Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tuyên truyền về chủ quyển biển, đảo của Việt Nam ‘bị động’ trước Trung Quốc ? (RFA, 24/7/2020)

Thực tế trong thời gian qua cho thấy Việt Nam thường xuyên phải đối phó trước những sự việc đã rồi liên quan đến chủ quyền Biển Đông. Có thể kể đến những vụ như đoàn du khách Trung Quốc mặc áo có in bản đồ hình lưỡi bò xuống tại Sân Bay Cam Ranh, nhiều du khách Trung Quốc nhập cảnh với hộ chiếu có in hình lưỡi bò…

quanhe1

Nhóm khách du lịch Trung Quốc mặc áo thun có in hình "đường lưỡi bò" tại nơi làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa. (Ảnh minh họa chụp trước đây) File photo

Việt Nam còn lơ là cảnh giác trong vấn đề tuyên truyền, đến độ hình đường lưỡi bò bị sót ngay cả trong những tài liệu phổ biến ở Việt Nam, như trong giáo trình "Luyện kỹ năng đọc hiểu Tiếng Hoa" tồn tại ở Việt Nam nhiều năm mới được phát hiện.

Trong khi đó, về mặt nổi việc tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Trung Quốc có thể thấy có chủ trương, có đường lối cụ thể. Điều này khiến nhiều người nêu câu hỏi cho rằng, liệu có phải Việt Nam thua Trung Quốc hoàn toàn trên mặt trận tuyên truyền về chủ quyền biển đảo ?

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 24/7/2020 liên quan vấn đề này, Thạc sĩ Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu biển Đông lâu năm, nói :

"Để mà so sánh thì phải nắm tường tận công việc của hai bên, nhưng hầu như hai bên đều giữ bí mật nên khó so sánh. Nhưng nếu chỉ nhìn bề nổi, thì Trung Quốc họ tuyên truyền rất bài bản và rộng khắp, từ các nhà khoa học, dân thường, cho đến các hoạt động sản xuất, hoặc các nhà ngoại giao... đều như là sứ giả, để mang thông điệp của Trung Quốc về vấn đề biển Đông đi khắp nơi".

Còn đối với Việt Nam thì theo Thạc sĩ Hoàng Việt tiềm lực nhỏ hơn, xuất hiện trong giới khoa học cũng như cộng đồng quốc tế cũng không nhiều bằng Trung Quốc. Ông nói tiếp :

"Cho nên rõ ràng việc tuyên truyền ra tầm thế giới, cũng như thị trường Việt Nam thì các hàng hóa... hay bị Trung Quốc gài vào trong đó, cũng khiến cho Việt Nam lúng túng, trong khi Trung Quốc chủ động trong việc này, còn Việt Nam thì bị động chạy theo. Còn tuyên truyền nói chung thì Việt Nam cũng có tuyên truyền của mình, tuy nhiên mức độ hiệu quả như thế nào cũng khó đánh giá, vì chưa có một tổng kết chính xác để đánh giá".

Một ví dụ mới nhất về việc tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Trung Quốc, là vào ngày 16/3/2020, trang Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý đăng tải 2 hình ảnh với ý nghĩa là, Ý đã giúp Trung Quốc trong dịch SARS hồi năm 2008, Bắc Kinh không bao giờ quên và đến giờ là lúc Trung Quốc giúp lại Ý trong dịch Covid-19.

Tuy nhiên, cư dân mạng Việt Nam phát hiện một trong hai bức họa có bản đồ Trung Quốc kèm theo đường lưỡi bò (đường chữ U, đường 9 đoạn) do nước này tự vẽ ra bao trùm toàn bộ Biển Đông. Trong đó có cả bản đồ Đài Loan được đính kèm và tô cùng màu đỏ ngầm khẳng định Đài Loan thuộc về Trung Quốc.

Đến ngày 20/3/2020, như thường lệ các phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Việt Nam lại cho phát đi phát lại cái mà nhiều người trong nước ví như ‘đoạn băng rè’ như : ...Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán... Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa... cũng như chủ quyền các vùng biển phù hợp với luật pháp quốc tế... Do đó, Việt Nam không công nhận bất kỳ yêu sách biển nào của Trung Quốc dựa trên cái gọi là ‘đường 9 đoạn’ tại Biển Đông...

quanhe2

Hai hình bản đồ với đường chín đoạn ở Biển Đông do Trung Quốc tự vẽ ra Courtesy of FB Chinese Embassy in Italy

Nhà nghiên cứu Mai Thái Lĩnh, cựu Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Lạt, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 24/7/2020 liên quan vấn đề này, nhận định :

"Theo tôi Việt Nam ở trong thế bị động, cho nên rất khó đối phó với họ. Mà cái bị động này ngay từ thời kỳ tranh chấp biên giới trên bộ, thì Việt Nam đã thất thế ngay từ thời đó... Và hiện nay chúng ta đối phó vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển vẫn theo kiểu cũ đó, thì ta vẫn thất thế thôi. Nếu muốn giải quyết vấn đề này thì rất khó, tôi nghĩ phải có sự thay đổi về đường lối ngoại giao, bởi vì tuyên truyền dựa vào đường lối ngoại giao".

Nhưng Nhà nghiên cứu Mai Thái Lĩnh cho rằng, hiện nay đường lối ngoại giao của Việt Nam vẫn không thay đổi, vẫn ở trong thế bị động. Trong khi Trung Quốc đã có chủ trương từ rất sớm, từ những năm 1950 - 1951, từ Hội nghị San Francisco, khi đó Trung Quốc đã có đường lối nhất quán. Còn Việt Nam theo ông, nếu không thay đổi thì kế hoạch tuyên truyền sẽ vẫn ở trong thế bị động như vậy mà thôi.

Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định thêm :

"Thật ra tuyên truyền tốt nhất là không nói gì cả, bởi vì có sao nói vậy là được. Và quan trọng là lẽ phải thuộc về Việt Nam nhiều hơn trong tranh chấp biển Đông. Còn Trung Quốc thì mặc dù họ mạnh, nhưng họ thiếu chính nghĩa, cho nên có tuyên truyền kiểu gì chăng nữa thì nó chỉ được một phần. Tuy nhiên, như đã nói, tuyên truyền chỉ là phần nhỏ, quan trọng là phải đưa những thông tin về tranh chấp biển Đông cho tất cả mọi người trên khắp đất nước Việt Nam thì nó tốt hơn.

Ngoài ra, theo Thạc sĩ Hoàng Việt, việc cần phải truyền tải thông tin về các chính sách của Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế, thì Việt Nam làm chưa được tốt và vẫn còn một số hạn chế trong việc này.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, Đài Á Châu Tự Do hôm 24/7/2020 liên lạc Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, và được ông cho biết như sau :

"Trung Quốc mạnh hơn Việt Nam gấp ngàn lần trong vấn đề tuyên truyền, về bài báo khoa học quốc tế, về chiếm lĩnh tất cả các hội nghị quốc tế, thì Trung Quốc là thượng thừa, trong khi Việt Nam đếm trên đầu ngón tay. Riêng tại Việt Nam, tuyên truyền phục vụ theo chiến dịch, ví dụ có sự cố gì trên Biển Đông thì mới tiến hành. Nếu tôi nhớ không lầm dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, quỹ tuyên truyền biển đảo là 180 tỷ. Nhưng như tôi là một nghiên cứu tự do, cũng như Thạc sĩ Hoàng Việt, Anh Phạm Hoàng Quân, Anh Lê Vĩnh Trương... không có một đồng bạc nào trong vấn đề tuyên truyền biển đảo".

Nhưng theo Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, vấn đề tuyên truyền biển đảo không phải ai cũng tuyên truyền được, không phải mấy ông báo viên hay dư luận viên, mà phải là những người chuyên sâu và sống chết vì đất nước này, biển đảo này. Vì bất cứ một chữ viết nào, lời nói nào thì Trung Quốc đều ghi nhận, để rồi mai sau nếu ra các Tòa án Quốc tể để xử vấn đề tranh chấp biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc, thì Trung Quốc họ có rất nhiều dữ kiện chứng minh rằng... các nhà nghiên cứu, quan chức, dư luận viên của Việt Nam đã nói như vậy... thì sẽ như thế nào ? Ông nói tiếp :

"Tuyên truyền biển đảo không có nghĩa là đi triển lãm bản đồ. Bản đồ chỉ có giá trị nếu đi theo tất cả các văn bản của nhà nước, các hội nghị mà phù hợp công pháp quốc tế. Tuyên truyền biển đảo là phải làm sao cho cả thế giới biết rằng, chính nghĩa thuộc về Việt Nam, có nghĩ rằng Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý, lịch sử để chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển phụ cận, thuộc về Việt Nam, phù hợp công pháp quốc tế, hay luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982".

Theo Nhà nghiên cứu biển Đông Đinh Kim Phúc, tuyên truyền không phải là quan điểm, và đó là điểm yếu nhất của chính quyền Việt Nam trong vấn đề tuyên truyền về chủ quyền biển đảo hiện nay.

******************

Điện Biên : châu chấu tre từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam gây hại nông nghiệp (RFA, 24/07/2020)

Trong gần cả tuần nay, đàn châu chấu tre lưng vàng bay từ hướng biên giới Trung Quốc sang cắn phá 20 ha rừng tre và gây hại khoảng 20 ha nương ngô ở bản Pờ Nhú Khò, Tá Miếu, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên với mật độ trung bình 100-400 con/m2.

quanhe3

Huyện Mường Nhé triển khai phương án phun hóa chất tiêu diệt các ổ châu chấu phát sinh tại chỗ. Nguồn : VOV

Báo trong nước loan tin ngày 24/7, dẫn lời ông Nguyễn Trọng Kính, Chi cục trưởng Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên cho biết đã cử cán bộ xuống địa bàn theo dõi để khoanh vùng, tiêu diệt đàn châu chấu.

Vẫn theo lời ông Kính, địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều đợt châu chấu lưng vàng di chuyển từ Lào sang từ năm 2015 đến nay, nhưng đây là lần đầu tiên có đàn châu chấu từ Trung Quốc sang.

Ông Kính cho rằng nguyên nhân có thể là huyện biên giới Trung Quốc đang phun thuốc diệt châu chấu nên chúng tràn sang.

Báo trong nước dẫn lời ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mường Nhé cho biết huyện đã nhận được công hàm thông báo từ bên Trung Quốc về việc đàn châu chấu tre di thực.

Đàn châu chấu tre xuất hiện đầu tiên tại tại các bản Pờ Nhù Khò và Tá Miếu của xã Sín Thầu vào ngày 16/7.

Sau đó đàn châu chấu lan dần ra một số bản khác của xã này như Tả Kố Khừ, A Pa Chải.

Với mật độ châu chấu ở tuổi trưởng thành dày đặc, nhiều diện tích nông nghiệp tại đây bị gây hại rải rác với diện tích ước ban đầu khoảng 20 hecta ; trong đó gây hại trên 70%, xem như mất trắng khoảng 5 hecta ; gây hại khoảng 30% là 15 hecta.

Theo cơ quan chuyên môn, hiện châu chấu tre đang tiếp tục di chuyển, sinh trưởng nhanh ghép đôi để đẻ trứng nên có thể sẽ bay phân tán vào các địa bàn khác lân cận.

Cục phó Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Quý Dương cho hay châu chấu tre lưng vàng thường xuất hiện vào tháng 7 hàng năm ở các tỉnh biên giới như Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Thanh Hóa.

Ông Dương cho biết thêm loại châu chấu này chỉ thích ăn lá rừng, tre nứa, khu vực ít tre nứa thì chúng phá hoại ngô.

Hiện Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 2 cử lực lượng theo dõi sự di chuyển của đàn châu chấu, hỗ trợ địa phương tiêu diệt khi cần thiết.

******************

Việt Nam cần làm gì khi khuyến khích Trung Quốc đầu tư công nghệ cao ? (RFA, 23/07/2020)

Khuyến khích Trung Quốc đầu tư công nghệ cao

Một trong những nội dung đáng chú ý trong Hội nghị trực tuyến Phiên họp lần thứ 12 Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Việt Nam-Trung Quốc, diễn ra vào sáng hôm 21/7, là Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh kêu gọi Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường.

quanhe4

Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh. Courtesy : shtp.hochiminhcity.gov.vn

Đài RFA ghi nhận Việt Nam từng đặt ra mục tiêu sẽ ưu tiên đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào công nghệ cao, thân thiện môi trường trong kế hoạch đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Và, Việt Nam cũng được giới chuyên gia đánh giá là cửa ngõ của khu vực Đông Nam Á thu hút các tập đoàn sản xuất thế giới trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Vào tối ngày 22/7, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định với RFA liên quan thông tin Việt Nam kêu gọi Trung Quốc đầu tư vào công nghệ cao và thân thiện với môi trường:

"Trung Quốc là một đại cường quốc ở kế bên Việt Nam, và có những tiềm năng về tài chính và công nghệ cao. Việt Nam thì mở cửa làm ăn với tất cả các quốc gia thân thiện. Nếu Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam một cách sòng phẳng thì tốt thôi. Mình hợp tác làm ăn với các doanh nghiệp Trung Quốc thì cũng không có gì khác biệt với các doanh nghiệp lớn khác. Việc phòng ngừa những gì bất trắc hay không tốt thì đấy là trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam".

Thách thức và rủi ro

Những ích lợi từ các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao và thân thiện với môi trường chưa được các cơ quan bộ, ngành của Chính phủ ghi nhận, nghiên cứu và phổ biến thông tin đến công chúng. Tuy nhiên, những tồn tại thực tế từ các dự án lớn và quan trọng ở trong nước mà doanh nghiệp Trung Quốc đang thực hiện làm dấy lên quan ngại rằng có thể có rất nhiều rủi ro một khi Chính phủ Việt Nam khuyến khích Trung Quốc đầu tư thêm nữa về công nghệ cao.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường, xác nhận với RFA về thực trạng doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam:

"Đúng là trước đây cũng có rất nhiều doanh nghiệp tự ý, chứ không phải là chủ trương của Nhà nước, tiếp nhận của Trung Quốc những nhà máy có công nghệ quá cũ, quá ô nhiễm bị đào thải rồi mang sang Việt Nam. Trong đó, có những trường hợp như xi-măng lò đứng đã thấy khá rõ rồi hoặc kể cả một số nhà máy nhiệt điện thì cũng có ý kiến cho rằng công nghệ quá cũ".

Mặc dù vậy, Giáo sư Đặng Hùng Võ đồng thời cũng ghi nhận :

"Đến bây giờ chúng ta cũng phải thừa nhận rằng Trung Quốc cũng là một nước mạnh về công nghệ. Thí dụ như là công nghệ thứ 4, trí tuệ nhân tạo và kết nối internet, kết nối vạn vật chẳng hạn. Trung Quốc cũng đạt được những thành tựu đáng kể và theo tôi trong nhiều mặt cũng ngang ngửa với công nghệ của Mỹ. Thế thì chủ trương của Chính phủ Việt Nam, một việc là khuyến khích Trung Quốc đầu tư vào công nghệ hiện đại, ở đây tôi cho rằng ý là công nghệ thế hệ thứ 4 và đấy là chủ trương chung. Thế còn thực hiện nó như thế nào thì chính tôi cũng có cảm giác là nhiều khi đến khi thực hiện thì doanh nghiệp với doanh nghiệp ; liệu rằng doanh nghiệp Việt Nam có đủ thông minh, có đủ trí tuệ, có đủ cách thức để có thể yêu cầu doanh nghiệp Trung Quốc phải làm đúng như quy định của pháp luật Việt Nam hay không ? Tôi nói thật là bản thân tôi cũng nghi ngờ về chuyện ấy".

Giáo sư Đặng Hùng Võ, đồng quan điểm với chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành rằng để phòng ngừa những bất trắc và rủi ro trong các dự án đầu tư FDI là thuộc về trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam.

"Tôi cho rằng khuyến khích đầu tư vào công nghệ hiện đại thì nó phải gắn với quá trình kiểm soát đầu tư. Việc dự án đầu tư chấp nhận hay không chấp nhận thì hoàn toàn phía Việt Nam quyết định".

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng theo ghi nhận của ông thì hiện tại pháp luật Việt Nam chưa tập trung chú trọng vào chính sách khuyến khích áp dụng sử dụng công nghệ mới. Do đó, cần phải thay đổi rất nhiều để có thể tương thích với những công nghệ và kỹ thuật mới khi doanh nghiệp FDI, mà đặc biệt là doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam.

quanhe5

Một nhà máy nhiệt điện than tại một khu công nghiệp ở Nội Mông, Trung Quốc, tháng 7/2009. Reuters

Bên cạnh đó, Giáo sư Đặng Hùng Võ còn nhấn mạnh về vai trò của người dân thực hiện quyền giám sát trong lĩnh vực đầu tư FDI :

"Tôi vẫn động viên ở Việt Nam là nên đưa người dân vào thực hiện quyền giám sát để kiểm soát quyền lực. Trong đó, có các trí thức, có các chuyên gia, có những người có kiến thức nếu được giám sát thì tôi tin rằng họ có thể có những ý kiến để yêu cầu phía Việt Nam phải bắt đối tác của mình thực hiện đúng cam kết với những điều đã ghi nhận trong dự án đầu tư đó. Nếu nói rằng có rủi ro hay không thì tôi cho rằng chắc chắn cũng có rủi ro. Nhưng mà bản thân thị trường thì chúng ta phải chấp nhận rủi ro. Và người lãnh đạo thông minh thì sẽ làm cho rủi ro đó bằng không. Nếu không thông minh và thậm chí có thể xảy ra nhóm lợi ích riêng, chẳng hạn thì cũng có thể đấy là một điều mà phải cương quyết chống để sao cho các dự án đầu tư của Trung Quốc phải đúng như cam kết và đúng với pháp luật Việt Nam".

Tiến sĩ Ngô Trí Long, trong một lần trao đổi với RFA về Việt Nam thu hút đầu tư FDI, đã từng khẳng định theo ghi nhận của ông thì :

"Cuộc chống tham nhũng của Việt Nam đã bước đầu đi vào thực chất hơn. Phải nói thẳng như vậy! Và với cuộc chống tham nhũng đi vào thực chất thì chắc chắn tất cả những rào cản, những tệ nạn đó sẽ được đẩy lùi và cũng sẽ là một điều kiện để tạo thu hút thêm cho môi trường đầu tư nước ngoài vào Việt Nam".

Thế nhưng, vẫn có ý kiến của giới chuyên gia rằng Việt Nam còn rất lúng túng trong lĩnh vực đầu tư công nghệ cao. Theo như Tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên gia từng làm việc trong Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, cho biết ông quan sát thấy Việt Nam chưa bao giờ nghĩ đến hoặc là rất ít khi nghĩ về những công nghệ gì mà Việt Nam có lợi thế tập trung vào để phát triển.

"Chẳng hạn, tôi có coi 3 đặc khu (Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc) thì tôi thấy về chuyên môn chẳng có gì cả. Những bản báo cáo, những bản nghiên cứu hoàn toàn không có gì đáng nói đến. Thế mà họ nói công nghệ cao…Cuối cùng thì chia các khu đất cho công ty này, công ty kia và cơ bản thì cũng là được đầu tư ưu đãi đất đai và miễn thuế. Và cơ bản thì chỉ là xây nhà bán và khu đánh bạc. Thế thôi".

Tiến sĩ Vũ Quang Việt cũng cảnh báo rằng nếu như Việt Nam cố gắng lôi kéo các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và trong đó bao gồm cả nhà đầu tư Trung Quốc, mà những tập đoàn đó chỉ hưởng lợi nhiều và chia chác cho quan chức Việt Nam thì Việt Nam sớm muộn gì cũng trở thành bãi rác công nghệ của thế giới.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kêu gọi Trung Quốc đầu tư vào công nghệ cao và thân thiện với môi trường trong bối cảnh các nhà đầu tư Trung Quốc gia tăng "thâu tóm" doanh nghiệp Việt giữa dịch Covid-19.

Truyền thông trong nước, vào cuối tháng 4, dẫn nguồn từ số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy riêng trong tháng 4 năm 2020 có hơn 100 lượt nhà đầu tư Trung Quốc góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước, dưới hình thức mua bán & sáp nhập, gọi tắt là M&A. Và, tổng số giao dịch từ đầu năm 2020 đến thời điểm cuối tháng 4 của các doanh nghiệp Trung Quốc theo hình thức M& lên đến tổng vốn hơn 230 triệu USD. Số liệu này tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm 2019, với số tiền tăng thêm khoảng 65 triệu USD.

Additional Info

  • Author RFA tồng hợp
Published in Việt Nam