Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

samedi, 13 octobre 2018 12:32

Thủ Thiêm rước Bác Hồ về

Câu chuyện về Nhà hát Giao hưởng còn đang trên bàn mổ chưa ngã ngũ thì chính quyền thành phố lại tung ra con bài mới, thách thức người dân cả nước, đặc biệt những ai đang phản biện vụ Nhà hát Giao hưởng khi Chủ tịch UBND thành phố đề nghị đặt tên quảng trường Hồ Chí Minh cho dự án Quảng trường Trung tâm & Công viên Bờ sông.

bac1

Địa điểm xây dựng Quảng trường Trung tâm & Công viên Bờ sông, nay đổi thành Quảng trường Hồ Chí Minh, Thủ Thiêm - Ảnh minh họa

Nếu nhà hát tốn 1.500 tỷ thì Quảng trường Hồ Chí Minh tốn tới 2.000 tỷ. Quảng trường này rộng 27 héc ta có sức chứa hơn 4 trăm ngàn người và quần thể chung quanh nó là nhà sàn, ao cá, công viên… Nói chung, đó là nơi để nhắc nhở người dân về Hồ Chí Minh, một lãnh tụ vĩ đại luôn "ám ảnh" những kẻ tai to mặt lớn, đến nỗi cứ có chuyện gì khó xử thì đem ông ấy ra như một cái bung xung nhằm che chắn cho những chính sách, hành động dối trên lừa dưới.

Theo báo chí phát hiện thì công ty Đại Quang Minh được thành phố chọn giao nhiều dự án với phương thức đổi đất lấy hạ tầng. Công ty Đại Quang Minh đầu tư 4 trục đường chính của khu Đô thị mới Thủ Thiêm và thành phố giao cho công ty này một số lô đất mà không phải qua đấu thầu : 4 trục đường có chiều dài 12 cây số và giá thành mỗi cây số là 1.000 tỷ, 12 ngàn tỷ được Đại Quang Minh đổi lấy đất của dân Thủ Thiêm thì ra bao nhiêu héc ta ?

Dự án Quảng trường Trung tâm & Công viên Bờ sông (nay đang được đề nghị đổi tên là Quảng trường Hồ Chí Minh) cũng do công ty này thực hiện trên phương thức đổi đất lấy hạ tầng, vì vậy nói rằng thành phố bỏ ra 2.000 tỷ là không chính xác, phải nói thẳng là thành phố đã cướp đất của dân Thủ Thiêm để xây dựng quảng trường này.

Trước cửa UBND thành phố đã hiện diện một pho tượng của bác nhiều chục năm nay, cũng công viên, ghế đá, chung quanh là khu vui chơi giải trí nhưng thú thật ngàn lần như một khi chạy xe ngang lúc nào tôi cũng tự hỏi tại sao lại vắng người như thế ? Mặc dù đây là địa điểm vàng của thành phố, người dân lúc nào cũng tấp nập qua lại nhưng không ai ghé vào những chiếc ghế đá trong công viên có tượng Bác để ngồi nghỉ hay ngắm nghía khung cảnh chung quanh.

Lý do thì có nhiều nhưng nói là người dân Sài Gòn không thích loại tượng đài như vậy cũng là một cách trả lời.

Khi Quảng trường Hồ Chí Minh thành hình, người dân thành phố chắc chắn sẽ đến vui chơi trong thời gian đầu tiên vì tò mò, vì muốn xem mức độ hoành tráng của nó như thế nào và nhất là họ sẽ ghé vào nhà sàn của Bác thăm ao cá, và sau đó rồi… thôi, không đến nữa vì quá xa và nhất là không có gì hấp dẫn để xem.

Sẽ có từng đoàn khách tham quan do các UBND các tỉnh (hay chính UBND Thành phố) vận động về thăm Quảng trường như một cách ghi nhớ công ơn của Bác, còn phía sau cái kết quả "ghi nhớ" ấy đố ai mà biết được có bao nhiêu phong bì sẽ tiêu tốn trong các lần "ghi nhớ" như vậy ?

Còn người dân Thủ Thiêm thì sao ?

Họ đâu còn ở Thủ Thiêm nữa mà đến những nơi sang trọng như Nhà hát Giao hưởng hay hoành tráng như Quảng trường Hồ Chí Minh. Nhưng có lẽ thời gian đầu họ sẽ lặn lội từ những nơi mà họ bị buộc di dời như Cát Lái, Bình Trưng, Thạnh Mỹ Lợi và Nam Rạch Chiếc để đến mục kích những công trình mọc lên từ nước mắt lẫn máu của họ. Giống như thân nhân chết vừa mới chôn, sau ba ngày thì phải về mở cửa mả vậy.

Đó là những gia đình chấp nhận di dời vì không còn cách nào khác, còn hàng ngàn hộ đang vất vưởng người không ra người, ma không ra ma thì chắc chắc họ sẽ gọi nhau mà đến. Thay vì khiếu kiện tận Hà Nội thì sẵn có Bác đang ở đây họ thay nhau trình bày nỗi oan ức của mình cũng như sự tha hóa tận cùng của những cán bộ lãnh đạo của Thành phố. Đây là cơ hội vàng cho những con người khốn khổ lầm than mà không bút mực nào tả cho hết nỗi đau thấu trời của họ.

Rồi sẽ bắt bớ, sẽ xuống đường, sẽ đánh đập người dân như đã và đang xảy ra. Nhưng cùng khổ như dân Thủ Thiêm thì có gì làm họ khiếp sợ được nữa ?

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 12/10/2018 (canhco's blog)

******************

Thủ Thiêm, stop Hồ Chí Minh

Trương Duy Nhất, RFA, 13/10/2048

Thôi, không nói chuyện quốc tang, lăng mộ, với nhà giao hưởng nữa. Thiên hạ chửi thối trời rồi. Nhắc nữa, chỉ thấy thêm… căm thù !

bac2

Đất nước này, từ bắc chí nam, đã có biết bao những Hồ Chí Minh thế, nhiều vô kể, không đếm nổi. *Giờ nói chuyện quảng trường Thủ Thiêm, ngay từ cái tên gọi.

Hãy để Thủ Thiêm là chính Thủ Thiêm. Sao cứ phải gán chi cho ông Hồ ? Hoặc, cứ đặt là quảng trường Gà, Vịt, Cỏ, Nước, Đá, Cây gì đấy cũng được, há chẳng hay hơn, văn hóa hơn, sao cứ phải Hồ Chí Minh ?

Một quảng trường Ba Đình cho ông Hồ là đủ.

Đây là đề nghị nghiêm túc, thiết nghĩ chính phủ (thậm chí Bộ chính trị) cần có hẳn một nghị quyết, hay "đảng lệnh" nào đó, nhằm chặn ngăn, stop cái tư duy… Hồ Chí Minh này.

Đất nước này, từ bắc chí nam, đã có biết bao những Hồ Chí Minh thế, nhiều vô kể, không đếm nổi. Đến dựng cả tượng bố ông Hồ.

Hãy để Thủ Thiêm là chính nó. Hoặc cao hứng, dựng hẳn tượng thằng cu cởi truồng, chĩa con chim khổng lồ đái vồng qua sông thành một cây cầu nước huyền diệu. Thi vị quá đi chứ !

Văn hóa là thế. Đâu phải cứ cột cờ với lãnh tụ.

Trương Duy Nhất

Nguồn : RFA, 13/10/2018 (truongduynhat's blog)

Published in Diễn đàn

Đề nghị xây ‘Quảng trường Hồ Chí Minh’ 2.000 tỷ tại Thủ Thiêm (RFA, 12/10/2018)

Tiếp theo đề nghị xây nhà hát giao hưởng hàng ngàn tỷ đồng gây tranh cãi, Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh ngày 12/10 vừa có đề nghi đặt tên Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm là ‘Quảng trường Hồ Chí Minh’.

vn1

Tượng Hồ Chí Minh trước văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh hôm 23/5/2016 - Hình minh họa. AFP

Theo báo trong nước, ‘Quảng trường Hồ Chí Minh’ dự kiến rộng 27 hecta, bao gồm các hạng mục như cột cờ tổ quốc, nhà trưng bày về chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà sàn và ao cá, công viên bờ sông, cầu đi bộ nối Thủ Thiêm với Quận 1.

Quảng trường trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm được nói sẽ là quảng trường lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư cho dự án được công bố gần 2.000 tỷ đồng.

Theo truyền thông trong nước, với sức chứa tối đa 430.000 người, đây sẽ là nơi diễn ra các sự kiện chính trị lớn và giao lưu văn hóa được nói nhằm ‘tạo hình ảnh một thành phố kinh tế năng động, một trung tâm văn hóa hài hòa truyền thống và hiện đại’.

Dự án này sẽ được Công ty Đại Quang Minh thực hiện theo phương thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao, và do một công ty của Pháp là Defrain Souquet Deso thiết kế.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng diện tích là 930 ha, nằm bên bờ sông Sài Gòn. Từ đầu những năm 2010, thành phố đã bắt đầu tiến hành việc giải tỏa, xây dựng khu vực này thành một khu đô thị mới. Việc di dời, giải toả đã ảnh hưởng đến khoảng 14.600 hộ dân với hơn 60.000 người. Nhiều người dân ở đây từ 20 năm nay đã khiếu kiện lên trung ương về việc giải tỏa, quy hoạch mà họ cho là sai trái của chính quyền địa phương.

Hôm 8/10, Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh biểu quyết 100% đồng ý xây dựng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Nhiều ý kiến của người dân trên mạng sau đó đã phản đối việc xây dựng nhà hát giao hưởng tốn kém vì cho rằng còn nhiều cơ sở hạ tầng khác người dân thành phố cần hơn vào lúc này.

*******************

Nhà hát Thủ Thiêm 64 triệu USD sẽ nằm cạnh ‘nấm mồ hoang phế’ 35 triệu USD (Người Việt, 12/10/2018)

Nhờ vụ xây nhà hát giao hưởng hơn 64 triệu Mỹ kim (hơn 1.500 tỷ VND) đang gây tranh cãi mà người ta phát hiện công trình này sẽ được đặt cạnh Trung Tâm Triển Lãm Quy Hoạch Thành Phố trị giá 35 triệu Mỹ kim (815 tỷ VND) nay đang bỏ hoang ở Thủ Thiêm.

vn4

Trung Tâm Triển Lãm Quy Hoạch Thành Phố (tòa nhà hình chữ A) trị giá 35 triệu USD nay đang bỏ hoang ở Thủ Thiêm. (Hình : Zing)

Với người dân Sài Gòn, Trung Tâm Triển Lãm nêu trên là khối bê tông đồ sộ, hình chữ A có thể nhìn thấy bên kia sông Sài Gòn từ đường Tôn Đức Thắng, thường được mô tả là "nấm mồ hoang phế" hoặc "lô cốt màu xám".

Lật lại báo cũ, VnExpress hồi tháng Mười Một, 2012, tường thuật : "Với diện tích 18.000 m2, Trung Tâm Triển Lãm Quy Hoạch Thành Phố cao 5 tầng là công trình xanh thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Kinh phí xây dựng công trình này là 35 triệu USD, được khởi công trong quý một năm 2013 và hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2015. Đây cũng là công trình công cộng mang tính biểu tượng đầu tiên được xây dựng trên khu đô thị mới Thủ Thiêm".

Hiện tại đã quá thời hạn nêu trên từ lâu nhưng người ta không thấy tin công trình này khánh thành.

Báo Zing hôm 11 tháng Mười mô tả : "Hiện tại lô đất [có Trung tâm Triển lãm Quy hoạch Thành phố và nhà hát giao hưởng sắp xây] là vùng đầm lầy, cây cối mọc um tùm. Một phần diện tích là mặt hồ đầy rau muống. Nơi đây cũng là chỗ câu cá cho nhiều cần thủ".

Các hình chụp từ trên cao của báo này cũng cho thấy Trung tâm Triển lãm Quy hoạch Thành phố nằm trơ trọi giữa đồng cỏ và không có dấu hiệu được sử dụng.

Blogger Phan Quang Tuyến bình luận trên trang cá nhân : "Ôi biết bao lời nói có cánh, gió bay phành phạch của những kẻ làm "dự án" và phê duyệt "dự án". Nhưng đến nay thì… ai cũng đã thấy, công trình đang bỏ hoang phế, cỏ mọc um tùm, là bãi đáp lý tưởng cho những con bò… đến gặm cỏ. Theo dự kiến thì nhà hát giao hưởng hàng chục triệu đô la sẽ được xây dựng bên cạnh Trung tâm triển lãm này. Rồi không biết số phận của nó có hẩm hiu như anh bạn cùng ‘phường chèo’ này không : Cũng hết vốn, cũng hoang phế, cũng đội vốn, chờ rót vốn… ? Đồ rằng trách nhiệm gây lãng phí tài nguyên quốc gia, thất thoát tiền thuế của dân rồi cũng như ‘sợi dây kinh nghiệm’, rút hoài không hết !"

Cùng thời điểm, nhà báo Hà Phan ở Sài Gòn cảm thán trên trang cá nhân : "Nếu một, hai năm nữa may mắn hoàn thành không biết trung tâm này sẽ hoạt động ra sao khi bốn bề cỏ dại mọc đầy, hạ tầng hầu như chưa có gì ? Không biết sau khi giơ tay thông qua chủ trương xây những dự án như thế này, các vị dân biểu có một lần ngó ngàng hay giám sát ? Tôi không tin là có và nhìn rất xót xa cho những đồng thuế của chúng ta".

Trong một diễn biến khác, bất chấp dư luận vẫn không ngớt phản đối, giới chức ở Sài Gòn vẫn mạnh miệng bảo vệ việc xây nhà hát giao hưởng hơn 64 triệu USD. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn tiếp tục hứng nhiều chỉ trích khi phát ngôn : "Vài ngày qua, có một vài người gọi điện hỏi tôi làm nhà hát cho ai, cho người giàu hay người nghèo. Tôi có trả lời là người giàu hay nghèo đều có thể thưởng thức được và nhà hát sẽ có tiền sảnh lớn phục vụ miễn phí nhiều chương trình nghệ thuật đại chúng". (T.K.)

***************

Thủ tướng Việt Nam cảm ơn Indonesia trả 177 ngư dân Việt về nước (RFA, 12/10/2018)

Hôm 12/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ Tổng thống Indonesia Joko Widodo ở Bali nhân dịp tham dự Cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN bên lề Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ Quốc tế - Ngân hàng Thế giới (IMF - WB).

vn2

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (phải) và Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại Diễn đàn kinh tế ASEAN, 9/2018. AFP

Tại buổi gặp gỡ này, Tổng thống Widodo thông báo rằng Jakarta đã trả tự do cho 177 ngư dân Việt Nam bị nước này bắt giữ với cáo buộc đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển Indonesia.

Indonesia là nơi có nhiều ngư dân Việt Nam bị bắt giữ. Lần gần đây nhất Indonesia trao trả 42 ngư dân cho phía Việt Nam vào ngày 24/7 vừa qua. Năm ngoái, Indonesia đã trao trả hơn 1.000 ngư dân bị bắt giữ cho phía Việt Nam.

Nhiều ngư dân Việt Nam bị phía Indonesia bắt giữ cho biết họ không đi vào lãnh hải của phía Indonesia. Khi ra tòa, một số yêu cầu cần chứng minh tọa độ nơi bị bắt, nhưng yêu cầu đó không được đáp ứng.

Cơ quan chức năng hai nước Việt Nam và Indonesia nói đang đàm phán để phân định vùng đặc quyền kinh tế chồng lẫn giữa hai nước ở phía đông nam Việt Nam. Trong lần gặp vào ngày 12 tháng 10 ở Indonesia, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và tổng thống Indonesia Joko Widodo được Thông Tấn Xã Việt Nam trích lời cho biết là cả hai bày tỏ sự vui mừng về việc phân định ranh giới thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế giữa hai bên đang tiến triển tốt đẹp.

***************

Ân Xá Quốc Tế cảnh báo về Luật An Ninh Mạng của Việt Nam (RFA, 12/10/2018)

Ân xá Quốc tế cảnh báo Luật An ninh mạng của Việt Nam sẽ có hiệu lực trong 2 tháng tới

Tổ chức Ân xá Quốc tế ngày 11/10 phát đi hình ảnh cảnh báo cho thấy Luật An ninh mạng còn 2 tháng nữa sẽ có hiệu lực thi hành sau khi Quốc hội Việt Nam bấm nút thông qua vào ngày 12/6/2018, bất chấp phản đối của nhiều người dân tại Việt Nam.

vn3

Hình minh họa của Ân Xá Quốc Tế - Courtesy Amnesty International

Ông Nguyễn Trường Sơn, người phụ trách vận động khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) viết trên Facebook cá nhân rằng trong dự thảo nghị định hướng dẫn luật an ninh mạng mới ra đời, các điều khoản của nghị định này sẽ yêu cầu các công ty dịch vụ internet bao gồm cả Facebook, Google, Zing lẫn Zalo lưu trữ quan điểm chính trị, các mối quan hệ, lịch sử nhắn tin, thông tin tài khoản, số bảo hiểm xã hội và cả chi tiết tài khoản ngân hàng của người dùng. Và nguy hại hơn, cơ quan chức năng được quyền biết các thông tin đó bất cứ lúc nào họ muốn.

Ông Nguyễn Trường Sơn viết rõ "nếu bạn còn không chắc về mối họa mà luật An Ninh Mạng đem lại, thì giờ bạn đã rõ rồi chứ ?"

Hôm 10/10/2018, trên Fanpage của blooger Lê Nguyễn Hương Trà cũng đăng tải bản dự thảo hơn 40 trang - Qui định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng được gửi đi lấy ý kiến các bộ, ngành.

Đáng chú ý là trong điều 54 của dự thảo này, những công ty cung cấp dịch vụ Internet ở Việt Nam như Facebook, Google… sẽ phải lưu trữ thông tin như các cuộc trò chuyện, thông tin giao dịch, thói quen tìm kiếm… và phải cung cấp cho Cục trưởng Cục An ninh mạng khi có yêu cầu điều tra.

Published in Việt Nam