Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam nhập khẩu than đá để chạy nhà máy nhiệt điện (RFA, 20/10/2017)

Chỉ trong 9 tháng đầu năm Việt Nam đã chi ra đến 1 tỉ 30 ngàn đô la Mỹ để nhập khẩu than đá để dùng cho các nhà máy nhiệt điện.

moitruong1

Than đá đang được chuyển đến nhà máy nhiệt điện Ninh Bình. Ảnh chụp tháng 9/2007. AP

Than nhập khẩu của Việt Nam đến từ Indonesia, Nga, và Australia.

Việt Nam có một khu vực mỏ than lớn ở vùng Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, được khai thác từ thời Pháp thuộc. Than ở đây cũng được xuất khẩu nhưng ngày càng giảm, và theo các số liệu của Hải quan Việt Nam thì trong chín tháng đầu năm nay giá trị xuất khẩu than đá của Việt Nam chỉ có 207 triệu đô la Mỹ.

Hiện nay các khu vực có tiềm năng thủy điện của Việt Nam đã được khai thác phần lớn, các dự án điện hạt nhân lại bị hủy bỏ, nhà nước Việt Nam đang dự tính nguồn năng lượng tương lai bằng cách xây dựng các nhà máy điện chạy bằng than đá. Chỉ riêng ở khu vực Đông bằng Sông Cửu Long đã có đến 14 dự án nhà máy điện chạy than. Một số nhà máy khi hoàn thành đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ vì gây ô nhiễm môi trường như ở Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận, Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

******************

Đề nghị dìm bùn thải ở Vũng Tàu (RFA, 20/10/2017)

Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam đang xem xét cấp giấy phép cho Cục hàng hải Việt Nam thực hiện việc nhận chìm 900 ngàn mét khối bùn thải trên vùng biển Vũng Tàu.

moitruong2

Tàu đánh cá ngoài khơi Vũng Tàu. Ảnh chụp tháng 3/2006. AP

Báo chí Việt Nam loan tin này và nói rõ số bùn thải do nạo vét luồng lạch cho tàu biển di chuyển trên sông Thị Vải.

Tin cũng cho hay là từ trước tới nay bùn nạo vét như vậy đều được đổ ra biển. Sắp tới đây với việc tu sửa, nạo vét các luồng lạch cho tàu chạy vào các cảng khu vực Sài Gòn, sẽ có đến 6 triệu 830 ngàn mét khối bùn được dự kiến sẽ nhận chìm xuống biển.

Xin nhắc lại là cách đây vài tháng một kế hoạch dìm 1 triệu mét khối bùn nạo vét cảng Tuy Phong của các nhà máy nhiệt điện chạy than của tỉnh Bình Thuận, đã bị hủy bỏ vì bị dư luận và báo chí phản đối.

********************

Nhà máy giấy Lee & Man chính thức hoạt động (RFA, 20/10/2017)

Nhà máy giấy Lee & Man ở tỉnh Hậu Giang chính thức được Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam cho phép vận hành. Lý do được bộ này nêu ra là đáp ứng được những yêu cầu về môi trường của bộ này đề ra.

moitruong3

Lễ khởi công nhà máy giấy Lee & Man tại tỉnh Hậu Giang, ngày 29/3/2015. Photo courtesy of ricons.vn

Trong khi đó giới chuyên môn và người dân địa phương vẫn tỏ rõ quan ngại về tác động môi trường do nhà máy giấy được nói là lớn nhất khu vực này sẽ gây nên.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội nói rằng trong thời gian tới các cơ quan quản lý của nhà nước phải tăng cường giám sát không để xảy ra ô nhiễm rồi mới xử lý.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho rằng trong báo cáo sau chuyến đi thị sát của Bộ Tài nguyên và môi trường tại nhà máy này, ông không thấy nói rõ về việc xử lý chất thải rắn.

Ngoài ra còn một quan ngại nữa là nguồn nguyên liệu của nhà máy này là giấy phế thải nhập khẩu từ nước ngoài, cho nên phải được kiểm tra cẩn thận.

Nhà máy giấy Lee & Man do Trung Quốc đầu tư, đã bị dân chúng và Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam phản đối vào tháng Sáu năm ngoái khi bắt đầu tiến hành chạy thử, vì lo ngại gây ô nhiễm lớn cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Trong khi đó, tại một trại chăn nuôi heo tại xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận bị dân chúng địa phương biểu tình đòi ngừng hoạt động vì gây hôi thối mà theo lời người dân địa phương là không thể nào chịu đụng nổi..

Vào ngày 20 tháng 10, người dân tiếp tục chặn xe tải chở thức ăn cho heo không cho vào trang trại.

Những người biểu tình nói rằng mùi hôi thối bốc ra từ trại này làm cho họ rất khó chịu.

Đại diện của chính quyền huyện Ninh Phước đã đến yêu cầu chủ trang trại, trong vòng một tuần, phải "di dời" đàn heo và thực hiện đầy đủ các các công trình xử lý nước thải.

Tình trạng doanh nghiệp gây ô nhiễm khiến dân địa phương sống quanh nhà máy không chịu được phải tiến hành chặn không cho nhà máy tiếp tục hoạt động diễn ra tại nhiều nơi ở Việt Nam trong thời gian qua.

Một trường hợp gần nhất là ở xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương ; người dân lập lán chặn không cho nhà máy dệt Pacific Crystal tại khu công nghiệp Lai Vu tiếp tục sản xuất vì xả thải gây ô nhiễm nguồn nước địa phương. Thế nhưng lực lượng phối hợp đã đến giải tán và người dân nói họ bị đánh đập bởi cương quyết không để doanh nghiệp gây ô nhiễm hoạt động.

*****************

Gần 150 ngàn ca sốt xuất huyết với 30 người chết (RFA,20/10/2017)

moitruong4

Bệnh nhân sốt xuất huyết tại một bệnh viện tại hà Nội hôm 9/8/2017. Photo : AFP

Việt Nam ghi nhận có gần 150 ngàn ca sốt xuất huyết tính từ đầu năm 2017 đến giữa tháng 10, trong đó 84,5% ca bệnh phải nhập viện và 30 trường hợp đã tử vong.

Số liệu vừa nêu được Bộ Y Tế đưa ra tại buổi tập huấn công tác điều trị sốt xuất huyết và tay chân miệng cho 6 tỉnh khu vực miền Tây, diễn ra trong hai ngày 19 và 20 tháng 10.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê cho biết số ca sốt xuất huyết trong gần 10 tháng qua tăng cao do nhiều nguyên nhân, gây nên tình trạng bệnh viện quá tải. Ông Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh cần phải thực hiện và tuân thủ việc khám chữa bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng theo hướng dẫn của Bộ Y Tế ban hành.

Bộ Y Tế còn yêu cầu những "Nhóm điều trị sốt xuất huyết" trong các bệnh viện cần thiết duy trì hoạt động tích cực cũng như tư vấn và hỗ trợ cho bệnh nhân qua đường dây điện thoại nóng. Đồng thời, ngành y tế cũng khuyến khích người dân quan tâm và chú trọng trong việc phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Thủ đô Hà Nội trong mùa dịch sốt xuất huyết năm nay là một trong những địa phương bị dịch bệnh này hoành hành. Cả nước chỉ có tỉnh Hà Nam công bố dịch sốt xuất huyết vào đầu tháng 8 vừa qua.

Published in Việt Nam

Trong thời gian vừa qua, Hà Nội và nhiều địa phương đối mặt với dịch sốt xuất huyết với số ca nhiễm lớn, dẫn đến bệnh viện quá tải. Cho đến nay đã có hàng chục ca tử vong. Phóng viên RFA tại Việt Nam ghi nhận ý kiến của những người trong cuộc về dịch bệnh này năm nay.

sot1

Bệnh nhân sốt xuất huyết tại một bệnh viện tại hà Nội hôm 9/8/2017. AFP

Môi trường sống không được đảm bảo ?

Cho đến thời điểm phóng viên RFA làm phóng sự này, theo báo điện tử Zing news ngày 3/9/2017 cho biết : "Hơn 2 tuần qua, dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Hà Nội đã giảm khoảng 18%, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mạnh trở lại".

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, từ ngày 1/1 đến 2/9/2017, Hà Nội ghi nhận 24.264 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 711 ổ dịch bệnh còn lại, và 7 trường hợp tử vong. Các quận có số ca mắc cao là Hoàng Mai (3.756), Đống Đa (3.578), Hai Bà Trưng (2.164), Thanh Xuân (2.014).

Anh Nguyễn Anh Tuấn - một bệnh nhân sốt xuất huyết mới ra viện đánh giá về những con số này quả thực là quá nguy hiểm :

"Tôi có một câu hỏi mà tôi cảm thấy rất bức xúc tại sao giữa thành phố Hà Nội năm này qua năm nọ luôn có dịch, không dịch bệnh này thì dịch bệnh khác. Bệnh sốt xuất huyết này không phải là lần đầu tiên, nó là dịch bệnh tương đối phổ biến ở Hà Nội đến mức người dân quen dần đến việc năm nào cũng có dịch, đấy là điều tôi cho rằng khó chấp nhận, bới vì môi trường sống không được đảm bảo là điều không thể tạo ra sự yên tâm cho người dân sinh hoạt, làm việc và cư trú".

Tính trên cả nước, Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến ngày 10/8/2017, cả nước ghi nhận 80.555 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 24 trường hợp tử vong. Trong đó gần 70.000 trường hợp phải nhập viện điều trị. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc tăng 33,5%, số tử vong tăng 5 trường hợp. Trong đó, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 2 địa phương có số ca bệnh nhiều nhất.

Anh Nguyễn Anh Tuấn đánh giá về hệ thống chăm sóc y tế của Việt Nam còn nhiều thiếu sót trong việc phòng chống và cứu chữa dịch bệnh : "Không phải ai cũng đủ điều kiện để tiếp cận với dụng cụ y tế đảm bảo chất lượng. Đặc biệt chúng ta đều hiểu được dịch vụ bệnh viện công và trình độ chăm sóc cũng như điều kiện bệnh viện công của nhà nước cũng như các dịch vụ bảo hiểm xã hội y tế rất kém. Thì họ sẽ như thế nào ?".

Kể từ khi dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát, chính quyền thành phố Hà Nội đã chi hàng chục tỷ đồng cho việc dập tắt các ổ dịch, với sự hỗ trợ nguồn lực từ các tỉnh, thành lân cận. Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn đánh giá, các cơ quan y tế Việt Nam đã tận dụng mọi nguồn lực, tối đa khả năng trong công cuộc phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, nỗ lực của phía chính quyền vẫn còn điểm bị hạn chế :

"Nó là vấn đề muôn thuở, đó là vấn đề ngân sách, ngân sách để chi cho hoạt động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay đã được huy động tối đa từ con người lẫn ngân sách, tuy nhiên nếu nói rằng có thể làm tốt được nữa không và bị giới hạn bởi gì, thì nó bị giới hạn bởi nguồn lực ngân sách và con người".

Thuốc diệt muỗi không diệt được muỗi

sot2

Loại muỗi Aedes aegypti mang siêu vi trùng bệnh sốt xuất huyết - Photo courtesy cdc.org

Trong việc dập tắt dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay còn nổi lên một vấn đề nghiêm trọng khác, đó là thuốc diệt muỗi không diệt được muỗi và hàng giả xuất hiện tràn lan trên thị trường. Điều này cũng làm nhức nhối trong dư luận, tuy không bằng thuốc điều trị ung thư giả H-capita.

Theo ông Hoàng Đức Hạnh - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, các năm trước, Hà Nội chỉ ghi nhận 2 chủng virus D1, D2 nhưng năm nay xuất hiện thêm cả chủng D3, và D4 nguy hiểm hơn. Cùng với số ca nhiễm bệnh và số ca tử vọng như vậy, nhiều người dân và báo giới đặt ra vấn đề, tại sao chính quyền thành phố Hà Nội và nhiều địa phương chưa công bố dịch bệnh.

Còn dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn đánh giá, nếu chính quyền thành phố Hà Nội và nhiều địa phương khác, cũng như bộ y tế công bố dịch thì họ sẽ không vấp phải khó khăn về mặt nguồn lực ngân sách cho việc phòng, chống dịch bệnh :

"Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rằng, trong bối cảnh kinh tế đất nước khó khăn ngân sách quốc gia đang trong tình trạng rất eo hẹp và phải lo cho nhiều vấn đề của đất nước thì vấn đề cung cấp thêm nguồn lực cho ngành y tế để chống lại cơn dịch có lẽ cũng được cân nhắc rồi, tuy nhiên nếu công bố dịch thì bắt buộc phải hỗ trợ, bắt buộc phải chi thêm, tuy nhiễn đã không thể chi thêm. Mà nếu đã ra quyết định không chi thêm thì không công bố dịch. Tôi cho rằng nội tình nó nằm ở chỗ đó".

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - ông Hoàng Đức Hạnh, việc công bố dịch nhằm 2 mục đích là công khai để người dân biết và huy động nguồn lực để nhân dân chống dịch - cả 2 mục đích này chính quyền thành phố Hà Nội đã và đang làm.

Tuy nhiên, anh Nguyễn Anh Tuấn cũng như nhiều người dân cho rằng, để giải quyết dịch bệnh năm nay, việc công bố dịch là hoàn toàn cần thiết :

"Bởi vì tôi thấy phản ứng của họ là yếu ớt và không đem lại hiệu quả cũng như không thuyết phục được người dân, thì có thể công bố dịch và kêu gọi sự giúp đỡ từ các tổ chức y tế thế giới, các cơ quan nước ngoài, họ có đủ năng lực họ có thể tư vấn cũng như có thể đưa ra những giải pháp phù hợp hơn vì rõ ràng hiện nay nếu dựa vào năng lực của các cơ quan của Việt Nam người dân không cảm thấy không được bảo vệ, và không thỏa đáng, không rõ rệt trong các phản ứng cần thiết, sự mong đợi của người dân chưa được đáp ứng".

Cho đến nay, chính quyền và người dân đã nỗ lực trong việc phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết từ các gia đình, khu dân cư bằng việc dọn dẹp vệ sinh môi trường, dẹp bỏ các vật chứa nước đọng. Thêm vào đó, theo dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn, người dân cần thận trọng hơn trong việc chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và gia đình :

"Nếu như mà có sốt chẳng hạn, thay vì nghĩ là ốm thông thường như mọi khi, thì trong bối cảnh có đại dịch như thế này thì chúng ta hãy nghĩ đến dịch sốt xuất huyết để có cái ứng phó, ví dụ như có điều kiện thì có thể gọi dịch vụ xét máu xét nghiệm để kiểm tra xem có phải là bị sốt xuất huyết hay không ? Rồi mức độ sốt ở mức nhẹ hay là nặng mà phải vào bệnh viện. còn ở hoàn cảnh điều kiện khó khăn hơn thì có thể vào những sơ y tế địa phương để điều tra".

Có thể nói rằng, trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh là của toàn xã hội, trong đó vai trò của chính quyền rất quan trọng. Người dân vẫn mong đợi những kế hoạch ứng phó hiệu quả lâu dài từ phía bộ Y tế, để không còn dịch bệnh này diễn ra hàng năm.

RFA tiếng Việt 

Published in Việt Nam

Dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh ở Việt Nam (RFA, 07/08/2017)

Số bệnh nhân tử vong vì sốt xuất huyết ở Việt Nam tính đến nay là 19 người ; ngoài ra thống kê cho thấy có hơn 71.000 người mắc bệnh trên toàn quốc, trong đó trên 60.000 ca nhập viện.

sot1

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết trong một phòng thí nghiệm. AFP

Nguồn tin trên báo chí trong nước cho thấy để đối phó với dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh, bác sĩ phải túc trực tại bệnh viện và làm việc ngoài giờ mà không có ngày nghỉ phép.

Tin nói hiện tại mỗi ngày bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội tiếp nhận trung bình cả ngàn bệnh nhân sốt xuất huyết, mọi nỗ lực và phương tiện đều dồn cho Khoa Truyền Nhiễm nhằm hỗ trợ việc chuyên trị sốt xuất huyết ở đây được tốt hơn.

Tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung Ương, cũng là nơi tiếp nhận cả ngàn ca khám và chữa bệnh mỗi ngày, nhân viên y tế phải làm việc 24/24 để phục vụ người bệnh.

*******************

Mưa lũ vùng Bắc Bộ : hàng chục người chết và thương vong (RFA, 07/08/2017)

Có đến 68 người mất tích và thương vong trong đợt mưa lũ xảy ra trong tuần đầu tiên, từ ngày 1 đến ngày 6 của tháng 8, tại 3 tỉnh Điện Biên, Sơn La và Cao Bằng.

sot2

Thị trấn Mù Cang Chải, Yên Bái trong đợt lũ từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8 năm 2017. Courtesy : yenbai.gov.vn

Số liệu vừa nêu được Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết vào ngày 7 tháng 8.

Theo đó, đợt mưa lũ còn làm cho hơn 650 căn nhà bị cuốn trôi và sập đổ hoàn toàn, gần 340 héc-ta lúa bị vùi lấp, 145 công trình thủy lợi bị hư hỏng và mưa lũ còn làm sạt lở hơn 25 ngàn m2 đường quốc lộ cùng xấp xỉ 120 ngàn m2 đường thuộc phạm vi tỉnh và huyện.

Tổng thiệt hại vật chất do mưa lũ gây ra ở 3 tỉnh vùng núi phía Bắc ước tính trên 940 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy lợi, thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho biết hiện có 809 hồ chứa thủy điện nhỏ ở Bắc Bộ đã đầy nước, các hồ chứa vừa và lớn từ khu vực Bắc Bộ kéo dài đến Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đều ở mức cao, chiếm 75% dung tích thiết kế.

Tất cả các hồ chứa thủy điện đang đóng toàn bộ các cửa xả đáy. Đồng thời, các hồ chứa nhỏ được địa phương quản lý và trực 24/24.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đưa ra số liệu từ đầu năm 2017 đến nay, thiên tai gây ra tổng cộng 106 người thiệt mạng và mất tích, làm thiệt hại vật chất ước tính trên 5.000 tỷ đồng.

Published in Việt Nam