‘Lợi ích quốc gia, dân tộc và nhân dân’ theo quan niệm của lãnh đạo Hà Nội là gì ?
RFA, 09/04/2021
Phạm Minh Chính - Tân Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tại lễ bàn giao công việc của Thủ tướng Chính phủ hôm 8 tháng 4 năm 2021 đã khẳng định sẽ đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc và của nhân dân lên trên hết.
Ông Phạm Minh Chính - Tân Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tuyên thệ nhậm chức hôm 5/4/2021. AFP PHOTO
Lãnh đạo Chính phủ còn cam kết sẽ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ theo Hiến pháp, nhằm tiếp tục xây dựng chính phủ liêm chính, hiệu quả, gần dân hết sức phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân...
Các vị lãnh đạo Chính phủ Việt Nam lâu nay thường nói đến việc đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc và của nhân dân lên trên hết. Vậy phải hiểu các đảng viên coi ‘lợi ích của quốc gia, dân tộc và của nhân dân’ là gì ? Liệu họ có coi trọng hơn ‘lợi ích của Đảng’ ?
Từ Hà Nội, hôm 9 tháng 4 năm 2021, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, nhận định với Đài Á Châu Tự Do :
"Tôi nghĩ đó là một cách nói của họ, họ luôn luôn nói như thế, nhưng mà phải hiểu rằng họ đánh đồng quốc gia, dân tộc với Đảng của họ. Cho nên phải hiểu rằng Đảng của họ là trên hết, bởi vì họ nghĩ họ là quốc gia, họ là dân tộc. Cái sự đánh đồng đấy là một cái mẹo mà không chỉ Đảng cộng sản Việt Nam, mà hầu như các chính trị gia kiều nào họ cũng đánh đồng như vậy cả. Thật sự là tôi không quan tâm lắm đến họ nói gì, tôi quan tâm xem họ làm thế nào, và để có thể đánh giá sơ bộ thì ít nhất cũng cần sáu tháng để xem họ làm cái gì ? Còn những lời nói bay bổng như thế thì tôi nghe chán tai lắm rồi".
Lợi ích quốc gia - dân tộc là vấn đề tối hệ trọng của mỗi quốc gia trong chính sách phát triển và bảo vệ đất nước. Còn nhân dân có thể hiểu là tập hợp đông đảo những người dân thuộc mọi giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội, tôn giáo... đang sống trong một khu vực địa lý nhất định, chẳng hạn như ‘nhân dân Việt Nam’.
Vậy trên thực tế, Chính quyền Việt Nam coi trọng lợi ích lợi ích của quốc gia, dân tộc và của nhân dân như thế nào ? Nhà báo Võ Văn Tạo, khi trả lời RFA từ Nha Trang hôm 9/4, cho biết ý kiến của mình :
"Giới lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam thì ông nào bà nào cũng phát biểu những câu rất là khuôn sáo như là đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết. Nhưng thực tế không phải vậy, đôi lúc chỗ này chỗ khác không long trọng như lễ tuyên thệ, thì các ông các bà mới bộc lộ ra như khi phát biểu ở hội nghị này, hội nghị kia... thì phát biểu đưa đảng lên đầu tiên, có vị còn quên cả quốc gia dân tộc. Theo tôi đánh giá, họ vẫn coi quyền lợi của Đảng cộng sản Việt Nam là tối thượng, chứ không phải quyền lợi của quốc gia dân tộc".
Theo Nhà báo Võ Văn Tạo, dân tộc là một khái niệm bao trùm nhiều tầng lớp, trong nhiều thời kỳ, nhiều giai tầng của xã hội phải đoàn kết. Nếu thật sự vì dân tộc thì phải tìm mọi cách để đoàn kết các tầng lớp, các giai tầng trong xã hội. Ở trong lãnh đạo chóp bu của Đảng cộng sản Việt Nam là Bộ chính trị với Nghị quyết 36 để bàn về vấn để hòa hợp, hòa giải dân tộc. Thế nhưng thực chất không phải vậy, ông Tạo nêu ví dụ :
"Như Nghĩ trang Quân đội Việt Nam Cộng hòa ở Bình Dương, mỗi lần thân nhân của những người cán binh Việt Nam Cộng hòa tử trận đến thăm viếng... thì bị an ninh rình rập, khủng bố, theo dõi, đe dọa... Họ làm đủ cách để gây khó khăn, ghi vào sổ đen... Thì cái đấy sao nói là vì dân tộc được. Còn về quốc gia thì tôi thấy hầu hết các nước phát triển đều theo thể chế đa nguyên, đa đảng, tôn trọng tự do báo chí, có tam quyền phân lập... để mà giám sát lẫn nhau thì mới đảm bảo bộ máy nhà nước đi đúng hướng, vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Còn những quốc gia độc tài, trong đó có đảng cộng sản thì họ tuyên bố trắng trợn là họ không chia sẻ quyền lực với ai."..
Vậy thì theo Nhà báo Võ Văn Tạo, làm sao phát huy được tiềm năng của con người, của đất nước. Những chuyện đó chứng tỏ những người đứng đầu đất nước, đặt quyền lợi của nhóm lãnh đạo của đảng lên trên quyền lợi của đất nước, của dân tộc, mà điều đó theo ông Tạo là rất tai hại.
Giới lãnh đạo Hà Nội luôn tuyên tuyền Việt Nam là một quốc gia dân chủ, nhân quyền. Tuy nhiên bất cứ ai đấu tranh cho tự do dân chủ và đấu tranh cho quyền tự do của nhân dân đều bị trấn áp, bắt bớ, bỏ tù với những bản án hết sức nặng nề. Đơn cử như trường hợp Blogger Trương Duy Nhất, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, Phạm Thành, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Văn Hóa… Hay mới nhất là trường hợp của bà Nguyễn Thúy Hạnh, người vừa bị công an bắt giữ hôm 7/4/2021 tại Hà Nội. Những người này hay nhiều người khác thực chất chỉ lên tiếng vì quyền lợi của người dân mà phải chịu tù tội. Những người này thường bị kết tội vi phạm các điều khoản về an ninh quốc gia trong Bộ luật hình sự vốn bị quốc tế lên án là mù mờ và được dùng để trấn áp những tiếng nói bất đồng. Đó là các Điều 331 và 117.
Nhà hoạt động Trần Bang khi trả lời Đài Á Châu Tự Do từ Sài Gòn, nhận xét :
"Bề ngoài thì bao giờ cũng nói vì lợi ích quốc gia, vì nhân dân, vì đất nước. Nhưng bởi vì cái đảng này độc tài, có một đảng thôi, không có ai cạnh tranh quyết liệt. Ví dụ đảng này có 1 người bộ trưởng hay ủy viên trung ương chẳng hạn mà có điều tiếng, chưa nói đến tham nhũng rõ ràng... thì cả cái đảng đó từ chức để đảng khác lên, thì lúc đó mới chính thức là vì nhân dân. Nhưng bây giờ họ nói họ vì nhân dân đất nước nhưng họ vẫn cứ một đảng, rồi nếu họ có tham nhũng, vi phạm nhân quyền, cướp đất đai tài sản của nhân dân... thế nhưng khi xử án thì chính đảng viên đảng cộng sản lại xét xử chính người của họ".
Theo Nhà hoạt động Trần Bang, rõ ràng nếu chỉ có một đảng cầm quyền thì các vị lãnh đạo muốn nói gì cũng được. Nếu người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng mà nhân danh Đảng, cam kết cạnh tranh lành mạnh với các tổ chức chính trị xã hội khác, ai tốt hơn sẽ lên lãnh đạo..., thì lúc đó ông Bang sẽ tin rằng các nhà lãnh đạo đó vì nhân dân, vì đất nước...
Nguồn : RFA, 09/04/2021
*********************
Luật do Quốc hội khóa XIV ban hành có thực sự phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân ?
RFA, 09/04/2021
Quốc hội Việt Nam Khóa XIV tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 11 vào chiều ngày 8/4 báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIII cho biết có 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết được ban hành trong nhiệm kỳ.
Đoàn Chủ tịch biểu quyết thông qua danh sách Ban Thẩm tra tư cách đại biểu Đại hội Đảng 13
Báo cáo khẳng định nhiều luật trong số vừa nêu đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền tự do kinh doanh ; đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa ; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm trong ngành luật, Luật sư Hà Huy Sơn đang sống tại Hà Nội nhận định :
"Theo tôi thì chuyện người ta báo cáo thì báo cáo chứ không có đối trọng, không có giám sát về mặt chính trị thì không ai có thể khẳng định báo cáo đấy đúng hay sai.
Theo ý nghĩ của tôi thì không có đối trọng, đa đảng đa nguyên thì chuyện dân chủ phụ thuộc vào đảng cộng sản, người ta cho thế nào thì biết vậy".
Trao đổi với RFA tối 9/4, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống, nguyên Trưởng khoa Xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội, từng rời bỏ Đảng nhận xét về tình hình dân chủ tại Việt Nam hiện nay như sau :
"Dân chủ của dân không những không cải thiện mà ngày càng kém đi. Ví dụ hiện nay ở trong Đảng càng ngày sự mất dân chủ càng nhiều hơn. Hiện nay đang chuẩn bị bầu cử Quốc hội, tôi theo dõi thấy dân chủ kém đi".
Từ Hà Nội, Nhà hoạt động dân sự Nguyễn Lân Thắng nói rõ hơn thực tế ‘thiếu dân chủ’ đang diễn ra :
"Trong giai đoạn vừa rồi ở Việt Nam cũng vẫn có vô số người hoạt động xã hội cũng như người bất đồng chính kiến lên tiếng những vấn đề đất nước và hoàn toàn thực hiện quyền công dân của mình là phản biện xã hội mà bị bắt giam.
Trong đó trường hợp gần đây nhất là chị Thúy Hạnh và một số người khác nữa như anh Lê Trọng Hùng, là những người phổ biến pháp luật, phổ biến Hiến pháp và tham gia vào việc ứng cử Hội đồng Nhân dân cũng bị bắt.
Thế thì mọi báo cáo, mọi điều luật khi để những chuyện đấy xảy ra thì rất phi lý".
Mới đây nhất, gia đình ông Nguyễn Quốc Huy, một nhà thơ người Chăm, vào ngày 9/4, đã cho RFA biết ông Huy bị mất tích 2 ngày sau khi bị công an mời lên làm việc.
Facebook ông Huy cho hay ông tự ứng cử do ‘nhìn thấy các đại biểu Quốc hội đồng tộc mình, chủ yếu để làm kiểng’.
Bên cạnh đó, ông Huy còn đăng tải trên Facebook cá nhân những thông tin về vụ án chống người thi hành công vụ của 3 người Chăm trong vụ việc tranh chấp đất đai với chính quyền địa phương ở thôn Văn Lâm, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Trong cùng ngày 7/4, nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh cũng đã bị Công an thành phố Hà Nội bắt giữ về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩaN Việt Nam" theo Điều 117 Bộ luật hình sự 2015.
Tổ chức Ân xá Quốc Tế (Amnesty International) vào ngày 8/4 ra thông cáo kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho bà Nguyễn Thúy Hạnh, nhưng yêu cầu này đến nay vẫn chưa được chính phủ Hà Nội đáp trả.
Trước đó, nhà báo chuyên viết bài chống tiêu cực Nguyễn Hoài Nam, người từng làm việc cho nhiều báo bao gồm Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Niên, và VTV đã bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh khởi tố và bắt giam ngày 2/4.
Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, ông Nam bị bắt để điều tra tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật hình sự 2015".
Như vậy, chỉ trong một tuần đầu tháng 4, RFA ghi nhận có ba trường hợp bị bắt giữ vì biểu đạt ý kiến bị cho là ‘chống chính quyền’ như vừa nêu.
Theo GS. TS. Nguyễn Đình Cống, sở dĩ có những chuyện bắt bớ như vừa nêu là do tư tưởng, chủ trương của những người chỉ đạo cao nhất muốn hạn chế dân chủ của dân.
Do đó, GS. TS. Nguyễn Đình Cống cho rằng nếu để đúng theo báo cáo Quốc hội khóa XIV về nội dung ‘phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân’, chính phủ Hà Nội cần thay đổi :
"Biện pháp có nhiều nhưng quan trọng là phải từ tư tưởng, chỉ đạo của người ta. Trong ý thức của những người lãnh đạo phải có vậy (dân chủ) trước, còn trong ý thức người lãnh đạo không có cái ấy thì những biện pháp đề ra chỉ là giả tạo mà thôi tại vì có ai chỉ đạo thi hành đâu. Hoặc nói để cho có dân chủ của dân thì cái đấy quá đơn giản.
Dân chủ đầu tiên phải trong chuyện bầu người đại diện, người ta có được tự do chọn không ? Đầu tiên là phải để dân tự do bầu, người ta thích ai thì người ta bầu. Còn áp đặt thì chẳng thể nào có dân chủ được.
Ở một đất nước muốn làm gì thật hay, thật đúng thì chính nước ấy phải trở thành tình cảm và nhận thức của những người lãnh đạo cao nhất. Khi đó người ta sẽ nghĩ ra những chuyện để thực hiện, còn không người ta chỉ nói quanh nói quẩn".
Vẫn theo GS. TS. Nguyễn Đình Cống, việc thực hiện không hề khó vì mọi điều khoản đã được nhắc đến trong Hiến pháp và luật pháp, nên nếu những người điều hành đất nước muốn là có thể thực hiện được.
Theo báo cáo Chỉ số Dân chủ 2019 của Economist Intelligence Unit, Việt Nam tuy có cải thiện nhưng vẫn trong nhóm Chuyên chế và đứng hạng 136/167 quốc gia trong bảng xếp hạng.
Trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, tình trạng dân chủ tại Việt Nam được những nhà quan sát trong và ngoài nước cũng như các tổ chức nhân quyền quốc tế đánh giá bị tuột dốc nghiêm trọng khi Chính phủ Hà Nội cho bắt giữ hàng loạt các nhà bất đồng chính kiến, nhà hoạt động xã hội dân sự, blogger, nhà báo độc lập… chỉ vì nêu lên quan điểm cá nhân.
Nhiệm vụ của cơ quan Quốc hội là xây dựng các luật xác lập quyền của người dân ; tuy nhiên trong thực tế nhiều quyền công dân căn bản vẫn chưa được các vị dân biểu bảo đảm thông qua những bộ luật được Quốc hội thảo luận và thông qua.
Nguồn : RFA, 09/04/2021
*********************
Cán bộ đầy tỳ vết lên làm lãnh đạo lớn : trắng trợn chà đạp luật pháp ?
RFA, 07/04/2021
Ông Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk, vừa được Quốc hội Việt Nam bầu giữ chức Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khóa XV hôm 7/4 với gần 97% phiếu bầu của đại biểu quốc hội Việt Nam.
Bí thư Đăk Lăk Bùi Văn Cường. Nguồn : thanhtra.com.vn
Đáng quan tâm là trước đó, vào khoảng tháng 8 năm 2020, ông Bùi Văn Cường bị tố cáo là đạo văn cho luận văn bảo vệ tiến sĩ của bản thân. Sau đó, người đã tố cáo ông Bùi Văn Cường đạo văn là Võ sư - Tiến sĩ Phạm Đình Quý, cựu giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng, đã bị công an đã bắt giữ.
Một người khác ủng hộ người tố cáo ông Bùi Văn Cường là nhà báo Trương Châu Hữu Danh cũng đã bị Công an Cần Thơ bắt giữ với cáo buộc tội ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân’.
Từ Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương nhận định về việc ông Bùi Văn Cường được bầu cử lên chức như sau :
"Đại hội Đảng XIII vừa qua bộc lộ một số điều những người bị dư luận xã hội đánh giá kém cỏi, trình độ thấp, đạo đức kém, nhân cách tồi thì lại leo cao.
Anh ta không xử sự đàng hoàng, ví dụ khẳng định không đạo văn thì phải có hội đồng khoa học, ông ta lại đưa vấn đề ủy ban chính trị đưa ra để khẳng định không đạo văn. Đây là cái chúng tôi đánh giá là kém cỏi của sự lãnh đạo hiện nay ở đất nước mình".
Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn lời ông Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đăk Lăk cho hay, dựa theo kết luận số 65 của Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ xác minh ông Bùi Văn Cường không có hành vi đạo văn khi bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam năm 2018.
Cũng trong ngày 15/10/2020, Đại hội Đảng bộ tỉnh Đăk Lăk đã bỏ phiếu bầu ông Bùi Văn Cường tái đắc cử chức Bí thư tỉnh này.
Trao đổi với RFA vào tối 7/4, Tiến sĩ Ngôn ngữ học Hoàng Dũng, thuộc Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng về việc đắc cử của tân Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khóa XV là truyền thống cũ, không gì mới mà người dân Việt Nam đã quá quen thuộc.
"Chuyện này không phải mới mẻ, nếu chú ý thì ông Đào Ngọc Dung đi thi quay cóp bị lập biên bản sau đó vẫn làm Bộ trưởng thành ra người ta nghĩ rằng chuyện đạo văn không liên quan gì chuyện quan chức nên người ta mới làm vậy".
Ông Đào Ngọc Dung bị bắt quả tang quay cóp trong môn thi Hành chính công của kỳ tuyển Nghiên cứu sinh trường Học viện hành chính quốc gia Việt Nam vào ngày 27/5/2006.
Sau đó, ông Dung bị ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa X kỷ luật bằng hình thức khiển trách và phân công công tác khác. Dù vậy, ông Đào Ngọc Dung vẫn được thăng nhiều chức vụ sau đó.
Ngày 9/4/2016, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội Việt Nam khóa XIII, ông Đào Ngọc Dung được phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam.
Vào tháng 5/2020, nhiều người dân đã gửi thư đến báo nhà nước trình bày chuyện nhiều cán bộ huyện, tỉnh Bắc Giang có sai phạm liên quan đến Dự án Di dân tái định cư xây dựng Trường bắn Quốc gia khu vực 1 vào năm 2011 nhưng vẫn được thăng chức.
Dù đã có kết luận sai phạm của Thanh tra Chính phủ đối với các cán bộ thực hiện dự án từ năm 2012, nhưng ông Bùi Văn Hạnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện dự án của tỉnh lúc bấy giờ lại được thăng chức Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang ; còn ông La Văn Nam vào năm 2011 giữ chức Phó chủ tịch UBND huyện, kiêm Trưởng Ban Bồi thường hỗ trợ huyện Lục Ngạn hiện làm Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn.
Trong khi đó, những người dân do không được bồi thường thỏa đáng nên đã trở về đất cũ trồng cây, canh tác do có xô xát với người đến đào vàng và lực lượng chức năng nên đã bị bắt giữ, xử lý hình sự và kết án tù về tội "Gây rối trật tự công cộng".
Tiến sĩ Hoàng Dũng nhận định về thực trạng lãnh đạo sai phạm vẫn được thăng chức như sau :
"Ở Việt Nam vấn đề không phải pháp lý mà vấn đề nằm ở người cầm cân nảy mực thực hiện pháp lý đó vì người ta sẵn lòng đạp qua pháp lý dù pháp lý do chính người ta soạn thảo ra.
Pháp luật chẳng qua nói chơi cho vui, cái chính phụ thuộc người nào cầm quyền. Người cầm quyền tử tế theo pháp luật, người nào không tử tế chà đạp pháp luật người dân không cách nào giải quyết".
Tiến sĩ Hoàng Dũng đưa ra ví dụ cho lập luận vừa nêu :
"Điều lệ Đảng ghi rõ không được làm quá hai nhiệm kỳ nhưng người ta vẫn cứ làm. Trong Hiến pháp ghi rõ Quốc hội sẽ họp và bầu ra ông Thủ tướng mới dưới sự điều khiển của ông Thủ tướng cũ, bây giờ Quốc hội chưa có người ta đã bầu ra ông Thủ tướng mới.
Cái đó người ta ngang nhiên chà đạp luật pháp thì lớn hơn rất nhiều so với việc đưa một ông có khuyết điểm lên làm Bộ trưởng".
Theo ông Nguyễn Khắc Mai, việc bầu cử, thăng chức những quan chức sai phạm chỉ đem lại lợi ích cho một phe nhóm nào đấy nhưng nhất định không có lợi cho đất nước Việt, dân tộc Việt.
Bên cạnh đó, ông Mai cũng cho rằng việc lãnh đạo không tôn trọng luật pháp sẽ gây ra nhiều hệ lụy lớn :
"Cứ như thế thì làm sao người ta tin cậy những chính sách, đường lối, quyết định minh bạch và đúng đắn. Đây là trường hợp tạo ra sự phân tâm trong xã hội, không hay ho gì cho sự lãnh đạo của đất nước. Tín nhiệm của ban lãnh đạo sẽ thấp trong mắt người dân".
Trước tình trạng này, ông Nguyễn Khắc Mai đưa ra đề xuất :
"Phải minh bạch và tôn trọng dư luận xã hội để những con người ấy được phán xét bởi xã hội. Như vậy phải mở rộng dân chủ để sự lựa chọn người cầm cân nảy mực làm ở những ngôi thứ cấp cao, tạo ra cho người dân có quyền tham gia, góp ý kiến và nâng trình độ mình lên để có thể lắng nghe".
Theo ông Nguyễn Khắc Mai, tại Đại hội Đảng vừa qua không chỉ có việc ông Bùi Văn Cường được bổ nhiệm gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, mà việc Chánh án Nguyễn Hòa Bình được vào Bộ chính trị cũng vấp phải nhiều phê phán.
Chánh án Tối cao Nguyễn Hòa Bình khi báo cáo trước Quốc hội ngày 25/3 vừa qua đã cho rằng "Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trong nhiệm kỳ không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội. Việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hành chính đúng pháp luật."..
Tuy nhiên, thực tế từ vụ án tử tù Hồ Duy Hải, phiên tòa phúc thẩm vụ Đồng Tâm, hoặc những phiên xử các nhà hoạt động nhan quyền, môi trường, những nhà báo độc lập… lại được nhận định từ dư luận trong và ngoài nước là Tư pháp không công bằng.
Trong danh sách các bộ trưởng Chính phủ nhiệm kỳ mới (2021/2026) có ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Ông Nguyễn Thanh Nghị từng bị kỷ luật vì sai phạm đất đai tại Kiên Giang khi làm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, nhưng rồi lại lên làm Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang. Sau đó về làm Thứ trưởng Bộ Xây Dựng và nay là Bộ trưởng Bộ Xây Dựng.
Nguồn : RFA, 07/04/2021
Xây dựng quốc gia dân tộc (Nation-State Building) để Việt Nam trở thành cường quốc cần có bước khởi đầu là Cách mạng Dân chủ, bởi vì Diễn biến Hòa bình và Tự Diễn biến không thể thực hiện được, và hai cách này cũng không thể thay đổi được bản chất độc tài độc đảng của chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay, nó có thể lâu vô tận, và nó có thể làm cho vi trùng cộng sản quen thuốc để biến hóa thành một dạng độc tài ngúy hiểm khác.
Những tiêu biểu của Quốc gia Dân tộc Việt Nam : mái cung điện cổ xưa đều có những mái chìa cong ở góc
Đảng cộng sản Việt Nam không có khả năng xây dựng Quốc gia Dân tộc do bởi :
(1) họ dựa vào công nhân và nông dân làm bạo lực cách mạng để cướp chính qúyền nên khả năng tàn phá thì không ai bằng còn kiến thức xây dựng Quốc gia Dân tộc thì không bằng ai ;
(2) họ cương qúyết không bỏ Mác-Lê, trong khi Mác-Lê là lý thúyết quốc tế chủ trương xóa bỏ biên cương quốc gia, phục vụ nghĩa vụ quốc tế, như thơ Tố Hữu diễn tả
"Bên ni biên giới là mình
Bên kia biên giới cũng tình quê hương"
hay như bài hát
"Việt Nam Trung-Hoa,
Núi liền núi, sông liền sông,
Chung một biển Đông, mối tình hữu nghị sớm như rạng đông.
Bên sông tắm cùng một dòng..."
nên việc nắm qúyền bằng mọi giá mới là mục tiêu tối hậu chứ không phải việc xây dựng Quốc gia Dân tộc.
Quốc gia (state) dân tộc (nation) là ý niệm trừu tượng để chúyên chở những gì không trừu tượng như các sắc dân, lãnh thổ, chính qúyền, văn hoá... Liên Hiệp Quốc định nghĩa Quốc gia Dân tộc là nơi đa số dân chúng có ý thức mạnh về cái căn cước chung của mình và chia sẻ chung một nền văn hóa. Nhà nghiên cứu chính trị Ngúyễn Gia Kiễng cho rằng nó vẫn còn chưa đủ để gắn bó mà cần có thêm một yếu tố nữa là cùng cam kết cho một vận mệnh tương lai chung, như nguời Do Thái hay nguời Nhựt chẳng hạn, nghĩa là không nhảy bỏ thúyền trong bất cứ hoàn cảnh nào (người Nga, nguời Trung Quốc, người Việt Nam... khi giàu thuờng hay bỏ nước ra đi).
Nếu quả địa cầu, nơi cho sự sống của mọi sinh vật, nằm trong Khu Khóa Vàng (Goldilocks) và có các đặc điểm lý tưởng như vừa không quá nhỏ vừa không quá lớn, vừa không quá gần vừa không quá xa (mặt trời), vừa không quá nóng vừa không quá lạnh, thì Quốc gia Dân tộc cũng tương tự như vậy, nó là một mô hình tổ chức xã hội đã được thử thách qua thời gian và được chứng minh là hữu hiệu nhất để dúy trì và phát triển sự sinh tồn. Bởi vì nó không quá lớn ra phạm vi toàn cầu để các thành viên bị lạc lõng, chính qúyền không chăm sóc nỗi, không quá nhỏ trong phạm vi bộ tộc để bản năng xã hội thiếu sức mạnh phát triển sự sinh tồn. Nó không quá cục bộ để cực đoan sắc tộc, không quá thế giới đại đồng để không tưởng và phủ nhận bản năng. Cho nên hợp quần trong phạm vi Quốc gia Dân tộc để tranh đấu vẫn là hợp quần vượt trội nhất trong các dạng hợp quần để dúy trì và phát triển sự sinh tồn của con người.
Ngày nay nhân loại sống trong Thời dại Thông tin (Information Age) mà trúyền thông và vận chúyển đã làm nhỏ lại quả địa cầu, biên cương quốc gia bị hạ thấp hơn, địa cầu trở thành một ngôi làng thế giới. Có người cho rằng đây là cơ hội cho chính qúyền toàn cầu (world state) mà năm 1932, nhà văn Aldous Huxley trong tác phẩm "Brave New World" đã chủ trương.
Nhưng trong khi kinh tế có khúynh hướng toàn cầu hóa thì chính trị có khúynh hướng đi ngược chiều theo phong trào dân túy (populism), và hai yếu tố luôn gây chia rẽ là tôn giáo và chủng tộc lại có môi trường thuận tiện để bùng phát mạnh lên (Kosovo, Trung Đông, Miến Điện...). Ngoài ra, các thực thể không Quốc gia Dân tộc (non-state actors) lại có cơ hội xuất hiện như nấm mọc sau cơn mưa. Cho nên dù chúng ta ở trong thời đại mới thì mô hình hợp quần Quốc gia Dân tộc vẫn là mô hình thích hợp nhất cho tranh đấu sinh tồn.
Bản năng sinh tồn là sự tương tác của ba bản năng vị kỷ, tình dục và xã hội trong từng hoàn cảnh của môi trường mà sinh vật phải sống ở trong đó. Trong môi trường nghèo đói thì bản năng vị kỷ sẽ vượt trội và biến con người thành ích kỷ, trong môi trường sung túc thì bản năng vị kỷ sẽ tương tác với bản năng xã hội để biến con người thành vị tha.
Cá nhân là sinh vật, tổ chức là sinh vật, gia đình là sinh vật, Quốc gia Dân tộc là sinh vật. Với gia đình thì sự tương tác giữa ba bản năng đi theo thứ tự Tình dục để trúyền tử lưu tôn, Vị Kỷ để nuôi dưỡng con cái và Xã Hội để có được sự hài hòa trong cuộc sống. Nhưng với Quốc gia Dân tộc thì sự tương tác lại đi theo thứ tự Xã Hội để Quốc gia Dân tộc tạo được sức mạnh trong sự cạnh tranh, Vị Kỷ để làm giàu cho đất nước mình, và Tình dục để dúy trì dân số (Nga là Quốc gia Dân tộc đang súy tàn vì dân số càng ngày càng súy giãm).
Những cộng đồng dân tộc đã góp công xây dựng Quốc gia Dân tộc Việt Nam từ hơn 4.000 năm qua
Vì Quốc gia Dân tộc là sinh vật cho nên nó cần được nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển. Bất cứ một sinh vật nào, muốn phát triển thì cần phải được nuôi dưỡng và xây dựng đúng cách, muốn đúng cách thì phải có kiến thức tốt về sinh vật đó, từ sự vận hành cho đến khả năng biến cải với môi trường chung quanh. THĂNG BẰNG là yếu tố qúyết định trong sự phát triển lành mạnh của sinh vật. Nếu muốn chiến thắng bằng mọi giá trong cuộc chiến tranh húynh đệ tương tàn, thì cái giá phải trả là nhiều triệu sinh linh phải hy sinh và đất nước bị tàn phá. Nếu muốn nắm qúyền bằng mọi giá thì cái giá phải trả là "một thời kỳ Bắc thuộc rất ngúy hiểm đã bắt đầu!" như cựu bộ trưởng ngoại giao cộng sản Việt Nam Ngúyễn Cơ Thạch đã nhận định.
Người phương tây có những kinh nghiệm và kiến thức hữu ích trong việc xây dựng Quốc gia Dân tộc. Các nước đông phương nào biết sử dụng các kiến thức này để kiến quốc như Nhật, Hàn, Đài Loan, Singapore đều thành công. Họ tập chơi cái game của người phương tây để đánh bại phương tây trên chính cái game mà phuơng tây bày ra.
Việt Nam có lợi thế là có khoảng 4 triệu người sống ở các quốc gia phương tây, các cộng đồng sắc tộc (diasporas) này là kho tàng để xây dựng Quốc gia Dân tộc. Họ sống trong các đô thị đa sắc màu (cosmopolitans) có kiến thức khoa học kỹ thuật, có kinh nghiệm thương mãi cạnh tranh trong kinh tế thuần túy thị trường, có tham gia chính trị chính dòng, và có lòng giúp đỡ để xây dựng Quốc gia Dân tộc.
Để làm được việc người dân bên trong và bên ngoài cùng nhau hợp lực để xây dựng Quốc gia Dân tộc, điều cần làm trước tiên là một cuộc cách mạng dân chủ ở Việt Nam. Để cách mạng xảy ra thì thanh gươm và lá chắn (công an và quân đội) phải là của Quốc gia Dân tộc chứ không phải là của Đảng cộng sản Việt Nam.
Lê Minh Ngúyên
(03/07/2018)