơ quan chức năng triệu tập nhiều người hỏi về vụ án luật sư Nguyễn Văn Đài (RFA, 18/10/2017)
Cựu tù chính trị- nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng vào ngày 18 tháng 10 bị cơ quan chức năng mời đi làm việc với nội dung được nêu rõ trong giấy mời là ‘trả lời và trình bày rõ các vấn đề có liên quan đến vụ án ‘Nguyễn Văn Đài’.
Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài tại phiên xử hôm 26/11/2007. AP
Vào lúc 4 :20 chiều ngày 18 tháng 10, phu nhân của ông Nguyễn Xuân Nghĩa cho Đài Á Châu Tự Do biết thông tin mà ông này chia sẻ sau buổi sáng làm việc với cơ quan chức năng :
"Họ hỏi về Hội Anh Em Dân Chủ và những hoạt động liên quan".
Hiện nay có một số nhà hoạt động tại Việt Nam cũng bị cơ quan chức năng mời đi làm việc. Nội dung giấy mời như của ông Nguyễn Xuân Nghĩa ghi rõ làm việc liên quan đến vụ án Nguyễn Văn Đài ; trong khi đó có giấy như gửi cho nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn ở Đà Nẵng lại chỉ ghi là ‘vụ án’ ; khiến người nhận phải đặt nghi vấn và yêu cầu làm rõ.
Trong những bản tin bắt khẩn cấp cô Trần Thị Xuân mà truyền thông trong nước loan đi vào ngày 18 tháng 10, cơ quan chức năng Việt Nam nhắc lại vụ việc vào ngày 30 tháng 7. Lúc đó Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công An tiến hành khởi tố bị can đối với cựu tù chính trị, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài.
Vào ngày 30 tháng 7 cơ quan chức năng tiến hành bắt giữ 4 cựu tù chính trị gồm ông Phạm Văn Trội ở Hà Nội, mục sư Nguyễn Trung Tôn ở Thanh Hóa, nhà báo độc lập Trương Minh Đức và luật gia Nguyễn Bắc Truyển ở Sài Gòn.
Cả 4 người bị cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’.
Tại Nghệ An vào ngày 26 tháng 7, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An bắt một nhà hoạt động vì môi trường và xã hội, ông Lê Đình Lượng, cũng với cáo buộc tương tự.