Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

‘Củi tươi’ Đinh La Thăng sắp bị ném vào lò ? (Người Việt, 27/11/2017)

Ông Đinh La Thăng, cựu bí thư Thành ủy Sài Gòn, người đứng sau vụ "mất trắng" 800 tỉ đồng của Petro Vietnam (PVN) lại thấy bóng dáng trong một vụ "đại án" sắp được lôi ra xét xử vào cuối năm nay hay đầu năm tới.

cui1

Ông Đinh La Thăng. (Hình : AFP/Getty Images)

Hôm 25 tháng Mười Một, 2017, báo chí trong nước đưa tin "Thường trực Ban chỉ đạo" chống tham nhũng của đảng cộng sản Việt Nam đã "thống nhất kế hoạch kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 15 vụ án, 8 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm". Chủ tọa phiên họp là ông Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng.

Theo báo chí trong nước, các phiên tòa xét xử từ nay đến cuối năm 2017 tới tháng Giêng và đầu tháng Hai năm 2018 gồm các "đại án" : vụ Trịnh Xuân Thanh từ Đức độn thổ về Việt Nam "thú tội" "tham ô tài sản", vụ góp vốn 800 tỷ đồng nay đã "mất trắng" của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân Hàng Đại Dương (Oceanbank), vụ Phạm Công Danh và đồng phạm "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" tại 4 ngân hàng bao gồm Ngân Hàng Xây Dựng Việt Nam, Ngân Hàng Sài Gòn Thương Tín, Ngân Hàng Tiên Phong, Ngân Hàng Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam, và vụ Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm được xử thêm phần "hội đồng xét xử phúc thẩm hủy án để điều tra, truy tố, xét xử lại và các kiến nghị của hội đồng xét xử".

Riêng về vụ án PVN mất trắng 800 tỉ đồng khi góp vốn vào Ngân Hàng Đại Dương (Ocean Bank) cho tới nay, phần lớn các xếp lớn nhất của tập đoàn này đã vào tù. Người thì đã có án như ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên phó tổng giám đốc rồi chủ tịch PVN, nguyên tổng giám đốc Ocean Bank, đã bị kết án tử hình hồi tháng Chín năm 2017, những ông khác mới bị tạm giam và cũng mới chỉ thấy ra tòa làm nhân chứng trong vụ xử ông Nguyễn Xuân Sơn.

Cá nhân ông Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên và Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập Đoàn PVN (2005-2011) tức người nắm quyền sinh sát trong tay, cho tới giờ này vẫn chỉ thấy thỉnh thoảng đề cập tới một vài tờ giấy làm bằng chứng cho các căn cứ để các thuộc cấp của ông mang tội "cố ý làm trái…" hay "tham ô".

Ông Đinh La Thăng, sau khi rời PVN đã được đôn lên làm Bộ trưởng Giao thông vận tải (2011-2016) rồi trong kỳ đại hội đảng đầu năm 2016, đã được bầu vào Bộ chính trị và được đưa về làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn. Đường hoạn lộ của ông tưởng đến đây là bảo đảm an toàn cho đến khi "hạ cánh an toàn".

Một đảng viên của thành phố Sài Gòn bật mí rằng "một bộ phận không nhỏ" đảng viên về tham dự Đại hội đảng tháng Giêng 2016 tại Hà Nội đã nhận được quà của ông Đinh La Thăng mà nhờ đó, ông đắc cử vào Bộ chính trị. Nghe nói số "quà" ông vung ra để mua phiếu lên đến hàng trăm tỉ đồng Việt Nam. Cái ông nói nhỏ cái vụ này cho biết cá nhân ông hạng tép riu nên chi "cầm về nhà" được có 80 triệu đồng.

cui2

Nguyễn Xuân Sơn, tổng giám đốc Ocean Bank, một đàn em của Đinh La Thăng bị kết án tử hình hồi giữa tháng Chín năm 2017, nhưng Đinh La Thăng vẫn chưa bị sờ gáy. (Hình : Getty Images)

Ông Đinh La Thăng, sau màn "kỷ luật" hồi cuối tháng Tư 2017, bị gạt ra khỏi cái ghế trong Bộ chính trị và mất luôn cái ghế bí thư Thành ủy Sài Gòn. Tuy vậy, ông lại được đưa về Hà Nội ngồi chơi xơi nước với cái chức hàm "phó ban kinh tế trung ương" trong khi nhiều thuộc cấp của ông đi tù.

PVN mất trắng 800 tỉ đồng góp vốn vào Ngân Hàng Ocean Bank sau khi ngân hàng này lỗ, thất thoát 15,000 tỉ đồng, sửa soạn sập tiệm thì Ngân Hàng Nhà Nước nhảy vào mua lại với giá zero đồng.

Ngay trong khi xét xử vụ OceanBank, Bộ Công An đã khởi tố 5 người là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) để điều tra hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại 800 tỷ đồng, dự trù sắp ra tòa.

Đây là một phần trong giai đoạn II đại án tham nhũng kinh tế xảy ra tại Ngân Hàng Ocean Bank trong đó có 5 người bị khởi tố gồm Nguyễn Xuân Sơn – nguyên chủ tịch HĐTV PVN ; Ninh Văn Quỳnh – phó Tổng giám đốc PVN ; Nguyễn Xuân Thắng và Nguyễn Thanh Liêm – nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN ; Vũ Khánh Trường – nguyên ủy viên Hội đồng quản trị PVN.

Trong phiên họp vào các ngày 24 đến 26 tháng Tư, 2017, ở Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra trung ương đảng cộng sản Việt Nam đã đề nghị "Bộ chính trị, Ban chấp hành trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng" với các tội vi phạm quy chế về góp vốn của tập đoàn PVN vào một tổ chức tín dụng (OceanBank), vi phạm các quy định của chính phủ khi đư ra các nghị quyết, quyết định "chỉ định thầu" nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước.

Trong 12 đại dự án kỹ nghệ gây thất thoát hàng chục ngàn tỉ đồng đang "đắp chiếu" vì tham nhũng và nhiều lý do khác, có 5 dự án là của PVN mà ông Đinh La Thăng cầm đầu tập đoàn. Những người cầm đầu trực tiếp các dự án này, ít kẻ trốn ra nước ngoài, nhiều người đang nằm trong các nhà tù. Riêng ông Thăng thì chưa.

Trong khi bào chữa cho ông Nguyễn Xuân Sơn, hồi giữa tháng Chín năm 2017, luật sư Nguyễn Minh Tâm nêu ý kiến cho rằng, Viện kiểm sát đã bỏ qua những chi tiết quan trọng "đẩy" Nguyễn Xuân Sơn vào con đường chết.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm đã trưng ra văn bản ngày 7 tháng Chín 2010 do Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng ký. Đó là văn bản số 6843 yêu cầu các đơn vị thành viên thuộc PVN và các nhà thầu dầu khí phải thực hiện mở tài khoản tại OceanBank, thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại OceanBank bao gồm : cấp phát vốn, thanh toán, gửi tiền, và các dịch vụ tài chính khác, trong đó có các quan hệ tài chính giữa các đơn vị với nhau, theo Infonet tường thuật.

Trong những phiên tòa tới đây, liệu "củi tươi" Đinh La Thăng vẫn an toàn hay bị quăng vào lò ? Không chỉ liên quan đến 800 tỉ đồng mất trắng, thời gian gần đây, ông Đinh La Thăng còn bị cáo buộc liên quan đến các dự án "BOT" chỉ định thầu thu phí cầu đường và cả vấn đề cắt đặt nhân sự. (TN)

**********************

Ngân sách cộng sản Việt Nam 2018 : Thâm thủng nhiều hơn để nuôi chế độ (Người Việt, 27/11/2017)

Ngân sách của nhà nước cộng sản Việt Nam năm 2018 tiếp tục phình ra to hơn những năm trước và tỉ lệ bội chi cũng nhiều hơn trước của cái chính phủ tự khoe là "chính phủ kiến tạo".

cui3

Một người dân nghèo ở Sài Gòn kiếm sống bằng nghề mua vỏ xe cũ, trong khi chế độ tiếp tục dùng tiền thuế của dân nuôi bộ máy cồng kềnh. (Hình : Getty Images)

Quốc Hội cộng sản Việt Nam chấm dứt khóa họp thứ hai trong năm nay hồi cuối tuần qua với những lời xưng tụng là "hoàn thành tốt đẹp" khóa họp với kết quả chỉ là bàn cãi chiếu lệ, chất vấn chiếu lệ các "quyết sách" của nhà nước nhưng thật ra là chủ trương của đảng cộng sản Việt Nam.

Một trong những nhiệm vụ chính của khóa họp này là thông qua dự toán ngân sách năm 2018 chỉ thấy được báo chí thuật lại với những con số hết sức vắn tắt dù chế độ rêu rao "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra".

Người ta chỉ thấy bản dự toán ngân sách năm 2018 được nêu ra vắn tắt gồm tổng thu dự trù 1.319.200 tỉ đồng trong khi dự chi lên đến 1.523.200 tỉ đồng. Tức là bội chi ngân sách 204.000 tỉ đồng, tương đương 3,7% GDP (tổng sản lượng quốc gia).

Người ta không hề thấy đề cập hay nêu ra các con số về phân bổ ngân sách là bao nhiêu cho quốc phòng, kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, đầu tư phát triển, v.v… và cũng không hề thấy có cuộc thảo luận nào về ngân sách được đề cập trên mặt báo chí trong nước ngoài loan báo các con số tổng quát.

Trên trang mạng chinhphu.vn, người ta chỉ thấy có "Bản cân đối ngân sách nhà nước năm 2017" với tổng thu ước lượng 1.212.180 tỉ đồng, tổng chi 1.390.480 tỉ đồng. Như vậy, thâm thủng ngân sách năm 2017 phỏng định là 3,5% GDP. Trong đó, người ta không thấy nêu ra bất cứ con số nào ngân sách dành cho an ninh và quốc phòng.

Đối chiếu hai bản ngân sách 2017 và 2018, thấy ngân sách năm 2018 phình ra to hơn năm 2017 và tỉ lệ bội chi cũng cao hơn. Ngoài các mục "chi thường xuyên" để nuôi guồng máy cồng kềnh của chế độ, một số tiền của ngân sách nhà nước khoảng 276.000 tỉ đồng phải để trả nợ cả tiền gốc lẫn tiền lời cho các khoản vay để đầu tư các cơ sở hạ tầng và các khoản vay nhà nước bảo lãnh.

Năm nay, các khoản nợ ngày một phình to ra, nhà nước phải dành số tiền lớn hơn để trả nợ. Sang năm, chế độ Hà Nội sẽ phải vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước là 363.284 tỷ đồng. Nợ công ngày một đè nặmh lên đầu mọi người dân từ nhỏ đến lớn.

Giữa năm ngoái, ngày 12 tháng Sáu 2017, báo chí trong nước qua tờ điện tử VietnamNet kêu rằng : "Không phải bây giờ, gánh nặng ngân sách chi cho bộ máy hành chính ở Việt Nam mới được nhắc đến. Các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo : Không một ngân sách nào có thể kham được một bộ máy hành chính lớn như Việt Nam".

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan được báo trong nước hồi năm ngoái thuật lời cho hay cứ 40 người dân phải nuôi một ông bà công chức. Tờ Lao Động ngày 29 tháng Mười 2017 cũng kể rằng : "Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Mỹ có dân số gần gấp 4 lần Việt Nam, nhưng đội ngũ công chức của họ chỉ có 2,1 triệu. Cứ 160 người dân Mỹ chỉ nuôi một công chức, trong khi đó 40 người dân Việt Nam phải nuôi một công chức".

Thật ra, bà Phạm Chi Lan chỉ nói đến guồng mày hành chính công quyền từ trung ương xuống các địa phương. Tờ Trí Thức Trẻ ngày 7 tháng Giêng, 2017, nói nếu kể tất các tổ chức đảng và ngoại vi, hội nọ, hội kia, từ trung ương tới địa phương, những người nghỉ hưu đều cũng phải nuôi bằng ngân sách nhà nước, thì tổng số người mà toàn dân phải è cổ cõng tất cả là 11 triệu người. Tính ra, cứ hơn 8 người dân là phải nuôi một ông bà quan chức của chế độ, dù có làm hay ngồi ở nhà. (TN)

*********************

Quảng Trị xây trung tâm bảo trợ xã hội $4 triệu rồi bỏ hoang (Người Việt, 27/11/2017)

Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội Tổng Hợp 1 tỉnh Quảng Trị, được xây dựng rộng 13,6 ha hoàn thành vào cuối năm 2014 nhưng hiện bị bỏ hoang.

cui4

Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội 1 tỉnh Quảng Trị với hàng loạt dãy nhà "xây xong để... ngắm". (Hình : Báo Tiền Phong)

Theo báo Tiền Phong, năm 2010, ủy ban tỉnh Quảng Trị phê duyệt dự án xây dựng Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội Tổng Hợp 1 tỉnh Quảng Trị, do Sở Lao động Quảng Trị làm chủ đầu tư với kinh phí 96,9 tỷ đồng (khoảng hơn 4 triệu USD) từ ngân sách.

Trung tâm được xây dựng trên diện tích 13,6 ha, gồm 7 phân khu : Khu làm việc của cán bộ ; văn hóa và điều trị ; quản lý cai nghiện và mại dâm ; tâm thần kinh ; học nghề và sản xuất ; chăn nuôi, tăng gia trồng trọt ; khu kỹ thuật. Mục đích "nhằm góp phần ngăn chặn, hạn chế tốc độ gia tăng người nghiện ma túy, mại dâm, lây nhiễm HIV/AIDS cũng như các bệnh truyền nhiễm khác… để ra ngoài hòa nhập cộng đồng".

Cuối năm 2014, trung tâm này hoàn thành các hạng mục chính. Tỉnh Quảng Trị cũng chi ra 6 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để xây dựng đường thảm nhựa dài hơn 1 cây số đi vào trung tâm và một số đường bên trong nối các phân khu.

cui5

Nhân viên phải thường xuyên cắt cỏ, dọn dẹp ở trung tâm… "bỏ hoang" này. (Hình : Báo Tiền Phong)

Ngày 31 tháng Năm, 2016, ủy ban tỉnh Quảng Trị ra quyết định thành lập trung tâm với đầy đủ "ban bệ" gồm ban giám đốc cùng 5 phòng chuyên môn.

"Tính đến tháng Mười Một này, đơn vị đã đi vào hoạt động được hơn 4 tháng với đội ngũ 16 cán bộ, viên chức. Song, hiện trung tâm chưa nhận được bất kỳ đối tượng nào như mục tiêu dự án đề ra", ông Trần Văn Thành, giám đốc trung tâm nói với báo Tiền Phong.

Theo ông Thành, do Nghị Định 221 của chính phủ, muốn đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện theo dạng bắt buộc thì cần 37 đến 40 ngày để làm đầy đủ 17 loại giấy tờ từ cấp xã, huyện nên lúc hoàn thành hồ sơ thì đối tượng đã rời khỏi địa phương.

Chưa hết, trang thiết bị tại trung tâm hiện gần như là "rỗng ruột", chỉ có 92 giường inox, nên mặc dù người bệnh có nhu cầu vào khá đông, song chưa thể tiếp nhận được.

"Trung tâm muốn hoạt động thì cần tuyển thêm 10 đến 20 cán bộ và phải trang bị đầy đủ cơ sở vật chất. Hiện cán bộ, nhân viên ở đây chỉ làm mỗi việc cắt cỏ, dọn dẹp trung tâm ‘bỏ hoang’ này, nhưng cũng không xuể", ông Thành nói. (Tr.N)

Published in Việt Nam