Tại phiên họp 32 hôm 15/4/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Quốc hội Việt Nam họp ở Hà Nội hôm 23/10/2023. AFP Photo
Với thể chế chính trị như Việt Nam hiện nay, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, làm sao để không chỉ là hình thức ?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, đã bị giải thể khi trả lời RFA hôm 15/4/2024, nhận định :
"Tôi nghĩ Quốc hội và Hội đồng nhân dân chỉ có thể giám sát hiệu quả đối với các quan chức Nhà nước do họ bổ nhiệm nếu họ được quyền bổ nhiệm và thực quyền bãi nhiệm. Tức là Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được quyền bãi miễn ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và tất cả các giám đốc sở Quốc hội cũng tương tự như vậy. Đây là cách hiệu quả nhất để họ giám sát những người và những cơ quan dưới quyền của họ có làm đúng hay không ? Bởi vì động lực mạnh nhất, bên dưới người ta sợ nhất là mất chức…
Nhưng theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, rất đáng tiếc là ở Việt Nam Quốc hội không làm được vai trò giám sát rất quan trọng nhất đó. Ngoài ra, theo ông A, Quốc hội cũng không đủ chuyên môn để giám sát, ông lý giải :
"Bởi vì giám sát phải cho do những cơ quan chuyên nghiệp làm. Ví dụ những vấn đề môi trường, những vấn đề về vệ sinh thực phẩm… là phải có những tổ chức độc lập, cũng là của nhà nước nhưng không thuộc chính quyền và chỉ thuần túy hoạt động về mặt kỹ thuật, những người đấy thuần túy là kỹ trị, không dính gì đến chính quyền, không dính dáng đến chính trị. Những tổ chức này có thể cũng do Quốc hội hay Hội đồng nhân dân lập ra, nhưng họ không cần nghe theo chỉ đạo của Quốc hội hay Hội đồng nhân dân, mà họ chỉ hoạt động theo mục đích được quy định theo luật của họ, ví dụ tòa án thì chỉ việc xử theo đúng luật mà thôi".
Nhưng Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, thật đáng tiếc ở Việt Nam tòa án không phải là cơ quan độc lập, thì nói chi đến những cơ quan nhà nước độc lập trong những lĩnh vực khác :
"Tôi nghĩ lẽ ra, Quốc hội chỉ nên giám sát các cơ quan nhà nước khác về việc thực hiện luật do Quốc hội ban hành. Thứ hai giám sát bằng việc bổ nhiệm và bãi nhiệm, không nghe lệnh từ ai cả… Đằng này Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam mà quyết định, thì Quốc hội không dám làm gì về chuyện bổ nhiệm, bãi nhiệm… Do đó nói giám sát là nói chơi cho vui vậy thôi".
Trước đó, vào tháng 11/2023, tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, diễn ra tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho biết Quốc hội Việt Nam sẽ giám sát nhiều vấn đề quan trọng từ năm 2024.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban nghiên cứu - Ban Dân vận Trung ương, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho rằng :
"Yêu cầu giám sát là một yêu cầu rất tự nhiên mà người dân đã mong ước từ nhiều năm nay, chỉ có điều họ không làm được. Bây giờ trước sức ép của dư luận, họ buộc phải tăng cường chức năng giám sát của Quốc hội, như thế cũng là điều tốt, tích cực đấy... nhưng tôi không hy vọng đạt được yêu cầu".
Giải thích về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tăng cường triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động giám sát của Quốc hội sẽ góp phần đưa các chính sách, pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, bảo đảm có hiệu quả cao, đáp ứng sự mong mỏi của người dân.
Cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí thì cho rằng, ông hoàn toàn không kỳ vọng vào việc tăng cường giám sát của Quốc hội Việt Nam :
"Tôi hoàn toàn không đặt một niềm tin nào vào Quốc hội này ! Bởi vì Quốc hội này là do Đảng cử, còn việc dân bầu chỉ là hình thức, tất cả những người tự ứng cử thì đều bị loại ngay từ vòng ngoài, tức là vòng hiệp thương. Một số lớn trong số những ứng cử viên đấy đã hoặc đang bị bắt cầm tù bởi những tội danh hết sức vu vơ".
Với một Quốc hội như vậy thì ông Vũ Minh Trí cho rằng không nên mất nhiều thời gian để kỳ vọng :
"Nếu như có một vài ý kiến nghe có vẻ được lòng dân, ví dụ như Dương Trung Quốc, Nguyễn Minh Thuyết... thì tôi đánh giá đây không phải là những tiếng nói thật sự xuất phát từ nhận thức, từ tình cảm, từ trái tim của từng con người đó... mà là những tiếng nói theo sự phân công. Và giống như một thủ đoạn mị dân và nó hoàn toàn có tính chất giả hiệu".
Hiến pháp 2013 quy định Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân ; Đảng cộng sản Việt Nam phải chịu sự giám sát của Nhân dân. Tuy nhiên cho đến nay, quyền giám sát của Nhân dân đối với Đảng cộng sản Việt Nam được cho là chỉ nằm trên giấy !
Nguồn : RFA, 15/04/2024