Hứa Sài Gòn ‘sẽ không có biểu tình,’ Nguyễn Thiện Nhân bị chỉ trích ‘càng ngày càng bá láp’ (Người Việt, 27/04/2019)
Hôm 27/04/2019, tuy báo Thanh Niên đã gỡ bài về việc ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư Thành Ủy ở Sài Gòn, hứa với Bộ Chính Trị Đảng cộng sản Việt Nam rằng "sẽ không có biểu tình", nhưng ông này vẫn là tâm điểm bị giới trí thức và hoạt động chỉ trích.
Dân chúng biểu tình ở Sài Gòn hôm 10/06/2018 chống Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng. (Hình : Trương Duy Nhất)
Bài báo bị gỡ tiếp tục được đăng lại trên báo Tiếng Dân và một số trang khác, có nội dung : "Thành Ủy, Ủy Ban Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn yêu cầu Công An thành phố phối hợp với Bộ Tư Lệnh xây dựng phương án chống biểu tình, trong đó có phương án chống biểu tình bằng xe máy và đưa người từ các tỉnh về biểu tình… Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, chính quyền cần có phương án sẵn sàng ứng phó, truyền thông tiếp cận tuyên truyền người dân không tham gia biểu tình, tách những người dẫn dắt biểu tình và biện pháp xử lý…"
"Thành Ủy thống kê có khoảng 600 người dẫn đầu, dẫn dắt, tổ chức biểu tình để có phương án phụ trách từng người, khi có biểu hiện lôi kéo, tụ tập sẽ có biện pháp xử lý ngay. Những người kêu gọi ra đường biểu tình cũng sẽ bị chính quyền, đoàn thể nhắc nhở ngay. Ông Nhân cho biết, nhờ làm cách này nên thời gian gần đây những đối tượng tổ chức biểu tình không thể kêu gọi, tổ chức biểu tình được nữa. Từ Tháng Sáu, 2018 đến nay ở Sài Gòn không có biểu tình", theo Thanh Niên.
Thay cho bài báo bị gỡ vì gặp phải sự giận dữ của công luận, tờ báo này sau đó đăng một bài khác mang tính biện hộ : "Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, để không có những vụ tụ tập đông người, phải lo cho dân, an dân, làm cho người dân và doanh nghiệp hài lòng. Đối với những thông tin xuyên tạc, kích động, chống đối chế độ thì phải có thêm những biện pháp khác, như : thông tin chính xác về tình hình thực tế, phản bác thông tin bịa đặt, vu cáo ; chính sách đền bù tái định cư phải đúng pháp luật, đảm bảo lợi ích của dân ; chống tham nhũng ; tiếp thu ý kiến của nhân dân kể cả qua tin nhắn, hình ảnh…"
Luật Sư Lê Nguyễn Duy Hậu bình luận trên trang cá nhân : "Thật ra ông Nhân chỉ cần thêm ba từ ‘bất hợp pháp’ đằng sau từ ‘biểu tình’ thì phát ngôn của ông đỡ tào lao hơn rất nhiều. Bởi lẽ, Hiến Pháp Việt Nam đã quy định công dân có quyền biểu tình, do đó chuyện có biểu tình hay không không do ông Nhân hay chính quyền quyết định. Tia UV giờ cao lắm, không vì chính quyền tào lao thì chả ai điên mà ra đường biểu tình. Càng ngày càng ba láp".
Phát ngôn của Bí thư Nhân cho thấy biểu tình đang ngày càng trở thành nỗi ám ảnh "mất chế độ" của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Nhất là sau cuộc biểu tình rầm rộ tại các thành phố lớn hôm 10 Tháng Sáu, 2018 chống Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng. Do vậy mà hàng chục người tham gia sự kiện này đã bị phạt tù vì bị khép tội "dây rối trật tự công cộng".
Liên quan đến việc Luật Biểu Tình mãi không được đưa vào chương trình nghị sự tại Quốc hội cộng sản Việt Nam dù đây là quyền của người dân được quy định trong Hiến Pháp, báo Dân Việt hôm 10 Tháng Tư cho hay : "Dự Luật Biểu Tình đang được Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu lý luận, cơ sở pháp lý và tổ chức khảo sát thực tế tại các đơn vị, địa phương để nghiên cứu, xây dựng dự luật nhằm bảo đảm thực thi quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tránh các thế lực thù địch lợi dụng biểu tình để gây rối mất trật tự, chống phá đảng, nhà nước".
Phát ngôn mới nhất của ông Nhân lại khiến người dân Sài Gòn thêm một lần bất mãn về ông, người được bổ nhiệm làm bí thư ở Sài Gòn từ tháng 05/2017. Từ thời điểm đó đến nay, thực trạng ngập nước và kẹt xe không có gì tiến triển, nếu không muốn nói là ngày một tồi tệ thêm. Thay vì có những chỉ đạo thiết thực để cải thiện đời sống người dân thành phố và quan tâm đến những người yếu thế tại Vườn Rau Lộc Hưng, ông Nhân được ghi nhận thích tham gia các hoạt động "làm màu" trên mặt báo như "tạo dáng" tham gia dọn rác trên kênh Rạch Lăng để báo chí chụp hình. (T.K.)
*************
Đây được coi là một vụ đánh bạc qua mạng lớn nhất bị phá ở Việt Nam cho tới nay, theo AFP.
Cảnh sát Việt Nam hôm 28/4 khởi tố 24 người liên quan tới "đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên mạng Internet" thông qua trang web Fxx88.com.
Báo điện tử VnExpress đưa tin, 14 người, trong đó có một công dân Trung Quốc cư trú tại Việt Nam, bị truy tố "tội tổ chức đánh bạc".
Trong khi đó, 10 người khác bị khởi tố về "hành vi đánh bạc".
Báo chí trong nước dẫn lời cơ quan chức năng nói rằng trang web cá độ xxx88.com đã "thu hút hàng trăm nghìn tài khoản người chơi" với tổng số tiền giao dịch "ước tính 30.000 tỷ đồng (hơn một tỷ đôla Mỹ), thông qua 4.000 đại lý".
Theo VnExpress, "có người còn thuê công nhân, tài xế xe ôm đi mở tài khoản để sử dụng vào mục đích chuyển tiền, che giấu hành vi giao dịch cá độ bóng đá".
Thông tin về vụ truy tố này được công bố ít ngày sau khi một chánh thanh tra của Bộ Thông tin và Truyền thông bị bắt và truy tố vì tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" liên quan tới đường dây đánh bạc triệu đô bị phá năm 2018.