Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam bị chất vấn sau phúc trình về việc thực thi Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị (RFA, 13/03/2019)

Sáng ngày thứ hai, 11 tháng 3, trong một khóa họp kín, 18 Chuyên gia trong Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc lắng nghe các ý kiến của các tổ chức Phi Chính phủ có Phúc trình đệ nạp Ủy ban trước ngày 4 tháng 2. Hai mươi phúc trình đệ nạp, nhưng chỉ có 15 tổ chức phát biểu tại khóa họp, trong số này có 3 tổ chức Phi chính phủ đến từ Hà Nội. Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam, được mời trình bày trước tiên Phúc trình phản biện của tổ chức mình. Sau khóa họp kín, một số Chuyên gia gặp gỡ riêng các đại diện tổ chức Phi chính phủ để hỏi thêm một số chi tiết.

quyen1

Phái đoàn Việt Nam phúc trình về ICCPR ở Geneve ngày 11-12/03/2019 - Ảnh do tác giả cung cấp

3 giờ chiều cùng ngày, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc lắng nghe Phúc trình Việt Nam do ông Trưởng đoàn, Nguyễn Khánh Ngọc, thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu. Phái đoàn Việt Nam gồm 24 ngừời đại diện hầu hết các Bộ trong chính phủ, từ Bộ Nội vụ, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao cho đến Bộ Lao động.

Trong lời chào mừng và giới thiệu Phái đoàn Việt Nam, ông Chủ tọa khóa họp có ý tiếc về sự phúc trình của Việt Nam không thường xuyên, khiến cho sự đối thoại xây dựng giữa Ủy ban và Việt Nam gặp nhiều trở ngại.

Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị (ICCPR) là một trong những công ước nhân quyền quan trọng nhất của Liên Hiệp Quốc. 37 năm trước, năm 1982, Việt Nam ký kết Công ước này, và hôm nay là lần thứ 3 Việt Nam đến phúc trình. Lần thứ nhất vào năm 1989, lần thứ hai năm 2002.

Tổng quát, ông Ngọc cho biết dù bao khó khăn Việt Nam gặp phải, từ chiến tranh đến đủ thứ nạn, nhưng trong mấy chục năm qua Việt Nam đã hoàn thiện Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị (ICCPR) cho người dân. Nhờ vậy, ông xác định hiện nay Công ước giữ phần ưu thắng tại Việt Nam.

Sau phần phát biểu của Trưởng đoàn Việt Nam là phần dành cho các chuyên gia Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc chất vấn. Sau đây là một số chất vấn tiêu biểu.

Bà Marcia Kran, chuyên gia người Canada, đặt câu hỏi :

Tôi thấy có nghĩa vụ ghi nhận sự kiện bản Phúc trình cung cấp quá trễ. Tôi cũng ghi nhận rằng tại Việt Nam Hiến Pháp cho phép giới hạn các quyền được ghi trong Công ước ICCPR để tuân thủ "an ninh quốc gia" và "trật tự xã hội". Tôi ghi nhận rằng các điều luật mơ hồ về "an ninh quốc gia" trong Bộ luật Hình sự đã giới hạn các quyền của người hoạt động bảo vệ nhân quyền và tất cả những ai bất đồng ý kiến với đảng Cộng sản Việt Nam. Ý kiến về "an ninh quốc gia" cho chúng tôi cảm tưởng đã được sử dụng để giới hạn tự do và an ninh cá nhân, tự do tôn giáo hay tín ngưỡng cũng như tự do ngôn luận.

Xin cho chúng tôi biết kế hoạch của quý vị nhằm giải quyết sự trái chống giữa các điều luật an ninh quốc gia của quý vị và các điều trong Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị (ICCPR). Xin giải thích bằng kế hoạch nào quý vị bảo đảm các điều luật an ninh quốc gia không bị sử dụng tuỳ tiện chống lại những nhóm bất đồng chính kiến ?

Ông Koita, Chuyên gia người Mauritanie :

Thật khó tiếp cận số liệu người bị án tử hình để hoàn thành những bản thống kê chính xác. Tuy nhiên vào tháng 2 năm 2017, một báo cáo của Bộ Công an tiết lộ con số 429 tù nhân đã thi hành án trong thời gian từ tháng 8 năm 2013 đến tháng 6 năm 2016, theo nhịp độ này, mỗi năm có 147 tù  nhân bị tử hình. Phúc trình Việt Nam cho biết có 5 trung tâm chích thuốc độc đang được xây dựng. Y cứ số liệu này, Việt Nam đứng hàng thứ 3, nếu không là thứ 2 theo những nguồn khác, trên phương diện quốc tế của các quốc gia thi hành án tử hình. Việt Nam có xác nhận con số này không ? Nếu không, quý vị có thể cung cấp số liệu thống kê chính thức bằng cách công bố số liệu án tử hình, và số liệu thi hành án ?

Ông Ben Achour, chuyên gia người Tunisia :

Bản thân tôi thuộc thế hệ theo dõi cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam cho nền độc lập dân tộc và chống lại sự thống trị của bạo quyền ngoại lai, đồng thời chống cả bạo quyền bản xứ. Thời đó tôi còn là sinh viên. Tất cả sinh viên vào thế hệ tôi đều hậu thuẫn thiên sử thi anh hùng Việt Nam. Một thiên sử thi mang nghĩa Công bằng xã hội – chủ nghĩa xã hội, chúng tôi hoàn toàn đồng ý điều này – nhưng đồng thời cũng là tự do – tự do cá nhân, chủ nghĩa đa nguyên. Tôi muốn giải thích vì sao ? Bởi vì, thật tình mà nói, tôi nhận thấy rằn chính sách Việt Nam ngày nay đối với tự do công cộng và nhân quyền lẽ ra phải được tiến bộ so với những tham vọng và hy vọng mà Việt Nam làm dấy lên khắp mặt địa cầu, trong đệ tam thế giới, với tinh thần Bandoung…

Tôi muốn nhắc ở đây rằng, Hiến Pháp Việt Nam nhắc đi nhắc lại 7 lần khái niệm "an ninh quốc gia" trong các điều, 44, 54 và 65, hai lần trong các điều 66 và 67. Ngoài ra, Bộ luật hình sự bắt tội những ai xâm phạm "an ninh quốc gia". Trong cuộc Kiểm điểm UPR năm 2014, Việt Nam hứa hẹn sẽ sửa đổi các điều quá giới hạn trong chương "an ninh quốc gia". Thế rồi năm 2015, một Bộ luật hình sự sửa đổi ra đời, lại thêm vào nhiều điều giới hạn mới như bắt tội những ai "chuẩn bị" hay "có ý định" phạm tội. Vấn nạn đối với tôi, như một luật gia, là chẳng ai đi buộc tội khi "mới có ý định" mà thôi ! Có ý định chưa thể xem như phạm tội, điều này có vấn đề đấy.

Tôi có hai câu hỏi, có thể nào Việt Nam định nghĩa một cách rõ ràng về ý niệm "an ninh quốc gia", chứ như hiện nay thì quá mơ hồ, mờ nhạt – và câu hỏi thứ hai, quý vị có thể cung cấp cho chúng tôi một danh sách tất cả các điều luật mang tội "an ninh quốc gia" ?

Ông Santos Pais, chuyên gia người Bồ Đào Nha :

Đảng-Nhà nước chối từ tại Việt Nam không có loại tù nhân vì lương thức. Nhưng có nhiều phúc trình thì lại cho biết có nhiều tù nhân vì lương thức tại Việt Nam. Họ bị bắt bớ tuỳ tiện, gia đình họ không hề được thông báo nhiều tuần hay nhiều tháng sau, họ bị hành xử tồi tệ bằng lời nói hay xâm phạm thân thể. Phái đoàn Việt Nam bình luận ra sao hiện trạng này ? Có bao nhiêu cá nhân bị giam giữ vì tội xâm phạm "an ninh quốc gia" ? Có bao nhiêu người bị kết án vì tội xâm phạm "an ninh quốc gia" trong 5 năm vừa qua ? và án tù của họ như thế nào ? Trong một vài phúc trình của xã hội dân sự cho biết những cuộc bắt giam dài hạn không được phép thăm nuôi, bị đối xử tồi tệ, không được chăm sóc y tế, bị chuyển tới những nhà tù ở xa nơi gia đình họ cư trú, bị quản giáo cho phép các tù nhân hình sự đánh đập. Phái đoàn Việt Nam nghĩ sao về những sự kiện này ? Việt Nam có biện pháp gì ngăn chận và bảo đảm không còn xẩy ra trong tương lai ?

Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị (ICCPR) gồm có 27 điều. Nên cuộc trình bày và chất vấn giữa Phái đoàn Việt Nam và Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc được chia làm hai phần. Phần một vào chiều thứ hai, 11 tháng 3, Ủy ban Nhân quyền xem xét và chất vấn từ điều 1 đến điều 14 cùng các câu hỏi bổ sung. Phần hai vào sáng thứ ba, 12 tháng 3, xem xét và chất vấn từ điều 15 đến điều 27 và các câu hỏi bổ sung.

Điều 18, về Tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, các chuyên gia đặc biệt hỏi về trường hợp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa hảo, Cao Đài và các tôn giáo không muốn đăng ký. Đồng thời hỏi vì sao Luật mới về Tín Ngưỡng, Tôn giáo bắt buộc phải đăng ký, là điều trái ngược với Công ước ICCPR của Liên Hiệp Quốc ? Việt Nam có kế hoạch điều chỉnh tình trạng này hay không ?

Những câu hỏi khác mà các Chuyên gia Liên Hiệp Quốc quan tâm là Luật An ninh mạng, việc sách nhiễu những người hoạt động bảo vệ nhân quyền, Nghị Định 136 cấm các nhà hoạt động nhân quyền di chuyển, tịch thu hộ chiếu của họ, v.v... Các Chuyên gia cũng hỏi bao giờ thì Việt Nam bãi bỏ chế độ "Hộ khẩu", là chế độ kỳ thị tôn giáo và dân tộc ? Bao giờ Việt Nam thông qua Luật Lập hội, Luật Biểu tình, và chấm dứt việc đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa ?

Do thời lượng Đài có hạn, chúng tôi không thể kể ra hết.

Sau phần chất vấn, Phái đoàn Việt Nam hồi đáp thông qua các vị Đại diện Bộ, liên quan tới lĩnh vực đề cập. Nói chung, các câu hồi đáp của Phái đoàn nếu không lúng túng, thì chẳng liên quan trực tiếp tới câu hỏi cụ thể đặt ra. Đa số lời hồi đáp biểu hiện thuần tuý tuyên truyền, đề cao tính nhân đạo, công lý và tôn trọng nhân quyền của Nhà nước. Sai trái, phạm tội là lỗi người dân, chứ chính quyền luôn tuyệt đối thương lo cho dân. Ví dụ như câu hỏi vì sao có nhiều người chết trong tù hoặc nơi tạm giam ? Phái đoàn cho biết vì họ mang trọng bệnh trước khi bị bắt, hoặc vì bức xúc, buồn phiền trong thời gian giam giữ nên đã tự tử…

Ỷ Lan

********************

Việt Nam phúc trình lần 3 về Công ước các Quyền dân sự & chính trị (RFA, 12/03/2019)

Phái đoàn Việt Nam trong hai ngày 11 và 12 tháng 3 phúc trình tại khóa họp lần thứ 125 của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về Công ước quốc tế các Quyền dân sự và chính trị (ICCPR) lần thứ ba.

quyen2

Ông Nguyễn Khánh Ngọc (bên trái), trưởng đoàn Việt Nam tại phiên điều trần trước UN hôm 11/3/2019 -Courtesy of UN

Tin cho biết phái đoàn Việt Nam do ông Nguyễn Khánh Ngọc, thứ trưởng Bộ Tư pháp dẫn đầu, gồm 24 người. Phúc trình được trình bày tại Điện Wilson ở Geneva.

Văn bản phúc trình dài 37 trang giấy A4 cũng được post trên trang chủ của cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Đây là lần thứ ba Việt Nam có phúc trình trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về ICCPR sau khi tham gia ký kết từ năm 1982. Lần thứ nhất vào năm 1989 và lần thứ hai vào năm 2002.

Đối với phúc trình của phái đoàn Việt Nam như vừa nêu, Ủy ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam, có phản biện vào ngày 11 tháng 3.

Phản biện được nêu ra trước 18 chuyên gia thuộc Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và người đứng đầu Ủy ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam, ông Võ Văn Ái công bố phúc trình phản biện với 19 khuyến cáo đối với chính phủ Việt Nam.

Theo ông Võ Văn Ái đúng nguyên tắc thì việc phúc trình về ICCPR phải được tiến hành hai năm một lần trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về việc thực thi ICCPR ; tuy nhiên Việt Nam mới chỉ thực hiện ba lần thì sự trì hoãn chứng tỏ không những Hà Nội chẳng tôn trọng nghĩa vụ quốc tế đối với Liên Hiệp Quốc mà còn xem thường các cơ hội để tăng cường bảo vệ các quyền dân sự và chính trị cho công dân.

Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam còn cho rằng những thông tin cung cấp qua Phúc trình của Hà Nội đã lỗi thời, lại phủ nhận mọi bằng chứng hiển nhiên về các cuộc bạo hành, đàn áp chống xã hội dân sự, gia tăng bắt bớ tùy tiện và kết án nặng nề những ai lên tiếng đòi hỏi các quyền được bảo đảm theo Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị.

Trong phản biện nêu ra, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam, nhận định rằng ‘an ninh quốc gia’ là lớp son hợp pháp để triệt tiêu quyền con người. Các điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia trong thực tế là đổ mã trang trí bên ngoài để đàn áp nhân quyền. Chính phủ Hà Nội không phân biệt đâu là hành xử bạo động và đâu là hành xử quyền tự do ngôn luận, nên biến các đòi hỏi nhân quyền ôn hòa thành hoạt động phạm tội.

Thống kê của Ủy ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam cho thấy từ tháng giêng năm 2017 đến tháng 2 năm 2018, có 117 nhà hoạt động dân sự, gồm 23 phụ nữ, bị cơ quan chức năng Việt Nam kết án từ 13 đến 20 năm tù.

***************

Việt Nam tại Kiểm điểm Nhân quyền trước Liên Hiệp Quốc ở Geneva (BBC, 12/03/2019)

Sang ngày thứ nhì của phiên họp 125 của Ủy ban Nhân quyền (Human Rights Committee) của Liên Hiệp Quốc tại Geneva, Thụy Sỹ, các câu hỏi cho thấy các quốc gia nắm rất sát tình hình thực tế về nhân quyền của Việt Nam.

quyen3

Trong phòng họp hôm 12/03 thuộc phiên họp 125 của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Palais Wilson ở Quai Wilson, Geneva

Phiên họp '125th Session of Human Rights Committee' diễn ra trong Palais Wilson ở Quai Wilson, Geneva và được đăng tải trên kênh truyền hình webtiv.un.org công khai của Liên Hiệp Quốc (Consideration of Viet Nam - 125th Session CCPR).

Nhiều vấn đề cụ thể

Những vấn đề về quyền dân sự, chính trị phía Việt Nam được các đại biểu nêu ra gồm cả câu hỏi về lực lượng Cờ Đỏ bị cho là thể hiện thù hằn tôn giáo, vấn đề tù nhân lương tâm, vấn đề tra tấn, về phân biệt đối xử với người thiểu số tin theo Thiên Chúa Giáo, luật an ninh mạng, luật lao động, về bình đẳng và không phân biệt giới tính, tự do báo chí...

Ngoài ra là vấn đề sức chứa tối đa của các phòng giam trong nhà tù, phòng tạm giam, tính độc lập của Bộ Tư pháp Việt Nam, việc tiếp cận dịch vụ y tế của người bị HIV...

Các câu hỏi khác là về vấn đề người Thượng hồi hương, về việc đảm bảo làm sao để cộng đồng bản địa, người thiểu số trước khi đất đai của họ bị đưa vào các công trình phát triển thì họ có được thông báo, và có cơ quan độc lập nào giám sát việc đó hay không.

Kể cả vấn đề đa nguyên chính trị, bầu cử, với sự tham gia của nhiều nhóm dân chúng không có hạn chế, khả năng tự ứng cử của những người không phải đảng viên cộng sản, về độc đảng ở Việt Nam cũng được nêu ra.

quyen4

Một thành viên Ủy ban, bà Marcia Kran (Canada) hỏi nhiều về người thiểu số và đa nguyên chính trị ở Việt Nam

Chẳng hạn có câu hỏi rằng nếu đa số các công chức, quan chức trong bộ máy chính quyền là Đảng viên Cộng sản thì làm sao đảm bảo tính đa nguyên ?

Trong phiên họp hôm 11/03, có đại biểu nói Hiến pháp Việt Nam có một chương riêng để thúc đẩy quyền con người, nhưng khi Liên Hiệp Quốc đối thoại với các quốc gia thành viên "thì chúng tôi không chỉ đơn giản là nhìn ở trong nội dung của luật mà chúng tôi còn nhìn vượt ngoài khuôn khổ đó nữa", theo video link công bố cùng ngày.

"Về mặt thực tế đặc biệt là việc thực hiện các quy định của công ước, những vấn đề nào mà người dân Việt Nam đang phải gặp phải trong việc thực hiện các quyền của mình, đặc biệt là quyền của những người bảo vệ nhân quyền, quyền của phụ nữ, quyền của dân tộc thiểu số và cũng như là làm sao để giúp cho họ để thực hiện các quyền được công nhận trong công ước", đại biểu này nói.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Khánh Ngọc, trưởng phái đoàn Việt Nam đã trả lời, nêu ra nhiều con số khác nhau :

"Hiện nay Việt Nam thì cũng đã có 100 luật mới liên quan đến các điều luật liên quan tới công việc bảo vệ và đẩy mạnh quyền con người, quá trình làm luật đã được đẩy mạnh hơn để theo hướng ngày càng minh bạch và tiến bộ.

Ông cũng cho hay, trong những năm gần đây, "Việt Nam thì cũng đã tập trung rất nhiều vào việc thực thi pháp luật hệ thống tòa án ví dụ đã được cải cách với nhiều cơ sở và điều kiện làm việc tốt hơn".

quyen5

Đoàn Việt Nam trả lời câu hỏi tại phiên họp ở Geneva 12/03

Trong phiên họp đang tiếp tục trong ngày 12/03, một quan chức thuộc đoàn Việt Nam tại phiên Kiểm điểm nói Việt Nam bảo vệ quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận rất mạnh mẽ.

Ví dụ, theo ông, "báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, và phát sóng".

"Luật tiếp cận thông tin có hiệu lực năm 2018, và yêu cầu nhu cầu giải trình của cơ quan nhà nước đối với các nhà báo và công dân".

Vị quan chức cũng nói "chưa bao giờ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được như ngày nay".

Ông nêu ra con số hàng nghìn nhà báo, con số hàng trăm đại diện báo chí nước ngoài ở Việt Nam nhưng không xác nhận Việt Nam có báo chí tư nhân hay không.

Về Luật An ninh mạng, ông nói Việt Nam "có công nghệ thông tin phát triển mạnh, với 2/3 người dân sử dụng internet, và làm sao bán được sản phẩm của người nông dân Việt Nam trên Amazon".

"Tuy nhiên, có những điều ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội như vụ tin tặc ở hai sân bay lớn, các chuyến bay bị hoãn, một ví dụ đó, và các hoạt động mang tính tội phạm trên mạng thì rất nhiều nên chúng tôi phải xây dựng an ninh mạng... làm sao đảm bảo quyền biểu đạt trên mạng".

Kết luận, ông nói, Việt Nam "rất tiếp thu các ý kiến của các bạn, để quyền tự do ngôn luận của người Việt Nam được phát huy hết".

Sau đó, một đại diện nữ của Ban Tôn giáo, chính phủ Việt Nam, rồi đến đại diện của Ban Dân tộc lần lượt trả lời.

Về quyền của dân tộc thiểu số, đại diện Việt Nam nói rằng nước này chưa soạn luật về dân tộc thiểu số vì như thế thì lại là "phân biệt đối xử dân tộc đa số".

Tuy thế, nữ đại biểu này nói Việt Nam đang nghiên cứu về luật hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số mà không phân biệt đối xử với người dân tộc đa số, và nghiên cứu này dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2019.

Các con số rất quan trọng

Có mặt tại phiên họp, một thành viên của tổ chức NGO Jubilee Campaign, ông Nguyễn Quốc Tuấn phê phán "đoàn Việt Nam tránh né trả lời vào câu hỏi của ủy ban mặt khác khi tránh né không được thì họ sẵn sàng nói dối không biết ngượng".

"Về các câu hỏi đặt ra thì chúng ta có thể thấy rõ những dữ liệu chúng ta trong vai trò xã hội dân sự, cung cấp qua các bản báo cáo đến Ủy ban Nhân quyền có giá trị quan trọng đặc biệt".

Điều này cho thấy hiện vẫn có sự khác biệt lớn trong quan điểm về nhân quyền và các quyền liên quan giữa chính phủ Việt Nam và các nhóm vận động ở bên ngoài.

Published in Việt Nam

Liên Hiệp Châu Âu nói với Việt Nam rằng họ lo ngại về 'sự xuống cấp của quyền dân sự và chính trị' trong lúc các vụ bắt giữ, giam cầm 'gia tăng mạnh mẽ'.

Đây là nội dung trong thông cáo của EU sau Đối thoại Nhân quyền tăng cường lần thứ 7 tại Hà Nội ngày 1/12.

Thông cáo này được dịch sang tiếng Việt, đăng trên trang Facebook chính thức của phái đoàn EU ở Việt Nam.

civil1

Phiên tòa phúc thẩm đối với blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh diễn ra một ngày trước cuộc Đối thoại Nhân quyền

Theo nội dung thông cáo ghi cuộc "Đối thoại đã đánh giá những phát triển gần đây trong lĩnh vực nhân quyền ở Việt Nam và Châu Âu, và trước đó là các cuộc họp với các tổ chức phi chính phủ từ Châu Âu và Việt Nam".

"Liên Hiệp Châu Âu đã nhấn mạnh về sự xuống cấp của quyền dân sự và chính trị và đã thảo luận về quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, quyền liên kết, tự do tôn giáo và quyền tiếp cận thông tin".

"Liên Hiệp Châu Âu đã bày tỏ những quan ngại sâu sắc về việc áp dụng rộng rãi các điều khoản an ninh quốc gia trong Luận Hình sự của Việt Nam và ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ của việc bắt giữ, giam cầm và kết án các công dân Việt Nam liên quan đến việc bày tỏ ý kiến của họ".

Bản thông cáo báo chí sau cuộc gặp Đối thoại Nhân quyền lần thứ 7 EU-Việt Nam, ngắn hơn, ngôn ngữ chung chung và chỉ dùng từ "nhân quyền" đúng một lần.

Trái với thông cáo báo chí sau hai cuộc họp Đối thoại Nhân quyền năm 2015 và 2016, bản thông cáo về cuộc họp hôm 1/12, có vẻ ngắn gọn hơn.

Trong khi đó bản thông cáo báo chí năm 2016, viết cụ thể về trường hợp của ông Nguyễn Hữu Vinh "Anh Ba Sàm" , Nguyễn Ngọc Như Quỳnh "Mẹ Nấm", ông Trần Huỳnh Duy Thức và luật sư Nguyễn Văn Đài.

Bản thông cáo năm nay chỉ ghi rằng EU nêu ra một số trường hợp cá nhân, đồng thời nhắc lại yêu cầu phía Việt Nam thả các công dân đang bị giam giữ vì đã thể hiện "quyền tự do biểu đạt một cách ôn hòa".

Hôm 30/11, Phái đoàn EU ra thông cáo cuối ngày, phản đối bản án đối với bà Quỳnh và cho biết phía chính quyền Việt Nam đã không cho phép đại diện phái đoàn khán dự phiên tòa, và nói sẽ nêu vấn đề này trong cuộc Đối thoại Nhân quyền.

Tuy nhiên, nhà báo tự do Phạm Đoan Trang cho rằng thông cáo của EU mang "ngôn ngữ ngoại giao, rất chung chung, mơ hồ".

"Các đề nghị, đề xuất của phía EU đều không mang tính căn bản. Nội dung như thế này là đặc biệt yếu nếu xét trong bối cảnh hiện nay, khi mà chính quyền VN vừa xử nặng, xử oan hai blogger Nguyễn Văn Hóa và Mẹ Nấm", bà Đoan Trang nói với BBC hôm 2/12.

BBC đã nhiều lần liên hệ với phía phái đoàn EU, và được cho biết lịch trình phái đoàn bận rộn chưa thể thu xếp trả lời phỏng vấn.

Trước Đối thoại : diễn biến trong giới xã hội dân sự

Trước đó đại diện phái đoàn EU đã có buổi gặp gỡ tiếp xúc với một số đại diện xã hội dân sự Việt Nam, nhưng ba trong bốn người đi dự đã bị phía an ninh câu lưu.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, bà Bùi Thị Minh Hằng và nhà báo tự do Phạm Đoan Trang cáo buộc họ bị phía công an Việt Nam bắt về đồn câu lưu nhưng sau đó được thả.

Một ngày trước cuộc Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam, diễn ra phiên tòa án phúc thẩm xét xử blogger và nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay còn biết đến là "Mẹ Nấm".

Tòa cuối cùng giữ nguyên bản án 10 năm tù cho bà Quỳnh.

Trước đó luật sư Võ An Đôn, một trong những luật sư đứng ra bào chữa cho bà Quỳnh bị tước thẻ luật sư, gây nhiều tranh cãi trong giới luật sư và hoạt động dân sự.

HRW kêu gọi phái đoàn gây áp lực

Hôm 28/11, tờ trình của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi phái đoàn EU phải gây áp lực lên chính quyền Việt Nam.

"Tình hình nhân quyền Việt Nam xấu đi đáng kể trong năm 2017. Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục độc chiếm quyền lực và trừng phạt những người dám thách thức vị trí của mình. Tất cả các quyền chính trị cơ bản, trong đó có quyền tự do chính kiến, lập hội, nhóm họp và đi lại đều bị hạn chế. Các nhóm tôn giáo chỉ được hoạt động dưới sự quản lý của chính quyền".

"Nhà cầm quyền dùng nhiều cách để cản trở các nhà hoạt động chính trị và nhân quyền, kể cả sách nhiễu tâm lý và cơ thể, theo dõi, quản chế trái pháp luật, ngăn cấm đi ra nước ngoài một cách tùy tiện, gây sức ép với nơi làm việc, chủ nhà hay người thân của các nhà hoạt động. Công an thường buộc các nhà vận động nhân quyền phải chịu những cuộc thẩm vấn kéo dài, đầy tính dọa dẫm".

"Nhà cầm quyền tùy tiện giam giữ biệt lập những người lên tiếng phê bình trong thời gian dài mà không cho tiếp xúc với luật sư hay gia đình thăm gặp. Nhiều người đã bị kết các bản án nhiều năm tù theo các tội danh an ninh quốc gia mơ hồ hoặc các điều luật hà khắc khác. Công an thường xuyên tra tấn các nghi can để ép nhận tội và đôi lúc sử dụng vũ lực quá mức để đối phó với các cuộc biểu tình đông người".

civil2

15 vụ bắt giữ tù nhân chính trị mà Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho là cần phải được chú ý

Phái đoàn EU do bà Mercedes Garcia Perez, Trưởng Vụ trưởng Vụ Nhân quyền của Cơ quan Ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu dẫn đầu.

Phái đoàn Việt Nam do ông Vũ Anh Quang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Quốc tế Bộ Ngoại giao Việt Nam dẫn đầu, ngoài ra còn có các đại diện từ các cơ quan, bộ, ngành khác nhau.

Trước đó, truyền thông Việt Nam nhiều lần trích dẫn quan điểm của Đảng và nhà nước, chính quyền cũng như Bộ Ngoại giao cho rằng nhân quyền Việt Nam đã được nhà nước Việt Nam bảo đảm từ trong Hiến pháp cho tới trên thực tế, rằng Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu trong nâng cao mức sống của người dân và các chỉ số về chất lượng sống, trong đó có địa hạt quyền con người.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao gần đây cũng như trong suốt nhiều năm trở lại nhiều lần công bố các tuyên bố và quan điểm của Bộ ngoại giao và chính phủ Việt Nam bác bỏ hoàn toàn các báo cáo nhân quyền của Mỹ và nhiều tổ chức chính phủ, liên chính phủ hoặc phi chính phủ quốc tế khác, trong đó có các tổ chức giám sát nhân quyền, cho rằng các quan điểm đó là sai trái, thiên lệch, thậm chí xuyên tạc, có dụng ý xấu và không đúng với thực tế nhân quyền tại Việt Nam.

Nhiều phát ngôn của phía chính quyền Việt Nam cũng khẳng định Việt Nam không hề có cái gọi là tù nhân chính trị hay lương tâm đang bị giam giữ, mà chỉ có những người vi phạm pháp luật hình sự đã bị tòa án nhân dân xét xử theo luật pháp của Việt Nam.

Published in Việt Nam