Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sun Group ‘khiếu nại’ về loạt bài của báo Phụ Nữ (BBC, 01/10/2019)

Tập đoàn tư nhân Sun Group và Sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng gửi khiếu nại lên Bộ Thông tin và truyền thông về loạt bài của báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh.

sun1

Cầu Vàng tại Sun World Ba Na Hills, do Sun Group đầu tư

BBC được biết Sun Group đã có đơn gửi lên Bộ khiếu nại báo Phụ Nữ "thông tin sai sự thật" về doanh nghiệp, kèm theo 255 trang tài liệu.

Ngoài ra, Sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng cũng khiếu nại lên Bộ, cho rằng báo Phụ Nữ vi phạm luật báo chí.

Trong loạt bài điều tra của báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh có bài phỏng vấn kiến trúc sư Hồ Duy Diệm, người nói việc Đà Nẵng giao địa danh Bà Nà cho Sun Group là "sai hoàn toàn".

Báo chỉ trích Sun Group ở Tam Đảo

Loạt bài của báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh dành nhiều trang cho dự án Tam Đảo II của Sun Group.

Một bài ký tên Tổng Biên Tập, bà Ái Mỹ, có tựa "Ai đã đem di huấn Bác Hồ đổ biển ?"

Bài này viết : "Những cánh rừng ở Tam Đảo II được xếp vào loại rừng giàu (tự nhiên) theo cách phân loại lâm sinh. Hơn 300 héc-ta của vùng dự án du lịch sinh thái của Tập đoàn Sun Group lại thuộc khu vực giàu có về đa dạng sinh học.

Ai sẽ phải trả lời trước di huấn của Người để lại, là nhân dân, là chính quyền hay những "ông trời" ngay giữa hạ giới ?"

Một bài khác nói rằng tờ báo được đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (tỉnh Bến Tre) ủng hộ khi theo dõi loạt bài liên quan tới việc "danh thắng Tây Thiên có nguy cơ bị sụp đổ bởi dự án Tam Đảo II".

Báo Phụ Nữ cũng đăng bài than phiền : "Tam Đảo II là dự án do một tập đoàn tư nhân - cụ thể là Sun Group - thực hiện, không phải dự án thuộc danh mục bí mật Nhà nước".

"Thế nhưng, việc tiếp cận ĐTM - một báo cáo mà lẽ ra phải được công khai - còn khó hơn cả việc tìm đường vào trong lõi rừng quốc gia".

Bà Nà 'bị phá'

Trong bài đăng ngày 30/9, báo Phụ Nữ phỏng vấn kiến trúc sư Hồ Duy Diệm - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị về bảo vệ pháp lý và môi trường, thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Ông Diệm nói : "Tại Bà Nà, họ san bằng đỉnh núi, xây bát nháo loạn lên, giờ lên đó làm chi thấy sương mù, khí hậu ôn đới nữa mà phải dùng cả quạt hơi nước để chống nóng ; cả khu vực này gọi chính xác là Bà Nà chợ búa chứ chẳng phải khu nghỉ dưỡng".

Một bài khác nói : "Người dân mô tả Bà Nà là "nhượng địa", khi được nghe công bố, chính quyền Đà Nẵng giao cho Sun Group quản lý con đường lên Bà Nà".

Tiếng nói ủng hộ Sun Group

Trên Facebook cũng xuất hiện các bài bày tỏ ủng hộ Sun Group.

Ông Phạm Dương Ngọc nhận định : "Các tập đoàn lớn như Vingroup, Sungroup, FLC, Flamingo... thực sự đã đánh thức "vẻ đẹp tiềm ẩn" của đất nước. Họ kiếm được rất nhiều tiền, nhưng họ đã đổ vào dải đất tiềm ẩn này có lẽ cũng đã đến trăm tỷ đô la.

Chúng ta, cần nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo, công tâm, đừng để biến thành một con cừu bị dắt mũi một cách ngu dốt".

*****************

Thủ tướng yêu cầu xử lý 21 lô đất ven biển Đà Nẵng do người Trung Quốc sở hữu (RFA, 30/09/2019)

Thủ tướng Việt Nam yêu cầu Chính quyền thành phố Đà Nẵng xử lý thông tin báo chí phản ánh có 21 lô đất ven biển do người Trung Quốc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

sun2

Thành phố Đà Nẵng. AFP

Truyền thông trong nước, vào ngày 30 tháng 9 cho biết tin vừa nêu, dẫn công văn số 8785/VPCP-NN do Văn phòng Chính phủ ban hành ghi rõ Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng xử lý đúng pháp luật 21 trường hợp người Trung Quốc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong số 246 lô đất dọc các khu đô thị ven biển thuộc khu vực sân bay Nước Mặn, quận Ngũ Hành Sơn.

Trước đó vào ngày 19 tháng 9, tại buổi tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14 của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường thành phố Đà Nẵng cho hay 21 trường hợp người Trung Quốc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ban đầu được cấp cho người Việt Nam, nhưng trong quá trình hợp tác làm ăn với nguời Trung Quốc và do người Trung Quốc góp vốn, có cổ phần nên họ được đứng tên.

Tại buổi tiếp xúc cử tri này, một cử tri lên tiếng cho rằng tình trạng người Trung Quốc mua đất ở Đà Nẵng là rất đáng lo ngại vì tạo ra cơn sốt đất và người dân không đủ khả năng mua đất.

Cũng liên quan đến lãnh vực đất đai, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh vừa ký thông báo Kết luận thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình liên quan hàng loạt sai phạm trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai và triển khai một số dự án lớn tại tỉnh Thái Bình.

Các dự án bị sai phạm bao gồm Dự án khu đô thị Tây Quốc lộ 10, huyện Đông Hưng ; Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng chợ Kỳ Bá, thành phố Thái Bình ; Dự án đầu tư xây dựng cụm dân cư và trung tâm thương mại tổ 34, phường Trần Lãm-thành phố Thái Bình cùng các dự án nhà ở xã hội trong tỉnh Thái Bình.

Nguyên nhân sai phạm trong các dự án này chủ yếu là do giao đất không qua đấu giá, kê khống quỹ đất và bị chậm tiến độ trong quá trình thực hiện dự án.

Với hàng loạt sai phạm nêu trên tại Thái Bình, mới đây Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch tỉnh Thái Bình tập trung xử lý, khắc phục những vi phạm và xử lý triệt để các vi phạm về đất đai. Đồng thời, Chủ tịch tỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện kết luận thanh tra trước ngày 31/12/2019.

Published in Việt Nam